Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1953/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 29 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TUYẾN CỐ ĐỊNH VÀ BẾN XE VẬN TẢI HÀNH KHÁCH TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 137/TTr-SGTVT ngày 28 tháng 9 năm 2015 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 322c/TTr-SKHĐT ngày 29 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tuyến cố định và bến xe vận tải hành khách tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

Phát triển các tuyến cố định và bến xe vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển các ngành khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định một cách hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đảm bảo sự kết nối giữa tỉnh Bắc Giang với các tỉnh khác trong toàn quốc, giữa các trung tâm huyện, thành phố trong tỉnh; kết nối thuận lợi giữa tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh với các tuyến vận tải buýt, vận tải hành khách cố định liên tỉnh, vận tải taxi và các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa.

Phát triển dịch vụ vận tải hành khách cố định theo hướng hiện đại, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng các quy chế và mô hình quản lý vận tải hành khách theo tuyến cố định, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển các đơn vị kinh doanh vận tải, hình thành thị trường vận tải có tính xã hội hoá, tính cạnh tranh cao, bình đẳng và lành mạnh. Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý nhà nước.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lái xe khách, nhân viên phụ xe có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Phát triển hợp lý, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, luồng tuyến, bến xe và phương tiện vận tải theo hướng đảm bảo an ninh, an toàn, hiện đại, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu quy hoạch:

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển mạng lưới các tuyến vận tải hành khách cố định thống nhất, hợp lý, đồng bộ với kết cấu hạ tầng bảo đảm tính kết nối với các địa phương, giữa các vùng trong tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Phát triển hệ thống bến xe hợp lý phục vụ hiệu quả hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh và xe buýt. Ưu tiên xây dựng mới bến xe tại các huyện chưa có bến xe và phục vụ các tuyến vận tải hành khách có tiềm năng trong tương lai.

2.2. Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn đến năm 2020:

- Khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 đạt khoảng 47,3 triệu lượt khách, trong đó khối lượng vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 39,97 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2013-2020 đạt khoảng 11,5%; khối lượng vận tải hành khách nội tỉnh đạt khoảng 7,33 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2013-2020 đạt khoảng 11,72%..

- Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo vận chuyển được khoảng 40% nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị, khu công nghiệp.

- Quy hoạch tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh phù hợp chủ trương của Bộ Giao thông vận tải; đến năm 2020, 8 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, 22 tuyến vận tải xe buýt và 17 bến xe đạt chuẩn.

* Giai đoạn 2021-2030:

- Khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2030 đạt khoảng 139,4 triệu lượt khách, trong đó khối lượng vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 120,13 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11,6%; khối lượng vận tải hành khách nội tỉnh đạt khoảng 19,27 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9,85%.

- Tiếp tục phát triển mạng lưới tuyến xe buýt một các hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nghiên cứu chuyển các tuyến vận tải khách cố định có tần suất lớn, nhu cầu dịch chuyển đa dạng thành tuyến vận tải bằng xe buýt; hoàn thiện hệ thống hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ xe buýt.

- Phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vận tải và điều chỉnh quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh toàn quốc.

- Điều chỉnh mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh hợp lý và thống nhất với tuyến xe buýt và tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trong toàn tỉnh; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, tiện nghi, an toàn, nhanh chóng và bảo vệ môi trường.

- Hoàn thiện hệ thống bến xe, các trạm dừng nghỉ, điểm dừng đỗ tạo thành mạng lưới hợp lý và đạt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của ngành đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

- Đổi mới và nâng cao năng lực của phương tiện vận tải hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định

a) Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh:

* Giai đoạn đến năm 2020:

Giữ nguyên các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang hoạt động giữa tỉnh Bắc Giang với 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mở thêm tuyến vận tải hành khách cố định đảm bảo thực hiện kết nối với tổng số 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. Định kỳ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch các tuyến dựa trên nhu cầu đi lại thực tế của người dân và theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải.

* Giai đoạn đến năm 2030:

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh toàn quốc dựa trên nhu cầu đi lại thực tế của người dân, các bến xe mới được xây dựng, mạng lưới giao thông... và theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải.

b) Tuyến vận tải hành khách nội tỉnh:

* Giai đoạn đến năm 2020:

- Giữ nguyên 4 tuyến vận tải khách cố định đang hoạt động gồm: tuyến Bắc Giang - Sơn Động, cự ly hành trình 80 km; tuyến Bắc Giang - Xuân Lương, cự ly hành trình 50 km; tuyến Bắc Giang - Tân Sơn, cự ly hành trình 80 km; tuyến Lục Ngạn - Cầu Gồ, cự ly hành trình 75 km.

- Mở mới 03 tuyến vận tải cố định nội tỉnh gồm: tuyến thị trấn Thắng - thị trấn Cao Thượng - Cầu Bến Tuần - thị trấn Vôi - thị trấn Đồi Ngô; tuyến thành phố Bắc Giang - thị trấn Lục Nam - Đồng Đỉnh (lộ trình: Bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - ĐT.293 - Bến xe Đồng Đỉnh ); tuyến thành phố Bắc Giang - Thanh Sơn (huyện Sơn Động).

* Giai đoạn đến năm 2030:

- Tiếp tục xem xét rà soát các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, các tuyến có tần suất lớn, phù hợp với tuyến buýt sẽ được chuyển sang hoạt động theo tuyến buýt.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng nội tỉnh; định hướng mở thêm một số tuyến có cự ly tuyến dài và đi qua nhiều trung tâm huyện, có nhu cầu vận tải như: Tuyến TT. Thắng (Hiệp Hoà) - TT. An Châu (Sơn Động); tuyến TT. Neo (Yên Dũng) - TT. An Châu (Sơn Động); tuyến TT. Bích Động (Việt Yên) - TT. An Châu (Sơn Động); tuyến TT. Cầu Gồ (Yên Thế) - TT. An Châu (Sơn Động).

c) Mạng lưới tuyến vận tải xe buýt

* Giai đoạn đến năm 2020:

- Duy trì hoạt động 9 tuyến xe buýt hiện có:

+ Tuyến 001: Bến xe Bắc Giang- Đường Xương Giang - Đuờng Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - QL 31- Bến xe Sơn Động.

+ Tuyến 002: Bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - QL1 - Quế Nham - Việt Lập - Cầu Gồ- Phố Đề Nắm (thuộc thị trấn Cầu Gồ).

+ Tuyến 003: Bến xe khách Bắc Giang - Đường Xương Giang - ĐT 295B - Ngã tư Đình Trám - Khu Công nghiệp Đình Trám - Ngã tư Đình Trám - Thị trấn Bích Động - Thị trấn Thắng - QL 37 - Ngã tư Cầu Ca (thuộc huyện Phú Bình).

+ Tuyến 004: Bến xe Bắc Giang - Đuờng Xương Giang - Đuờng Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - QL 31- Bến xe Lục Ngạn.

+ Tuyến 203: Bến xe Bắc Giang- Đường Xương Giang- ĐT295B- Yên Viên - Cầu Đuống - Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ - Cầu Chương Dương - Điểm Trung chuyển Long Biên - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Minh Khai - Nguyễn Tam Trinh - Pháp Vân - Giải Phóng - Bến xe Giáp Bát.

+ Tuyến 005: Bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - QL1 - Thị trấn Vôi - Thị trấn Kép - Bến xe Hữu Lũng.

+ Tuyến 210: Bến xe Hiệp Hòa - Thị trấn Thắng - ĐT295 - Cầu Đông Xuyên - Thị trấn Chờ - ĐT295B- Thị xã Từ Sơn - Thị trấn Yên Viên - Cầu Đuống - Đường Hà Huy Tập - Đường Nguyễn Văn Cừ - Bến xe Gia Lâm.

+ Tuyến Từ Sơn - ĐT295B - Thị trấn Chờ - Đông Xuyên - Thị trấn Thắng - Bến xe Hiệp Hoà.

+ Tuyến 208: Bến xe Phía Tây (thuộc thành phố Hải Dương) - Đường Nguyễn Lương Bằng - Ngã tư Máy Sứ - Đường Lê Thanh Nghị - Đường Thống Nhất - Đường Bạch Đằng - Đường Trần Hưng Đạo - QL5 - Ngã ba Tiền Trung - QL37 - Nam Sách - Cầu Bình - Sao Đỏ - QL37 - QL31 - Bến xe Lục Nam.

- Chuyển 2 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh có tần suất chuyến trong ngày tương đối lớn thành tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, gồm:

+ Tuyến Bắc Giang - Nội Hoàng - Đồng Việt. Lộ trình: Bến xe Bắc Giang - Xương Giang - Nguyễn Văn Cừ - Lê Lợi - Hùng Vương - QL1 - QL17 - Đồng Việt. Khi QL1 được nâng cấp thành cao tốc xong chuyển sang lộ trình: Bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Cầu Mỹ Độ - Đường Thân Nhân Trung - QL17 - Nội Hoàng - Thị trấn Neo - Đồng Việt (Yên Dũng).

+ Tuyến Bắc Giang - Đồng Đỉnh. Lộ trình: Bến xe Bắc Giang - Xương Giang - Nguyễn Văn Cừ - Lê Lợi - QL31- ĐT293 - Đồng Đỉnh.

- Mở thêm 12 tuyến xe buýt mới, gồm:

+ Tuyến bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Lê Lợi - QL1 - ĐT292 - Thị trấn Bố Hạ - Thị trấn Cầu Gồ.

+ Tuyến bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Lê Lợi - QL31 - ĐT 299 - Thị trấn Tân An - ĐT299B - Đồng Việt.

+ Tuyến bến xe Bắc Giang - Cầu Gồ - Mỏ Trạng.

+ Tuyến bến xe Bắc Giang - Khu công nghiệp Vân Trung - Khu công nghiệp Đình Trám - Khu công nghiệp Quang Châu.

+ Tuyến bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - QL31 - ĐT299 - Thị trấn Tân An - Chùa Vĩnh Nghiêm.

+ Tuyến từ bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Đường Nguyễn Văn Cừ - Đường Lê Lợi - Đường Hùng Vương - ĐT 293 - Tây Yên Tử.

+ Bến xe Bắc Giang - Đường Xương Giang - Cầu Mỹ Độ - Đường Thân Nhân Trung - QL17 - Thị trấn Phố Mới (thuộc huyện Quế Võ).

+ Tuyến từ thị trấn Kép (thuộc huyện Lạng Giang) - QL 37 - Thị xã Sao Đỏ (thuộc tỉnh Hải Dương).

+ Tuyến từ thị trấn Bố Hạ - Sỏi - Nhã Nam - QL37 - Hiệp Hòa - ĐT 295- Cầu Đông Xuyên - Thị trấn Chờ (thuộc tỉnh Bắc Ninh).

+ Bến xe Sơn Động - Long Sơn - Thanh Sơn - Nhà máy nhiệt điện Sơn Động.

+ Bến xe Lục Ngạn - QL31 - ĐT 291 - Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động.

+ Tuyến thị trấn Vôi - ĐT 295 - Thị trấn Thắng - ĐT 296 - Cầu Vát.

* Giai đoạn đến năm 2030:

- Mở mới một số tuyến buýt nội thành thành phố Bắc Giang; tuyến từ thành phố Bắc Giang đến một số xã tập trung đông dân cư.

- Nâng cao chất lượng phục vụ, hạ tầng bến bãi, điểm đỗ, dừng; hình thành trung tâm trung chuyển và điều hành, quản lý tập trung hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

- Chuyển một số tuyến vận tải khách cố định thành tuyến xe buýt như:

+ Tuyến TT. Thắng (Hiệp Hòa) - TT. Cao Thượng - Cầu Bến Tuần - TT.Vôi - TT. Đồi Ngô (Lục Nam).

+ Tuyến TP. Bắc Giang - TT. Lục Nam - Đồng Đỉnh (đi trên hành lang tuyến QL31 và ĐT293).

+ Tuyến TP. Bắc Giang - Thanh Sơn.

+ Tuyến Bắc Giang - Tam Dị - Bảo Sơn.

3.2. Quy hoạch phương tiện vận tải hành khách

- Giai đoạn đến năm 2020: Tổng số phương tiện vận tải (không gồm xe tải) đạt khoảng 14.233 xe các loại, trong đó: xe ô tô từ 9 chỗ trở lên (bao gồm cả xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải): 3.778 xe; xe con, taxi: 10.455 xe.

- Giai đoạn đến năm 2030: Tổng số phương tiện vận tải (không bao gồm xe tải) đạt khoảng 25.065 xe các loại, trong đó: xe ô tô từ 9 chỗ trở lên (bao gồm cả xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải): 7.481 xe; xe con, taxi: 17.584 xe.

3.3. Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe tĩnh.

a) Hệ thống bến xe khách

* Giai đoạn đến năm 2020: Tất cả các huyện đều phải có bến xe, trên toàn tỉnh có 17 bến xe, trong đó giữ nguyên 11 bến xe hiện tại (chỉ đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt theo đúng quy chuẩn bến xe quy định); xây dựng mới 06 bến xe tại trung tâm thành phố Bắc Giang; phía Nam thành phố Bắc Giang; Thanh Sơn, Sơn Động; Đồng Đỉnh, Lục Nam; thị trấn Neo, Yên Dũng; và phía Nam thị trấn Thắng, Hiệp Hoà.

* Giai đoạn đến năm 2030: Nâng cấp, cải tạo các bến xe khách đạt theo quy chuẩn và quy định đối với các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và nội tỉnh; xây mới 12 bến xe khách gồm: bến Long Sơn, Vân Sơn, An Lập, huyện Sơn Động; bến Suối Mỡ, huyện Lục Nam; bến Mỏ Trạng, Cổng Châu, huyện Yên Thế; bến Vân Trung, huyện Việt Yên; bến phía Tây huyện Hiệp Hòa, Phố Hoa, phía Tây thị trấn Thắng, Chợ Ngọ, huyện Hiệp Hoà; và bến Đồng Việt, huyện Yên Dũng.

b) Hệ thống bãi đỗ xe tĩnh

Đến năm 2020, xây dựng mới 53 bãi đỗ xe tĩnh trên toàn tỉnh, trong đó thành phố Bắc Giang (12 bãi); Sơn Động (4 bãi); Lục Ngạn (7 bãi); Lục Nam (3 bãi); Tân Yên (4 bãi); Việt Yên (1 bãi); Lạng Giang (6 bãi); Yên Thế (5 bãi); Hiệp Hoà (6 bãi); và Yên Dũng (5 bãi).

3.4. Quy hoạch trạm dừng nghỉ và hệ thống điểm dừng đón trả khách

a) Quy hoạch trạm dừng nghỉ

* Giai đoạn đến năm 2020: Nghiên cứu, xây dựng các trạm dừng nghỉ trên đường tỉnh 293, đặc biệt tại các khu vực tiếp cận du lịch tâm linh chùa Vĩnh Nghiêm, suối Mỡ, Tây Yên Tử.

* Giai đoạn đến năm 2030: Xây dựng trạm dừng nghỉ Sơn Động (huyện Sơn Động) trên quốc lộ 279.

b) Quy hoạch hệ thống điểm dừng đón trả khách

* Giai đoạn đến năm 2020:

- Các điểm dừng đón trả khách trên các tuyến vận tải hành khách công cộng (liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt) được bố trí cùng sử dụng; riêng đối với tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt, khu vực ngoài đô thị bố trí trung bình 1,5km - 2km/1điểm dừng, trong khu vực đô thị bố trí trung bình 800m -1.000m/1 điểm dừng.

- Tiếp tục thực hiện đầu tư các điểm dừng đón trả khách theo tiêu chí quy định của Bộ Giao thông vận tải trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh. Một số tuyến đường tỉnh chưa xác định các điểm dừng đón trả khách như ĐT.298B, ĐT.288, ĐT.299B, ĐT..291, ĐT.289 và ĐT.248 do hiện tại trên các tuyến đường tỉnh này chưa có tuyến vận tải khách hoạt động.

* Giai đoạn đến năm 2030: Hoàn thiện hệ thống điểm dừng đoán trả khách trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đảm bảo các quy định của ngành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thuận lợi nhất cho người dân về điều kiện tiếp cận.

3.5. Nhu cầu sử dụng đất

Nhu cầu sử dụng đất cho quy hoạch bến xe khách và bãi đỗ xe tĩnh giai đoạn đến năm 2020 là 200.034 m2, trong đó: đất sử dụng cho xây dựng bến xe khách là 38.000 m2; đất sử dụng cho xây dựng bãi đỗ xe tĩnh là 162.034 m2. Giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu sử dụng đất là 46.500 m2, trong đó đất cho xây dựng bến xe khách là 26.500 m2; đất cho xây dựng bãi đỗ xe tĩnh là 20.000 m2.

3.6. Nhu cầu vốn đầu tư

- Đầu tư phương tiện: giai đoạn đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ chủ động đầu tư đổi mới phương tiện phù hợp với tuyến vận tải (vận tải liên tỉnh, nội tỉnh, vận tải bằng xe buýt) và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; trước mắt ưu tiên đầu tư thay thế 57 phương tiện có tuổi đời hoạt động dài từ 16-20 năm, loại xe trên 29 ghế; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phương tiện thay thế các phương tiện đã có thời gian hoạt động dài khoảng 79,8 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư 100% do các đơn vị kinh doanh vận tải đầu tư.

- Đầu tư xây dựng mới bến xe theo hướng xã hội hóa, trong giai đoạn đến năm 2020, cơ bản tập trung vào các bến xe đáp ứng quy định của tuyến vận tải khách cố định, dự kiến nhu cầu vốn khoảng 234 tỉ đồng. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tạo điều kiện về quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư.

4. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư

- Ưu tiên xây dựng các bến xe theo đúng loại, cấp đã quy định trong quy hoạch, bao gồm các bến Nam TP Bắc Giang, Thanh Sơn, Đồng Đỉnh, Suối Mỡ, TT Neo, Đồng Việt, Vân Trung;

- Triển khai xây dựng hạ tầng các điểm dừng đón trả khách (nhà chờ hoặc nơi chờ, biển báo,...) trên các quốc lộ, đường tỉnh, đặc biệt ưu tiên xây dựng hạ tầng các điểm dừng đón trả khách trên các quốc lộ 1, 31, 37, 17, các đường tỉnh 398, 295B, 299, 293.

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

Có 5 nhóm giải pháp được đưa để quản lý và thực hiện Quy hoạch gồm:

- Giải pháp về tổ chức quản lý;

- Giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông;

- Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường;

- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực;

- Các giải pháp, chính sách khác.

Điều 2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10/3/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Giang đến năm 2020.

Điều 4. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./. 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1953/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tuyến cố định và bến xe vận tải hành khách tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1953/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lại Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản