Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 853/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2014

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 621/NQ-UBTVQH13 ngày 22/7/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2014; Nghị quyết số 717/NQ-UBTVQH13 ngày 31/12/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 740/BC-ĐGS ngày 06/10/2014 của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo số 141/BC-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đã xây dựng và ban hành một số chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tạo cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long triển khai thực hiện; đã huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, bước đầu triển khai thực hiện một số dự án ưu tiên, cấp bách về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được một số kết quả nhất định.

2. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là vấn đề mới nên việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật chưa kịp thời và đồng bộ; thiếu chính sách, cơ chế khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Việc quy hoạch tổng thể vùng gắn với yếu tố biến đổi khí hậu chưa được đề cập đúng mức; nhận thức về biến đổi khí hậu còn hạn chế; nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu; các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính liên vùng, liên ngành và dài hạn, nhất là đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Điều 2. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu:

1. Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

a) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là trách nhiệm của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ động, tích cực;

b) Trong quá trình xây dựng pháp luật cần quy định những nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến cuối năm 2016, hoàn thiện pháp luật về khí tượng thủy văn; xây dựng được cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển;

c) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời việc sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân;

d) Chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu xây dựng dự án, công trình quan trọng quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long một cách đồng bộ, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, dài hạn và tính bền vững cao, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào cuối năm 2015;

đ) Chủ động, tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Có giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng việc khai thác quá mức từ thượng nguồn sông Mê Kông làm thay đổi quy luật dòng chảy gây tác động xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long;

e) Có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ để thực hiện các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu;

g) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại để cập nhật và hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khuyến khích sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học, quy hoạch đô thị, khu dân cư theo hướng thân thiện môi trường, hạn chế ngập lún, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

2. Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long ngay từ năm 2015 cần tiến hành:

a) Nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm đã có hiệu quả thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo sinh kế bền vững cho người dân;

b) Rà soát, triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long; triển khai quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường có hiệu quả trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu; có phương án, kế hoạch và tập huấn cho người dân công tác phòng, chống các dịch bệnh có thể phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu;

c) Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ưu tiên các dự án cấp bách đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao;

d) Chú trọng nghiên cứu và phát triển các giống mới, kỹ thuật mới trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

đ) Trong quá trình thực hiện các giải pháp trên, các địa phương cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, phù hợp kế hoạch trung và dài hạn, tránh chồng chéo, lãng phí.

Điều 3.

1. Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nơi nhận:
- Các vị đại biểu Quốc hội;
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- TT HĐDT, TT các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- Lãnh đạo VPQH;
- Các cơ quan của UBTVQH;
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Lưu: HC, TH, KHCNMT,GS.
- Số E-pass: 85895

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 853/NQ-UBTVQH13 năm 2014 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 853/NQ-UBTVQH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/12/2014
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản