Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1734/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

n cứ Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005, năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban TĐKT TW;
- Cổng TTĐT BTC;
- Lưu: VT, Vụ TĐKT (21b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1734/QĐ-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Bộ Tài chính)

Căn cứ Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tích cực tham gia có hiệu quả và thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững.

- Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước.

2. Yêu cầu:

- Kết hợp chặt chẽ các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tính thống nhất và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình giảm nghèo đề ra.

- Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, Chương trình giảm nghèo; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; cân đối nguồn chi thường xuyên, tổng hợp dự toán chi thường xuyên hàng năm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các Bộ, ngành, địa phương.

2. Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn và các cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách giảm nghèo trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 như sau:

- Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp chủ trì).

- Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì).

- Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì).

- Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì).

- Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì).

3. Giai đoạn 2022 - 2025:

3.1. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ và các cơ chế, chính sách khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền:

- Nghị định thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Vụ Tài chính ngân hàng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025).

- Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (Vụ Tài chính ngân hàng, dự kiến triển khai trong năm 2022 và năm 2023).

- Các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các cơ chế, chính sách khác liên quan đến Chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (nếu có).

3.2. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (các đơn vị liên quan).

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 08-KH/ĐU ngày 12/10/2021 của Đảng ủy Bộ Tài chính về việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo có liên quan của cấp có thẩm quyền.

2. Cấp ủy Đảng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, tránh hình thức, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong việc chỉ đạo phong trào thi đua; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.

3. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính, Tạp chí Tài chính, các tạp chí, Cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử của các đơn vị trong ngành Tài chính có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền kịp thời; mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

IV. TIÊU CHÍ THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

1. Tiêu chí thi đua

1.1. Đối với tập thể:

- Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

- Nghiên cứu để điều chỉnh kịp thời các văn bản hướng dẫn và tham mưu với Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

- Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 08-KH/ĐU ngày 12/10/2021 của Đảng ủy Bộ Tài chính về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

1.2. Đối với cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính có sáng kiến, giải pháp hữu ích, cụ thể trong việc tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

2. Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng

2.1. Hình thức khen thưởng:

- Huân chương Lao động;

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

- Bằng khen của Bộ trưởng;

- Giấy khen.

2.2. Tiêu chuẩn khen thưởng:

Việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ cần có kế hoạch triển khai Phong trào thi đua trong Quý III năm 2022:

Các đơn vị Tổng cục có hệ thống dọc (Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ) căn cứ vào Kế hoạch của Bộ có kế hoạch triển khai Phong trào thi đua trong toàn hệ thống; Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ cần xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai Phong trào thi đua, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.

Các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ căn cứ Kế hoạch chung của Bộ để triển khai thực hiện phù hợp với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.

2. Năm 2023 tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết phong trào thi đua vào năm 2025.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm:

- Phổ biến, quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính.

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ Tiến độ thực hiện Phong trào thi đua quy định tại điểm 1 mục V của Kế hoạch này để chủ động triển khai thực hiện Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.

- Phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả tại đơn vị, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong Phong trào thi đua.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả tổ chức thực hiện Phong trào thi đua (kết hợp với nội dung báo cáo kết quả kiểm tra, tự kiểm tra về công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị) và gửi báo cáo về Vụ Thi đua - Khen thưởng trước ngày 30 tháng 11 hằng năm để tổng hợp, trình Bộ, báo cáo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo quy định.

2. Giao Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Phong trào thi đua; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hằng năm báo cáo Bộ và báo cáo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đề nghị các đơn vị gửi về Bộ Tài chính (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1734/QĐ-BTC năm 2022 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1734/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản