Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1832/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 03 tháng 7 năm 2006 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI TỈNH THANH HOÁ ĐẾN 2020.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ.
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân các cấp công bố ngày 10/12/2003;
Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT - BKH ngày 27/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn về nội dung, trình tự lập và quản lý các dự án phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng, lãnh thổ;
Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ - CT ngày 16/4/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 651 KH - ĐT/TH ngày 22/6/2006 về việc trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng miền núi tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
I. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.
II. Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn 11 huyện miền núi Thanh Hoá và 26 xã miền núi của các huyện, thị xã: Bỉm Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Tĩnh Gia; tổng diện tích tự nhiên là 8.516,6 km2.
1.1. Phát huy cao độ nội lực; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, mọi cơ hội và điều kiện cho phép để thu hút các nguồn lực bên ngoài thúc đẩy kinh tế miền núi phát triển, tạo bước đột phá và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trên địa bàn; phát triển đạt tốc độ cao, hiệu quả và bền vững;
1.2. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chủ động đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển;
1.3. Tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển;
1.4. Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với tăng cường quốc phòng, an ninh. Phát huy tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, hợp tác xây dựng tuyến biên giới với nước bạn Lào ổn định và phát triển toàn diện.
1.5. Thực hiện phát triển bền vững, vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; tiến hành xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân vùng cao, biên giới với vùng thấp, giữa miền núi và miền xuôi. Giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
a) Mục tiêu tổng quát: Khắc phục tình trạng lạc hậu, tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, đồng thời giải quyết tốt nhất các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các cộng đồng dân cư và với vùng đồng bằng. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững chủ quyền và an ninh biên giới.
b) Mục tiêu cụ thể:
b.1) Về kinh tế:
- Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP toàn vùng cao hơn trung bình cả tỉnh cùng thời kỳ:
+ Thời kỳ 2006 - 2010: 15,0%/năm
(Trong đó:công nghiệp-xây dựng: 20,0 - 25,0%; nông-lâm nghiệp: 8,0 - 9,0%; dịch vụ: 12% - 15%).
+ Thời kỳ: 2011 - 2020: 13,0 - 15,0 %/năm;
(công nghiệp - xây dựng: 20,0 - 25,0%; nông - lâm nghiệp: 8,0 - 9,0%; dịch vụ: 12% - 15%).
- GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng 1,8 - 2,0 lần so với năm 2005; năm 2020, gấp hơn 3 lần so năm 2010.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
| Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
+ Nông- lâm- thuỷ sản: | < 45,0% | < 32,0% | < 25,0% |
+ Công nghiệp-xây dựng: | > 25,0% | > 33,0% | > 37,0% |
+ Dịch vụ: | > 30,0% | > 35,0% | > 37,0% |
- Năm 2010: 100% số xã có đường ô tô vào đến trung tâm xã trong mọi điều kiện thời tiết, 50% đường giao thông nông thôn có mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng, rải đá cấp phối. Năm 2020, 100% đường giao thông nông thôn có mặt đường được rải nhựa hoặc bê tông, cấp phối.
- Đến năm 2010, hoàn thành nâng cấp 100% hồ đập, 100% kênh mương nội đồng; các tuyến kênh liên huyện, liên xã được kiên cố hóa.
- Có nhiều mặt hàng tham gia xuất khẩu đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu chung của tỉnh.
b.2) Về xã hội:
- Phấn đấu giảm tỉ lệ sinh: 0,4 - 0,5%o/năm; sớm đạt tỷ lệ sinh thay thế.
- Phấn đấu mỗi năm giảm được 4,0 - 5,0% hộ nghèo. Đến năm 2010 số hộ nghèo còn dưới 30%; năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt 20 - 22% vào năm 2010 và tăng lên trên 30% vào năm 2020; giảm thời gian nông nhàn khu vực nông thôn.
- Đến năm 2007, 100% số huyện đạt phổ cập trung học cơ sở; năm 2010, 100% số xã đạt phổ cập trung học cơ sở; đến năm 2015, 100% số xã đạt phổ cập trung học phổ thông.
- Năm 2010 có 4,1 bác sĩ /1 vạn dân và năm 2020 có 6 bác sĩ/1 vạn dân. Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 2,0-2,5%/năm.
- Năm 2010, 90% số hộ được sử dụng điện và đạt 100% vào năm 2020.
- Đưa tỉ lệ số hộ được dùng nước hợp vệ sinh, nước qua xử lý lên 90% vào năm 2010 và 100% vào năm 2020.
b.3) Về môi trường, môi sinh:
- Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng tỷ lệ che phủ lên trên 55% vào năm 2010; năm 2020 đạt trên 60%.
- Thực hiện ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải có trang thiết bị và biện pháp chống ô nhiễm, đến năm 2020, đại bộ phận các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường.
b.4) Công tác cán bộ và an ninh, quốc phòng:
- Có đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Đảm bảo ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh được giữ vững, văn hoá - xã hội phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
3. Nhiệm vụ chủ yếu phát triển các ngành, các lĩnh vực:
3.1) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn.
Phấn đấu khu vực nông-lâm nghiệp-thuỷ sản đạt tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2006 - 2010: 9.0%/năm; thời kỳ 2011 - 2020: 7,0 - 7,5%/năm.
a) Nông nghiệp:
- Đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu trên mỗi ha đất nông nghiệp; phấn đấu năm 2010 trên mỗi đơn vị diện tích có thu nhập gấp khoảng 1,5 lần và năm 2015 gấp 2 lần so với năm 2005.
- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi tạo vùng hàng hoá, vùng nguyên liệu công nghiệp, vùng hàng xuất khẩu.
- Khôi phục nghề truyền thống, du nhập và mở mang ngành nghề mới sản xuất hàng thủ công, hàng mỹ nghệ, phục vụ tiêu dùng và tham gia xuất khẩu để giải quyết lao động nông nhàn, thu hút lao động nông thôn, thực hiện phân công lao động tại chỗ, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
- Củng cố và phát triển mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng xuất cây trồng, vật nuôi; áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất cho các hộ nông dân. Phát triển mạng lưới dịch vụ thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn nông thôn; mở rộng dịch vụ tài chính, tín dụng nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tiếp cận, khai thác các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển sản xuất.
- Thực hiện hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới cho các xã biên giới, vùng cao, từng bước đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất thực hiện xoá đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, nâng dần độ đồng đều về mức sống giữa các vùng dân cư.
a.1) Trồng trọt:
- Sản xuất lương thực: Ưu tiên diện tích có điều kiện canh tác cây lúa nước để sản xuất đủ lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ cho người và phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện an toàn lương thực trên địa bàn; chuyển diện tích ở vùng thiếu nước sang trồng cây màu và cây công nghiệp;
+ Cây lúa: ổn định diện tích gieo trồng lúa hàng năm 60 - 65 ngàn ha; phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân cả năm từ 50 tạ/ha trở lên; sản lượng lúa đạt 300 - 325 ngàn tấn.
+ Cây ngô: 26 - 30 ngàn ha; năng suất bình quân toàn vùng đạt 40 tạ/ha trở lên; hàng năm đạt sản lượng 100 - 120 ngàn tấn.
Tổng sản lượng lương thực toàn vùng từ năm 2010 trở đi đạt 400 - 450 ngàn tấn.
- Cây công nghiệp ngắn ngày: 45 - 50 ngàn ha.
+ Cây mía: ổn định diện tích mía nguyên liệu ở mức 26.000 - 30.000 ha, đầu tư tưới để đạt năng suất 1,5 - 2,0 lần hiện nay; đáp ứng đủ nguyên liệu để phát huy 100% công suất hiện nay của các nhà máy đường Lam Sơn, Thạch Thành, Nông Cống và khi có nhu cầu mở rộng công suất;
+ Cây dứa: Quy mô 3.500 - 4.000 ha, áp dụng kỹ thuật, phấn đấu đạt năng suất bình quân toàn vùng 70 - 80 tấn quả/ha; sản lượng quả đạt 250 - 300 ngàn tấn, đủ nguyên liệu cho Nhà máy dứa Như Thanh phát huy 100% công suất.
+ Cây sắn nguyên liệu: Quy mô 8.000 ha, năng suất 250 tạ/ha; sản lượng sắn củ 200 ngàn tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn Như xuân, Bá Thước.
+ Cây lạc: 5.000 - 6.000 ha, bố trí 50% diện tích xen canh và luân canh với diện tích mía; năng suất bình quân toàn vùng đạt 20 tạ/ha; sản lượng 10 - 12 ngàn tấn.
+ Cây đậu tương: 5.000 - 7.000 ha; bố trí xen canh và luân canh với diện tích nguyên liệu sắn ; năng suất 18 - 20 tạ/ha; sản lượng hàng năm đạt từ 10 -14 ngàn tấn.
- Cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả: 25.000 - 30.000 ha.
+ Cao su: mở rộng diện tích cao su trên địa bàn các huyện vùng núi thấp và vùng đồi phía Nam để đạt diện tích quy hoạch 10.000 ha vào năm 2010 đạt. Sản lượng mủ khô hàng năm đạt 12.000 - 15.000 tấn.
+ Cây luồng lấy măng: quy mô 5 - 10 nghìn ha;
+ Cây ăn quả: 5.000 ha vào năm 2010; năm 2020: 10.000 ha;
- Cây nguyên liệu giấy: 173.000 ha;
- Cỏ chăn nuôi: diện tích tập trung 10 nghìn ha;
a.2) Chăn nuôi: Phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, vùng hàng hoá xuất khẩu; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm đấp ứng yêu cầu thị trường; tổ chức tốt dịch vụ thú y, phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi theo phương pháp chăn nuôi công nghiệp; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp:
- Năm 2010, tổng đàn trâu, bò đạt: 350.000 con; (bò 150.000 con, có 50% con lai; trâu: 200.000 con); đàn lợn 500 nghìn con; đàn gia cầm 7 - 8 triệu con; sản lượng thịt hơi: 35.000 tấn.
- Năm 2015, tổng đàn trâu, bò đạt 550 nghìn con (trâu: 250.000 con; bò 300.000 con); đàn lợn 900 nghìn con; đàn gia cầm 15 triệu con; sản lượng thịt hơi 60.000 tấn.
- Năm 2020: Đàn trâu, bò đạt 1 triệu con (trâu: 300.000 con; bò 700.000 con); đàn lợn 1 triệu con; đàn gia cầm: 20 triệu con; sản lượng thịt hơi 100 nghìn tấn.
- Tỷ trọng chăn nuôi năm 2010 chiếm 35% trong tổng giá rị sản xuất nông nghiệp; năm 2015 trên 45% và năm 2020 trên 50%.
b) Lâm nghiệp:
Rà soát lại diện tích 3 loại rừng, trên cơ sở đó điều chỉnh cơ cấu rừng hợp lý và lựa chọn loại giống cây lâm nghiệp phù hợp để vừa đảm bảo mục tiêu về cân bằng sinh thái vừa tham gia tích cực vào tăng trưởng kinh tế; thực hiện giao khoán rừng cho các thành phần kinh tế để rừng có chủ thực hiện chăm sóc, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Trồng lại các dải rừng hai bên đường Hồ Chí Minh, lập lại cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, cảnh quan dọc tuyến đường; Nghiên cứu xây dựng khu vườn rừng đặc dụng trồng cây dược liệu kết hợp phát triển cây bản địa mang đặc tính cây ôn đới tại vùng Son - Bá - Mười xã Lũng Cao - huyện Bá Thước;
Từ 2006 - 2010, hàng năm thực hiện khoanh nuôi và trồng mới thêm khoảng 15 nghìn ha rừng các loại. Đến năm 2010, có diện tích rừng đạt 528 nghìn ha, trong đó: rừng phòng hộ: 202 nghìn ha; rừng đặc dụng: 72 nghìn ha; rừng sản xuất: 254 nghìn ha;
Đến năm 2015, phấn đấu rừng phủ kín 100% đất lâm nghiệp; có vốn rừng trên 550 nghìn ha, trong đó rừng phòng hộ: 180 nghìn ha; rừng đặc dụng: 72 nghìn ha; rừng sản xuất: 300 ngàn ha. Tổ chức chăm sóc, trồng và khai thác luân phiên 300 nghìn ha rừng sản xuất; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, vùng cây gỗ lớn, cây đặc sản phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cao cấp sau năm 2020.
Phát triển thêm trang trại rừng mới; đến năm 2015 có 1.500 - 2.000 trang trại, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống người làm nghề rừng.
c) Thủy sản: Tận dụng tối đa diện tích mặt nước, kể cả diện tích mặt nước các hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện để phát triển nuôi thả trực tiếp và nuôi lồng, bè; đưa các giống mới, chất lượng vào nuôi để tạo sản phẩm có giá trị cao. Phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt 3.500 ha; sản lượng 7.700 tấn thuỷ sản các loại.
3.2. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp:
Khai thác mọi lợi thế và cơ hội cho phép để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; xây dựng công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Miền núi với tỷ trọng công nghiệp chiếm ưu thế.
Phấn đấu thời kỳ 2006 - 2010 đạt tăng trưởng công nghiệp từ 20 -25%/năm; thời kỳ 2011 - 2020, đạt 20 - 22%/năm. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 đạt tỷ trọng trên 15 % trong tổng giá trị sản xuất toàn vùng; năm 2020 trên 35%.
a) Phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu:
- Chế biến nông-lâm sản: Phát huy hết công xuất các cơ sở chế biến hiện có. Xây dựng mới thêm các cơ sở sản xuất ván sàn từ luồng, gỗ ván ép, sơ chế bột giấy, chế biến nước hoa quả, chế biến măng, chế biến thức ăn gia súc; giết mổ và chế biến thịt gia súc gia cầm; thuộc da và sản xuất các sản phẩm từ da;
- Khai thác - chế biến khoáng sản, phân bón: Xây dựng các nhà máy tuyển, làm giầu quặng sắt - luyện cán thép; khai thác - tuyển cao lanh, crôm; sản xuất bột nhẹ và sản xuất phân vi sinh;
- Sản xuất vật liệu xây dựng: Xây dựng các nhà máy sản xuất xi măng, khai thác-chế biến đá ốp lát xuất khẩu, sản xuất gạch nung và sản xuất tấm lợp;
- Công nghiệp may: Xây dựng các xí nghiệp may xuất khẩu tại các trung tâm đô thị để thu hút lao động;
- Chế tạo và lắp ráp cơ khí: Xây dựng nhà máy cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô, máy kéo, máy công tác phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển lực lượng vận tải nông thôn, vận tải liên vùng; sản xuất phụ tùng thay thế cung cấp cho khu vực Miền núi Thanh Hoá, Bắc Trung bộ, vùng Tây bắc và vùng Bắc Lào. Phát triển cơ khí sản xuất lắp ráp thiết bị điện, điện tử - điện lạnh tại các khu đô thị.
- Công nghiệp điện - thuỷ điện: Khảo sát quy hoạch phát triển thủy điện trên các sông, suối. Trước mắt tập trung vào các công trình: thuỷ điện cửa Đặt, Trung Sơn, Sông Lò; đến năm 2010, thuỷ điện cửa Đặt hoà mạng quốc gia; năm 2015, thuỷ điện Trung Sơn hoà mạng quốc gia; xây dựng thủy điện nhỏ trên các suối phục vụ cấp điện tại chỗ cho các xã, bản vùng xa chưa có điện lưới quốc gia.
b) Phát triển các khu công nghiệp:
- Khu công nghiệp Vân Du -Thạch Thành: Quy mô 150 ha; các cơ sở công nghiệp thu hút vào KCN gồm: Đường mía, rượu cồn, bánh kẹo và các sản phẩm sau đường; chế biến lâm sản, thức ăn chăn nuôi, cơ khí sửa chữa, dịch vụ vận tải.
- Khu công nghiệp Tân Thanh- Như Thanh: Quy mô 300 ha; các ngành công nghiệp tham gia vào KCN gồm: Chế biến nông sản thực phẩm và đồ uống; phân bón vi sinh; sản xuất đồ gỗ cao cấp - gỗ mỹ nghệ.
- Khu công nghiệp Bãi Trành- Như Xuân: Quy mô 300 ha; các công nghiệp đầu tư vào khu gồm: Chế biến gỗ ván ép, đồ mộc từ gỗ ép; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: thức ăn gia súc, thịt đông lạnh, thịt hộp; thuộc da và sản xuất các sản phẩm từ da; dịch vụ vận tải quá cảnh, kho trung chuyển với vùng Bắc Lào qua các cửa khẩu; các tỉnh phía Nam, vùng Trung - Nam Lào theo hành lang phát triển Đông - Tây (Thái Lan - Lào - Việt Nam) nối đường Hồ Chí Minh ra Cảng Nghi Sơn.
- Khu công nghiệp Đồng Tâm - Bá Thước: Quy mô 100 ha; các công nghiệp tham gia gồm: Chế biến gỗ ván ép, ván sàn từ luồng; sản xuất đồ gỗ; chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô vừa; sơ chế bột giấy.
- Khu công nghiệp Thạch Quảng: quy mô 100 ha; các công nghiệp tham gia vào khu gồm: Chế biến nông sản: thịt, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ cơ khí sửa chữa, dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch;
- Khu công nghiệp Ngọc Khê - Ngọc Lặc: quy mô 100 ha; các công nghiệp tham gia vào khu gồm: Chế biến ván ép từ luồng, gỗ băm, chế biến thịt gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ cơ khí sửa chữa, dịch vụ vận tải, lắp ráp điện tử - điện lạnh.
- Khu công nghiệp Tén Tần - Mường Lát: quy mô 200 ha, thời gian xây dựng 2011 - 2020: Các công nghiệp tham gia vào khu gồm: Chế biến thực phẩm nông sản: Thịt gia súc, gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến lâm sản: làm hàng gia cụ, đồ mỹ nghệ từ tre, luồng; dịch vụ sửa chữa và lắp ráp cơ khí; lắp ráp điện tử - điện lạnh; phát triển dịch vụ vận tải và xâm nhập thị trường vùng Bắc Lào và theo đường xuyên á, vươn tới thị trường Tây Tạng (Trung Quốc); Bắc Thái Lan và Mianma.
c) Phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề:
Trên địa bàn các huyện, xây dựng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cụm làng nghề để thu hút lao động, thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn; tập trung vào các lĩnh vực: chế biến nông - lâm sản quy mô nhỏ, sửa chữa cơ khí nhỏ, cải tiến máy công tác phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp, dịch vụ vận tải nội vùng, làm hàng thủ công, dệt - may hàng thổ cẩm, sơ chế nông sản sau thu hoạch.
3.3. Khối ngành dịch vụ:
a) Thương mại:
- Củng cố vai trò chủ đạo của thương nghiệp quốc doanh đồng thời khuyến khích phát triển mạnh thương mại ngoài quốc doanh thực hiện cung ứng vật tư sản xuất, tổ chức thu mua - tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho các hộ sản xuất, tạo đầu ra ổn định, kích thích sản xuất phát triển; tạo chuyển biến trong lưu thông hàng hoá. Xây dựng mới thêm các chợ nông thôn, mỗi xã trong vùng có tối thiểu 1 chợ tại trung tâm xã; hình thành mạng lưới các cửa hàng mua bán tại các thôn bản, cụm dân cư.
- Phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh hợp tác mậu dịch đường biên, mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa với Lào.
+ Thời kỳ 2006 - 2010: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn); nâng cấp cửa khẩu Tén Tần (huyện Mường Lát) thành cửa khẩu Quốc gia.
+ Sau năm 2010, phát triển thêm cửa khẩu Cang (Mường Lát); các cửa khẩu Khẹo, cửa khẩu Méng (Thường Xuân), mở rộng giao lưu với vùng Trung và Bắc Lào.
- Quy hoạch phát triển vùng sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu: thực phẩm nông sản tươi sống, nông - lâm sản chế biến: đường, mủ cao su, ván ép, đồ gỗ, các đồ mỹ nghệ chế biến từ lâm sản, da và các sản phẩm từ da; tiếp cận thị trường lao động, lập kế hoạch đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu tham gia xuất khẩu. Năm 2010, phấn đấu có giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 45 triệu USD; Năm 2020, đạt giá trị gấp 2 lần năm 2010.
b) Du lịch:
- Thời kỳ 2006 - 2010: Quy hoạch mở rộng hình thức phục vụ khu du lịch sinh thái Bến En; xúc tiến đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khu du lịch suối cá Cẩm Lương; khu du lịch Pù Hu, Pù Luông, tạo các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa mang bản sắc các dân tộc, pícnich, thể thao leo núi. Xây dựng các khu bảo tồn văn hoá, các lễ hội truyền thống của các dân tộc phục vụ khách du lịch tìm hiểu về cội nguồn các dân tộc cư trú trên địa bàn Miền núi Thanh Hoá.
Tôn tạo khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), Đền Cầm Bá Thước (Thường Xuân) phát triển sản phẩm du lịch văn hoá- lịch sử; tôn tạo Đền Phố Cát - Thạch Thành, Phủ Na- Như Thanh và tổ chức lễ hội tạo sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, đón khách thăm quan trẩy hội.
Xây dựng khu dịch vụ du lịch Thạch Quảng làm đầu mối đón và phân phối khách thăm quan các khu du lịch trong vùng và tham gia các tua du lịch cả tỉnh, cả nước theo tuyến đường Hồ chí Minh.
- Thời kỳ 2011 - 2020, xây dựng và triển khai dự án phát triển Khu bảo tồn Xuân Liên, khu lòng hồ cửa Đặt, xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ mát, nghỉ dưỡng vùng lòng hồ. Tổ chức các lễ hội văn hoá vùng cao để thu hút du khách; xây dựng khu du lịch sinh thái Son - Bá - Mười (Bá Thước).
c) Các ngành dịch vụ khác:
Củng cố, phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại các trung tâm đô thị, mở rộng các hoạt động tín dụng tại các trung tâm cụm xã đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính, tín dụng cho đầu tư phát triển. Phát triển dịch vụ vận tải đủ mạnh đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hoá nội vùng, giữa vùng Miền núi với các vùng miền trong cả tỉnh, cả nước và nước bạn Lào; phát triển dịch vụ bưu chính - viễn thông, trước mắt là mạng lưới bưu điện văn hoá xã, thôn, bản; nhanh chóng hoàn thiện và phủ kín mạng điện thoại cho 100% xã trong vùng đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc cho mọi người dân.
3.4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:
a) Giao thông:
Tập trung phát triển mạng lưới giao thông, ưu tiên tuyến đường nối các huyện phía Tây, đường hành lang biên giới, các tuyến đường ngang nối đường hành lang với đường Hồ Chí Minh; nối đường Hồ Chí Minh với đường 1A và vùng đồng bằng. Phát triển giao thông thuỷ nội địa và giao thông đường sắt làm thay đổi cơ bản năng lực mạng lưới giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Thời kỳ 2006 - 2010:
+ Nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện các tuyến quốc lộ: Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 đạt tiêu chuẩn cấp IV;
+ Nâng cấp Quốc lộ 15A đoạn Ngọc Lặc - Vạn Mai, phát triển giao lưu kinh tế với các tỉnh Tây Bắc;
+ Nâng cấp tuyến Thường Xuân-Bát Mọt-Cửa khẩu Khẹo: 60,3km thành Quốc lộ, nối với Quốc lộ 47 tại Mục Sơn.
+ Nâng cấp 8 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài 520 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V, đoạn qua các thị trấn huyện đạt tiêu chuẩn cấp III.
+ Xây dựng mới tuyến đường nối các huyện miền núi phía Tây tỉnh: tổng chiều dài tuyến chính 183 km đi qua các huyện Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và các đường ngang:
* Vạn Mai - Mường Lát: 70km;
* Lang Chánh - Yên Khương - cửa khẩu Méng: 44 km;
* Hồi Xuân - Tén Tằn - Mường Chanh (cửa khẩu Cang): 139 km;
* Yên Cát - Thanh Quân - Bù Cẩm: 64km;
* Mường Mìn - Na Mèo: 21 km;
* Yên Nhân (km142 QL 217) - Cửa khẩu Kham: 22 km.
Giai đoạn 2006 - 2010: Nâng cấp đạt đường giao thông nông thôn hạng A, mặt rải nhựa;
+ Xây dựng đường hành lang biên giới trên địa bàn 5 huyện: Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân.
+ Hoàn thành xây dựng các tuyến đường vào 14 xã chưa có đường ô tô, tổng chiều dài 306 km.
+ Nâng cấp và xây dựng mới mạng lưới bến xe đa chức năng tại trung tâm các huyện; đến 2010, mỗi huyện tối thiểu có 01 bến loại 4.
+ Nâng cấp các tuyến đường huyện lên tỉnh lộ, gồm:
* Cành Nàng - Phú Lệ : 44 km; đạt cấp V;
* Bến Sung - Bến En (Như Thanh): 10 km; đạt cấp V.
+ Nạo vét các đoạn sông có khả năng phát triển vận tải thủy:
* Trên sông Mã: đoạn từ Vĩnh Ninh đến Thác Lỡ dài 176 km; đạt cấp 5 cho tàu tự hành từ 5 - 30 tấn đi lại.
* Trên sông Bưởi: từ Vĩnh An-Bến Kim Tân;
* Trên sông Yên: từ Chuối đến Bến Sung;
* Phát triển các bến sông: Cẩm Thuỷ, La Hán, Hồi Xuân (trên sông Mã); Cổ Tế, Kim Tân (trên sông Bưởi); Bến Sung (trên sông Yên).
- Thời kỳ 2011 - 2020:
+ Nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 45; quốc lộ 47 đạt cấp III với các công trình xây dựng vĩnh cửu;
+ Nâng cấp các tuyến đường huyện lên tỉnh lộ:, gồm: Thị trấn Quang Trung- Sông Âm (Ngọc Lặc):15 km, đạt cấp V; Lang Chánh - Lâm Phú: 32 km, đạt cấp V; Thọ Minh (Thọ Xuân) - Ba Si (Ngọc Lặc): 13 km, đạt cấp V; Tam Lư - Tam Thanh (Quan Sơn): 10 km , đạt cấp V; Cẩm Tú - Lương Ngoại - Phú Lệ: 78km, đạt đường cấp V; Thành Tâm - Thành An - Dốc Cuội (Thạch Thành): 15 km, đạt đường cấp V;
+ Xây dựng hệ thống kho trung chuyển tại các đô thị, các cửa khẩu để tập kết và phân phối hàng hoá, thực hiện giao lưu hàng hoá nội vùng, cả nước và phát triển giao lưu quốc tế.
+ Nâng cấp hệ thống bến xe các huyện lên loại 3; xây dựng mạng lưới các điểm dừng, đỗ xe ở các địa phương trên các tuyến vận tải hành khách.
+ Lập quy hoạch phát triển giao thông thuỷ từ Bản Uôn (Trung Sơn) lên vùng thượng nguồn sông Mã; tuyến Bái Thượng - cửa Đạt trên sông Chu; giao thông vùng lòng hồ sau khi hồ cửa Đặt và thuỷ điện Trung Sơn hoàn thành.
+ Nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tuyến đường sắt nối đô thị Trung tâm vùng Miền núi (Ngọc Lặc) với đường sắt Thống Nhất.
b) Thuỷ lợi - cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn:
- Thời kỳ 2006 - 2010: Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thuỷ lợi - thuỷ điện cửa Đặt để hoàn thành đúng tiến độ; tổ chức thực hiện các dự án: Hệ thống tưới 3 xã huyện Quan Sơn, công trình phân lũ, chậm lũ và sống chung với lũ vùng sông Bưởi; nâng cấp công trình đầu mối hồ sông Mực; đầu tư phát triển các công trình tưới cho các vùng mía tập trung các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh.
Đầu tư cải tạo, nâng cấp các hồ, đập nhỏ trong vùng để khai thác tối đa công suất thiết kế; kiên cố hệ thống kênh mương nội đồng và kênh liên huyện, liên xã.
Lồng ghép với các dự án cấp nước sạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn vốn để đầu tư 8 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 8 thị trấn huyện lỵ và 590 công trình cấp nước sạch cho các bản làng.
- Thời kỳ 2011 - 2020: Xây dựng mạng lưới kênh tưới và cấp nước sinh hoạt theo hệ thống kênh dẫn của Hồ chứa nước cửa Đặt, phục vụ tưới cho các vùng cây công nghiệp trên địa bàn có tuyến kênh đi qua. Nghiên cứu khai thác nguồn nước ngầm tưới cho các vùng cây trồng cạn; cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, các khu dân cư nông thôn.
c) Điện và viễn thông:
- Về lưới điện: Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh thời kỳ 2006 - 2010, có tính đến 2015 để đóng điện trạm 110KV Bá Thước; xây dựng mới các trạm 110 KV: Ngọc Lặc (25.000 KVA); Như Thanh (25.000 KVA); trạm Thường Xuân (100.000 KVA) hoà điện lưới quốc gia. Hoàn thiện năng lực lưới phụ tải trên địa bàn các huyện, kết hợp phát triển mạnh hệ thống thuỷ điện nhỏ; thực hiện từ năm 2007, 100% số xã được dùng điện.
Sau 2010, đề xuất Bộ Công nghiệp cho tăng thêm các trạm 110V: Lang Chánh (25.000 KVA); Như Xuân (25.000 KVA) Thạch Thành (25.000 KVA); nâng cấp các trạm 100KV Ngọc lặc, Bá Thước, Như Thanh…, nâng cao năng lực lưới phụ tải; năm 2020, 100% thôn bản có đủ điện đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt.
- Về Viễn thông:
+ Thời kỳ 2006 - 2010: Hoàn thành tuyến cáp quang lên huyện Mường Lát; xây dựng mới các tuyến cáp quang theo các tuyến đường ngang nối với tuyến cáp dọc đường Hồ Chí Minh; các tuyến nhánh nối trung tâm các huyện với các trung tâm cụm xã; đến 2010, 100% số huyện có đường dây cáp quang đến trung tâm xã.
Xây dựng Trung tâm Bưu chính viễn thông Ngọc lặc, được trang bị và lắp đặt mới các thiết bị chuyển mạch hiện đại;
Phủ sóng điện thoại di động đến các thị trấn huyện lỵ, các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, các khu, cụm công nghiệp-thương mại, dịch vụ. Phát triển và mở rộng cung cấp dịch vụ bưu chính-viễn thông, công nghệ thông tin, tăng mật độ các trạm bưu điện, điểm truy cập internet; đến 2010, đạt 100% số xã có điểm truy cập điện thoại công cộng; 70% số xã có điểm truy cập internet; đạt mật độ điện thoại 5 máy/100 dân.
+ Thời kỳ 2011 - 2020: Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến cáp quang dọc tuyến đường hành lang biên giới; thực hiện phủ sóng điện thoại rộng khắp cho các khu vực kinh tế trọng điểm, các khu đô thị, các cụm công nghiệp; cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc cho nhân dân trong mọi điều kiện thời tiết; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng; năm 2020, đạt mật độ điện thoại 10 máy/100 dân; giảm bán kính phục vụ xuống 2,5 km/ điểm phục vụ.
d) Phát triển hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn.
- Xây dựng đô thị mới Ngọc Lặc trở thành Trung tâm của Miền Tây Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên 11.833,14 ha; bao gồm thị trấn Ngọc Lặc và các xã Quang Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, một phần xã Thuý Sơn, xã Ngọc Khê; Đến 2010, trở thành đô thị loại IV, có quy mô dân số 60.000 người; năm 2020, phấn đấu trở thành đô thị loại III, quy mô dân số 100 ngàn người.
- Xây dựng đô thị trung tâm của vùng cao tại Đồng Tâm (Bá Thước).
- Phát triển một số đô thị mới dọc đường Hồ Chí Minh.
+ Đô thị công nghiệp - du lịch Thạch Quảng (Thạch Thành); năm 2020 là đô thị loại IV.
+ Đô thị công nghiệp - dịch vụ Bãi Trành (Như Xuân) trở thành đô thị loại IV trước năm 2015; là đầu mối giao lưu kinh tế, nối Cảng Nghi Sơn với vùng Tây Bắc; vùng Bắc Trung Bộ; và vùng Trung Lào, Bắc Lào;
- Xây dựng các đô thị mới trên địa bàn các huyện, đến 2020 đạt đô thị loại V, gồm: Vân Du (Thạch Thành); Cẩm Sơn, Cẩm Thành (Cẩm Thủy); Tén Tần (Mường Lát); Na Mèo (Quan Sơn); Hiền Kiệt (Quan Hóa); Phố Đoàn, Điền Lư (Bá Thước); Yên Khương (Lang Chánh); Phố Châu (Ngọc Lặc); Khe Hạ, Cửa Đạt (Thường Xuân); Xuân Quỳ (Như Xuân); Cán Khê, Bến En (Như Thanh),…Phát triển các thị tứ dọc các tuyến đường và các tụ điểm dân cư gắn với chợ nông thôn.
- Xây dựng các cụm dân cư mới bám theo các tuyến đường dọc biên; xây dựng các làng mới theo mô hình “ làng thanh niên lập nghiệp ” để thực hiện phân bố lại dân cư. Đến 2010 xây dựng và thành lập được 100 cụm dân cư mới, đến 2020 có trên 300 cụm dân cư mới để thực hiện phân bố khoảng 150 - 300 ngàn dân, đạt mật độ dân số trên địa bàn các huyện vùng biên > 100 người/km2.
3.5. Phát triển các lĩnh vực xã hội:
a) Dân số, lao động, việc làm và xoá đói giảm nghèo:
a.1) Dân số và lao động: Thực hiện nghiêm ngặt mức giảm sinh 0,4 -0,5%o/năm để sớm đạt tỷ lệ sinh thay thế. Năm 2010, có quy mô dân số khoảng 1,10 triệu người, năm 2015 là 1,14 triệu người; năm 2020: 1,17 triệu người. Phấn đấu nâng thể lực, trí lực, tuổi thọ cho mọi người dân; nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
Đào tạo và bồi dưỡng tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trình độ quản lý cho lực lượng lao động đủ năng lực làm việc trong các ngành kinh tế, quản lý Nhà nước. Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20,0 - 25,0 năm 2010 và 50,0% năm 2020. Thực hiện cân đối lao động nội vùng, thu hút lao động kỹ thuật từ bên ngoài đáp ứng nhu cầu phát triển các công nghiệp lớn trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.
a.2) Giải quyết việc làm: Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các ngành dịch vụ; mở mang nghề phụ trong nông nghiệp tạo việc làm thu hút lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp. Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế trang trại nhất là các trang trại đa ngành sử dụng nhiều lao động tạo việc, tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; tạo điều kiện về vốn, thông tin thị trường cho người lao động tham gia vào các khu công nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động.
a.3). Nâng cao mức sống, thực hiện xoá đói, giảm nghèo:
- Thực hiện giải quyết dứt điểm các công trình hạ tầng thiết yếu như: giao thông, cấp nước, cấp điện; các cơ sở trường học, trạm xá tạo điều kiện cho mọi người dân có điều kiện phát triển sản xuất và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nâng cao dân trí; thông qua các chương trình quốc gia như Chương trình 135, xoá đói giảm nghèo, khuyến nông khuyến lâm để mọi người dân có kiến thức tiếp thu khoa học, áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến để phát triển sản xuất tăng thu nhập; tiếp tục cho các hộ nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi dài hạn để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất. Phát triển dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho những hộ nông dân nghèo, có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về học hành, khám chữa bệnh; hỗ trợ giống, thuốc phòng chống dịch bệnh... và giúp họ tiếp cận thị trường.
- Tiếp tục thực hiện có kết quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Trung ương và các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng, cả tỉnh. Phấn đấu mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo; đến năm 2010, số hộ nghèo còn dưới 30% (theo tiêu chuẩn mới). Năm 2020, cơ bản hoàn thành xoá nghèo.
b) Giáo dục - đào tạo:
Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, phấn đấu tỷ lệ số phòng học kiên cố đến năm 2010 đạt 80%, năm 2015 đạt 100%, có 100% số trường có nhà ở đạt tiêu chuẩn cho giáo viên lưu trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục thời kỳ mới.
Duy trì, vận động tăng tỷ trẻ em trong độ tuổi đến lớp; năm 2010, ngành học mầm non huy động trên 80% các cháu trong độ tuổi đến lớp; tiểu học đạt 98 - 100%; trung học cơ sở đạt 97 - 98% và trung học phổ thông: 70 -75% . Năm 2010 có 100% số xã trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2015 cơ bản hoàn thành phổ cập trung học phổ thông; năm 2020, đạt mặt bằng chung cả tỉnh về các tiêu chí về giáo dục.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện đủ năng lực đảm nhận việc đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật cho khu vực miền núi. Nâng cấp Trường công nhân kỹ thuật Ngọc Lặc thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật với nhiệm vụ đào tạo đa ngành cho con em trong vùng, trong cả tỉnh và các tỉnh bạn; trở thành một trung tâm đào tạo và cung cấp cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của tỉnh.
c) Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân:
- Đào tạo bổ xung cán bộ, xây dựng lực lượng y tế dự phòng đủ mạnh để thực hiện công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt các chương trình Quốc gia về y tế để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, người mắc bệnh sốt rét, bệnh bứu cổ. Phấn đấu mỗi năm giảm trên 10% số người mắc bệnh sốt rét, tiến tới khống chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh sốt rét; giảm từ 1,5 - 2,0 số người mắc bệnh bứu cổ.
- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, trước hết là khu vực thị trấn, các huyện núi thấp tạo mô hình áp dụng phủ kín địa bàn toàn vùng; nâng cao chất chăm sóc y tế, tăng tuổi thọ người dân.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ cho các trung tâm y tế huyện và y tế xã. Mở rộng quy mô Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc lên 400 giường; nâng cấp bệnh viện các huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Quan Sơn, các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã để đạt 100% số xã có trạm y tế. Đào tạo bổ sung, bổ túc nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ; tăng tỷ lệ bác sỹ có chuyên khoa bậc cao bổ sung cho các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã; đến năm 2010, có 60% trạm y tế có bác sĩ hoạt động; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động; 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đến năm 2015, hoàn thành 100% các tiêu chí về y tế.
- Thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cấp thẻ miễn phí cho các hộ khó khăn. Bảo đảm chế độ trợ cấp cho cán bộ y tế thôn, bản.
d) Văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao:
- Thực hiện vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; thực hiện nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho mọi người dân tương xứng với trình độ phát triển kinh tế; hàng năm xây dựng mới 100 làng văn hoá, đến 2010 có 50% số làng, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hoá; 70% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; năm 2015 có trên 90% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 95% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; năm 2020, cơ bản hoàn thành cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư.
- Đầu tư xây dựng ở mỗi huyện có đủ các thiết chế văn hoá: Trung tâm văn hoá - thể thao, thư viện, cụm thông tin cổ động, đội chiếu bóng; mỗi xã có trung tâm văn hoá xã; mỗi thôn có nhà văn hoá, cụm truyền thanh. Xây dựng mới 6 trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, nâng cấp 5 trung tâm đã có đáp ứng tiêu chuẩn cấp III để tới năm 2010 có 11 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện.
- Xây dựng trạm phát sóng Kỳ Tân (Bá Thước); thực hiện quy hoạch, bố trí hợp lý các trạm phát sóng phát thanh - truyền hình hiện có để tăng hiệu quả và chất lượng phát sóng cho khu vực. đến năm 2010 có 90% số dân được xem truyền hình, 95% số dân được nghe đài phát thanh; đến năm 2015 các chỉ tiêu trên là 95% và 100%.
- Phát triển mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao, đưa hoạt động thể thao vào nền nếp thường xuyên trong các công sở, trường học và các địa bàn dân cư; nâng cao tỷ lệ số người thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.
3.6. Bảo vệ môi trường:
- Xây dựng kế hoạch quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên đất, rừng, nguồn nước; có biện pháp kết hợp giữa khai thác và đầu tư tái tạo làm giầu tài nguyên phục vụ khai thác lâu dài, phát triển bền vững.
- Quản lý và thực hiện triệt để các quy định về xử lý chất thải đối với tất cả các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Sử dụng triệt để biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp IPM trong sản xuất nông - lâm nghiệp thực hiện giảm thiểu tác động của hoá chất độc gây ô nhiễm môi trường.
- Bảo vệ, chăm nuôi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, giữ gìn nguồn sinh thuỷ, tăng độ che phủ rừng tạo cân bằng sinh thái; bảo vệ các vườn rừng quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; thực hiện lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường trong các quy hoạch trên địa bàn để phối hợp hành động thực hiện bảo vệ môi trường.
- Nâng cao năng lực, trách nhiệm các lực lượng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở các địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo vệ tài nguyên và môi trường.
3.7. Kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh:
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh nhất là an ninh biên giới. Triển khai xây dựng khu kinh tế -quốc phòng Mường Lát, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số khu kinh tế -quốc phòng ở các huyện giáp biên khác để đảm bảo giữ vững biên giới quốc gia.
- Xây dựng lực lượng vũ trang; xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân; tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giác ngộ quần chúng và giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người dân, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời mọi thủ đoạn tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch và truyền đạo trái phép trong đồng bào dân tộc ít người; tăng cường sức mạnh bảo vệ an ninh biên giới.
- Xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh trên cơ sở nâng cao năng lực công tác và chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ xã và thôn bản.
- Xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới; nâng cấp cơ sở vật chất cho các đồn biên phòng hiện có; quy hoạch, bố trí tăng mật độ đồn theo dọc đường biên đủ sức mạnh, đảm bảo cơ động khi có tình huống xảy ra, đáp ứng triển khai lực lượng bảo vệ vững chắc an ninh biên giới trong mọi tình huống.
- Làm tốt công tác định canh định cư, giảm dần số dân di cư tự do, tạo mọi điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống lâu dài; quy hoạch và lập dự án sắp xếp lại dân cư 15 xã giáp biên phù hợp với yêu cầu an ninh biên giới; tăng cường hợp tác xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.
3.8. Phát triển kinh tế các tiểu vùng:
a) Tiểu vùng núi cao: Bao gồm các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, có diện tích tự nhiên: 3.503,5 km2; chiếm 41,1% diện tích tự nhiên, phương hướng phát triển chủ yếu là:
- Nông nghiệp: sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp ngắn ngày: lạc, đậu tương; sắn nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc;
- Lâm nghiệp: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn sông Mã; phát triển rừng sản xuất với các cây bản địa, rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao; rừng nguyên liệu giấy; xây dựng vườn rừng đặc dụng trồng cây dược liệu kết hợp phát triển cây bản địa tại vùng Son-Bá-Mười xã Lũng Cao - Bá Thước;
- Công nghiệp: Chú trọng phát triển thuỷ điện với nhiều mức công suất, trong đó có các dự án lớn như thuỷ điện Trung Sơn (Quan Hoá); thuỷ điện Sông Lò (Quan Sơn). Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản: chế biến tinh bột sắn Bá Thước; gỗ ván ép Quan Sơn; sản xuất gạch Bá Thước; Khu công nghiệp Bá Thước quy mô 100 ha (tại ngã ba Đồng Tâm); Khu công nghiệp Tén Tần - Mường Lát: quy mô 200 ha; các cụm làng nghề làm hàng thủ công - mỹ nghệ từ lâm sản, dệt thổ cẩm;
- Dịch vụ: Phát triển kinh tế cửa khẩu Na Mèo (Quan Sơn); Tén Tần (Mường Lát), phát triển kinh tế vùng biên; phát triển dịch vụ vận tải quá cảnh qua cửa khẩu với vùng Bắc Lào; theo đường xuyên á vươn tới thị trường Tây Tạng (Trung Quốc); Bắc Thái Lan và Mianma. Phát triển các khu du sinh thái Pù Hu Quan Hoá, Mường Lát), Pù Luông (Quan Hoá, Bá Thước); phát triển khu du lịch sinh thái Son - Bá - Mười (Bá Thước);
b) Tiểu vùng núi thấp: Bao gồm các huyện Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân và các xã miền núi của các huyện Hà Trung, Vĩnh lộc, Triệu Sơn, Thọ Xuân, thị xã Bỉm Sơn có diện tích tự nhiên: 3.584,0 km2 ; chiếm 42,0% diện tích tự nhiên. Nhiệm vụ của vùng là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Miền núi:
- Nông nghiệp: Sản xuất lương thực, phát triển các vùng cây nguyên liệu công nghiệp quy mô lớn, gồm: mía, dứa, măng nguyên liệu, cao su…chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm với mô hình trang trại tạo khối lượng hàng hoá lớn tham gia chương trình chăn nuôi của tỉnh;
- Lâm nghiệp: Trồng rừng sản xuất đáp ứng nguyên liệu cho các công nghiệp chế biến lâm sản, nguyên liệu giấy; trồng rừng phòng hộ theo trục đường Hồ chí Minh, vùng đệm cho các khu bảo tồn thiên nhiên;
- Công nghiệp: Xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp như: tuyển cao lanh Lang Chánh, sản xuất bột nhẹ Cẩm Thủy; sản xuất phân vi sinh Ngọc Lặc, Thạch Thành; sản xuất xi măng Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ; sản xuất đá ốp lát xuất khẩu Lang Chánh, Cẩm Thuỷ; gạch tuynen Ngọc Lặc, sản xuất tấm lợp Ngọc Lặc; đường mía Thạch Thành; sản xuất nước hoa quả Thạch Thành, Ngọc Lặc; chế biến mủ cao su Cẩm Thuỷ; chế biến thức ăn chăn nuôi Thạch Thành, Cẩm Thuỷ; chế biến thịt gia súc: Thạch Quảng - Thạch Thành, Ngọc Lặc; giết mổ và chế biến thịt gia cầm Ngọc Lặc; chế biến măng xuất khẩu Ngọc Lặc; ván sàn từ luồng Thường Xuân; may xuất khẩu Ngọc Lặc, Thạch Thành.
Xây dựng các khu công nghiệp: Vân Du (150 ha), Thạch Quảng (100 ha), Ngọc Khê (100 ha).
- Thương mại - dịch vụ: Phát triển kinh tế cửa khẩu: Cửa khẩu Khẹo; cửa khẩu Méng (Thường Xuân). Phát triển Khu dịch vụ du lịch Thạch Quảng (Thạch Thành); khu du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ); Phố Cát, Ngọc Trạo (Thạch Thành), Đền Cầm Bá Thước; Xuân Liên - hồ cửa Đạt (Thường Xuân); tổ chức các lễ hội văn hoá vùng cao.
+ Phát triển trung tâm dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - TDTT, các giao dịch tài chính, ngân hàng, tín dụng tại đô thị Ngọc Lặc.
c) Vùng đồi phía Nam: Bao gồm các huyện Như Xuân, Như Thanh và các xã miền núi của huyện Tĩnh Gia, có diện tích tự nhiên: 1.429,3 km2, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu vùng là:
- Nông nghiệp: Phát triển các vùng cây nguyên liệu: mía, cao su, dứa, sắn và sản xuất lương thực cân đối nội vùng; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
- Lâm nghiệp: Trồng rừng phòng hộ, chăm sóc rừng đặc dụng, phát triển rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy; khoanh nuôi tái sinh và phục hồi các rừng gỗ quý hiếm như: lim, gụ, lát, sến, dổi, trắc, vàng tâm phục vụ khái thác lâu dài.
- Công nghiệp: Khai thác - tuyển quặng sắt và luyện cán thép Thanh Kỳ (Như Thanh); khai - tuyển quặng crôm (Như Thanh) sản xuất phân vi sinh Như Thanh; chế biến tinh bột sắn Như Xuân, xi măng Đồng Lách (Tĩnh Gia); chế biến dứa hộp và nước dứa cô đặc Như Thanh; chế biến mủ cao su Bãi Trành (Như Xuân); chế biến thịt gia súc Như Xuân; thuộc da và sản xuất các sản phẩm từ da Bãi Trành - Như Xuân; sản xuất gỗ ván ép Như Xuân;
- Xây dựng khu công nghiệp: Tân Thanh - Như Thanh (300 ha); Bãi Trành - Như Xuân (300 ha).
- Phát triển các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, cụm làng nghề chế biến nông, lâm sản; sửa chữa cơ khí, sản xuất công cụ cải tiến; sơ chế nông sản sau thu hoạch.
- Dịch vụ: Phát triển Trung tâm giao dịch tài chính, tín dụng tại đô thị Bãi Trành (Như Xuân); phát triển dịch vụ vận tải quá cảnh với Lào, vùng Tây bắc thông qua cảng Nghi Sơn. Phát triển các Khu du lịch sinh thái Bến En, Yên Mỹ; lễ hội Phủ Na (Như Thanh).
3. 9. Các chương trình, dự án ưu tiên:
a) Chương trình:
- Chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng: giao thông, thuỷ lợi, cấp điện (thời gian thực hiện 2006 - 2010);
- Chương trình xây dựng vốn rừng, thực hiện phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ; xây dựng các vùng cây nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến (2006 - 2015);
- Chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp (2006 - 2020);
- Chương trình phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu; phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với phục hồi và phát triển các nghề truyền thống (2006 - 2020).
- Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ gắn với trùng tu tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá, các khu bảo tồn thiên nhiên (2006 - 2020).
- Chương trình phát triển hệ thống đô thị - các trung tâm cụm xã gắn với phát triển mạng lưới thương mại - dịch vụ; phát triển kinh tế cửa khẩu, tăng cường giao lưu hàng hoá (2006 - 2020).
- Chương trình phát triển các cụm, tuyến dân cư; thực hiện phân bố lại dân cư trên địa bàn; thực hiện định canh định cư, giữ gìn an ninh biên giới (2006-2015).
- Chương trình phát triển hệ thống các trường đào tạo, trung tâm dạy nghề; nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất; nâng cao dân trí cho mọi người dân (2006 - 2020).
b) Các dự án ưu tiên:
- Thời kỳ 2006 - 2010: Tập trung hoàn thành cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng và một số dự án phát triển ưu tiên, cụ thể:
+ 11 dự án phát triển giao thông; tổng nhu cầu đầu tư: 5.682 tỷ đồng;
+ 09 dự án thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; tổng nhu cầu: 1855 tỷ;
+ 04 dự án xây dựng lưới điện và mạng bưu chính viễn thông; tổng nhu cầu đầu tư: 250 tỷ;
+ 09 dự án phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, TDTT, phát thanh và truyền hình; tổng nhu cầu đầu tư: 778 tỷ;
+ Phát triển mạng đô thị Ngọc Lặc giai đoạn 1; quy mô 60 ngàn dân; + 26 dự án phát triển sản xuất; tổng nhu cầu đầu tư : 8.091 tỷ.
- Thời kỳ 2011 - 2020:
+ Bổ sung năng lực, hoàn thiện lưới điện Vùng Miền núi: Xây dựng thêm 3 trạm 110KV: Thạch Thành; Lang Chánh; Như Xuân.
+ Hoàn thiện các trục giao thông liên vùng, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn nội vùng;
+ Xây dựng đô thị Ngọc Lặc giai đoạn II: quy mô 100 ngàn dân;
+ Xây dựng các đô thị: Thạch Quảng (Thạch Thành); Bãi Trành (Như Xuân), đến 2020 đạt đô thị loại IV; Nghiên cứu xây dựng đô thị dịch vụ - du lịch Cẩm Phong - Cẩm Thuỷ quy mô 1.000 - 2.000 ha; 20 - 30 ngàn dân;
+ Hoàn thiện và mở rộng công xuất các nhà máy đã xây dựng; cân đối vùng nguyên liệu và nhu cầu thị trường, điều chỉnh quy mô, công suất thích hợp, đảm bảo chất lượng phát triển;
+ Phát triển mạnh công nghiệp gắn vùng nguyên liệu, phát triển và mở rộng cụm công nghiệp - làng nghề tạo các hạt nhân lan toả phát triển; Phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp máy móc thiết bị, công cụ phục vụ nội vùng và liên vùng;
+ Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Khẹo - Bát Mọt - Thường Xuân; Cửa khẩu Tén Tần (Mường Lát).
+ Phát triển dịch vụ vận tải liên vùng với Vùng núi Tây bắc, dịch vụ vận tải quá cảnh với các vùng Thượng Lào; Trung Lào qua các cửa khẩu;
+ 13 dự án phát triển sản xuất lớn; tổng nhu cầu đầu tư: 4.310 tỷ đồng.
3.10. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
a) Huy động vốn đầu tư phát triển:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ quy hoạch (2006 - 2020) là: 196.294 tỷ (gía hiện hành); bình quân cả thời kỳ khoảng: 13.086 tỷ/năm:
+ Thời kỳ 2006 - 2010: 22.480 tỷ đồng; bình quân 4.496tỷ/năm;
Nhu cầu vốn đầu tư 2006 - 2010:
Đơn vị tính: tỷ đồng
Hạng mục đầu tư | Tổng nhu cầu | Tỷ trọng (%) |
Tổng nhu cầu thời kỳ. | 22.480 | 100,0 |
1- Các công trình hạ tầng. | 10.240 | 45,6 |
- Giao thông. | 6.132 | 27,3 |
- Thuỷ lợi. | 1.204 | 5,4 |
- Điện nước và bưu chính viễn thông. | 940 | 4,2 |
- Giáo dục, y tế. | 524 | 2,3 |
- Văn hoá, thể thao. | 210 | 0,9 |
- Hạ tầng kinh tế - xã hội khác. | 1.230 | 5,5 |
II- Các Dự án phát triển sản xuất. | 12.240 | 54,4 |
- Công nghiệp. | 9.780 | 43,5 |
- Dịch vụ. | 1.470 | 6,5 |
- Nông - lâm nghiệp. | 990 | 4,4 |
+ Thời kỳ 2011 - 2020 nhu cầu: 173.814 tỷ; bình quân 17.381 tỷ/năm;
Nhu cầu vốn đầu tư 2011 - 2020:
Đơn vị tính: tỷ đồng
Hạng mục đầu tư | Tổng nhu cầu | Tỷ trọng (%) |
Tổng nhu cầu thời kỳ. | 173.814 | 100,0 |
1- Các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. (kể cả phát triển hạ tầng đô thị) | 70.742 | 40,7 |
2- Các Dự án phát triển sản xuất. | 103.072 | 59,3 |
- Công nghiệp. | 68.135 | 39,2 |
- Dịch vụ. | 17.555 | 10,1 |
- Nông - lâm nghiệp. | 17.385 | 10,0 |
- Về huy động vốn đầu tư: Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, cần tập trung thực hiện các biện pháp khai thác và sử dụng các nguồn vốn sau:
+ Nguồn ngân sách Nhà nước: tập trung cao độ nguồn ngân sách tỉnh (kể cả ngân sách huyện); tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư của Trung ương (bằng nguồn hỗ trợ đầu tư, các chương trình, các dự án đầu tư, các chương trình Quốc gia thực hiện trên địa bàn) để thực hiện đầu tư phát triển, giải quyết dứt điểm các công trình hạ tầng quan trọng, trong đó ưu tiên cho các công trình giao thông (bao gồm các trục giao thông chính, đường hành lang biên giới và các đường ngang nối đường hành lang với trục đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 217 và Quốc lộ 15A); các công trình thuỷ lợi trọng yếu và một số công trình hạ tầng xã hội; khắc phục sự yếu kém hiện tại, tạo thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư phát triển các ngành sản xuất để đạt tăng trưởng cao, tạo sức bật mới.
+ Huy động vốn doanh nghiệp, nguồn tự có của nhân dân: Đẩy mạnh việc thực hiện luật đầu tư, tạo sự thông thoáng để hấp dẫn, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển vào các ngành sản xuất, dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng quy mô lớn.
Phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình; phát triển sản xuất công nghiệp-thủ công nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ thương mại; thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê mặt bằng, miễn giảm thuế và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất,.. để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Xây dựng hệ thống HTX tín dụng để huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân tạo nguồn vay và địa chỉ tín chấp cho các hộ sản xuất-kinh doanh dân vay vốn phát triển sản xuất.
Kết hợp giữa huy động nguồn đầu tư Nhà nước với sức đóng góp của nhân đân; giữa đầu tư tài chính với đóng góp sức lao động(kể cả lao động công ích) để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện huy động tổng hợp nguồn lực cho đầu tư phát triển.
+ Khai thác nguồn vay tín dụng, đầu tư cổ phiếu, vốn liên doanh, liên kết đầu tư phát triển: Kết hợp các nguồn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc gia để thực hiện đầu tư phát triển các ngành sản xuất: Trồng cây nguyên liệu công nghiệp, các công nghiệp chế biến nông - lâm sản, khai - tuyển khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng xuất khẩu,.. Đồng thời với vay tín dụng, các doanh nghiệp thực hiện bán cổ phiếu và liên doanh, liên kết,..để huy động nguồn đầu tư phát triển.
+ Kêu gọi nguồn đầu tư từ bên ngoài (FDI, ODA ...): Lập các dự án đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài: công nghiệp, dịch vụ du lịch, viễn thông,.. đào tạo nhân lực, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ; kêu goị nguồn hỗ trợ không hoàn lại và vay ưu đãi ân hạn dài cho phát triển nông thôn, khuyến nông, phát triển lâm nghiệp xã hội, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, cải thiện đời sống đồng bào khu vực các xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ thực hiện tốt các dự án do WB và của các tổ chức Quốc tế triển khai trên địa bàn.
+ Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến kích mạnh để tăng hấp dẫn thu hút đầu tư: Nhanh chóng soạn thảo các cơ chế ưu đãi đầu tư vào vùng Miền núi như đối với các vùng chậm phát triển khác của cả nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện đối với các lĩnh vực: khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản, nguồn thuỷ năng, tài nguyên du lịch để thu hút đầu tư phát triển.
Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn đều bình đẳng về quyền lợi trong mọi chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước và các cơ chế ưu tiên, ưu đãi đối với khu vực Miền núi.
Hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, di chuyển tái định cư các hộ dân trong diện di dời giải toả; tạo điều kiện tốt nhất để các Nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn. Giao quyền sử dụng đất dài hạn và cho phép tích tụ đất đai để các Nhà đầu thực hiện kinh doanh phát triển các vùng hàng hoá lớn, vùng nguyên liệu công nhiệp. Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khuôn khổ Luật đất đai để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng đất đai cho phát triển.
- Dự kiến nguồn đầu tư:
+ Thời kỳ 2006 - 2010:
Đơn vị tính: tỷ đồng
Hạng mục | Tổng số | Trong đó | ||
Ngân sách Trung ương | Ngân sách địa phương | Vốn DN và dân cư (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) | ||
Toàn vùng | 22.480 | 10.090 | 1.030 | 11.360 |
1. Các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. | 10.240 | 9.365 | 745 | 130 |
- Giao thông. | 6.132 | 5.961 | 171 |
|
- Thuỷ lợi. | 1.204 | 1.035 | 169 |
|
- Điện, nước và bưu chính viễn thông. | 940 | 715 | 95 | 130 |
- Giáo dục, y tế. | 524 | 454 | 70 |
|
- Văn hoá, TDTT. | 210 | 170 | 40 |
|
- Hạ tầng kinh tế - xã hội khác. | 1.230 | 1.030 | 200 |
|
2. Các dự án phát triển sản xuất kinh doanh. | 12.240 | 725 | 285 | 11.230 |
- Nông - lâm - thuỷ sản. | 1.975 | 455 | 150 | 1.370 |
- Công nghiêp. | 9.800 |
|
| 9.800 |
- Các ngành dịch vụ. | 465 | 270 | 135 | 60 |
+ Thời kỳ 2011 - 2020:
Đơn vị tính : tỷ đồng
Hạng mục | Tổng số | Trong dó | ||
Ngân sách Trung ương | Ngân sách địa phương | Vốn DN và dân cư (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) | ||
Toàn vùng | 173.814 | 78.015 | 7.964 | 87.835 |
1. Các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. | 79.175 | 72.409 | 5.760 | 1.005 |
- Giao thông. | 47.412 | 46.090 | 1.322 | 0 |
- Thuỷ lợi. | 9.309 | 8.003 | 1.307 | 0 |
- Điện, nước và bưu chính viễn thông. | 7.268 | 5.528 | 735 | 1.005 |
- Giáo dục, y tế. | 4.052 | 3.510 | 541 | 0 |
- Văn hoá, TDTT. | 1.624 | 1.314 | 309 | 0 |
- Hạ tầng kinh tế - xã hội khác. | 9.510 | 7.964 | 1.546 | 0 |
2. Các dự án phát triển sản xuất kinh doanh. | 94.639 | 5.606 | 2.204 | 86.830 |
- Nông - lâm - thuỷ sản. | 15.271 | 3.518 | 1.116 | 10.593 |
- Công nghiêp. | 75.773 | 0 | 0 | 75.773 |
- Các ngành dịch vụ. | 3.595 | 2.088 | 1.044 | 464 |
b) Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm:
- Thực hiện triệt để nội dung Nghị định 02/2002/NĐ - CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/1998/NĐ - CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc để phát triển mạnh mạng lưới dịchvụ - thương mại tạo điều kiện lưu thông hàng hoá.
- Thương nghiệp quốc doanh phải là nồng cốt vươn tới khu vực các xã biên giới, tham gia thị trường nông thôn, thực hiện cung cấp nguyên liệu sản xuất, tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân tạo kiện thúc đấy sản xuất phát triển.
- Phát triển mạnh mạng lưới thương mại tư nhân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham làm thương mại, thực hiện hình thức hợp đồng với nông dân thu mua sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ nông sản và làm dịch vụ vốn, vật tư phục vụ sản xuất;
- Xây dựng các tổ hợp dịch vụ tại các trung tâm cụm xã, thị trấn để tổ chức thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân với cơ sở chế biến để thực hiện thu mua nông sản nguyên liệu, tạo đầu ra ổn định, kích thích phát triển sản xuất.
- Xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại, tìm thị trường và tư vấn tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá. Xây dựng mạng lưới đại lý tiêu thụ sản phẩm để chủ động đầu ra cho sản phẩm.
c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Phát huy vai trò và năng lực các Trung tâm bồi dưỡng chính trị và trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện để đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chỗ, thông qua các lớp học bổ túc văn hóa, các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước, bồi dưỡng lý luận chính trị để đẩy nhanh việc đào tạo cho cán bộ cơ sở miền núi; thực hiện đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng năng lực quản lý nhà nước, lý luận chính trị, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động được qua đào tạo; tuyển chọn, đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng;
- Thực hiện mạnh chế độ cử tuyển có cam kết để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, lao động trẻ tốt nghiệp trung học là con em của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được cử đi đào tạo Đại học, Cao đẳng trở về công tác tại địa phương để tăng cường và ổn định lâu dài nguồn lao động kỹ, cán bộ quản lý cho Miền núi.
- Xây dựng chính sách, chế độ để sử dụng, điều động cán bộ (kể cả điều động theo nghĩa vụ) để tăng cường cho cơ sở ở các huyện miền núi.
d) Rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư:
Các ngành, các cấp tập trung rà soát, bổ sung và xây dựng một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực miền núi, tập trung vào một số lĩnh vực:
- Khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực miền núi;
- Khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
- Khuyến khích phát triển các vùng cây công nghiệp tập trung;
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại;
- Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.
- Xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng vào thực tế của vùng, đánh giá, tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
e) Tổ chức thực hiện:
- Về công tác chỉ đạo điều hành:
+ Tập trung sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các tổ chức chính trị động viên toàn dân thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường việc phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển.
- Thành lập Ban chỉ đạo bao gồm lãnh đạo một số ngành và Chủ tịch UBND các huyện miền núi do đồng chí Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND tỉnh phụ trách để chỉ đạo thực hiện quy hoạch.
- Các Sở, Ban, ngành trong tỉnh căn cứ Quy hoạch được duyệt và theo chức năng của mình, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư và đấu mối với các Bộ, Ban, Ngành TƯ để xúc tiến đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm :
+ Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển chăn nuôi;
+ Phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn;
+ Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;
+ Tổ chức mạng lưới tín dụng, ngân hàng và các dịch vụ viễn thông đáp ứng nhu giao dịch vốn, thông tin liên lạc thuận lợi cho các nhà đầu tư vào khu vực;
+ Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh vùng miền núi, biên giới;
+ Đào tạo nguồn nhân lực và xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội.
- UBND các huyện trong vùng căn cứ nội dung Quy hoạch, lập hoặc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện để cụ thể hoá và thực hiện các nội dung, chỉ tiêu bố trí trên địa bàn thông qua các dự án đầu tư cụ thể.
- Tất cả các chương trình, dự án phát triển tại miền núi đều phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi và phải phù hợp với Quy hoạch phát triển chung của cả tỉnh.
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm UBND tỉnh thông qua Ban chỉ đạo, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh bổ sung kịp thời để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội miền núi.
b) Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ Quy hoạch được duyệt và theo chức năng của ngành mình xây dựng các chương trình, dự án đầu tư; xúc tiến đầu tư thực hiện các chương trình, dự án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện.
c) Chủ tịch UBND các huyện miền núi căn cứ nội dung quy hoạch, chỉ đạo lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh - xã hội huyện, cụ thể hoá các chỉ tiêu quy hoạch, lập dự án thực hiện các chỉ tiêu bố trí trên địa bàn huyện.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
- Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện miền núi trong tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã: Bỉm Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Tĩnh Gia chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2Quyết định 562/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Quảng Trị đến năm 2020.
- 3Quyết định 3356/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- 1Luật Đầu tư 2005
- 2Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc
- 3Nghị định 02/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- 4Thông tư 05/2003/TT-BKH hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5Luật Đất đai 2003
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Quyết định 562/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Quảng Trị đến năm 2020.
- 9Quyết định 3356/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 10Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định 1832/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 1832/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/07/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Văn Lợi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra