Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1815/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, UBND CẤP HUYỆN, UBND CẤP XÃ TỈNH LẠNG SƠN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 3222/TTr-SGDĐT ngày 26/10/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 05 thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Có Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện sau khi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính.

Văn phòng UBND có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (Cục KSTTHC);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Nội vụ;
- C, PCVP UBND tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh,
- Phòng TH, NC, TTTHCB, TTPVHCC;
- Lưu: VT, TTPVHCC (HVT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, UBND CẤP HUYỆN, UBND CẤP XÃ TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn)

1. Thủ tục: Tuyển sinh trung học phổ thông

a) Nội dung đơn giản hóa:

Quy định bổ sung thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đối với 03 trường hợp, cụ thể:

- Đối với trường hợp thực hiện xét tuyển: thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị xét tuyển sinh của các trường trung học phổ thông thực hiện xét tuyển, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh để rà soát, kiểm tra hồ sơ và các điều kiện trúng tuyển, ban hành Quyết định phê duyệt và thông báo danh sách trúng tuyển.

- Đối với trường hợp thực hiện thi tuyển: Thời hạn giải quyết là 45 ngày kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức thi tuyển (bao gồm số liệu và danh sách học sinh đăng ký dự thi), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, công bố kết quả thi, họp Hội đồng tuyển sinh và phê duyệt danh sách trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông.

- Đối với trường hợp thực hiện kết hợp thi tuyển với xét tuyển: Thời hạn giải quyết là 45 ngày kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức kết hợp thi tuyển với xét tuyển (bao gồm số liệu và danh sách học sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiến hành họp xét duyệt kết quả xét tuyển, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, công bố kết quả thi, họp Hội đồng tuyển sinh và phê duyệt danh sách trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông.

Lý do: TTHC không được quy định thời hạn giải quyết dẫn đến việc thực hiện có thể bị kéo dài, ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cho năm học mới. Đồng thời, đây là các bộ phận cấu thành bắt buộc của một TTHC theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện TTHC, nhưng chưa được quy định đầy đủ.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, cụ thể:

“2. Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:

a) Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách học sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển của các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành họp xét duyệt kết quả xét tuyển vào các trường trung học phổ thông tổ chức xét tuyển ban hành Quyết định phê duyệt và thông báo danh sách học sinh trúng tuyển theo diện xét tuyển.

b) Thi tuyển.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức thi tuyển gửi số liệu và danh sách học sinh đăng ký dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các công tác tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, công bố kết quả thi, Họp Hội đồng tuyển sinh của Sở Giáo dục, phê duyệt danh sách trúng tuyển vào các trường có cấp trung học phổ thông.

c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển gửi danh sách học sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển và danh sách học sinh đăng ký dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành họp xét duyệt kết quả xét tuyển, tổ chức công tác thi tuyển (tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, công bố kết quả thi), Họp Hội đồng tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo, phê duyệt danh sách trúng tuyển vào các trường có cấp trung học phổ thông.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Đối với tuyển sinh trường trung học phổ thông bằng hình thức xét tuyển:

+ Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 4.442.850 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 3.291.000 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 1.151.850 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25,93%.

- Đối với tuyển sinh trung học phổ thông bằng hình thức thi tuyển:

+ Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 13.218.850 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 9.873.000 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 3.345.850 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25,3%.

- Đối với tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển:

+ Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 13.218.850 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 9.873.000 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 3.345.850 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25,3%.

2. Nhóm 03 thủ tục, gồm:

- Thủ tục: Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông.

- Thủ tục: Chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở.

- Thủ tục: Xin học lại tại trường khác đối với học sinh trung học.

a) Nội dung đơn giản hóa:

Quy định bổ sung thời hạn giải quyết TTHC, cụ thể là 01 ngày làm việc (thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện đơn giản).

Lý do:

TTHC không được quy định thời hạn giải quyết dẫn đến việc thực hiện TTHC có thể bị kéo dài, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ, giải quyết TTHC, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Đồng thời, đây là các bộ phận cấu thành bắt buộc của một TTHC theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện TTHC, nhưng chưa được quy định đầy đủ.

b) Kiến nghị thực thi:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Quyết định số 51/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, cụ thể:

“3. Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét quyết định trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đến xem xét, quyết định.

- Sửa đổi, bổ sung điểm khoản 3 Điều 6 Quyết định số 51/2002/QĐ- BGD&ĐT ngày 25/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, cụ thể:

“3. Việc xin học lại được thực hiện trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định thực hiện trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Đối với 02 thủ tục: Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông; Chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở.

- Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 356.525 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 219.400 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 137.125 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 38,5%.

Đối với thủ tục: Xin học lại tại trường khác đối với học sinh trung học.

- Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 356.525 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 219.400 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 137.125 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 38,5%.

3. Thủ tục: Giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập)

a) Nội dung đơn giản hóa:

Quy định bổ sung thời hạn giải quyết TTHC, cụ thể là 20 ngày làm việc.

Lý do: Trình tự, cách thức thực hiện TTHC "Giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập)” tương tự trình tự, cách thức thực hiện của TTHC "Thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập". TTHC "Thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập" đã được quy định về thời hạn thực hiện là 20 ngày làm việc; do vậy quy định thời hạn giải quyết đối với TTHC "Giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập)" là 20 ngày làm việc là phù hợp.

b) Kiến nghị thực thi:

- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể:

“3. Trình tự thực hiện:

b) Căn cứ biên bản kiểm tra, trong thời hạn 20 ngày làm việc Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thu hồi giấy phép thành lập và quyết định giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Quyết định giải thể phải ghi rõ lý do, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, nhân viên và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ quy định trước khi đơn giản hóa: 4.415.425 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ quy định sau khi đơn giản hóa: 3.071.600 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 1.343.825 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 30,4%./.