Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1921/QĐ.UBT.97

Cần Thơ, ngày 05 tháng 08 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH NGHỀ KHOAN NƯỚC NGẦM VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC NGẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-06-1994;

- Căn cứ Chỉ thị 487/TTg ngày 30-07-1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước; Quyết định số 357 NN-QLN/QĐ ngày 13-03-1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Bản quy định tạm thời về việc thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Cần Thơ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 969/QĐ.UBT.92 ngày 15-10-1992 của UBND tỉnh Cần Thơ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Lũy

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH NGHỀ KHOAN NƯỚC NGẦM VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC NGẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1921/QĐ.UBT.97 ngày 05-08-1997 của UBND tỉnh)

Chương I :

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nước ngầm là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Việc khai thác và sử dụng nước ngầm của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo quy định của Pháp luật và bản quy định này.

Điều 2. Trong quy định này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Nước ngầm (nước dưới đất) là nước thiên nhiên tồn tại, lưu thông trong lòng đất và có thể lộ ra trên mặt đất.

- Khu vực khai thác là khu vực được bố trí các công tình khai thác nước ngầm bao gồm cả phạm vi mà mực nước ngầm bị hạ thấp do bơm hút nước từ công trình khai thác gây ra.

- Công trình khai thác nước ngầm là giếng khoan, giếng đào, hang động hoặc hành lang khai thác nước, điểm lộ được xây dựng hoặc sử dụng để khai thác nước ngầm.

- Hộ khai thác nước dưới đất là tổ chức hoặc cá nhân được làm chủ giấy phép khai thác nước hợp pháp.

- Hộ thi công là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân được Nhà nước cho phép thi công công trình khai thác nước ngầm.

Điều 3. Qui định tạm thời về việc thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích: Đảm bảo việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm phục vụ lợi ích lau dài của xã hội; duy trì tình trạng ổn định về trữ lượng, chất lượng nước ngầm để có thể khai thác và sử dụng lâu dài; mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước ngầm.

Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm làm ô nhiễm các nguồn nước dùng cho sinh hoạt xử lý nghiêm minh mọi hành vi hủy hoại nguồn tài nguyên nước ngầm.

Quy định này chỉ áp dụng cho nước ngầm là loại nước nhạt, nước lợ; (không áp dụng cho nước khoáng và nước nóng thiên nhiên).

Điều 4. Nhà nước thống nhất quản lý về nước ngầm bao gồm: Điều tra, thống kê về nguồn nước trữ lượng và chất lượng nước ngầm; lập quy hoạch, kết hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng nước ngầm; ban hành các quy chế tiêu chuẩn, quy phạm và thiết kế, xây dựng giếng hoặc cụm khai thác nước ngầm; cấp phép hoặc đình chỉ việc xây dựng, cải tạo giếng hoặc cụm khai thác nước ngầm; tổ chức quản lý việc khai thác nước ngầm vào mục đích kinh doanh; thanh tra Nhà nước về khai thác, sử dụng, kinh doanh và bảo vệ nguồn ngầm.

Chương II :

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP THĂM DÒ KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

Điều 5. Các trường hợp khai thác nước ngầm có lưu lượng nhỏ bằng sức người cho mục đích phục vụ ăn uống sinh hoạt gia đình từ các giếng đào, giếng khoan có độ sâu nhỏ hơn 30 mét và đường kính nhỏ hơn 90 milimét thì không phải xin phép.

Điều 6. Khai thác nước ngầm cho mọi mục đích trong mọi trường hợp (trừ các trường hợp quy định tại điều 5 trên đây) đều phải xin phép.

Điều 7. Các nguyên tắc khi cấp phép khai thác nước ngầm:

1- Nước ngầm có chất lượng tốt được ưu tiên cung cấp phục vụ ăn uống sinh hoạt; nếu còn thì mới được sử dụng cho các mục đích khác.

2- Lượng nước ngầm được phép khai thác trong một vùng không vượt quá trữ lượng có thể khai thác được của vùng; đồng thời phải phù hợp với kế hoạch khai thác hàng năm và kế hoạch khai thác của vùng.

3- Ở vùng khai thác nước ngầm đã đạt tới trữ lượng có thể khai thác được thì phải quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác, không được mở rộng việc khai thác nước ngầm.

Nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm ở vùng đã khai thác vượt quá mức quy định mà chưa được bổ sung nhân tạo.

4- Chấp hành đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ ngành có liên quan về vùng cấm khai thác nước ngầm vượt mức quy định về khu vực cấm khai thác nước ngầm.

5- Khi cấp phép thăm dò và khai thác nước ngầm phải dựa trên kết quả đánh giá các đề án thăm dò và báo cáo trữ lượng của các đơn vị chuyên môn hoặc của Hội dồng chuyên môn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 8. Thẩm quyền cấp phép.

- Đối với các công trình khai thác nước ngầm tập trung có lưu lượng bằng hoặc lớn hơn 1.000 mét khối mước trong ngày đêm, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, cấp và thu hồi giấy phép.

- Các công trình thăm dò, khai thác nước ngầm đơn vị có lưu lượng khai thác nhỏ hơn 1.000 mét khối nước trong ngày đêm, do UBND tỉnh điều chỉnh, cấp và thu hồi giấy phép.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Thủy lợi) tham mưu giúp UBND tỉnh về việc cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm và quản lý, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các tổ chức và cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Tất cả các công trình khai thác nước ngầm đều phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 8 bản quy định này.

Điều 10. Công trình khai thác nước ngầm muốn mở rộng khả năng khai thác phải xin phép. Hộ khai thác phải làm đơn xin phép khai thác nước ngầm trước khi lập dự án khả thi.

Điều 11. Hộ khai thác từ hố khoan, giếng đào, công trình khai thác thay thế hố khoan, giếng đào hoặc các công trình khác đã bị hư hỏng, giảm công suất có lưu lượng hút và mực nước hạ thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép mà nằm trong khu vực bãi giếng đã được xác định trong giấy phép thì không phải xin phép nhưng phải có hồ sơ gởi đến cơ quan cấp giấy phép.

Điều 12. Hồ sơ thăm dò, khai thác nước ngầm.

1- Hồ sơ thăm dò nước ngầm (vùng chưa thăm dò) gồm:

a) Đơn xin thăm dò.

b) Đề án thăm dò được cơ quan thẩm quyền xét duyệt.

c) Công văn của UBND địa phương thỏa thuận cho phép sử dụng đất để thăm dò hoặc bản sao quyền sử dụng đất tại nơi thăm dò.

d) Các văn bản pháp luật liên quan khác.

2- Hồ sơ xin phép khai thác nước ngầm gồm.

a) Đơn xin phép khai thác nước ngầm.

b) Dự án khai thác nước ngầm.

c) Bản đồ khu vực và vị trí giếng khai thác nước ngầm.

d) Các tài liệu liên quan kèm theo.

- Kết quả đánh giá chất lượng nước dưới đất của Sở Y tế hoặc cơ quan Y tế có thẩm quyền hoặc các phòng thí nghiệm được các cơ quan có thẩm quyền cho phép đánh giá.

- Báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng nước ngầm.

- Bản sao quyền sử dụng đất tại nơi đặt giếng khai thác (nơi đặt giếng khai thác không thuộc quyền sử dụng đất của hộ khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận quyền sử dụng đất giữa hộ khai thác và hộ được quyền sử dụng đất, có xác nhận của UBND địa phương).

Điều 13. Đối với chương trình khai thác nước ngầm phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, cơ quan thực hiện chương trình lập thủ tục xin khai thác theo dự án và kế hoạch hàng năm do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ xin khai thác gồm:

a) Đơn xin khai thác nước ngầm.

b) Dự án khai thác nước ngầm.

c) Sơ đồ bố trí công trình khai thác và vị trí khu vực công trình khai thác nước ngầm.

d) Bản tổng hợp thống kê vị trí công trình và họ tên hộ được đặt công trình khai thác nước ngầm.

Điều 14. Thủ tục trình duyệt.

1- Hộ khai thác nước phải nộp đơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thực tế hiện trường, chuẩn bị văn bản trình cơ quan có thẩm quyền ký cấp giấy phép thăm dò và bơm khai thác thử.

2- Kết thúc thăm dò, bơm khai thác thử, hộ khai thác phải nộp đầy đủ các tài liệu thực tế về địa chất thủy văn và các hồ sơ cần thiết cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để tổ chức đánh giá, xét duyệt, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định cấp phép khai thác.

3- Đối với công trình xin khai thác đã có trước (giếng khoan cải tạo từ lỗ khoan tìm kiếm thăm dò nước dưới đất đã có đủ tài liệu về địa chất thủy văn, cột địa tầng địa chất thủy văn, kết quả bơm hút thí nghiệm, kết quả phân tích thành phần hóa học và vi trùng của nước...) thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuẩn bị văn bản trình cấp có thẩm quyền ra quyết định cấp phép khai thác.

4- Khi hộ xin khai thác nước ngầm trình dự án khả thi công trình khai thác phải có ý kiến bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) đồng ý cho khai thác nước ngầm mới được phép thi công.

5- Sau khi thi công, bơm khai thác thử, hộ khai thác thử gởi văn bản phê duyệt, hồ sơ và tài liệu bơm khai thác thử, chất lượng nước đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) xem xét, thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chính thức khai thác.

Điều 15. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin thăm dò khai thác nước ngầm, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét thẩm định, chuẩn bị văn bản trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Trong trường hợp kéo dài thời gian do phải bổ sung hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực địa hoặc xử lý các tranh chấp thì thời hạn tối đa không được quá 60 ngày.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ được quyền từ chối và giải thích lý do bằng văn bản đối với hộ xin phép thăm dò khai thác nước ngầm.

Quá trình thực hiện khai thác nước ngầm có gây ra tranh chấp hoặc tố tụng thì cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho hộ khai thác biết. Sau khi tranh chấp hoặc tố tụng được giải quyết theo pháp luật, hộ khai thác nước phải làm đơn xin phép lại.

Điều 16. Hộ có giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm, được ghi vào sổ đăng ký được phép và định kỳ thông báo chung.

Điều 17. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ nhiệm vụ quyền hạn được UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao để quyết định hủy bỏ hoặc hạn chế lưọng nước được khai thác của hộ, có giấy phép khai thác nước ngầm trong các tình huống sau đây:

1- Điều kiện tự nhiên nguồn nước không đủ thỏa mãn việc cấp nước bình thường.

2- Khai thác nước ngầm quá mức gây ra lún mặt đất, nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất.

3- Tổng lượng khai thác cho yêu cầu chung tăng lên mà không có nguồn nước khác hoặc biện pháp bổ sung.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của hộ được phép thăm dò nước ngầm:

1- Thực hiện thăm dò theo dự án được duyệt, trường hợp muốn thay đổi dự án phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép.

2- Thực hiện đúng quy định trong giấy phép thăm dò, quy định về bảo vệ nước ngầm, về kỹ thuật và các quy định pháp luật có liên quan.

3- Cung cấp trung thực, đầy đủ các thông tin về tình hình thăm dò khi cơ quan quản lý nước có yêu cầu.

4- Trình duyệt báo cáo thăm dò.

5- Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, hộ được cấp phép thăm dò phải hoàn thành 3 bộ hồ sơ gởi Cục Địa chất Nhà nước, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6- Nộp lệ phí thăm dò nước ngầm theo quy định.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của hộ được phép khai thác nước ngầm.

1- Thực hiện đầy đủ các điều quy định trong giấy phép. Các quy định về bảo vệ nước ngầm, về kỹ thuật và các văn bản pháp luật có liên quan.

2- Lắp thiết bị đo lường theo quy định; ghi chép, báo cáo lượng khai thác và mực nước hạ thấp từng thời kỳ theo quy định.

3- Cung cấp trung thực, đầy đủ các thông tin về tình hình khai thác nước khi cơ quan quản lý nước đến kiểm tra.

4- Báo cáo kịp thời đến những biến động lớn về số lượng, chất lượng nước ngầm và sự thay đổi của môi trường nước.

5- Nộp lệ phí cấp phép khai thác nước ngầm theo quy định.

Điều 20. Cơ quan cấp giấy phép khai thác nước ngầm phải ra quyết định cho hộ được cấp phép tìm biện pháp khắc phục trong thời gian nhất định khi diễn ra một trong các trường hợp sau:

- Khai thác nước ngầm không đúng theo quy định.

- Không lắp đặt thiết bị đo lường trong thời gian quy định.

- Không cung cấp hay cung cấp không đầy đủ hoặc không đúng sự thật số liệu có liên quan về khai thác nước ngầm.

- Không chấp hành quyết định của cơ quan quản lý nước về việc giảm bớt hoặc hạn chế lượng khai thác nước.

- Không chấp hành các quy định bảo vệ môi trường.

Điều 21. Hồ sơ đăng ký công trình khai thác nước ngầm gồm:

1- Bản đăng ký công trình khai thác nước ngầm.

2- Bản đồ khu vực và vị trí công trình khoan đào và khai thác nước ngầm.

3- Kết quả đánh giá chất lượng nước của Sở Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền.

4- Bản sao quyền sử dụng đất nơi đặt công trình khai thác nước ngầm, trường hợp khu đất đặt công trình không thuộc quyền sử dụng đất của hộ khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận giữa hộ khai thác và hộ được quyền sử dụng đất, có xác nhận của UBND địa phương.

Thời gian và thẩm quyền cấp phép thực hiện theo Điều 14, 15, 16 bản quy định này.

Điều 22. Quy định về việc hành nghề khoan khai thác nước ngầm.

1- Chỉ cấp giấy phép hành nghề khoan thăm dò, khai thác nước ngầm đối với tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện sau:

a) Người chỉ đạo kỹ thuật có bằng đại học các ngành về địa chất, khoan và có ít nhất 1 năm trong công tác khoan giếng hoặc có bằng trung cấp các ngành về địa chất, khoan và có ít nhất 3 năm trong công tác khoan giếng.

b) Thiết bị khoan phù hợp với quy mô hoạt động của cơ sở.

2- Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan khai thác nước ngầm không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp thì không được phép hoạt động.

Điều 23. Thẩm quyền cấp phép hành nghề khoan giếng.

1- Đối với các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp tư nhân có phạm vi hoạt động từ 2 tỉnh trở lên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

2- Đối với các doanh nghiệp trực thuộc tỉnh và các doanh nghiệp tư nhân có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) tham mưu trình UBND tỉnh cấp phép.

Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của hộ, doanh nghiệp được cấp phép đăng ký hành nghề khoan giếng nước thực hiện đúng quy định trong giấy phép, tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan giếng.

Báo cáo hàng tháng cho cơ quan cấp phép về tình hình thực hiện khoan thăm dò, khai thác nước ngầm.

Chương III :

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan giếng nước ngầm trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đăng ký lại tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi).

Sau 90 ngày kể từ ngày ký ban hành bản quy định này, tổ chức, cá nhân hành nghề khai thác nước ngầm không thực hiện đăng ký lại được xem như không còn hoạt động hành nghề thăm dò, khai thác nước ngầm.

Tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoặc chưa lập thủ tục đăng ký công trình mà tiếp tục hoạt động sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Điều 26. Cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân hành nghề thăm dò, khai thác nước ngầm và nhân dân có thành tích trong việc nghiên cứu, phát hiện, bảo vệ tài nguyên nước ngầm, môi trường nước sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định hiện hành. Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh bản quy định này, có hành vi cản trở hoạt động thăm dò, khai thác nước ngầm hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây cản trở nhân viên Nhà nước thi hành công vụ sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện, giúp UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1921/QĐ-UBT-97 bản quy định tạm thời về việc thực hiện chế độ cấp phép thăm dò,khai thác, hành nghề khoan nước ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Cần Thơ

  • Số hiệu: 1921/QĐ-UBT-97
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/05/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Người ký: Võ Văn Lũy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản