Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1757/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 05 tháng 11 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ LỢN NÁI GIỐNG CHO CÁC HỘ DÂN HUYỆN BIÊN GIỚI TỈNH CAO BẰNG - NĂM 2018
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thảo thuận tài trợ ngày 23 tháng 10 năm 2018 giữa Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 1692/SNN-KHTC ngày 29 tháng 10 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án Hỗ trợ lợn nái giống cho các hộ dân huyện biên giới tỉnh Cao Bằng - năm 2018, như sau:
1. Mục tiêu: Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
2. Đối tượng và số lượng lợn nái được hỗ trợ
- Hỗ trợ lợn nái giống cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn 09 huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng có nhu cầu chăn nuôi lợn nái sinh sản (mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 01-02 con lợn nái giống).
- Hỗ trợ huyện Hà Quảng 500 con, huyện Trùng Khánh 300 con, huyện Thông Nông 400 con, huyện Bảo Lạc 400 con, huyện Bảo Lâm 400 con, huyện hạ Lang 300 con, huyện phục Hòa 300 con, huyện Trà Lĩnh 300 con, huyện Thạch An 400 con.
3. Nguồn cung cấp lợn nái giống
3.1. Nguồn cung ứng từ các đơn vị trong tỉnh Cao Bằng
- Giống lợn: Móng Cái, Táp Ná.
- Trọng lượng lợn giống: Từ 18 kg - 22 kg/con;
- Số lượng con giống: 900 con.
- Đơn giá: 1.500.000 đồng/con.
3.2. Nguồn cung ứng từ các đơn vị ngoài tỉnh Cao Bằng
- Giống lợn: Móng Cái
- Trọng lượng lợn giống: Từ 15 kg - 18kg/con.
- Số lượng con giống: 2.400 con.
- Đơn giá dự kiến: 2.480.000 đồng/con.
4. Kinh phí thực hiện
a) Tổng kinh phí 7.302.000.000 đồng. Trong đó:
- Nguồn kinh phí của nhà tài trợ: 4.950.000.000 đồng.
- Nguồn kinh phí của tỉnh: 2.352.000.000 đồng.
b) Phương án sử dụng kinh phí để mua lợn nái giống
- Đối với mua 900 con lợn nái giống từ các đơn vị cung ứng trong tỉnh: Sử dụng 1.350.000.000 đồng của nhà tài trợ.
- Đối với mua 2.400 con lợn nái giống của các đơn vị cung ứng ngoài tỉnh: Sử dụng 2.352.000.000 đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh và nhà tài trợ (sau khi đã trừ 1.350.000.000 đồng để mua 900 con lợn nái giống từ các đơn vị cung ứng trong tỉnh).
5. Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2019.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ mua lợn nái giống. Tổ chức mua và thanh quyết toán nguồn kinh phí đúng quy định. Cung cấp lợn nái giống theo danh sách do UBND 09 huyện biên giới đề xuất.
- Tổ chức xây dựng quy trình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho lợn nái sinh sản để hướng dẫn cho các đối tượng thụ hưởng trước khi nhận lợn nái giống; hoàn thành cung cấp lợn nái giống đảm bảo chất lượng, số lượng đến trụ sở UBND các xã để tặng cho đối tượng thụ hưởng trong năm 2018 (thông báo cho bên tài trợ bằng văn bản lịch trình bàn giao lợn giống cho các hộ dân).
- Tổng hợp, báo cáo kết quả cung cấp lợn nái giống cho nhà tài trợ. Hằng năm, đánh giá tình hình nuôi dưỡng, hiệu quả kinh tế từ đàn lợn nái giống được hỗ trợ, báo cáo UBND tỉnh và nhà tài trợ.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hoàn thành Đề án này.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Đề án này.
- Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các thủ tục mua và thanh quyết toán kinh phí thực hiện mua lợn nái giống.
3. Ủy ban nhân dân các huyện biên giới
- Lựa chọn, phê duyệt danh sách các hộ gia đình nhận chăn nuôi lợn nái sinh sản, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị liên quan tổ chức bàn giao lợn nái giống cho các đối tượng thụ hưởng.
- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các đối tượng thụ hưởng về quy trình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho lợn nái sinh sản, trước khi nhận lợn giống.
- Lựa chọn một số hộ được nhận lợn nái giống để xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi lợn nái nhằm tuyên truyền, nhân rộng.
- Giao nhiệm vụ cho UBND cấp xã tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, phát huy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi. Theo dõi, giám sát tình hình nuôi dưỡng, hiệu quả kinh tế của đàn lợn nái được hỗ trợ, báo cáo (6 tháng và hằng năm) về Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để tổng hợp, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình hình phát triển của đàn lợn trên địa bàn huyện.
4. Đối với cung ứng lợn nái giống trong tỉnh: Giao Công ty Cổ phần giống và Thức ăn chăn nuôi tỉnh Cao Bằng thực hiện cung ứng 900 con lợn nái giống.
5. Đối với hộ gia đình được nhận lợn nái giống
- Trước khi nhận lợn nái giống, phải tham gia tập huấn quy trình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho lợn nái sinh sản; chuẩn bị tốt chuồng nuôi, nền chuồng phải đảm bảo khô ráo, không bị ứ nước; phun khử trùng tiêu độc trước khi cho lợn vào nuôi; không được thả rông lợn; tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin bắt buộc theo quy định cho lợn nái.
- Thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng lợn được tặng; trong quá trình nuôi dưỡng nếu phát hiện có biểu hiện của bệnh cần phải báo ngay cho UBND xã, cơ quan Thú y để kịp thời có hướng xử lý.
- Không tự ý trao đổi, mua bán lợn, giết mổ lợn được tặng; khi lợn bị chết do bất cứ nguyên nhân nào, phải báo cáo ngay cho Trưởng thôn để báo cáo cho UBND xã lập biên bản xác nhận tình trạng của lợn nái được tặng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Cao Bằng; UBND các huyện biên giới; Công ty Cổ phần và Thức ăn chăn nuôi tỉnh Cao Bằng và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2360/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quản lý lợn đực giống do tỉnh ĐắkLắk ban hành
- 2Quyết định 277/QĐ-UBND về phê duyệt loại tinh, đơn giá liều tinh lợn ngoại được hỗ trợ phối giống nhân tạo năm 2018 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 3Quyết định 276/QĐ-UBND phê duyệt số lượng lợn nái giống gốc nuôi giữ và đơn giá hỗ trợ sản phẩm lợn giống gốc năm 2018 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 1Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 2360/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quản lý lợn đực giống do tỉnh ĐắkLắk ban hành
- 4Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 277/QĐ-UBND về phê duyệt loại tinh, đơn giá liều tinh lợn ngoại được hỗ trợ phối giống nhân tạo năm 2018 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 6Quyết định 276/QĐ-UBND phê duyệt số lượng lợn nái giống gốc nuôi giữ và đơn giá hỗ trợ sản phẩm lợn giống gốc năm 2018 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
Quyết định 1757/QĐ-UBND về Đề án Hỗ trợ lợn nái giống cho hộ dân huyện biên giới tỉnh Cao Bằng - năm 2018
- Số hiệu: 1757/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Người ký: Nguyễn Trung Thảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/11/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra