Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 197/2005/QĐ-BNN-KL | Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2005 |
BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG CẤP TỈNH”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Hướng dẫn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh”.
Điều 2. Kinh phí xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh chi từ nguồn ngân sách địa phương.
Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT |
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 197/2005/QĐ/BNN-KL ngày 27 tháng 1 năm 2005)
1. Mục đích xây dựng phương án Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng
Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh là cơ sở để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây được viết tắt là PCCCR) chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh xây dựng phương án hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác PCCCR thống nhất trên địa bàn cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tham gia phối hợp xây dựng phương án cấp tỉnh; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng tổ chức thực hiện phương án trên địa bàn địa phương quản lý.
2. Phương châm của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
- Xã hội hoá công tác PCCCR nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng lực lượng chuyên ngành PCCCR để làm nòng cốt, phối hợp các lực lượng trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR tại địa phương;
- Đưa công tác PCCCR vào nề nếp, vận hành theo một cơ chế thống nhất, chủ động trước các tình huống cháy rừng.
II/ KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN PCCCR CẤP TỈNH
Phần I: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp xây dựng phương án
1. Sự cần thiết xây dựng phương án
- Nêu khái quát thực trạng của công tác PCCCR của địa phương (diện tích các loại rừng; loại rừng có nguy cơ cháy cao; tình hình cháy rừng ở địa phương...);
- Những tồn tại về mặt thể chế, chính sách; quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị ...;
- Đưa ra lý do cần thiết phải xây dựng phương án PCCCR.
2. Cơ sở xây dựng phương án
2.1. Cơ sở pháp lý
- Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
- Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy;
- Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 09/03/1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
- Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về công tác PCCCR;
- Căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về biện pháp tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Căn cứ các Thông tư liên bộ; Thông tư liên tịch của các Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng hướng dẫn về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Căn cứ Chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh và quốc gia
- Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của Trung ương và điạ phương.
2.2. Cơ sở thực tiễn
- Đặc điểm tự nhiên:
+ Diện tích các loại rừng trên địa bàn,
+ Địa hình; thời tiết và các nhân tố khí tượng,
+ Trạng thái rừng, loại hình thực bì và phân bố của thực vật,
+ Đặc điểm tự nhiên khác có liên quan,
+ Đánh giá tổng hợp các đặc điểm của điều kiện tự nhiên liên quan đến công tác PCCCR để xây dựng các giải pháp PCCCR.
- Đặc điểm kinh tế, xã hội:
+ Tình hình dân số, lao động, thành phần dân tộc, phân bố dân cư,
+ Thực trạng về các nguồn thu nhập chủ yếu trên địa bàn,
+ Các hoạt động sản xuất chính có tác động đến nguy cơ cháy rừng,
+ Các hoạt động xã hội có nguy cơ gây cháy rừng,
+ Đánh giá tổng hợp các đặc điểm của điều kiện Kinh tế- xã hội liên quan đến công tác PCCCR để xây dựng các giải pháp PCCCR.
- Thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:
+ Tình hình cháy rừng (số vụ, diện tích; đặc điểm cháy, khu vực thường xảy ra cháy, thời điểm cháy thống kê ít nhất trong 5 năm),
+ Thể chế, chính sách,
+ Lực lượng PCCCR,
+ Phương tiện, thiết bị, công cụ PCCCR hiện có,
+ Các giải pháp PCCCR đang áp dụng.
Phân tích các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến nguy cơ cháy rừng ở địa phương và khu vực.
3. phương pháp xây dựng phương án
3.1. Tổ chức thu thập các thông tin liên quan
a) Tài liệu về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế- xã hội;
b) Tài liệu về bản đồ, gồm các loại bản đồ: hành chính; hiện trạng rừng; quy hoạch sử dụng đất và phát triển rừng, bản đồ địa hình, khí hậu ...;
c) Thu thập tài liệu về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tài liệu về quy hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng và các tài liệu nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, biện pháp PCCCR; các phương tiện, thiết bị, công cụ PCCCR;
d) Tổng hợp phân tích đánh giá thông tin từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho công tác PCCCR.
3.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp thông tin
a) Phương pháp cùng “tham gia” được sử dụng trong suốt quá trình xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng;
b) Phương pháp phân tích thông kê được sử dụng thông qua một số chương trình phần mềm với sự trợ giúp của máy vi tính;
c) Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm và phân tích mô hình cần được sử dụng để lựa chọn các giải pháp tối ưu;
d) Sử dụng một số phương pháp truyền thống như: thống kê kinh nghiệm; các biện pháp PCCCR thủ công ...;
e) Sử dụng phương pháp chuyên gia để tổng hợp và phân tích thông tin.
Phần II: Mục tiêu của phương án
1. Mục tiêu của phương án
1.1. Mục tiêu chung
Nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Nâng cao năng lực chỉ huy PCCCR;
- Nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCCR trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên ngành PCCCR và tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR;
- Xây dựng công trình PCCCR; đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho các hoạt động PCCCR;
- Xây dựng và vận hành các hoạt động dự báo cháy rừng, phát hiện điểm cháy, chữa cháy rừng thuộc vùng trọng điểm cháy trên địa bàn tỉnh.
2. Các giải pháp của phương án
2.1. Giải pháp về thể chế, chính sách và tổ chức
- Củng cố các Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp;
- Quy hoạch và xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp;
- Xây dựng quy ước của cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Xây dựng quy chế hoạt động và chia sẻ nghĩa vụ, quyền lợi của lực lượng PCCCR các cấp;
- Xây dựng chế độ đãi ngộ cho những người tham gia công tác PCCCR;
- Tăng cường nguồn vốn cho công tác PCCCR.
2.2. Giải pháp về tuyên truyền và xã hội hoá công tác PCCCR
- Tổ chức các khóa tuyên truyền cho cộng đồng về chính sách Nhà nước; quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng trong PCCCR;
- Tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ quản lý cháy rừng cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ quản lý và chuyên trách lâm nghiệp, lực lượng hợp đồng PCCCR, chủ rừng, các tổ đội chữa cháy rừng;
- Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR;
- Viết bài và phát tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2.3. Giải pháp khoa học công nghệ
- Phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng; huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng;
- Quy hoạch xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng: hệ thống đường xá; hệ thống đường băng xanh, băng trắng cản lửa; hệ thống kênh mương, bể chứa, hồ dập; hệ thống chòi canh lửa; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống các trạm đo mưa, trạm khí tượng phục vụ dự báo cháy rừng;
- Các biện pháp lâm sinh trong phòng cháy, chữa cháy rừng như trồng rừng hỗn giao; chọn các loài cây trồng chống chịu lửa; sử lý thực bì...;
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lửa rừng;
- Ứng dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ PCCCR tiên tiến.
Phần III: Nội dung, kế hoạch và xác định nhu cầu đầu tư
1. Nội dung của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
1.1. Kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp
1.1.1. Củng cố Ban chỉ huy PCCCR các cấp
- Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng; theo dõi, chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR,
- Xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp, phân công, phân nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCCCR.
1.1.2. Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp tỉnh
- Xây dựng Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR; kế hoạch đào tạo, huấn luyện và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết cho lực lượng này;
- Xây dựng quy chế hoạt động của Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR trên địa bàn các huyện có rừng và phân chia thành các tổ phụ trách từng địa bàn;
- Xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng trên toàn tỉnh.
1.1.3 Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp huyện
- Xây dựng Tổ Kiểm lâm cơ động PCCCR, kế hoạch đào tạo, huấn luyện và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết cho lực lượng này;
- Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ Kiểm lâm cơ động PCCCR trên địa bàn các xã có rừng và phân chia các nhóm phụ trách từng địa bàn các xã trọng điểm cháy;
- Xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng trên toàn huyện.
1.1.4 Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp xã
- Xây dựng Tổ xung kích PCCCR, lực lượng này được đào tạo, huấn luyện và trang bị thiết bị và công cụ cần thiết;
- Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ xung kích PCCCR trên địa bàn các xã có rừng và phân chia thành các nhóm phụ trách các khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn;
- Xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng trên toàn xã.
1.1.5. Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR thôn, bản
- Xây dựng Tổ bảo vệ rừng - PCCCR, lực lượng này được huấn luyện nghiệp vụ và trang bị thiết bị và công cụ cần thiết;
- Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ trên địa bàn các khu vực rừng trọng điểm cháy;
- Xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng của thôn, bản.
1.2. Tổ chức và xây dựng các biện pháp PCCCR
1.2.1. Các biện pháp phòng cháy rừng
1) Xác định thời gian dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn
+ Đặc điểm mùa cháy,
+ Thời gian và thời điểm dễ xảy ra cháy rừng.
2) Xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm rừng dễ bị cháy
+ Căn cứ vào số liệu thống kê nhiều năm về tình trạng cháy rừng, xác định được tần suất xuất hiện các vụ cháy phân bố trên thực địa và trạng thái rừng thường xảy ra cháy.
+ Căn cứ vào đặc điểm phân hoá theo không gian và thời gian của các nhân tố ảnh hưởng đến nguy cơ cháy rừng (điều kiện khí hậu, kiểu rừng, hoạt động kinh tế xã hội).
+ Bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng xác định được các khu vực có nguy cơ cháy cao để tập trung các nguồn lực phục vụ cho PCCCR.
3) Xây dựng và vận hành quy trình dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng
+ Xây dựng các trạm dự báo cháy rừng,
+ Xây dựng và duy trì hoạt động của mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn,
+ Xây dựng phân cấp dự báo cháy rừng,
+ Xây dựng bản đồ phân bố trạng thái rừng theo nguy cơ cháy,
+ Xây dựng quy trình và phần mềm dự báo cháy rừng.
+ Xây dựng, duy trì mạng lưới thông tin về dự báo cháy rừng
4) Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
+ Việc sử dụng lửa an toàn và tác hại của việc mất rừng,
+ Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng,
+ Xây dựng chương trình về bảo vệ rừng- PCCCR thông tin trên các phương tiện truyền thông,
+ Ký cam kết hoặc quy ước bảo vệ và phát triển rừng thôn bản,
+ Phát hành các tài liệu tuyên truyền PCCCR,
+ Các hình thức tuyên truyền khác như diễn kịch, chiếu phim ....
5) Đào tạo, huấn luyện và diễn tập chữa cháy rừng
+ Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý lửa rừng,
+ Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật PCCCR,
+ Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho cộng đồng,
+ Tổ chức diễn tập phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
6) Xây dựng và duy trì các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng
+ Quy hoạch và xây dựng hệ thống đường xá phục vụ công tác PCCCR và sản xuất lâm nghiệp,
+ Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa, kênh mương chứa nước,
+ Xây dựng hệ thống chòi canh lửa rừng,
+ Xây dựng hệ thống hồ đập, bể chứa nước, hệ thống dẫn nước.
+ Lập kế hoạch đầu tư phương tiện, máy móc thiết bị và công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng
7) Xây dựng các giải pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy cho phù hợp
+ Vệ sinh rừng,
+ Đốt trước có điều khiển (kiểm soát),
+ Mang vật liệu cháy ra khỏi rừng,
+ Sử dụng hoá chất khống chế nguồn vật liệu cháy;
+ Có thể áp dụng biện pháp Nông - Lâm kết hợp trong những năm đầu khi rừng chưa khép tán.
8) Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy
+ Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy mới,
+ Lập kế hoạch kiểm soát khu vực sản xuất nương rẫy đang hoạt động, xây dựng và hướng dẫn các biện pháp sản xuất nương rẫy.
9) Xây dựng và thực hiện quy trình phát hiện điểm cháy rừng
+ Xây dựng quy trình và phần mềm phát hiện cháy rừng,
+ Tổ chức, duy trì hoạt động của hệ thống chòi canh lửa rừng,
+ Xây dựng, duy trì mạng lưới thông tin thông báo cháy rừng.
10) Nghiên cứu các giải pháp chính sách, kinh tế- xã hội cho PCCCR
+ Tập hợp và đề xuất tập đoàn cây trồng chống chịu lửa,
+ Xây dựng các biện pháp tu bổ rừng để PCCCR,
+ Nghiên cứu, đề xuất các quy trình PCCCR,
+ Nghiên cứu đề xuất các chính sách về lợi ích cho những người tham gia công tác PCCCR,
+ Đề xuất các giải pháp kinh tế, xã hội cho PCCCR.
1.2.2. Các biện pháp chữa cháy rừng
1) Xây dựng và vận hành quy trình chỉ đạo điều hành và chữa cháy rừng
+ Xây dựng lực lượng và tổ chức đội hình chữa cháy rừng,
+ Xây dựng quy trình chữa cháy rừng,
+ Xây dựng phương án chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng,
2) Xây dựng các biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng cho từng vùng cụ thể:
+ Biện pháp chữa cháy trực tiếp,
+ Biện pháp chữa cháy gián tiếp,
+ Kỹ thuật an toàn trong khi chữa cháy rừng.
3) Xây dựng phần mềm tổ chức, chỉ huy ứng cứu chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.
1.2.3. Trang bị phương tiện và thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng
1) Thiết bị quan trắc và các thiết bị khác phục vụ dự báo cháy rừng
2) Chòi canh và các thiết bị phục vụ chòi canh lửa
3) Thiết bị chữa cháy rừng
4) Phương tiện phục vụ tuần tra và chữa cháy rừng
5) Xây dựng nhà trực PCCCR và kho chứa thiết bị PCCCR
1.2.4. Tổ chức theo dõi, cập nhật thông tin diến biến tình hình cháy rừng và báo cáo về Ban chỉ huy PCCCR các cấp
1.2.5. Khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra
1) Xây dựng phương pháp điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy
2) Xây dựng phương pháp xác định thiệt hại (diện tích, loại rừng, địa điểm...) do cháy rừng gây ra
3) Xây dựng phương án và lập kế hoạch chỉ đạo, giám sát phục hồi rừng
2. Kế hoạch và nhu cầu đầu tư
2.1. Tiến độ thực hiện
- Phân chia cụ thể các giai đoạn xây dựng phương án và lập dự án đầu tư;
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn cụ thể;
- Xây dựng kế hoạch thực hiện ngắn hạn và dài hạn.
2.2. Tổng vốn đầu tư
- Khái toán nhu cầu tài chính và kế hoạch vốn đầu tư nhằm thực hiện các giải pháp, các chương trình theo từng giai đoạn cụ thể;
- Dự kiến các nguồn vốn đầu tư:
+ Nguồn vốn từ ngân sách,
+ Các nguồn vốn có khả năng huy động.
- Cơ chế thu hút tạo nguồn vốn để thực hiện.
3. Hiệu quả của phương án phòng cháy, chữa cháy rừng
- Nâng cao được năng lực PCCCR trên địa bàn tỉnh thể hiện trên các mặt: chỉ đạo, chỉ huy, năng lực trình độ chuyên môn; nhận thức và kiến thức của cộng đồng, chính quyền địa phương; công trình phòng cháy, trang thiết bị, công cụ chữa cháy được đầu tư và bố trí hợp lý...
- Tăng cường sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành của địa phương góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR.
- Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra sẽ tác động tích cực và góp phần phát triển bền vững đến mọi mặt kinh tế, xã hội- môi trường trên địa bàn tỉnh.
Phần IV: Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận
2. Kiến nghị
2.1. Về công tác tổ chức
2.2. Về cơ chế chính sách
2.3. Các vấn đề khác liên quan
III/ TỔ CHỨC XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN PCCCR
1. Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
2. Cơ quan chủ trì xây dựng: Cơ quan Kiểm lâm tỉnh
3. Cơ quan phối hợp: Công An tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên môi trường; UBND các huyện có rừng.
- 1Quyết định 245/1998/QĐ-TTg về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 3Nghị định 86/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 5Công văn 3640/VPCP-KTTH năm 2019 về vốn thực hiện dự án phòng cháy, chữa cháy rừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 197/2005/QĐ-BNN-KL về việc ban hành hướng dẫn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 197/2005/QĐ-BNN-KL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/01/2005
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hứa Đức Nhị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/01/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra