Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1824/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT VĂN KIỆN SỬA ĐỔI KHUNG CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (SP-RCC)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 60/TTr-BTNMT ngày 26 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt văn kiện sửa đổi (kèm theo) Khung Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) như kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu tại văn bản trên.

Điều 2. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP;
- Các Bộ: TNMT, TC, CT, KHĐT, NNPTNT, Y tế, GDĐT, GTVT, KHCN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UBQG về BĐKH;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: TH, KTN, KTTH; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

VĂN KIỆN KHUNG (SỬA ĐỔI)

CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (SP-RCC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1824/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

I. Tên chương trình

Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

Tên tiếng Anh: Support Program to Respond to Climate Change.

Tên viết tắt: SP-RCC.

II. Các đối tác phát triển

1. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT);

2. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA);

3. Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc (K-Eximbank);

4. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD);

5. Ngân hàng Thế giới (WB);

6. Một số đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục được xác định trong quá trình thực hiện Chương trình.

III. Tên cơ quan chủ quản chương trình

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

IV. Thời gian thực hiện chương trình

Từ năm 2014 đến 2020.

V. Bối cảnh và sự cần thiết của chương trình

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là thách thức lớn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo kịch bản về biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, Thành phố Hồ Chi Minh có khả năng bị ngập trên 20% diện tích, 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Để ứng phó hiệu quả trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, năm 2008 Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008), tháng 01 năm 2011 ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011) và tháng 9 năm 2012 ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012).

Chương trình SP-RCC bắt đầu các hoạt động từ năm 2009 với sự tham gia, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các đối tác phát triển như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (K-Eximbank). Thông qua Chương trình SP-RCC, bằng hình thức cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ không hoàn lại, hằng năm các đối tác phát triển hỗ trợ ngân sách nhà nước khoảng 240 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh nguồn lực tài chính, SP-RCC đã tạo ra Diễn đàn đối thoại chính sách về biến đổi khí hậu giữa các Bộ, ngành Việt Nam với các đối tác phát triển. Dựa trên các định hướng chiến lược của các Bộ, ngành và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, các Bộ, ngành Việt Nam và các đối tác phát triển đã lựa chọn xây dựng các hành động chính sách cụ thể đưa vào Khung Chính sách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Cho đến nay, đã có trên 200 hành động chính sách liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các đối tác phát triển phối hợp với 10 Bộ, ngành phía Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

VI. Mục tiêu của chương trình

1. Mục tiêu tổng quát

Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chiến lược, các chính sách và các chương trình dự án ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả trước các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và các chiến lược của các ngành kinh tế có liên quan đến biến đổi khí hậu;

b) Hỗ trợ các hoạt động về chính sách, khoa học công nghệ và tài chính do Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức tư nhân cung cấp, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

VII. Nhiệm vụ cụ thể của chương trình

1. Xác định các vấn đề ưu tiên về phát triển chính sách có liên quan đến biến đổi khí hậu trên, cơ sở các nhiệm vụ chiến lược được đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh; tổ chức đối thoại với các Bộ, ngành, địa phương, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ, xác định các hành động chính sách cụ thể đưa vào Khung chính sách biến đổi khí hậu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

2. Thực hiện các đợt đánh giá và giám sát việc thực hiện Khung chính sách đã được Thủ Tướng Chính phủ duyệt của các Bộ, ngành và địa phương theo định kỳ hàng năm;

3. Hỗ trợ thực hiện các thủ tục tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính do các đối tác phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ cho Chương trình;

4. Báo cáo kết quả thực hiện Chưong trình theo định kỳ cho Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan có liên quan.

VIII. Kết quả hoạt động của chương trình

Trên cơ sở các hành động chính sách mang tính chiến lược được đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình sẽ tập trung nhằm đạt được các kết quả sau:

1. Kết quả 1: Chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu

a) Giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai;

b) Cảnh báo sớm;

c) Giám sát biến đổi khí hậu;

2. Kết quả 2: Đảm bảo an ninh nước và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu

a) Nâng cao tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp và an ninh  lương thực;

b) Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.

3. Kết quả 3: Ứng phó hiệu quả với mực nước biển dâng và thiên tai ở các vùng dễ bị tổn thương.

a) Tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống các công trình hạ tầng;

b) Nâng cao khả năng chống chịu của vùng ven biển thông qua phương thức quản lý tổng hợp đới bờ; giải pháp trồng rừng ngập mặn.

4. Kết quả 4: Bảo vệ, phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học

a) Nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng bền vững;

b) Bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Kết quả 5: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất

a) Đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới;

b) Khai thác các tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

c) Giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông vận tải;

d) Nâng cao năng lực quản lý chất thải.

6. Kết quả 6: Tăng cường vai trò chủ đạo của nhà nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Lồng ghép các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện trong nước.

7. Kết quả 7: Xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

a) Nâng cao năng lực ngành y tế ứng phó với biến đổi khí hậu;

b) Nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo cộng đồng về các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.

8. Kết quả 8: Đa dạng hóa nguồn lực tài chính và tăng hiệu quả đầu tư cho biến đổi khí hậu

Hoàn thiện cơ chế tài chính hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

IX. Phương thức thực hiện chương trình

Chương trình SP-RCC được thực hiện thông qua ba phương thức chính:

1. Phương thức xây dựng

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và địa phương, hàng năm các Bộ, ngành, địa phương sẽ kiến nghị danh sách các luật, các chiến lược, các chính sách, các quy hoạch và kế hoạch (gọi chung là các hành động chính sách) liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xây dựng và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp thành Khung chính sách.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các cuộc họp kỹ thuật thông qua hình thức đối thoại rộng rãi với các cơ quan của Chính phủ, các đối tác phát triển, các tổ chức tư nhân và phi chính phủ để thống nhất Khung chính sách, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 hằng năm để thực hiện cho năm tiếp theo.

2. Phương thức giám sát

Việc giám sát thực hiện Khung chính sách của các Bộ, ngành, địa phương sẽ được cơ quan chủ quản Chương trình (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, địa phương tiến hành vào giữa kỳ của năm thực hiện.

Hoạt động giám sát được tiến hành cho tất cả các hành động chính sách trong Khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả giám sát cùng với các kiến nghị sẽ được cơ quan chủ quản Chương trình báo cáo Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan có liên quan.

3. Phương thức đánh giá

Cơ quan chủ quản cùng với các đối tác phát triển, các Bộ, ngành và địa phương tiến hành đánh giá kết quả thực hiện từng hành động chính sách trong Khung chính sách vào cuối kỳ của năm thực hiện. Việc đánh giá phải được tiến hành theo chỉ số hoàn thành đối với mỗi hành động chính sách trong Khung chính sách. Kết quả hoàn thành được phân loại theo tiêu chí đánh giá như ở trong phụ lục kèm theo.

Báo cáo đánh giá sẽ nêu rõ mức độ hoàn thành của từng hành động chính sách cùng với các nhận xét, kiến nghị. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thảo luận và đề xuất các hành động chính sách cho các chu kỳ tiếp theo. Báo cáo đánh giá cùng với các kiến nghị sẽ được gửi Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan có liên quan.

X. Vốn của chương trình

Vốn của Chương trình chủ yếu là ODA vay ưu đãi hoặc ODA không hoàn lại do JICA, AFD, WB, K-Eximbank, DFAT và một số các đối tác phát triển khác đóng góp và được cung cấp theo dạng hỗ trợ ngân sách, Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm việc cụ thể với các đối tác phát triển, vận động và làm các thủ tục tiếp nhận viện trợ. Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào nhu cầu cụ thể của Khung chính sách do Thủ Tướng Chính phủ duyệt hàng năm bảo đảm ưu tiên cao nhất việc cung cấp tài chính cho các hoạt động của Chương trình.

Chương trình sẽ vận động các đối tác phát triển cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật hoặc chuyên gia để hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số hành động chính sách nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Khung chính sách.

XI. Cơ chế tài chính trong nước

Trong quá trình thực hiện Chương trình, các vấn đề tài chính sẽ được thực hiện theo văn bản số 15020/BTC-QLN ngày 05 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính và được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Thông báo số 8981/VPCP-QHQT ngày 10 tháng 12 năm 2010; các dự án ưu tiên thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính ban hành ngày 03 tháng 5 năm 2013.

XII. Tổ chức quản lý thực hiện chương trình

Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của Chương trình.

Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ trong vận hành Chương trình được quy định như sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và là cơ quan chủ quản Chương trình có trách nhiệm cụ thể như sau:

a) Xác định các nhóm hành động chính sách cần ưu tiên liên quan tới biến đổi khí hậu.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển thảo luận, đề xuất xây dựng Khung chính sách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6 hằng năm.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển giám sát, đánh giá việc thực hiện Khung chính sách sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

d) Chủ trì, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho Chính phủ thông qua Chương trình SP-RCC.

đ) Báo cáo định kỳ Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan có liên quan về thực hiện Khung chính sách hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Đề xuất các hành động chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành và địa phương;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp nhận các khoản hỗ trợ của các đối tác phát triển thông qua Chương trình SP-RCC.

3. Bộ Tài chính

a) Bảo đảm bố trí đủ nguồn tài chính cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hành động chính sách trong Khung chính sách sau khi được Thủ Tướng Chính phủ duyệt;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp nhận các khoản hỗ trợ của các đối tác phát triển thông qua Chương trình SP-RCC.

4. Các Bộ, ngành và địa phương

a) Trên cơ sở các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ưu tiên của mình, các Bộ, ngành và địa phương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác phát triển đề xuất các hành động chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa vào Khung chính sách; triển khai thực hiện sau khi Khung chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Đề xuất Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho việc thực hiện các hành động chính sách thuộc Bộ, ngành, địa phương mình;

c) Tham gia cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển trong các phiên họp kỹ thuật nhằm xây dựng Khung chính sách, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

 

PHỤ LỤC I

TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG CHÍNH SÁCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1824/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Kết quả đánh giá

Đánh giá
(Để giám sát các hành động chính sách)

Đánh giá theo mục tiêu
(Để đánh giá mức độ đạt được kết quả/mục tiêu)

Xuất sắc

Đáp ứng được các tiêu chí, và hoàn thành hành động chính sách dẫn tới đạt được kết quả đáng kể.

Được mong đợi đạt được hoặc vượt quá kết quả/mục tiêu đề ra ban đầu và thu được lợi ích đáng kể.

Hoàn thành

Đáp ứng được các tiêu chí và hoàn thành đúng hạn.

Được mong đợi đạt được hầu hết các kết quả/mục tiêu đề ra ban đầu và thu được lợi ích như mong muốn.

Tiến bộ đáng kể

Không đáp ứng được các tiêu chí, nhưng thống nhất được các biện pháp khắc phục. Đồng thời, thấy được tiến bộ đáng kể và có khả năng sớm hoàn thành.

Không đạt được kết quả/mục tiêu đề ra ban đầu, nhưng thu được các kết quả đáng kể.

Chưa hoàn thành

Cũng tương tự như với Tiến bộ đáng kể, nhưng không đưa ra được các giải pháp khắc phục, hoặc các vấn đề không được tiếp cận một cách đúng đắn.

Không đạt được kết quả/mục tiêu đề ra ban đầu hoặc không thu được các kết quả đánh giá.