Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1863/QĐ-UBND

Phan thiết, ngày 10 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, MẶT TRẬN ĐOÀN THỂ, CÁC CƠ QUAN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP, CÔNG TY, TRƯỜNG HỌC, UBND CẤP HUYỆN, THỊ, THÀNH PHỐ VỚI TTHTCĐ TRONG VIỆC TỔ CHỨC HỌC TẬP CHO NHÂN DÂN TẠI CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Hội Khuyến học tỉnh tại công văn số 574 CV/KHBT ngày 02/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, công ty, trường học; UBND cấp huyện, thị, thành phố với TTHTCĐ trong việc tổ chức học tập cho nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, mặt trận và các đoàn thể tỉnh, các cơ quan HCSN thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc Trung ương và địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, VX.Hương (100)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Dũng Nhật

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, MẶT TRẬN, ĐOÀN THỂ; CÁC CƠ QUAN,ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP, CÔNG TY, TRƯỜNG HỌC; UBND CẤP HUYỆN, THỊ, THÀNH PHỐ VỚI TTHTCĐ TRONG VIỆC TỔ CHỨC HỌC TẬP CHO NHÂN DÂN TẠI CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG TỈNH.
(Kèm theo Quyết định số 1863/QĐ–UBND ngày 10/7/2009 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

- Quy chế này áp dụng với các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể (gọi chung là ngành, đoàn thể); các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học; UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; các TTHTCĐ xã, phường, thị trấn;

- Chỉ áp dụng đối với việc tuyên truyền, học tập chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức kinh nghiệm áp dụng trong sản xuất, cuộc sống nhằm giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Nguyên tắc

Việc học tập cho nhân dân phải tổ chức tại các TTHTCĐ ở cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung học tập quy định tại Điều 4, Chương 2 bản quy chế này.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Trung tâm học tập cộng đồng (gọi tắt là TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục thường xuyên, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm tổ chức học tập tự chủ của cộng đồng xã, phường, thị trấn, Có chức năng tổ chức và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện được học tập thường xuyên, học tập suốt đời những kiến thức, kinh nghiệm áp dụng trong sản xuất, cuộc sống nhằm làm tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống từng người dân và cả cộng đồng.

2. Các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị, thành phố.

- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, Công ty, trường học, (Trường Cao đẳng cộng đồng, Trường Cao đẳng y tế Bình Thuận, Trường trung cấp dạy nghề…) trong tỉnh;

- Các công ty, doanh nghiệp, trường học ngoài tỉnh.

Chương II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC PHỐI HỢP LIÊN KẾT HOẠT ĐỘNG.

Điều 4. Nội dung phối hợp giảng dạy, phổ biến, truyền đạt tại TTHTCĐ

- Tổ chức xoá mù, tiếp tục dạy học sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập;

- Tuyên truyền, phổ biến, học tập các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước;

- Các hoạt động tập huấn, trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;

- Phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu;

- Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm;

- Tổ chức học ngoại ngữ, tin học, đào tạo nghề, truyền nghề, bồi dưỡng nghề;

- Tổ chức học âm nhạc, hội họa, võ thuật, khiêu vũ, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn;

- Tổ chức hội thảo, thực hiện các đề án, khảo nghiệm đề tài, hội thi sáng tạo.

Điều 5. Hình thức phối hợp liên kết hoạt động

1. Đối với TTHTCĐ.

- Xây dựng chương trình học tập cho nhân dân và kế hoạch mở lớp dài hạn (5 năm), ngắn hạn (tháng, quý, 6 tháng, hàng năm) trình UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt để thực hiện;

- Căn cứ kế hoạch mở lớp đã được UBND xã phê duyệt, Ban Giám đốc TTHTCĐ liên hệ, đặt yêu cầu, hợp đồng với các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, trường học, đơn vị kinh tế - kỹ thuật, công ty, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh để mời giảng viên, giáo viên, cộng tác viên giảng dạy, phổ biến cho nhân dân qua các lớp học;

- Nơi có điều kiện, Trung tâm học tập cộng đồng được phép liên hệ, đặt yêu cầu, hợp đồng với trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp nghề, Công ty, ngoài tỉnh để tổ chức những lớp học, khoá học về đào tạo nghề, tin học, ngoại ngữ; chuyển giao công nghệ, kỹ thuật…

2. Đối với các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị.

- Các ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, công ty, lực lượng vũ trang hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập cho nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; chủ trương, nhiệm vụ công tác của ngành, đơn vị mình, cần tổ chức phổ biến, học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng;

- Các chương trình, kế hoạch học tập cho nhân dân nói trên, lãnh đạo các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp triển khai trực tiếp hoặc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở ngành mình như các chi cục, các trung tâm, trạm, trại, trường trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, tổ chức học tập cho nhân dân tại các trung tâm học tập cộng đồng;

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Hội Khuyến học, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, biên tập, chọn lọc, in ấn phát hành các tài liệu cơ bản phục vụ nhu cầu học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng như học chữ, học nghề, tin học, ngoại ngữ, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khoẻ, sinh sản, bảo vệ môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG VÀ CÁC NGÀNH, ĐOÀN THỂ; CƠ QUAN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHỆP, TRƯỜNG HỌC; UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRONG VIỆC TỔ CHỨC HỌC TẬP CHO NHÂN DÂN.

Điều 6. Đối với Trung tâm học tập cộng đồng:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, mở lớp dài hạn, ngắn hạn trình UBND xã, phường, thị trấn duyệt;

- Đảm bảo cơ sở vật chất cho việc mở lớp như phòng học, bàn ghế, phương tiện nghe nhìn, giảng dạy, kinh phí mở lớp’;

- In ấn tài liệu, giáo trình, giáo án;

- Cử người theo dõi, phục vụ, quản lý, tổng kết lớp học;

- Trung tâm HTCĐ phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực tiếp mở lớp để xác nhận kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng cho học viên;

- Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng học viên có thành tích xuất sắc trong học tập;

- Liên hệ, đặt yêu cầu, ký hợp đồng với các đơn vị được mời về giảng dạy.

Điều 7. Đối với các ngành, mặt trận, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học; UBND các huyện, thị, thành phố.

- Phải xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm về việc tổ chức học tập cho nhân dân những nội dung thuộc ngành mình, đơn vị mình quản lý, đồng thời biên soạn tài liệu phục vụ việc học tập cho dân để chuyển giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn cho TTHTCĐ sử dụng;

- Lãnh đạo sở ngành trực tiếp phổ biến, truyền đạt, giảng dạy hoặc giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị trực thuộc ngành mình thực hiện nhiệm vụ tổ chức học tập cho nhân dân.

Điều 8. Các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị có trách nhiệm tổ chức học tập cho nhân dân tại TTHTCĐ phải lựa chọn giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên là người có năng lực chuyên môn, khả năng truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu, biết tôn trọng người học và hướng dẫn giúp đỡ tận tình người học.

Điều 9. Giáo viên, giảng viên có nhiệm vụ.

- Viết tài liệu và giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình mà TTHTCĐ hợp đồng;

- Chịu sự giám sát của các cấp quản lý về chất lượng, nội dung và phương pháp giảng dạy;

- Hướng dẫn, giúp đỡ tận tình người học;

- Có quyền yêu cầu người học học tập tốt và đề nghị TTHTCĐ khen thưởng người có thành tích học tập tốt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của BCĐ cấp tỉnh về xây dựng TTHTCĐ cấp xã, phường, thị trấn.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc Ban Chỉ đạo TTHTCĐ các địa phương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện quy chế này;

- Tham mưu cho Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh qua thực hiện quy định này.

Điều 11. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định ban hành. Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh và các ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, công ty, trường học, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và chấp hành tốt quy chế này.

Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền phổ biến việc thực hiện quy chế này và các hoạt động của TTHTCĐ, đặc biệt là những điển hình TTHTCĐ hoạt động tốt, tích cực, có hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ./.