Hệ thống pháp luật

Chương 2 Quyết định 196-QĐ năm 1963 về thể lệ kỳ thi tốt nghiệp trường phổ thông áp dụng từ năm 1962 - 1963 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

Chương 2:

CHƯƠNG TRÌNH THI BÀI THI

Điều 8. – Chương trình thi là chương trình lớp 10 phổ thông hiện đang áp dụng trong năm mở kỳ thi.

Điều 9. - Về mỗi khóa thi, Bộ giáo dục phụ trách ra đề thi thống nhất cho tất cả các hội đồng thi tốt nghiệp. Nếu xét cần ra đề thi “làm văn” riêng cho những Hội đồng thi tốt nghiệp thuộc các tỉnh miền núi thì Bộ giáo dục sẽ ủy nhiệm cho Khu giáo dục chọn và đưa Bộ duyệt trước.

Điều 10. - Trừ các bài tính (toán áp dụng) và bài dịch ngoại ngữ chỉ ra một đầu đề thi, còn những bài thi viết khác đều ra hai đầu đề thi để thí sinh được tùy ý chọn.

Điều 11. - Chủ tịch Hội đồng thi chịu trách nhiệm giữ hoàn toàn bí mật các đề thi. Một giờ trước giờ thi viết môn nào, chủ tịch Hội đồng thi mới được mở phong bì đựng đề thi về môn ấy trước các ủy viên Hội đồng thi.

Điều 12. – Bài thi gồm có:

a) Một số môn học mà thí sinh phải làm bài thi viết (áp dụng chung cho tất cả thí sinh dự kỳ thi).

b) Một số môn học mà thí sinh phải thi vấn đáp (áp dụng chung cho tất cả thí sinh dự kỳ thi).

c) Một số môn học mà Hội đồng thi lấy điểm tổng kết cả năm của lớp 10 làm điểm bài thi. Về những môn này, nguyên tắc thi quy định như sau:

- đối với học sinh đang học lớp 10: Hội đồng thi lấy điểm tổng kết cả năm của lớp 10 làm điểm bài thi. Học sinh nào có điểm tổng kết cả năm dưới 3 về môn học nào phải thi vấn đáp môn học ấy.

- đối với học sinh cũ lớp 10 và thí sinh tự học: thí sinh thi vấn đáp tất cả những môn học mà Hội đồng thi lấy điểm tổng kết cả năm làm điểm thi.

Điều 13. - Về mỗi kỳ thi, Bộ Giáo dục ấn định và công bố trong học kỳ 2:

- những môn thi viết

- những môn thi vấn đáp, những môn học mà Hội đồng thi lấy điểm tổng kết cả năm làm điểm bài thi và những phiếu vấn đáp của mỗi môn học này.

Mỗi phiếu vấn đáp gồm một số câu hỏi để thí sinh trả lời trong thời gian nhiều nhất là 15 phút.

Điều 14. – Nguyên tắc thì vấn đáp quy định như sau:

a) Thí sinh thi vấn đáp tiếp ngay sau khi đã thi xong các bài thi viết.

b) Khi vào thi học sinh sẽ rút thăm những phiếu vấn đáp của mỗi môn học do Bộ giáo dục ấn định và công bố trước.

c) Trên nguyên tắc, thí sinh chỉ được rút thăm một lần và mỗi lần chỉ rút một phiếu. Trước khi trả lời, thí sinh có thể xin rút thăm lần thứ hai; trong trường hợp này thí sinh chỉ được nhiều nhất 4 điểm.

Điều 15. – Các bài thi viết hay vấn đáp đều cho điểm 5 bậc. Khi hỏi bài thi vấn đáp, giáo viên phải ghi nhận xét tóm tắt về câu trả lời của thí sinh trên tờ ghi điểm thi vấn đáp.

Điều 16. - Mỗi bài thi viết hay vấn đáp phải được 2 giáo viên chấm hay hỏi. Nếu hai giáo viên không thống nhất ý kiến về việc cho điểm một bài thi thì đưa ra nhóm hay tổ phụ trách chấm bộ môn giải quyết. Trường hợp tổ hay nhóm phụ trách chấm bộ môn cũng không thống nhất ý kiến, việc cho điểm bài thi ấy do chủ tịch Hội đồng thi quyết định và ghi rõ vào biên bản.

Điều 17. – Học sinh nào bỏ không thi một bài (vắng mặt) hoặc nộp giấy trắng (không làm bài) sẽ bị coi là thiếu bài thi và bị loại.

Điều 18. - Những thí sinh được dự kỳ thi (khóa 2) chỉ phải thi trong khóa này những bài thi viết hay vấn đáp nào mà thí sinh chưa thi trong khóa 1, hoặc đã thi rồi nhưng rồi được điểm dưới 3.

Điều 19. - Những thí sinh không trúng tuyển kỳ thi (khóa 1 hay khóa 2) nếu năm sau xin dự kỳ thi thì sẽ phải thi lại toàn bộ các bài thi viết hay vấn đáp.

Quyết định 196-QĐ năm 1963 về thể lệ kỳ thi tốt nghiệp trường phổ thông áp dụng từ năm 1962 - 1963 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 196-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/04/1963
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 02/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH