Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2004/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 17/2004/QĐ-BGTVT NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỐC ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH CỦA XE CƠ GIỚI LƯU HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 4596/2001/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Các Ông (bà): Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỐC ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH CỦA XE CƠ GIỚI LƯU HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Quy định này quy định về tốc độ và khoảng cách giữa hai xe của các loại xe cơ giới lưu hành trên đường bộ.

1.2. Người lái xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ và khoảng cách ghi trên các biển báo hiệu. Tại nơi không có biển báo, người lái xe phải tuân thủ các quy định cụ thể trong quy định này.

1.3. Người lái xe phải điều khiển xe chạy với tốc độ và khoảng cách phù hợp với điều kiện của đường, mật độ giao thông, thời tiết, phương tiện và sức khỏe của mình.

1.4. Nghiêm cấm người điều khiển xe chạy nối theo các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

2. TỐC ĐỘ CỦA XE CƠ GIỚI LƯU HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ

2.1. Người lái xe phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau đây:

a. Khi có báo hiệu hạn chế tốc độ, biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;

b. Khi tầm nhìn bị hạn chế;

c. Khi qua nơi đường giao nhau; nơi đường bộ giao cắt đường sắt, đường vòng, đoạn đường gồ ghề, trơn trượt, cát bụi;

d. Khi qua cầu, cống hẹp; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

đ. Khi qua trường học, nơi tập trung đông người, nơi đông dân, nơi có nhà cửa gần đường, nơi đang thi công;

e. Khi vượt đoàn người đi bộ;

g. Khi có súc vật đi trên đường hoặc ở gần trường;

h. Khi tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi đã cho xe sau vượt;

i. Khi đến gần bến xe điện, xe buýt có khách đang lên xuống;

k. Khi gặp đoàn xe ưu tiên;

m. Khi gặp xe quá tải, quá khổ đi ngược chiều trên đường không có dải phân cách ở giữa;

n. Khi chuyển hướng xe.

2.2. Khi đang điều khiển xe chạy trên đường, nếu không có chướng ngại phía trước, người lái xe không được điều khiển phương tiện lưu hành quá chậm đến mức gây cản trở các phương tiện khác.

2.3. Trên đường nội thành, nội thị, khi không có biển báo "Tốc độ tối đa cho phép", với điều kiện đường khô ráo và thời tiết bình thường, người lái xe không được điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ tối đa quy định tại bảng 1.

Bảng 1. Tốc độ tối đa cho phép phương tiện cơ giới đường bộ lưu hành
trên đường nội thành, nội thị

Loại phương tiện cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

 

Đường không có dải phân cách cố định

Đường có dải phân cách cố định

Xe con, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi

45

50

Xe mô tô 2 – 3 bánh, xe tải có tải trọng dưới 3500 kg, xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi

35

40

Xe tải có tải trọng từ 3500 kg trở lên, xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi

30

35

Xe gắn máy, xe sơ mi rơ moóc, xe kéo rơ moóc, xe kéo xe khác

25

30

Trong điều kiện thời tiết không bình thường (trời mưa, đường trơn ướt, sương mù), địa hình miền núi, người lái xe phải cho xe chạy với tốc độ phù hợp, thấp hơn so với tốc độ tối đa quy định tại bảng 1.

2.4. Trên đường ngoại thành, ngoại thị và đường đô thị, trừ đường cao tốc, khi không có biển báo "Tốc độ tối đa cho phép", với điều kiện đường khô ráo và thời tiết bình thường, người lái xe không được cho xe chạy vượt quá tốc độ tối đa quy định tại bảng 2.

Bảng 2. Tốc độ tối đa cho phép phương tiện cơ giới đường bộ lưu hành
trên đường ngoại thành, ngoại thị và đường ngoài đô thị

Loại phương tiện

Tốc độ tối đa (km/h)

 

Đường không có dải phân cách cố định

Đường có dải phân cách cố định

Xe con, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi

70

80

Xe tải có tải trọng dưới 3500 kg, xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi

60

70

Xe tải có tải trọng từ 3500 kg trở lên, xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, xe mô tô 2 – 3 bánh

50

60

Xe gắn máy, xe sơ mi rơ moóc, xe kéo rơ moóc, xe kéo xe khác

40

50

Trường hợp điều kiện thời tiết không bình thường (trời mưa, đường trơn ướt, sương mù), địa hình miền núi người lái xe phải cho xe chạy với tốc độ phù hợp, thấp hơn tốc độ tối đa quy định tại bảng 2.

2.5. Ở nơi có biển báo "Tốc độ tối đa cho phép" mà số ghi trên biển báo lớn hơn tốc độ tối đa quy định tại bảng 1 và bảng 2 thì người lái xe chỉ được điều khiển phương tiện lưu hành với tốc độ tối đa quy định tại bảng 1 và bảng 2.

2.6. Tốc độ lưu hành trên đường đối với các loại xe như máy kéo xe công cộng, xe lam, xe lôi, xe xích lô máy, xe ba gác máy và các loại xe khác hiện đang được phép hoạt động trong phạm vi địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhưng không được vượt quá 30 km/h.

3. TỐC ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC XE CƠ GIỚI LƯU HÀNH TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC

3.1. Khi chạy trên đường cao tốc, người lái xe không được điều khiển phương tiện lưu hành vượt quá tốc độ tối đa cho phép và thấp dưới tốc độ tối thiểu quy định đối với từng đường, làn đường được ghi trên biển báo hoặc sơn kẻ trên mặt đường.

3.2. Trên làn đường cao tốc, trừ làn nhập và làn tách dòng, người lái xe phải luôn duy trì khoảng cách an toàn với xe đang chạy phía trước. Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với từng tốc độ quy định tại bảng 3.

Bảng 3. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các phương tiện cơ giới
đang lưu hành trên đường bộ

Tốc độ lưu hành

(km/h)

Khoảng cách an toàn tối thiểu

(mét)

Đến 60

Trên 60 đến 70

Trên 70 đến 80

Trên 80 đến 90

Trên 90 đến 100

Trên 100 đến 110

Trên 110 đến 120

30

35

45

55

65

75

90

 

Trường hợp điều kiện thời tiết không bình thường (trời mưa, đường trơn ướt, sương mù), thì người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu quy định tại bảng 3.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan quản lý đường bộ thực hiện Quy định này.

4.2. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và lắp đặt đầy đủ các báo hiệu về tốc độ và khoảng cách theo quy định của Điều lệ Báo hiệu đường bộ.

4.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các Khu quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và lực lượng kiểm soát giao thông cần báo cáo Bộ Giao thông vận tải qua Cục Đường bộ Việt Nam để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi kịp thời.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2004/QĐ-BGTVT về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

  • Số hiệu: 17/2004/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 11/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản