Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2008/QĐ-BNN

Hà Nội,  ngày 28 tháng 1 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bảo vệ thực vật, phòng trừ sinh vật gây hại rừng, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Cục Bảo vệ thực vật có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế: Plant Protection Department, viết tắt là PPD.

Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội và bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ dự thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ và các dự án, đề án theo sự phân công của Bộ trưởng. Trình Bộ trưởng dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng.

2. Trình Bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm; các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm, liên vùng, liên tỉnh và các chương trình, đề án, dự án, công trình quan trọng thuộc chuyên ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo sự phân công của Bộ trưởng.

3. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thông báo kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý cho từng địa phương, đơn vị sau khi được Bộ phê duyệt kế hoạch tổng thể về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Trình Bộ công bố chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt; chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Về bảo vệ thực vật:

a) Chỉ đạo điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên các loại cây trồng chính và cây rừng. Hướng dẫn và chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại chính đối với tài nguyên thực vật chủ yếu;

b) Trình Bộ quy định điều kiện công bố dịch trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi quốc gia; công bố dịch và bãi bỏ quyết định công bố dịch sinh vật gây hại từ hai tỉnh trở lên;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang vùng khác.

6. Về kiểm dịch thực vật:

a) Trình Bộ công bố: danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh, danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam trong từng thời kỳ; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh Việt Nam;

b) Thực hiện kiểm dịch thực vật nhập, xuất khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

c) Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập nội theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về kiểm dịch thực vật mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại địa phương trên phạm vi toàn quốc;

đ) Quản lý hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;

e) Cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động xông hơi khử trùng đối với vật thể xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bị nhiễm dịch hại phải kiểm dịch thực vật;

g) Cấp phát và quản lý sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu thẻ kiểm dịch thực vật đối với cán bộ, công chức, viên chức kiểm dịch thực vật.

7. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật:

a) Đề xuất, xây dựng trình Bộ cơ chế, chính sách về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

b) Trình Bộ công bố danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam;

c) Quy định thủ tục cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề và buôn bán, sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; quy định điều kiện và thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo uỷ quyền của Bộ trưởng;

d) Cấp và thu hồi giấy phép nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục hoặc chưa có trong danh mục được phép sử dụng để gia công, đóng gói tại Việt Nam nhằm mục đích tái xuất, hoặc để khảo nghiệm, sử dụng trong các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm giấy chứng nhận gia hạn đăng ký, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký) thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam;

đ) Tổ chức thực hiện đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

e) Hướng dẫn, quản lý và tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới;

g) Quản lý, tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng nguyên liệu và thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu, nhập khẩu; thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại kho, xưởng sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán và sử dụng; kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông, lâm sản;

h) Hướng dẫn thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương; hướng dẫn việc thu gom và tiêu huỷ thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật;

i) Trình Bộ việc lập quỹ và sử dụng dự trữ quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật. Hướng dẫn việc lập dự trữ địa phương về thuốc bảo vệ thực vật, chế độ quản lý, phương thức sử dụng dự trữ về thuốc bảo vệ thực vật ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

k) Hướng dẫn các địa phương kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Đề xuất trình Bộ danh mục các chương trình, dự án đầu tư về lĩnh vực bảo vệ thực vật. Chủ trì thẩm định và thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư Bộ giao cho Cục.

9. Tổ chức chỉ đạo công tác điều tra, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất trồng trọt theo quy định.

10. Về khoa học công nghệ:

a) Đề xuất, trình Bộ chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành;

b) Chủ trì thẩm định đề cương, đề tài nghiên cứu; đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện; nghiệm thu, quản lý kết quả và chỉ đạo triển khai kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Cục;

c) Quản lý thông tin khoa học công nghệ về chuyên ngành;

d) Tham gia xây dựng dự thảo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công của Bộ trưởng. Ban hành tiêu chuẩn cơ sở trong phạm vi chuyên ngành được Bộ trưởng phân công.

11. Chỉ đạo triển khai hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo phân công của Bộ trưởng.

12. Về hợp tác quốc tế

a) Xây dựng, trình Bộ chương trình, dự án hợp tác quốc tế về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật theo phân công của Bộ trưởng;

b) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo phân công của Bộ trưởng.

13. Về cải cách hành chính:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính theo kế hoạch của Bộ và sự chỉ đạo của Bộ trưởng;

b) Chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá và đề xuất, xây dựng hệ thống thể chế, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục;

c) Chỉ đạo hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức trực thuộc Cục theo hướng phân công, phân cấp; trình Bộ phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương;

d) Chỉ đạo thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính và cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hoá công sở, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Cục.

14. Về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Cục:

a) Trình Bộ cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật về cung ứng dịch vụ công; về thực hiện xã hội hoá các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực;

b) Ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, thời gian thực hiện cung ứng các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực;

c) Hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

15. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng:

a) Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu việc đề xuất, phản biện của hội, tổ chức phi Chính phủ để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực;

b) Kiến nghị việc xử lý các vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong ngành, lĩnh vực.

16. Về tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức:

a) Xây dựng dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; đề xuất việc thành lập, tổ chức lại các tổ chức trực thuộc Cục;

b) Quyết định thành lập Tổ công tác của Cục; quy định cụ thể về nhiệm vụ tự chủ, điều lệ tổ chức và hoạt động cho các tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Cục theo quy định;

c) Trình Bộ kế hoạch biên chế hàng năm của Cục; quyết định phân bổ biên chế hành chính cho các cơ quan thuộc Cục;

d) Quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, công tác ở nước ngoài theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ;

đ) Quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức thuộc Cục;

e) Quyết định và thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí và quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong các đơn vị thuộc Cục;

g) Tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, chế độ tiền lương, khen thưởng và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật, phân cấp của Bộ; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành theo phân công của Bộ trưởng;

h) Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Bộ trưởng;

i) Báo cáo thực hiện về công tác tổ chức, cán bộ và biên chế theo quy định.

17. Về thanh tra, kiểm tra:

a) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định;

b) Giải quyết hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Cục; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục. Thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

d) Cấp phát và quản lý việc sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu thanh tra đối với công chức thanh tra theo quy định.

18. Về quản lý tài chính, tài sản:

a) Trình Bộ dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch ngân sách trung hạn của Cục;

b) Chịu trách nhiệm quyết toán các nguồn kinh phí do Cục trực tiếp quản lý; quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của nhà nước được giao cho Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật;

c) Tổ chức quản lý việc thu phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

19. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công, phân cấp của Bộ trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Cục:

Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Bộ máy quản lý:

a) Phòng Bảo vệ thực vật;

b) Phòng Kiểm dịch thực vật;

c) Phòng Quản lý sinh vật gây hại rừng;

d) Phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

đ) Phòng Kế hoạch;

e) Phòng Tài chính;

g) Thanh tra Cục;

h) Văn phòng Cục;

i) Bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.

3. Các cơ quan trực thuộc:

a) Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I;

b) Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II;

c) Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng III;

d) Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng IV;

đ) Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng V;

e) Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng VI;

g) Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng VII;

h) Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII;

i) Chi Cục kiểm dịch thực vật vùng IX.

4. Các đơn vị sự nghiệp:

a) Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc;

b) Trung tâm Bảo vệ thực vật khu IV;

c) Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung;

d) Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam;

đ) Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc;

e) Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam;

g) Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I;

h) Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II;

i) Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này có con dấu và tài khoản riêng theo quy định. Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật quy định chức năng, nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp của Bộ và ban hành Quy chế làm việc của Cục.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 88/2003/QĐ-BNN ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Bảo vệ thực vật và các quy định trước đây của Bộ trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, VP;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công báo và Website CP;
- Lưu: VT, TCCB.
 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2008/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 17/2008/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 97 đến số 98
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản