Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1807/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 15 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 7/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 3025/SYT-KHTC ngày 27/12/2013 và Công văn số 839/SYT-KHTC ngày 13/5/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án phát triển y tế biển, đảo tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm cho người dân sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2014 - 2015

- Đào tạo, bổ túc bác sĩ về y học biển có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển cho 20% các Bệnh viện hoặc Trung tâm y tế ven biển;

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa và 02 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố ven biển có đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống bệnh dịch cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển đảo;

- Đầu tư Bệnh viện huyện Trường Sa quy mô 30 giường bệnh và Trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo tại Bệnh viện Quân y 87;

- Đầu tư cho Trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu vận chuyển cấp cứu trên biển;

- Triển khai thực hiện bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển đảo, phấn đấu 50% các trạm y tế xã đảo độc lập đạt bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển đảo;

- Tập huấn, truyền thông trang bị kiến thức cho 40% người lao động trên các tàu biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu;

- 60% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

b) Giai đoạn 2016 - 2020

- Đào tạo, bổ túc bác sĩ về y học biển có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển cho Bệnh viện huyện Trường Sa và 70% các bệnh viện/Trung tâm y tế ven biển;

- 100% Trung tâm Y tế ven biển có đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống bệnh dịch cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển đảo;

- 100% các trạm y tế xã đảo độc lập đạt bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển đảo;

- Xây dựng 1 mô hình trợ giúp y tế từ xa (Telemedicine) từ Bệnh viện Quân y 87 đến Bệnh viện huyện Trường Sa;

- Tập huấn, truyền thông trang bị kiến thức cho 100% người lao động trên các tàu biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu;

- 100% tàu vận tải biển, tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển

- Thường xuyên đưa nội dung phát triển y tế biển đảo vào Nghị quyết của Đảng bộ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo;

- Triển khai áp dụng đồng bộ và phổ biến rộng rãi Bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo, làm cơ sở phấn đấu và đánh giá sự hoàn thành nhiệm vụ của Kế hoạch;

- Xây dựng, ban hành các phương án phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển, đảo, theo từng cấp độ, từng khu vực và tổ chức diễn tập;

- Bố trí cán bộ chuyên trách về y tế biển, đảo tại Sở Y tế để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế biển, đảo và làm đầu mối phối hợp để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên biển, đảo;

- Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc thù biển, đảo.

2. Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng

- Bổ sung biên chế, trang thiết bị cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm y tế cấp huyện ven biển đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe, cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo;

- Tổ chức các đội cơ động sẵn sàng di chuyển ra đảo triển khai phòng chống dịch bệnh;

- Tăng cường công tác thanh tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn lao động các ngành kinh tế biển; đánh giá tác động môi trường, dự báo ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải y tế; an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng chống dịch trên vùng biển, đảo.

3. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh

- Tổ chức, đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho khoa Hồi sức cấp cứu thành Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa tại Bệnh viện Quân y 87;

- Thành lập mới Trung tâm Y tế huyện Trường Sa gồm Bệnh viện đa khoa huyện Trường Sa và 3 Trạm Y tế tại xã Sinh Tồn, xã Song Tử tây và thị trấn Trường Sa; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho Bệnh viện huyện đảo Trường Sa quy mô 30 giường bệnh có thể triển khai các kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2;

- Xây dựng nâng cấp các phân trạm y tế ở các đảo của Khánh Hoà; Trang bị túi cấp cứu ngoại viện phù hợp với đặc điểm vùng biển đảo: có áo phao, phao cứu sinh, băng ca, bình oxy.

- Phát triển mô hình “thầy thuốc gia đình” tại các cụm dân cư; tăng cường năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh của trạm y tế xã đảo;

- Xây dựng 1 mô hình trợ giúp y tế từ xa từ Bệnh viện Quân y 87 đến Bệnh viện huyện Trường Sa;

- Trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu biển theo các quy định quốc gia và quốc tế; các tổ đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển có người biết sơ cấp cứu trên biển và biết liên hệ với Trung tâm y tế nhờ trợ giúp.

4. Tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu

- Đầu tư trang thiết bị nhân lực phù hợp cho Trung tâm cấp cứu 115 để phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 4 thực hiện cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân về đất liền theo mô hình “quân dân y kết hợp”;

- Xây dựng các phương án y tế phối hợp với các đội tàu thuộc quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, tàu tìm kiếm, cứu nạn của các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 4 tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân giữa các đảo hoặc từ trên biển về cơ sở y tế trên đảo hoặc đất liền;

- Cải tạo, nâng cấp các tàu xuồng hiện có của các lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự, Biên phòng, Cảnh sát biển, Tàu cá... đảm nhiệm chức năng là phương tiện cứu thương trên biển, giữa các đảo; trang bị xe cứu thương, phao cứu sinh cho Bệnh viện huyện đảo Trường Sa;

- Tổ chức, huấn luyện, trang bị cho các đội y tế cơ động của các địa phương ven biển sẵn sàng chi viện cấp cứu trên biển, đảo khi cần thiết hoặc trong tình huống bị chia cắt;

- Tổ chức, huấn luyện đội cơ động cấp cứu trên huyện đảo Trường Sa có sự tham gia của các lực lượng, trong đó lực lượng y tế làm nòng cốt.

5. Phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao có trình độ sau đại học về y học biển; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội cho khu vực biển, đảo; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên và kỹ thuật viên y học biển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ven biển, đảo và các ngành kinh tế biển;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học để phát triển chuyên ngành y học biển;

- Đảm bảo định mức biên chế tại các cơ sở y tế các huyện, thành phố ven biển, đội cơ động cấp cứu làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biển đảo.

6. Xây dựng chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống tại huyện đảo Trường Sa, các tổ đảo thuộc Phường Vĩnh Nguyên thuộc thành phố Nha Trang, các xã đảo Cam Bình thuộc thành phố Cam Ranh; xã đảo Vạn Thạnh thuộc huyện Vạn Ninh; xã đảo Ninh Vân thuộc thị xã Ninh Hòa; có chế độ thanh toán bảo hiểm y tế giá dịch vụ y tế, hỗ trợ giá vận chuyển bệnh nhân, phù hợp với điều kiện biển, đảo.

7. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo

- Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe để phục vụ cho truyền thông, giáo dục sức khỏe trên vùng biển, đảo;

- Xây dựng mô hình, phát triển nội dung thông điệp truyền thông, giáo dục sức khỏe phù hợp với đặc điểm vùng biển đảo; thực hiện và phát sóng các chương trình truyền hình, phát thanh; sản xuất các tài liệu truyền thông, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho người dân làm việc và sinh sống trên vùng biển, đảo;

- Tổ chức tập huấn, truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo; bảo đảm cho mọi người lao động trên biển, đảo biết và có thể kêu gọi sự trợ giúp về y tế khi cần thiết.

III. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nhu cầu kinh phí

ĐVT: triệu đồng

STT

Hoạt động

Giai đoạn 2014 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

1

Trang bị hệ thống Telemedicine (tại Bệnh viện Quân y 87)

 

5.000

2

Đào tạo, tập huấn kỹ năng cấp cứu trên biển

200

1.000

3

Xây dựng và nâng cấp trung tâm điều trị bệnh đặc thù biển đảo (tại Bệnh viện Quân y 87)

5.000

 

4

Xây dựng Bệnh viện huyện Trường Sa 30 giường

43.470

 

5

Xây dựng nâng cấp các phân trạm Y tế trên đảo

 

10.000

6

Kinh phí mua thẻ BHYT

2.032

5.079

7

Kinh phí cho hoạt động truyền thông

1.000

4.000

 

Tổng cộng

51.702

25.079

2. Nguồn vốn đầu tư phát triển tập trung.

- Nguồn vốn sự nghiệp y tế.

- Nguồn vốn ODA.

- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

- Nguồn kết dư Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (nếu có) để đầu tư trang thiết bị y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.

- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện đảo Trường Sa thực hiện nội dung Kế hoạch này;

- Hàng năm xây dựng dự toán ngân sách triển khai kế hoạch gắn với kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để tổng hợp, thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các hoạt động có liên quan đến huy động lực lượng, tàu biển để tổ chức hệ thống vận chuyển cấp cứu và tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo;

- Chỉ đạo lực lượng quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng dân y làm nòng cốt phát triển y tế biển, đảo;

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế cân đối, tham mưu nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm và cả giai đoạn để thực hiện kế hoạch này;

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế thẩm định dự toán và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai kế hoạch phát triển y tế biển đảo trong nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm tùy khả năng cân đối ngân sách;

- Căn cứ vào báo cáo quyết toán kinh phí sự nghiệp y tế do Sở Y tế lập, Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán hàng năm theo ủy quyền, trong đó, phê duyệt và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển đảo Khánh Hoà.

5. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 4

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương có biển, đảo xây dựng các phương án phối hợp trong việc tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu những nạn nhân, bệnh nhân trên vùng biển, đảo;

- Chủ trì xây dựng chương trình huấn luyện, huấn luyện cho lực lượng y tế có đủ khả năng tham gia lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên tàu biển.

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.

6. Bệnh viện Quân y 87

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế triển khai hệ thống trợ giúp y tế từ xa (Telemedicine) từ Bệnh viện Quân y 87 đến Bệnh viện huyện Trường Sa.

7. Các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan

- Trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong quá trình triển khai và kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Y tế (để b/c);
- TT. Tỉnh ủy (để b/c);
- Chủ tịch và các PCTUBND tỉnh;
- Cục Quân y;
- Bệnh viện Quân y 87;
- Đài PTTH KH, Báo Khánh Hòa;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NN, QP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Thân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1807/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án phát triển y tế biển, đảo tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020

  • Số hiệu: 1807/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Lê Xuân Thân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản