Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/2011/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH THU HÚT, ĐÀO TẠO NHÂN TÀI TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 3 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã;

Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2011/NQ-HĐND ngày 18/10/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc thông qua Chính sách thu hút, đào tạo nhân tài tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn 1143/SNV-CCHC ngày 07 tháng 11 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chính sách thu hút, đào tạo nhân tài tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ. Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB Mặt trận TQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH, Báo Quảng Bình;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Website tỉnh;
- Lưu VT, SNV, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

CHÍNH SÁCH

THU HÚT, ĐÀO TẠO NHÂN TÀI TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

CHÍNH SÁCH THU HÚT NHÂN TÀI

Điều 1. Đối tượng

1. Thu hút bằng hình thức mời gọi trực tiếp chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi ở một số ngành, lĩnh vực, cán bộ quản lý theo yêu cầu của tỉnh từng thời kỳ.

2. Thu hút bằng hình thức tiếp nhận

a. Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, Bác sỹ nội trú, Huấn luyện viên thể thao giỏi, nghệ sỹ ưu tú.

b. Người tốt nghiệp đại học thủ khoa hệ chính quy các trường đại học công lập ở trong nước; riêng Bác sỹ tốt nghiệp loại khá trở lên các trường đại học công lập.

3. Thu hút bằng hình thức không qua thi tuyển hoặc xét tuyển để bố trí làm việc ngay ở tại các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện sau đó sẽ ưu tiên tuyển dụng:

a. Người tốt nghiệp Tiến sỹ, Thạc sỹ ở trong nước hoặc nước ngoài (tất cả các trình độ nêu trên nếu tốt nghiệp đại học trong nước thì phải hệ chính quy các trường công lập đạt loại khá trở lên);

b. Người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên các trường đại học ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận tại thời điểm người đó tốt nghiệp;

c. Người tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc hệ chính quy tại các trường đại học công lập ở trong nước.

4. Tuyển thẳng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển để bố trí làm công chức cấp xã đối với những người tốt nghiệp đại học loại giỏi hệ chính quy.

Điều 2. Điều kiện để được thu hút

1. Điều kiện về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn

a. Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có sức khoẻ tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền, nếu trường hợp những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cơ sở đào tạo tại nước ngoài thì phải có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại nơi người đó học tập, nghiên cứu);

b. Có trình độ chuyên môn thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực tỉnh có nhu cầu được công bố hàng năm; chấp hành sự phân công, bố trí của cơ quan có thẩm quyền;

c. Người được thu hút để làm công tác lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có công trình khoa học đã ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

2. Điều kiện về độ tuổi

a. Thu hút bằng tiếp nhận:

- Giáo sư và Phó giáo sư: không quá 50 tuổi;

- Tiến sỹ: không quá 45 tuổi;

- Thạc sỹ: không quá 40 tuổi;

- Đại học, Bác sỹ nội trú: không quá 35 tuổi.

b. Thu hút bằng hình thức tuyển dụng: không quá 35 tuổi.

3. Điều kiện về hộ khẩu:

Nếu trường hợp ở một vị trí có nhiều người đăng ký tuyển dụng có các điều kiện, tiêu chuẩn như nhau thì ưu tiên những người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Bình.

4. Những đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 1 của Quy định này được tỉnh mời gọi có quy định riêng theo từng trường hợp cụ thể.

Điều 3. Chế độ thu hút

1. Thu hút bằng hình thức mời gọi trực tiếp

a. Hỗ trợ một lần sau khi được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị:

- Giáo sư: 100.000.000 đồng/người

- Phó giáo sư: 70.000.000 đồng/người

- Tiến sỹ: 50.000.000 đồng/người

- Huấn luyện viên thể thao giỏi, nghệ sỹ ưu tú: 20.000.000 đồng/người.

b. Ngoài ra, trong năm năm đầu (60 tháng) mỗi tháng được hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức do Chính phủ quy định.

2. Thu hút bằng hình thức tiếp nhận, tuyển dụng

a. Hỗ trợ một lần sau khi được tiếp nhận tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị:

- Giáo sư: 70.000.000 đồng/người

- Phó Giáo sư, Tiến sỹ: 50.000.000 đồng/người

- Thạc sỹ: 30.000.000 đồng/người

- Bác sỹ nội trú: 20.000.000 đồng/người

- Đại học: 10.000.000 đồng/người

b. Ngoài ra, trong năm năm đầu (60 tháng) mỗi tháng được hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng 1 lần mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức do Chính phủ quy định.

Điều 4. Một số chế độ đãi ngộ khác đối với những người được tỉnh thu hút bằng hình thức mời gọi trực tiếp

1. Được tạo điều kiện cho vợ (hoặc chồng) vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nếu có nhu cầu và chuyên môn phù hợp.

2. Sau thời gian công tác 03 năm (36 tháng), nếu có nguyện vọng đào tạo chuyên môn ở bậc cao hơn và được cơ quan sử dụng đồng ý thì được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo theo quy định chung của tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của người được thu hút

1. Người được thu hút phải có đơn cam kết công tác tại tỉnh Quảng Bình ít nhất là 05 năm (60 tháng).

2. Nếu người được hưởng các chế độ thu hút không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc không thực hiện đủ thời gian công tác đã cam kết thì phải bồi hoàn toàn bộ chính sách của tỉnh đối với người đó.

Chương II

CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NHÂN TÀI

Điều 6. Đối tượng, tiêu chuẩn để được cử đi đào tạo

1. Đối tượng đào tạo phát triển nhân tài trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (không kể cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan trung ương quản lý theo ngành dọc):

a. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện;

b. Cán bộ lãnh đạo thuộc diện Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý trở lên tại các doanh nghiệp do tỉnh quản lý vốn;

c. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

2. Tiêu chuẩn:

a. Tốt nghiệp đại học hệ chính quy, trường công lập, loại khá trở lên;

b. Trong công tác có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được cấp có thẩm quyền công nhận đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở liên tục từ 02 năm trở lên.

c. Cán bộ công chức được đi đào tạo phải nằm trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị, địa phương, ngành, tỉnh.

d. Ngoài ra, đối với các đối tượng chưa đủ các tiêu chuẩn nêu trên nhưng có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể.

Điều 7. Điều kiện để được đào tạo

1. Điều kiện về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn

a. Phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước (có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền);

b. Phải có trình độ, kiến thức, năng lực và đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia khoá đào tạo.

2. Điều kiện về độ tuổi

- Nghiên cứu sinh: không quá 40 tuổi

- Cao học:  không quá 35 tuổi.

Điều 8. Chế độ hỗ trợ đào tạo những cán bộ, công chức, viên chức

1. Đào tạo sau đại học ở nước ngoài

a. Chế độ hỗ trợ:

- Tiến sỹ: 300.000.000 đồng/người/khoá

- Thạc sỹ: 150.000.000 đồng/người/khoá

b. Nếu các cá nhân, tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí đào tạo thì không được hỗ trợ theo chế độ này. Việc chi được thực hiện 02 lần: vào giữa khoá học và sau khi được cấp bằng tốt nghiệp (mỗi lần chi 1/2 tổng số tiền).

2. Đào tạo sau đại học trong nước

a. Chế độ hỗ trợ:

- Tiến sỹ: 100.000.000 đồng/người/khoá;

- Thạc sỹ: 30.000.000 đồng/người/khóa.

b. Không chi đối với những người được các cá nhân, tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí đào tạo. Việc chi được thực hiện 02 lần: vào giữa khoá học và sau khi được cấp bằng tốt nghiệp (mỗi lần chi 1/2 tổng số tiền).

3. Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tại nước ngoài khóa học dưới 6 tháng:

a. Cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung) ở nước ngoài được tỉnh chi trả các khoản sau đây:

- Học phí và các khoản liên quan đến học phí theo thông báo của các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;

- Sinh hoạt phí bao gồm: tiền ăn, ở, chi phí đi lại cho toàn bộ khóa học;

- Bảo hiểm y tế (mức bảo hiểm tối thiểu áp dụng cho lưu học sinh nước ngoài của nước sở tại);

- Tiền vé máy bay hạng thường 01 lượt đi, về từ Việt Nam đến nơi học tập và ngược lại;

- Chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh.

b. Đối tượng, tiêu chuẩn cụ do Sở Nội vụ tham mưu đề xuất hàng năm.

Điều 9. Quyền lợi của những người được đào tạo

1. Trong thời gian đào tạo được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định;

2. Trong thời gian đào tạo được xét thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật;

3. Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo được bố trí công tác theo năng lực, sở trường; được tạo điều kiện phát huy tốt chuyên môn, nghiệp vụ đã đào tạo.

Điều 10. Trách nhiệm, nghĩa vụ của người được đào tạo

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

a. Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, thực sự nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ;

b. Có ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của cơ sở đào tạo;

c. Báo cáo kết quả học tập với cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc khóa học;

d. Phải có đơn cam kết trước khi được hỗ trợ đào tạo. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo phải công tác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền với thời gian làm việc gấp 03 lần thời gian đào tạo. Trong thời gian đào tạo mà tự ý bỏ học, không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc không chấp hành đủ thời gian công tác như nội dung đã cam kết thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo đã được hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Điều 11. Ngành và lĩnh vực được ưu tiên thu hút và đào tạo

1. Các ngành và lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thu hút và đào tạo:

- Lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác chính quyền.

- Lĩnh vực quản lý doanh nghiệp;

- Các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục và đào tạo.

2. Ngoài các lĩnh vực nêu tại khoản 1, Điều này thì tùy theo tình hình cụ thể của từng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung lĩnh vực và các ngành cần thu hút, đào tạo nhân tài cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 12. Nguồn kinh phí

Việc thực hiện chính sách thu hút và đào tạo nhân tài do ngân sách tỉnh đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các sở, ban ngành cấp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu, ngành, nghề, lĩnh vực cần thu hút; đề xuất đối tượng cần thu hút; đăng ký số lượng, lập danh sách những người đủ điều kiện tiêu chuẩn đào tạo.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Căn cứ vào các ngành, lĩnh vực được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định, Sở Nội vụ có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân biết để đăng ký.

2. Hướng dẫn các các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.

3. Tổng hợp, thẩm định và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định việc thu hút, đào tạo và bố trí công tác cho các đối tượng.

4. Theo dõi, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chính sách này theo quy định.

5. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng năm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2011/QĐ-UBND về chính sách thu hút, đào tạo nhân tài tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 17/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản