Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1827/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 16 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM KHOÁN KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH GẮN VỚI SỐ LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH ĐỐI VỚI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Tài chính tại công văn số 2061/STC-NS ngày 13 tháng 6 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phương án thí điểm khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đối với xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01/01/2015.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (b/c);
- Bộ Nội vụ (b/c);
- TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, HP, HLe

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Sơn Hải

 

QUY ĐỊNH

PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM KHOÁN KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH GẮN VỚI SỐ LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH ĐỐI VỚI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa)

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi áp dụng:

Quyết định này quy định khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (gọi chung là cấp xã).

2. Đối tượng áp dụng:

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Điều 2. Phương án khoán kinh phí quản lý hành chính:

1. Căn cứ xác định số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện khoán:

a) Cán bộ, công chức cấp xã: do Chủ tịch UBND tỉnh giao theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 07/02/2014 của UBND tỉnh về việc quy định tiêu chí xác định số lượng và hướng dẫn việc kiêm nhiệm, bố trí các chức danh cán bộ, công chức cấp xã thuộc tỉnh Khánh Hòa.

b) Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã quy định tại Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 của HĐND tỉnh.

2. Nội dung chi kinh phí giao thực hiện khoán:

a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân:

- Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định;

- Phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

b) Kinh phí chi hoạt động quản lý hành chính cấp xã:

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi phí thuê mướn, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc;

- Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam;

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng (trừ kinh phí đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ đại học trở lên cho các đối tượng thuộc diện quy hoạch, do ngân sách cấp ngoài kinh phí khoán);

- Chi mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định (ngoài kinh phí sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định quy định tại Điểm a, Khoản 5 Điều này);

- Các khoản chi có tính chất thường xuyên khác.

c) Các khoản chi phục vụ cho công tác thu phí, lệ phí theo quy định.

3. Xác định kinh phí quản lý hành chính thực hiện khoán:

a) Kinh phí quản lý hành chính phân bổ theo định mức chi thường xuyên cho cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, gồm:

- Lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của cán bộ, công chức: theo quy định hiện hành.

- Quỹ phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã: theo mức phụ cấp thực tế quy định tại Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 của HĐND tỉnh.

- Kinh phí hoạt động cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã: theo quy định tại Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐND ngày 28/6/2012 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 11/12/2010 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011 và Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung (nếu có), mức hiện tại cụ thể như sau:

+ Phân bổ theo số lượng cán bộ, công chức cấp xã: đối với các xã, phường, thị trấn thuộc huyện đồng bằng: 15 triệu đồng/biên chế/năm; đối với các xã, thị trấn thuộc huyện miền núi: 18 triệu đồng/biên chế/năm.

+ Phân bổ theo số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã: đối với các xã, phường, thị trấn thuộc huyện đồng bằng: 7,5 triệu đồng/người/năm; đối với các xã, thị trấn thuộc huyện miền núi: 9 triệu đồng/người/năm.

b) Các khoản thu phí, lệ phí được để lại UBND cấp xã để chi theo chế độ quy định (các khoản phí, lệ phí không đưa vào cân đối ngân sách như: phí chợ, phí vệ sinh, phí sử dụng đường bộ,...).

c) Các khoản thu hợp pháp khác được để lại theo quy định của pháp luật.

4. Sử dụng kinh phí quản lý hành chính được giao khoán:

a) Trong phạm vi khoán được giao, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền và trách nhiệm:

- Được quyết định bố trí số kinh phí được giao vào các mục chi cho phù hợp, được quyền điều chỉnh giữa các mục chi nếu xét thấy cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả.

- Được quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù cơ quan nhưng không được vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện, hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp các hoạt động đặc thù chưa được quy định tại các văn bản pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan được vận dụng quyết định mức chi tương ứng với các công việc của các lĩnh vực tương tự đã quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng không vượt quá định mức chi đã quy định và phải được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ hoặc phải được Thủ trưởng cơ quan quyết định bằng văn bản trong trường hợp chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ.

b) Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, số chi thực tế thấp hơn dự toán được giao thực hiện khoán, phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm được. Kinh phí tiết kiệm được sử dụng theo quy định hiện hành và quy chế chi tiêu nội bộ. Khoản kinh phí đã được giao nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm phải chuyển nguồn sang năm sau để hoàn thành công việc đó, không được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được.

c) Phạm vi sử dụng kinh phí tiết kiệm được:

- Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã: UBND cấp xã thực hiện khoán được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 lần so với mức tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người. Ngoài ra, đảm bảo hệ số phân phối thu nhập cho cán bộ công chức gấp đôi hệ số phân phối thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách.

- Chi khen thưởng: chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công việc và thành tích đóng góp ngoài chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành của Luật thi đua khen thưởng.

- Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: hỗ trợ các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm (kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ, ngày quân đội nhân dân...); trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất; chi đồng phục; trợ cấp hiếu hỷ, thăm hỏi ốm đau; trợ cấp nghỉ hưu, mất sức;...

- Trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

d) Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện khoán quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan sau khi đã thống nhất ý kiến bằng văn bản với tổ chức Công đoàn cơ quan.

5. Kinh phí giao nhưng không thực hiện chế độ khoán:

a) Chi sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định, gồm:

- Kinh phí sửa chữa lớn trụ sở, mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn mà kinh phí thường xuyên không đáp ứng được và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch.

- Kinh phí thực hiện đề án cấp trang thiết bị và phương tiện làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).

b) Chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; chi hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố.

c) Các khoản chi chế độ, chính sách tại cấp xã, ở thôn.

d) Chi phụ cấp đại biểu HĐND và các khoản chi hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

e) Chi hỗ trợ các ngày lễ, Tết nguyên đán hàng năm.

f) Chi tiếp công dân.

g) Các khoản chi quản lý hành chính khác không thuộc nội dung quy định tại Khoản 2, Điều này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

a) Chọn thí điểm UBND cấp xã (theo số lượng do UBND cấp huyện quyết định) hoặc thông báo cho UBND các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện khoán; đảm bảo số lượng thực hiện thí điểm tối thiểu ít nhất 02 địa phương (01 xã và 01 thị trấn hoặc phường);

b) Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án khoán và phê duyệt phương án cho các địa phương thực hiện trước ngày 31/10/2014.

c) Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý sử dụng tài sản công theo đúng quy định của liên bộ: Tài chính - Nội vụ tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các địa phương phản ánh về Sở Tài chính, Sở Nội vụ để tổng hợp; tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1827/QĐ-UBND năm 2014 về phương án thí điểm khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đối với xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 1827/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Trần Sơn Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản