Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1868/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 03 tháng 11 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TAI NẠN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 về phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020; Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;
Theo Kế hoạch số 2104/KH-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch ứng phó với các tình huống cơ bản về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 tỉnh Hà Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1528/TTr- SGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
ỨNG PHÓ SỰ CỐ TAI NẠN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
I. SỰ CẦN THIẾT
- Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng. Phía Bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa quan trọng chạy qua. Hà Nam nói riêng cũng như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung đã phải chịu tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện giao thông khi tham gia giao thông và có thể gây nên tai nạn giao thông.
- Công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố về thiên tai cũng như tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra cần phải được thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội nhận thức được và phải có sự chung tay của chính quyền, của cả hệ thống chính trị xã hội và của toàn thể nhân dân.
II. MỤC ĐÍCH
1. Bảo đảm Chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đồng thời khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
2. Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch hành động theo nhiệm vụ được phân công.
3. Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
III. YÊU CẦU
1. Cơ quan chỉ huy thống nhất điều hành là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam.
2. Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
3. Tích cực, chủ động phòng ngừa, thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.
4. Trong mọi trường hợp sự cố thiên tai, thảm họa xảy ra thì người chỉ huy cao nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường (là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoặc thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp) được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.
5. Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
6. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị - xã hội trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, cứu tài sản. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.
7. Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh thành lân cận, các ngành, các tổ chức theo từng tình huống xảy ra.
Phần II
KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ CỨU HỘ VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
I. TAI NẠN ĐƯỜNG BỘ
1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:
- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.
- Địa phương: Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).
3. Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ báo cáo ngay cho Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh lý trình, tuyến đường, loại phương tiện, biển đăng ký kiểm soát, thời gian và địa phương xảy ra tai nạn. Song song với việc triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn của ngành, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời báo cáo ngay cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành liên quan, chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp chỉ huy hiện trường đồng thời thông báo cho các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.
- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của ngành Giao thông vận tải và của Công an tỉnh là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn xảy ra, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh, trên cơ sở các tuyến đường giao thông hiện có tại khu vực xảy ra tai nạn để phân luồng đảm bảo giao thông thông suốt hạn chế thấp nhất thời gian ách tắc giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn, phong tỏa hiện trường phục vụ công tác thực thi pháp luật.
- Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, huy động lực lượng, các phương tiện của địa phương cũng như các nhà thầu đang thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đa khoa các địa phương phối hợp với các cơ sở của Bệnh viện TW đóng trên địa bàn triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.
II. TAI NẠN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:
- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.
- Địa phương: Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).
3. Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh phối hợp ngay với các đơn vị trực tiếp quản lý tuyến sông và báo cáo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải lý trình, tuyến sông, loại phương tiện, biển đăng ký kiểm soát, số lượng thuyền viên và người trên tàu, thuyền bị nạn, thời gian và địa phương xảy ra tai nạn.
- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của ngành Giao thông vận tải và của Công an tỉnh là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn xảy ra, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo và đề nghị Cục đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý và bảo trì đường thủy nội địa kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh phân luồng đảm bảo giao thông thông suốt hạn chế thấp nhất thời gian ách tắc giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn, phong tỏa hiện trường phục vụ công tác thực thi pháp luật.
- Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật số lượng, loại tàu thuyền trên địa bàn, liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt tàu, thuyền của ngành thủy sản để điều động ứng cứu khi cần thiết cũng như theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Trường hợp các phương tiện giao thông thủy trôi dạt làm ảnh hưởng đến các công trình giao thông bắc ngang sông, công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn tiến hành song song vừa cứu hộ dưới sông đồng thời triển khai nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến có công trình bị ảnh hưởng do sự va đập của các phương tiện thủy.
- Lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải duy trì liên lạc thường xuyên với Chỉ huy hiện trường để chỉ đạo hoạt động, phân chia lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo, tổ chức điều tiết giao thông, thông báo có tai nạn giao thông Đường thủy, phân luồng giao thông, tạm thời cấm tàu thuyền hành trình qua khu vực đang tiến hành hoạt động cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đa khoa các địa phương phối hợp với các cơ sở của Bệnh viện TW đóng trên địa bàn triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
- Trong trường hợp lực lượng tại chỗ không đủ khả năng cứu hộ, cứu nạn, kiến nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện của Cục đường thủy nội địa Việt Nam tham gia ứng cứu.
- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.
III. TAI NẠN ĐƯỜNG SẮT
1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:
- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.
- Địa phương: Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).
3. Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh báo cáo ngay cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải lý trình, số hiệu đoàn tàu, sơ bộ tình trạng tai nạn, thời gian và địa phương xảy ra tai nạn.
- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của ngành Giao thông vận tải và của Công an tỉnh là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn giao thông Đường sắt xảy ra, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
+ Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh phong tỏa hiện trường phục vụ công tác thực thi pháp luật.
+ Lãnh đạo Công an tỉnh duy trì liên lạc thường xuyên với chỉ huy hiện trường để chỉ đạo hoạt động, phân chia lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Tùy theo tình hình thực tế, Sở Giao thông vận tải điều động các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, các phương tiện của các nhà thầu đang thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh chịu trách nhiệm trong việc điều phối lịch chạy, dừng tàu trong thời gian xảy ra tai nạn nhằm tránh trường hợp xảy ra tai nạn liên hoàn trên tuyến đường sắt, điều động các thiết bị cứu hộ đặt chủng của ngành, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của các đơn vị khác trong ngành đường sắt.
- Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đa khoa các địa phương phối hợp với các cơ sở của Bệnh viện TW đóng trên địa bàn triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
- Trường hợp tình huống vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng ở địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch này;
2. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách theo quy định, đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch;
3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, người đứng đầu các cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng năm sơ kết và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để theo dõi chỉ đạo.
4. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch để tổng hợp báo cáo theo quy định; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả. Trường hợp vượt quá khả năng của Tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai khu vực đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả khi cần thiết.
Quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, yêu cầu các cơ quan chủ động phối hợp giải quyết; trường hợp cấp bách, vượt thẩm quyền, báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.
- 1Chỉ thị 03/2015/CT-UBND về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 2Chỉ thị 27/CT-UBND về tăng cường biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm 2016 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 3Quyết định 3066/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền trên biển; tai nạn máy bay; tai nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 4Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
- 5Kế hoạch 3626/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa sự cố đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Quyết định 1041/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai
- 4Quyết định 224/QĐ-TTg năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Chỉ thị 03/2015/CT-UBND về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 7Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
- 8Chỉ thị 27/CT-UBND về tăng cường biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm 2016 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 9Quyết định 3066/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền trên biển; tai nạn máy bay; tai nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 10Kế hoạch 2104/KH-UBND năm 2017 ứng phó với tình huống cơ bản về sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam
- 11Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
- 12Kế hoạch 3626/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa sự cố đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Quyết định 1868/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020
- Số hiệu: 1868/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/11/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Trương Quốc Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra