Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2012/QĐ-UBND

 Ninh Thuận, ngày 06 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 316/TTr-STP ngày 20 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa ngành tư pháp với các sở, ngành chuyên môn trong việc quản lý giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với thủ trưởng các sở, ngành chuyên môn (có lực lượng giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc) tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và thủ trưởng các sở, ngành chuyên môn liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Đại

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Công tác phối hợp làm việc phải bảo đảm tính khách quan, thống nhất tuân thủ pháp luật về giám định tư pháp và những quy định về chuyên ngành.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước trong công tác giám định tư pháp theo quy định pháp luật và theo Quy chế này.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp và bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Phối hợp với các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp thành lập tổ chức giám định tư pháp ở những lĩnh vực theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

b) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực, sau khi thống nhất ý kiến với các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp đó;

c) Lập hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp cấp, thu hồi Thẻ giám định viên tư pháp;

d) Thông báo danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đến các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của các sở, ngành chuyên môn:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lập Đề án thành lập tổ chức giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

b) Rà soát, lựa chọn người có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Giám định tư pháp; Điều 1 Nghị định 67/2005/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn ngành chuyên môn; lập hồ sơ người được đề nghị bổ nhiệm gửi về Sở Tư pháp để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp;

c) Rà soát, lựa chọn người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh Giám định tư pháp, lập hồ sơ người được lựa chọn làm giám định tư pháp theo vụ việc gửi về Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp đưa vào danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc;

d) Thông tin kịp thời về Sở Tư pháp khi có biến động liên quan đến giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc (thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, ...).

Điều 4. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc

1. Hàng năm các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp đăng ký nội dung nghiệp vụ cần bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc gửi về Sở Tư pháp.

2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức các lớp bồi dưỡng hàng năm sát hợp với đề xuất của các Sở, ngành chuyên môn; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

3. các sở, ngành chuyên môn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của các cơ quan, tổ chức chuyên môn trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự, giao thông, lâm nghiệp, thủy sản, văn hoá, tài chính - kế toán, xây dựng, môi trường và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động giám định tư pháp.

Điều 5. Lập dự toán kinh phí hoạt động giám định tư pháp

1. Hàng năm các sở, ngành chuyên môn có trách nhiệm lập dự toán, bố trí hợp lý kinh phí hoạt động giám định tư pháp và từng bước trang bị đầy đủ máy móc thiết bị bảo đảm cho hoạt động giám định tư pháp thuộc mình quản lý phục vụ đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp của tỉnh.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động quản lý giám định hàng năm bảo đảm cho hoạt động quản lý Nhà nước về giám định tư pháp; bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật giám định cho đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc của tỉnh.

Điều 6. Công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với giám định viên tư pháp

1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp trong việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót trong hoạt động giám định để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

2. các sở, ngành chuyên môn có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp.

3. các sở, ngành chuyên môn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết khiếu nại tố cáo theo thẩm quyền đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc quyền quản lý; thông báo cho Sở Tư pháp biết kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 7. Công tác thi đua khen thưởng các tổ chức giám định tư pháp và giám định viên tư pháp

Trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành chuyên môn, Sở Tư pháp xem xét, tổng hợp, đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xét khen thưởng theo Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - khen thưởng.

Điều 8. Báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất, sơ kết, tổng kết

1. các sở, ngành chuyên môn: định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm các tổ chức giám định tư pháp (nơi không có tổ chức giám định tư pháp thì Sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp) thực hiện chế độ báo cáo về tình hình tổ chức và kết quả hoạt động. Báo cáo gửi về Sở Tư pháp trước ngày 15 của tháng kế tiếp kỳ báo cáo để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

2. Sở Tư pháp thực hiện việc báo cáo chuyên đề hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động giám định tư pháp.

Điều 9. Quan hệ quản lý giữa Sở Tư pháp với giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực giám định tư pháp

1. Đối với các giám định viên tư pháp hoạt động trong tổ chức giám định tư pháp: Sở Tư pháp thực hiện chế độ quản lý giám định viên tư pháp thông qua quan hệ phối hợp với lãnh đạo Sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp và người đứng đầu tổ chức giám định tư pháp. Người đứng đầu tổ chức giám định tư pháp chịu trách nhiệm về việc quản lý giám định viên tư pháp của tổ chức mình và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm cho Sở Tư pháp.

2. Đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các sở, ngành chuyên môn trong việc quản lý giám định tư pháp: Sở Tư pháp thực hiện chế độ quản lý về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp trong từng lĩnh vực thông qua mối quan hệ phối hợp với lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp; chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất của Sở chuyên môn và chế độ phối hợp kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm trong quan hệ phối hợp thực hiện công tác quản lý

1. Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn thực hiện đầy đủ chức trách trong quản lý theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và tự chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong quan hệ phối hợp theo quy chế này.

2. các sở, ngành chuyên môn đề xuất kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quan hệ quản lý, quan hệ phối hợp về Sở Tư pháp để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành cấp trên xem xét, giải quyết.

3. Sở Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn và cơ quan chức năng liên quan giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quan hệ phối hợp quản lý hoạt động giám định tư pháp tại địa phương. Đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên hoặc những vấn đề phức tạp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành cấp trên và đề xuất hướng chỉ đạo giải quyết.

Điều 11. Phân công thực hiện

1. Giám đốc Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp chịu trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, định kỳ sáu tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Quá trình thực hiện quy chế nếu có vướng mắc, các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

4. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy chế này do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc các Sở, thủ trưởng ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp./.