Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1971/QĐ-UBND | Gia Nghĩa, ngày 31 tháng 12 năm 2008 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Nghị định số 124/2007/NĐ-CP, ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý Vật liệu xây dựng;
Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 732/SXD-KTKH ngày 24/12/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đăk Nông đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phát triển sản xuất VLXD trong tỉnh phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch các ngành, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh.
2. Phát triển sản xuất VLXD phải gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và an ninh quốc phòng.
3. Phát triển sản xuất VLXD trên cơ sở khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, lao động trên địa bàn tỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế để sản xuất VLXD chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.
4. Phát triển đa dạng các chủng loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu cho xây dựng các công trình của nhà nước và nhân dân trong tỉnh. Chú trọng phát triển một số chủng loại có thế mạnh như gạch nung và không nung, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông và các loại VLXD cho nông thôn, đồng thời quan tâm tới phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh trên thị trường để có thể xuất ra ngoài tỉnh như gạch terrazzo, ngói không nung, cao lanh.
5. Đầu tư phát triển sản xuất VLXD với các loại quy mô vừa và nhỏ, sử dụng các cấp công nghệ và thiết bị phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ để đạt hiệu quả trong quá trình đầu tư, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành sản xuất VLXD.
6. Phân bố các cơ sở sản xuất VLXD phải gắn với thị trường, gần nguồn nguyên liệu và có điều kiện giao thông vận tải thuận lợi, nhất là các loại vật liệu thô như gạch, đá, cát… để tránh vận chuyển đi xa. Quan tâm đúng mức tới phát triển các loại VLXD rẻ tiền, vật liệu tại chỗ để xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc ít người, đường giao thông tại các huyện trong tỉnh đặc biệt các huyện ở xa.
7. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất để thu hút vốn đầu tư, chống độc quyền, để kích thích cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và lưu thông phân phối VLXD. Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất kết hợp với nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các hộ cá thể, các tổ hợp sản xuất, các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ nhằm giúp cho các thành phần kinh tế này, hùn vốn đầu tư mở rộng sản xuất bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến, để quản lý tốt về tài nguyên, khối lượng, chất lượng và giá cả sản phẩm.
1. Phát triển sản xuất VLXD tỉnh Đăk Nông nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD và nguồn lao động tại chỗ, nâng cao chất lượng và sản lượng một số chủng loại VLXD hiện có và đầu tư sản xuất một số chủng loại vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu VLXD ngày càng tăng ở trong tỉnh và cung ứng ra các vùng lân cận.
2. Phát triển sản xuất VLXD nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng.
3. Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
III. Phương hướng quy hoạch phát triển các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng:
1. Vật liệu xây
1.1. Phương hướng phát triển:
- Phát triển các cơ sở sản xuất gạch nung với quy mô vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất tiên tiến, chất lượng sản phẩm cao, tiêu hao nguyên, nhiên liệu thấp để dần thay thế các cơ sở sản xuất thủ công.
- Tận dụng tiềm năng về nguồn đá mạt thải, nguồn cát và nguồn đá bazan bọt để phát triển sản xuất gạch không nung, sản phẩm có kích thước phù hợp để thay thế một phần gạch nung, đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu vực nông thôn miền núi. Đưa tỷ lệ gạch không nung trong tổng sản lượng gạch xây là 13% vào năm 2010, 17% vào năm 2015, 25% vào năm 2020.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất gạch nung thủ công, hướng dẫn và khuyến khích các hộ tư nhân liên doanh liên kết thành lập công ty cổ phần góp vốn mở rộng sản xuất chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến hơn (lò tuy nen hoặc lò đứng liên tục). Tiến độ chuyển đổi như sau:
+ Giai đoạn 2008 - 2010: Chuyển đổi 30%
+ Giai đoạn 2011 - 2015: Chuyển đổi 50%
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Chuyển đổi 20%
- Khai thác đất làm gạch phải tuân theo Luật khoáng sản và thủ tục cấp phép theo quy định. Chủ yếu là khai thác đất đồi, không khai thác đất ruộng, ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp.
1.2. Phương án cụ thể:
- Từ nay đến năm 2020 đầu tư 7 dây chuyền sản xuất gạch nung tuy nen:
+ Tại địa bàn huyện Cư Jút 03 dây chuyền: mỗi dây chuyền công suất 20 triệu viên/năm.
+ Tại địa bàn thị xã Gia Nghĩa 02 dây chuyền công suất 40 triệu viên/năm.
+ Tại địa bàn huyện Đăk Glong 01 dây chuyền công suất 20 triệu viên/năm.
+ Tại huyện Krông Nô 01 dây chuyền công suất 20 triệu viên/năm.
- Đầu tư 6 dây chuyền gạch lò đứng liên tục tại:
+ Huyện Krông Nô 04 dây chuyền, mỗi dây chuyền công suất khoảng 10 triệu viên/năm: 01 ở xã Buôn Choah; 01 xã Quảng Phú và 02 xã Đức.
+ Huyện Đăk Mil 01 dây chuyền công suất 10 triệu viên/năm.
+ Huyện Tuy Đức 01 dây chuyền công suất 10 triệu viên/năm.
- Đầu tư chiều sâu, huy động sản xuất để dây chuyền sản xuất gạch tuy nen ở Công ty cổ phần VLXD Đăk Nông đạt sản lượng 40 triệu viên/năm.
- Duy trì 2 cơ sở sản xuất gạch bloc tại huyện Đăk Song, Tuy Đức để huy động thêm vật liệu xây hàng năm khoảng 5 triệu viên quy ra viên tiêu chuẩn.
- Duy trì sản xuất đá chẻ tại các huyện.
- Đầu tư 1 dây chuyền gạch bloc 10 triệu viên/năm trên địa bàn huyện Đắk R'Lấp.
- Đầu tư 01 nhà máy gạch không nung chất lượng cao, công suất 20 triệu viên/năm tại địa bàn huyện Đăk Glong.
- Đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung quy mô 1,5 triệu viên/năm tại các huyện có nhiều mỏ đá đang khai thác làm đá xây dựng, tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, tại các hộ gia đình.
- Đến năm 2020, xoá bỏ toàn bộ các lò đứng nung gạch thủ công.
Từ nay đến năm 2020 năng lực sản xuất vật liệu xây của tỉnh Đăk Nông như sau:
Đơn vị tính: triệu viên
Loại vật liệu xây | Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
Gạch tuy nen | 90 | 170 | 180 |
Gạch lò đứng liên tục |
| 20 | 70 |
Gạch thủ công | 60 | 8 |
|
Gạch không nung | 5 | 17 | 59 |
Đá chẻ | 15 | 15 | 25 |
Tổng cộng | 170 | 230 | 334 |
2. Vật liệu lợp
2.1. Phương hướng phát triển sản xuất vật liệu lợp như sau:
- Duy trì các cơ sở sản xuất tôn lợp, phát huy hết công suất với tổng sản lượng 1,2 triệu m2/năm.
- Phát triển sản xuất ngói không nung trên cơ sở nguyên liệu cát, xi măng, bột màu và phụ gia.
2.2. Phương án cụ thể:
- Đầu tư 5 cơ sở sản xuất ngói xi măng - cát tại 5 huyện: Krông Nô, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk GLong và Tuy Đức, mỗi huyện 1 dây chuyền, công suất mỗi dây chuyền 36.000 m2/năm.
- Đầu tư 1 cơ sở sản xuất ngói xi măng - cát chất lượng cao, công suất 200.000 m2/năm vào giai đoạn 2016 - 2020, tại khu công nghiệp Nhân Cơ - huyện Đăk R'Lấp
Đầu tư phát triển loại ngói lợp này sẽ góp phần cung ứng vật liệu lợp tại chỗ cho nhân dân, thay thế được ngói nung đưa từ các tỉnh khác về.
Từ nay đến năm 2020, năng lực sản xuất vật liệu lợp toàn tỉnh như sau:
Đơn vị: 1000 m2
| Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
- Tôn lợp | 1.200 | 1.200 | 1.200 |
- Ngói xi măng cát | 108 | 180 | 380 |
Tổng cộng | 1.308 | 1.380 | 1.580 |
3. Đá xây dựng
3.1. Phương hướng phát triển:
- Đầu tư chiều sâu để đồng bộ các dây chuyền nghiền sàng đá, có mức độ cơ giới hoá cao đối với các cơ sở có quy mô lớn đã được cấp phép khai thác tại một số khu vực có trữ lượng đá lớn và có khả năng mở rộng mỏ, nhằm phát huy hết công suất thiết kế, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý về kỹ thuật khai thác, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hoàn nguyên đất đai sau khai thác. Ban hành các văn bản pháp quy, các quy định về quản lý tài nguyên, về đăng kí kinh doanh hành nghề. Kiên quyết xoá bỏ các hoạt động khai thác trái phép, khai thác tuỳ tiện gây hậu quả nghiêm trọng. Các đơn vị khai thác phải chịu sự quản lý của các cấp ngành hoặc các cấp huyện, xã trực tiếp quản lý.
- Tổ chức xắp xếp lại các cơ sở khai thác chế biến đá hiện có. Xoá bỏ các hộ cá thể và các doanh nghiệp tư nhân khai thác chế biến đá thủ công tại các huyện chưa được cấp phép.
- Các cơ sở khai thác chế biến đá xây dựng phải có phương án sử dụng đá mạt thải và hàng năm phải hoàn nguyên đất đai sau khai thác.
- Sở Tài nguyên Môi trường cần tổ chức kiểm tra để đánh giá hoạt động khai thác của các đơn vị để có cơ sở cấp phép lại, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp tục hoạt động để cung cấp đá xây dựng cho địa phương và khu vực lân cận. Không cấp phép cho các cơ sở khai thác thủ công.
3.2. Phương án cụ thể:
- Từ nay đến năm 2010, duy trì sản xuất đối với các doanh nghiệp đang khai thác chế biến đá đã được cấp phép và đưa vào hoạt động đối với các cơ sở mới được cấp phép năm 2008 trên địa bàn các huyện, thị.
- Dựa vào tiềm năng tài nguyên đá và điều kiện giao thông, điều kiện khai thác tại một số khu vực, dự kiến đầu tư chiêu sâu, đầu tư mở rộng để tăng năng lực khai thác chế biến đá xây dựng tại một số khu vực sau:
- Mỏ đá ba zan Hố kè - xã Đăk R'Moan - thị xã Gia Nghĩa
- Mỏ đá thôn Tân Hiệp - xã Đăk R'Moan - thị xã Gia Nghĩa
- Mỏ đá thôn 7 - xã Đăk R'Moan - Thị xã Gia Nghĩa
- Mỏ đá tại xã Đăk Buk So - huyện Tuy Đức
- Mỏ đá Đăk Toil - huyện Đăk Song
- Mỏ đá Quảng Tín - xã Quảng Tín - huyện Đăk R'Lấp
- Mỏ Đô Ry và Đăk Lao - huyện Đăk Mil
Với sự đầu tư mở rộng khai thác đá xây dựng, sẽ nâng năng lực khai thác chế biến đá tại các huyện như sau:
Năm 2010 Năm 2015 Năm 2020
+ Thị xã Gia Nghĩa: 700.000 700.000 800.000
+ Huyện Krông Nô: 175.000 200.000 400.000
+ Huyện Cư Jút: 90.000 90.000 100.000
+ Huyện Đăk Mil: 100.000 100.000 200.000
+ Huyện Đăk Song : 123.000 123.000 200.000
+ Huyện Tuy Đức: 100.000 100.000 200.000
+ Huyện Đăk R'Lấp: 215.000 215.000 300.000
+ Huyện Đăk Glong: 175.000 200.000 250.000
Tổng cộng 1678.000 1.728.000 2.450.000
4. Cát xây dựng
4.1. Định hướng phát triển khai thác cát ở Đăk Nông từ nay đến năm 2020 như sau:
- Đẩy mạnh khai thác cát trên sông Krông Nô, sông Đồng Nai, và một số suối để đáp ứng nhu cầu cát xây và cát đổ bê tông trong toàn tỉnh, trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác cát lòng sông, khai thác đúng quy hoạch và đúng quy trình. Tận dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của tỉnh, song phải gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, khống chế phạm vi và độ sâu khai thác để không gây sạt lở, đảm bảo an toàn cầu và các công trình thuỷ lợi trên sông và không làm ảnh hưởng đến dòng chảy.
- Nghiên cứu đầu tư khai thác cát lòng hồ thủy điện. Việc xây dựng các hồ thuỷ điện, sẽ có một lượng cát tích tụ trong lòng hồ.
- Để giải quyết việc thiếu hụt cát trong các giai đoạn sau, đầu tư xây dựng các cơ sở nghiền cát từ đá granit và đá bazan để thay thế một phần cát sông.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng khai thác cát trên cơ sở tập hợp các hộ cá thể thành lập các cơ sở khai thác cát xây dựng có các bãi chứa cát tập trung, cũng là đầu mối thu mua cung ứng cát để hạn chế tình trạng khai thác manh mún, phân tán, nâng cao sản lượng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức quản lý khai thác theo quy hoạch của các cấp ngành và chính quyền địa phương, nhằm bảo vệ tài nguyên, bảo vệ các công trình xây dựng, giao thông, thuỷ lợi. Đồng thời huy động được nguồn vốn trong dân để đầu tư phương tiện, thiết bị khai thác, cải tạo bến bãi, đường giao thông.
- Chấm dứt tình trạng khai thác trái phép của các tổ chức và hộ cá thể không có chức năng khai thác và kinh doanh cát. Các đơn vị khai thác cát cần đầu tư nâng cao năng lực khai thác cát, tăng cường phổ biến thông tin thị trường và điều phối thị trường giữa các đơn vị khai thác, tránh tình trạng tranh mua tranh bán cũng như thống nhất về giá cả sản phẩm trong từng thời kỳ.
4.2. Phương án cụ thể:
- Đầu tư tăng cường phương tiện khai thác, bốc xúc và vận chuyển bằng cơ giới để phát huy năng lực của các cơ sở khai thác hiện có đã được cấp phép, đạt sản lượng 1 triệu m3/năm vào năm 2010.
- Nghiêm cấm khai thác đối với tất cả các cơ sở khai thác không có giấy phép.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng khai thác hộ cá thể trên cơ sở thành lập một số doanh nghiệp khai thác cát xây dựng tập trung có đăng ký hành nghề và xin cấp phép khai thác, đầu tư xây dựng mở rộng bến bãi tập trung, đường giao thông.
+ Tại xã Quảng Phú - huyện Krông Nô: Thành lập 1 doanh nghiệp trên cơ sở tập hợp 3 hộ cá thể , năng lực khai thác 50.000 m3/năm.
+ Tại xã Buôn Chóah - huyện Krông Nô: Thành lập 1 doanh nghiệp khai thác trên cơ sở tập hợp 5 hộ cá thể. Năng lực khai thác 100.000 m3/năm
- Hình thành 1 cơ sở khai thác cát trên sông Sêrêpôc tại huyện Cư Jút, năng lực khai thác 25.000 m3 năm 2015 và nâng lên 50.000 m3 vào năm 2020.
- Đầu tư 3 cơ sở cát nghiền tại:
+ Xã Đăk R'Moan - thị xã Gia Nghĩa: 100.000 m3/năm
+ Xã Đăk R'Tih - huyện Tuy Đức: 100.000 m3/năm
+ Xã Đăk Lao - huyện Đăk Mil: 100.000 m3/năm
- Đầu tư khai thác cát tại các lòng hồ thuỷ điện. Việc khai thác cát lòng hồ thuỷ điện phải có phương án, quy trình, quy phạm khai thác thống nhất giữa chủ khai thác và ban quản lý hồ thuỷ điện để việc khai thác cát không ảnh hưởng đến sự vận hành nhà máy thuỷ điện.
- Dựa vào nguồn tài nguyên cát được phép khai thác và khả năng tiêu thụ của thị trường, tiếp tục mở rộng khai thác, tăng năng lực khai thác cát của các doanh nghiệp. Đưa năng lực khai thác cát của các huyện đến năm 2020 như sau: m3
Năm 2010 Năm 2015 Năm 2020
+ Huyện Krông Nô: 1.110.000 1.000.000 1.050.000
+ Thị xã Gia Nghĩa: 10.000 10.000 20.000
+ Huyện Đăk RLấp: 40.000 50.000 100.000
+ Huyện Đăk GLong: 40.000 50.000 100.000
+ Huyện Đăk Song: 65.000 70.000 100.000
+ Huyện Cư Jút: 25.000 50.000
+ Huyện Tuy Đức: 50.000 100.000
Tổng cộng: 1.265.000 1.255.000 1.520.000
5. Vật liệu trang trí hoàn thiện
- Không đầu tư các cơ sở sản xuất gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu các loại vật liệu này sẽ được cung ứng từ các tỉnh khác.
- Duy trì sản xuất, phát huy hết công suất 2 cơ sở sản xuất gạch lát bê tông màu hiện có.
- Tại Đăk Nông có một số mỏ đá ba zan dạng khối đặc sít tại huyện Đăk R'Lấp, Tuy Đức, Đăk Mil và Krông Nô, có thể khai thác làm các loại đá trang trí để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Dự kiến đầu tư một số cơ sở khai thác chế biến như sau:
+ Hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đá ốp lát của Công ty cổ phần Phú Tài và đưa vào sản xuất tại Thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R'Lấp. Công suất 240.000 m2/năm
+ Đầu tư 1 cơ sở chế biến đá bazan, granit xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, công suất 120.000 m2/năm tại xã Đăk R'Tih - huyện Tuy Đức.
+ Đầu tư 1 cơ sở chế biến đá bazan cây xuất khẩu, công suất 24.000 m2/năm tại Cụm công nghiệp Thuận An - huyện Đăk Mil.
- Đầu tư 1 dây chuyền gạch lát bê tông màu, gồm các loại gạch lát vỉa hè chất lượng cao, như gạch con sâu, gạch hoa thị, gạch 6 cạnh và 8 cạnh tại KCN Tâm Thắng - huyện Cư Jút. Công suất: 50.000 m2/năm
- Đầu tư 1 cơ sở sản xuất tấm nhựa ốp trần và tường tại Cụm công nghiệp Đăk Ha - huyện Đăk GLong. Công suất: 360.000 m2/năm
- Đầu tư 1 cơ sở sản xuất tấm xi măng cốt sợi gỗ tại KCN Nhân Cơ - huyện Đăk R'Lấp. Công suất: 15.000 m3/năm 2015 và nâng lên 30.000 m2/năm 2020 - Đầu tư 1 cơ sở sản xuất gạch terrazzo với các sản phẩm gạch lát ngoài trời chất lượng cao như lát sân chơi, lát hè, các trung tâm văn hoá, quảng trường tại Khu công nghiệp Tâm Thắng - huyện Cư Jút. Công suất 150.000 m2/năm.
6. Xi măng
Dựa trên nguồn đá bazan bọt có chất lượng tốt, có thể làm phụ gia cho sản xuất xi măng, dự kiến đầu tư cơ sở nghiền xi măng - puzơlan quy mô công suất khoảng 800.000 tấn/năm (Xi măng 600.000 tấn/năm - puzơlan 200.000 tấn/năm) vào giai đoạn 2008 - 2010 để đáp ứng cho nhu cầu trên địa bàn và các vùng lân cận, dự kiến nâng công suất sau năm 2015. Địa điểm của cơ sở nghiền đặt tại huyện Đăk Glong.
Để đảm bảo nguồn clanhke cung ứng cho sản xuất, cơ sở nghiền xi măng có thể liên kết với nhà máy xi măng Bình Phước và các vùng lân cận.
7. Bê tông
- Hoàn thành đầu tư nhà máy sản xuất trụ bê tông và cấu kiện bê tông công suất 6.000 SP/năm tại Khu công nghiệp Tâm Thắng - huyện Cư Jút.
- Đến năm 2010 phát huy hết công suất dây chuyền sản xuất bê tông li tâm của 2 cơ sở hiện có.
- Đến năm 2020 mở rộng nâng công suất Công ty cổ phần bê tông Đăk Nông lên 10.000 m3/năm vào năm 2015 và 15.000 m3/năm vào năm 2020. Đa dạng hoá sản phẩm như các sản phẩm bê tông cấu kiện, pa nen, các loại tấm bó vỉa hè…
- Đầu tư sản xuất bê tông thương phẩm 40 m3/h; bê tông li tâm và cấu kiện bê tông đúc sẵn công suất 200 tấn sản phẩm/năm, trên địa bàn huyện Đăk Glong và Đăk Rlấp.
8. Khai thác chế biến nguyên liệu
- Duy trì khai thác chế biến của 2 cơ sở hiện có để cung cấp phụ gia cho các nhà máy thuỷ điện đang thi công.
- Tiếp tục nghiên cứu thăm dò mở rộng ra toàn bộ khu vực 50 ha của mỏ ba zan bọt xã Quảng Phú - huyện Krông Nô để có điều kiện ứng dụng triển khai công nghệ khai thác theo quy mô công nghiệp.
- Đầu tư chiều sâu, nâng tổng công suất khai thác chế biến của 2 cơ sở hiện có lên 600.000 tấn/năm vào năm 2015.
- Đầu tư mới 1 cơ sở khai thác chế biến phụ gia puzolan công suất 100.000 tấn/năm tại xã Thuận An - huyện Đăk Mil vào giai đoạn 2011 - 2015.
* Cao lanh:
Từ nay đến năm 2010 sẽ tiến hành đầu tư thăm dò nghiên cứu tỉ mỉ đối với các mỏ cao lanh trên địa bàn để đánh giá được chất lượng và trữ lượng mỏ. Trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khảo sát, nếu các mỏ cao lanh đạt được những yêu cầu cần thiết cho khai thác chế biến cao lanh phục vụ cho các ngành công nghiệp, dự kiến sau năm 2010 sẽ đầu tư cơ sở khai thác chế biến cao lanh tại xã Đăk Ha hoặc xã Quảng Sơn - huyện Đăk G'Long. Công suất: 30.000 tấn/năm.
IV. Những giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch:
1. Giải quyết nguồn vốn đầu tư
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong tỉnh. Cần tạo điều kiện để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất VLXD, có chính sách khuyến khích tư nhân bỏ vốn đầu tư, liên doanh với nước ngoài hoặc tiếp nhận kỹ thuật cao trong nước để tổ chức sản xuất.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức hợp tác, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Các ngân hàng cần tạo điều kiện, ưu tiên cho vay nguồn vốn tín dụng, lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất VLXD có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như gạch tuy nen, gạch không nung, ngói không nung, gạch lát bê tông, đá xây dựng… có thể và đủ khả năng thu hồi vốn. Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp. Tỉnh cần hỗ trợ để các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng cho các dự án để có thể huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cần tranh thủ tối đa nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng công trình cấp thoát nước, mở rộng mạng lưới giao thông, mạng lưới điện… để đầu tư ngoài hàng rào cho các nhà máy sản xuất VLXD.
2. Chuẩn bị các điều kiện để kêu gọi đầu tư và điều tra cơ bản
Trước mắt, tỉnh cần chủ động chuẩn bị báo cáo đầu tư, trong đó có đánh giá tài nguyên, lựa chọn địa điểm cho các công trình sản xuất VLXD đã được quy hoạch, xác định một số yếu tố về thị trường… có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư như: đơn giản hoá thủ tục, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư ngoài hàng rào nhà máy như giao thông, điện, ưu đãi đầu tư theo pháp luật. Đồng thời cần tìm và sớm xác định các chủ đầu tư để họ đứng ra khảo sát thị trường, khảo sát thăm dò tài nguyên và những công việc cần thiết ban đầu.
Các đơn vị đang sản xuất VLXD cần phải xúc tiến việc tìm kiếm, khảo sát thăm dò bổ sung các nguồn nguyên liệu đang được khai thác sử dụng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Trước mắt tập trung khảo sát các khu vực nguyên liệu đất sét gạch ngói, cao lanh, ba zan bọt, đá cát xây dựng… cho sản xuất gạch ngói nung, đá, cát xây dựng, khai thác chế biến nguyên liệu.
Nâng cấp các tuyến đường giao thông vào các khu mỏ khoáng sản được khai thác làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD, đường ra vào các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất VLXD, các đường vào các bãi tập kết cát.
3. Phát triển nguồn nhân lực kết hợp với phát triển khoa học công nghệ
Trong thời gian tới, tỉnh cần có kế hoạch đào tạo lực lượng lao động một cách thiết thực phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Kết hợp đào tạo ngành nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, phẩm chất lao động, đạo đức xã hội để chính những người lao động và những sản phẩm họ làm ra có thể hội nhập được với nền kinh tế chung của cả nước.
Để đáp ứng kịp thời với đòi hỏi của sản xuất VLXD, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng tại chỗ ở các cơ sở sản xuất để nâng cao trình độ kỹ thuật và tay nghề cho công nhân. Khuyến khích phát triển tài năng trẻ, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ KHKT hiện có, tạo điều kiện cho họ thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các cán bộ KHKT có trình độ cao và lực lượng lao động có tay nghề giỏi từ các địa phương khác tới làm việc. Đồng thời có chính sách khuyến khích các học sinh trong tỉnh theo học các ngành nghề về sản xuất VLXD bằng cách hỗ trợ kinh phí học tập cho các em nghèo và tiếp nhận sinh viên, học sinh khi ra trường vào các cơ sở sản xuất VLXD.
Các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất VLXD cần tập trung cải tiến các khâu cơ bản trong dây chuyền sản xuất, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường, từng bước chuyển đổi sang công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để kịp thời hoà nhập với trình độ khoa học kỹ thuật cao và tránh bị tụt hậu.
4. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước
- Sau khi quy hoạch được phê duyệt cần phải phổ biến rộng rãi cho các ngành, các cấp chính quyền, các tổng công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên và đầu tư nhà máy sản xuất phải theo đúng quy hoạch.
- Việc quản lý đầu tư và sản xuất VLXD cần tập trung vào một đầu mối là Sở xây dựng và có sự phân cấp rõ ràng cho các cấp quản lý huyện, xã theo quy mô để quản lý chặt chẽ mọi hoạt động sản xuất VLXD. Đối với tất cả các dự án mới đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng và được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Các dự án phải trình các biện pháp xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và cam kết thực hiện. Cần xem xét và phê duyệt có chọn lọc các công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp vào các khu công nghiệp mới hình thành.
- Trong thời gian tới tỉnh cần phải nghiên cứu các cơ chế chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXD, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về mọi mặt kể cả năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, nghĩa vụ của các cơ sở sản xuất kinh doanh đối với xã hội và người tiêu dùng theo đúng luật định của nhà nước. Bổ sung thêm lực lượng cán bộ chuyên ngành quản lý khai thác và sản xuất VLXD tại các cấp huyện, xã và ngay cả tại cơ quan cấp tỉnh.
5. Mở rộng và phát triển thị trường
Mở rộng thị trường tạo điều kiện cho sản xuất VLXD phát triển bằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh và tự bản thân hoạt động của các doanh nghiệp.
+ Tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để cập nhật thông tin và quảng bá những sản phẩm của mình, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ.
+ Tỉnh cần thành lập Trung tâm hỗ trợ và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tự mở rộng hệ thống tiếp thị để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, có cơ chế khuyến khích môi giới bán hàng và thực hiện các nhiệm vụ hậu mãi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
6. Tổ chức thực hiện
Để thực hiện quy hoạch có hiệu quả, phải có sự thống nhất, phối hợp thực hiện giữa các cấp chính quyền tỉnh, các Sở ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
6.1. Sở Xây dựng:
- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở Xây dựng tổ chức công bố rộng rãi cho các ngành, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, quản lý và chuẩn bị lực lượng tham gia đầu tư phát triển sản xuất VLXD. Quy hoạch phát triển VLXD sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch 5 năm, hàng năm và lập các chương trình, dự án cụ thể để đưa vào thực hiện trong các kế hoạch.
- Tổ chức quản lý chặt chẽ việc đầu tư sản xuất VLXD nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định hiện hành.
- Phối hợp với các huyện, tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác đá, cát, sản xuất gạch thủ công, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở liên doanh, liên kết đầu tư chuyển đổi công nghệ và thiết bị tiên tiến.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra để nắm vững tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.
- Xây dựng điều lệ, chế độ chính sách liên quan tới sản xuất và kinh doanh VLXD, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXD đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội.
6.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Triển khai công tác điều tra, đánh giá thăm dò khoáng sản làm VLXD, cụ thể đánh giá về chất lượng, trữ lượng đối với một số mỏ khoáng sản có khả năng mang lại hiệu quả cao như cao lanh, ba zan bọt, đất sét làm gạch…
- Tổ chức điều tra, đánh giá về phân bố và trữ lượng các khu vực cát trên các sông Krông Nô, Sêrêpốc, sông Đồng Nai… để quy hoạch các khu vực khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng và sản xuất gạch ngói không nung.
- Phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sản xuất VLXD trên địa bàn nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm theo đúng pháp luật.
- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc rà soát các cơ sở sản xuất và khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD gây ô nhiểm môi trường để kiến nghị UBND tỉnh xử lý.
6.3. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Thường xuyên tổ chức việc kiểm tra máy móc, thiết bị, các dây chuyền công nghệ đang hoạt động trên địa bàn.
- Tổ chức chứng nhận về công nghệ các dự án đầu tư phát triển VLXD mới, đảm bảo công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường.
- Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật để giới thiệu và phổ biến những công nghệ hiện đại trong nước và thế giới.
- Lập chương trình khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu sang công nghệ tiên tiến, hiện đại.
- Tuyên truyền, quảng cáo, khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
6.4. UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa:
- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động; giải quyết theo thẩm quyền, thủ tục cho thuê đất, giao đất, sử dụng cơ sở hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản tại địa phương. Xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Có trách nhiệm quản lý, theo dõi thống kê về hoạt động của các doanh nghiệp khai thác và sản xuất VLXD trên địa bàn, hàng quý gửi báo cáo về Sở Xây dựng và các Sở ngành liên quan.
6.5. UBND các xã, phường, thị trấn:
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ sở khai thác, sản xuất VLXD; Cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đình chỉ, giải toả các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất khai thác VLXD trái phép, không đúng quy định; thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức cá nhân được phép sản xuất và khai thác VLXD tại địa phương.
Điều 2. Quy hoạch này là định hướng, cơ sở cho việc lập, thẩm định các quy hoạch khác có liên quan và triển khai các dự án sản xuất VLXD trên địa bàn.
Điều 3. Sở Xây dựng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, mục tiêu, quan điểm và những chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch để theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch, đề xuất những nội dung cần thiết để Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh theo từng giai đoạn.
Là cơ quan đầu mối hướng dẫn các cơ quan và các chủ đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đăk Nông đến năm 2020.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2Quyết định 75/2006/QĐ-UBND điều chỉnh quyết định 85/2005/QĐ-UBND về ủy quyền và phân cấp phê duyệt quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư, thiết kế dự toán và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng do tỉnh Bình Định ban hành
- 1Luật Khoáng sản 1996
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng
- 4Quyết định 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 6Quyết định 75/2006/QĐ-UBND điều chỉnh quyết định 85/2005/QĐ-UBND về ủy quyền và phân cấp phê duyệt quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư, thiết kế dự toán và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng do tỉnh Bình Định ban hành
Quyết định 1971/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- Số hiệu: 1971/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/12/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Đặng Đức Yến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/12/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra