Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 19/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 25 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG CẢNG CÁ LA GI - THỊ XÃ LA GI VÀ CẢNG CÁ PHAN RÍ CỬA - HUYỆN TUY PHONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 60/2007/NQ-HĐND ngày 17/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về danh mục và mức tối đa các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Thực hiện Công văn số 790/HĐND-CTHĐ ngày 22/10/2008 của Thường trực HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung quy định về Phí sử dụng cảng cá và Công văn số 163/HĐND-CTHĐ ngày 18/3/2009 của Thường trực HĐND tỉnh về việc quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong;
Theo đề nghị của Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 11/2005/QĐ-UBBT ngày 02/02/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc Quy định về Phí bến bãi tại Cảng La Gi - huyện Hàm Tân và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Ban quản lý Cảng La Gi, Giám đốc Ban quản lý Cảng Phan Rí Cửa và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG CẢNG CÁ LA GI - THỊ XÃ LA GI VÀ CẢNG CÁ PHAN RÍ CỬA - HUYỆN TUY PHONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 25/3/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích thu phí

Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong là khoản thu nhằm bù đắp một phần chi phí Nhà nước bỏ ra để đầu tư xây dựng và quản lý Cảng cá La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Việc thu Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong được áp dụng giới hạn trong phạm vi mặt đất, mặt nước của Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong do Ban quản lý cảng chịu trách nhiệm quản lý.

Điều 3. Đối tượng chịu phí, đơn vị thu phí

1. Đối tượng chịu phí bao gồm:

a) Các loại tàu thuyền đánh bắt hải sản; vận tải hàng hóa, hành khách vào - ra cảng;

b) Các loại phương tiện vận tải cơ giới đường bộ vào - ra cảng;

c) Tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý cảng;

d) Hàng hóa lưu bãi trong phạm vi quản lý của Ban quản lý cảng;

e) Các đối tượng trên không phải nộp Phí sử dụng lề đường, bến, bãi, mặt nước theo quy định tại Quyết định số 72/2007/QĐ-UBND ngày 05/11/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc Quy định khung mức thu và quản lý, sử dụng Phí sử dụng lề đường, bến, bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đơn vị thu phí là Ban quản lý Cảng La Gi - thị xã La Gi và Cảng Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Điều 4. Các trường hợp miễn thu phí

1. Tàu thuyền của các đơn vị biên phòng, quân sự, kiểm ngư, công an cập cảng khi đang làm nhiệm vụ khi cập cảng phải thông báo cho Ban quản lý cảng biết để bố trí nơi neo đậu.

2. Tàu thuyền cập cảng để tránh thiên tai (khi cập cảng phải thông báo Ban quản lý cảng biết và bố trí nơi neo đậu).

3. Miễn thu phí cho tất cả các loại tàu, thuyền đang neo đậu trong trường hợp có lệnh cấm xuất bến của cơ quan có thẩm quyền kể từ khi lệnh cấm xuất bến được ban hành cho đến lúc có thông báo giải tỏa.

4. Tàu thuyền, phương tiện vận tải đường bộ vào cảng làm công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn, đưa đón người bệnh, người chết, người bị tai nạn... hoặc vào cảng vì mục đích tham quan.

5. Phương tiện vận tải đường bộ ra - vào cảng để giao dịch, mua bán với các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động trong cảng. Phương tiện vận tải được miễn thu phí trong trường hợp này là phương tiện không thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động tại cảng không làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và không thường xuyên ra vào cảng.

6. Đối với các doanh nghiệp thuê đất trong khu vực cảng thuộc đối tượng phải đóng các khoản tiền thuê đất, tiền cơ sở hạ tầng thì được miễn thu phí trong các trường hợp:

a) Các xe lạnh, xe tải thuộc sở hữu của doanh nghiệp (theo giấy đăng ký xe);

b) Xe (thuộc sở hữu của doanh nghiệp hay các tổ chức, cá nhân khác) vào - ra, lưu bãi tại cảng để chở hàng xuất khẩu từ doanh nghiệp ra khỏi cảng.

Điều 5. Đối với tàu, thuyền nước ngoài khi vào - ra cảng phải chấp hành đúng các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam. Trước khi cập cảng phải đăng ký với Ban quản lý cảng, Ban quản lý cảng có trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép hoặc không cho phép cập cảng. Khi cập cảng (sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép), nếu không thuộc đối tượng miễn thu phí, thì phải nộp phí theo quy định.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ

Điều 6. Mức thu, thời hạn tối đa cho một lần vào - ra cảng

1. Mức thu: theo biểu quy định mức thu Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong ban hành kèm theo bản Quy định này.

2. Thời hạn tối đa quy định cho một lần vào - ra cảng đối với tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách, phương tiện vận tải đường bộ nộp phí tính theo lần vào - ra cảng như sau:

a) Đối với tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách trên các tuyến từ cảng đến các vùng khác ngoài huyện hoặc ngược lại, thuộc đối tượng chịu phí theo Mục A.3.2, A.3.3 và A.3.4 - Biểu quy định mức thu, thời hạn tối đa cho một lần vào - ra cảng (tính từ thời điểm cập bến cho đến thời điểm xuất bến) trong điều kiện bình thường được quy định là:

- 03 (ba) ngày đêm trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 9 dương lịch;

- 04 (bốn) ngày đêm trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 02 dương lịch năm sau.

Trong khoảng thời gian quy định trên, nếu có thêm lần vào - ra cảng nào thì phải nộp phí cho lần vào - ra cảng đó. Quá thời hạn quy định trên kể từ khi cập cảng, nếu tàu thuyền chưa xuất bến, thì phải chịu thêm khoản phí lưu bãi theo quy định tại Mục C.1 - Biểu quy định mức thu;

b) Đối với phương tiện vận tải đường bộ thuộc đối tượng chịu phí theo Mục B - Biểu quy định mức thu, thời hạn tối đa tính cho một lần vào - ra cảng là 01 ngày đêm (tính từ thời điểm vào cảng cho đến thời điểm 0 giờ).

Trong khoảng thời gian quy định trên, nếu có thêm lần vào - ra cảng nào thì phải nộp phí cho lần vào - ra cảng đó. Quá thời hạn quy định kể từ khi vào cảng, nếu phương tiện vẫn còn trong khu vực cảng, thì phải chịu thêm khoản phí lưu bãi theo quy định tại Mục C.2 - Biểu quy định mức thu.

Điều 7. Chế độ khuyến khích thu nộp

1. Chủ tàu, thuyền (trừ tàu, thuyền đánh bắt hải sản trong huyện nộp phí cả năm theo quy định tại Mục A.1 - Biểu quy định mức thu), phương tiện vận tải đường bộ neo đậu, lưu bãi thường xuyên; tổ chức cá nhân thuê mặt bằng từ một năm trở lên, nếu có nhu cầu nộp phí cả năm một lần, thì thỏa thuận và ký hợp đồng nộp phí hàng năm với Ban quản lý cảng. Sau khi ký kết hợp đồng và nộp phí cả năm một lần trong tháng đầu tiên kể từ ngày ký kết hợp đồng, thì được giảm 10% trên tổng số tiền phải nộp cả năm. Căn cứ để tham khảo và xác định số tiền phí phải nộp cả năm là kết quả hành trình (cập - xuất - bến, ra - vào cảng) năm trước, dự kiến hành trình năm thực hiện nộp phí và mức thu tại Biểu quy định mức thu. Thời gian hiệu lực của hợp đồng (một hoặc nhiều năm) do hai bên thống nhất lựa chọn.

2. Đối với các phương tiện vận tải đường bộ thô sơ (xe mô tô, xe xích lô, xe lôi, xe đạp thồ...) ra vào khu vực cảng thường xuyên, nếu không lựa chọn hình thức nộp phí hàng năm, mà có nhu cầu nộp phí theo mức khoán hàng tháng, thì thỏa thuận và ký hợp đồng nộp phí hàng tháng với Ban quản lý cảng. Mức khoán nộp hàng tháng do hai bên thoả thuận và thống nhất, nhưng không thấp hơn số tiền phí phải nộp cho 30 lượt vào - ra cảng tính theo mức thu tại Biểu quy định mức thu. Thời gian hiệu lực của hợp đồng (một hoặc nhiều tháng, quý, năm) do hai bên thống nhất lựa chọn.

Điều 8. Quản lý và phân phối, sử dụng tiền phí

Tùy theo tình hình thu phí, mà hàng ngày hoặc chậm nhất trong vòng 01 tuần lễ, toàn bộ số tiền thu phí phát sinh tại cảng được nộp vào "Tài khoản tạm giữ tiền phí" của Ban quản lý cảng mở tại Kho bạc Nhà nước. Từ tài khoản này, số tiền thu phí được phân phối, sử dụng như sau:

1. Trích để lại đơn vị một phần số tiền phí thu được để chi phục vụ công tác thu, quản lý tiền phí:

a) Chi cho hợp đồng bảo vệ cảng, chi làm đêm, làm thêm giờ;

b) Chi về vệ sinh môi trường;

c) Mua sắm trang bị tài sản phục vụ công tác thu phí, quản lý;

d) Chi bồi dưỡng cho các lực lượng phối hợp trong việc thu phí, xử lý các vi phạm an ninh trật tự;

e) Chi trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi. Mức trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi bình quân một năm một người: tối đa không quá 03 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 02 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

Tỷ lệ trích để lại cụ thể như sau:

+ Đối với khoản phí thu theo quy định tại các Mục A, B, C, D - Biểu quy định mức thu, tỷ lệ trích để lại là 40% trên tổng số tiền phí thu được;

+ Đối với khoản phí thu theo quy định tại Mục E - Biểu quy định mức thu, tỷ lệ trích để lại là 40% trên tổng số tiền phí còn lại sau khi nộp thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định.

Khoản trích này không phản ánh vào ngân sách Nhà nước và được xác định là nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thu phí. Quy chế chi tiêu nội bộ từ nguồn phí để lại (và các nguồn kinh phí khác theo quy định) do đơn vị thu phí xây dựng, triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

Sau khi quyết toán đúng chế độ, phần trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

2. Số tiền phí còn lại sau khi trích để lại được nộp ngân sách Nhà nước, điều tiết 100% ngân sách cấp huyện, dùng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn bến cảng. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.

Chương III

CHỨNG TỪ THU PHÍ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC THU PHÍ; CƠ QUAN THUẾ

Điều 9. Chứng từ thu phí

Biên lai thu phí do cơ quan thuế thống nhất phát hành. Cơ quan thu phí phải lập và giao biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí theo đúng quy định hiện hành về chế độ phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế.

Điều 10. Cơ quan thu phí có trách nhiệm

1. Thực hiện việc công khai và trả lời chất vấn về chế độ thu phí. Hình thức công khai:

a) Niêm yết ở những vị trí thuận lợi để đối tượng nộp phí dễ nhận biết. Nội dung niêm yết: tên phí, đối tượng thuộc diện nộp phí, đối tượng thuộc diện miễn, giảm nộp phí, mức thu, chứng từ thu, thủ tục thu, nộp phí;

b) Thông báo công khai văn bản quy định mức thu phí.

2. Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu thu phí theo Quyết định này phải đăng ký với cơ quan thuế về loại phí, địa điểm thu, chứng từ thu và việc tổ chức thu (Mẫu số 1, ban hành kèm theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính). Định kỳ hàng tháng phải kê khai số tiền thu phí và nộp tờ khai cho cơ quan thuế chậm nhất trong 20 ngày tháng tiếp theo. Đơn vị thu phải thực hiện kê khai đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu quy định (Mẫu số 01/PHLP, ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu kê khai.

3. Thực hiện việc thu phí theo đúng đối tượng, mức thu quy định tại Quy định này.

4. Cơ quan thu phí mở tài khoản “Tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc Nhà nước ở địa phương nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí. Định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần (tùy theo số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước), đơn vị thu phí phải nộp toàn bộ số tiền đã thu được trong kỳ vào tài khoản "Tạm giữ tiền phí" (nếu số tiền phí thu được vào các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ thì phải nộp vào ngày làm việc đầu tiên của tuần kế tiếp) và phải theo dõi, hạch toán khoản thu này theo chế độ kế toán hiện hành.

5. Thực hiện chế độ kế toán và quyết toán số tiền thu phí theo quy định hiện hành của Nhà nước:

a) Mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ánh đầy đủ số thu, số trích, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí;

b) Quản lý, sử dụng biên lai thu và các chứng từ kế toán có liên quan theo đúng chế độ quản lý ấn chỉ, chứng từ quy định;

c) Thực hiện quyết toán phí theo năm dương lịch. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm cho cơ quan quản lý và cơ quan thuế chậm nhất không quá 90 ngày kể từ ngày 31/12 của năm quyết toán phí theo biểu mẫu quy định (Mẫu số 02/PHLP, ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính). Quyết toán phí phải phản ánh đầy đủ toàn bộ số tiền phí đã thu; số tiền được trích để lại; số tiền phải nộp, đã nộp; số tiền còn phải nộp hoặc nộp thừa. Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp đủ số tiền phí còn thiếu vào ngân sách Nhà nước chậm nhất không quá 90 ngày kể từ ngày 31/12 của năm quyết toán phí. Số tiền phí nộp thừa tính đến thời điểm quyết toán được khấu trừ vào số phải nộp kỳ tiếp sau.

Đơn vị thu phí chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán phí, nếu đơn vị cố tình báo cáo sai để trốn nộp, gian lận tiền của ngân sách Nhà nước, thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp đầy đủ tài liệu, sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán liên quan đến việc quản lý phí theo yêu cầu của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều 11. Cơ quan thuế có trách nhiệm

1. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thu Phí thực hiện việc kê khai, thu, nộp, mở sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán phí theo đúng quy định pháp luật về phí, lệ phí và các quy định cụ thể tại Quy định này.

2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, thu, nộp và quyết toán phí; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền về thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp phí vào ngân sách Nhà nước, chế độ mở sổ kế toán, quản lý sử dụng và lưu giữ chứng từ thu phí.

3. Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức in ấn, phát hành, quản lý chứng từ thu phí theo quy định về quản lý ấn chỉ của Bộ Tài chính; bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ chứng từ phục vụ cho công tác thu của các đơn vị thu phí.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí thì ngoài việc phải trả đủ số tiền phí theo mức quy định tại Quy định này, còn bị phạt tiền theo quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm phải theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Mọi trường hợp thu tiền phạt phải cấp biên lai thu tiền phạt cho người nộp tiền (loại biên lai do Bộ Tài chính phát hành) và phải ghi đúng số tiền đã thu.

Điều 13. Đơn vị, cá nhân thu phí vi phạm chế độ thu, nộp tiền phí, tiền phạt; chế độ kê khai, nộp phí vào ngân sách Nhà nước; chế độ kế toán và quyết toán phí thì bị xử lý theo Pháp lệnh Phí, lệ phí và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Chương V

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 14. Tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 15. Tổ chức, cá nhân nộp phí không đồng ý với quyết định thu phí, có quyền gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, cá nhân thu phí trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp phí. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện quyết định thu phí.

Điều 16. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tổ chức, cá nhân thu phí phải giải quyết và trả lời cho người khiếu nại bằng văn bản. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình thì phải chuyển đơn khiếu nại hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại.

Điều 17. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 15 mà không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền tiếp tục khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh thêm đối tượng thu phí hoặc phát sinh những vướng mắc cần điều chỉnh, Ban quản lý Cảng La Gi - thị xã La Gi và Ban quản lý Cảng Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các phòng ban chức năng của huyện để tham mưu UBND huyện, thị xã trình UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) ban hành quy định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

BIỀU MỨC THU

PHÍ SỬ DỤNG CẢNG CÁ LA GI – THỊ XÃ LA GI VÀ CẢNG CÁ PHAN RÍ CỬA – HUYỆN TUY PHONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2009/Q Đ-UBND ngày 25/3/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Số TT

Đối tượng thu

Đơn vị tính

Mức thu

A

Tàu thuyền các loại

1

Tàu, thuyền đánh bắt hải sản đăng ký hành nghề trong huyện

Đồng/tàu, thuyền/năm

 

1.1

Từ 06CV đến 09CV

 

80.000

1.2

Từ 10CV đến 13CV

 

120.000

1.3

Từ 14CV đến 19CV

 

150.000

1.4

Từ 20CV đến 29CV

 

180.000

1.5

Từ 30CV đến 49CV

 

210.000

1.6

Từ 50CV đến 69CV

 

250.000

1.7

Từ 70CV đến 99 CV

 

300.000

1.8

Từ 100CV đến 199CV

 

350.000

1.9

Từ 200CV trở lên

 

400.000

2

Tàu, thuyền đánh bắt hải sản ngoài huyện

Đồng/lần vào - ra cảng

 

2.1

Từ 06CV đến 12CV

 

5.000

2.2

Từ 13CV đến 30CV

 

10.000

2.3

Từ 31CV đến 90CV

 

20.000

2.4

Từ 91CV đến 200CV

 

30.000

2.5

Từ 200CV trở lên

 

50.000

3

Tàu, thuyền vận tải hàng hóa, hành khách cập cảng (trong và ngoài huyện)

 

 

3.1

Trọng tải dưới 5 tấn

Đồng/lần vào-ra cảng (thời gian tối đa 01 ngày đêm)

10.000

3.2

Trọng tải trên 5 đến 10 tấn

Đồng/lần

20.000

3.3

Trọng tải trên 10 đến 100 tấn

vào-ra cảng

50.000

3.4

Trọng tải trên 100 tấn

 

80.000

B

Phương tiện vận tải đường bộ

1

Xe tải

Đồng/lần vào-ra cảng

 

1.1

Trọng tải trên 10 tấn

 

25.000

1.2

Trọng tải trên 05 đến 10 tấn

 

20.000

1.3

Trọng tải trên 2,5 đến 05 tấn

 

15.000

1.4

Trọng tải từ 01 đến 2,5 tấn

 

10.000

1.5

Trọng tải dưới 01tấn

 

5.000

2

Xe khách các loại

Đồng/lần vào-ra cảng

10.000

3

Xe Ô tô con

Đồng/lần vào-ra cảng

5.000

4

Xe ngựa, xe lam, bagác, mô tô thồ, xe đạp thồ, xích lô đạp

Đồng/lần vào-ra cảng

1.000

C

Mức thu phí tính cho thời gian lưu bãi vượt quá thời hạn tối đa quy định

1

Tàu, thuyền vận tải hàng hóa, hành khách cập cảng

 

 

1.1

Tàu, thuyền quy định tại Điểm A.3.2, A.3.3, A.3.4

Đồng/tấn đăng ký/ngày đêm

1.000

1.2

Tàu, thuyền quy định tại Điểm A.3.1

Đồng/chiếc/ngày đêm (tính từ 0 giờ trở đi)

500

2

Phương tiện vận tải đường bộ

Đồng/xe/ngày đêm (tính từ 0 giờ trở đi)

 

2.1

Các loại phương tiện vận tải quy định tại Điểm B.1, B.2, B,3

 

15.000

2.2

Các loại phương tiện vận tải quy định tại Điểm B.4

 

5.000

D

Hàng hóa đã được bốc dỡ khỏi tàu thuyền, phương tiện vận tải đường bộ, lưu bãi trong phạm vi quản lý của BQL Cảng (trong thời gian chờ vận chuyển ra khỏi Cảng)

1

Gạch các loại

Đồng/1.000 viên/ngày đêm

5.000

2

Xi măng

Đồng/tấn/ngày đêm

4.000

3

Tole các loại

Đồng/tấn/ngày đêm

150

4

Đá chẻ

Đồng/viên/ngày đêm

30

5

Gỗ xây dựng

Đồng/m3/ngày đêm

30.000

6

Các sản phẩm từ gỗ (cửa, bàn, ghế, tủ…)

Đồng/sản phẩm/ngày đêm

2.000

7

Sắt thép

Đồng/tấn/ngày đêm

4.000

8

Xăng, dầu, nhớt

Đồng/phuy 200 lít/ngày đêm

2.000

9

Củi đốt

Đồng/ster/ngày đêm

2.000

10

Than đốt

Đồng/bao 50 kg/ngày đêm

500

11

Cát, đá nhỏ xây dựng (đóng bao)

Đồng/bao/ ngày đêm

200

12

Máy thủy

Đồng/máy/ngày đêm

 

12.1

Từ 45 mã lực trở xuống

 

5.000

12.2

Từ 46 mã lực đến 90 mã lực

 

10.000

12.3

Trên 90 mã lực

 

15.000

13

Võ tai queo, san hô

Đồng/tấn/ngày đêm

4.000

14

Hàng thủy, hải sản, động vật sống

Đồng/tấn/ngày đêm

10.000

15

Hàng hóa là Container

Đồng/container/ngày đêm

35.000

E

Thuê mặt bằng

1

Đối với các hộ buôn bán cố định, thường xuyên:

 

 

1.1

Vị trí thuận lợi trong Cảng (đầu hồi, 02 mặt tiền)

Đồng/m2/tháng

60.000

1.2

Vị trí khác trong Cảng

Đồng/m2/tháng

55.000

1.3

Khu vực bến 200-400 mã lực

Đồng/m2/tháng

45.000

1.4

Mặt bằng đóng ghe và kinh doanh tại khu vực Bình Tân

Đồng/m2/tháng

20.000

2

Đối với các hộ buôn bán không cố định, không thường xuyên:

Đồng/m2/ngày đêm

3.000

3

Trường hợp đấu giá thuê mặt bằng trong cảng (do có nhiều người đăng ký thuê), mức sàn đấu giá (giá khởi điểm) là mức thu theo quy định của UBND tỉnh. Hộ trúng đấu giá nộp đầy đủ, kịp thời số tiền phí theo kết quả đấu giá cho Ban Quản lý Cảng (số tiền, số kỳ nộp quy định chi tiết trong hợp đồng thuê mặt bằng được ký kết).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2009/QĐ-UBND về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng Phí sử dụng Cảng cá La Gi - thị xã La Gi và Cảng cá Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 19/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/03/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 10/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản