Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 103/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 14/2006/TT-BKHCN ngày 08 tháng 8 năm 2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn việc giám định công nghệ các dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 10/2009/TT-BKHCN ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 200/2009/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài chính về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định Hợp đồng chuyển giao công nghệ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 280/TTr-SKHCN ngày 05 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (b/c);
- Thường vụ Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- BQL các Khu CN, Khu KT CM-LC;
- CVP, PCVP Đ.N.Trân;
- Lưu: VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này cụ thể hóa một số hoạt động quản lý nhà nước về thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, giám định công nghệ và dịch vụ chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ, đầu tư công nghệ và chuyển giao công nghệ; các tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài liên quan trong hoạt động đầu tư công nghệ, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. THẨM TRA CÔNG NGHỆ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 3. Đối tượng thẩm tra công nghệ

1. Các dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực các dự án đầu tư cần thẩm tra công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được quy định tại Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các dự án đầu tư không thuộc khoản 1 Điều này nhưng do tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Điều 4. Thẩm quyền thẩm tra công nghệ

1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tùy theo mức độ phức tạp công nghệ của dự án, phối hợp các ngành liên quan tổ chức thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và khoản 2 Điều 3 của Quy định này.

2. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này thuộc thẩm quyền của Ban cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Điều 5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm tra công nghệ

1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm tra công nghệ được thực hiện theo Mục 1, 2 Phần III Thông tư số 10/2009/TT-BKHCN ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2009/TT-BKHCN).

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án có yếu tố công nghệ thuộc đối tượng nêu trên có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm tra công nghệ theo quy định.

3. Đối với các dự án đầu tư do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Các Ban Quản lý tiếp nhận hồ sơ dự án để thẩm tra công nghệ theo quy định.

4. Đối với các dự án do tổ chức, cá nhân có yêu cầu thì gửi hồ sơ trực tiếp đến Sở Khoa học và Công nghệ kèm theo văn bản đề nghị thẩm tra công nghệ.

Điều 6. Kinh phí thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư

1. Hàng năm, cơ quan tổ chức thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư lập dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác thẩm tra công nghệ. Kinh phí này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, tổ chức thẩm tra công nghệ.

a) Đối với các dự án đầu tư thuộc khoản 1 Điều 3 của Quy định này, kinh phí thẩm tra công nghệ được bố trí từ nguồn ngân sách của tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thực hiện.

b) Đối với các dự án đầu tư thuộc khoản 2 Điều 3 của Quy định này, kinh phí thẩm tra công nghệ do tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm tra công nghệ chi trả.

2. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b, c Mục 3 Phần III Thông tư số 10/2009/TT-BKHCN và các văn bản hiện hành.

Điều 7. Kiểm tra công nghệ đầu tư

Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra công nghệ đầu tư. Kiểm tra việc tiếp nhận công nghệ, thiết bị của các đơn vị có dự án đầu tư, phát hiện kịp thời và xử lý những hành vi đầu tư công nghệ, thiết bị sai khác so với hồ sơ đã được thẩm tra, làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm và môi trường.

MỤC 2. CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CÓ SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 8. Quy định về công nghệ được chuyển giao

Khuyến khích ứng dụng công nghệ đạt trình độ tiên tiến, đối với một số trường hợp có thể ứng dụng công nghệ phù hợp với trình độ sản xuất và điều kiện của địa phương, nhưng cần giải trình rõ những ưu điểm khi áp dụng công nghệ này và lý giải được tính phù hợp của công nghệ được áp dụng, lưu ý đến sự tác động của công nghệ đến môi trường.

2. Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; Danh mục công nghệ cấm chuyển giao được quy định theo Điều 9, 10, 11 Luật Chuyển giao công nghệ và Điều 5 Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 133/2008/NĐ-CP).

Điều 9. Chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước

Chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 133/2008/NĐ-CP. Trường hợp sử dụng vốn nhà nước để nhận chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư hoặc sử dụng nhiều nguồn vốn để nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nguồn vốn nhà nước chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên, bên nhận công nghệ phải lập phương án nhận chuyển giao công nghệ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Điều 10. Đăng ký, đăng ký bổ sung, sửa đổi hợp đồng chuyển giao công nghệ

1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là cơ sở để được hưởng các ưu đãi theo quy định của Nghị định 133/2008/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ được quy định tại Điều 7, Nghị định 133/2008/NĐ-CP, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu các bên có thỏa thuận bổ sung, sửa đổi nội dung hợp đồng, thì phải gửi hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ đến Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, sửa đổi hợp đồng. Hồ sơ được quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 1, Nghị định 103/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP.

3. Phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ thực hiện theo Thông tư số 200/2009/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài chính về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Điều 11. Kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ

1. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối tổ chức kiểm tra trong và sau khi hoàn thành việc đầu tư công nghệ; trong quá trình vận hành sử dụng và làm chủ công nghệ. Kiểm tra việc tiếp nhận công nghệ của đơn vị có dự án đầu tư và các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những hành vi đầu tư công nghệ sai khác so với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được cấp giấy chứng nhận, làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm, môi trường, an ninh, Quốc phòng và an toàn sức khỏe cộng đồng.

2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 133/2008/NĐ-CP.

MỤC 3. GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ

Điều 12. Quyền trưng cầu giám định công nghệ, quyền yêu cầu giám định

1. Cơ quan có quyền trưng cầu giám định công nghệ bao gồm:

a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ;

b) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chuyển giao công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định công nghệ, bao gồm:

a) Bên tham gia giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ;

b) Tổ chức cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi vi phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo vi phạm về chuyển giao công nghệ;

c) Tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến việc tranh chấp, vi phạm, khiếu nại, tố cáo về chuyển giao công nghệ.

Điều 13. Nội dung giám định công nghệ

1. Xác định tình trạng pháp lý, các quyền đối với công nghệ được chuyển giao.

2. Xác định các chỉ tiêu của công nghệ đã được chuyển giao trong thực tế so với các chỉ tiêu công nghệ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định công nghệ, người yêu cầu giám định công nghệ

1. Người trưng cầu giám định công nghệ (Cơ quan hoặc tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) có các quyền:

a) Được lựa chọn tổ chức giám định công nghệ đã được công nhận đáp ứng điều kiện giám định công nghệ;

b) Yêu cầu tổ chức giám định trả lời kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã được thỏa thuận;

c) Yêu cầu tổ chức giám định giải thích kết luận giám định;

d) Yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại theo quy định tại Điều 26 Nghị định 133/2008/NĐ-CP;

đ) Thỏa thuận về chi phí giám định công nghệ.

2. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn và chính xác của các tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;

b) Trình bày rõ ràng, cụ thể những vấn đề thuộc nội dung cần trưng cầu, yêu cầu giám định;

c) Thanh toán chi phí giám định công nghệ theo thoả thuận.

3. Chi phí giám định công nghệ theo trưng cầu giám định hoặc theo yêu cầu giám định do các bên thoả thuận.

4. Việc trưng cầu giám định công nghệ phải lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 133/2008/NĐ-CP.

5. Việc yêu cầu giám định công nghệ phải lập thành Hợp đồng dịch vụ giám định công nghệ với các nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 133/2008/NĐ-CP.

6. Thời gian trả văn bản kết quả giám định và phí giám định công nghệ do hai bên tổ chức giám định và bên trưng cầu, yêu cầu giám định công nghệ thống nhất thỏa thuận.

Điều 15. Văn bản kết luận giám định công nghệ

1. Văn bản kết luận giám định công nghệ là một trong các cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc và phải có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định công nghệ;

b) Tên, địa chỉ của cơ quan trưng cầu giám định hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;

c) Đối tượng, nội dung, phạm vi giám định;

d) Phương pháp thực hiện giám định;

đ) Kết luận giám định;

e) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định;

2. Văn bản kết luận giám định phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định công nghệ, người đứng đầu tổ chức giám định công nghệ và đóng dấu của tổ chức đó.

Điều 16. Dịch vụ chuyển giao công nghệ

1. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ để cung cấp các dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, giám định công nghệ và tư vấn chuyển giao công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ phải đăng ký hoạt động và chỉ được tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ sau khi đã được đăng ký theo quy định tại Thông tư số 02/2010/TT-BKHCN ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thành lập và đăng ký tổ chức Khoa học và Công nghệ.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công nghệ. Có trách nhiệm chủ trì theo dõi tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về công nghệ. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ về thẩm tra công nghệ, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Hướng dẫn, quản lý các hoạt động: đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, giám định công nghệ và tư vấn chuyển giao công nghệ; thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh và hỗ trợ Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các chủ đầu tư thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư và các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về công nghệ khi có yêu cầu; tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

4. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ; Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, sửa đổi Hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư.

5. Phối hợp với các Ban Quản lý, các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra đầu tư công nghệ, kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ đối với các Hợp đồng đăng ký chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận và của các tổ chức Khoa học và Công nghệ có đăng ký hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ.

6. Hàng năm, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đã đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ lập báo cáo và tổng hợp báo cáo tình hình đổi mới, chuyển giao công nghệ của năm trước, tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.

7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động thẩm tra công nghệ, đánh giá, giám định công nghệ, hoạt động cung ứng và sử dụng các dịch vụ tư vấn về chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật. Trưng cầu hoặc yêu cầu giám định công nghệ trong trường hợp cần thiết.

Điều 18. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

1. Các Sở, ban, ngành liên quan

a) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Sở Khoa học và Công nghệ để thẩm tra công nghệ theo quy định. Sở Khoa học và Công nghệ gửi ý kiến thẩm tra công nghệ bằng văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền trước khi cấp phép đầu tư.

b) Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tổ chức thẩm tra công nghệ các dự án thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư của mình theo đúng quy trình.

c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm tra và giám định công nghệ, hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn về chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền được phân cấp, thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách.

d) Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý đẩy mạnh hoạt động áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ bằng vốn từ kinh phí sự nghiệp khoa học hoặc từ các nguồn vốn khác.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

a) Tổ chức tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản về quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ trên địa bàn.

b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc chấp hành Luật Chuyển giao công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về các quy định của pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm của các tổ chức, nhà đầu tư

1. Các tổ chức, nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm gửi kết quả thẩm tra công nghệ, đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ về Sở Khoa học và Công nghệ để quản lý theo quy định.

2. Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đăng ký chuyển giao công nghệ:

a) Trong vòng 12 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, các bên phải thực hiện việc chuyển giao công nghệ.

b) Trong quá trình chuyển giao công nghệ phải báo cáo tiến độ thực hiện theo yêu cầu và chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan.

c) Khi hợp đồng chuyển giao công nghệ hết hiệu lực thì bên giao và bên nhận phải lập biên bản đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên nhận phải gửi biên bản đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Sở Khoa học và Công nghệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày 2 bên ký kết biên bản.

Điều 20. Điều khoản thi hành

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan phản ánh bằng văn bản về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 19/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 10/06/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản