Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 182-QĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1972

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ vào Nghị định số 19-CP ngày 29 tháng 1 năm 1966 và Nghị định số 06-CP ngày 7 tháng 1 năm 1971 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục.
Căn cứ vào Nghị định số 195-CP ngày 31 tháng 12 năm 1964 ban hành điều lệ kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước và Nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 quy định chế độ trách nhiệm vật chất của cán bộ, công nhân viên chức đối với tài sản của Nhà nước.
Theo đề nghị của ông chủ nhiệm Công ty Thiết bị trường học, ông Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài vụ và ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.  Nay ban hành kèm theo quyết định này bản " Quy chế tạm thời quản lý đồ dùng dạy học" áp dụng từ năm học 1971 - 1972

Điều 2.  Các ông Chánh Văn phòng, Chủ nhiệm Công ty Thiết bị trường học, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Vụ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Giáo dục phổ thông cấp I, Vụ Giáo dục phổ thông cấp 2+3, Vụ Mẫu giáo, Vụ Bổ túc văn hoá, Cục trưởng Cục Đào tạo và bồi dưỡng, các ông Giám đốc Sở và Trưởng ty Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Lê Liêm

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

QUẢN LÝ ĐỒ DÙNG DẠY HỌC
( Ban hành kèm theo quyết định số 182-QĐ ngày 18-3-72)

Đồ dùng dạy học là một trong những phương tiện quan trọng giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập, có tác dụng lớn đối với việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Những đồ dùng này là tài sản chung có phần do Nhà nước cung cấp, có phần do thầy trò tự làm lấy, cần phải quản lý tốt.

Bộ Giáo dục ban hành quy chế này nhằm quy định chế độ trách nhiệm, khắc phục những hiện tượng tham ô, lãng phí và để đưa công tác quản lý đồ dùng dạy học của các trường học và của các cấp quản lý giáo dục ngày càng vào nền nếp.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1- Đồ dùng dạy học gồm: máy móc, dụng cụ thí nghiệm, mô hình, mẫu vật, hoá chất, tranh ảnh, bản đồ, phim đèn chiếu, dụng cụ thể dục thể thao, nhạc, hoạ, dụng cụ lao động, đồ chơi mẫu giáo... phục vụ cho việc giảng dạy, học tập của thầy và trò ở trên lớp, ở phòng thí nghiệm, xưởng trường, vườn trường, phòng truyền thống và ngoài sân bãi.

Đồ dùng dạy học là tài sản của Nhà nước giao cho Nhà trường quản lý. Vì vậy, các thứ đó, bất kỳ được mua sắm bằng nguồn vốn nào, do thầy trò tự làm, hoặc được biếu tặng đều phải được quản lý tốt.

Điều 2- Tất cả giáo viên, cán bộ, công nhân viên các trường học và các cấp quản lý giáo dục đều có nhiệm vụ quản lý các loại đồ dùng dạy học theo chế độ quản lý tài sản Nhà nước hiện hành. Những cá nhân và đơn vị có thành tích cần được khen thưởng, những cá nhân và đơn vị phạm khuyết điểm cần phải thi hành kỷ luật thích đáng, nghiêm túc và kịp thời.

Điều 3- Để đảm bảo quản lý tất cả các loại đồ dùng dạy học, các cấp quản lý giáo dục phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các trường bảo quản và sử dụng thực tốt đồ dùng dạy học, cung cấp cho các trường những phương tiện tối cần thiết để bảo quản đồ dùng dạy học, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

Điều 4 - Các trường sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, bổ túc văn hoá tập trung, các trường phổ thông cấp 3 và cấp 2 phải có phòng thí nghiệm và phòng đồ dùng dạy học. Các trường phổ thông cấp I phải có phòng đồ dùng dạy học.

Sở, Ty giáo dục phải có kho để chứa các đồ dùng dạy học chưa kịp phân phối cho các trường. Các phòng thí nghiệm, phòng và kho đồ dùng dạy học nhất thiết phải là phòng lợp ngói.

Điều 5- Các phòng thí nghiệm, phòng đồ dùng dạy học, kho đồ dùng dạy học phải có đủ các phương tiện bảo quản như: tủ, giá, hòm... các phương tiện chống ẩm, chống mối, dụng cụ phòng chữa cháy.

Để bảo quản những máy móc dụng cụ chính xác (dụng cụ quang học, dụng cụ đo lường...) những loại chất độc dễ cháy, dễ nổ, cần có những phương tiện kỹ thuật thích hợp.

Các đồ dùng dạy học phân phối về cho các trường, nhất là những dụng cụ chính xác, cần kèm theo đầy đủ bản thuyết minh hướng dẫn và lý lịch máy.

Điều 6 - Các trường phải có sổ tài sản đồ dùng dạy học, sổ cho mượn. Các Sở, Ty, Phòng Giáo dục phải có sổ sách theo dõi việc xuất nhập, phân phối các loại đồ dùng dạy học.

Các sổ sách này phải được ghi chép đầy đủ, kịp thời chính xác, được giữ gìn cẩn thận và bàn giao đầy đủ khi thay đổi cán bộ phụ trách.

Điều 7 - Đồ dùng dạy học phải được kiểm kê mỗi năm hai kỳ: đầu năm học và trước khi nghỉ hè. Ngoài việc kiểm kê thường kỳ kể trên, còn phải kiểm kê bất thường trong các trường hợp sau đây:

- Khi thay đổi hiệu trưởng, phụ tá thí nghiệm, giáo viên phụ trách đồ dùng dạy học.

- Khi sát nhập hoặc phân chia trường.

- Khi xẩy ra mất mát hoặc thiệt hại do thiên tai, địch hoạ, trộm cắp.

- Khi cơ quan giáo dục và Tài chính cấp có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 8 - Từng trường, từng giáo viên phải có kế hoạch tận dụng những đồ dùng dạy học mà nhà trường có vào việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phổ biến khoa học. Không được để tình trạng đồ dùng dạy học thì có mà giáo viên lại dạy chay.

Các trường cần được cấp đủ kinh phí tiêu hao để mua vật liệu cần thiết cho thí nghiệm chứng minh và thực hành.

Điều 9 - Đồ dùng dạy học chỉ được sử dụng vào việc chung cho nhà trường, tuyệt đối không được cho cá nhân mượn riêng. Đối với những dụng cụ, máy móc thí nghiệm tuy giao cho một trường giữ nhưng quy định dùng chung với trường khác thì các trường đó phải bàn bạc để ra nội quy sử dụng cho thích hợp.

Điều 10- Không được tự ý chuyển nhượng đồ dùng dạy học cho đơn vị hoặc cá nhân khác. Khi có quyết định chuyển nhượng của cơ quan có thẩm quyền thì phải lập biên bản bàn giao: biên bản ghi rõ tên dụng cụ, số lượng, phẩm chất hiện tại kèm theo thuyết minh và lý lịch máy của các dụng cụ đó.

Những đồ dùng dạy học hiện phân phối không đúng tiêu chuẩn của Bộ cần được điều chỉnh cho các trường khác.

Điều 11 - Đồ dùng dạy học bị hư hỏng không thể sửa chữa được nữa thì có thể xin huỷ bỏ. Hiệu trưởng mời Hội đồng nhà trường họp xác nhận, lập biên bản đề nghị cấp trên quyết định. Riêng ở Sở, Ty thì Giám đốc, Trưởng ty Giáo dục sẽ thành lập Hội đồng có kế toán trưởng tham dự để xác nhận và quyết định huỷ bỏ.

Điều 12. Các giáo viên phải được hướng dẫn đầy đủ, kỹ càng về cách bảo quản, sử dụng các loại đồ dùng dạy học của môn học, cấp học mà họ phụ trách, nhất là những dụng cụ chính xác, khó bảo quản, khó sử dụng.

Học sinh các trường Sư phạm phải được học tập về cách bảo quản, sử dụng những đồ dùng dạy học của môn và cấp mà họ sẽ ra phục vụ.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13 - Giám đốc Sở, Trưởng ty, Trưởng phòng Giáo dục huyện, thị, khu phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản đồ dùng dạy học trong phạm vi mình chịu trách nhiệm theo qui chế này. Cụ thể là:

- Lập kế hoạch trang bị hàng năm và nhiều năm cho tất cả các trường của đơn vị để thực hiện bằng được tiêu chuẩn thiết bị của Bộ Giáo dục.

- Tổ chức việc mua sắm các loại đồ dùng dạy học, đảm bảo kế hoạch phân phối kịp thời và đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng.

- Chỉ đạo các trường học thuộc đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tốt các đồ dùng dạy học, điều chỉnh đồ dùng dạy học giữa các trường cho hợp lý, chỉ đạo các trường tự làm và tự mua sắm đồ dùng dạy học.

- Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về tự làm, bảo quản sử dụng các loại đồ dùng dạy học.

- Khen thưởng hoặc xử lý các đơn vị và cá nhân có thành tích hoặc phạm lỗi trong việc quản lý đồ dùng dạy học.

Điều 14 - Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức quản lý toàn bộ tài sản đồ dùng dạy học của trường theo qui chế này. Cụ thể là:

- Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, giáo viên, học sinh bảo quản tốt đồ dùng dạy học, phương tiện cần thiết như: phòng, tủ, giá, sổ sách... tổ chức kiểm kê thường xuyên, tổ chức sửa chữa dụng cụ hư hỏng.

- Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng tốt đồ dùng dạy học, đề nghị huỷ bỏ hay điều chỉnh cho trường khác khi cần thiết.

- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện để đồ dùng dạy học của trường ngày càng hoàn chỉnh, tổ chức tự làm, mua sắm thêm bằng tiền lao động và tiết kiệm và xin phân phối thêm những đồ dùng còn thiếu.

- Căn cứ vào quy chế này mà vạch nội quy quản lý đồ dùng dạy học cụ thể thích hợp với từng trường.

- Tuỳ mức độ, quyết định hoặc đề nghị khen thưởng hay kỷ luật những cá nhân, đơn vị có thành tích hoặc phạm lỗi.

Điều 15- Các trường sư phạm, các trường bồi dưỡng giáo viên, các trường bổ túc văn hoá tập trung, các trường phổ thông cấp 3, các trường phổ thông cấp 2 có từ 13 lớp trở lên đều được bố trí một phụ tá thí nghiệm. Nếu chưa có phụ tá thí nghiệm thì tạm thời cử giáo viên vừa dạy vừa phụ trách phòng thí nghiệm hay phòng đồ dùng dạy học. Các trường cấp 2 có dưới 13 lớp được cử một số giáo viên vừa dạy vừa phụ trách phòng thí nghiệm.

Trong trường hợp khó khăn quá, tuỳ theo công việc thực tế của từng trường mà cử từ 2 đến 3 giáo viên vừa dạy vừa phụ trách phòng thí nghiệm.

Các giáo viên này được bớt mỗi tuần từ 3 đến 5 giờ. Các giáo viên phụ trách thí nghiệm từng bộ môn được bớt mỗi người mỗi tuần 2 giờ (Thông tư số 46-TT ngày 24 tháng 10 năm 1962 của Bộ Giáo dục).

Đối với các trường phổ thông cấp I và các trường mẫu giáo, cần phân công một giáo viên vừa dạy, vừa làm công tác thiết bị dạy học. Hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho giáo viên này làm tốt nhiệm vụ được giao đồng chí này chỉ dạy một số giờ tối thiểu.

Điều 16 - Sở , Ty giáo dục cần phân công một cán bộ lãnh đạo Sở, Ty phụ trách và ít nhất từ 2 đến 3 cán bộ chuyên trách công tác thiết bị dạy học.

Ở những Sở, Ty có điều kiện cần thành lập một bộ phận có số lượng cán bộ nhiều hơn phụ trách công tác này. ở các phòng Giáo dục huyện, thị, khu phố cần bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thiết bị dạy học hoặc phân công hai hay ba cán bộ kiêm nhiệm công tác này trong lúc tạm thời chưa có.

Điều 17 - Phụ tá thí nghiệm và giáo viên phụ trách thiết bị có trách nhiệm:

- Bảo quản toàn bộ đồ dùng dạy học của trường có.

- Góp phần làm thêm đồ dùng dạy học và giúp các giáo viên chuẩn bị đồ dùng về chứng minh và thực hành.

- Giữ gìn các sổ sách và hồ sơ về đồ dùng dạy học ghi chép đầy đủ và kịp thời.

- Thực hiện kiểm kê đồ dùng dạy học đúng thời hạn, đúng nguyên tắc .

Điều 18 - Cán bộ phụ trách công tác thiết bị các Sở, Ty, các phòng huyện, phụ tá và giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm, phòng đồ dùng dạy học phải chọn những người có khả năng chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm để tăng cường quản lý tốt các đồ dùng dạy học.

Các cán bộ này được trang bị phòng hộ lao động quy định tại thông tư số 12 - TT ngày 14-8-1968 của Bộ Giáo dục. Tuỳ trường hợp cụ thể sẽ được bồi dưỡng theo chế độ làm việc ở nơi có độc hại (Thông tư số 2 - TTg ngày 6-1-1963 của Phủ Thủ tướng).

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 19 - Những đơn vị cá nhân có thành tích trong việc bảo quản, sử dụng, trong việc tự làm đồ dùng dạy học hoặc phát hiện, ngăn ngừa kịp thời những vụ lãng phí, tham ô đồ dùng dạy học sẽ được các cấp quản lý giáo dục biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị Uỷ ban hành chính các cấp khen thưởng.

Điều 20 - Những đơn vị và cá nhân vì thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật lao động để đồ dùng dạy học hư hỏng, mất mát, gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì phải bồi thường cho công quỹ theo chế độ trách nhiệm vật chất ban hành tại Nghị định số 49 - CP ngày 9-4-1968 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 128/TT-LB ngày 24-7-1968 của Liên bộ Tài Chính - Lao động - Tổng công đoàn.

Ngoài bồi thường thiệt hại ra, người phạm lỗi còn có thể bị thi hành kỷ luật về mặt hành chính.

Những trường hợp tham ô, biển thủ, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản thì sẽ bị truy tố theo pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ban hành theo Lệnh số 149-LCT ngày 23-10-1970 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 182-QĐ năm 1972 ban hành Quy chế tạm thời quản lý đồ dùng dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 182-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/1972
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Lê Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản