Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 21 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2017 của HĐND tỉnh Khóa XIII, Kỳ họp thứ 5 Quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước; mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nội dung, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; bổ sung mức thu lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 2517/TTr-STC ngày 21 tháng 7 năm 2017, Báo cáo số 205/BC-STP ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.

Quyết định này thay thế Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Viện KSND, TAND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 5;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KT, NC.
(Dunglq/QĐ.52.07/80b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Bắc

 

QUY ĐỊNH

VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2017/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định nội dung chi, mức chi, mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bao gồm các văn bản sau:

a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện).

d) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

đ) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

e) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 2. Nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Rà soát đánh giá văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Điều tra, khảo sát, phục vụ việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

3. Tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

4. Tổ chức Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định, Hội đồng thẩm tra, tổ chức họp lấy ý kiến tham gia vào dự thảo; lấy ý kiến của các chuyên gia (trong trường hợp cần thiết).

5. Đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật.

6. Xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, văn bản góp ý.

7. Chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, báo cáo, dự thảo văn bản.

8. Chi mua văn phòng phẩm, in ấn, sao chụp tài liệu phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 3. Định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân)

1. Chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản

a) Văn bản mới hoặc thay thế: Mức chi 950.000 đồng/đề cương.

b) Văn bản sửa đổi, bổ sung: Mức chi 650.000 đồng/đề cương.

2. Chi soạn thảo văn bản Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân

a) Văn bản mới hoặc thay thế: Mức chi 3.200.000 đồng/dự thảo văn bản.

b) Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi 2.700.000 đồng/dự thảo văn bản.

3. Chi soạn thảo các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện văn bản

a) Báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý

- Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân mới hoặc thay thế:

+ Báo cáo tổng hợp ý kiến: Mức chi 250.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý: Mức chi 350.000 đồng/báo cáo.

- Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân sửa đổi, bổ sung:

+ Báo cáo tổng hợp ý kiến: Mức chi 150.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý: Mức chi 250.000 đồng/báo cáo.

b) Báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo

- Đối với dự thảo Nghị quyết mới hoặc thay thế của Hội đồng nhân dân, Quyết định mới hoặc thay thế của Ủy ban nhân dân: Mức chi 350.000 đồng/báo cáo.

- Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung của Hội đồng nhân dân, quyết định sửa đổi, bổ sung của Ủy ban nhân dân: Mức chi 200.000 đồng/báo cáo.

c) Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật

- Báo cáo tổng hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Sở Tư pháp chủ trì xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp: Mức chi 3.400.000 đồng/báo cáo.

- Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ trì xây dựng gửi Sở Tư pháp: Mức chi 1.700.000 đồng/báo cáo.

- Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp xã; các phòng, ban, ngành cấp huyện chủ trì xây dựng gửi Phòng Tư pháp: Mức chi 900.000 đồng/báo cáo.

4. Soạn thảo văn bản góp ý, báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản

a) Văn bản góp ý

Đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân: Mức chi 250.000 đồng/văn bản.

b) Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra

Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân: Mức chi 500.000 đồng/báo cáo.

5. Chỉnh lý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, các loại báo cáo, bản thuyết minh, tờ trình văn bản, dự thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân: Mức chi 200.000 đồng/lần chỉnh lý.

6. Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ công tác xây dựng, soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản

- Chủ trì: Mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp.

- Các thành viên tham dự: Mức chi 100.000 đồng/người/cuộc họp.

- Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: Mức chi 200.000đ/văn bản.

7. Chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập

Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các báo cáo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi 1.000.000 đồng/báo cáo.

8. Ngoài việc thực hiện theo mức chi cho những nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này, mức chi cho những nội dung khác được thực hiện và áp dụng theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, gồm:

a) Đối với các khoản chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và quy định của UBND tỉnh về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Đối với việc tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn ngân sách nhà nước và quy định của UBND tỉnh về mức chi cho các cuộc điều tra thống kê.

c) Đối với các khoản chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu.

d) Chi rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện theo quy định tại Quyết định số 63/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh quy định mức chi đặc thù đảm bảo cho các nội dung kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

đ) Chi mua văn phòng phẩm, in ấn, sao chụp tài liệu phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hóa đơn, chứng từ chi hợp pháp, trong phạm vi dự toán được giao.

Điều 4. Mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

1. Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân được ban hành mới hoặc thay thế, mức phân bổ kinh phí cho cơ quan chủ trì soạn thảo được thực hiện như sau:

a) Cấp tỉnh: 10 triệu đồng/văn bản.

b) Cấp huyện: 8 triệu đồng/văn bản.

c) Cấp xã: 6 triệu đồng/văn bản.

2. Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân được ban hành sửa đổi, bổ sung, mức phân bổ kinh phí cho cơ quan chủ trì soạn thảo được thực hiện như sau:

a) Cấp tỉnh: 8 triệu đồng/văn bản.

b) Cấp huyện: 6 triệu đồng/văn bản.

c) Cấp xã: 4 triệu đồng/văn bản.

3. Ngoài định mức phân bổ kinh phí quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên đã được giao để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:

a) Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân: Các sở, ban, ngành được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hoạt động thường xuyên của cơ quan gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Riêng đối với cơ quan thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: Căn cứ số lượng văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình xây dựng nghị quyết, quyết định hàng năm và chương trình được Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân điều chỉnh, bổ sung; căn cứ nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, nội dung chi, định mức chi, quy định tại Điều 2, Điều 3 Quy định này và các chế độ chi tiêu hiện hành để lập dự toán kinh phí thẩm định, thẩm tra Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

b) Phân bổ dự toán

Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao, các sở, ban, ngành thực hiện phân bổ dự toán cho các đơn vị dự toán trực thuộc trong đó ghi rõ kinh phí xây dựng, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được phân bổ vào kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ.

2. Việc thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

Đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo phương thức khoán trên sản phẩm hoàn thành, chứng từ thanh toán gồm:

- Quyết định hoặc văn bản phê duyệt chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền.

- Tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã xây dựng xong hoặc dừng lại không xây dựng tiếp; cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản được phép thanh, quyết toán phần kinh phí đã thực hiện tương ứng theo quy định về nội dung chi, mức chi tại Quy định này trên cơ sở chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ các nội dung chi, định mức chi tại Điều 2, Điều 3 của Quy định này, căn cứ mức kinh phí được giao để thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quyết định thực hiện chi tiêu cho các nội dung công việc với mức chi phù hợp (có thể thấp hơn định mức chi quy định tại Điều 3 của Quy định này).

2. Các nội dung khác không quy định tại Quy định này thực hiện theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2017/QĐ-UBND Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 19/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Vũ Hồng Bắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản