Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1703/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI VÀ CẤP NƯỚC SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Pháp lệnh QLKT công trình thuỷ lợi; Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày14/11/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với Sở Tài chính; UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2464/QĐ-UBND ngày 17/11/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Duy Quyền

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI VÀ CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1703/QĐ-UBND ngày 11/06/2009 của UBND tỉnh Hà Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI, NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI, CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN

1. Kết quả đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn:

Hà Giang là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, ruộng đất bị chia cắt mạnh, phân tán bởi núi đồi, khe lạch và sông, suối ít có cánh đồng lớn tập chung. Biện pháp công trình chủ yếu ở đây là xây dựng các hồ, đập tràn, kênh dẫn tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên và địa hình khu vực xây dựng.

Tổng số các công trình thuỷ lợi toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ trước đến nay là 994 công trình gồm: Hồ chứa 21 công trình, đập tràn, kênh dẫn 970 công trình; trạm bơm điện 3 công trình. Phục vụ tưới cho 27.005 ha (vụ xuân 8125 ha, vụ mùa 18.880 ha).

Tổng số các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ trước đến nay là:

- Bể nước hộ gia đình: 31.166 bể;

- Hệ tự chảy: 360 hệ;

- Giếng đào mới lắp bơm tay: 26 giếng;

- Lu chứa nước loại 2m3: 3.168 cái;

- Phục vụ nước sinh hoạt cho 67.000 người.

2. Tình hình quản lý khai thác công trình từ năm 2005 trở về trước

2.1. Các công trình thuỷ lợi

- Công trình cấp tỉnh quản lý là các công trình có diện tích tưới lớn hơn 50 ha: Do công ty xây dựng thuỷ lợi đảm nhận quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi. Tổng số công trình đang quản lý là 20 công trình với diện tích tưới cả năm là 936 ha, định mức thu thuỷ lợi phí là 60 kg/ha/vụ. Công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi gặp rất nhiều khó khăn bất cập, công trình thuỷ lợi đa số đã được xây dựng từ lâu và không đồng bộ, do vậy các công trình đều bị xuống cấp hầu như công trình nào cũng cần nâng cấp, sửa chữa.

Về quản lý khai thác: Hầu hết các địa phương chưa có sự phối hợp với đơn vị quản lý để quản lý khai thác triệt để hiệu suất công trình dẫn đến việc thu thuỷ lợi phí còn bị đọng nhiều, dẫn đến thất thu hoặc thu không đủ chi. Diện tích quản lý trên chỉ thu được khoảng 30% cho nên số lượng thu đó chỉ đủ trả lương cho cán bộ quản lý, không còn kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình. Do vậy việc thực hiện nhiệm vụ tham gia quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi không đạt được yêu cầu đã đề ra.

- Công trình do người sử dụng nước trực tiếp quản lý là các công trình có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha: Việc QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi do UBND xã trực tiếp điều hành, tuy được giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi song hoạt động của tổ chức này hiệu quả chưa cao còn mang tính hình thức.

2.2. Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Quá trình quản lý khai thác công trình CNSH tại các huyện, thị còn nhiều yếu kém đó là: việc quản lý khai thác và bảo vệ công trình chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tình trạng hư hỏng không được khắc phục kịp thời; các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau đầu tư bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng. Song hiện nay, công tác quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt hiện chưa có đơn vị nào thực hiện làm ảnh hưởng đến khả năng cấp nước sinh hoạt của công trình.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng, chưa cụ thể, kinh phí cho hoạt động này không được đáp ứng.

3. Tình hình quản lý khai thác công trình từ năm 2005 trở về đây

3.1. Các công trình thuỷ lợi

- Thực hiện quyết định số 2464/QĐ-UBND ngày 17/11/2005 về việc bàn giao các công trình thuỷ lợi đã đầu tư xây dựng cho UBND huyện, thị quản lý và khai thác, việc QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi hiện có một số mô hình chính gồm: HTX dùng nước và UBND xã trực tiếp điều hành. Một số mô hình tuy đã được thành lập nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao còn mang tính hình thức, thậm chí có nhiều xã không có đơn vị nào quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi mà giao cho thôn tự quản lý khai thác. Nhìn chung hoạt động về quản lý khai thác công trình thuỷ lợi chưa tuân thủ theo Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 05/8/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

- Trình độ, năng lực của cán bộ của đơn vị quản lý khai thác (HTX dùng nước, UBND xã) chưa đáp ứng được yêu cầu QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi vì cán bộ chưa được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nghiệp vụ về QLKT và bảo vệ công trình.

3.2. Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đầu tư xong bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng. Song hiện nay, công tác quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt hiện chưa có đơn vị nào thực hiện.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Thực hiện Quyết định số 2464/QĐ-UBND ngày 17/11/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc bàn giao các công trình thuỷ lợi đã đầu tư xây dựng cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị quản lý và khai thác (QLKT) và bảo vệ công trình, trong những năm qua các công trình thuỷ lợi đã được phân cấp cho cơ sở quản lý.

Quá trình quản lý khai thác và bảo vệ công trình các huyện, thị đã chủ động trong công tác QLKT và bảo vệ công trình. Công trình thuỷ lợi bước đầu đã có chủ quản lý, tạo điều kiện để người dân tham gia vào QLKT và bảo vệ công trình, đã khắc phục tình trạng trông chờ vào bao cấp của nhà nước, từng bước thực hiện xã hội hoá trong công tác QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi, gắn trách nhiệm của người hưởng lợi trong QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Từ đó phát huy được nội lực trong việc duy tu bảo dưỡng công trình, đa số công trình đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi của các xã, tổ hợp tác, hộ gia đình vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém cần khắc phục đó là: Việc quản lý khai thác và bảo vệ công trình chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tình trạng hư hỏng không được khắc phục kịp thời, làm ảnh hưởng đến khả năng tưới tiêu của công trình.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi, làm tốt công tác quản lý kỹ thuật và tài chính khi ngân sách nhà nước trợ cấp cho công tác QLKT và bảo vệ công trình theo Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Pháp lệnh QLKT công trình thuỷ lợi cần thiết phải xây dựng đề án QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh để thống nhất mô hình QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt và quản lý tài chính, làm tốt công tác QLKT và bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn hiện có, phát huy hiệu quả công trình, ổn định đời sống nhân dân từng bước xoá đói giảm nghèo thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn miền núi.

2. Mục tiêu của đề án

- Mỗi hệ thống hoặc công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn phải do một tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành bảo trì và bảo vệ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Việc quản lý hệ thống thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt phải đảm bảo tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính;

- Bảo đảm việc tự chủ về tài chính cho tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Phát huy vai trò và khả năng của người hưởng lợi tham gia quản lý công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

3. Phạm vi thực hiện

Đề án Quy định về tổ chức quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

4. Đối tượng áp dụng

Đề án áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

5. Những căn cứ để lập đề án

- Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 05 năm 1998;

- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04/4/2001;

- Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Pháp lệnh QLKT công trình thuỷ lợi;

- Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

- Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

- Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

A. TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

1. Mô hình quản lý

- Các công trình thuỷ lợi (CTTL) được xây dựng từ trước đến nay sau khi hoàn thành đều phân cấp cho cấp huyện và bàn giao các xã trực tiếp quản lý. Với tính chất của các CTTL trên địa bàn tỉnh đều nằm trong phạm vi 1 xã hoặc liên thôn, không có công trình liên xã, liên huyện, do vậy mô hình quản lý áp dụng theo Điều 6, Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ giao các công trình cho các HTX thuỷ nông (nơi có điều kiện thành lập HTX) và tổ hợp tác dùng nước, tổ chức quản lý và khai thác bảo vệ công trình;

- Việc quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (QLKT và BVCTTL) được quản lý theo pháp lệnh khai thác và bảo vệ CTTL;

- UBND tỉnh giao việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ CTTL cho Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã;

- UBND các huyện, thị xã căn cứ các hệ thống CTTL quyết định thành lập các HTX dùng nước, tổ hợp tác dùng nước để quản lý khai thác và bảo vệ CTTL;

- UBND các xã, thị trấn: Thành lập các BQL thuỷ nông ở xã, thị trấn mình và thành lập các tổ dùng nước, hộ dùng nước trực tiếp khai thác và bảo vệ CTTL.

2. Nội dung quản lý

- Tất cả các CTTL sau khi xây dựng bàn giao cho đơn vị sử dụng phải được xác định giá trị và tài sản tại thời điểm giao;

- HTX dùng nước, tổ quản lý phải có cán bộ phụ trách kỹ thuật, có trình độ văn hoá từ trung học phổ thông trở lên, có chứng chỉ về nghiệp vụ thuỷ lợi do cơ sở đào tạo thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

- Điều hoà, phân phối nước công bằng, hợp lý phục vụ sản xuất và đời sống, nước tưới sinh hoạt; thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân dùng nước, làm dịch vụ từ các CTTL; bồi thường thiệt hại do HTX, tổ quản lý, thực hiện không đúng hợp đồng gây ra trừ trường hợp có quy định khác;

- Thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, dự án đầu tư hệ thống CTTL đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Theo dõi, phát hiện kịp thời các sự cố, duy tu, bảo dưỡng, vận hành bảo đảm an toàn công trình, kiểm tra sửa chữa công trình trước và sau mùa mưa lũ;

- Làm chủ đầu tư trong việc duy tu, sữa chữa, nâng cấp CTTL, duy trì, phát triển năng lực công trình, bảo đảm an toàn công trình và sử dụng lâu dài;

- Xây dựng hoặc tham gia xây dựng quy trình vận hành, quy trình điều tiết của hồ chứa, quy trình vận hành hệ thống, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Bảo vệ chất lượng nước, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phòng chống lũ lụt, sạt lở và các tác hại khác gây ra;

- Quan trắc, theo thu thập các số liệu theo quy định, nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Lưu trữ hồ sơ khai thác;

- Tổ chức nhân dân tham gia xây dựng, kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình;

- Quản lý và sử dụng kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí đúng quy định.

3. Nhiệm vụ, chức năng của các tổ chức Quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi

3.1. Cấp tỉnh

 - Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý khai thác và bảo vệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước với những nội dung sau:

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chính sách về quản lý khai thác và bảo vệ CTTL. Đồng thời chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách về khai thác bảo vệ CTTL có hiệu quả;

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm tiêu chuẩn về QLKT và bảo vệ CTTL;

- Tham mưu cho UBND tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch hệ thống CTTL; các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình, kế hoạch tài chính cho các HTX dùng nước, tổ hợp tác, giám sát chất lượng thi công, nghiệm thu bàn giao công trình;

- Tham mưu cho UBND tỉnh cấp và thu hồi đối với các hoạt động pháp lý cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình;

- Trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ công trình, quyết định các biện pháp xử lý trong trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố, chỉ đạo việc điều hoà phân phối nước của công trình trong trường hợp xảy ra hạn hán;

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào quản lý khai thác và bảo vệ CTTL; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp lệnh về QLKT và bảo vệ CTTL; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác QLKT và bảo vệ CTTL;

- Chỉ đạo và giao cho Chi cục thuỷ lợi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ CTTL trên địa bàn toàn tỉnh.

3.2. Cấp huyện, thị xã

- Căn cứ nội dung QLKT và bảo vệ CTTL chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã căn cứ điều kiện cụ thể của từng huyện để áp dụng thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo các công trình đã được xây dựng, nghiệm thu bàn giao phải có người trực tiếp quản lý;

- UBND huyện, thị xã: Quyết định thành lập các HTX dùng nước theo luật HTX.

- Tổng hợp dự toán, quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí theo quy định.

3.3. Các xã, thị trấn

- Trực tiếp quản lý các công trình hiện có trên địa bàn, quyết định thành lập các tổ chức dùng nước theo Nghị định 115/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ.

- Tổng hợp dự toán, quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo quy định, trực tiếp tham gia nghiệm thu, hợp đồng tưới, tiêu giữa các tổ chức quản lý và các hộ dùng nước.

- Thực hiện các nhiệm vụ trong nội dung quản lý và khai thác và bảo vệ công trình.

3.4. Hợp tác xã dùng nước, tổ quản lý

Thực hiện nhiệm vụ QLKT công trình thuỷ lợi trên địa bàn HTX, tổ quản lý thuỷ nông quản lý theo đúng quy trình quy phạm và Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi quy định tại Điều 10, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo các nguyên tắc sau:

- Quản lý tài sản tại thời điểm đó là giá trị của công trình đã được xây dựng xong bàn giao đưa vào vận hành, quản lý;

- Có cán bộ kỹ thuật được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ thuỷ lợi;

- Được UBND huyện hoặc UBND xã bàn giao công trình thuỷ lợi quản lý khai thác;

- Sử dụng kinh phí cấp bù, miễn thuỷ lợi phí và phí thu từ cấp nước sinh hoạt theo đúng quy định của Nghị định Chính phủ và của UBND tỉnh;

- Xây dựng, áp dụng định mức lao động, vật tư, đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm trong khuôn khổ các định mức đơn giá của nhà nước;

- Tuyển chọn, thuê lao động theo thời vụ, bố trí sử dụng, đào tạo lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng và các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và quy định khác của Pháp luật liên quan;

- Tổ hợp tác dùng nước thực hiện quyền và nhiệm vụ quy định tại Điều 17, 18 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP , Bộ luật dân sự, Luật HTX và các quy định khác của pháp luật liên quan;

- Lập dự toán cấp bù do miễn thuỷ lợi phí hàng năm do HTX, tổ quản lý thuỷ nông quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Nguồn tài chính

4.1. Nguồn tài chính của đơn vị quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ, cụ thể như sau: Đặc thù của các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Hà Giang quy mô nhỏ, gồm kênh chính, kênh nhánh cấp I, cấp II, một số công trình có kênh cấp III, sau đầu kênh nội đồng và tới mặt ruộng. Do đó việc quy định vị trí cống đầu kênh theo khoản 2, Điều 19, Nghị định 115/2008/NĐ-CP được quy định như sau: Phân phối sau cuối kênh nhánh, tới mặt ruộng là do nhóm hộ và các hộ dùng nước đảm nhiệm, không quy định thu phí dịch vụ này;

- Các nguồn thu khác do khai thác tổng hợp công trình thuỷ lợi.

4.2. Cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí của HTX dùng nước

- Đơn vị QLKT công trình thuỷ lợi (HTX dùng nước, tổ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi) lập kế hoạch kinh phí miễn thuỷ lợi phí căn cứ vào hợp đồng tưới tiêu với các hộ dùng nước, lập dự toán thu chi, kế hoạch xin cấp bù thuỷ lợi phí gửi về UBND xã tổng hợp;

- Uỷ ban nhân dân xã tổng hợp, lập kế hoạch kinh phí miễn thuỷ lợi phí của đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi gửi phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp kế hoạch trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thuỷ lợi);

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt;

- UBND tỉnh trình Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cấp kinh phí bù do miễn thuỷ lợi phí hàng năm;

- Việc quyết toán kinh phí cấp bù miễn thuỷ lợi phí thực hiện theo các quy định hiện hành. Các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phải có đầy đủ chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán các khoản hỗ trợ tài chính như: Hợp đồng tưới tiêu nước, cấp nước của đơn vị quản lý thuỷ nông với các đối tượng dùng nước, biên bản nghiệm thu diện tích tưới tiêu, cấp nước giữa các bên có sự xác nhận của UBND xã, thị trấn và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Căn cứ vào nghiệm thu, thanh lý hợp đồng tưới tiêu khối lượng công việc QLKT, kinh phí được cấp phát, các đơn vị QLKT công trình thuỷ lợi quyết toán với phòng Tài chính huyện, thị xã. UBND huyện, thị xã có trách nhiệm báo cáo quyết toán với Sở Tài chính.

5. Công tác hướng dẫn, kiểm tra giám sát

- Chi cục Thuỷ lợi có trách nhiệm kiểm tra việc nghiệm thu tưới, cấp nước sinh hoạt của các đơn vị QLKT công trình thuỷ lợi tại các xã, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý khai thác CTTL. Đồng thời phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của công tác quản lý khai thác CTTL ở các địa phương;

- Phòng Tài chính - Kế hoạch kiểm tra, tổng hợp toàn bộ chứng từ, sổ sách quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được phân cấp về ngân sách huyện, báo cáo quyết toán với Sở Tài chính.

B. NỘI DUNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN

1. Mô hình quản lý

Nguyên tắc chung các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ phân cấp cho UBND huyện, UBND huyện trực tiếp giao cho UBND các xã để hình thành các tổ chức quản lý khai thác. Các công trình cấp nước sinh hoạt đã được xây dựng bao gồm: Bể, lu chứa nước, hệ thống cấp nước tự chảy, các trạm bơm cấp nước, hồ treo... về mô hình quản lý được áp dụng các mô hình chính như sau:

- Hộ gia đình quản lý, cộng đồng quản lý, tư nhân quản lý (đối với công trình cấp nước hộ gia đình và cộng đồng) có quy mô, công suất nhỏ hơn 50m3/ngày đêm, cấp nước khoảng 50 người.

- Cấp nước tập trung có quy mô công suất lớn hơn 50m3/ngày đêm thì áp dụng mô hình tổ quản lý vận hành và hợp tác xã quản lý với công trình.

2. Nội dung quản lý

2.1. Đối với hộ gia đình và cộng đồng quản lý

- Trực tiếp quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Thực hiện các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ mở rộng công trình nếu có điều kiện;

- Thường xuyên theo dõi kiểm tra hoạt động của hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho người sử dụng;

- Thu tiền nước;

- Cán bộ, công nhân tổ quản lý cần được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn vận hành duy tu bảo dưỡng công trình.

2.2. Đối với HTX quản lý

- Sản xuất kinh doanh về dịch vụ cấp nước;

- Thực hiện đúng chế độ tài chính, quy định của nước, bảo toàn và phát triển vốn, quản lý sử dụng đất đai nhà nước giao theo quy định của Luật Đất đai;

- Thực hiện cam kết, đảm bảo quyền lợi cho xã viên nhiệm vụ cụ thể là: Chủ nhiệm chịu trách nhiệm về các hoạt động của HTX trực tiếp phụ trách về kế toán, tài chính; Phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật, quản lý vận hành các trạm cấp nước; các tổ nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn;

- Trạm cấp nước: Trực tiếp quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, bảo dưỡng thường xuyên; thường xuyên theo dõi kiểm tra hoạt động của hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho người sử dụng; lắp đặt đồng hồ và quản lý số lượng nước sử dụng của các hộ dùng nước và thu tiền nước của người sử dụng nộp kế toán;

- Ban kiểm soát: Do Đại hội xã viên bầu, thực hiện công việc kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX. Quyền và nhiệm vụ ghi tại điều 29, 30 Luật HTX;

- Quản lý và sử dụng kinh phí thu từ CNSH nông thôn theo đúng quy định.

3. Nhiệm vụ, chức năng của tổ chức QLKT công trình CNSH nông thôn

3.1. Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình CNSH nông thôn. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước với những nội dung sau:

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chính sách về quản lý khai thác công trình CNSH nông thôn. Đồng thời chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chính sách về quản lý khai thác công trình CNSH nông thôn có hiệu quả;

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm tiêu chuẩn về QLKT công trình CNSH nông thôn;

- Tham mưu cho UBND tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch hệ thống công trình CNSH; các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình, kế hoạch tài chính cho các HTX dùng nước, tổ hợp tác, giám sát chất lượng thi công, nghiệm thu bàn giao công trình;

- Tham mưu cho UBND tỉnh cấp và thu hồi đối với các hoạt động pháp lý cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình;

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào quản lý khai thác công trình CNSH nông thôn. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác QLKT công trình CNSH nông thôn;

- Chỉ đạo và giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác công trình CNSH trên địa bàn toàn tỉnh.

3.2. Cấp huyện, thị xã:

- Căn cứ nội dung QLKT công trình CNSH nông thôn chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các xã căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của từng huyện để áp dụng thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo các công trình đã được xây dựng, nghiệm thu bàn giao phải có người trực tiếp quản lý;

- Tổng hợp dự toán, quyết toán kinh phí thu từ CNSH nông thôn cho các đơn vị QLKT công trình CNSH nông thôn có thu phí nước sinh hoạt theo quy định.

3.3. Các xã, phường, thị trấn:

- Trực tiếp quản lý các công trình hiện có trên địa bàn, quyết định thành lập các tổ chức dùng nước. Giao nhiệm vụ cho ban quản lý công trình thuỷ lợi của xã ngoài quản lý các công trình thuỷ lợi, quản lý cả hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Tổng hợp dự toán, quyết toán kinh phí thu từ CNSH nông thôn cho các đơn vị QLKT công trình CNSH nông thôn có thu phí nước sinh hoạt theo quy định, trực tiếp tham gia nghiệm thu, hợp đồng CNSH giữa các tổ chức quản lý và các hộ dùng nước;

- Thực hiện các nhiệm vụ trong nội dung quản lý và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

3.4. Hợp tác xã dùng nước, tổ quản lý:

- Trực tiếp quản lý và vận hành công trình cấp nước;

- Thực hiện các hoạt động bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa định kỳ, mở rộng công trình nếu có điều kiện;

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho người sử dụng;

- Sản xuất kinh doanh và dịch vụ nước, thu tiền sử dụng nước;

- Xây dựng giá nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đảm bảo cho hoạt động kinh doanh và lợi ích của người sử dụng.

4. Nguồn tài chính của đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Kinh phí cho khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được sử dụng cho các tổ chức quản lý khai thác gồm:

- Kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Thông tư số 80/2007/TTLT - BTC - BNN, số 42/2008/TTLT - BTC - BNN hướng dẫn về chế độ quản lý sử dụng kinh phí cho chương trình;

- Kinh phí thu từ dịch vụ cấp nước: Căn cứ các quy định của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các sở ngành liên quan xây dựng giá nước từ dịch vụ cấp nước ở khu vực nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt.

5. Công tác hướng dẫn, kiểm tra giám sát

- Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm kiểm tra việc nghiệm thu cấp nước sinh hoạt của các đơn vị QLKT công trình CNSH xã, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đồng thời phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của công tác quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các địa phương;

- Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm kiểm tra tổng hợp toàn bộ chứng từ, sổ sách, quyết toán kinh phí thu từ CNSH nông thôn cho các đơn vị QLKT công trình CNSH nông thôn có thu phí nước sinh hoạt báo cáo quyết toán với Sở Tài chính.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. ĐỐI VỚI QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

1. Ủy ban nhân dân tỉnh

- Quyết định diện tích miễn thuỷ lợi phí đối với diện tích tưới nước và cấp nước của các đơn vị quản lý thuỷ nông trên địa bàn tỉnh;

- Căn cứ vào dự toán ngân sách địa phương được hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt, thông báo mức hỗ trợ kinh phí cấp bù, miễn thuỷ lợi phí của Bộ Tài chính, UBND giao dự toán cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kinh phí miễn thuỷ lợi phí cho ngân sách cấp huyện.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp các sở ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã tiến hành rà soát phân loại và quy định cụ thể các loại công trình, xây dựng các quy trình vận hành, quy phạm, định mức lao động phù hợp với các mô hình quản lý.

- Tổng hợp tình hình thực hiện diện tích tưới tiêu, mức bù thuỷ lợi phí trong năm. Kiểm tra thực tế tình hình thực hiện của các đơn vị;

- Chủ trì cùng Sở Tài chính tập huấn chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý tài chính cho các tổ chức quản lý khai thác ở cơ sở. Kinh phí tập huấn sử dụng trong kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí do UBND tỉnh phê duyệt;

- Tổng hợp kế hoạch miễn thuỷ lợi phí toàn tỉnh thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ dự toán cho các đơn vị;

- Phối hợp với UBND huyện, thị xã đánh giá hiệu quả công trình thuỷ lợi.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát kế hoạch, phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng, trình UBND tỉnh;

- Tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị quản lý khai thác, kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị QLKT công trình thuỷ lợi tiến hành cấp phát theo tiến độ;

- Kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị QLKT công trình thuỷ lợi.

4. Sở Kế hoạch Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm về miễn giảm thuỷ lợi phí, kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phân bổ ngân sách cho các sở, UBND các huyện thị xã phần ngân sách cho hoạt động quản lý khai thác và bảo vệ công trình.

5. UBND huyện, thị xã

Chỉ đạo các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi; căn cứ nội dung Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ, Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính tiến hành lập hồ sơ đề nghị miễn thuỷ lợi phí và cấp bù thuỷ lợi phí trước ngày 01/6 hàng năm gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

6. UBND cấp xã, HTX dùng nước và tổ quản lý thuỷ nông

- Căn cứ vào kế hoạch giao thực hiện công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn đơn vị quản lý;

- Hàng năm, trước ngày 30/6 các đơn vị quản lý thuỷ nông phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn xác định diện tích miễn thuỷ lợi phí có xác nhận của UBND huyện gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp;

- Cuối vụ sản xuất các hộ dùng nước kê xác nhận mức độ tưới cho các đơn vị quản lý thuỷ nông làm cơ sở cho việc quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí.

II. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH CNSH NÔNG THÔN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định giá nước thu từ dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã rà soát phân loại và quy định cụ thể các loại công trình, xây dựng các quy trình vận hành, quy phạm, định mức lao động phù hợp với các mô hình quản lý;

- Phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra thực tế tình hình thực hiện của các đơn vị quản lý khai thác;

- Giao Trung tâm nước sạch và VSMT tập huấn chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý Tài chính cho các tổ chức quản lý khai thác ở cơ sở để có đủ năng lực tổ chức QLKT công trình CNSH đúng quy trình, quy phạm, kỹ thuật và chế độ Tài chính hiện hành nhằm phát huy hiệu quả lâu dài của công trình;

- Phối hợp với UBND huyện, thị xã đánh giá hiệu quả công trình CNSH.

3. Sở Tài chính

- Tổng hợp tình hình thực hiện và quản lý tài chính của các đơn vị quản lý khai thác, kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị QLKT công trình CNSH.

4. Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện chủ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước trên địa bàn, kiểm tra chất lượng nguồn nước;

Tổ chức hướng dẫn UBND các huyện thành lập các tổ chức quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, chịu trách nhiệm trước Sở Nông nghiệp và PTNT về nhiệm vụ quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

5. UBND các huyện, thị xã

 Chỉ đạo các tổ chức quản lý khai thác công trình CNSH căn cứ vào nội dung Thông tư số 80/2007 và số 42/2008/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn về chế độ quản lý sử dụng kinh phí cho chương trình.

6. UBND xã, các tổ chức QLKT công trình CNSH nông thôn

Căn cứ đề án đã được phê duyệt, UBND các xã, các tổ chức quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tổ chức triển khai theo đúng nội dung Đề án đã được phê duyệt.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1703/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành

  • Số hiệu: 1703/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Trịnh Duy Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản