Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2017/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 27 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH NINH THUẬN GẮN VỚI ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Thực hiện Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X kỳ họp thứ 3 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 20/TTr-SNNPTNT ngày 03 tháng 02 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 3 năm 2017.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH NINH THUẬN GẮN VỚI ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN ĂN 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết

Ngành nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngành nông nghiệp đóng góp 34,9% tổng GDP, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 63,8% dân cư và 44,8% lực lượng lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định chính trị, xã hội.

Mặc dù là tỉnh có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong hơn 20 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1992, tỉnh Ninh Thuận đã rất nỗ lực để phát triển nông nghiệp và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, và phát triển nông thôn, Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh luôn duy trì cao hơn so với mức bình quân của cả nước trong một thời gian dài; cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tập trung theo quy hoạch với những ngành hàng có lợi thế như: thủy sản và con giống thủy sản, sản xuất giống cây lương thực, cây ăn quả. Xuất hiện nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong một số ngành hàng như giống thủy sản và giống cây trồng. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được củng cố; khoa học, công nghệ và cơ giới được áp dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng cải thiện.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hình thức tổ chức sản xuất thiếu tập trung, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định; vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, chưa hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất; chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chậm; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng lên; năng lực thích ứng với hạn hán, lũ lụt và hoang mạc hóa còn hạn chế trong khi tác động của biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng, gay gắt trong những năm gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế trên ảnh hưởng tới hiệu quả, khả năng cạnh tranh và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng suy giảm và không ổn định; giai đoạn 2005 - 2009, tăng trưởng nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 11,6%; giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giảm xuống còn 3,0%. Tính cạnh tranh của một số ngành hàng NLTS bị suy giảm như lúa, ngô, cây công nghiệp, lâm nghiệp và khai thác thủy sản; thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, hoang mạc hóa diễn ra trên diện rộng dưới tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất NLTS.

Để giải quyết thách thức trên, nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng trở nên vô cùng cấp thiết đối với Ninh Thuận. Trong đó, cần thiết phải điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, con nuôi, thời vụ, tái cơ cấu lại đầu tư, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng,... để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực cạnh tranh, đồng thời ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc chuyển đổi đất lúa một vụ, hiệu quả thấp sang cây trồng khác hiệu quả hơn, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để hạn chế thiệt hại do hạn hán, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là yêu cầu bức thiết của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới và tiếp tục thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các Chương trình, quy hoạch, kế hoạch tái cơ cấu của tỉnh; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; HĐND tỉnh khóa X ban hành Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Nhằm tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách toàn diện theo hướng hiện đại, đưa Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh vào thực tiễn cuộc sống; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”.

II. Căn cứ xây dựng đề án

- Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

- Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

- Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X kỳ họp thứ 3 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

III. Phạm vi của đề án

Đề án tập trung vào phân tích và đề xuất các định hướng chính cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm cơ sở triển khai các chương trình hành động lớn của tỉnh. Đề án không nghiên cứu chi tiết các cân đối hoặc phân bổ nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như các báo cáo quy hoạch hay kế hoạch phát triển mà tỉnh Ninh Thuận đã ban hành và triển khai thực hiện. Như vậy, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Ninh Thuận là đề án khung, đề án mở và sẽ liên tục được cập nhật sau từng giai đoạn. Để triển khai đề án này cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các đề án và kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện trong từng giai đoạn.

Phần thứ 2

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI NINH THUẬN

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông.

Ninh Thuận có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nằm trên trục giao thông kết nối với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước. Tỉnh có quốc lộ 1A (thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang), quốc lộ 27 (đi Đà Lạt) và đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh) chạy qua. Ngoài ra, Ninh Thuận còn nằm cách sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 60 km.

2. Địa hình

Địa hình của tỉnh Ninh Thuận có 3 dạng chính là núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển.

Đồi núi chiếm hơn 63,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, chủ yếu là núi thấp, dốc từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Địa hình này phù hợp để phát triển thủy điện quy mô nhỏ kết hợp với thủy lợi; phát triển du lịch lịch sử, leo núi, cắm trại.

Đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4%, có địa hình lượn sóng xen lẫn các đồi thấp. Đây là vùng có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nông, lâm kết hợp.

Đồng bằng ven biển chiếm 22,4%, có địa hình bằng phẳng, ven biển có các đồi cát, cồn cát. Điều kiện địa hình ven biển phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.

3. Khí hậu

Ninh Thuận có khí hậu khô hạn nhất cả nước, điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh từ 670 - 1.827 mm. Nhiệt độ trung bình năm 27oC, khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 - 11; mùa khô từ tháng 12 - 8 năm sau. Lượng mưa trung bình năm 700 - 800 mm ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và tăng dần theo độ cao trên 1.100 mm ở vùng miền núi. Độ ẩm không khí từ 75 - 77%, năng lực bức xạ lớn 160 Kcl/m2, tổng nhiệt lượng 9.500 - 10.000oC, nhiệt độ nước biển trung bình 28 - 29oC; độ mặn trung bình 32,5 - 33 ppt.

Tuy vậy, khí hậu khô hạn cũng tạo điều kiện thích hợp cho sự phát triển của một số ngành hàng NLTS đặc thù như nho, táo, tỏi, bò, dê, cừu, giống cây lương thực (lúa, ngô) và muối.

4. Tài nguyên thiên nhiên

4.1. Đất đai

Hiện trạng đến 31/12/2014, tổng quỹ đất của tỉnh có hơn 335,5 nghìn ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 83,24%; đất phi nông nghiệp chiếm 9,08%; đất chưa sử dụng chiếm 7,68%, chủ yếu là đất núi đá không có rừng cây, đất đồi núi và đất bằng chưa sử dụng.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là nhóm đất đỏ vàng, khá giàu dinh dưỡng nhưng phân bố chủ yếu trên địa hình núi cao, độ dốc lớn, tầng đất mỏng, địa hình rất phức tạp (chiếm 48,5% diện tích tự nhiên). Nhóm đất đỏ và đất xám nâu bán khô hạn chiếm 28,5% diện tích đất tự nhiên (chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng diện tích đất tự nhiên) là nhóm đất nghèo dinh dưỡng, nằm trên vùng cao, địa hình phức tạp, khả năng cung cấp nước tưới rất hạn chế. Diện tích đất phù sa, đất dốc tụ có chất lượng khá tốt, thích hợp với nhiều cây trồng chỉ có 25,3 ngàn ha, chiếm 7,6% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh.

4.2. Nước

Nguồn nước phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm tỉnh. Tài nguyên nước mặt và nước ngầm của tỉnh rất hạn chế, lượng mưa ít nhưng lượng bốc hơi lớn. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước.

a) Nguồn nước mặt

Tổng các lưu vực sông của tỉnh Ninh thuận khá lớn, theo thống kê tổng lưu vực các sông chính là 3.600km2, với tổng chiều dài 430km. Trong đó, có trên 70% sông suối trong tỉnh thuộc loại suối nhỏ (diện tích lưu vực nhỏ dưới 100km2) và gần 76% sông suối có chiều dài dưới 25km.

Hai hệ thống sông chính của tỉnh gồm:

- Hệ thống sông Cái và các sông nhánh bao gồm: sông Ma Lâm, sông Sắt, sông Ông, sông Chu ở vùng trung lưu (huyện Ninh Sơn), sông Lu, sông Quao ở vùng hạ lưu (huyện Ninh Phước);

- Hệ thống các sông suối nhỏ: phân bố ở phía Bắc và phía Nam tỉnh như sông Quán Thẻ (huyện Ninh Phước), sông Trâu, suối Bà Râu (huyện Ninh Hải).

Nhìn chung hệ thống sông suối ngắn và dốc, độ dốc bình quân lưu vực từ 7 - 15%, mật độ sông từ 0,16 - 0,6km/km2. Nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, còn vùng phía Nam, phía Bắc và vùng ven biển thiếu nước nghiêm trọng. Ngoài hệ thống sông ngòi tỉnh cũng có các hệ thống hồ, đầm chứa nước khác như Đầm Nại, nguồn nước trong đầm gồm nước biển và nước ngọt từ các kênh mương dẫn vào đầm;

- Nguồn nước mặn từ vịnh Phan Rang là nơi trực tiếp trao đổi nước mặn với Đầm Nại thông qua một con lạch dài khoảng 2km. Lượng nước trao đổi giữa đầm với vịnh Phan Rang phụ thuộc lớn vào chế độ thủy triều;

- Nguồn nước ngọt: Đầm Nại nhận nước ngọt từ các kênh mương: Đông Nha, Mương Mê, Ngòi Quạ, Đồng Lớn, Gò Thao, Mương Tháo, T5, Lê Đình Chinh,...

b) Nguồn nước ngầm

Xét về điều kiện địa chất, thủy văn, tiềm năng nước ngầm của tỉnh Ninh Thuận rất thấp so với các nơi khác (chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân cả nước), bị nhiễm mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt vùng ven biển.

Trữ lượng khai thác nước tối đa ở lưu vực sông Cái là 29.756m3/ngày tương đương 10,86 triệu m3/năm. Do hạn chế về sử dụng nước mưa và nước mặt đặc biệt trong mùa khô kéo dài nhu cầu nước cho tỉnh Ninh Thuận là vấn đề ưu tiên cần xử lý.

4.3. Biển

Bờ biển dài 105km với vùng đặc quyền kinh tế 24.480km2, lãnh hải nội thủy rộng khoảng 1.800km2, nằm trong vùng nước trồi, có các cửa ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ, Vĩnh Hy. Tại vùng nước trồi, các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo thức ăn phong phú cho động vật biển. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giống thủy sản.

Vùng biển và ven bờ biển có điều kiện rất thuận lợi để phát triển khai thác và đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản (nuôi mặn, lợ, giống thủy sản), sản xuất muối. Ngư trường Ninh Thuận có thể khai thác quanh năm, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.

Toàn tỉnh có khoảng 3.000 - 4.000 ha diện tích mặt nước lợ, mặn gồm các đầm, vịnh; thích hợp cho nuôi trồng thủy sản tập trung như Đầm Nại, An Hải, Sơn Hải, Phú Thọ; phát triển loại hình nuôi lồng, bè ở các đầm vịnh ven biển như đầm Vĩnh Hy có độ sâu ổn định từ 1 - 5m, có thể nuôi các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Tôm hùm, cá mú, rong sụn, nhuyễn thể. Thêm nữa, nhờ nhiệt độ ổn định từ 28 - 30oC, độ mặn cao và ổn định từ 32 - 35oC, môi trường biển sạch nên đáp ứng điều kiện sản xuất giống tập trung quy mô lớn.

Diện tích đất có khả năng mở rộng để sản xuất muối từ 4.000 - 5.000 ha, sản lượng 400 - 500 nghìn tấn, tập trung ở vùng Đầm Vua - Nhơn Hải, Trí Hải, Khánh Hải, Cà Ná, Quán Thẻ.

II. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội

1. Tình hình phát triển kinh tế

1.1. Tốc độ tăng trưởng

Ninh Thuận đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với cả nước trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn này, tăng trưởng GDP của Ninh Thuận (theo giá so sánh 2010) đạt 8,7%; cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng 5,8% của cả nước trong cùng giai đoạn. Trong đó, khu vực NLTS tăng trưởng 3,0%; cao hơn 1,1 lần so với tốc độ tăng trưởng 2,8% của cả nước.

Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt tăng trưởng lần lượt 11,9% và 10,8%, cao hơn so tốc độ tăng trưởng lần lượt 7,1% và 6,5% của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm và không ổn định, giai đoạn 2005 - 2009, tăng trưởng kinh tế và NLTS đạt lần lượt 13,3% và 11,6%; giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giảm còn lần lượt 8,7% và 3,0%.

1.2. Cơ cấu kinh tế

Tổng GDP của Ninh Thuận (theo giá hiện hành) năm 2015 đạt 17.227,7 tỷ đồng, trong đó: Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (37,9% GDP); đứng thứ hai là khu vực NLTS chiếm 34,9% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 20,1% GDP; còn lại là thuế nhập khẩu khoảng 7% GDP. Trong cơ cấu GDP của cả nước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 17% GDP; đứng đầu là khu vực dịch vụ, chiếm 39,7% GDP; thứ đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,2% GDP.

Quy mô nền kinh tế của Ninh Thuận so với các tỉnh trong khu vực còn thấp. Nếu tính về số tuyệt đối, GDP của Ninh Thuận chỉ bằng 36,1% bình quân toàn vùng, GDP bình quân đầu người năm 2014 là 26,8 triệu đồng/người, chỉ bằng khoảng 60% mức bình quân của Việt Nam. Cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn lệ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, tỷ trọng của khu vực NLTS (34,9%) trong cơ cấu kinh tế của Ninh Thuận cao gấp hơn 2 lần so với mức bình quân cả nước (17%).

Chuyển dịch cơ cấu GDP trong giai đoạn 2011-2015 diễn ra theo hướng tích cực nhưng khu vực NLTS vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, NLTS giảm 6,1% từ 41% năm 2011 còn 34,9% năm 2015. Công nghiệp và xây dựng tăng 0,8% từ 18,7% lên 20,1%; dịch vụ tăng 3,3% từ 34,6% lên 37,9%.

Các nguồn lợi thế kinh tế của tỉnh chủ yếu tồn tại dưới dạng các nguồn tài nguyên tự nhiên, có tiềm năng trong phát triển các dự án trọng điểm về công nghiệp năng lượng, NLTS và diêm nghiệp.

2. Nguồn nhân lực

2.1. Dân số

Ninh Thuận có quy mô dân số tương đối nhỏ so với các tỉnh thuộc Duyên Hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Dân số trung bình tỉnh Ninh Thuận năm 2015 đạt 595.850 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm nhẹ từ 1,21% năm 2011 còn 1,17% năm 2015; tỷ lệ dân số đô thị trong tổng dân số chung tăng nhẹ từ 36,10% năm 2011 lên 36,21% năm 2015. Điều này phản ánh tốc độ đô thị hóa của Ninh Thuận diễn ra tương đối chậm.

Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh năm 2015 là 177,6 người/km2, dân số phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn, đồng bằng ven biển, gần các trục đường giao thông. Vùng miền núi đất rộng, người thưa, mật độ dân số khoảng 25 người/km2.

2.2. Lao động

Dân số trong độ tuổi lao động năm 2015 có 343.084 người, chiếm 57,6% tổng dân số; lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã tăng từ 302.967 người năm 2011 lên 330.122 người năm 2015.

Cơ cấu sử dụng lao động theo hướng tăng dần lao động tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, trong tỷ trọng lao động hoạt động trong các ngành kinh tế quốc dân thì tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần từ 46,6% năm 2011 còn 44,8% năm 2015; chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp tăng dần từ 53,4% năm 2011 lên 55,2% năm 2015.

Lao động qua đào tạo bình quân 2011 - 2015 đạt 43,9%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 25,9%; lực lượng lao động chưa qua đào tạo chủ yếu lao động khu vực nông, lâm và thủy sản.

3. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

3.1. Giao thông

Mật độ đường của tỉnh Ninh Thuận còn thấp so với trung bình cả nước, bình quân là 0,24km/km2 và 1,61km/1.000 dân. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của tỉnh đang được hoàn thiện nhanh chóng trong thời gian gần đây; toàn tỉnh hiện có 1.200 km đường giao thông các loại, tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua địa bàn Ninh Thuận và tuyến đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná đã hoàn thành làm tăng tính kết nối giao thông và mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như mở ra hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế.

Mạng lưới đường đô thị đang được nâng cấp, mở rộng, nhất là ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; 100% số xã trong toàn tỉnh có đường ô tô có thể đến trung tâm xã và có thể lưu thông quanh năm.

Hệ thống cảng bao gồm cảng cá Đông Hải với cầu tàu dài 265m, Cà Ná dài 200 m, Ninh Chữ dài 120m và Bến cá Mỹ Tân. Đây là những nơi trú đậu cho tàu thuyền đánh cá trong và ngoài tỉnh vào trú bão an toàn, có khả năng neo đậu trên 3.000 tàu cá, có quy mô công suất trên 600 CV.

3.2. Thủy lợi

Hệ thống thủy lợi của tỉnh Ninh Thuận bao gồm có các công trình hồ chứa, công trình tưới bằng đập dâng và công trình tưới bằng trạm bơm:

- Các công trình hồ chứa: trên địa bàn tỉnh có hơn 21 hồ chứa đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng dung tích hồ là 215,81 triệu m3, góp phần nâng tổng số diện tích được chủ động tưới toàn tỉnh đạt 34.791 ha, đạt tỷ lệ 49,7%;

- Các công trình tưới có sử dụng lượng nước xả của nhà máy thủy điện Đa Nhim: đây là một tập hợp hệ thống các công trình thủy lợi bao gồm có hồ Đơn Dương và nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đập 19-5, hệ thống Đập Krông Pha và hệ thống đập Nha Trinh - Lâm Cấm. Tổng lượng nước xả của nhà máy thủy điện Đa Nhim xuống sông Ông với tần suất xả 75% là 471 triệu m3. Đây là một lượng nước rất quý sử dụng để tưới và dùng cho các nhu cầu khác của tỉnh Ninh Thuận, nhất là vùng đồng bằng ven biển. Hệ thống thủy lợi đập dâng 19-5 có năng lực tưới thiết kế là 350 ha, phục vụ tưới cho 300 ha thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Hệ thống thủy lợi Krông Pha có năng lực tưới thiết kế cho 3.200 ha, diện tích tưới thực tế của hệ thống này năm 2013 là 2.528 ha, trong đó tưới lúa là 1.576 ha, tưới màu các loại là 952 ha. Hệ thống đập Nha Trinh Lâm Cấm có năng lực tưới thiết kế là 12.800 ha. Năm 2013 tổng diện tích tưới của hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm là 11.570 ha đạt 90% diện tích thiết kế; trong đó tưới lúa là 8.070 ha, tưới màu là 3.187 ha và cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản là 313 ha;

- Các công trình tưới bằng đập dâng: ngoài các hệ thống thủy lợi đập 19/5, đập Krông Pha và đập Nha Trinh - Lâm Cấm sử dụng nguồn nước xả qua nhà máy thủy điện Đa Nhim, trên địa bàn tỉnh Ninh thuận còn có 57 đập dâng xây dựng trên các nhánh sông suối nhỏ cấp nước tưới cho 1.334 ha.

Ngoài ra, trên hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm còn có các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân như nhà máy nước Phan Rang - Tháp Chàm cấp cho thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và thị trấn Khánh Hải thuộc huyện Ninh Hải công suất 52.000 m3/ngày; nhà máy nước Phước Nam công suất 10.000 m3/ngày cấp cho các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh, Phước Diêm và Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam. Tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình đập dâng này (không bao gồm các hệ thống 19/5, Krông Pha, và Nha Trinh - Lâm Cấm) là 7,705 ha, trong đó diện tích tưới thực tế là 6.338 ha;

- Các công trình tưới bằng trạm bơm: trong hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm có một số khu cao cục bộ không thể tưới tự chảy được mà phải dùng bơm. Đến nay số trạm bơm lấy nước từ kênh là 9 trạm với diện tích tưới thiết kế là 1.257 ha, diện tích thực tưới năm cao nhất đạt 1.207 ha.

3.3. Khu, cụm công nghiệp

Ninh Thuận có 4 khu công nghiệp (KCN) và 7 cụm công nghiệp (CCN). Tổng diện tích các khu và cụm công nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 là 1.908,9 ha. Các khu công nghiệp bao gồm: Phước Nam (370 ha), Du Long (407 ha), Cà Ná (827,2 ha) và Thành Hải (77,9 ha). Các cụm công nghiệp bao gồm: Hiếu Thiện (50 ha), Tháp Chàm (23,5 ha), Quảng Sơn (50,2 ha), Tri Hải (25 ha), chế biến thủy sản (17 ha), Phước Tiến (40 ha), Titan (21 ha).

Các dự án chế biến thực phẩm, nông lâm sản; chế biến các sản phẩm sau muối, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, hàng tiêu dùng được khuyến khích phát triển ở KCN Thành Hải, KCN Du Long, KCN Cà Ná, KCN Phước Nam, CCN Phước Tiến, CCN Quảng Sơn, CCN Tri Hải.Chế biến thủy sản sẽ khuyến khích phát triển ở CCN chế biến thủy sản tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.

3.4. Làng nghề

Ninh Thuận có 3 làng nghề đã được công nhận ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, gồm làng gốm Bàu Trúc ở làng Bàu Trúc, các làng Dệt thổ cẩm Chăm ở làng Mỹ Nghiệp và làng Chung Mỹ.

Ninh Thuận đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng, phát triển để hình thành các làng nghề dệt chiếu cói An Thạnh; chế biến nước mắm Lạc Sơn 2 - Cà Ná; chế biến hải sản Mỹ Tân - Thanh Hải; thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy - Vĩnh Hải; sản xuất chổi Lâm Hoà - Lâm Sơn; đan lát sản phẩm mỹ nghệ thôn Ma Nai - Phước Thành và thôn Tập Lá - Phước Chiến.

3.5. Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Ninh Thuận có 101 chợ, trong đó: 01 chợ hạng 1, 08 chợ hạng 2 và 92 chợ hạng 3. Chợ Phan Rang nằm ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là chợ hạng 1 duy nhất trong tỉnh; công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ còn nhiều khó khăn và chưa thực hiện được do hiệu quả kinh doanh, khai thác chợ chưa cao, chưa thu hút các thành phần kinh tế tham gia cộng thêm với nhiều tiểu thương ở một số chợ dự kiến chuyển đổi mô hình quản lý chưa hoàn toàn đồng thuận.

Ngoài các chợ truyền thống, Ninh Thuận có 01 siêu thị của Coop-Mart, 01 siêu thị sách Thành Nghĩa và 01 trung tâm thương mại Maximark Phan Rang.

Phần thứ ba

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH NINH THUẬN

I. Tổng quan chung

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp và thủy sản là hai ngành có đóng góp chủ yếu cho giá trị sản xuất. Năm 2015, giá trị sản xuất khu vực NLTS (theo giá hiện hành) đạt 12.431,2 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đứng đầu, đạt 6.430,3 tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; thủy sản đạt 5.965,9 tỷ đồng, chiếm 48% và lâm nghiệp đạt 35 tỷ đồng, chiếm 0,3%.

Thủy sản đang giữ vai trò đầu tầu tăng trưởng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực NLTS (theo giá so sánh 2010) đạt 3,3% hàng năm; trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,8%, lâm nghiệp -10,2% và thủy sản đạt 5,1%.

Chuyển dịch cơ cấu trong giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp; tăng tỷ trọng ngành thủy sản. Đóng góp của nông nghiệp trong giá trị sản xuất của khu vực NLTS (theo giá hiện hành) đã giảm 1,5% từ 53,2% xuống 51,7%. Tương tự, lâm nghiệp giảm giảm 0,2% từ 0,5% còn 0,3%; ngược lại, thủy sản tăng 1,6% từ 46,4% lên 48%.

2. Nguồn lực cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh Ninh Thuận năm 2015 (theo giá hiện hành) là 7.004,5 tỷ đồng; trong đó đầu tư cho khu vực NLTS là 778,4 tỷ đồng, chiếm 11,11% tổng vốn đầu tư.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (bao gồm vốn đầu tư cho khu vực NLTS), chủ yếu là vốn từ địa phương (91,7%); trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 50,5% (gồm: Vốn ngân sách Nhà nước 24,1%, vốn huy động khác 19,6%, vốn vay 6,7% và vốn tự có doanh nghiệp Nhà nước 0,14%), vốn khu vực ngoài Nhà nước 48,1% (gồm: vốn doanh nghiệp 25,5% và vốn dân cư 22,6%), vốn khu vực đầu tư trực tiếp ngoài chiếm ít (1,4%).

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho khu vực NLTS của tỉnh bình quân giai đoạn 2011 - 15 thấp hơn 1,6 lần so với cả nước. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tạo ra trên 1 đồng vốn đầu tư vào khu vực NLTS của tỉnh là 10,47 đồng trong khi mức trung bình của cả nước là 16,46 đồng.

2.2. Đất nông nghiệp

Theo số liệu tổng kiểm kê diện tích đất đai đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận là 279.303,63 ha, chiếm 83,2% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 30%, đất lâm nghiệp chiếm 67,7%, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 0,7%, đất làm muối chiếm 1,4% và đất nông nghiệp khác chiếm 0,2%.

Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh bình quân giai đoạn 2011-15 cũng tương đương so với cả nước; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tạo ra trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh là 29,59 triệu đồng, trong khi mức trung bình của cả nước là 28,94 triệu đồng.

2.3. Lao động NLTS

Số lượng lao động tham gia vào sản xuất NLTS đã tăng dần từ 134.780 người năm 2011 đến 155.893 người năm 2015.

Năng suất lao động NLTS của tỉnh bình quân giai đoạn 2011 - 2015 cao hơn 1,7 lần so với cả nước. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tạo ra bởi 1 lao động NLTS của tỉnh là 55,67 triệu đồng so với mức 31,85 triệu đồng trung bình của cả nước.

3. Các thành phần kinh tế nông thôn và liên kết

3.1. Kinh tế hộ

Kinh tế hộ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất NLTS. Theo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Ninh Thuận có 87.972 hộ nông thôn, trong đó: 58.501 hộ NLTS (66,5%), 8.709 hộ công nghiệp và xây dựng (9,9%), 16.891 hộ dịch vụ (19,2%) và 3.871 hộ khác (4,4%). Các hộ nông thôn sử dụng đến 97% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 94% diện tích đất nuôi trồng thủy sản, 43% diện tích đất làm muối.

Đa số hộ NLTS có quy mô sản xuất nhỏ, trong tổng số hộ, 88,4% số lao động từ 1 - 3 người; 91,5% sử dụng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhỏ hơn 2 ha.

3.2. Kinh tế trang trại

Mặc dù còn một số hạn chế, kinh tế trang trại đang từng bước phát triển. Số lượng trang trại đã tăng từ 45 năm 2011 lên 67 năm 2015. Trong số 67 trang trại hiện nay, có 39 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 10 trang trại trồng cây hàng năm và 2 trang trại trồng cây lâu năm.

Theo địa bàn, số lượng các trang trại phân bố ở huyện Ninh Sơn (29), Thuận Nam (16), Bác Ái (12), Ninh Phước (5), Thuận Bắc (3), và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (2).

3.3. Kinh tế hợp tác

Kinh tế hợp tác đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2015, Ninh Thuận có 52 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và 1 hợp tác xã ngư nghiệp; tổng số thành viên của các hợp tác xã là 16.769 người. Bên cạnh hợp tác xã, tỉnh cũng có 1.040 tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích, trong đó: nông nghiệp có 193 tổ hợp tác, diêm nghiệp có 2 tổ hợp tác và 220 nhóm cùng sở thích, thủy sản có 549 tổ hợp tác, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có 76 tổ hợp tác; tổng số thành viên của các tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích lên đến hơn 11.000 hộ gia đình.

Tuy kinh tế hợp tác có phát triển nhưng hình thức và chất lượng chưa cao, hoạt động của hợp tác xã phần lớn tập trung vào việc cung cấp đầu vào, việc tổ chức sản xuất và phát triển thị trường còn hạn chế.

3.4. Doanh nghiệp

Số lượng doanh nghiệp trong ngành NLTS tăng nhanh từ 70 năm 2011 đến 184 năm 2015. Trong số 184 doanh nghiệp hiện nay, có 161 doanh nghiệp khai thác, nuôi trồng thủy sản (87,5%), 9 doanh nghiệp nông nghiệp (10,3%) và 4 doanh nghiệp lâm nghiệp (2,2%).

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong những ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan đến NLTS có biến động nhưng không lớn trong cùng giai đoạn. Số lượng doanh nghiệp trong các ngành này hiện nay như sau: Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm (30), doanh nghiệp sản xuất đồ uống (6), doanh nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre, nứa (15), doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất (12), doanh nghiệp sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (1), doanh nghiệp dịch vụ ăn uống (23).

Đại đa số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô nhỏ và vừa. Về lao động, 68,5% có dưới 10 lao động, 30,4% có từ 10 đến dưới 200 lao động, chỉ 1,1% có 200 đến dưới 300 lao động. Về vốn, 89,7% có dưới 10 tỷ đồng, 8,2% có từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng, 1,1% có từ 50 đến dưới 200 tỷ đồng, chỉ 1% có trên 200 tỷ đồng.

3.5. Liên kết sản xuất - tiêu thụ

Đối với liên kết ngang, số lượng giữa các hộ gia đình, cá nhân cung cấp dịch vụ nông nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp liên kết với nhau để hình thành các hình thức kinh tế hợp tác như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích ngày càng tăng lên.

Đối với liên kết dọc, đã hình thành liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích và hộ nông dân trong các một số mặt hàng, ví dụ như mía đường, thuốc lá, sắn, nho, dê cừu, tôm thương phẩm, giống cây trồng, rau an toàn, táo. Hình thức liên kết thông qua hợp đồng nông sản, trong đó, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ vốn đầu tư, kỹ thuật; hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích, hộ nông dân cam kết sản xuất theo đúng yêu cầu số lượng và chất lượng của doanh nghiệp.

Tuy liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng việc liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ, tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho nông sản còn hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ; những vướng mắc trong thúc đẩy liên kết chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng liên kết. Ngoài ra, việc đảm bảo thực thi hợp đồng giữa các bên còn hạn chế (rất khó xử phạt khi các bên phá vỡ hợp đồng); trình độ sản xuất của hộ nông dân còn hạn chế nên sản phẩm còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hợp đồng; hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thực sự là đầu mối hiệu quả cho hoạt động liên kết với doanh nghiệp.

II. Nông nghiệp

Trồng trọt đóng góp chủ yếu vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đứng sau là chăn nuôi. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 6.430,3 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt đứng đầu, đạt 4.210,5 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; chăn nuôi đạt 1.942,7 tỷ đồng, chiếm 30,2%; dịch vụ và hoạt động khác đạt 277,1 tỷ đồng, chiếm 4,3%. Tiểu ngành trồng trọt dẫn dắt tăng trưởng ngành nông nghiệp; trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 1,8% hàng năm, trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt đạt 3,1%, chăn nuôi -0,9%, dịch vụ và hoạt động khác đạt 0,2%.

Chuyển dịch cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng của chăn nuôi, dịch vụ và hoạt động khác; tăng tỷ trọng của trồng trọt. Đóng góp của chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) đã giảm 0,7% từ 30,9% xuống 30,2%. Tương tự, dịch vụ và hoạt động khác giảm 0,5% từ 4,8% còn 4,3%. Ngược lại, trồng trọt tăng 1,3% từ 64,2% lên 65,5%.

1. Trồng trọt

Cây lương thực, cây ăn quả và cây rau đậu đóng góp đến 87% giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt. Năm 2015, giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt (theo giá hiện hành) đạt 4.210,5 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất cây lương thực có hạt đứng đầu, đạt 1.569,4 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt; thứ đến là cây ăn quả, đạt 1.333,8 tỷ đồng, chiếm 31,7%; cây rau đậu đạt 740,2 tỷ đồng, chiếm 17,6%; cây công nghiệp hàng năm đạt 173,3 tỷ đồng, chiếm 4,1%; cuối cùng là cây công nghiệp lâu năm đạt 36,8 tỷ đồng, chiếm 0,9%.

Cây ăn quả và cây rau đậu góp phần dẫn dắt tăng trưởng của tiểu ngành trồng trọt, bù đắp cho sự suy giảm của cây lương thực. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt 3,1% hàng năm; trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất cây lương thực có hạt -1,1%, cây ăn quả đạt 18,1%, cây rau, đậu 8%, cây công nghiệp hàng năm -2 % và cây công nghiệp lâu năm 0,2%.

Chuyển dịch cơ cấu trong giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng của cây lương thực, cây công nghiệp; tăng tỷ trọng của cây ăn quả, cây rau đậu. Đóng góp của cây lương thực trong giá trị sản xuất tiểu ngành trồng trọt (theo giá hiện hành) đã giảm 18,3% từ 55,6% còn 37,3%. Cây công nghiệp (hàng năm và lâu năm) giảm 1,6% từ 6,6% xuống 5%. Ngược lại, cây ăn quả tăng 18,6% từ 13,1% lên 31,9%; cây rau đậu tăng 4,6% từ 13% lên 17,6%.

Thách thức chính đối với phát triển ngành trồng trọt bao gồm: (i) Tình trạng khô hạn kéo dài dẫn tới suy giảm diện tích và năng suất của nhiều loại cây trồng. Năng suất nhiều loại cây trồng như cây lương thực và cây công nghiệp còn thấp so với mức bình quân của cả nước; (ii) Tình trạng đất đai manh mún, quy mô nhỏ hạn chế phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào liên kết sản xuất - tiêu thụ; (iii) Chưa chủ động được giống cây trồng có chất lượng đối với một số cây trồng chủ lực như nho và táo; (iv) Hệ thống thủy lợi còn nhiều hạn chế. Nhiều vùng sản xuất vẫn chưa được tưới tiêu chủ động; (v) Quỹ đất trồng trọt ngày càng thu hẹp do biến đổi khí hậu (tình trạng thiếu nước tưới và sa mạc hóa); sự phát triển của công nghiệp - dịch vụ và quá trình đô thị hóa.

1.1. Cây lương thực

Cây lương thực bao gồm lúa và ngô, sử dụng làm lương thực (lúa thương phẩm, ngô nếp thương phẩm), thức ăn chăn nuôi (ngô lai thương phẩm), làm giống (lúa giống, ngô giống). Ngoài ra, phụ phẩm từ trồng lúa, ngô như rơm rạ, thân ngô cũng được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi.

Diện tích lúa cả năm đạt 37.258 ha, năng suất đạt 6 tấn/ha, sản lượng đạt 224.608 tấn năm 2015. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích lúa giảm 1% hàng năm nhưng nhờ năng suất tăng 1,9% hàng năm nên sản lượng vẫn duy trì mức tăng 0,9% hàng năm. Cây lúa trồng tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải.

Diện tích ngô cả năm đạt 11.755 ha, năng suất đạt 4,1 tấn/ha, sản lượng đạt 48.680 tấn trong năm 2015. Trong giai đoạn 2011- 2015, diện tích ngô giảm 7,1% hàng năm nhưng nhờ năng suất tăng 3,7% hàng năm nên sản lượng chỉ giảm 3,7% hàng năm. Cây ngô được trồng tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Bắc.

Chuỗi giá trị lúa, ngô giống có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Chuỗi giá trị lúa giống có sự tham gia của: (i) Các doanh nghiệp giống cây trồng tự sản xuất giống; (ii) Doanh nghiệp giống cây trồng liên kết với hộ nông dân để cùng sản xuất. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất giống lớn gồm Công ty Cổ phần Giống Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống Đông Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Trong khi đó, chuỗi giá trị lúa, ngô thương phẩm có liên kết rất lỏng lẻo giữa các tác nhân, hệ thống sản xuất phần lớn chỉ có sự tham gia của nông dân quy mô nhỏ.

Tình hình hạn hán gay gắt diễn ra trong năm 2015 đã dẫn đến suy giảm diện tích gieo trồng lúa, ngô (13% - 16%), năng suất suy giảm (1% - 4%), sản lượng suy giảm (16% - 17%) so với năm 2014. Đây chính là nguyên nhân kéo giảm tăng trưởng của cây lúa, ngô trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

Ninh Thuận không có lợi thế so sánh đối với sản xuất lúa thương phẩm (so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng) và ngô thương phẩm (so với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long). Nguyên nhân là do: (i) Khí hậu khô hạn không thuận lợi cho sản xuất lúa, ngô thương phẩm; (ii) Hệ thống thủy lợi còn hạn chế. Nhiều vùng vẫn chưa được tưới tiêu chủ động, nhất là các khu vực miền núi, khu vực tưới bằng các công trình thủy lợi nhỏ và những vùng trũng thấp thường bị ngập lụt vào mùa mưa; (iii) Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún: 27,3% số hộ trồng lúa có quy mô nhỏ hơn 0,2 ha; 48,88% có quy mô từ 0,2 đến dưới 0,5 ha; 22,45% có quy mô từ 0,5 đến dưới 2 ha và chỉ 1,64% có quy mô lớn hơn 2 ha.

Tuy nhiên, Ninh Thuận có lợi thế so sánh cao trong sản xuất lúa, ngô giống (so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ). Khí hậu khô hạn rất thích hợp với sản xuất lúa, ngô giống nhờ hạn chế dịch bệnh; hiện đã có các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng mạnh và liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân trong sản xuất giống.

1.2. Cây có củ

Cây có củ bao gồm sắn (mì) và khoai lang, trong đó sắn chiếm gần 98% diện tích thu hoạch và sản lượng cây có củ.

Năm 2015, diện tích gieo trồng mới sắn đạt 2.801 tấn, diện tích thu hoạch đạt 3.232 tấn, năng suất đạt 22,8 tấn/ha và sản lượng sắn thu hoạch đạt 73.690 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích gieo trồng mới sắn giảm 2,2% hàng năm nhưng diện tích thu hoạch tăng 6,9% hàng năm cộng với năng suất tăng 1,4% hàng năm đã giúp sản lượng sắn tăng 8,4% hàng năm. Cây sắn được trồng tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái.

Thị trường tiêu thụ sắn chủ yếu là trong tỉnh, trong đó có 1 công ty thu mua sắn chế biến tinh bột mì (Fodocev) và một số cơ sở thu mua sắn để sắt lát, phơi khô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Ninh Thuận có ít lợi thế xét về điều kiện tự nhiên và sự phát triển của ngành chế biến trong phát triển ngành hàng sắn so với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Tình hình hạn hán gay gắt diễn ra trong năm 2015 đã dẫn đến suy giảm diện tích gieo trồng mới sắn 13%, diện tích thu hoạch giảm 1,9%, năng suất suy giảm 2,4%, sản lượng suy giảm 4,2% so với năm 2014.

1.3. Cây ăn quả

Các cây ăn quả chủ yếu của Ninh Thuận bao gồm nho, táo, xoài, vải, chôm chôm, cam, quýt, nhãn. Trong đó, nho, táo đã chiếm đến 80% diện tích gieo trồng và thu hoạch hiện có; 90% tổng sản lượng cây ăn quả. Nho và táo sử dụng chủ yếu để ăn tươi, ngoài ra cũng chế biến thành các sản phẩm như rượu nho, mật nho; nho, táo sấy. Thân, lá nho, táo khi cắt tỉa cành cũng được tận dụng làm thức ăn cho dê, cừu; thị trường tiêu thụ nho, táo chủ yếu là trong nước.

Năm 2015, diện tích gieo trồng nho, táo đạt lần lượt 1.226 ha và 950 ha; diện tích thu hoạch đạt lần lượt 997 ha và 901 ha; sản lượng đạt lần lượt 30.078 tấn và 39.943 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích gieo trồng nho tăng 16,7%, trong khi táo giảm 0,9%; diện tích thu hoạch nho, táo đều tăng lần lượt 14,6% và 6,7%; sản lượng nho, táo tăng lần lượt 20,7% và 20,2%.

Cây nho, táo được trồng tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Diện tích trồng nho, táo tập trung nhiều ở các huyện đồng bằng ven biển có điều kiện thủy lợi tốt, ít bị ngập úng cộng với diện tích cho thu hoạch tăng đã giảm bớt tác động của hạn hán đến sản lượng của hai loại cây này trong năm 2015 so với năm 2014.

 Hình thức canh tác nho, táo chỉ có một loại là trồng theo dàn lưới, sử dụng cả cho nho đỏ (Red Cardinal), nho xanh (NH-0148) và táo. Hộ trồng nho, táo có thể dễ dàng chuyển đổi hai loại cây trồng này cho nhau. Cây nho, táo được trồng chủ yếu bởi các hộ dân với quy mô dao động 0,1 - 3 ha; hiện nay, chưa có doanh nghiệp tham gia trồng nho, táo.

Sản xuất, chế biến nho có hai công ty chế biến rượu nho lớn là Công ty Vang nho Thăng Long và Công ty Thực phẩm Lâm Đồng. Ngoài ra, có các cơ sở sản xuất nhỏ dưới dạng hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia chế biến các sản phẩm từ nho. Số lượng doanh nghiệp tư nhân khoảng vài chục, các hộ sản xuất khoảng 200 hộ. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 70% nho Ninh Thuận vẫn là để ăn tươi, chưa có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến táo; chủ yếu các hộ gia đình có sấy táo nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng sản xuất.

Ninh Thuận có lợi thế so sánh cao đối với trồng nho, táo so với các tỉnh khác trong cả nước; nho và táo là những sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, cây nho phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của tỉnh và khu vực phía bắc tỉnh Bình Thuận; diện tích gieo trồng nho vùng Nam Trung Bộ, chiếm tới 99,8% tổng sản lượng nho cả nước thì trong đó sản lượng nho từ Ninh Thuận đã chiếm tới 97%. Tương tự, giống táo xanh đã được nhân giống và trồng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và sau đó phổ biến đến các tỉnh Nam Trung Bộ mà đặc biệt nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận nhờ phù hợp với đặc tính chịu hạn khá tốt, thích hợp tại những khu vực khô cằn, nắng nhiều.

Sức ép cạnh tranh đối với nho, táo Ninh Thuận chủ yếu đến từ nho, táo nhập khẩu. Tuy nhiên, nho vẫn đang cạnh tranh tốt với các sản phẩm nho nhập khẩu do giá nho Ninh Thuận chỉ bằng ½ so với nho nhập từ Mỹ, Úc. Nho Trung Quốc có mức giá tương đương nhưng gặp phải rào cản lớn về nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đối với vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm từ Trung Quốc. Táo Ninh Thuận cũng không cạnh tranh trực tiếp với các giống táo quả to nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Trung Quốc.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được các chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể “Nho Ninh Thuận” và “Táo Ninh Thuận”. Nho Việt Nam đã gắn chặt với Ninh Thuận trong nhận thức của người tiêu dùng.

1.4. Cây rau, đậu các loại, hoa cây cảnh

Trong nhóm cây rau, đậu các loại và hoa cây cảnh, diện tích trồng rau, đậu các loại chiếm hơn 99%, hoa cây cảnh chiếm chưa đầy 1%. Các loại rau, đậu được trồng phổ biến như rau lấy lá (rau muống, cải, v.v.), rau lấy quả (dưa hấu, dưa chuột, ớt, cà chua,...), rau lấy củ, rễ hoặc thân (cà rốt, hành tỏi,...), trong đó có hành tỏi là một trong những cây rau nổi bật của Ninh Thuận. Cây rau, đậu các loại được trồng tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Năm 2015, diện tích gieo trồng rau, đậu các loại đạt 11.015 ha, năng suất rau đạt 11,4 tấn/ha, sản lượng đạt 125.512 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng rau đã giảm 6% hàng năm nhưng năng suất tăng 22,4% hàng năm đưa sản lượng tăng 15,1% hàng năm. Hạn hán gay gắt trong năm 2015 đã làm diện tích trồng rau giảm 8% so với năm 2014, tuy nhiên năng suất tăng 13,8% đã giúp sản lượng tăng 4%.

Cây rau được trồng theo phương pháp thâm canh, một số mô hình đã áp dụng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ. Về tổ chức sản xuất, các hộ nông dân sản xuất nhỏ đóng vai trò chính trong trồng rau, đậu; bên cạnh đó, có một số hợp tác xã tham gia sản xuất rau sạch.

Ninh Thuận không có lợi thế so sánh đối với các loại rau, đậu thích hợp với khí hậu ôn đới (so với Lâm Đồng ở Tây Nguyên hay các tỉnh Tây Bắc) nhưng có lợi thế so sánh cao với các loại rau, đậu nhiệt đới. Điều kiện khí hậu khô hạn của Ninh Thuận không phù hợp với nhiều loại rau vốn thường đòi hỏi khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, có một số loại rau - gia vị phù hợp với điều kiện khô hạn này như cây hành, tỏi. Đặc biệt, cây hành, tỏi được cho là có dược tính cao nhờ hàm lượng allicin, glucogen,aliin, fitonxit, các vitamin và các nguyên tố vi lượng cao gấp nhiều lần tỏi thông thường, dưới tác động của khí hậu khô hạn, khắc nghiệt. Tuy chưa nổi bật như tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng tỏi cũng là loại rau đặc sản của Ninh Thuận bắt đầu được người tiêu dùng biết đến. Tỉnh cũng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang”.

1.5. Cây công nghiệp hàng năm

Cây công nghiệp hàng năm bao gồm mía, thuốc lá, cây lấy sợi và cây có hạt chứa dầu; trong đó, cây mía chiếm 67% diện tích, 99% sản lượng.

Cây mía được trồng thâm canh ở các huyện Ninh Sơn và Bác Ái, diện tích trồng mía năm 2015 đạt 2.972 ha, năng suất đạt 51,8 tấn/ha, sản lượng đạt 160.940 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng mía tăng 3% hàng năm, năng suất lại giảm 0,9% hàng năm, sản lượng tăng 7,1% hàng năm. Hiện nay, có hai doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mía đường là Công ty CP đường Biên Hoà Phan Rang và Công ty mía đường Ninh Hoà. Hai công ty này liên kết với các hộ trồng mía, bao gồm cả các hộ quy mô sản xuất nhỏ và quy mô lớn đến 50 - 70 ha.

Cây thuốc lá được trồng thâm canh ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, diện tích gieo trồng thuốc lá năm 2015 đạt 373 ha, năng suất đạt 2,6 tấn/ha, sản lượng đạt 842 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng thuốc lá giảm 14,4% hàng năm, năng suất giảm 2,7% hàng năm, sản lượng giảm 16,7% hàng năm. Cây thuốc lá được trồng để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Hồng Việt và một công ty nhỏ tham gia sản xuất, chế biến thuốc lá. Tuy nhiên, các công ty này có số lượng ít vì phải được cấp phép đặc biệt mới được tham gia vào ngành kinh doanh này. Hai công ty cũng liên kết với các hộ trồng thuốc lá, chủ yếu là hộ sản xuất quy mô nhỏ.

Cây có hạt chứa dầu chủ yếu là đậu tương, lạc, vừng được trồng cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Cây có hạt chứa dầu được trồng tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước. Diện tích trồng cây có hạt chứa dầu năm 2015 đạt 1.064 ha, năng suất bình quân đạt 0,9 tấn/ha, sản lượng đạt 966 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng cây có hạt chứa dầu tăng 3,9% hàng năm, năng suất tăng 12,4% hàng năm, sản lượng tăng 16,6% hàng năm.

Ninh Thuận có ít lợi thế so sánh xét về điều kiện tự nhiên và sự phát triển của ngành chế biến đối với mía, thuốc lá, đặc biệt là so với một số tỉnh có truyền thống về trồng và chế biến mía đường (Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Dak Lak, Tây Ninh, Đồng Nai) hay thuốc lá (Lạng Sơn, Cao Bằng, Gia Lai, Tây Ninh). Hạn hán gay gắt trong năm 2015 đã ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích, năng suất, sản lượng của mía, thuốc lá, cây có hạt chứa dầu so với năm 2014. Diện tích trồng mía giảm 1,4%, năng suất giảm 7,9%, sản lượng giảm 2,9%; diện tích trồng thuốc lá giảm 11,4%, năng suất giảm 0,6%, sản lượng giảm 22,1%. Diện tích trồng cây có hạt chứa dầu giảm 20,4% nhưng năng suất tăng 0,4% đã giúp sản lượng duy trì mức tăng 4,6% (cả giai đoạn 5 năm tăng bình quân 16,6% hàng năm).

1.6. Cây công nghiệp lâu năm

Cây công nghiệp lâu năm bao gồm có điều, cà phê, hồ tiêu. Trong đó, cây điều chiếm 82% diện tích gieo trồng, 99% diện tích thu hoạch, và 94% sản lượng cây công nghiệp lâu năm.

Cây điều được trồng tập trung ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn. Cây điều vốn được trồng với mục đích phủ xanh đất trống theo phương pháp quảng canh là chủ yếu. Diện tích gieo trồng điều năm 2015 đạt 3.923 ha, diện tích thu hoạch đạt 2.957 ha, sản lượng thu hoạch đạt 1.196 tấn. Trong giai đoạn 2011-15, diện tích gieo trồng điều tăng trưởng 0,9% hàng năm, diện tích thu hoạch giảm 3,1% hàng năm, sản lượng giảm 4,2% hàng năm.

1.7. Cây trồng khác

Ngoài các cây hàng năm và lâu năm đề cập ở trên, một số loại cây trồng khác cũng có tiềm năng phát triển như cây lô hội (nha đam), cây măng tây và một số cây trồng mới khác.

Cây lô hội là cây dược liệu, trồng được quanh năm, khai thác 12 lần/năm. Cây lô hội chịu được thời tiết khắc nghiệt, sinh trưởng mạnh ở vùng đất cát, đất pha cát ven biển. Cây lô hội không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở địa phương mà còn được tiêu thụ cả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vùng lân cận và xuất khẩu. Hiện nay, Ninh Thuận có Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt thu mua và chế biến lô hội, công suất 3.600 tấn/năm thành phẩm.

Lô hội được trồng tập trung ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (343ha), các huyện Ninh Phước (37ha), Thuận Bắc (2ha). Diện tích tích trồng lô hội năm 2015 đạt 387ha, năng suất 39 tấn/ha/tháng, sản lượng đạt 181.116 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, diện tích trồng lô hội có mức dao động hàng năm lớn từ 200 - 400ha, năng suất không ổn định dao động từ 35 - 39 tấn/ha/tháng.

2. Chăn nuôi

Trong chăn nuôi, giá trị sản xuất phân bổ khá đồng đều giữa các loại vật nuôi. Năm 2015, giá trị sản xuất tiểu ngành chăn nuôi (theo giá hiện hành) đạt 1.942,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn đạt 578,4 tỷ đồng, chiếm 29,8%; chăn nuôi gia cầm đạt 490,4 tỷ đồng, chiếm 25,2%; chăn nuôi trâu, bò đạt 450 tỷ đồng, chiếm 23,2% và chăn nuôi vật nuôi khác (dê, cừu) đạt 423,9 tỷ đồng, chiếm 21,8%.

Duy nhất chăn nuôi lợn duy trì tăng trưởng, chăn nuôi gia cầm, trâu, bò, dê, cừu đều suy giảm. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất tiểu ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) giảm 0,9% hàng năm; trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi lợn đạt 5,2%, chăn nuôi gia cầm -1,9%, chăn nuôi trâu, bò -3,7% và chăn nuôi vật nuôi khác (dê, cừu) -3,6%.

Chuyển dịch cơ cấu trong giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng của chăn nuôi gia cầm, lợn; tăng tỷ trọng của chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu. Đóng góp của của chăn nuôi gia cầm trong giá trị sản xuất của tiểu ngành chăn nuôi (theo giá hiện hành) đã giảm 5,8% từ 31% xuống 25,2%; chăn nuôi lợn đã giảm 0,4% từ 30,2% còn 29,8%. Trái lại, chăn nuôi trâu, bò tăng 3,3% từ 19,9% lên 23,2%, chăn nuôi dê, cừu tăng 2,9% từ 18,9% lên 21,8%.

Ninh Thuận là địa phương có thế mạnh phát triển đàn dê, cừu chiếm trên 10% cả nước và trên 33% so với vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Miền Trung. Trong đó, đàn cừu là đặc thù của tỉnh, chiếm 100% tổng đàn cừu cả nước. Theo đó, các vật nuôi của tỉnh có lợi thế so sánh gồm bò, dê, cừu. Ở Việt Nam, cừu chỉ được nuôi ở tỉnh duy nhất là Ninh Thuận; về dê, tuy chưa nổi tiếng tiếng như dê Ninh Bình nhưng dê Ninh Thuận cũng có chất lượng ngon và bắt đầu được người tiêu dùng tại các khu vực lân cận biết đến. Về bò, địa phương phát triển được đàn bò vàng có chất lượng thịt ngon, đồng thời giống bò vàng địa phương có khả năng chống chịu rất tốt với điều kiện khô hạn. Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên, khí hậu rất thuận lợi cho chăn nuôi bò thịt, dê, cừu; địa hình đồi núi và đồi gò bán sơn địa chiếm gần 78% diện tích tự nhiên toàn tỉnh rất thích hợp cho hoạt động chăn thả gia súc. Bên cạnh đó, khí hậu khô, nóng gần như quanh năm cũng tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại gia súc này.

Hiện nay, khó khăn chính trong phát triển ngành chăn nuôi của Ninh Thuận là tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến thiếu thức ăn xanh và nước uống cho đàn gia súc. Tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn xanh và nước uống đã xảy ra trên diện rộng. Năm 2015, tổng đàn gia súc bị chết do khô hạn là 2.515 con, trong đó trâu bò 239 con, dê, cừu 2.276 con; phải di chuyển 17.778 con từ những vùng hạn nặng đến những vùng dọc sông, suối. Ngoài ra, đa số hộ chăn nuôi ở Ninh Thuận có quy mô nhỏ, gây khó khăn trong cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi thiếu kỹ thuật, thiếu thị trường.

2.1. Lợn

Năm 2015, tổng đàn lợn đạt 81.306 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 10.555 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, đàn lợn tăng trưởng 8,7% hàng năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 4,1% hàng năm. Chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Ninh Phước, Bác Ái và Ninh Hải.

Các giống lợn được chăn nuôi ở Ninh Thuận bao gồm lợn lai và lợn bản địa, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn lai. Chăn nuôi lợn lai theo phương pháp thâm canh, sử dụng toàn bộ thức ăn hỗn hợp, chuồng trại khép kín; chăn nuôi lợn bản địa chủ yếu sử dụng phương pháp quảng canh hoặc bán thâm canh, tận dụng các sản phẩm trồng trọt (lá khoai, sắn, thân chuối,...) kết hợp với thức ăn hỗn hợp, chăn thả hoàn toàn hoặc kết hợp chăn thả với nuôi nhốt.

Đối với chăn nuôi lợn lai, vai trò của doanh nghiệp hiện nay khá lớn, ước tính tổng đàn lợn chăn nuôi theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp (Công ty CP Việt Nam) và hộ chăn nuôi nhỏ chiếm khoảng 50% tổng đàn; đối với chăn nuôi lợn bản địa, các hộ chăn nuôi nhỏ tham gia là chủ yếu.

2.2. Gia cầm

Năm 2015, tổng đàn gia cầm đạt 1.353 nghìn con, trong đó gà 873 nghìn con và vịt, ngan, ngỗng 480 nghìn con; sản lượng thịt gia cầm giết bán đạt 3.708 tấn, trong đó thịt gà 2.107 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng đàn gia cầm giảm 6,2% hàng năm, trong đó tổng đàn gà vẫn tăng 2,9% hàng năm nhưng tổng đàn vịt, ngan, ngỗng giảm 16,1% hàng năm; sản lượng thịt gia cầm giết bán giảm 4,5% hàng năm, trong đó gà giảm 5,6% hàng năm. Chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Về tổ chức sản xuất, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong chăn nuôi gia cầm.

Hạn hán gay gắt năm 2015 đã có ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến tổng đàn gia cầm, nguyên nhân tổng đàn thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) giảm bởi thiếu diện tích mặt nước; tổng đàn chăn nuôi gia cầm đã giảm 14,7%, trong đó đàn thủy cầm giảm 34,7% so với năm 2014. Đáng lưu ý, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đều giảm rất mạnh trong năm 2015 lên đến 21,1%, trong đó sản lượng thịt gà xuất chuồng giảm đến 29,9% trong khi tổng đàn gà vẫn tăng 2,5% so với 2014.

2.3. Trâu, bò

Năm 2015, tổng đàn trâu, bò đạt 95.353 con, trong đó bò 91.700 con và trâu 3.653 con; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 5.284 tấn, trong đó thịt bò 5.057 tấn và thịt trâu 227 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng đàn trâu, bò đã giảm 3,4% hàng năm, trong đó bò giảm 3,4% hàng năm và trâu giảm 3,6% hàng năm. Tương tự, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng giảm 9,4% hàng năm, trong đó thịt bò giảm 9,7% hàng năm, thịt trâu giảm 0,5% hàng năm. Chăn nuôi trâu, bò tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Bắc.

Hình thức chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là chăn nuôi quảng canh, nguồn thức ăn dựa chủ yếu vào đồng cỏ kết hợp với phụ phẩm từ trồng trọt như rơm rạ, thân ngô. Hiện nay, chăn nuôi trâu, bò bắt đầu sử dụng thức ăn tổng hợp để vỗ béo những cũng còn khá hạn chế; các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong chăn nuôi trâu, bò.

Hạn hán gay gắt năm 2015 có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đàn trâu, bò. Tuy tổng đàn trâu, bò vẫn tăng 8,1% so với năm 2014 nhờ tăng trưởng đàn bò 8,6% nhưng sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đều giảm mạnh lần lượt 23,7% và 5,7%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của khô hạn kéo dài nên lượng thức ăn và nước uống không đủ để phát triển đàn trâu, bò thịt dẫn đến số lượng bò xuất chuồng giảm.

2.4. Dê, cừu

Năm 2015, tổng đàn chăn nuôi dê, cừu đạt 178.165 con, trong đó dê 82.633 con và cừu 95.532 con. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng tổng đàn dê, cừu đạt 5,9% hàng năm, trong đó dê tăng trưởng 8,7% hàng năm và cừu tăng trưởng 3,7% hàng năm.

Chăn nuôi dê, cừu hoàn toàn theo phương pháp quảng canh, sử dụng đồng cỏ, bụi cây tự nhiên kết hợp với phụ phẩm trồng trọt như thân, cành, lá nho, táo; các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong chăn nuôi dê, cừu. Chăn nuôi dê, cừu tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải.

2.5. Giết mổ: tỉnh hiện có 07 lò giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức bán công nghiệp và 66 điểm giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức thủ công. Tỷ lệ gia súc, gia cầm giết mổ có kiểm soát khoảng 70%, còn lại 30% chưa được kiểm soát.

2.6. Thức ăn chăn nuôi

Nguồn cỏ tự nhiên và các phụ phẩm của ngành trồng trọt hàng năm chỉ đáp ứng được 34 - 35% nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc có sừng của tỉnh; trong đó, nguồn cỏ tự nhiên đáp ứng được 23 - 24% nhu cầu. Nguồn cỏ tự nhiên chủ yếu dựa vào diện tích đất lâm nghiệp, ước khoảng 35 - 40 nghìn ha. Nguồn phụ phẩm ngành trồng trọt đáp ứng được 11 - 12% nhu cầu, nguồn phụ phẩm trồng trọt chủ yếu là rơm, rạ, thân, cành, lá của lúa, ngô, nho, táo có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc có sừng. Nhu cầu về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc có sừng của tỉnh Ninh Thuận rất lớn, tuy tỉnh đã có quy hoạch đồng cỏ cho phát triển chăn nuôi nhưng việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, đất canh tác, thiếu nước khô hạn kéo dài.

III. Lâm nghiệp

Khai thác gỗ và lâm sản khác vẫn đóng vai trò chính trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 35 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất của hoạt động khai thác gỗ và lâm sản khác đạt 27 tỷ đồng, chiếm 77,1%; giá trị sản xuất của hoạt động trồng và chăm sóc rừng đạt 6,1 tỷ đồng, chiếm 17,4%; thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác đạt 1,8 tỷ đồng, chiếm 5,1%; dịch vụ lâm nghiệp đạt 0,1 tỷ đồng, chiếm 0,3%.

Khai thác gỗ, lâm sản khác, trồng và chăm sóc rừng suy giảm, thu nhặt sản phẩm từ rừng và dịch vụ lâm nghiệp tăng trưởng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) giảm 10,2% hàng năm. Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất khai thác gỗ và lâm sản khác giảm 12,4%; trồng và chăm sóc rừng giảm 3,9%; thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác đạt 2,2%; dịch vụ lâm nghiệp không tăng trưởng.

Chuyển dịch cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng của khai thác gỗ và lâm sản khác, trồng và chăm sóc rừng; tăng tỷ trọng của thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác, dịch vụ lâm nghiệp. Đóng góp của của khai thác gỗ và lâm sản khác trong giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (theo giá hiện hành) đã giảm 1,6% (từ 78,7% xuống 77,1%); trồng và chăm sóc rừng giảm 0,2% (từ 17,6% xuống 17,4%). Ngược lại, thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác đã tăng 1,7% (từ 3,5% lên 5,1%); dịch vụ lâm nghiệp tăng 0,1% (từ 0,2% lên 0,3%).

Ngành lâm nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cản trở sự phát triển của ngành. Công tác quy hoạch còn có sự chồng chéo giữa các quy hoạch ngành là những cản trở chính ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp ở nhiều nơi còn chưa chặt chẽ. Suất đầu tư cho công tác trồng rừng còn thấp, do vậy độ che phủ rừng không được đảm bảo, người dân chưa thực sự gắn bó với việc trồng rừng. Diện tích đất lâm nghiệp ở một số nơi vẫn bị suy giảm do chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang các mục đích sử dụng khác, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất nông nghiệp. Xác định các đối tượng rừng đưa vào khoanh nuôi còn chưa đúng nên kết quả thực hiện diện khoanh nuôi nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả; thực hiện cải tạo rừng đã làm đúng quy định nhưng tiến độ còn chậm. Chính sách hưởng lợi từ rừng theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập, khó thực hiện nên chậm triển khai vào thực tiễn; công tác nghiên cứu và bố trí cơ cấu giống trồng rừng tập trung chủ yếu các loài cây mọc nhanh, chưa phát triển các loại cây lâu năm, cây gỗ quý. Một số cơ chế chính sách như thuê môi trường rừng, quản lý rừng đa mục tiêu, định giá rừng, còn chậm được triển khai.

1. Khai thác gỗ và lâm sản khác

Gỗ và lâm sản khác ngoài gỗ bao gồm có gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng, củi, tre, song mây và măng tươi. Gỗ được sử dụng chủ yếu để làm củi, dăm gỗ, cọc chống xây dựng, ván bóc, gỗ xẻ. Các sản phẩm sơ chế này lại được sử dụng để làm ván MDF, đồ nội thất, đóng tàu thuyền, sử dụng trong các công trình xây dựng. Ước tính 80% gỗ sử dụng để phục vụ cho các nhu cầu dân dụng và các công trình xây dựng, đóng tàu; 20% sử dụng làm đồ nội thất như bàn, ghế, tủ, … và hàng thủ công mỹ nghệ. Tre và song mây chủ yếu sử dụng làm hàng thủ công mỹ nghệ, măng tươi được chế biến làm thực phẩm.

Thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản khác này chủ yếu ở trong tỉnh, sản lượng gỗ khai thác từ rừng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Trước năm 2015, 50% nguyên liệu gỗ cung ứng cho các doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trong tỉnh đến từ khai thác rừng tự nhiên. Hiện nay, khoảng 90% nguyên liệu gỗ cung ứng nhập từ các tỉnh ngoài do Ninh Thuận thực hiện chính sách đóng của rừng tự nhiên. Nguyên nhân chính là diện tích rừng trồng mới chỉ chiếm 6,4% tổng diện tích rừng hiện có, còn lại diện tích rừng tự nhiên.

Năm 2015, Ninh Thuận có 445 doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ; tập trung ở huyện Ninh Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Năm 2015, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.424m3, củi đạt 33.850 ste, tre đạt 231 nghìn cây, song mây đạt 2 tấn, măng tươi đạt 259 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 15, sản lượng khai thác giảm ở hầu hết các hạng mục: gỗ giảm 32,5% hàng năm, tre giảm 9,7%, măng tươi giảm 13,3%, củi giảm 6,7%, song mây không thay đổi.

Chính sách đóng cửa rừng tự nhiên đã làm giảm sản lượng gỗ khai thác rõ rệt trong năm 2015 so với 2014. Sản lượng khai thác gỗ đã giảm 84%.

2. Trồng và chăm sóc rừng

Diện tích rừng hiện có mới chỉ che phủ được 86% diện tích đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 189.117,48 ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất 37.467,33 ha (17%); đất rừng phòng hộ 114.371,32 (60%) và đất rừng đặc dụng 42.278,83 ha (22%). Tổng diện tích rừng hiện có là 162.005 ha, trong đó rừng tự nhiên 152.336 ha và rừng trồng 9.669 ha.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc chỉ chiếm 7% trong tổng diện tích rừng trồng hiện có, chủ yếu là diện tích rừng trồng của khu vực ngoài Nhà nước (hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế tư nhân). Năm 2015, tổng diện tích rừng trồng được chăm sóc là 654 ha, trong đó khu vực ngoài Nhà nước 71%, Nhà nước 29%. Diện tích rừng trồng được chăm sóc tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam.

Diện tích rừng trồng mới tập trung chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng trồng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung là 2.332 ha, trong đó, rừng phòng hộ trồng mới tập trung 2.029 ha (87%) và rừng sản xuất trồng mới tập trung 303 ha (13%). Nhà nước đóng vai trò chính, chiếm 54% tổng diện tích trồng mới, thành phần kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 37%, vốn đầu tư nước ngoài 9%. Các loại cây chủ yếu được trồng là điều, neem, keo, trôm, cóc hành, mít.

Diện tích rừng trồng được giao khoán, bảo vệ toàn bộ thực hiện bởi Nhà nước, đạt 54.704 ha (2015).

Khí hậu khô hạn khiến trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn do ít mưa, cây rừng trồng thiếu nước để sinh trưởng và phát triển.

3. Thu nhặt sản phẩm từ rừng

Các sản phẩm từ rừng khác bao gồm có mủ trôm, mật ong rừng, nấm linh chi,... Các sản phẩm này đều là những đặc sản rừng có tiếng của tỉnh và được cung cấp ra cả nước. Trữ lượng của nguồn lợi này phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên cần được bảo vệ, quản lý, khai thác một cách bền vững.

IV. Thủy sản

Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đều duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn so với các tiểu ngành khác. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 5,1% hàng năm; trong đó, hoạt động khai thác hải sản tăng trưởng 5,5%; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng 4,2%.

Chuyển dịch cơ cấu trong giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng của khai thác hải sản, tăng tỷ trọng của nuôi trồng thủy sản. Đóng góp của khai thác trong giá trị sản xuất của ngành thủy sản (theo giá hiện hành) đã giảm 4,1% từ 67,9% xuống 63,9%; ngược lại, nuôi trồng đã tăng 4,1% (từ 32,1% lên 36,2%).

Khai thác hải sản đóng vai trò chính trong giá trị sản xuất ngành thủy sản. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá hiện hành) đạt 5.965,9 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất của hoạt động khai thác hải sản đạt 3.809 tỷ đồng, chiếm 63,9%; hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt 2.156,9 tỷ đồng, chiếm 36,2%.

1. Nuôi trồng thủy sản

Thủy sản nuôi trồng bao gồm có tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá, và một số loại thủy sản khác. Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm đến 71%, cá 12%, các loại thủy sản khác 16%. Thủy sản nuôi trồng cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu; đa số diện tích nuôi trồng thủy sản là nước lợ, mặn; nuôi nước lợ chiếm 71%, nước mặn 18%, còn lại 11% nuôi nước ngọt. Diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước.

Hệ thống canh tác thủy sản bao gồm có nuôi thâm canh, nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Trong đó, nuôi thâm canh chiếm 75% diện tích nuôi trồng thủy sản, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm 21% và nuôi bán thâm canh chiếm 3%.

Năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.154 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 10.114 tấn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích nuôi trồng tăng 0,7% hàng năm nhưng sản lượng nuôi trồng giảm 1,5% hàng năm; thị trường xuất khẩu tôm, cá gặp khó khăn, giá giảm mạnh đã khiến diện tích nuôi tôm, cá giảm lần lượt 14% và 3%, dẫn đến sản lượng nuôi trồng giảm 23% trong năm 2015 so với 2014. Đây là nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng sản lượng nuôi trồng trong cả giai đoạn 5 năm.

Đối với nuôi tôm thương phẩm, các hộ gia đình riêng lẻ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nuôi trồng. Toàn tỉnh chỉ có 02 doanh nghiệp hoạt động nuôi tôm thương phẩm với tổng diện tích 18 ha. Phương pháp nuôi đang có sự chuyển dịch theo hướng nuôi tôm công nghệ cao trên cát (ao lót bạt), ứng dụng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP; nuôi tôm theo công nghệ Biofloc/Semi-Biofloc, mô hình nuôi “CPF Turbo Program”; ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Đối với sản xuất tôm giống, con tôm giống ở Ninh Thuận vẫn liên tục phát triển và hiện nay được đánh giá là trung tâm sản xuất tôm giống lớn và chất lượng cao của cả nước, đặc biệt là sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Toàn tỉnh có khoảng 300 ha sản xuất tôm giống, với sản lượng 19,5 tỷ tôm giống, trong đó giống tôm thẻ 15 tỷ con (chiếm 77% sản lượng tôm giống của tỉnh năm 2015). Hoạt động sản xuất tôm giống của tỉnh đa số là các doanh nghiệp lớn và nhỏ, chỉ có một phần nhỏ là các hộ sản xuất. Hiện có 450 đơn vị sản xuất tôm giống, trong đó 250 đơn vị sản xuất tôm sú và 200 đơn vị sản xuất tôm thẻ chân trắng. Hàng năm Ninh Thuận cung cấp ra thị trường khoảng 20 tỷ tôm giống (chiếm 30% nhu cầu tôm giống cả nước) với chất lượng cao (tỷ lệ sống đạt trên 80%).

Thách thức chính để phát triển nuôi trồng thủy sản ở Ninh Thuận là cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống cung cấp và thoát nước thải; hệ thống thủy lợi nhiều nơi vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi nông nghiệp; một số vùng nuôi vẫn chưa có hệ thống lưới điện không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, lao động nuôi trồng thủy sản phần lớn chưa qua đào tạo còn lớn; các hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát, ý thức phòng chống dịch bệnh, hiểu biết về chủng loại và chất lượng thuốc thú y của người nuôi còn hạn chế.

2. Khai thác hải sản

Đối với khai thác hải sản, sản lượng khai thác hải sản năm 2015 đạt 75.572 tấn, tăng 19.496 tấn so với năm 2011, tăng trưởng 7,7% hàng năm. Tổng công suất tàu khai thác hải sản năm 2015 đạt 229.592 CV, tăng 28.834 CV so năm 2011, tăng trưởng 3,4% hàng năm.

Khai thác hải sản của Ninh Thuận có sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng tăng cường lực khai thác xa bờ, giảm cường lực khai thác gần bờ. Số lượng tàu khai thác hải sản năm 2015 đạt 2.281 chiếc, trong đó có 808 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên, tương đương 35% tổng số tàu khai thác; công suất bình quân/tàu của tỉnh Ninh Thuận là 101 CV/tàu, thấp hơn số trung bình của vùng Nam Trung Bộ (116 CV/tàu) nhưng đã cao hơn của cả nước (103 CV/tàu).

Hiện tại, Ninh Thuận có 1 hợp tác xã và 98 Tổ Đoàn kết với 468 tàu cá tham gia.

Thách thức trong phát triển khai thác hải sản của Ninh Thuận là nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm do nhiều tàu công suất lớn cả ở trong và ngoài tỉnh vẫn hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ. Năng lực tàu thuyền cho khai thác xa bờ càng hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng cho nghề cá, nhất là cho phát triển nghề cá xa bờ trong thời gian tới (tàu từ 400 CV trở lên) còn nhiều bất cập. Việc phân cấp quản lý tàu thuyền và hoạt động khai thác ven bờ cho cấp huyện nhưng chưa kèm theo điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, kinh phí, gây nhiều hạn chế, khó khăn cho công tác quản lý.

3. Chế biến, xuất khẩu thủy sản

Các sản phẩm chế biến thủy sản của Ninh Thuận chủ yếu bao gồm nước mắm và các loại mắm, cá khô; được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Ninh Thuận là tôm đông lạnh và hải sản khô; tôm đông lạnh chủ yếu xuất khẩu sang Nhật; mặt hàng hải sản khô (cá cơm, cá nục) xuất khẩu sang Trung Quốc và Nga. Ninh Thuận hiện có 4 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu thủy sản đông lạnh; công suất chế biến thực tế các sản phẩm đông lạnh khoảng trên 20.000 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ, chế biến hàng khô, nước mắm và các loại mắm khác. Các cơ sở chế biến nhỏ mang tính chất hộ gia đình thường chế biến hàng khô tiêu thụ nội địa hoặc gia công hàng khô xuất khẩu cho các doanh nghiệp; hệ thống chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh Ninh Thuận chưa đủ công suất chế biến so với sản lượng thủy sản nguyên liệu của tỉnh. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản chế biến còn đơn điệu, chưa có giá trị gia tăng cao, chưa có thương hiệu.

Năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh ước đạt 60 triệu USD, bằng 80% kế hoạch, tăng 33,8% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, ước đạt 40 triệu USD (chiếm 67% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 0,6% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước).

V. Diêm nghiệp

Ninh Thuận dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng muối, chiếm 20% tổng diện tích sản xuất muối cả nước và 34% tổng sản lượng muối cả nước. Đường bờ biển dài 105 km với khí hậu khô, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh là điều kiện lý tưởng cho sản xuất muối. Năng suất muối bình quân chung của Ninh Thuận cao hơn 1,7 lần so với cả nước (168 tấn/ha so với 99 tấn/ha).

Tổng diện tích và sản lượng muối của tỉnh Ninh Thuận năm 2015 đạt lần lượt 3.028 ha và 509.092 tấn. Các vùng sản xuất muối của Ninh Thuận tập trung tại thôn Quán Thẻ (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) với trên 2.500 ha; các xã Tri Hải với trên 700 ha, xã Nhơn Hải gần 300 ha, xã Phương Hải 92 ha, xã Khánh Hải 32 ha (huyện Ninh Hải).

Cơ cấu ngành chủ yếu là muối sản xuất công nghiệp, chiếm 61,1% sản lượng và 80% diện tích sản xuất của cả tỉnh. Ninh Thuận có 7 doanh nghiệp chế biến muối tinh và muối iốt với tổng công suất thiết kế 170.000 tấn sản phẩm/năm; tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp có công nghệ chế biến muối đơn giản, chủ yếu theo quy trình chế biến cơ giới - bán thủ công. Tổng sản lượng muối tinh và muối iốt của năm 2015 của Ninh Thuận đạt 83.725 tấn, trong đó Công ty cổ phần sản xuất và chế biến muối BIM (thuộc Công ty TNHH Hạ Long)- doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất - chế biến muối tinh công nghiệp hiện đại sản xuất được 42.949 tấn. Hiện nay, có 3 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến muối tinh và các sản phẩm liên quan với tổng công suất thiết kế là 275.000 tấn/năm.

Với năng lực sản xuất muối công nghiệp hiện tại, Ninh Thuận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường muối công nghiệp của Việt Nam (sử dụng trong ngành công nghiệp hóa chất và y tế) do công nghệ sản xuất và bảo quản hạn chế, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng và rộng mở. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp muối còn gặp khó khăn trong thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh muối (giải phóng mặt bằng, quyết định giao quyền sử dụng đất, v.v).

Về sản xuất muối thủ công ở quy mô hộ gia đình, đa số hộ sản xuất muối có quy mô đồng muối nhỏ, manh mún, áp dụng phương pháp sản xuất muối thủ công nên chất lượng và hiệu quả sản xuất muối thấp; khả năng đầu tư hạ tầng và áp dụng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ sản xuất muối tiên tiến của hộ còn hạn chế. Trong khi đó, thị trường muối thủ công của Việt Nam (sử dụng làm muối ăn trong các hộ gia đình, làm nước mắm thủ công) đã ở trong tình trạng bão hòa, cộng với nguồn cung dồi dào mỗi khi thời tiết thuận lợi, đã gây sức ép giảm giá bán. Ninh Thuận chưa thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến muối với các tổ hợp tác và hộ sản xuất muối.

VI. Thành tựu, hạn chế trong phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015

1. Thành tựu:

1.1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu:

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt và duy trì ở mức cao so với bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực:

- Tăng trưởng GDP của khu vực NLTS trong giai đoạn 5 năm 2010 - 2014 đạt cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,2% hàng năm, chiếm 37,2% giá trị sản xuất trong nền kinh tế toàn tỉnh (theo giá hiện hành);

- Cơ cấu giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của ngành thủy sản. Trong từng tiểu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng chuyển dịch tích cực. Năng suất lao động nông nghiệp đạt cao hơn so với mức bình quân của cả nước1;

1.2. Về công tác quy hoạch:

Tỉnh đã hoàn thành phê duyệt các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở để quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất, bao gồm:

- Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến 2020;

- Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản đến 2020;

- Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Quy hoạch các làng nghề nuôi chim yến tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Chỉ thị về nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch theo Quyết định số 1615/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản đến năm 2020;

- Đề án phát triển chế biến thủy sản đến năm 2020;

- Đề án tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ nông nghiệp khác ở nông thôn;

- Đề án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Đề án xây dựng và tăng cường năng lực của Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vật tư, sản phẩm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.

1.3. Lĩnh vực trồng trọt:

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu. Những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chương trình giống, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư, nhiều mô hình mới có hiệu quả trong sản xuất được nhân rộng, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất và giá trị sản xuất bình quân ha đất; diện tích gieo trồng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 1,3% hàng năm; năng suất một số cây trồng chính tăng khá; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng nhanh, đến năm 2015, đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2010. Bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chế biến như sắn (khoai mì) 3.232 ha, mía 2.972 ha ở Ninh Sơn, Bác Ái và vùng sản xuất tập trung cây lúa 2 vụ quy mô trên 12 nghìn ha ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải. Một số cây ăn quả đặc thù như nho đạt sản lượng trên 30 nghìn tấn/997 ha, cây táo đạt sản lượng gần 40 nghìn tấn/900 ha, tập trung ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được các nhà đầu tư quan tâm, đăng ký đầu tư và đang triển khai 1 dự án trang trại tập trung quy mô lớn phát triển một số cây trồng đặc sản ứng dụng giống mới, có năng suất và giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, tăng trưởng, tăng giá trị gia tăng.

1.4. Lĩnh vực chăn nuôi: phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với quy hoạch đồng cỏ, bảo đảm thức ăn chăn nuôi, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 trang trại chăn nuôi tập trung, chiếm 13,3% tổng đàn gia súc, quy mô đàn gia súc tăng bình quân 3,5% hàng năm; đàn gia cầm đạt trên 1,4 triệu con; mô hình nuôi vỗ béo có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 38,7%; tỷ lệ đàn dê, cừu được lai tạo giống mới đạt 80%.

1.5. Lĩnh vực lâm nghiệp:

Chủ trương phát triển rừng kinh tế được tập trung chỉ đạo triển khai đạt một số kết quả bước đầu. Từ nguồn vốn Chương trình bảo vệ và phát triển rừng và nguồn vốn huy động khác, tổng vốn trên 144 tỷ đồng, trong 5 năm trồng mới được 3.954ha rừng các loại, trong đó trồng rừng phòng hộ đặc dụng ước được 2.179 ha, các loài cây chủ yếu là điều, neem, keo, trôm, mít có tác dụng tăng độ che phủ, tạo thu nhập cho người dân.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; nâng độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 44,1%.

1.6. Lĩnh vực thủy sản:

Thủy sản phát triển khá toàn diện và tăng trưởng khá, giá trị sản xuất thủy sản trong 5 năm 2011 - 2015 (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 5,1% hàng năm. Cơ cấu nội ngành có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng sản xuất giống thủy sản, khai thác hải sản, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước được thực hiện có kết quả, đạt được mục tiêu và phát huy được lợi thế, quy mô sản xuất giống tiếp tục được mở rộng. Sản lượng năm 2015 ước đạt 19,6 tỷ con giống, tăng gấp 1,3 lần so 2010.

Tập trung triển khai lại Đề án tổ chức lại nghề khai thác đạt kết quả bước đầu, năng lực tàu thuyền tiếp tục tăng theo hướng đầu tư, đóng mới tàu có công suất lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh trên biển. Năng lực tàu cá trong 5 năm tăng nhanh, tăng thêm 193 chiếc/97.193 CV, nâng tổng số tàu cá toàn tỉnh lên 2.735 chiếc/276.318 CV, trong đó cơ cấu tàu có công suất lớn trên 90 CV là 936 chiếc, chiếm 34,2% số lượng và 84% công suất. Mô hình hợp tác sản xuất trên biển được phát huy hiệu quả; sản lượng khai thác năm 2015 đạt khoảng 76 nghìn tấn, tăng bình quân 7,7% hàng năm.

Tập trung phát triển nuôi tôm thương phẩm theo hướng công nghiệp ở vùng quy hoạch, dịch bệnh trong nuôi tôm được kiểm soát chặt chẽ. Một số quy trình nuôi mới cho năng suất cao được nhân rộng; sản lượng tôm thương phẩm năm 2015 đạt 7.073 tấn, đã từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

1.7. Chương trình xây dựng nông thôn mới:

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến 31 tháng 12 năm 2015, Ninh Thuận có 11 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 24,4% tổng số xã cao hơn mức bình quân của cả nước là 17% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí nông thôn mới bình quân mỗi xã đạt được là 12,4 tiêu chí. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đồng bộ, kịp thời một số cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai thực hiện chương trình. Đã hoàn thành công tác quy hoạch chung và xây dựng Đề án nông thôn mới cho 47/47 xã trong chương trình và lập 3 loại quy hoạch chi tiết cho 11 xã điểm giai đoạn đến năm 2015. Huy động và lồng ghép các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đầu tư giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống kênh mương. Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động từ nguồn vay tín dụng của Nhà nước, nguồn vận động của các doanh nghiệp, đóng góp từ cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh, cải tạo nhà ở, vệ sinh môi trường với tổng kinh phí hơn 5.115 tỷ đồng. Ưu tiên đầu tư cứng hóa hơn 116,7km đường liên thôn, 8 km kênh mương cấp 2,3 ở 11 xã điểm. Một số nơi bước đầu đã tạo được khí thế phấn khởi, đồng thuận cao trong xây dựng nguồn lực cộng đồng để xây dựng nông thôn mới. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, đào tạo nghề được quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt. Đã hỗ trợ xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”, mô hình VietGAP trên cây nho, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas, mô hình máy dò ngang, đào tạo dạy nghề cho 10.024 lao động nông thôn và 1.650 cán bộ công chức xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến thôn, xã. Mô hình mới trong triển khai các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới do các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài tài trợ (Tổ chức KOICA, tập đoàn CJ - Hàn Quốc) sẽ tạo thêm nguồn lực để thực hiện chương trình.

1.8. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai:

Đối với các công trình thủy lợi và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha, cung cấp nước cho nhân dân, gia súc các vùng khô hạn và có khả năng cắt lũ trong mùa mưa, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hoàn thành 8 công trình thủy lợi quy mô lớn như hồ Lanh Ra, hồ Sông Biêu, hồ Bà Râu, 5 hồ chứa thuộc hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa với tổng dung tích 66,5 triệu m3; nâng tổng dung tích các hồ chứa đến nay đạt 215,8 triệu m3. Đầu tư đồng bộ 200 km kênh mương cấp I, II và III để phát huy hiệu quả các hồ đập sau đầu tư; tăng thêm diện tích tưới 5.579 ha, nâng tổng số diện tích được chủ động tưới toàn tỉnh đạt 34.791 ha, tương đương tỷ lệ 49,7%. Đầu tư trên 294 tỷ đồng triển khai 15 công trình giảm nhẹ thiên tai; 23 km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt kết quả tích cực. Đầu tư trên 445 tỷ đồng/28 công trình, tăng thêm công suất 8.795 m3/ngày-đêm, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 51.300 người, đạt tỷ lệ 87% (năm 2010 là 79%). Môi trường nông thôn có bước cải thiện; tỷ lệ hộ gia đình có công trình hợp vệ sinh đạt 70% (năm 2010 là 57%).

Đối với hạ tầng nghề cá, tỉnh đã nâng cấp, mở rộng 3 cảng cá (Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná) và 1 bến cá Mỹ Tân với khả năng neo đậu trên 3.000 tàu cá có công suất trên 600 CV, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá địa phương vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa tiếp nhận các dịch vụ, neo đậu tránh trú bão an toàn. Đồng thời xúc tiến đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng cá Ninh Chữ kết hợp làm cảng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển, nhất là sản phẩm có quy mô lớn như muối công nghiệp, ximăng, sắt thép, nhập khẩu xăng, dầu.

2. Hạn chế và nguyên nhân

2.1. Hạn chế

a) Tăng trưởng chưa bền vững và chuyển dịch cơ cấu còn chậm

- Tăng trưởng toàn ngành nông, lâm, thủy sản còn thiếu bền vững: tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm và không ổn định; giai đoạn 2005 - 2009, tăng trưởng NLTS đạt bình quân 11,6% hàng năm; giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng giảm xuống còn 3,0%;

- Chuyển dịch cơ cấu giá trị toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chậm. Trong cơ cấu giá trị toàn ngành, tỷ trọng của thủy sản còn thấp so với tiềm năng; trong cơ cấu giá trị nông nghiệp, tỷ trọng của chăn nuôi còn thấp; trong cơ cấu giá trị trồng trọt, tỷ trọng của cây ăn quả, cây công nghiệp còn thấp.

b) Khả năng cạnh tranh còn thấp

- Năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp so với các vùng lân cận và mức bình quân của cả nước. Tính cạnh tranh của một số ngành hàng NLTS còn thấp như lúa, ngô, cây công nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản;

- Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa ổn định.

c) Tổ chức sản xuất còn hạn chế

- Kinh tế hộ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế và tập trung chủ yếu vào hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong số 184 doanh nghiệp hiện nay, có 161 doanh nghiệp khai thác, nuôi trồng thủy sản (87,5%), 9 doanh nghiệp nông nghiệp (10,3%) và 4 doanh nghiệp lâm nghiệp (2,2%). Đại đa số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô nhỏ và vừa; trong đó, về quy mô lao động có 68,5% doanh nghiệp có dưới 10 lao động, 30,4% có từ 10 đến dưới 200 lao động, chỉ 1,1% có 200 đến dưới 300 lao động; về quy mô vốn, có 89,7% số doanh nghiệp có dưới 10 tỷ đồng, 8,2% có từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng, 1,1% có từ 50 đến dưới 200 tỷ đồng, chỉ 1% có trên 200 tỷ đồng;

- Liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ, tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho nông sản còn hạn chế;

- Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, không tạo ra sản phẩm có quy mô hàng hóa lớn, chất lượng không đồng đều, khó thu hút công nghiệp chế biến và đầu tư của doanh nghiệp.

d) Cơ sở hạ tầng và công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ còn nhiều bất cập, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, ngành nghề, dịch vụ, thương mại nông thôn phát triển chậm; sản phẩm của hộ nông dân, hợp tác xã đang chủ yếu ở dạng thô, sơ chế, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá trị gia tăng thấp;

- Cơ sở hạ tầng, đặc biệt thủy lợi còn hạn chế; một số công trình thủy lợi như hồ Sông Than, hồ Kiền Kiền, Ô Căm, Tân Giang 2, hồ Đa May, … phải giãn tiến độ sang giai đoạn sau. Mặc dù khả năng liên thông hồ chứa đã được cải thiện trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; diện tích chủ động tưới trong hệ thống thủy lợi là 34,791 ha tương đương 50% diện tích được chủ động tưới trong hệ thống thủy lợi;

- Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn hạn chế; tỷ lệ sản phẩm được công nhận đạt các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) còn thấp.

 đ) Đời sống người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn

- Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tại Ninh Thuận còn thấp so với mức bình quân của cả nước.2 Đời sống của người nông dân còn thấp, đặc biệt tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao3;

- Tỷ lệ đói còn cao so với mức bình quân của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa bền vững4; tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn cao.

e) Chương trình nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn

- Chương trình nông thôn mới còn gặp khó khăn trong công tác huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện. Phát triển cơ sở hạ tầng trong Chương trình nông thôn mới chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông sản và vùng chuyên canh các ngành hàng có lợi thế;

- Chương trình nông thôn mới chưa thực sự gắn kết với phát triển chuỗi giá trị và xây dựng vùng chuyên canh các ngành hàng nông sản; làng nghề nông thôn phát triển chậm, chưa thu hút nhiều lao động phi nông nghiệp; kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng hình thức và chất lượng chưa cao.

g) Vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng

- Vệ sinh môi trường ở nông thôn còn hạn chế đặc biệt trong thu gom rác và xử lý nước thải; tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng;

- Hiệu quả trồng rừng, bảo vệ rừng còn thấp, tài nguyên rừng bị suy giảm.

2.2. Nguyên nhân hạn chế

2.2.1. Nguyên nhân khách quan:

- Xuất phát điểm nông nghiệp thấp; sản xuất nhỏ, lẻ; quy mô ngành nông nghiệp nhỏ và quy mô đất đai hạn hẹp hạn chế hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn và thu hút đầu tư của doanh nghiệp để phát triển cụm liên kết sản xuất, chế biến, thị trường;

- Ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu còn hạn chế;

- Khả năng thu hút đầu tư nói chung và cho nông nghiệp, nông thôn nói riêng bị hạn chế do tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và trong nước;

- Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét (hạn hán, lụt,...), tần suất dày, diện rộng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân;

- Dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp (lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm, đốm trắng, hội chứng gan tụy trên tôm nuôi).

2.2.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Phát triển nông nghiệp của Ninh Thuận tập trung nhiều vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo nên quy mô sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản vẫn nhỏ bé, áp dụng công nghệ cao còn hạn chế, thiếu bền vững;

- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ từ nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách cấp trên, chưa có sự chủ động huy động nguồn lực, đầu tư có hệ thống;

- Công tác tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức, tổ chức lại sản xuất - tiêu thụ, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết cho người sản xuất chưa được các cấp, các ngành quan tâm. Một số cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn còn bất cập, công tác triển khai thực hiện chưa đạt kết quả cao;

- Phát triển nông nghiệp dàn trải, đầu tư Nhà nước chưa tập trung vào các điểm tạo đột phá cho nông nghiệp phát triển, vào các ngành hàng chủ lực, có lợi thế để tạo ra sự bứt phá mạnh;

- Đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp tập trung nhiều vào kỹ thuật, hạ tầng như thủy lợi mà chưa chú trọng hỗ trợ về thể chế và tổ chức sản xuất; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, liên kết nông dân - doanh nghiệp chưa gắn với phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;

- Môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh tuy có được cải thiện nhưng còn thấp so với cả nước; năm 2015 chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp thứ 42/63 so với các tỉnh thành phố của cả nước; vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp chưa được chú trọng và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển;

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các chuỗi ngành hàng chưa được chú trọng;

- Chưa chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN), áp dụng các công nghệ mới thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn cho phát triển nông nghiệp;

- Trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở còn thiếu đồng bộ, nhất là trong phối hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Phần thứ 4

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Trong những năm gần đây nhiều nơi trên thế giới đã phải gánh chịu những thiên tai đặc biệt nguy hiểm như hạn hán, nắng nóng, bão, lũ lụt, với tần suất, quy mô và cường độ ngày càng tăng đã gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và tài sản, tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên.

Ninh Thuận là một tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 3.358 km2 dân số gần 597.000 người (2015); mật độ dân số trung bình 170 người/km2, phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng ven biển. Trong thời gian qua, với việc phát huy sức mạnh từ nội lực và sự hỗ trợ to lớn, quý báu của Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế, Tỉnh có những bước phát triển trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, Ninh Thuận thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và Biến đổi khí hậu. Trong những thập kỷ gần đây, Ninh Thuận chịu ảnh hưởng lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, hoang mạc hóa, khô nóng, bão, mưa lớn gây lũ, ngập lụt... Biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến chất lượng nguồn nước, làm suy giảm nguồn nước của các sông, gây xâm nhập mặn ở một số vùng cửa sông, ven biển, đồng thời mưa lớn kết hợp với nhiệt độ tăng cao làm tăng nguy cơ sạt lở đất và gây áp lực lớn lên các hồ chứa.

I. Kịch bản về khí hậu:

1. Kịch bản nhiệt độ trung bình năm vào cuối thế kỷ:

- RCP4.5 (kịch bản phát thải thấp): tăng khoảng 1,8oC, với cận dưới là 1,2oC và cận trên là 2,7oC (ứng với phân vị 10% và 90%);

- RCP8.5 (kịch bản phát thải cao): tăng khoảng 3,4oC, với cận dưới là 2,6oC và cận trên là 4,5oC;

Về nhiệt độ, theo kịch bản phát thải trung bình (B2) thì nhiệt độ trung bình tại Ninh Thuận ở tất cả các mùa đều có xu hướng tăng, nhất là trong mùa hè. Theo dõi thay đổi của nhiệt độ trung bình, tại Ninh Thuận trong giai đoạn 2011 - 2015, khu vực ven biển và vùng phía tây của tỉnh có xu hướng nóng lên; xu hướng tăng cao nhất là trong năm 2015 cao hơn hẳn các năm trước đó trong giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù sự thay đổi của nhiệt độ trung bình không rõ rệt nhưng có sự biến động lớn giữa các năm nhưng nếu nhìn vào phân bố nhiệt độ trung bình giữa các tháng trong năm so sánh giữa hai năm 2011 và 2015 cho thấy khá rõ xu thế lạnh hơn trong 2 tháng đầu năm (mùa đông), các tháng còn lại nền nhiệt cao hơn, nhất là đầu mùa hạ (tháng 5 - 6).

2. Kịch bản lượng mưa trung bình năm vào cuối thế kỷ:

- RCP4.5 (kịch bản phát thải thấp): tăng khoảng 10 - 12%, với cận dưới là -1,9% và cận trên là 29,3% (ứng với phân vị 20% và 80%);

- RCP8.5 (kịch bản phát thải cao): tăng khoảng 5 - 10%, với cận dưới là -3,8% và cận trên là 21,2%.

Về lượng mưa, cũng giống như yếu tố nhiệt độ, lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm tạo ra các cực trị lớn, mùa mưa thì mưa lớn, trong khi mùa khô kéo dài và hầu như không mưa. Thay đổi theo phân bố không gian lượng mưa năm 2010 so với năm 2000 cho thấy, lượng giảm ở phía Đông và tăng ở khu vực phía Tây; khu vực ven biển thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước lượng mưa giảm với mức giảm từ 200mm - 600mm, trong khi khu vực phía Tây thuộc huyện Ninh Sơn lượng mưa tăng cao nhất lên đến 400mm.

3. Kịch bản nước biển dâng vào cuối thế kỷ:

- RCP4.5 (kịch bản phát thải thấp): mực nước biển dâng khoảng 54 cm, với cận dưới là 33 cm và cận trên là 78 cm (ứng với phân vị 5% và 95%);

- RCP8.5 (kịch bản phát thải cao): mực nước biển dâng khoảng 74 cm, với cận dưới là 48 và cận trên là 105 cm (ứng với phân vị 5% và 95%).

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hai nhân tố quan trọng nhất sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất NLTS tại Ninh Thuận là nhiệt độ và lượng mưa, riêng nhân tố nước biển dâng có tác động nhưng không lớn, nhất là trong giai đoạn đến năm 2020.

II. Xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng thời kỳ 1986 - 2014 (biểu hiện của biến đổi khí hậu Ninh Thuận):

- Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng 0,03oC/thập kỷ;

- Lượng mưa năm có xu thế tăng 38 mm/thập kỷ; lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1day) năm có xu thế tăng khoảng 17,3 mm/thập kỷ;

- Mực nước biển trung bình Ninh Thuận có xu thế tăng khoảng 5,1 mm/năm.

III. Những tác động của biến đổi khí hậu:

1. Tác động đến tài nguyên đất:

Tác động của biến đổi khí hậu đến Ninh Thuận biểu hiệu cụ thể là tài nguyên đất bị thoái hóa và diện tích hoang mạc hóa ngày càng tăng. Theo thống kê sơ bộ tổng diện tích đất hoang mạc ở Ninh Thuận là 41.021ha, chiếm 12,21% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh và hiện nay hoang mạc hóa tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Bảng 1. Diện tích đất hoang mạc hóa

STT

Dạng hoang mạc

Năm 2008 (ha)

Năm 2014 (ha)

1

Hoang mạc cát

4.878

9.103

2

Hoang mạc đá

3.457

21.468

3

Hoang mạc muối

11.867

6.407

4

Hoang mạc đất cằn

20.124

4.043

Tổng cộng

40.326

41.021

So với diện tích đất tự nhiên

(12,0%)

(12,21%)

2. Tác động biến đổi khí hậu đến thời tiết:

- Vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau), đặc biệt xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn trung bình nhiều năm (tổng số có 82 ngày nắng nóng). Không có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết Ninh Thuận; dòng chảy mùa khô trên các sông suối khu vực trong tỉnh chịu ảnh hưởng của hạn hán, các sông suối nhỏ đã bị tắt dòng từ giữa tháng 01. Trên sông cái Phan Rang mực nước duy trì ở mức ít biến đổi và duy trì ở mức thấp, mưa ít trong mùa khô; do vậy đã xảy ra khô hạn diện dộng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong mùa khô, không hoặc ít xuất hiện lũ tiểu mãn, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, cộng với tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm tình trạng hạn hán thiếu nước thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh kinh tế của địa phương. Khô hạn và sự thiếu hụt nguồn nước sẽ làm năng suất nông nghiệp giảm sút; các giống cây trồng ưa nước sẽ không cho năng suất và bị các loài ưa khô hạn thay thế, dẫn đến khủng hoảng các hệ sinh thái nông nghiệp bản địa. Diễn biến hạn hán trong những năm qua ngày một nặng nề và phức tạp hơn, điển hình như năm 1993; 2004 - 2005 và hiện nay (2014 - 2016) hạn hán được lập lại gần như theo quy luật cứ khoảng 10 năm lại xảy ra. Thiệt hại do hạn hán:

+ Năm 1993: tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 95 tỷ đồng;

+ Năm 2004 - 2005: tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 165 tỷ đồng, gồm: trồng trọt 96,648 tỷ đồng; chăn nuôi 45,530 tỷ đồng; thủy sản và các ngành khác 23,337 tỷ đồng;

+ Năm 2014 đến tháng 4/2016: tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 1.347,217 tỷ đồng gồm: trồng trọt 834,317 tỷ đồng; chăn nuôi 512,9 tỷ đồng, có 43.935khẩu/8.916 hộ, tại 24 thôn/12 xã thiếu nước, cần được sự hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày;

Hình 1. Biểu đồ mưa trung bình nhiều năm Trạm Tân Mỹ và Phan Rang

Nhận xét: vào các năm 1982 - 1983; 1991 - 1992; 2004 - 2006; 2014 - 2016 khi lượng mưa năm nhỏ hơn lượng mưa trung bình nhiều năm là Ninh Thuận có hạn hán lớn.

- Vào mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11), khu vực ven biển mới có mưa diện dộng. Lượng mưa các năm 2014 - 2016 có ít số ngày mưa to, lượng mưa vùng ven biển ở mức 805,1mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 150mm (đạt 84% so với trung bình nhiều năm); vùng núi ở mức 893,7mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 262mm (đạt 77% so với TBNN). Nhìn chung các khu vực trong tỉnh lượng mưa chỉ đạt 60 - 85% so với trung bình nhiều năm; ngoài thách thức về hạn hán nói trên, vấn đề lũ lụt cũng rất nghiêm trọng bởi sự tập trung những trận mưa lớn bất thường. Với đường bờ biển dài 105km nên khi mưa lớn xảy ra kết hợp với triều cường, bão và áp thấp nhiệt đới, làm cho lũ trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện lũ lớn như lưu vực sông, mật độ che phủ của rừng, … Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến số trận lũ lụt trong năm, xảy ra tần suất ngày càng cao, mức độ diễn biến lũ ngày càng phức tạp. Vào những thập niên 1980, số trận lũ xảy ra trên địa bàn Ninh Thuận là 2,8/trận lũ/năm (lũ trên mức báo động I). Những năm gần đây, số trận lũ đã tăng vọt lên trung bình là 5,2 trận/năm; tính chất lũ ngày càng nguy hiểm, thiệt hại do lũ ngày càng tăng; thiệt hại do lũ, lụt gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận những năm gần đây như sau:

Bảng 2. Mức thiệt hại do lũ, lụt trên địa bàn tỉnh những năm gần đây

STT

Thiệt hại

Đơn vị

1998

1999

2000

2003

2010

1

Số người chết

người

 

1

11

15

3

2

Số nhà bị ngập

nhà

1454

876

5542

23.000

5152

3

Số thuyền bị chìm

thuyền

5

 

5

22

12

4

Diện tích nông nghiệp bị ngập lụt

ha

8762

3.083

6187

16.517

12.947

5

Lúa

ha

5026

2.241

3.988

11.460

7746

6

Hoa màu khác

ha

3736

842

2.199

4.886

4489

7

Số súc vật bị chết

con

1.085

550

27.000

42.951

>10.000

8

Hệ thống thủy lợi bị hư hại

công trình

18

4

7

50

1 hồ bị vỡ

9

Đường sá bị hư hại

công trình

85

8

25

170

40 km

10

Thủy sản bị ảnh hưởng

ha

 

10

2.185

1.059

Toàn bộ diện tích nuôi tôm

11

Tổn thất kinh tế

Tỷ đồng

52,17

7,1

122,4

191

>800

- Ảnh hưởng do xâm nhập mặn: do tính chất lãnh thổ trải dài dọc theo đường bờ biển nên tỉnh Ninh Thuận chịu ảnh hưởng khá mạnh của tiến trình xâm nhập mặn; ảnh hưởng đến hầu hết các sông, kênh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào năm khô hạn, lượng mưa ít và lưu lượng dòng chảy từ các sông đổ về vào mùa kiệt nhỏ. Tuy nhiên, nhờ có một phần địa hình là đồi núi dốc nên mặn không ảnh hưởng quá sâu vào khu vực phía trên địa bàn tỉnh. Theo các số liệu quan trắc độ mặn trên dòng sông Cái (Phan Rang) năm 2010 - 2016, mức độ xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng và xâm nhập mặn đã tiến sâu vào đất liền khoảng 7km (cầu Đạo Long 2); tuy nhiên, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nước ngầm là hết sức trầm trọng. Là tỉnh thiếu nước, nên đa số người dân các xã ven biển đều sử dụng nước dưới đất để sinh hoạt và tưới tiêu, do sức ép gia tăng dân số cùng với việc mở rộng sản xuất, việc khai thác nước ngầm gia tăng, đồng nghĩa với xâm nhập mặn. Vào những năm hạn hán kéo dài như hạn năm 2004 - 2006 và 2014 - 2016 lượng nước mặt bổ cập không có làm trầm trọng thêm hiện tượng này, khiến nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

3. Tác động đến tài nguyên nước:

Có thể nói biến đổi khí hậu ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước mà hệ quả của nó gây tiêu cực đến tất cả các ngành kinh tế quốc dân cũng như đời sống sinh hoạt của con người. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt; nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung. Cụ thể:

- Đối với tài nguyên nước mặt: Ninh Thuận là vùng đất cuối dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi vươn ra biển Đông (diện tích tự nhiên 3.358,3 km2 tự nhiên), có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, vùng núi chiếm 63,2%, trung du chiếm 14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4%. Với vùng khí hậu đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh nên lượng nước mặt được đánh giá là khan hiếm nhất trong cả nước (modul dòng chảy 20 l/s/km2, trong khi giá trị này trung bình cả nước là 35 l/s/km2, khu vực ven biển thậm chí chỉ 5 l/s/km2), lượng mưa hàng năm thấp (trung bình 800 mm/năm). Tổng lượng nước đến của tỉnh khoảng 2,3 tỷ khối năm, nhưng phân bố không đều theo thời gian, ba tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11) lượng nước đến chiếm 76,4%, còn chín tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau) chỉ có 24,6% lượng nước đến và phân bố không đều theo không gian, khu vực phía Tây và Tây Bắc có lượng mưa từ 1000 - 1600 mm/năm, khu vực phía Nam, Đông Nam và đồng bằng Phan Rang có lượng mưa chỉ từ 300 - 800mm/năm. Đồng thời, do địa hình ngắn, dốc, thảm thực vật nghèo nàn nên phần lớn lượng nước mặt trong mùa mưa đều đổ ra biển. Vì vậy, số lượng nước mặt trong tỉnh càng bị hạn chế;

- Đối với tài nguyên nước dưới đất: số lượng nước dưới đất khu vực tỉnh Ninh Thuận cũng thuộc loại nghèo, tầng chứa nước mỏng, mực nước tĩnh nông, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất tỉnh Ninh Thuận là 435.100 m3/ngày (xét về tổng thể thì hiện nay, nước dưới đất tỉnh Ninh Thuận không đáp ứng được cho cung cấp nước sinh hoạt tập trung, nhất là về mùa khô). Thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt dẫn đến việc khai thác quá mức và không thể kiểm soát môi trường của việc khai thác nước ngầm. Hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm nước ngầm gia tăng.

4. Tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành nông, lâm, thủy sản

4.1. Trồng trọt

Diện tích đất nông nghiệp bao gồm các loại đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, đất trồng lúa các loại. Sự biến đổi dị thường của khí hậu tất yếu sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, sản lượng lương thực sẽ bị giảm sút. Biến đổi khí hậu gây nguy cơ thu hẹp diện tích nông nghiệp do nước dâng, nước sông bị nhiễm mặn, diện tích trồng trọt sẽ bị thu hẹp, thiếu đất canh tác. Thay đổi nhiệt độ khiến dịch bệnh xảy ra nhiều trên các loại cây trồng.

Ở Ninh Thuận, nguy cơ hạn hán gây ra hiện tượng khô cằn, sa mạc hóa làm diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp nhất là các cây trồng có nhu cầu về nước cao; năng suất cây trồng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Thiên tai, bão, lũ sẽ làm gia tăng hiện tượng sói mòn, rửa trôi, sạt lở, ảnh hưởng tới tài nguyên đất.

a) Cây lương thực, cây có củ: do ảnh hưởng của hạn hán nên diện tích gieo trồng trong cả 3 mùa vụ của tỉnh Ninh Thuận năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ năm 2014, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 70.250 ha, đạt 88,2% so với kế hoạch, bằng 88,21% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó:

- Nhóm cây lương thực: diện tích gieo trồng giảm 13,76% so với năm 2014, trong đó lúa giảm 13,01%, bắp giảm 15,59%; hạn hán đã làm giảm năng suất lúa của tỉnh 1,42%;

- Nhóm cây lấy củ: diện tích gieo trồng giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cây khoai mì giảm 1,9% về diện tích thu hoạch, sản lượng giảm 4,2%; cây khoai lang giảm 17% diện tích gieo trồng so với cùng kỳ năm trước.

b) Cây mía: diện tích năm 2015 giảm 4,3% so với năm 2014, diện tích cho thu hoạch tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng hầu hết diện tích mía chủ yếu tưới bằng nước trời nên năng suất giảm mạnh do ảnh hưởng hạn hán, giảm 44,8 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng mía giảm 3% so với năm 2014. Do hạn hán kéo dài nên nông dân đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang nhóm cây cho hạt có dầu và các cây trồng cạn khác (đậu phộng, nho), đậu phộng tăng 21,8%, nho tăng 9% so với cùng kỳ.

4.2. Chăn nuôi

Biến đổi khí hậu làm giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh, giảm khả năng sinh sản vật nuôi, giảm nguồn thức ăn, giảm năng suất vật nuôi.

Tác động của biến đổi khí hậu làm cho một số loài vật nuôi bị giảm sức đề kháng do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm và có thể phát triển thành dịch hay đại dịch.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản của vật nuôi, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng và hạn hán như điều kiện ở Ninh Thuận. Tỷ lệ mắc bệnh và vector truyền bệnh là hai nhân tố chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, vật nuôi có thể bị ảnh hưởng stress nhiệt lạnh chịu dưới tác động mạnh của thời tiết nóng nắng hay những đợt lạnh kéo dài.

Biến đổi khí hậu cũng gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của vật nuôi, phần lớn các vùng của Ninh Thuận sẽ bị thiếu thức ăn xanh do phân bố lượng mưa không đều nhất là vào mùa khô, tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài.

Tác động của biến đổi khí hậu đến năng suất vật nuôi: biến đổi khí hậu làm thay đổi yếu tố mùa vụ gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sản, khả năng tiết sữa, tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ chết và sự xuất hiện các bệnh dịch mới với sự biến đổi của nhiệt độ.

a) Gia súc: mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng tổng đàn gia súc vẫn tăng trưởng là nhờ trong 6 tháng cuối năm 2015 đã có mưa rải rác ở một số khu vực nên đã hồi sinh đồng cỏ tự nhiên mọc trở lại sau gần nửa năm chống chọi với tình hình nóng hạn, thiếu nguồn nước lẫn nguồn thức ăn. Với đàn heo, do việc nuôi heo ít ảnh hưởng bởi nắng nóng nên người chăn nuôi vẫn được duy trì.

b) Gia cầm: nắng hạn kéo dài đã kéo dài thời gian nuôi và hạn chế mở rộng đàn, nhất là nuôi vịt chạy đồng, đã dẫn đến giảm cả số lượng đàn và sản lượng gia cầm giết thịt.

4.3. Lâm nghiệp

Biến đổi khí hậu làm thay đổi số lượng và chất lượng hệ sinh thái rừng, làm giảm đa dạng sinh học dẫn đến khả năng điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, … của rừng bị suy giảm.

Nhiệt độ và lượng bốc hơi tăng cùng với hạn hán kéo dài sẽ làm thay đổi thành phần, sự phân bố và khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng. Diện tích cây rừng bị suy giảm mạnh, nhiều loài cây nhiệt đới ưa sáng sẽ di cư lên các vĩ độ cao hơn và các loài cây á nhiệt đới sẽ mất dần; số lượng quần thể các loài động thực vật rừng quý hiếm sẽ ngày càng suy kiệt và nguy cơ tuyệt chủng tăng.

Nhiệt độ tăng và hạn hán kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng nhất là rừng phi lao chắn cát ven biển, vừa gây thiệt hại tài nguyên sinh vật, vừa tăng lượng phát thải khí nhà kính. Biến đổi khí hậu làm phát sinh thêm một số loài sâu, bệnh hại rừng.

Nước biển dâng làm giảm diện tích rừng ngập mặn hiện có, tác động xấu đến diện tích và hệ sinh thái rừng ven biển, tăng nguy cơ cháy rừng trong các thập kỷ tới.

Mực nước biển dâng làm cho rừng ngập mặn sẽ phải chuyển dịch vào trong cửa sông, nếu thích nghi được thì tồn tại còn ngược lại sẽ bị tiêu diệt. Suy thoái rừng ngập mặn sẽ kéo theo nguy cơ xói lở bờ biển, tăng mức độ phá hủy đối với vùng ven biển do bão, và sóng biển.

4.4. Thủy sản

Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài thủy sản nói riêng. Nhiệt độ tăng gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật, nguồn thủy hải sản bị phân tán, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn.

Các tỉnh miền Trung và Ninh Thuận nói riêng, hiện tượng nắng nóng đã làm cho nhiệt độ nước tăng lên quá mức chịu đựng của nhiều loài sinh vật, trong đó có các loài nuôi. Nhiệt độ nước tăng cao làm cho các loài nuôi chết hàng loạt, đặc biệt nghiêm trọng đối với các ao hồ có độ sâu nhỏ; sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thủy sản trong các ao hồ.

Sự suy giảm hàm lượng oxy trong nước ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi, điều này dễ nhận thấy qua hiện tượng phù dưỡng ở vùng nuôi như cá nổi đầu vào buổi sáng trong các ao nuôi hoặc thủy triều đỏ (tảo chết hàng hoạt) ở các vùng ven biển.

Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh xảy ra cho các loài nuôi, nhiệt độ tăng cao làm cho sức khỏe của các loài nuôi giảm, môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại. Trong những năm gần đây do môi trường nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi của thời tiết đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) và tôm thẻ chân trắng chết ở huyện Vạn Ninh gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi tôm hùm lồng tại địa phương. Tình trạng hạn hán xảy ra trong thời gian vừa qua (2015 và các tháng đầu năm 2016) cũng ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Năm 2015 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.307 ha, đạt 61,51% kế hoạch, bằng 75,64% so với năm 2014 một phần là do tác động của hạn hán ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm Đầm Nại, một phần do ảnh hưởng giá tôm thương phẩm giảm mạnh, không đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi.

Bão và áp thấp nhiệt đới còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng nuôi, cần thời gian dài mới có thể phục hồi. Ngoài ra, bão và áp thấp nhiệt đới cường độ mạnh và lượng mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò,...) bị chết hàng loạt gây thiệt hại về kinh tế cho cộng đồng cư dân sống chủ yếu dựa vào hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Thiệt hại kinh tế cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá, khu tránh trú bão, khu neo đậu tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá bị phá hủy, tàu thuyền bị chìm,... Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các cảng cá, khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền sẽ chịu tác động dẫn đến thiệt hại về vật chất và đòi hỏi có đầu tư thích hợp với các diễn biến của biến đổi khí hậu.

4.5. Diêm nghiệp

Biến đổi khí hậu dẫn đến việc xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão trái mùa, lũ lụt triều cường, …với tần suất và cường độ ngày càng lớn hơn là những yếu tố có tác động xấu đến sản xuất muối. Một mặt các hiện tượng thời tiết bất thường này làm giảm hiệu quả sản xuất của diêm dân, làm giảm chất lượng muối do bị lẫn phù sa, tăng chi phí sản xuất, … nhưng mặt khác làm cho cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống đê, kè, cống, mương… bị tàn phá, xuống cấp ngày càng nặng nề hơn, dẫn đến giảm khả năng sản xuất của các đồng muối, do vậy làm ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân.

Theo thống kê năm 2009, Ninh thuận là tỉnh có diện tích sản xuất muối đứng thứ 2 cả nước (chiếm 10,22%) sau Bạc Liêu nhưng lại là tỉnh có sản lượng muối lớn nhất năm 2015 với quy mô diện tích đồng muối của toàn tỉnh lên đến 3.028ha và sản lượng muối thu hoạch lên đến 509.092 tấn (khoảng 34% tổng sản lượng muối toàn quốc), tuy nhiên muối Ninh thuận chủ yếu được sản xuất từ khu Công nghiệp Quán Thẻ, việc tích nước mặn trên cao kết hợp với nắng hạn kéo dài đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng về nhiễm mặn cho môi trường đang cần có các giải pháp xử lý thỏa đáng.

4.6. Thủy lợi

Do tác động của biến đổi khí hậu, các cơn bão có xu hương mạnh lên về cường độ, di chuyển dịch về phía nam và đến muộn với các đường di chuyển dị thường hơn. Bão là nguyên nhân gây thiệt hại cho các hệ thống đê sông, đê biển, úng lụt ngày càng nghiêm trọng và nước mặn tràn sâu vào đất liền.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước mùa khô diễn ra ngày càng phổ biến, việc khai thác, sử dụng nước không phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước. Lũ quét, tố và lốc tàn phá nhà cửa, cây cối, công trình thủy lợi ngày càng khốc liệt; nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền, đồng ruộng làm cho nhiều công trình thủy lợi không còn hoạt động bình thường, ảnh hưởng đến nhiều công trình tưới tiêu. Đợt hạn hán kéo dài trong năm 2014-2015 và các tháng đầu năm 2016 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh Ninh thuận. Phần hạ tầng các công trình thủy lợi bị phơi trong điều kiện nắng nóng và khô hạn kéo dài làm các công trình xuống cấp nhanh ảnh hưởng lớn đến năng lực tưới tiêu của hệ thống.

Mưa lớn kéo dài làm cho các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó còn làm tăng trượt lở đất, xói mòn sẽ làm tăng lượng phù sa và làm lắng đọng lòng hồ, giảm dung tích hữu ích của hồ chứa. Trữ lượng nước ngầm giảm, mực nước ngầm bị hạ thấp dần, khả năng khai thác của các giếng nước ngầm cũng bị giảm sút không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt và tưới tiêu.

Phần thứ 5

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

I. Thời cơ và thách thức:

1. Thời cơ:

- Định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu nông nghiệp của cả nước tạo động lực từ bên ngoài, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Ninh Thuận hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững;

- Quyết tâm của địa phương trong phát triển nông nghiệp, theo đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được xác định là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận đến năm 2020. Đồng thời, sự phát triển của hai trụ cột kinh tế còn lại là du lịch và năng lượng (điện gió, điện mặt trời) tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản;

- Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ninh Thuận trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Ninh Thuận được lựa chọn là một trong 7 tỉnh thực hiện thí điểm đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, chủ trương phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận cho phép tỉnh có thể đề xuất cơ chế đặc thù và ưu tiên đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đang trên đà phục hồi sẽ cải thiện thu nhập, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm Ninh Thuận có thế mạnh như trái cây, thủy sản, thịt;

- Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang dần được hoàn thiện như dự án nâng cấp quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển qua địa bàn Ninh Thuận đã hoàn thành, tăng tính kết nối giao thông và mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội5;

- Sự phát triển của khoa học và công nghệ cho phép giảm thiểu sự phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, như vấn đề khô hạn trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản;

- Điều kiện khí hậu khô hạn kéo dài của Ninh Thuận với độ ẩm không khí thấp, năng lượng bức xạ lớn, độ mặn trung bình cao tạo điều kiện thuận lợi và lợi thế so sánh cho sự phát triển của một số ngành hàng NLTS đặc thù như nho, táo, tỏi, bò, dê, cừu, giống cây lương thực (lúa, ngô,...), giống thủy sản6 và muối.

2. Thách thức:

- Tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiệt độ gia tăng, mùa đông ấm ở miền Bắc; hạn hán xảy ra trên diện rộng, đặc biệt các tỉnh Bắc Trung Bộ, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên; nhiễm mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, Ninh Thuận đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán dẫn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nước cho cây trồng và vật nuôi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại thủy sản nuôi trồng;

- Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới với những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như TPP, Việt Nam - EU, … được dự báo sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng mà Ninh Thuận đang có lợi thế cạnh tranh như: bò, dê, cừu, nho, táo, … Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn chịu sức ép cạnh tranh từ các địa phương trong nước có các sản phẩm chủ lực tương tự;

- Thị trường trong nước và xuất khẩu có giá cả bất ổn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với thủy sản, ngành hàng chủ lực của Ninh Thuận, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân;

- Cạnh tranh trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ ngày càng gay gắt;

- Cạnh tranh về nguồn lực và tài nguyên giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với khu vực công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cạnh tranh về vốn, lao động và tài nguyên nước với ngành nông nghiệp;

- Cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gồm chuyên gia, trí thức về công tác tại tỉnh, huyện và cơ sở.

II. Quan điểm:

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một bộ phận quan trọng của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển chung của tỉnh. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, du lịch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nhanh bền vững cả về chiều rộng và chiều sâu;

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các ngành hàng Ninh Thuận có lợi thế, đặc thù, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, coi trọng tính hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ ở những vùng, cây trồng, vật nuôi có điều kiện;

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải chú trọng đến người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, nhóm bị tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và thị trường;

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, là một quá trình khó khăn và lâu dài, cần được thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

III. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

- Khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu;

- Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tăng khả năng cạnh tranh thông qua sự khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường;

- Nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu7:

- Đến năm 2020: tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn giai đoạn trước, đạt bình quân 6 - 7%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7 - 8%/năm. Từng bước ứng dụng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu, phấn đấu nông, lâm nghiệp chiếm 49% (trong nông nghiệp trồng trọt chiếm 68%, chăn nuôi 28,2%, dịch vụ 3,8%, lâm nghiệp 0,3%), thủy sản 51%8. Thu hút 2-3 doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; nâng giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp chủ động nước tăng ít nhất 1,5 lần, có 50% số xã và 1 - 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm 2%/năm. Trồng rừng mới đạt 3.580 ha (trong đó rừng phòng hộ: 1.660 ha và rừng sản xuất: 1.920 ha) và chăm sóc rừng trồng đạt 4.122 ha; dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%;

- Đến năm 2030: tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, có tính đặc thù địa phương với vai trò đầu tàu là các doanh nghiệp lớn liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân. Phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần vào năm 2020. Xây dựng nông thôn mới hiện đại theo hướng bền vững.

IV. Các khâu đột phá:

- Một là, thu hút đầu tư công, đầu tư của các nhà tài trợ, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng để hạn chế tác động biến đổi khí hậu; trong đó chú trọng cơ cấu lại ngành thủy lợi theo hướng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, liên thông các hồ chứa, liên thông các hệ thống tưới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước;

- Hai là, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản; thu hút, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị;

- Ba là, tổ chức lại sản xuất theo hướng thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân làm hạt nhân trung tâm, liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ;

- Bốn là, nâng cao nhận thức, tư tưởng, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết và các chủ trương, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, đến cộng đồng và người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, tạo sự thống nhất, chỉ đạo tập trung góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

V. Định hướng tái cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản:

1. Trồng trọt:

1.1. Định hướng tổng thể:

1.1.1. Ưu tiên:

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng theo hướng tăng tỷ trọng của cây ăn quả, cây công nghiệp và cây rau đậu; giảm tỷ trọng cây lương thực. Chú trọng phát triển các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao và trung bình (nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây, mía, sắn; giống lúa, ngô); nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn kết với tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường cho xuất khẩu;

- Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng chống chịu khô hạn, cây trồng phục vụ phát triển chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, trước mắt đối với các cây trồng chủ lực (nho, táo, rau, mía) để hạn chế thiệt hại do hạn hán. Phấn đấu chuyển đổi trên 8 ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả thuộc khu vực tưới các hồ thủy lợi nội tỉnh, trong đó chuyển đổi khoảng 2.000 ha trong giai đoạn 2016 - 20209. Đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa 18.633 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 15.900 ha, sản lượng khoảng 275 ngàn tấn. Mở rộng diện tích trồng bắp luân canh trên đất lúa, trên đất chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả và các cây hoa màu khác, diện tích gieo trồng bắp đạt 25 ngàn ha, sản lượng đạt 100 ngàn tấn vào năm 2020. Phát triển diện tích nho, táo đạt qui mô 3.200 ha, sản lượng khoảng 50 ngàn tấn nho, 55 ngàn tấn táo. Mở rộng diện tích trồng mía đạt qui mô 5.000 ha, sản lượng 300 ngàn tấn, đầu tư theo hướng thâm canh, cơ giới hóa, tưới tiết kiệm; ổn định diện tích cây sắn 2.500 -3.000 ha, sản lượng 60 ngàn tấn và sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn khi giải quyết được thủy lợi. Đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm như các vùng rau, quả, các vùng nho, táo ứng dụng công nghệ cao ven thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn. Phát triển các cây trồng mới gắn ứng dụng công nghệ cao, có thị trường tiềm năng như cây măng tây đạt 500 ha, cây nha đam đạt 500 ha vào năm 2020.

1.1.2. Quy hoạch vùng chuyên canh và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng

- Hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao và công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các vùng chuyên canh gồm:

+ Lúa tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải; đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 48.500 ha;

+ Ngô tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Bắc; đến 2020, diện tích gieo trồng ngô đạt 25.000 ha;

+ Sản xuất giống cây trồng (lúa, ngô, …) tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm;

+ Nho tập trung ở các huyện Ninh Phước (Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Thuận), Ninh Hải, Ninh Sơn (xã Nhơn Sơn), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Thuận Nam; đến năm 2020, diện tích trồng nho đạt 2.000ha;

+ Táo tập trung ở huyện Ninh Phước (Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Dân, An Hải); Ninh Hải (Xuân Hải, Vĩnh Hải, Nhơn Hải), Ninh Sơn (Nhơn Sơn), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Đô Vinh, Văn Hải, Mỹ Hải, Thành Hải); đến năm 2020, diện tích trồng táo đạt 1.200 ha;

+ Tỏi, hành tập trung ở các huyện Ninh Hải (Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải), Ninh Phước (An Hải), Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Văn Hải); đến năm 2020, diện tích gieo trồng tỏi, hành đạt 450 ha;

+ Rau, đậu: đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau, đậu các loại khoảng 11.000 ha; các vùng chuyên canh tập trung ở ven thành phố, thị trấn, vùng đất cát ven biển;

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: sắn, mía tập trung ở huyện Ninh Sơn, Bác Ái; đến năm 2020, diện tích trồng sắn đạt 2.500 - 3.000 ha; mía đạt 5.000 ha. Thuốc lá tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước; đến 2020, diện tích trồng thuốc lá đạt 1.000 ha. Điều tập trung ở các huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn; đến 2020, diện tích trồng điều đạt 3.500 ha;

+ Cây trồng mới: đến năm 2020, diện tích trồng cây măng tây đạt 500 ha, tăng 324 ha so 2015, tập trung ở các huyện Ninh Phước (200 ha), Ninh Hải (100 ha), Ninh Sơn (50 ha), Thuận Bắc (50 ha), Thuận Nam (50 ha) và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (50 ha). Diện tích trồng cây nha đam đạt 500 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước (200 ha), thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (200 ha), Ninh Hải (50 ha), Ninh Sơn (25 ha), Thuận Bắc (25 ha).

- Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ đối với các cây trồng có lợi thế.

1.1.2. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ:

- Để biến vùng đất thiếu nước, khô hạn thành vùng sản xuất trồng trọt có giá trị gia tăng cao, cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó công nghệ trung tâm là tưới nước tiết kiệm và phát triển, ứng dụng các giống cây trồng mới chịu hạn, chịu nóng theo các quy trình canh tác tổng hợp “giảm vật tư đầu vào, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm tạo ra (quản lý dinh dưỡng tổng hợp - ICM, quản lý dịch hại tổng hợp - IPM, 1 phải 5 giảm ở canh tác lúa, qui trình VietGAP, Global GAP, qui trình nông sản hữu cơ);

- Nghiên cứu chuyển đổi hệ thống cây trồng, thử nghiệm các loài cây trồng mới để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của Ninh Thuận. Chú trọng mở rộng diện tích được cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, đặc biệt thu hoạch lúa, phát triển ứng dụng công nghệ sau thu hoạch như sơ chế, bảo quản, chế biến; ứng dụng bản đồ số hóa trong quản lý cây trồng;

- Các doanh nghiệp hoặc trang trại có thể ứng dụng công nghệ cao đồng bộ, các nông hộ có liên kết theo vùng ứng dụng công nghệ cao ở mức độ phù hợp.

1.2. Định hướng nhóm ngành hàng:

1.2.1. Cây ăn quả:

- Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, ưu tiên trồng nho, táo phù hợp với quy hoạch theo nhu cầu thị trường. Phát triển vùng sản xuất nho, táo sản xuất theo quy trình chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất nho, táo tìm kiếm và phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nho, táo tại các hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đẩy mạnh quảng bá chỉ dẫn địa lý nho và nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận;

- Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng ưu tiên phát triển các mô hình trang trại, hợp tác xã trồng nho, táo. Khuyến khích, hỗ trợ hộ sản xuất nho, táo hình thành các hợp tác xã. Phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, hệ thống siêu thị. Thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến và kinh doanh nho, táo;

- Gắn hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh với các vườn nho, táo nhằm quảng bá chất lượng, thương hiệu cũng như tiêu thụ nho, táo tại chỗ của khách du lịch;

- Áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (để cải thiện năng suất, chất lượng), quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm số lần phun, giảm chi phí sản xuất), canh tác nho, táo hữu cơ sinh học, áp dụng quy trình canh tác VietGAP; xây dựng mô hình trồng nho nhà lưới để tránh tổn thất trong mùa mưa.

1.2.2. Cây rau, đậu, gia vị:

- Duy trì ổn định diện tích trồng rau, đậu, cây gia vị các loại; rà soát, chuyển đổi một phần diện tích đất lúa nước kém hiệu quả sang phát triển rau, đậu, cây gia vị các loại. Mở rộng vùng trồng rau an toàn, tỏi làm nguyên liệu cho sản xuất, chế biến dược phẩm như tỏi đen theo nhu cầu thị trường;

- Khuyến khích thành lập tổ hợp tác/hợp tác xã sản xuất rau an toàn, tỏi; nâng cao năng lực về quản lý, tổ chức sản xuất và tiếp thị sản phẩm cho các tổ, nhóm, hợp tác xã trồng rau an toàn, tỏi; hỗ trợ các hợp tác xã tìm kiếm thị trường, liên kết kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm;

- Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm đối với các sản phẩm rau, gia vị;

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp cải thiện hiệu quả sản xuất rau, gia vị, đậu gồm xây dựng và áp dụng quy trình trồng rau an toàn (hiện đã có quy trình cho 11 loại rau), áp dụng tưới tiết kiệm nước, riêng hành, tỏi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn, đảm bảo VSATTP cho người sản xuất và hợp tác xã;

- Ngoài phát triển các vùng chuyên canh rau, phát triển mô hình trồng rau đa dạng trong vườn nhà hộ nông thôn để bổ sinh vitamin, cải thiện dinh dưỡng, góp phần giảm thiểu tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

1.2.3. Cây lương thực:

- Ưu tiên phát triển giống cây lương thực (giống lúa, giống ngô), mở rộng diện tích giống cây lương thực phù hợp với quy hoạch theo nhu cầu thị trường. Đổi mới tổ chức sản xuất giống cây lương thực theo hướng các trang trại, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp/trung tâm giống cây trồng. Thu hút các doanh nghiệp, viện nghiên cứu giống cây trồng tham gia nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất giống cây lương thực;

- Chuyển đổi diện tích lúa thương phẩm kém hiệu quả, thiếu nước tưới sang trồng có hiệu quả cao hơn, tiết kiệm nước như cây ngô, rau, đậu;

- Tổ chức sản xuất lúa, ngô thương phẩm ở quy mô hộ gia đình phục vụ cho mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Áp dụng các loại giống lúa, ngô mới, năng suất cao, thích nghi với điều kiện khô hạn, phù hợp với nhu cầu thị trường; bón phân đúng liều lượng kết hợp phòng trừ sâu bệnh; tưới nước tiết kiệm. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình 1P5G, IPM, ICRM, SRI cho sản xuất lúa để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

1.2.4. Cây công nghiệp:

- Tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất nhỏ liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến;

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (giống, canh tác, tưới nước tiết kiệm) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển hợp lý công nghiệp chế biến.

1.2.5. Cây có củ:

- Giảm diện tích gieo trồng sắn tại các khu vực kém hiệu quả, chuyển đổi diện tích trồng sắn không hiệu quả sang các cây trồng mới hoặc cây trồng làm thức ăn chăn nuôi;

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (giống, canh tác, tưới nước tiết kiệm) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;

- Tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất, trang trại liên kết theo hợp đồng nông sản với doanh nghiệp chế biến tinh bột;

- Phát triển hợp lý công nghiệp chế biến tinh bột.

1.2.6. Cây trồng mới:

- Nghiên cứu, phát triển diện tích trồng một số cây trồng mới, có tiềm năng kinh tế cao như măng tây, nha đam;

- Áp dụng quy trình kỹ thuật trồng phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng;

- Tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất liên kết với doanh nghiệp chế biến nha đam, măng tây.

2. Chăn nuôi:

2.1. Định hướng tổng thể:

2.1.1. Ưu tiên:

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi bò, dê, cừu; ổn định đàn heo và gia cầm theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng giống mới năng suất cao, tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%; đàn dê, cừu lai giống mới đạt 90%; tỷ lệ nạc hóa đàn heo 90%;

- Từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, gắn với thu hút đầu tư của doanh nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi chất lượng cao, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;

- Ưu tiên phát triển các con nuôi có lợi thế đến năm 2020 tổng đàn trâu, bò đạt 144.000 ngàn con, dê cừu đạt 255 ngàn con, phát triển đàn heo theo hướng các trang trại công nghiệp đạt quy mô tổng đàn 110 ngàn con. Ổn định tổng đàn gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp đạt qui mô 2 triệu con; thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt cao sản, dê thịt, dê sữa qui mô lớn từ 20 - 30 ngàn con/trang trại tại các vùng tưới các hồ thủy lợi nội tỉnh gắn với việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cỏ chất lượng cao, các hộ nông dân là vệ tinh hoặc cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài.

2.1.2. Quy hoạch vùng chăn nuôi:

- Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, có quy mô trung bình, hiện đại gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm gồm:

+ Trâu, bò: chăn nuôi trâu, bò tập trung ở các xã miền núi và vùng gò đồi thấp, xa các khu dân cư, xa khu công nghiệp thuộc 5 huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Sơn; trong đó, vùng liên kết chăn nuôi giết mổ tập trung ưu tiên đầu tư tại các huyện Ninh Phước và Ninh Sơn; đến 2020, tổng đàn trâu, bò đạt 144.000 con; trong đó trâu 4.000 con; bò 140.000 con;

+ Dê, cừu: chăn nuôi dê ở vùng miền núi, vùng đồ gò thấp thuộc các huyện Thuận Nam (Cà Ná, Phước Diêm), Ninh Sơn (Mỹ Sơn, Hòa Sơn); chăn nuôi cừu ở các vùng đồng bằng và đồi gò tiếp giáp vùng đồng bằng, tại các huyện Ninh Phước (Phước Hữu), Thuận Nam (Văn Lâm), Ninh Hải (Xuân Hải), Ninh Sơn (Mỹ Sơn), Bác Ái (Phước Trung). Vùng chuyên canh liên kết chăn nuôi giết mổ dê, cừu tập trung ưu tiên đầu tư tại Ninh Phước và Thuận Nam. Đến 2020, tổng đàn dê, cừu đạt 255.000 con; trong đó, dê 100.000 con, cừu 155.000 con;

+ Heo: chăn nuôi heo ở các huyện Ninh Phước, Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc; đến 2020, tổng đàn heo đạt 115.000 con;

+ Gia cầm: chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải; đến 2020, tổng đàn gia cầm đạt 2.100.000 con.

2.1.3. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ: nhập các giống vật nuôi (cừu, dê, bò) để cải thiện năng suất, chất lượng đàn, chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao; phương thức chăn nuôi thích hợp tạo thịt có chất lượng cao, đặc sản; ứng dụng tiêu chuẩn và quy trình vệ sinh an toàn cho chế biến và giết mổ theo quy chuẩn ngành; hệ thống giám sát, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

2.1.4. Cơ sở hạ tầng: phát triển đồng cỏ chăn nuôi gia súc có sừng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn.

2.1.5. Kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm: tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý dịch bệnh trong chăn nuôi; an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ.

2.2. Định hướng nhóm ngành hàng:

2.2.1 Bò, dê, cừu

- Rà soát, xây dựng vùng sản xuất tập trung bò, dê, cừu gắn với an toàn dịch bệnh. Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị;

- Chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh nông hộ sang chăn nuôi tập trung; từ quy mô hộ sang quy mô trang trại phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tăng cường kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hoang mạc hóa do chăn nuôi;

- Cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò, dê, cừu; hỗ trợ, khuyến khích hộ sản xuất hộ sản xuất nhỏ, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến;

- Chăn nuôi gia súc tập trung cải thiện kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng thương hiệu đối với dê, cừu. Các biện pháp kỹ thuật để cải thiện hiệu quả chăn nuôi gia súc bao gồm tiêm phòng bệnh thường xuyên, cải thiện chất lượng con giống, cải thiện khẩu phần ăn;

- Phát triển đồng cỏ chăn nuôi cho gia súc có sừng kể cả đối với chăn nuôi quy mô trang trại và quy mô hộ gia đình.

2.2.2 Các vật nuôi khác

- Phát triển chăn nuôi quy mô hộ để tự cung ứng thịt, cải thiện dinh dưỡng, góp phần giảm thiểu tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng;

- Thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chăn nuôi quy mô trang trại và xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ cung ứng đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với heo, gia cầm;

- Tập trung vào nâng cao chất lượng, áp dụng giống mới năng suất cao; đồng thời, chú trọng duy trì hợp lý giống bản địa đối với heo, gia cầm.

3. Thủy sản:

3.1. Định hướng tổng thể:

3.1.1 Ưu tiên:

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của sản xuất giống, khai thác hải sản xa bờ;

- Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và cân bằng sinh thái môi trường; mở rộng nuôi trồng trên biển. Từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao trình độ công nghệ nuôi, cấu trúc lại hệ thống ao đìa thành các khu vực chuyên ứng dụng công nghệ cao và các khu vực nuôi sinh thái bền vững. Diện tích nuôi đạt 2.350 ha, sản lượng nuôi 18 - 20 ngàn tấn vào 2020; trong đó tôm trên 1.000 ha, sản lượng tôm nuôi là 12 ngàn tấn. Quy hoạch lại và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống; khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết hình thành các tập đoàn đầu tư công nghệ hiện đại, giữ vững vị thế là trung tâm giống chất lượng cao của cả nước, sản lượng đạt 36 tỷ con vào 2020. Tiếp tục quy hoạch lại và đầu tư hoàn thiện hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung và vùng nuôi thủy sản thương phẩm An Hải, Sơn Hải; đầu tư giai đoạn II dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) và cấp thoát nước đầm Nại; đầu tư mới hạ tầng vùng sản xuất giống Nhơn Hải, tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp đầu tư mở rộng qui mô, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật để ứng dụng công nghệ cao;

- Đẩy mạnh khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu sang các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê để khai thác các sản phẩm vùng khơi có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng. Tiếp tục thực hiện Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản gắn với thực hiện các chính sách phát triển thủy sản; khuyến khích đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Đến 2020 tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc, có tổng công suất 380 ngàn CV, khai thác đạt 75 - 80 ngàn tấn hải sản/năm; đầu tư các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt: Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná, các bến cá Mỹ Tân, Sơn Hải để phát triển khai thác đánh bắt xa bờ theo hướng đầu tư đồng bộ hạ tầng, dịch vụ đóng sửa chữa tàu thuyền, phát triển dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm.

3.1.2. Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản:

a) Đối với nuôi mặn, lợ:

- Khôi phục ổn định từ 1.200 - 1.300 ha nuôi tôm ở đầm Nại, đầm Sơn Hải và vùng nuôi trên cát An Hải;

- Đối với khu vực đầm Nại: tập trung phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm chân trắng. Tại một số diện tích nuôi tôm không hiệu quả, khó khăn về nguồn nước ngọt chuyển đổi nuôi các đối tượng hải đặc sản như hàu, cua, ghẹ, ốc hương, cá lợ mặn;

- Đối với khu vực đầm Sơn Hải: chỉ nuôi và phát triển đối tượng tôm chân trắng; củng cố và mở rộng hoạt động của vùng nuôi tôm an toàn Sơn Hải do Ủy ban nhân dân xã thành lập vào năm 2012;

- Đối với vùng nuôi trên cát xã An Hải (Ninh Phước) - xã Phước Dinh (Thuận Nam): xác định đối tượng chính là tôm chân trắng; đây là nơi tập trung các hộ nuôi có quy mô diện tích lớn và khả năng tài chính nên có điều kiện phát triển thành lập khu nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh. Ngoài ra, phát triển nuôi ốc hương thương phẩm khoảng 20 ha theo hình thức luân canh đa dạng đối tượng nuôi.

b) Đối với nuôi biển:

- Đối tượng nuôi chính là tôm hùm, bao gồm ương tôm hùm giống và nuôi tôm hùm thương phẩm tại vùng quy hoạch C1, C2 tại vịnh Phan Rang. Bổ sung đối tượng cá bớp theo hình thức nuôi lồng bè tại vùng C1, C2 vịnh Phan Rang; ở đầm Nại nuôi hàu và trồng rong sụn, vùng biển xã Phước Dinh trồng rong sụn. Ngoài ra, phát triển đa dạng các đối tượng khác như cá chim, cá mú,...

- Chú trọng phát triển nuôi lồng bè trên biển, trong đó tập trung các đối tượng giá trị cao: tôm hùm, cá bớp lồng bè, rong sụn nhằm giảm tải sức tải môi trường, phát triển đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi.

c) Đối với nuôi nước ngọt: duy trì các đối tượng nuôi truyền thống góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững; tập trung phát triển thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ (ba ba, cá lóc, cá lăng, cá trê lai, ếch, …).

 d) Đối với sản xuất giống thủy sản: xác định đối tượng chủ lực là tôm sú giống và tôm chân trắng giống tại 02 khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Đồng thời, mở rộng thêm 130 ha khu sản xuất giống tập trung xã An Hải từ diện tích của dự án nuôi trồng thủy sản chuyển sang sản xuất giống thủy sản, nâng quy mô khu sản xuất giống thủy sản tập trung xã An Hải lên 255 ha.

3.1.3. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ:

- Đối với sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi thâm canh công nghiệp, công nghệ cao. Lựa chọn để du nhập các công nghệ mới hiện đại trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản phù hợp với điều kiện Ninh Thuận; xây dựng vùng nuôi an toàn và hiệu quả;

- Đối với khai thác hải sản, từng bước nâng cao công nghệ khai thác và bảo quản của tàu thuyền hướng tới khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt. Đầu tư tăng cường năng lực thiết bị, công nghệ bảo quản chế biến các sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tiện lợi trong sử dụng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

3.1.4. Cơ sở hạ tầng:

- Đối với sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cấp nước mặn, ngọt, xử lý nước thải, v.v. cho khu vực nuôi tôm đầm Nại, đầm Sơn Hải và khu nuôi tôm trên cát xã An Hải;

- Đối với khai thác hải sản, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ theo hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm dịch vụ, hậu cần nghề cá của khu vực. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ra, vào, neo đậu, tránh trú bão của tàu có công suất 1.000 - 1.200 CV.

3.2. Định hướng nhóm ngành hàng:

3.3.1. Tôm giống:

- Ưu tiên sự tham gia của doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư bài bản, quy mô nhằm xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận cho thị trường nội địa. Phát triển liên kết trực tiếp sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống với các trại nuôi tôm thương phẩm thông qua hợp đồng nông sản;

- Xây dựng và phát triển thương hiệu cho con tôm giống Ninh Thuận, nhấn mạnh vào chất lượng con giống;

- Chú trọng môi trường và cảnh báo dịch bệnh: tăng cường hoạt động của hệ thống cơ quan chức năng về quản lý nước thải, chất thải, giám sát môi trường để sản xuất giống. Thành lập trung tâm phân tích, quản lý, giám sát môi trường các vùng sản xuất giống tập trung ở xã An Hải và xã Nhơn Hải. Các trại sản xuất giống phải có khu xử lý, qui trình nước thải và giải pháp xử lý chất thải rắn được đưa vào quy định; xây dựng quy chế để cơ quan phân tích, quản lý, giám sát môi trường có thể thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, xử phạt;

- Công nghệ sản xuất giống: các doanh nghiệp nước ngoài được khuyến khích phổ biến các công nghệ mới hỗ trợ các cơ sở nhỏ, nhất là công nghệ xử lý nước thải, góp phần bảo vệ môi trường chung. Hàng năm nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của tỉnh được ưu tiên sử dụng, các nguồn từ Trung ương được tranh thủ huy động để thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất tôm giống và kiểm soát dịch bệnh, an toàn môi trường;

- Kiểm soát chất lượng con giống: kiện toàn các đơn vị chức năng trong tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước (Cục Thú y) quản lý chặt chẽ 100% tôm bố mẹ, kể cả trứng và ấu trùng Nauplius nhập ngoại, nhập từ các tỉnh khác để đảm bảo các sản phẩm trên sạch bệnh. Tất cả các cơ sở sản xuất giống tôm tại Ninh Thuận không làm nhiệm vụ ương dèo, phải sản xuất từ tôm bố mẹ hoặc ương từ Nauplius. Các cơ sở sản xuất tôm thẻ hay tôm sú không sản xuất 2 đối tượng trong cùng 1 trại cùng 1 thời điểm, đề phòng dịch bệnh lây chéo (dịch bệnh Taura) ngay từ tôm bố mẹ, ấu trùng và tôm giống;

- Tôm giống bố mẹ: tôm bố mẹ sẽ từng bước ưu tiên sử dụng tôm bố mẹ sản xuất trong nước, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh các Dự án nghiên cứu sản xuất gia hóa tôm bố mẹ; đầu tư nâng cấp Trung tâm giống Hải sản cấp I của tỉnh đủ điều kiện và năng lực tiếp nhận sản phẩm tôm bố mẹ gia hóa, nuôi vỗ cung cấp cho các cơ sở sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh kết hợp với các Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II và III tiếp nhận, khảo nghiệm và tiêu thụ tôm thẻ chân trắng bố mẹ được gia hóa, sản xuất tại Việt Nam nhằm chủ động khâu then chốt ban đầu;

- Định hướng phát triển chuỗi ngành hàng khép kín từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ tại các trại nuôi tôm thương phẩm;

- Hai khu An Hải và Nhơn Hải sẽ được tổ chức thành 2 khu sản xuất tôm giống tập trung với đối tượng 90% là tôm thẻ chân trắng. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác/hợp tác xã với quy mô và năng lực tài chính lớn hơn để đầu tư đồng bộ;

- Kiện toàn Hiệp hội tôm giống, vận động và có biện pháp để 100% các cơ sở sản xuất tôm giống tham gia Hiệp hội; các cơ sở sản xuất phải tự kiểm tra đảm bảo chất lượng tôm giống do mình sản xuất nhưng phải được tự kiểm soát bằng Quy chế của Hiệp hội và của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo uy tín chung cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.

3.2.2. Khai thác hải sản:

- Đến năm 2020, tổng số tàu thuyền 2.900 chiếc, tổng công suất 380.000 CV, trong đó số lượng tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên đạt 1.200 chiếc; sản lượng khai thác hải sản đạt 75.000 tấn;

- Ngành khai thác hải sản sẽ tiếp tục cung cấp nguồn hải sản tươi/đông lạnh cho thị trường tiêu thụ nội địa và nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Xuất khẩu hải sản đông lạnh, khô sẽ tập trung vào phân khúc thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng cao như Nhật, Mỹ; đồng thời tiếp tục xuất khẩu hải sản khô vào phân khúc thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng trung bình như Trung Quốc..., sản phẩm hải sản tiêu thụ nội địa sẽ vẫn tiếp tục giữ vững phân khúc thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm trung bình (bán tại các chợ), từng bước tiến tới cung cấp cho phân khúc thị trường yêu cầu chất lượng cao (bán tại các hệ thống siêu thị);

- Khoảng 40% tàu cá khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết; trong đó 90% tàu cá đánh bắt ở vùng khơi tổ chức sản xuất gắn với tàu dịch vụ hậu cần trên biển; 100% tàu cá khai thác ở vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường;

- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%; áp dụng rộng rãi hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; giảm số tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển;

- Tiếp tục phát triển các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, tiến tới thành lập các Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản giải quyết tốt khâu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để giảm chi phí vận chuyển, bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn nghề cá. Phấn đấu có từ 70 - 75% số tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên là thành viên các tổ, đội ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển hay các hợp tác xã.

3.2.3. Nuôi trồng thủy sản:

- Đến 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.350 ha; trong đó nuôi tôm đạt 1.000 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.620 tấn, trong đó tôm 12.000 tấn; sản lượng con giống đạt hơn 36 tỷ con;

- Đối với các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định như tôm sú, tôm chân trắng tiếp tục củng cố các thị trường hiện tại, tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường mới. Đối với các sản phẩm cá và thủy sản đặc sản, ngoài các thị trường tiêu thụ truyền thống (chủ yếu là nội địa trong tỉnh và một số tỉnh lân cận) cần xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, siêu thị thông qua đầu mối trung gian là hiệp hội, hợp tác xã nghề nghiệp;

- Đối với nuôi mặn, lợ: tập trung phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh, trong đó mật độ nuôi tôm sú dao động 10 - 20 con/m2, tôm thẻ chân trắng 100 - 150 con/m2; chuyển đổi các vùng nuôi quảng canh truyền thống sang áp dụng các mô hình nuôi sinh thái, nuôi ghép đa đối tượng như tôm sú và cá rô phi, tôm sú và cua ghẹ; mật độ dao động 50 - 70 con/m2 (đối với tôm thẻ) và 10 - 15 con/m2 (đối với tôm sú) kết hợp trồng rừng ngập mặn nhằm tạo sinh cảnh và cải thiện môi trường vùng nuôi;

- Đối với nuôi biển: tập trung phát triển nuôi lồng bè, trong đó tập trung các đối tượng giá trị cao như: tôm hùm, cá mú, cá bớp ốc hương, rong sụn, v.v. nhằm giảm tải sức tải môi trường, phát triển đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi;

- Đối với sản xuất giống thủy sản: tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra phát triển đa dạng đối tượng sản xuất giống với ốc hương, tu hài, cá biển, hàu...

- Tổ chức lại các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã, tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm:

+ Đối với vùng nuôi Đầm Nại: khuyến khích các hộ nuôi lớn thuê hoặc mua lại đất của các hộ nhỏ lẻ, hình thành các cơ sở nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện thiết kế vùng nuôi đúng tiêu chuẩn. Củng cố và phát triển tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản tại khu đầm Nại, giúp các hộ nuôi liên kết lại với nhau, nắm vững thông tin thị trường, tình hình sản xuất; tại đầm Nại duy trì ít nhất 04 tổ cộng đồng nuôi tôm tại 04 xã hoạt động nuôi tôm phát triển: Tân Hải, Hộ Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải;

+ Đối với vùng nuôi tôm trên cát An Hải - Từ Thiện (xã Phước Dinh): Khuyến khích các doanh nghiệp lớn mua lại hoặc cho các hộ nuôi nhỏ lẻ cùng góp vốn hình thành các trang trại nuôi lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến như VietGAP, mô hình ao ương, mô hình nuôi trong nhà kính hướng đến tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và bền vững với môi trường, dần hình thành vùng nuôi tập trung công nghệ cao của tỉnh. Hình thành 01 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tạo sản phẩm có khối lượng lớn, đồng nhất chất lượng kết nối thị trường;

+ Đối với vùng nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải: khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm chân trắng tập trung ứng dụng công nghệ cao đối với 47 ha chưa xây dựng phía Tây của đầm Sơn Hải;

+ Đối với vùng sản xuất giống tập trung An Hải và Nhơn Hải: ưu tiên nguồn lực để đầu tư, sắp xếp, bố trí các cơ sở sản xuất tôm giống, hải đặc sản theo quy hoạch; dần dần xóa bỏ các khu sản xuất giống không nằm trong quy hoạch không đủ điều kiện sản xuất như Cà Ná, khu vực giáp biển Bình Sơn. Rà soát đất đai tại các khu sản xuất giống thủy sản tập trung, đối với những diện tích chưa được đưa vào sử dụng, tiến hành thu hồi và cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Khuyến khích các cá thể nhỏ liên kết với nhau thành lập công ty lớn, tập trung nguồn vốn, con người để đầu tư ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất giống thủy sản;

+ Đối với vùng nuôi lồng bè trên biển: đến năm 2020 triển khai chính sách giao khoán, cho thuê diện tích mặt nước tại các vùng quy hoạch cho các hộ dân có đủ điều kiện. Tiến đến cắm mốc và đánh số lồng bè nuôi, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có đủ điều kiện đầu tư ứng dụng mô hình nuôi mới phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao trên biển như: tôm hùm, cá bớp, cá mú, cá chim với công nghệ nuôi hiện đại;

+ Đối với vùng nuôi nước ngọt: khuyến khích tổ chức sản xuất quy mô trang trại hoặc gia trại liên kết, tạo ra các sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa.

- Tăng cường ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống tôm, nuôi tôm thâm canh, công nghiệp, công nghệ cao. Ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ ao nuôi đến bàn ăn, truy nguyên nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.

4. Lâm nghiệp:

4.1. Định hướng tổng thể:

4.1.1. Ưu tiên:

- Thiết lập, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 202.484 ha rừng và đất rừng vào năm 2020; trong đó rừng đặc dụng 41.811 ha, rừng phòng hộ 116.462 ha, rừng sản xuất 39.611 ha và rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 4.600 ha gắn với việc tổ chức lại các đơn vị lâm nghiệp do Nhà nước thành lập;

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng trồng và chăm sóc rừng, dịch vụ lâm nghiệp; phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt 50% vào năm 2020 bằng nhiều giải pháp như khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất;

- Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng tại hai Vườn quốc gia gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tại các khu vực xung yếu ven biển, các khu rừng đầu nguồn các hồ, đập thủy lợi với các loại cây trồng bản địa và cây đã thích nghi như cây neem, cây trôm. Phát triển rừng sản xuất theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần với các đối tượng cây trồng mới ứng dụng công nghệ mô, hom cho năng suất cao gắn với phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, phát triển theo mô hình nông, lâm kết hợp để hạn chế tác động tiêu cực của hạn hán; từng bước phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng. Đối với lâm sản ngoài gỗ, trước mắt hướng tới phát triển các loại sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như mủ trôm, lá và quả neem, các cây dược liệu khác.

4.1.2. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ:

- Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất lâm nghiệp, trước mắt là ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng có năng suất cao, chịu hạn tốt, giá trị kinh tế cao, phòng hộ bền vững; nghiên cứu phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa có giá trị, bổ sung loài mới vào các rừng tự nhiên ở các khu rừng phòng hộ, đặc dụng;

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản về rừng để đánh giá đúng diễn thế rừng, đất đai; tài nguyên động, thực vật; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra rừng, quản lý tài nguyên rừng;

- Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất lâm, nông kết hợp.

4.2. Định hướng nhóm ngành hàng:

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 7.586 ha, bảo vệ rừng đạt 195.000 ha, khoanh nuôi rừng tái sinh đạt 17.000 ha;

- Trước mắt hướng tới phát triển các loại sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như mủ trôm, cây dược liệu,... song song với việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cây neem (lá và quả):

+ Mủ trôm: thị trường đầu ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nội tỉnh và hướng ra thị trường Hà Nội;

+ Neem (lá và quả): hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc;

+ Cây dược liệu (trồng xen canh dưới tán rừng): thị trường đầu ra nội tỉnh và một số tỉnh lân cận và thành phố Hồ Chí Minh.

- Từng bước xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng; tổ chức sản xuất theo hướng hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, và trồng rừng bên cạnh các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp.

5. Diêm nghiệp:

5.1. Ưu tiên:

- Sản xuất muối công nghiệp đến 2020 ổn định diện tích 3.460 ha, sản lượng khoảng 450 ngàn tấn; đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại trở thành trung tâm sản xuất, chế biến muối và hóa chất từ muối hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết, xử lý có hiệu quả diện tích bị nhiễm mặn, không cho lan ra diện rộng. Phát triển các cơ sở chế biến muối hiện có trên cơ sở đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Ổn định vùng sản xuất muối diêm dân, muối thực phẩm sạch phát triển tập trung tại huyện Ninh Hải 480 ha; xây dựng chuỗi ngành hàng theo hướng tăng cường liên kết giữa hộ sản xuất với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến muối và thị trường thông qua tổ hợp tác/hợp tác xã. Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối với các công nghệ phủ bạt ô kết tinh, phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh, công nghệ tuyển rửa muối ngay sau thu hoạch. Từng bước đầu tư cơ giới hóa ở các đồng muối tập trung có đủ điều kiện thực hiện cơ giới hóa.

5.2. Quy hoạch vùng sản xuất:

- Quy hoạch phát triển sản xuất muối tập trung tại hai vùng chuyên canh sản xuất và chế biến muối tại huyện Thuận Nam (Phước Diêm, Phước Minh) và huyện Ninh Hải (Khánh Hải, Tri Hải, Nhơn Hải và Phương Hải);

- Vùng sản xuất muối công nghiệp, diện tích muối công nghiệp chất lượng cao tập trung tại huyện Thuận Nam 2.150 ha, trong đó xã Phước Minh là 2.125 ha; huyện Ninh Hải 1.310 ha, trong đó xã Tri Hải là 995 ha. Ưu tiên các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng và phát triển cơ sở sản xuất và chế biến muối gắn với thị trường tiêu thụ muối công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn chế biến thực phẩm, hóa chất, y tế sử dụng muối nguyên liệu và các siêu thị;

- Vùng sản xuất muối diêm dân, muối thực phẩm sạch nhiều vi lượng phát triển tập trung tại huyện Ninh Hải 480 ha. Sản phẩm muối thủ công gắn với thị trường tiêu thụ muối của các chợ, cơ sở chế biến và bảo quản nông sản, các doanh nghiệp chế biến muối thực phẩm chất lượng cao và các nhà nhập khẩu. Xây dựng chuỗi ngành hàng theo hướng tăng cường liên kết giữa hộ sản xuất với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến muối và thị trường thông qua tổ hợp tác/hợp tác xã.

5.3. Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ:

- Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối: Công nghệ phủ bạt ô kết tinh, phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh, công nghệ tuyển rửa muối ngay sau thu hoạch;

- Từng bước đầu tư cơ giới hóa ở các đồng muối tập trung có đủ điều kiện thực hiện cơ giới hóa (quy mô diện tích, áp dụng công nghệ phủ bạt, độ dày lớp muối,...).

5.4. Tổ chức sản xuất:

- Đối với muối công nghiệp, ưu tiên phát triển doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, cơ sở hạ tầng đồng bộ và công nghệ hiện đại;

- Đối với sản xuất muối thủ công, ưu tiên phát triển mô hình hợp tác xã/tổ nhóm liên kết ngang giữa các hộ gia đình để để tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận thị trường. Tư vấn hướng dẫn tổ chức các hộ lại thành hợp tác xã hoặc tổ nhóm nông dân. Hỗ trợ hợp tác xã hoặc tổ nhóm nông dân tiếp cận tín dụng, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ sản xuất tiên tiến;

6. Thủy lợi:

- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 theo hướng tính toán cân bằng lại nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo nhu cầu dùng nước trong giai đoạn tới của các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác;

- Điều chỉnh nhu cầu dùng nước của ngành nông nghiệp bằng các giải pháp:

+ Xây dựng đề án và tập trung nguồn lực để chuyển đổi trên 8 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng sử dụng ít nước, cây trồng cạn như rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả sang trồng cây có hiệu quả hơn, gắn với việc áp dụng công nghệ mới (nhất là công nghệ tưới tiết kiệm), đổi mới kỹ thuật canh tác, tổ chức lại sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức của nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;

+ Ứng dụng các giải pháp và xây dựng chính sách sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước: Ứng dụng và ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% diện tích nho, táo và sản xuất rau, củ, cỏ chăn nuôi, được áp dụng tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa; trên 50% diện tích sản xuất lúa được áp dụng công nghệ “1 phải 5 giảm”. Ứng dụng và nhân rộng các giải pháp chống bốc hơi nước để giảm tưới nước, giảm làm cỏ cho cây trồng;

+ Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các công trình liên thông các hồ chứa, liên thông các hệ thống tưới để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước:

Trong giai đoạn đến 2020 tập trung hoàn thành hồ sông Than, hồ sông Cái và đập Tân Mỹ, đập hạ lưu sông Dinh; đầu tư các hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 tại các khu vực tưới hồ chứa đang và sẽ xây dựng đưa năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp.

Liên thông các hồ chứa bằng đường ống để đưa vào quy hoạch xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020 và đến năm 2030, đó là: Kết nối liên thông đưa nước từ hồ Sông Cái - Đập Tân Mỹ về các khu vực phía Bắc tỉnh như hồ Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; kết nối liên thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực suối Ngang hồ Phước Trung; kết nối liên thông hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn; kết nối liên thông hồ Sông Than về hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn, Suối Lớn, CK7.

Quy hoạch, xây dựng các tuyến công trình liên thông hệ thống tưới như kết nối hệ thống tưới Tân Mỹ với các hệ thống tưới phía Bắc tỉnh, kết nối hệ thống tưới hồ Sông Than với hệ thống tưới các tiểu vùng lưu vực sông Quao và sông Lu.

Phần thứ 6

GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Quy hoạch:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất, phát triển ngành các ngành hàng có lợi thế;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới gắn với phát triển vùng chuyên canh và xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng;

- Xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch.

II. Huy động vốn đầu tư

- Tiếp tục đổi mới phương thức huy động và phân bổ, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn vốn. Chú trọng thu hút đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển nông nghiệp;

- Phát triển các hình thức liên kết công tư để nâng cao hiệu quả đầu tư công đồng thời thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp dịch vụ, khoa học công nghệ tại các vùng chuyên canh, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh;

- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, của các nhà tài trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị.

III. Đầu tư công:

- Đổi mới về hình thức huy động, thu hút đầu tư công thông qua các hình thức liên kết công tư để nâng cao hiệu quả đầu tư công;

- Tập trung, ưu tiên đầu tư công cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng chuyên canh các ngành hàng có lợi thế (giống thủy sản; nho, táo, tỏi; bò, dê, cừu; giống cây trồng) và các ngành hàng mới có tiềm năng (nha đam, măng tây);

- Ưu tiên đầu tư công hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ sạch, thân thiện môi trường vào sản xuất nông nghiệp;

- Ưu tiên hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho các ngành hàng có lợi thế; đầu tư công cho sản xuất và ứng dụng dụng giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn, năng suất cao;

 - Ưu tiên đầu tư công cho hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ thích ứng và chống chịu khí hậu khô hạn, các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; quản lý rủi ro, phát triển hạ tầng thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; nhân rộng các mô hình tổ hợp tác dùng nước (PIM) gắn với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

IV. Đổi mới cung cấp dịch vụ công:

- Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp cơ sở (xã, thôn), nghiên cứu tổ chức lại bộ máy hỗ trợ phát triển nông nghiệp cấp xã (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, …);

- Xã hội hóa dịch vụ công nông nghiệp: giao một phần phần dịch vụ công nông nghiệp cho HTX, tư nhân như dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất, khuyến nông,...

- Nhà nước tập trung vào những dịch vụ công mới để hỗ trợ doanh nghiệp (phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường, …);

- Ưu tiên cung cấp dịch vụ công cho các ngành hàng có lợi thế, vùng chuyên canh.

V. Đổi mới thể chế:

- Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào nông nghiệp;

- Phát triển các hình thức hợp tác công tư trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên áp dụng các hình thức hợp tác công tư cho các lĩnh vực: Phát triển chuỗi giá trị nông sản; hạ tầng sản xuất, thương mại, đời sống, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; dịch vụ tư vấn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường;

- Sắp xếp, đổi mới hai Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ninh Sơn và Tân Tiến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 507/TTg-ĐMDN ngày 29 tháng 3 năm 2016 về việc phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh Ninh Thuận;

- Cải thiện hoạt động của hợp tác xã: tăng cường năng lực cho hợp tác xã để thực hiện tốt các chức năng cung cấp dịch vụ nông nghiệp, đầu vào, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường cho các xã viên;

- Nghiên cứu, thí điểm thành lập liên hiệp hợp tác xã thủy lợi gắn với công ty thủy nông để cung ứng và thu phí dịch vụ thủy lợi.

VI. Cơ chế, chính sách:

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện có, đảm bảo kịp thời, phù hợp tình hình thực tế địa phương và nghiên cứu ban hành các nhóm chính sách để tập trung cho các khâu đột phá, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

1. Chính sách đất đai:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất các ngành hàng có lợi thế: giống thủy sản; giống cây trồng; nho, táo; tỏi; bò, dê, cừu và các cây trồng mới có tiềm năng (nha đam, măng tây). Hỗ trợ các xã kinh phí để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp;

- Đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút đầu tư vào các vùng chuyên canh; đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài theo pháp luật; ban hành chính sách miễn giảm thuế về đất đai trong thời gian xây dựng cơ bản. Khuyến khích, hỗ trợ người dân góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp;

- Có chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch của từng vùng và đặc điểm của sản phẩm. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng trung hạn, dài hạn và đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất;

- Ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình khi thực hiện chuyển đổi đất lúa nước thiếu nước tưới, hiệu quả thấp sang cây trồng khác hiệu quả hơn, tiết kiệm nước.

2. Thu hút đầu tư tư nhân:

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; rà soát, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất nông nghiệp, chế biến sâu;

- Xây dựng, ban hành chương trình thu hút đầu tư doanh nghiệp vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng chuyên canh; phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; rà soát lại quy hoạch làng nghề để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ vào phát triển làng nghề;

- Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị.

3. Phát triển nguồn nhân lực:

- Ban hành hoặc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nông dân trên cơ sở hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của nông dân (THT, HTX);

- Tổ chức tập huấn các kỹ thuật và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp cho nông dân;

- Tăng cường đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp và hỗ trợ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động trong toàn tỉnh. Ưu tiên đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động cho các vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu; chú trọng đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn;

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ của các sở, ban, ngành, địa phương về các lĩnh vực dịch vụ công, quản lý Nhà nước, ứng phó biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút tri thức trẻ về công tác tại địa bàn nông thôn;

- Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn.

4. Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ:

- Tăng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm nước;

- Ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước, trước mắt đối với các cây trồng chủ lực như nho, táo, nha đam, măng tây xanh, rau củ; rà soát sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa công nghệ có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5. Phát triển liên kết với doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, phát triển trang trại:

- Nghiên cứu ban hành (hoặc cụ thể hóa) chính sách khuyến khích phát triển liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết giữa hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất, chế biến theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp;

- Xây dựng chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động hỗ trợ của Nhà nước và nhà tài trợ để hình thành quỹ phát triển kinh tế trang trại;

- Khuyến khích phát triển liên kết ngang giữa các hộ nông dân để hình thành các hình thức kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác) và liên kết dọc giữa hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất, chế biến;

- Đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài theo pháp luật; ban hành chính sách miễn giảm thuế về đất đai trong thời gian xây dựng cơ bản;

- Khuyến khích, hỗ trợ người dân góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp;

- Nhân rộng mô hình liên kết nông dân - doanh nghiệp, sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” và đối tác công tư PPP cho các ngành hàng có lợi thế.

6. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản:

- Hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý các ngành hàng có lợi thế. Ban hành quy định bắt buộc về tiêu chuẩn chất lượng đối với những mặt hàng có đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định này để đảm bảo uy tín, chất lượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể;

- Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường theo hướng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã tổ chức thực hiện, tỉnh hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách;

- Ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, ngành hàng có lợi thế trong tổ chức và tham gia các sự kiện, hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước để quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Ninh Thuận.

- Hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm, ký kết hợp đồng trực tiếp với các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp chế biến;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản. Có chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; hỗ trợ người sản xuất, chế biến áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo VSATTP như: VietGAP, HACCP,...

VII. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu:

1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi:

- Nghiên cứu điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, con nuôi; cơ cấu giống; thời vụ; tái cơ cấu lại đầu tư, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng,... để ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ;

- Chuyển đổi đất lúa thiếu nước tưới, hiệu quả thấp sang cây trồng cạn gồm cây rau, đậu; cây làm thức ăn chăn nuôi; cây công nghiệp;

- Tăng cường triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu có hiệu quả, phù hợp với điều kiện hạn hán, nắng nóng, mô hình chuyển đổi sản xuất sang sản xuất các loại cây, con có khả năng chịu hạn hoặc ít sử dụng nước như: mô hình sử dụng giống cây trồng chịu hạn; mô hình tưới tiết kiệm nước; mô hình xen canh, luân canh có sử dụng vật liệu giữ ẩm, mô hình chuyển đổi lúa linh hoạt sang trồng các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như nho, táo và chăn nuôi bò, dê, cừu, …

2. Thủy lợi:

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi theo mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi gắn với các vùng chuyên canh các ngành hàng có lợi thế. Chú trọng quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và cây trồng cạn; nghiên cứu hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng chuyên canh theo quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ưu tiên các giải pháp phi công trình trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi;

- Rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Điều tra, đánh giá hiện trạng mực nước ngầm, nước bề mặt ở các ao hồ, sông suối nhỏ và lập quy hoạch sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước;

- Xây dựng quy hoạch đê biển trên địa bàn toàn tỉnh theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu, đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh vùng ven biển;

- Tăng cường năng lực quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ trong tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi;

- Tiếp tục đầu tư các công trình hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa tích nước ở thượng nguồn (khu lưu vực sông Cái); hệ thống liên thông hồ chứa; ao dự trữ nước mưa và nước ngầm; thu giữ và phát triển nguồn nước ngầm trên vùng đất khô hạn ven biển phía Bắc và phía Nam Ninh Thuận; nhân rộng các dự án tái tạo nguồn nước bằng kỹ thuật giữ nước mặt quy mô nhỏ, thủy lâm kết hợp phòng, chống hoang mạc hóa có hiệu quả; xây dựng đập hạ lưu sông Dinh để ngăn mặn;

- Tiếp tục đầu tư các kênh mương cấp I, II và III gắn với xây dựng nông thôn mới để phát huy hiệu quả của các hồ, đập, đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến;

- Phối hợp với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá tài nguyên nước theo phương pháp tiếp cận của Ngân hàng Thế giới (đo dòng chảy, phân tích kinh tế - tài chính cho toàn bộ hoạt động sản xuất cho nhu cầu sử dụng nước, phân tích hệ thống nguồn nước) và điều phối nguồn nước theo hướng đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tập trung triển khai thực hiện các 04 dự án cấp bách (gồm: Đập hạ lưu Sông Dinh; Hệ thống kênh cấp 2, 3 hồ Sông Biêu; Dự án Hệ thống kênh cấp 2, 3 hồ Lanh Ra; Dự án Hệ thống cấp nước Sơn Hải). Tìm kiếm nguồn lực đầu tư xây dựng, kết nối liên thông hồ chứa (hồ Sông Sắt - hồ Sông Trâu; hồ Cho Mo - hồ Phước Trung - Hồ Thành Sơn; hồ Tân Giang - hồ Sông Biêu - hồ Suối Lớn; hồ Tân Giang - hồ CK7 - hồ Bầu Zôn);

- Xây dựng kế hoạch liên thông hồ chứa, trước mắt ở phía Nam của tỉnh.

3. Kỹ thuật:

- Xây dựng chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình canh tác bền vững và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

- Chủ động hướng dẫn nhân dân các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong điều kiện khô hạn; tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động di chuyển đàn gia súc đến những nơi có nguồn nước khi hạn hán xảy ra (di chuyển từ các vùng khô hạn về dọc kênh Nam, kênh Bắc, kênh Đông, kênh Tây, dọc sông Cái, sông suối trên địa bàn, vùng hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt,...).Thúc đẩy mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với phát triển trồng trọt và xây dựng đồng cỏ;

- Áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất, nước từ chất thải chăn nuôi và phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải của ngành chăn nuôi; nhân rộng các mô hình sản xuất khí sinh học Biogas từ chất thải chăn nuôi giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng;

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Thủy lâm kết hợp để phòng, chống hoang mạc hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình trồng rừng bằng loài cây đa tác dụng, vừa phòng hộ vừa mang lại hiệu quả kinh tế; tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, đầu tư vào đất ngập nước, bổ sung đất cho các bãi biển, cải tạo các cồn cát ven biển, trồng rừng ngập mặn.

4. Truyền thông, nâng cao nhận thức chủ động ứng phó:

- Thực hiện tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, lồng ghép các giải pháp thích ứng và quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động, chương trình, dự án của tỉnh cho cán bộ các cấp từ các sở, ban ngành, đến cộng đồng và người dân. Cụ thể hóa các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức trong cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;

- Khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi trồng cỏ; hướng dẫn, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mô hình chế biến các phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn;

- Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận giữa các bên (nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu,...);

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu, rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; xây dựng thành các chuyên mục, chuyên đề, sắp xếp thời lượng hợp lý tuyên truyền để phát sóng;

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức xã hội trồng cây xanh quanh khu vực sinh sống, trồng cây gây rừng, có ý thức bảo vệ rừng nhằm tăng cường khả năng giữ nước, hấp thụ cácbon.

Phần thứ bảy

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án.

b) Hàng năm tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Đề án cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân (PPP/PPC).

3. Sở Tài chính:

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

b) Tham mưu, đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật; xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện đề án đạt hiệu quả.

b) Chủ trì xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực.

5. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; thông tin thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

b) Đề xuất các chính sách để khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

6. Sở Tài Nguyên và Môi trường:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các huyện, thành phố rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường tạo thuận lợi cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Tăng cường quản lý môi trường ở các vùng sản xuất chuyên canh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổ chức đào tạo, dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.

8. Sở Y tế: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn.

9. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nghiên cứu cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng để thực hiện Đề án.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Thông tin tuyên truyền, quán triệt mục tiêu nội dung của Đề án; các chủ trương chính sách của tỉnh, của huyện về thực hiện Đề án.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về Đề án nhằm phổ biến về chủ trương, mục tiêu, nội dung của Đề án.

II. Rủi ro và định hướng xử lý:

1. Các sở, ban, ngành và địa phương thiếu quyết tâm thực hiện Đề án: để thực hiện Đề án thành công, cần có sự trao đổi, đồng thuận trong lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành, huyện, xã. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình vận động sâu rộng, tạo quyết tâm chính trị trong toàn bộ hệ thống để triển khai Đề án.

2. Thiếu nguồn lực để thực hiện Đề án:

Do ngân sách khó khăn, khả năng huy động vốn đầu tư của Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn đầu tư công để thực hiện đề án. Khu vực tư nhân có thể chưa sẵn sàng đầu tư vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản do mức rủi ro cao về thị trường và biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo huy động đủ vốn đầu tư thực hiện Đề án, tỉnh cần xây dựng các chương trình vận động vốn và các cơ chế đặc thù của Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế dành cho địa phương phát triển năng lượng sạch và bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng chương trình mang tính đột phá để thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân về Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng bị cạnh tranh về nguồn lực như đất đai, lao động với phát triển công nghiệp và đô thị. Đồng thời, tình trạng khô hạn và hoang mạc hóa cũng ảnh hưởng tới nguồn lực đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, một số mục tiêu đòi hỏi nguồn lực rất lớn có thể rà soát, điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề án cho phù hợp với tình hình.

3. Biến đổi khí hậu gia tăng: để thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần tiếp tục nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các kịch bản biến đổi khí hậu.

4. Khó khăn trong đổi mới tổ chức sản xuất do người dân và doanh nghiệp chưa sẵn sàng thay đổi hành vi theo hướng liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh: để đẩy mạnh đổi mới tổ chức sản xuất, cần xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động sâu rộng đối với người dân và các tổ chức cơ sở, xây dựng mô hình thí điểm về kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi đa dạng để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

IV. Các chương trình/dự án trọng điểm cần thực hiện:

- Dự án phát triển vùng sản xuất tập trung giống thủy sản chất lượng cao;

- Đề án quy hoạch, chuyển đổi diện tích đất lúa nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn có hiệu quả, áp dụng quy trình canh tác bền vững và tiết kiệm nước;

- Chương trình cải tạo và nâng cấp chất lượng giống vật nuôi;

- Đề án phát triển cây trồng mới có tiềm năng;

- Chương trình hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất giống cây lương thực;

- Dự án nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp;

- Dự án đầu tư trồng rừng trên diện tích đất trống bảo vệ vành đai các hồ thủy lợi, ngăn chặn bồi đắp lòng hồ, tăng độ che phủ và giảm tỷ lệ bốc hơi nước làm ổn định nguồn nước lòng hồ để phục vụ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp;

- Dự án quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị.

V. Kinh phí thực hiện đề án:

1. Tổng vốn đầu tư: tổng vốn đầu tư toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu của đề án cho khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội10 giai đoạn 2016 - 2020 là 12.098 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn thực hiện:

- Vốn huy động từ ngân sách Trung ương như từ các chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình củng cố đê biển, chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu), các chương trình xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã nghèo, miền núi, hải đảo, bãi ngang, các chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, nguồn vốn hỗ trợ thủy lợi phí,...

- Trái phiếu chính phủ;

- Vốn huy động từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và xã;

- Vốn huy động từ các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, dân cư, FDI);

- Vốn huy động từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức Phi Chính phủ như vốn hỗ trợ/cho vay của WB, ADB, AFD, FAO, DANIDA, UNCEF./.

 

PHỤ LỤC

I. Biến đổi khí hậu:

1. Diễn biến nhiệt độ, lượng mưa, giờ nắng giai đoạn 2011 - 2015:

Hình 2. Biến trình nhiệt độ trung bình năm trạm Phan Rang trong giai đoạn 2011-2015

Nguồn: Niên giám thông kê Ninh Thuận, 2015

Hình 3. Nhiệt độ trung bình Ninh Thuận phân bố giữa các tháng trong các năm 2011, 2015

Nguồn: Niên giám thông kê Ninh Thuận, 2015

Hình 4. Lượng mưa trung bình các năm 2011 - 2015

 

Nguồn: Niên giám thông kê Ninh Thuận, 2015

Hình 5. Phân bố lượng mưa các tháng trong năm ở Ninh Thuận

Nguồn: Niên giám thông kê Ninh Thuận, 2015

Hình 6. Số giờ nắng bình quân các năm 2011 - 2015

Nguồn: Niên giám thông kê Ninh Thuận, 2015

2. Các kịch bản biến đổi khí hậu:

Trong năm 2012, Việt Nam đã công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Kịch bản năm 2012 có mức độ chi tiết đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các khu vực ven biển, đặc biệt đã bổ sung một số yếu tố cực trị khí hậu phục vụ cho công tác tính toán thiết kế và quy hoạch. Theo kịch bản này, vào cuối Thế kỷ 21, kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức trung bình, nhiệt độ tăng 2 - 30C, riêng khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mức độ tăng nhiệt nhanh nhất. Số ngày có nhiệt độ cao trên 350C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Về lượng mưa, xu thế chung là lượng mưa giảm vào mùa khô và tăng vào mùa mưa. Mức tăng lượng mưa từ 2 - 7%; điều đáng lưu ý là có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng cao gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Yếu tố nước biển dâng được các nhà khoa học tính toán khá chi tiết. Theo đó, vào cuối Thế kỷ này, mực nước biển dâng cao nhất ở vùng từ Cà Mau đến Kiên Giang, trong khoảng 62 - 82 cm; thấp nhất ở Móng Cái là 49 - 64 cm. Trung bình cả nước, mực nước biển dâng là 57 - 73 cm. Theo kịch bản phát thải cao, mực bước biển trung bình có thể dâng cao 78 - 95 cm.

2.1. Nhiệt độ:

Thống kê dữ liệu cho thời kỳ 1961 - 2009 của tỉnh Ninh Thuận từ các trạm khí tượng thủy văn: Tân Mỹ, Sông Pha, Quán Thẻ, Nhị Hà và Phan Rang cho thấy nếu theo kịch bản phát thải trung bình (B2) thì nhiệt độ trung bình tất cả các mùa đều có xu hướng tăng nhất là trong mùa hè.

Hình 7. Thay đổi nhiệt độ của Ninh Thuận theo kịch bản B2 so với giai đoạn 1980-1999

Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu&nước biển dâng, 2012, Bộ Tài Nguyên Môi Trường

2.2. Lượng mưa:

Dựa vào mức thay đổi lượng mưa năm (%) so với thời kỳ 1980 - 1999 theo các kịch bản phát thải cho khu vực Bắc Trung Bộ và tổng lượng mưa năm trung bình thời kỳ 1961 - 2010 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tính toán tổng lượng mưa trung bình và mưa cho 4 mùa trong giai đoạn 2020 - 2100 với kịch bản phát thải trung bình (B2) được thể hiện trong hình dưới đây:

Hình 8. Thay đổi lượng mưa tại Ninh Thuận theo kịch bản phát thải TB B2 (%) so với giai đoạn 1980 - 1999

Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu&nước biển dâng, 2012, Bộ Bộ Tài Nguyên Môi Trường

Bảng 3. Kế hoạch tổng diện tích gieo trồng trong trong giai đoạn 2016-2020

STT

Loại cây trồng

Diện tích gieo trồng (ha)

Thay đổi 2020 so 2015

Năm 2015

Năm 2020

Giá trị (ha)

Tỷ lệ (%)

Tổng cộng

75.414

100.000

24.586

32,6

1

Lúa cả năm

37.258

48.500

11.242

30,2

2

Ngô

11.755

23.000

11.245

95,7

3

Sắn

3.232

3.000

-232

-7,2

4

Mía

2.972

5.000

2.028

68,2

5

Thuốc lá

373

1.000

627

168,1

6

Nho

1.226

2.000

774

63,1

7

Táo

950

1.200

250

26,3

8

Điều

3.923

3.500

-423

-10,9

Bảng 4. Kế hoạch tổng đàn gia súc, gia cầm trong giai đoạn 2016 - 2020

STT

Vật nuôi

Tổng đàn chăn nuôi (nghìn con)

Thay đổi năm 2020 so với năm 2015

Năm 2015

Năm 2020

Giá trị (nghìn con)

Tỷ lệ (%)

I

Tổng đàn gia súc

354,8

514

159,2

44,9

1

Gia súc có sừng

273,5

399

125,5

45,9

-

Trâu

3,7

4

0,3

8,1

-

91,7

140

48,3

52,7

-

82,6

100

17,4

21,1

-

Cừu

95,5

155

59,5

62,3

2

Tổng đàn heo

81,3

115

33,7

41,5

II

Tổng đàn gia cầm

1.364

2.100

736

53,9

 

Bảng 5. Kế hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản, công suất tàu cá, sản lượng thủy sản giai đoạn 2016 - 2020

STT

Thủy sản

Năm 2015

Năm 2020

Thay đổi năm 2020 so với năm 2015

Giá trị

Tỷ lệ (%)

1

Diện tích nuôi trồng thủy sản (ha)

1.307

2.354

1.047

80,1

 

Trong đó, nuôi tôm

784

1.100

316

40,3

2

Số tàu khai thác hải sản (chiếc)

2.747

2.900

153

5,6

 

Trong đó, số tàu có công suất từ 90 CV trở lên (chiếc)

936

1.200

264

28,2

 

Tổng công suất tàu khai thác hải sản (CV)

274.846

380.000

105.154

38,3

3

Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

85.473

93.620

 

 

-

Nuôi trồng thủy sản (tấn)

9.203

18.620

9.417

102,3

 

Trong đó, nuôi tôm thương phẩm (tấn)

6.623

12.000

5.377

81,2

-

Khai thác hải sản (tấn)

76.270

75.000

-1.270

-1,7

4

Sản lượng tôm giống (triệu con)

19.598

21.200

1.602

8,2

 

Bảng 6. Kế hoạch diện tích rừng trồng mới tập trung, bảo vệ rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh tăng thêm giai đoạn 2016 - 2020

STT

Hạng mục

Diện tích (cộng dồn 5 năm) (ha)

Thay đổi giai đoạn 2016 - 2020 so giai đoạn 2011 - 2015

2011-2015

2016-2020

Giá trị (ha)

Tỷ lệ (%)

1

Trồng mới rừng tập trung

2.790

7.586

4.796

171,9

2

Bảo vệ rừng

113.713

195.000

81.287

71,5

3

Khoanh nuôi rừng tái sinh

1.320

17.000

15.680

1.187,8

 

Bảng 7. Khái toán tổng đầu tư thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Ninh Thuận gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Đơn vị: tỷ đồng

STT

Hạng mục

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân

Tổng cộng

1

Hồ chứa nước

6.200

0

6.200

2

Thủy lợi

4.908

0

4.908

3

Thủy sản

190

200

390

4

Trồng trọt và chăn nuôi

0

600

600

Tổng cộng

11.298

800

12.098

II. Nông, lâm nghiệp, thủy sản:

Bảng 1. Dự kiến chuyển dịch cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020

Lĩnh vực

Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010)

Cơ cấu giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010)

Tăng trưởng bình quân

Năm 2015 (tỷ đồng)

Năm 2020 (tỷ đồng)

Thay đổi năm 2020 so với năm 2015 (tỷ đồng)

Năm 2015 (%)

Năm 2020 (%)

Thay đổi năm 2020 so với năm 2015 (%)

2011-2015 (%)

2016-2020 (%)

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tổng số

8,445.6

11,614.7

3,169.1

100.0

100.0

 

3.3

6.6

Nông nghiệp

4,289.8

5,644.8

1,355.0

50.8

48.6

-2.2

1.8

5.6

Lâm nghiệp

23.1

32.4

9.3

0.3

0.3

0.0

-10.2

7.0

Thủy sản

4,132.7

5,937.4

1,804.7

48.9

51.1

2.2

5.1

7.5

Nông nghiệp

Tổng số

4,289.8

5,644.8

1,355.0

100.0

100.0

 

1.8

5.6

Trồng trọt

2,971.2

3,838.4

867.2

69.3

68.0

-1.3

3.1

5.3

Chăn nuôi

1,163.6

1,594.1

430.5

27.1

28.2

1.1

-0.9

6.5

Dịch vụ nông nghiệp khác

155.0

203.8

48.8

3.6

3.6

0.0

0.2

5.6

Trng trọt

Tổng số

2,971.2

3,838.4

867.2

100.0

100.0

 

3.1

5.3

Cây lương thực

1,331.8

1,595.6

263.8

44.8

41.6

-3.3

-1.1

3.7

Cây rau, đậu

479.4

690.9

211.5

16.1

18.0

1.9

8.0

7.6

Cây công nghiệp hàng năm

135.0

241.8

106.8

4.5

6.3

1.8

-2.0

12.4

Cây ăn quả

769.0

1,074.8

305.8

25.9

28.0

2.1

18.1

6.9

Cây công nghiệp lâu năm

26.5

35.3

8.8

0.9

0.9

0.0

0.2

5.9

Chăn nuôi

Tổng số

1,163.6

1,594.1

430.5

100.0

100.0

 

-0.9

6.5

Trâu, bò

230.0

391.8

161.8

19.8

24.6

4.8

-3.7

11.2

Lợn

339.1

420.4

81.3

29.1

26.4

-2.8

5.2

4.4

Gia cầm

356.1

429.1

73.0

30.6

26.9

-3.7

-2.0

3.8

Khác (dê, cừu)

238.4

352.6

114.2

20.5

22.1

1.6

-3.6

8.1

Lâm nghiệp

Tổng số

23.1

32.4

9.3

100.0

100.0

 

-10.2

7.0

Trồng rừng

5.2

10.0

4.8

22.5

30.7

8.2

-3.9

13.9

Khai thác lâm sản

16.6

21.0

4.4

71.9

64.7

-7.2

-12.4

4.8

Thu nhặt sản phẩm từ rừng

1.2

1.4

0.2

5.2

4.3

-0.9

2.2

2.8

Dịch vụ lâm nghiệp

0.1

0.1

0.0

0.4

0.4

-0.1

0.0

2.6

Thủy sản

Tổng số

4,132.7

5,937.4

1,804.7

100.0

100.0

 

5.1

7.5

Khai thác

2,837.8

4,096.8

1,259.0

68.7

69.0

0.3

5.5

7.6

Nuôi trồng

1,294.9

1,840.6

545.7

31.3

31.0

-0.3

4.2

7.3

 

 



1 Năng suất lao động NLTS của tỉnh bình quân giai đoạn 2011-15 cao hơn 1,7 lần so với cả nước. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tạo ra bởi 1 lao động NLTS của tỉnh là 55,67 triệu đồng so với mức 31,85 triệu đồng trung bình của cả nước.

2 Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của Ninh Thuận đạt 1.861 triệu đồng/người/tháng thấp hơn so với mức bình quân của cả nước là 2.041 triệu đồng/người/tháng.

3 Tỉ lệ suy dinh dưỡng của Ninh Thuận là: suy dinh dưỡng thể  nhẹ cân 18,9%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 27,3 % cao hơn con số tương ứng 14,5% và 24,9% của cả nước (Viện Dinh Dưỡng, 2015)

4 Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 tại Ninh Thuận là 5,75% cao hơn so với mức bình quân của cả nước là 4,5%.

5 Ninh Thuận có điều kiện vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội: nằm trên trục giao thông kết nối với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước. Tỉnh có Quốc lộ 1A thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang), quốc lộ 27 (đi Đà Lạt) và đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh) chạy qua. Ngoài ra, Ninh Thuận còn nằm cách sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 60 km.

6 Ninh Thuận là trung tâm của vùng nước trồi ở Việt Nam. Tại vùng nước trồi, các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo thức ăn phong phú cho động vật biển. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giống thủy sản.

7 Các mục tiêu cụ thể được xây dựng dựa trên Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016 - 2020 (ban hành theo quyết định số 92/2015/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2015); Kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 của Sở NN&PTNT.

8 Giá trị và cơ cấu giá trị sản xuất, tăng trưởng bình quân cho từng giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 chi tiết cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được trình bày trong Phụ lục II.

9 Theo số liệu kiểm kê đất đai của Ninh Thuận đến ngày 31/12/2014, diện tích đất trồng lúa (diện tích canh tác) là 20.880,59 ha. Căn cứ Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia, Tổng Cục Quản lý đất đai - Bộ Tài Nguyên và Môi trường trình chính phủ phân khai chỉ tiêu quy hoạch cho cấp tỉnh. Ninh Thuận được dự kiến phân chỉ tiêu đối với đất trồng lúa là 18.633 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 15.981 ha. Diện tích đất trồng lúa theo hiện trạng với chỉ tiêu dự kiến phân khai của Chính phủ cho tỉnh Ninh Thuận là đảm bảo. 

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích đất trồng lúa (diện tích canh tác) kém hiệu quả, có khả năng chuyển đổi là 8.135 ha. Tuy nhiên, chuyển đổi toàn bộ diện tích này sẽ rất khó thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Như vậy, để phù hợp với thực tế triển khai và chỉ tiêu dự kiến phân khai của Chính phủ về diện tích đất trồng lúa cho tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ nên chuyển đổi 2.248 ha đất trồng lúa. Kết quả: đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 18.633 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 15.981,27 ha.

10 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016 - 2020 (ban hành theo Quyết định số 92/2015/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2015). Chi tiết khái toán tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đề án  giai đoạn 2016 - 2020 được trình bày trong phụ lục III (Bảng 7).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2017/QĐ-UBND Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030

  • Số hiệu: 17/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản