Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1696/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 15 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 11 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1431/TTr-SNN ngày 25 tháng 5 năm 2018 về việc phê duyệt quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1731/SKHĐT-KTN ngày 05 tháng 6 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án quy hoạch

Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025.

2. Quan điểm phát triển

- Phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển bền vững của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, của từng địa phương và các ngành; mang tính chiến lược lâu dài, khả thi và ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý của các ngành chức năng.

- Việc quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải gắn kết với thị trường kinh doanh, thuận lợi trong việc vận chuyển và gần mạng lưới tiêu thụ, đảm bảo vừa đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm của các cơ sở chăn nuôi, vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng.

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải đảm bảo giải quyết tối đa nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm của toàn tỉnh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thú y, về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

- Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng với nhiều phương thức giết mổ (công nghiệp, bán công nghiệp và thủ công) đa dạng công nghệ, nâng dần từ giết mổ lên sơ chế, chế biến sản phẩm; tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

3. Mục tiêu quy hoạch

3.1. Mục tiêu tổng quát

Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Từng bước hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hợp lý và đồng bộ, gắn phát triển chăn nuôi với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh động vật và các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Cung cấp sản phẩm động vật qua giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; bảo đảm vệ sinh môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững có hiệu quả.

Tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2020:

Đầu tư xây dựng 07 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các xã, thị trấn, cụ thể: Xã Phước Đồng - thành phố Nha Trang; xã Suối Hiệp - huyện Diên Khánh; xã Cam Thịnh Đông - thành phố Cam Ranh; thị trấn Cam Đức (hoàn thiện), xã Cam Hải Tây - huyện Cam Lâm; xã Ninh Quang - thị xã Ninh Hòa và xã Vạn Hưng - huyện Vạn Ninh.

Nâng cấp, sửa chữa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hiện có (đủ điều kiện nâng cấp, sửa chữa theo yêu cầu của Luật Thú y); kiên quyết di dời và đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và môi trường.

Hình thành được 01 chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn an toàn, 01 chuỗi sản xuất và cung cấp thịt gà an toàn. Sản lượng thịt từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường trong tỉnh chiếm khoảng 55 - 65% sản lượng thịt các loại.

b) Giai đoạn 2021-2025:

Xây dựng thêm 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các xã, cụ thể: Xã Cam Thành Nam - thành phố Cam Ranh; xã Ninh Sim, Ninh An - thị xã Ninh Hòa; xã Suối Tân, Cam An Bắc - huyện Cam Lâm; xã Vạn Hưng, Vạn Phước - huyện Vạn Ninh; xã Sông Cầu, Khánh Bình - huyện Khánh Vĩnh; xã Diên Thọ - huyện Diên Khánh và xã Ba Cụm Bắc - huyện Khánh Sơn cùng với 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn.

Các cơ sở giết mổ đã nâng cấp, sửa chữa của từng khu vực cụm xã, phường, thị trấn phải chấm dứt hoạt động khi các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung xây dựng hoàn thành theo kế hoạch.

Phấn đấu hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025 đảm bảo được 100% lượng thịt tiêu thụ nội tỉnh. Trên 95% sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Nội dung quy hoạch

4.1. Quy hoạch đến năm 2020

4.1.1. Thành phố Nha Trang

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung loại I, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 50 - 100 con trâu (bò), 800 - 1.500 con lợn và 2.500 - 4.000 con gia cầm; cung cấp cho thị trường thành phố Nha Trang và các khu vực lân cận; địa điểm tại khu vực ngã ba Đồng Bò đi Trảng É, xã Phước Đồng với diện tích 12,6 ha, giai đoạn 1 đầu tư 3 ha.

4.1.2. Thành phố Cam Ranh

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 40 - 80 con trâu (bò), 250 - 300 con lợn và 1.500 - 2.000 con gia cầm; cung cấp cho khu vực trung tâm thành phố và các xã phía Nam; địa điểm xây dựng ở phía Tây Nam kho than Cam Ranh, tại thôn Hòn Quy xã Cam Thịnh Đông với diện tích 5 ha.

Đối với các cơ sở giết mổ hiện có, cần tiến hành nâng cấp, sửa chữa 15 cơ sở giết mổ để đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật Thú y tại các địa bàn như sau: Phường Cam Nghĩa 04 cơ sở, phường Ba Ngòi, xã Cam Thịnh Đông và Cam Phước Đông mỗi địa bàn 02 cơ sở; các phường Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Lợi, Cam Lộc và Cam Thuận mỗi địa bàn 01 cơ sở; đồng thời chấm dứt hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện nâng cấp, cải tạo và có chính sách hỗ trợ thích hợp để họ chuyển đổi ngành nghề.

4.1.3. Thị xã Ninh Hòa

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 40 - 60 con trâu (bò), 120 - 150 con lợn và 1.200 - 1.500 con gia cầm; cung cấp cho khu vực trung tâm thị xã và các xã phía Nam; địa điểm xây dựng tại thôn Thuận Mỹ xã Ninh Quang với diện tích 5 ha.

Đối với 13 cơ sở giết mổ hiện có, cần nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật Thú y theo khu vực cụm xã, phường như sau: Xã Ninh Lộc, Ninh Sơn, Ninh An, Ninh Xuân, Ninh Diêm, Ninh Quang, Ninh Đông, Ninh Trung, Ninh Phụng, Ninh Sim, phường Ninh Đa mỗi địa bàn 1 cơ sở, phường Ninh Hiệp 02 cơ sở. Kiên quyết di dời và đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và môi trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ thích hợp để họ chuyển đổi ngành nghề.

4.1.4. Huyện Cam Lâm

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 30 - 50 con trâu (bò), 120 - 150 con lợn và 1.000 - 1.500 con gia cầm; cung cấp cho khu vực trung tâm huyện; địa điểm xây dựng nằm trên trục đường liên xã của thôn Bãi Giếng 2 xã Cam Hải Tây với diện tích 5 ha.

Nghiên cứu đầu tư hoàn thiện cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại thị trấn Cam Đức một cách hợp lý để phục vụ nhu cầu thị trường.

Đối với 06 cơ sở giết mổ hiện có, cần tiến hành nâng cấp, cải tạo để đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh thú y: Gồm 03 cơ sở tại thị trấn Cam Đức, các xã Cam An Bắc, Cam Hòa, Cam Thành Bắc mỗi xã 01 cơ sở. Các cơ sở không đủ điều kiện để nâng cấp, cải tạo thì chấm dứt hoạt động, đồng thời có chính sách hỗ trợ thích hợp để họ chuyển đổi ngành nghề.

4.1.5. Huyện Vạn Ninh

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 20 - 40 con trâu (bò), 80 - 100 con lợn và 1.000 - 1.200 con gia cầm; cung cấp cho các xã phía Nam và khu vực trung tâm huyện; địa điểm xây dựng nằm trên trục đường liên xã thuộc thôn Xuân Tự I xã Vạn Hưng với diện tích 5 ha.

Đối với 08 cơ sở giết mổ hiện có, cần tiến hành nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định ở các địa bàn như sau: Xã Vạn Hưng, tổ dân phố 10 và 11 - xã Vạn Giã, thôn Phú Cang 2 - xã Vạn Phú, thôn Bình Trung 2 - xã Vạn Bình, thôn Lộc Thọ - xã Vạn Long, thôn Ninh Mã - xã Vạn Thọ, thôn Đông Nam - xã Đại Lãnh. Kiên quyết di dời và đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và môi trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ thích hợp để họ chuyển đổi ngành nghề.

4.1.6. Huyện Khánh Vĩnh

Đầu tư nâng cấp cải tiến trang thiết bị 04 cơ sở giết mổ thủ công, gồm 03 cơ sở tại thị trấn Khánh Vĩnh và 01 cơ sở tại xã Khánh Bình.

4.1.7. Huyện Diên Khánh

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 40 - 50 con trâu (bò), 100 - 150 con lợn và 1.000 - 1.500 con gia cầm/ngày đêm; cung cấp cho khu vực trung tâm huyện và các xã trong vùng; địa điểm xây dựng tại thôn Cư Thạnh xã Suối Hiệp với diện tích 5 ha.

4.1.8. Huyện Khánh Sơn

Vận động 05 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tiến hành nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo đủ điều kiện về giết mổ.

4.2. Quy hoạch giai đoạn 2021-2025

4.2.1. Thành phố Nha Trang

Đầu tư thêm dây chuyền công nghệ cho cơ sở giết mổ ở khu vực Trảng É, nâng dần công suất chuyển từ giết mổ sang sơ chế và chế biến sản phẩm, gắn chăn nuôi trang trại với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

4.2.2. Thành phố Cam Ranh

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung loại II, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 40 - 60 con trâu (bò), 120 - 170 con lợn và 1.000 - 1.500 con gia cầm; cung cấp sản phẩm cho các xã, phường lân cận và ngoài thành phố; địa điểm tại thôn Quảng Hòa xã Cam Thành Nam với diện tích 5 ha.

Đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại II ở thôn Hòn Quy, xã Cam Thịnh Đông thành cơ sở giết mổ loại I (phương thức giết mổ công nghiệp).

4.2.3. Thị xã Ninh Hòa

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 20 - 40 con trâu (bò), 80 - 100 con lợn và 800 - 1.000 con gia cầm; cung cấp cho các xã phía Tây của thị xã và cho thị trường huyện mới sẽ hình thành trong tương lai; địa điểm xây dựng tại thôn Đống Đa xã Ninh Sim với diện tích 4 ha.

Xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 10 - 30 con trâu (bò), 60 - 80 con lợn và 500 - 800 con gia cầm; cung cấp cho khu vực phía Bắc thị xã; địa điểm xây dựng tại phía Bắc thôn Ngọc Sơn xã Ninh An với diện tích 5 ha.

4.2.4. Huyện Cam Lâm

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 20 - 40 con trâu (bò), 80 - 100 con lợn và 800 - 1.000 con gia cầm; cung cấp cho khu vực các xã phía Bắc; địa điểm xây dựng tại thôn Vĩnh Phú xã Suối Tân với diện tích 5 ha.

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 30 - 50 con lợn và 400 - 600 con gia cầm; cung cấp cho các xã phía Tây của huyện; địa điểm xây dựng tại thôn Cửa Tùng xã Cam An Bắc với diện tích 5 ha.

4.2.5. Huyện Vạn Ninh

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 10 - 30 con trâu (bò), 60 - 80 con lợn và 800 - 1.000 con gia cầm; cung cấp cho địa phương và các xã lân cận; địa điểm xây dựng tại thôn Tân Phú xã Vạn Phú với diện tích 5 ha.

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 20 - 40 con trâu (bò), 100 - 120 con lợn và 1.000 - 1.200 con gia cầm; cung cấp cho thị trường khu đô thị phía Bắc của huyện và khu kinh tế Vân Phong; địa điểm xây dựng tại thôn Tân Phước Tây xã Vạn Phước với diện tích 5 ha.

4.2.6. Huyện Khánh Vĩnh

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 20 - 40 con trâu (bò), 50 - 70 con lợn và 500 - 700 con gia cầm; cung cấp cho khu vực trung tâm huyện và cụm công nghiệp; địa điểm xây dựng tại thôn Đông xã Sông Cầu với diện tích 2 ha.

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 30 - 40 con lợn và 300 - 400 con gia cầm; địa điểm xây dựng tại tổ 9 thôn Bến Khế xã Khánh Bình với diện tích 1 ha.

Vận động 2 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ giết mổ để cung cấp thịt tại chỗ cho nhân dân trong khu vực.

4.2.7. Huyện Diên Khánh

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 10 - 30 con trâu (bò), 80 - 100 con lợn và 800 - 1.000 con gia cầm; cung cấp cho các xã trong vùng; địa điểm xây dựng tại thôn Đồng Bé xã Diên Thọ (giáp ranh xã Diên Tân) với diện tích 5 ha.

4.2.8. Huyện Khánh Sơn

Đầu tư xây dựng 01 cơ sở tập trung giết mổ thủ công loại III, công suất giết mổ 01 ngày đêm là 10 - 30 con trâu (bò), 40 - 60 con lợn và 600 - 700 con gia cầm; cung cấp cho khu vực trung tâm huyện và các xã lân cận; địa điểm xây dựng tại xã Ba Cụm Bắc với diện tích 1 ha.

Vận động 4 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ giết mổ để cung cấp thịt tại chỗ cho nhân dân trong khu vực.

5. Tổng nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 470.200 triệu đồng. Chia theo nguồn vốn:

a) Trường hợp doanh nghiệp đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, được Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách: 195.700 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 142.400 triệu đồng, vốn ngân sách cấp huyện 53.300 triệu đồng).

- Vốn doanh nghiệp: 274.500 triệu đồng.

b) Trường hợp Nhà nước đầu tư hạ tầng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; các chủ cơ sở tự đầu tư dây chuyền thiết bị, công cụ giết mổ:

- Vốn ngân sách: 441.600 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 316.030 triệu đồng, vốn ngân sách cấp huyện 125.570 triệu đồng).

- Vốn chủ cơ sở di dời vào khu giết mổ tập trung: 28.600 triệu đồng.

6. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư: Theo Phụ lục kèm theo.

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

7.1. Giải pháp chính sách

- Triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương đã ban hành, đồng thời cụ thể hóa các chính sách cho ngành giết mổ và chế biến để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và bức xúc.

- Hỗ trợ rủi ro cho người dân thiệt hại do thiên tai, chuyển đổi nghề cho người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung.

7.2. Giải pháp về vốn

- Tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, kết hợp huy động vốn đầu tư nước ngoài thông qua tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư trong hoạt động sản xuất.

- Khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút vốn của các thành phần kinh tế.

7.3. Giải pháp tổ chức và phân vùng nguyên liệu cho sản xuất

- Tổ chức lại các hoạt động sản xuất và chế biến theo Đề án chuyển đổi ngành chăn nuôi Khánh Hòa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất, với các nhà chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng,...; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trong chăn nuôi và giết mổ chế biến sản phẩm.

7.4. Giải pháp khoa học công nghệ

Tiếp tục ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để phát triển giết mổ, chế biến theo chiều sâu; nâng cấp các cơ sở giết mổ bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

7.5. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường quản lý để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xây dựng mới phải có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan chức năng về môi trường.

7.6. Các giải pháp khác đảm bảo thực hiện quy hoạch, di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư.

- Tập trung thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ dây truyền chế biến thực phẩm tiên tiến. Từ đó, vận động các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ ở các cơ sở tập trung.

- Xây dựng quy trình, thủ tục triển khai dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đảm bảo đúng tiến độ và thời gian hoàn thành; xây dựng kế hoạch di dời, dừng giết mổ ở các cơ sở không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng và Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu giết mổ công nghiệp và mở rộng hoạt động đầu tư giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

- Duy trì cơ cấu thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng. Phát triển các hệ thống cung ứng cho từng mặt hàng theo nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng các hình thức đào tạo cho những người trực tiếp sản xuất phù hợp với từng ngành nghề.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ (ODA, FDI...) từ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, thương mại, kinh nghiệm trong lĩnh vực giết mổ, chế biến với các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch; hướng dẫn và theo dõi quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch ở các địa phương.

Định kỳ hàng năm, tổ chức đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện quy hoạch; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công khai quy hoạch và phổ biến chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến các tổ chức, cá nhân và địa phương có quy hoạch biết để thực hiện; xây dựng các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt và triển khai quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, thị xã và thành phố.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

DANH MỤC

DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

TT

Tên dự án

Phân loại

TMĐT (triệu đồng)

Chia theo nguồn vốn

Ngân sách tỉnh

Ngân sách huyện

Vốn khác

 

Tổng số

 

470.200

316.030

125.570

28.600

I

Giai đoạn đến năm 2020

 

266.200

200.740

52.660

12.800

1

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Phước Đồng - Nha Trang

Loại I

103.200

103.200

 

 

2

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Hòn Quy xã Cam Thịnh Đông - Cam Ranh

Loại II

38.000

22.120

12.480

3.400

3

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Thuận Mỹ xã Ninh Quang - Ninh Hòa

Loại II

26.000

15.120

8.480

2.400

4

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Bãi Giếng 2 xã Cam Hải Tây - Cam Lâm

Loại II

27.000

15.120

9.480

2.400

5

Khu giết mổ thị trấn Cam Đức - Cam Lâm

Loại II

11.000

7.700

3.300

 

6

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Xuân Tự I xã Vạn Hưng - Vạn Ninh

Loại II

24.000

13.650

8.350

2.000

7

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Cư Thạnh xã Suối Hiệp - Diên Khánh

Loại II

32.000

18.830

10.570

2.600

8

Nâng cấp cải tạo 50 cơ sở

 

5.000

5.000

 

 

II

Giai đoạn 2021-2025

 

204.000

115.290

72.910

15.800

1

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Quảng Hòa xã Cam Thành Nam - Cam Ranh

Loại II

34.000

19.390

11.810

2.800

2

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Đống Đa xã Ninh Sim - Ninh Hòa

Loại III

20.000

11.480

6.920

1.600

3

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Ngọc Sơn xã Ninh An - Ninh Hòa

Loại III

18.000

10.220

6.380

1.400

4

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Cửa Tùng xã Cam An Bắc - Cam Lâm

Loại III

15.000

8.400

5.600

1.000

5

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Vĩnh Phú xã Suối Tân - Cam Lâm

Loại III

20.000

11.130

7.270

1.600

6

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Tân Phước Tây xã Vạn Phước - Vạn Ninh

Loại III

22.000

12.390

7.810

1.800

7

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Tân Phú xã Vạn Phú - Vạn Ninh

Loại III

18.000

10.220

6.380

1.400

8

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Đông xã Sông Cầu - Khánh Vĩnh

Loại III

16.000

8.960

5.840

1.200

9

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Bến Khế xã Khánh Bình - Khánh Vĩnh

Loại III

12.000

6.790

4.410

800

10

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Đồng Bé xã Diên Thọ - Diên Khánh

Loại III

17.000

9.170

6.430

1.400

11

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Ba Cụm Bắc - Khánh Sơn

Loại III

12.000

7.140

4.060

800

Ghi chú: Cơ cấu nguồn vốn tại Phụ lục này áp dụng cho trường hợp Nhà nước đầu tư hạ tầng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các chủ cơ sở tự đầu tư dây chuyền thiết bị, công cụ giết mổ.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1696/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025

  • Số hiệu: 1696/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Đào Công Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản