Hệ thống pháp luật

1THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐẦU TƯ, MUA SẮM CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về việc "đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá";
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi và đối tượng

Quyết định này quy định về việc đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối tượng điều chỉnh của Quyết định này là tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là các cơ quan, tổ chức) có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để đầu tư, mua sắm về công nghệ thông tin.

Điều 2. Quy định về đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin

1. Các cơ quan, tổ chức khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi của tín dụng đầu tư và phát triển của Nhà nước (sau đây gọi tắt là nguồn vốn ngân sách) để đầu tư, mua sắm, thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là dự án công nghệ thông tin), phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước (sau đây gọi là sản phẩm công nghệ thông tin) được quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

2. Trong trường hợp sản phẩm cần mua là loại trong nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, cơ quan chủ trì dự án phải có hồ sơ giải trình chi tiết về các yêu cầu đặc thù này gửi xin ý kiến các cơ quan chuyên môn liên quan và phải được sự thẩm định phê duyệt của cơ quan quản lý cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ trưởng các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quyết định cho phép mua sắm sản phẩm nhập ngoại nói trên.

3. Các cơ quan, đơn vị khi xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo sự cân đối, hợp lý, đồng bộ giữa mua sắm phần mềm và phần cứng; phải ưu tiên mua sắm, đầu tư xây dựng các giải pháp, sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số để đảm bảo sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là hiệu quả, tiết kiệm.

4. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là các sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số.

5. Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước khai thác, cung cấp.

6. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng quy chế và định mức đầu tư, mua sắm công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án phần mềm.

Điều 3. Tiêu chí các sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên.

1. Trong Quyết định này, sản phẩm công nghệ thông tin được hiểu bao gồm:

- Các sản phẩm phần mềm;

- Các sản phẩm nội dung thông tin số;

- Các sản phẩm phần cứng máy tính;

- Các sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng;

- Các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin (dịch vụ tư vấn, thiết kế, đào tạo, chuyển giao công nghệ, bảo hành bảo trì về công nghệ thông tin và các dịch vụ liên quan khác).

2. Sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên mua sắm theo Quyết định này phải thoả mãn các tiêu chí sau:

a) Là sản phẩm công nghệ thông tin thoả mãn ít nhất một trong số các yêu cầu sau:

- Được nghiên cứu thiết kế, sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam;

- Được lắp ráp, chỉnh sửa, nâng cấp hoặc bản địa hoá trên lãnh thổ Việt Nam mà các hoạt động này đem lại hàm lượng giá trị gia tăng cao hoặc đem lại nhiều lợi ích thiết thực về chính trị, xã hội;

- Các dịch vụ công nghệ thông tin do các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép đầu tư hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện;-

Các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở do các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép đầu tư hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khai thác, cung cấp.

b) Có chất lượng đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và các yêu cầu liên quan khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.

3. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào các quy định trong Điều này để xây dựng tiêu chí chi tiết, đồng thời tiến hành xây dựng, ban hành và định kỳ cập nhật danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên để làm cơ sở thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án công nghệ thông tin

1. Các gói thầu thuộc các dự án công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng nguồn vốn ngân sách chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế trong trường hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước chưa có khả năng thực hiện, hoặc có thể thực hiện nhưng giá thành quá cao so với nhà thầu nước ngoài hoặc không chọn được nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Cho phép các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có thể liên danh, liên kết để cùng đấu thầu dự án công nghệ thông tin.

2. Đối với các dự án công nghệ thông tin thực hiện đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam và phải cam kết dành cho nhà thầu Việt Nam khối lượng công việc có giá trị tối thiểu là 30% giá trị của toàn bộ gói thầu. Ưu tiên cho nhà thầu có tỷ lệ giá trị công việc dành cho phía Việt Nam cao hơn.

3. Khi chấm thầu các gói thầu thuộc dự án công nghệ thông tin dùng nguồn vốn ngân sách, phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu có phương án sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ thông tin nội địa. Khuyến khích hình thức tổ chức mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin tập trung, hạn chế mua sắm nhỏ lẻ.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định tại Điều này.

Điều 5. Các cơ chế tài chính thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

1. Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện được xem xét, ưu tiên ứng vốn đầu tư tuỳ theo tính chất cấp bách của từng dự án; việc ứng vốn được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý đầu tư và xây dựng các dự án công nghệ thông tin; đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian khấu hao đối với các sản phẩm công nghệ thông tin cho phù hợp với đặc điểm thay đổi công nghệ nhanh của các sản phẩm này.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định tại Điều này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình ban hành các quy định cụ thể về ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin trong nước đã sản xuất được trong các dự án công nghệ thông tin dùng nguồn vốn vay nợ, nguồn vốn viện trợ của nước ngoài và các nguồn vốn khác.

3. Các Bộ, ngành, địa phương vào quý IV hàng năm có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Bưu chính, Viễn thông về tình hình thực hiện Quyết định này để Bộ Bưu chính, Viễn thông tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng quy định ở Điều 1 có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN,TBNC, các PCN, BNC,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 169/2006/QĐ-TTg về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 169/2006/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/07/2006
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 59 đến số 60
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản