Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1682/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 15 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ, XÉT CÔNG NHẬN XàĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNNPTNT ngày 09/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh Ban hành Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 31/TTr-VPĐPNTM ngày 10/5/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG;
- VP Chính phủ, VPĐPNTM TW;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Huyện ủy/Thị ủy/Thành ủy;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, VX, NC, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trí Thanh

 

QUY ĐỊNH

ĐÁNH GIÁ, XÉT CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1682 /QĐ-UBND ngày 15 /5/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đối với các xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các xã, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, được phân chia thành 02 khu vực để đánh giá như sau:

- Khu vực 1: Các xã thuộc các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My;

- Khu vực 2: Các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố còn lại.

b) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới(NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Công tác đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM phải bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM.

2. Các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn NTM phải bảo đảm đủ các chỉ tiêu, yêu cầu theo quy định tại Quyết định này.

3. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM phải đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo Quy định này.

4. Đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM được tổ chức hằng năm, trên cơ sở kết quả thực hiện đến thời điểm đánh giá.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ CÁC TIÊU CHÍ ĐẠT CHUẨN

Điều 3. Tiêu chí quy hoạch (tiêu chí số 1)

1. Xã đạt chuẩn tiêu chí quy hoạch khi đáp ứng đủ 2 yêu cầu sau:

a) Có quy hoạch chung xây dựng xã được UBND cấp huyện phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh([1])(nếu có) và được công bố công khai đúng thời hạn.

b) Có ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.

2. Giải thích từ ngữ

- Có quy hoạch chung xây dựng xã là thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28/10/2011 của liên bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn và hướng dẫn của Sở Xây dựng (đối với trường hợp lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã sau ngày 15/4/2017).

Quy hoạch chung xây dựng xã phải đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô và đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn.

- Được công bố công khai đúng thời hạn là quy hoạch chung xây dựng xã được công bố rộng rãi tới các thôn (bằng các hình thức như: cuộc họp, hội nghị, thông tin trên loa, đài); có Quyết định phê duyệt, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch và các bản đồ quy hoạch được niêm yết công khai, treo tại trụ sở UBND xã hoặc các khu vực khác trên địa bàn xã (nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, các khu vực thuận lợi,...) để người dân biết, giám sát, thực hiện.

- Ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch là có quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch([2]) được UBND cấp huyện phê duyệt. Hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng và ranh giới phân khu chức năng theo quy hoạch được duyệt. Tùy điều kiện nguồn lực mà địa phương lập kế hoạch cắm mốc cho phù hợp, trong đó ưu tiên cắm mốc trước các tuyến đường giao thông; các phân khu chức năng (cắm mốc ranh giới các khu trung tâm, khu sản xuất - chăn nuôi tập trung, khu nuôi trồng thủy sản, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (nếu có)).

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí quy hoạch

a) Mẫu 1 theo quy định tại Quyết định này ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan cấp huyện chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Bản sao các Quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện: Quy hoạch chung xây dựng xã (bao gồm các Quyết định phê duyệt điều chỉnh, nếu có điều chỉnh); Đề án xây dựng xã NTM (nếu có điều chỉnh Đề án), Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn (nếu có điều chỉnh Đề án), Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch.

c) Bản sao Biên bản họp công khai quy hoạch đến các thôn (nếu tổ chức họp công khai) hoặc kế hoạch thông báo trên loa, đài (nếu công bố trên loa, đài);

d) Bản sao hồ sơ cắm mốc quy hoạch theo quy định (Quyết định phê duyệt hồ sơ mốc (nếu có), số mốc đã cắm, địa điểm đã cắm mốc, biên bản bàn giao mốc đã cắm).

* Đối với các địa phương có quy hoạch NTM đã phù hợp, không cần điều chỉnh thì sẽ kiểm tra về thành phần, kết cấu hồ sơ theo Hồ sơ mẫu được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2894/QĐ-UBND ngày 07/9/2012. Những địa phương có điều chỉnh quy hoạch sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng.

(Mẫu 1. Đánh giá tiêu chí số 1 quy hoạch)

Điều 4. Tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2)

1. Xã đạt tiêu chí giao thông khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu:

a) Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm,trong đó tỷ lệ bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt theo quy định của khu vực (chỉ tiêu 2.1).

b) Đường trục thôn và đường liên thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, trong đó tỷ lệ bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt theo quy định của khu vực (chỉ tiêu 2.2).

c) Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Trong đó, tỷ lệ cứng hóa đạt theo quy định của khu vực (chỉ tiêu 2.3).

d) Đường trục chính nội đồng([3])(hoặc đường vào khu sản xuất tập trung đối với xã miền núi), đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Trong đó, tỷ lệ cứng hóa đạt theo quy định của khu vực (chỉ tiêu 2.4).

2. Giải thích từ ngữ

a) Cứng hóa là đường được trải nhựa, trải bê tông, đá xẻ, lát gạch hoặc trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm, sỏi sông.

b) Các loại đường giao thông nông thôn:

- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện (gọi chung là đường xã): Là đường nối từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn, hoặc trung tâm xã đến đường huyện hoặc đến trung tâm các xã lân cận.

- Đường trục thôn, liên thôn (gọi chung là đường trục thôn) là đường nối trung tâm thôn đến các cụm dân cư trong thôn.

- Đường ngõ, xóm là đường nối giữa các hộ gia đình trong các cụm dân cư.

- Đường trục chính nội đồng là đường trục chính nối từ khu dân cư đến các cánh đồng lớn, các khu sản xuất tập trung (khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung) của thôn, xã hoặc đường trục chính ở các khu vực dồn điền, đổi thửa có diện tích từ 20ha trở lên.

3. Tiêu chuẩn đánh giá: Thực hiện theo Phụ lục 01 đính kèm.

Tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn (GTNT) theo quy định tại Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải: Cấp A: Nền đường rộng tối thiểu 6-6,5m, mặt đường rộng tối thiểu 3,5m; cấp B: Nền đường rộng tối thiểu 4-5m, mặt đường rộng tối thiểu 3-3,5m; cấp C: Nền đường rộng tối thiểu 3-4m, mặt đường rộng tối thiểu 2-3m; cấp D: Nền đường rộng tối thiểu 2m, mặt đường rộng tối thiểu 1,5m. Tùy tình hình thực tế về nhu cầu phục vụ dân sinh và điều kiện nguồn lực của địa phương (huyện, xã) và sự tham gia của cộng đồng dân cư, có thể thiết kế rộng hơn so với tiêu chuẩn tối thiểu nêu trên.

4. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Bước 1:

- Phân loại, thống kê số lượng đường bộ trên địa bàn xã theo các loại đường đang quản lý, gồm: Đường xã, đường trục thôn, đường ngõ - xóm, đường trục chính nội đồng. Nếu đường kết hợp thì xếp vào cấp đường cao hơn để đánh giá.

- Phân các loại đường đang quản lý như trên thành hai nhóm: Nhóm đường thiết yếu (yêu cầu phải đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quy định tại tiêu chí giao thông) và nhóm đường không thiết yếu (yêu cầu sạch, không lầy lội vào mùa mưa, chỉ cần cắm mốc quản lý, khi có điều kiện về nguồn lực thì cứng hóa).

b) Bước 2: Đánh giá kết cấu mặt đường và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại đường đến thời điểm hiện tại.

Sau khi thực hiện bước 1 và bước 2, tiến hành lập bảng thống kê phân loại đường (Mẫu 2.1).

c) Bước 3: Tổng hợp số liệu, so sánh với chỉ tiêu theo các quy định để đưa ra kết luận đạt/chưa đạt; kết quả đánh giá lập thành bảng (Mẫu 2.2).

Dựa vào kết quả rà soát, xem xét những nội dung chưa đạt để có kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp, bảo đảm các chỉ tiêu theo quy định.

5. Cách phân nhóm đường

Mỗi loại đường đang quản lý được phân thành 2 nhóm, nhóm đường thiết yếu và nhóm đường không thiết yếu.

a) Nhóm đường thiết yếu: Là loại đường thiết yếu, bảo đảm khả năng tiếp cận cho mỗi người dân từ hộ gia đình → cụm dân cư → trung tâm thôn → trung tâm xã → trung tâm huyện và từ hộ gia đình → khu sản xuất tập trung và các tuyến đường có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đi lại.

Chất lượng của nhóm đường này là nội dung chủ yếu khi đánh giá tiêu chí giao thông theo chuẩn quy định.

b) Nhóm đường không thiết yếu: Là loại đường giải quyết việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận nhân dân nhưng khi hư hỏng, lầy lội thì người dân phải có giải pháp thay thế để lựa chọn bằng cách chuyển sang sử dụng hệ thống đường thiết yếu (trường hợp này có thể làm tăng thời gian đi lại và chi phí vận chuyển nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn).

(Phụ lục 02. Sơ đồ đánh giá hệ thống giao thông)

6. Một số nội dung khác khi đánh giá, công nhận đối với tiêu chí giao thông

a) Các xã phải căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế để xác định công trình ưu tiên, lộ trình thực hiện cho phù hợp. Trong đó, đối với đường thiết yếu khi xây dựng mới thì phải đạt chuẩn theo quy định, đối với đường không thiết yếu thì chỉ cần cắm mốc quản lý theo quy hoạch, khi có điều kiện về nguồn lực thì cứng hóa theo quy định.

b) Đối với đường đang sử dụng: Nơi nào mặt đường hẹp, đã làm trước khi quy hoạch, không thể mở rộng theo quy định thì có thể cải tạo, tận dụng tối đa diện tích 02 bên để mở rộng mặt đường, đồng thời bổ sung các điểm tránh xe để tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông thì cũng được công nhận đạt chuẩn. Khuyến khích các địa phương vận động nhân dân di dời tường rào, vật kiến trúc để mở rộng mặt đường.

c) Đối với một số xã thuộc các huyện miền núi, do điều kiện địa hình, nếu trong quy hoạch xây dựng NTM không có đường trục chính nội đồng, không có cánh đồng lớn hoặc quy hoạch dồn điền đổi thửa thì sẽ không xem xét đánh giá chỉ tiêu 2.4 về đường trục chính giao thông nội đồng trong tiêu chí giao thông.

d) Để tránh trường hợp khối lượng đầu tư lớn hoặc đầu tư không đúng loại đường gây lãng phí, vượt khả năng cân đối vốn, đề nghị các xã rà soát, phân loại đường đúng theo hướng dẫn tại Khoản 2 điều này. Ngoài ra, đối với đường trục chính giao thông nội đồng phải gắn với quy hoạch dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn và được xác định là tuyến đường nối từ khu dân cư đến khu sản xuất tập trung của thôn, xã.

đ) Đối với các tuyến đường phát sinh mở mới theo yêu cầu phát triển thì các địa phương bổ sung vào quy hoạch để đánh giá theo quy định.

7. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí giao thông

a) Báo cáo của UBND xã về tình trạng giao thông trên địa bàn (kèm theo bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông của xã), tự nhận xét những mặt ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại; kế hoạch tiếp tục đầu tư sau khi đã đạt chuẩn NTM.

b) Mẫu 2.1 và Mẫu 2.2 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

c) Sắp xếp thứ tự hồ sơ: Báo cáo → Mẫu 2.2 → Mẫu 2.1 → Tài liệu minh chứng khác (nếu có).

(Mẫu 2. Đánh giá tiêu chí số 2 giao thông, gồm: Mẫu 2.1 và Mẫu 2.2)

Điều 5. Tiêu chí thủy lợi (tiêu chí số 3)

1. Xã đạt tiêu chí thủy lợi khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên (chỉ tiêu 3.1).

b) Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ (chỉ tiêu 3.2).

2. Giải thích từ ngữ:

- Đất sản xuất nông nghiệp là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm và đất sản xuất nông nghiệp khác (đất trồng cây thức ăn gia súc, đất nuôi trồng thủy sản,...);

- Diện tích gieo trồng cây hằng năm (được tính bao gồm cây hằng năm và nuôi trồng các loài thủy sản, từ 02 vụ/năm trở lên) là tổng diện tích gieo trồng cộng dồn các vụ trong năm;

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động là diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới bằng các công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, ao gom nước nhỉ, công trình thủy lợi hóa đất màu,… theo phương thức nước tự chảy hoặc bơm động lực được dẫn qua hệ thống kênh mương (kênh đất/bê tông/ống nhựa hoặc các loại thiết bị tưới nước tiết kiệm) bảo đảm nhu cầu nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường;

- Diện tích cần được bảo đảm nước tưới là diện tích các loại cây trồng (hoặc cây trồng/vật nuôi thủy sản) bắt buộc phải bảo đảm tưới thì mới có thể sinh trưởng, phát triển bình thường và sản xuất có hiệu quả (các cây trồng ngắn ngày chịu hạn như sắn, mè… hoặc các cây nông nghiệp dài ngày có thể lợi dụng nước mưa vẫn sản xuất có hiệu quả, không đưa vào diện tích cần được bảo đảm nước tưới);

- Quy hoạch/kế hoạch([4]) xây dựng các công trình thủy lợi trong kỳ phấn đấu đạt chuẩn NTM là hồ sơ xác định danh mục các công trình thủy lợi (xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các hồ, đập, trạm bơm, các công trình thủy lợi đất màu và diện tích các khu tưới với từng công trình, theo phân kỳ kế hoạch đầu tư (năm cụ thể hoặc giai đoạn 2016 - 2020, 2021-2025,…).

3. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Xác định diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên theo phương pháp tính như sau:

a1) Tưới

- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động xác định theo công thức sau:

Ttưới =

Trong đó:

+ Ttưới : Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các vùng sản xuất trên địa bàn xã được tưới chủ động (%).

+ S1: Diện tích gieo trồng cây hằng năm cộng (+) với diện tích canh tác cây lâu năm, thực tế được tưới (ha).

+ S: Diện tích gieo trồng cây hằng năm cộng (+) với diện tích canh tác cây lâu năm cần được bảo đảm nước tưới theo quy hoạch/kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi trong kỳ phấn đấu đạt chuẩn NTM (bao gồm diện tích thực tế đã được tưới cộng (+) với diện tích sẽ được tưới theo quy hoạch/kế hoạch) (ha).

S1, S: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn NTM.

a2) Tiêu

- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tiêu chủ động xác định theo công thức sau:

Ttiêu =

Trong đó:

+ Ttiêu: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tiêu chủ động (%).

+ F1: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp thực tế được tiêu (ha).

+ F: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã cần phải tiêu (ha).

F1, F: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Xã được đánh giá là đạt chỉ tiêu 3.1 của tiêu chí thủy lợi khi Ttưới ≥ 80% và Ttiêu ≥ 80%.

Ghi chú: Chỉ đánh giá tiêu nước đối với các vùng có hệ thống công trình tiêu hoàn chỉnh để sản xuất cây trồng cạn và vùng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; nếu không có hệ thống công trình tiêu thì không đánh giá nội dung này. Khi đó việc xét đạt chuẩn chỉ tiêu 3.1 chỉ xét diện tích được tưới chủ động (Ttưới).

b) Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ khi đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

- Có tổ chức bộ máy thực hiện công tác phòng, chống thiên tai được thành lập và kiện toàn theo quy định của pháp luật; có tổ chức tuyên truyền trong công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương.

- Hằng năm có phương án, kế hoạch hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dân sinh.

- Có quyết định thành lập lực lượng xung kích và các trang thiết bị, vật tư thiết yếu để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi

a) Mẫu 3 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Bản sao các tài liệu quy hoạch/kế hoạch liên quan đến tiêu chí thủy lợi; bản sao các Quyết định phê duyệt thiết kế hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình thủy lợi (nếu có).

c) Báo cáo tổng kết (đã ban hành, có số, ngày, tháng, năm ban hành và đóng dấu) tình hình sản xuất nông nghiệp (lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản, muối) của xã trong năm đánh giá hoặc năm gần nhất năm đánh giá.

d) Bản sao Hợp đồng cung cấp và sử dụng nước (diện tích thủy lợi phí) giữa đơn vị cung cấp nước với đơn vị sử dụng (nếu có); bản sao Quyết định của UBND cấp huyện phê duyệt diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tưới chủ động được Nhà nước cấp bù thủy lợi phí và văn bản xác nhận diện tích được tưới nhưng không nằm trong diện được nhà nước cấp bù thủy lợi trên địa bàn xã của UBND cấp huyện trong năm đánh giá hoặc năm gần nhất năm đánh giá;

đ) Bản sao Quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã và Quyết định thành lập lực lượng xung kích xã; quy chế hoạt động; Phương án/kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” của UBND xã; Bảng kê các phương tiện, trang thiết bị, vật tư thiết yếu phòng chống thiên tai; có Kế hoạch tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai cho người dân.

(Mẫu 3. Đánh giá tiêu chí số 3 thủy lợi)

Điều 6. Tiêu chí điện (tiêu chí số 4)

1. Xã đạt tiêu chí điện khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Hệ thống điện (bao gồm các nguồn từ lưới điện quốc gia hoặc ngoài lưới điện quốc gia; hệ thống các trạm biến áp phân phối, các đường dây trung áp, các đường dây hạ áp, công tơ đo đếm phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân) đạt chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện([5]);

b) Đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn: ≥ 95% đối với xã khu vực 1; ≥ 98% đối với xã khu vực 2.

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

Phương pháp chung: Nhận dạng, cập nhật tài liệu pháp lý, tài liệu thống kê để đánh giá. Không tổ chức thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình và những công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành.

2.1. Đánh giá hệ thống điện đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành điện (chỉ tiêu 4.1): Chi tiết trong Mẫu 4 kèm theo Quyết định này.

2.2. Đánh giá việc sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn (chỉ tiêu 4.2):

a) Sử dụng điện thường xuyên

- Đối với khu vực sử dụng nguồn từ lưới điện quốc gia: Đảm bảo có điện sử dụng hằng ngày, đủ nguồn năng lượng sử dụng cho các thiết bị sản xuất, sinh hoạt, chiếu sáng trong gia đình;

- Đối với khu vực sử dụng nguồn từ năng lượng tái tạo, trạm diezen độc lập: Đảm bảo có điện sử dụng hằng ngày, đủ nguồn năng lượng sử dụng cho các thiết bị sinh hoạt, chiếu sáng trong gia đình. Số giờ cấp điện trong ngày đảm bảo lớn hơn 12 giờ/ngày đối với khu vực đất liền và lớn hơn 08 giờ/ngày đối với khu vực hải đảo.

b) Tỷ lệ số hộ sử dụng điện thường xuyên: Đánh giá chi tiết theo Mẫu 4 kèm theo Quyết định này.

c) Đánh giá việc sử dụng điện an toàn

- Hệ thống điện ngoài nhà đạt các chỉ tiêu theo phương pháp đánh giá nêu trong Mẫu 4 kèm theo Quyết định này;

- Hệ thống điện trong nhà đạt chỉ tiêu theo phương pháp đánh giá nêu trong Mẫu 4 kèm theo Quyết định này.

3. Đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn xã (Điện lực cấp huyện hoặc Hợp tác xã quản lý hệ thống điện trên địa bàn) có trách nhiệm xác định mức độ đạt chuẩn của tiêu chí này.

- Đối với lưới điện do Công ty Điện lực quản lý bán lẻ đến hộ thì thực hiện đầy đủ các nội dung trong Mẫu 4;

- Đối với lưới điện do HTX có quản lý phần trung áp và quản lý bán lẻ đến hộ thì thực hiện đầy đủ các nội dung trong Mẫu 4;

- Đối với lưới điện do Công ty Điện lực quản lý phần trung áp thì thực hiện Khoản 1 và Khoản 2 Mục I Mẫu 4;

- Đối với lưới điện do HTX quản lý bán lẻ đến hộ thì thực hiện đầy đủ các nội dung Khoản 3 và Khoản 4 Mục I và Mục II Mẫu 4.

Hằng năm, đơn vị quản lý hệ thống điện trên địa bàn có văn bản xác nhận mức độ đạt chuẩn theo Mẫu 4 tại Quyết định này để làm cơ sở đánh giá tiêu chí điện (nếu hệ thống điện trên địa bàn xã được quản lý bởi nhiều đơn vị thì cần phải có xác nhận của các đơn vị quản lý).

Đối với các xã đã đánh giá hoàn thành và đạt Tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng NTM thì không áp dụng đánh giá lại.

Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tiêu chí này và hằng năm có báo cáo mức độ đạt tiêu chí điện trên địa bàn tỉnh cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) để làm cơ sở cho việc xét, công nhận đạt tiêu chí điện.

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí điện

a) Mẫu 4 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của đơn vị quản lý hệ thống điện trên địa bàn xã, Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Danh sách hộ sử dụng điện trong xã (do UBND xã lập) và danh sách hợp đồng mua bán điện (do đơn vị quản lý bán lẻ điện lập).

c) Danh sách Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng nếu có (Điện lực khu vực cung cấp).

(Mẫu 4. Đánh giá tiêu chí số 4 điện)

Điều 7. Tiêu chí trường học (tiêu chí số 5)

1. Xã đạt tiêu chí trường học khi có trường học các cấp (mầm non/mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, theo quy định như sau:

a) Các xã thuộc khu vực 1 có số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt tỷ lệ ≥ 70% tổng số trường.

b) Các xã thuộc khu vực 2 có số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt tỷ lệ ≥ 80% tổng số trường.

2. Nội dung, phương pháp đánh giá: Trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo các quy định:

a) Trường mầm non: Điều 9 Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

b) Trường tiểu học: Điều 9 - Tiêu chuẩn 3 Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

c) Trường trung học cơ sở: Điều 7 - Tiêu chuẩn 4 Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.

3.Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia trên tổng số trường học của xã.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn việc đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra các trường đạt chuẩn quốc gia để trình UBND tỉnh quyết định công nhận theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có trách nhiệm công bố danh sách các trường đã đạt chuẩn quốc gia để làm cơ sở cho việc xét, công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí trường học.

Riêng các trường đã được đánh giá đạt chuẩn quốc gia mà chưa đến thời điểm đánh giá lại (chưa quá 05 năm) thì vẫn được xem như đạt chuẩn.

5. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí trường học

a) Mẫu 5 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Các hồ sơ liên quan:

- Đối với trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã đạt chuẩn quốc gia: Bản sao Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia hoặc bản sao Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực (5 năm kể từ ngày công nhận);

- Đối với trường chưa đạt chuẩn quốc gia:

+ Báo cáo kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia của năm đánh giá theo các biểu mẫu kèm theo Mẫu 5 (Chú ý đánh giá tỉ lệ đạt được so với chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học);

+ Bản sao quyết định và đề án/kế hoạch xây dựng trường chuẩn đã được UBND cấp huyện phê duyệt;

+ Sơ đồ hiện trạng nhà trường và các hồ sơ có liên quan (nếu có).

(Mẫu 5. Đánh giá tiêu chí số 5 trường học)

Điều 8. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6)

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu:

a) Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân/khu thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã (gọi chung là Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã) (chỉ tiêu 6.1).

b) Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định (chỉ tiêu 6.2).

c) 100% thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng (chỉ tiêu 6.3).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Đối với xã:

- Có quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã([6]) theo quy định tại Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của UBND tỉnh Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 08/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của UBND tỉnh;

- Có diện tích khu Nhà văn hóa xã: Từ 500m2 trở lên đối với xã khu vực đồng bằng, 300m2 trở lên đối với xã miền núi thấp và 200m2 trở lên đối với xã miền núi cao, hải đảo.

- Nhà văn hóa xã (bao gồm sân khấu trong hội trường):

+ Đối với xã khu vực 1: Đảm bảo tối thiểu 100 chỗ ngồi và 01 phòng chức năng (sử dụng chung mục đích như 3 phòng nêu phía dưới); có khu vệ sinh; có trồng hoa, cây xanh.

+ Đối với xã khu vực 2: Các xã thuộc các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và xã hải đảo bảo đảm tối thiểu 150 chỗ ngồi và 01 phòng chức năng (sử dụng chung mục đích như 3 phòng nêu phía dưới); các xã thuộc huyện/thị xã/thành phố còn lại đảm bảo tối thiểu 200 chỗ ngồi và 3 phòng chức năng (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng đọc sách báo - thư viện và Phòng Thông tin - Truyền thanh); có khu vệ sinh; có trồng hoa, cây xanh.

+ Trang thiết bị: Có thiết bị âm thanh, ánh sáng, truyền thanh; bàn ghế hội trường, phông, màn; tủ tài liệu và các ấn phẩm văn hóa bảo đảm để tổ chức hoạt động; có thiết bị, dụng cụ luyện tập thể dục thể thao bảo đảm theo từng môn thể thao.

+ Nội dung hoạt động: Có kế hoạch hoạt động được UBND xã phê duyệt và báo cáo kết quả hoạt động hằng năm.

- Có sân bóng đá (sử dụng để đá bóng, đánh bóng chuyền, cầu lông, chạy điền kinh và các môn thể thao thích hợp khác): Có chiều dài tối thiểu 90 mét, chiều rộng tối thiểu 45 mét (không kể khán đài, chỗ ngồi của khán giả và các hạng mục khác); có trồng cây xanh bóng mát.

b) Đối với thôn:

- Có diện tích khu nhà văn hóa: Từ 300m2 trở lên đối với xã khu vực đồng bằng, 200m2 trở lên đối với xã miền núi thấp và 100m2 trở lên đối với xã miền núi cao, hải đảo.

- Nhà văn hóa thôn (hoặc nhà làng truyền thống đối với các xã miền núi cao): Thuộc các xã ở các huyện: Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước tối thiểu 80 chỗ ngồi; thuộc các xã ở các huyện: Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, thuộc các xã hải đảo và thôn Đồng Me, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc tối thiểu 50 chỗ ngồi và thuộc các xã ở các huyện, thị xã, thành phố còn lại tối thiểu 100 chỗ ngồi; có khu vệ sinh; có trồng hoa, cây xanh.

- Có diện tích khu thể thao thôn (có thể sử dụng để đánh bóng chuyền, cầu lông và các môn thể thao thích hợp khác): Từ 500m2 trở lên đối với xã khu vực đồng bằng, 300m2 trở lên đối với xã miền núi thấp và 200m2 trở lên đối với xã miền núi cao, hải đảo.

- Trang, thiết bị: Có hệ thống âm thanh, ánh sáng, phông màn, bàn ghế, sách báo, có thiết bị, dụng cụ luyện tập thể dục thể thao bảo đảm theo từng môn thể thao.

- Hoạt động: Có kế hoạch hoạt động và báo cáo kết quả hoạt động hằng năm được UBND xã xác nhận.

c) Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định

- Điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi của xã phải đảm bảo điều kiện và có nội dung, quy trình hướng dẫn hoạt động chống đuối nước cho trẻ em (được in thành pano treo tại điểm vui chơi giải trí); có trang thiết bị phù hợp với nội dung hoạt động. Những xã chưa có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em có thể sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, nhà văn hoá thôn, khu thể thao thôn để bố trí điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; trang bị một số trang thiết bị tối thiểu phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tạo môi trường lành mạnh, an toàn, phát triển toàn diện cho trẻ em.

- Điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi có thể bố trí trong nhà hoặc ngoài trời, ở điểm bất kỳ trên địa bàn xã phù hợp với điều kiện của địa phương. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi.

* Một số thiết bị đồ chơi trẻ em thường dùng hiện nay như: Đu quay, thang leo, cầu trượt, xích đu, bập bênh, nhà banh, thú nhún, xà đơn, xà kép, bể bơi, phao bơi, tủ sách thiếu nhi, bàn ghế học vẽ, tô tượng,... và các dụng cụ luyện tập thể dục - thể thao trong nhà, ngoài trời phù hợp với trẻ em.

* Một số dụng cụ thể dục thể thao cho người cao tuổi: Gậy, quạt, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn,… Đối với các xã có điều kiện có thể trang bị: Máy chạy bộ, máy tập đi bộ, xe đạp thể dục, dụng cụ phục hồi chức năng,…;

3. Một số nội dung liên quan khi xét đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

a) Các công trình văn hóa, thể dục thể thao xã, thôn không nhất thiết phải xây dựng tập trung tại một địa điểm mà có thể xây dựng tại nhiều địa điểm; kiến trúc phải phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa của địa phương; diện tích đất quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn được tính gộp là tổng diện tích các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn xã và thôn; khuyến khích những xã, thôn có nhà văn hóa và khu thể thao trong cùng diện tích đất quy hoạch để phát huy công năng một cách đồng bộ.

b) Đối với các xã mà trung tâm huyện đóng trên địa bàn thì có thể tận dụng sân thể thao huyện và cũng được xem là đạt tiêu chí về sân bóng đá xã.

c) Đối với thôn nằm ở trung tâm xã thì có thể tận dụng sân bóng đá xã và cũng được xem là đạt khu thể thao thôn; 2-3 thôn có vị trí gần nhau, người dân thống nhất không có nhu cầu xây dựng khu thể thao riêng mà sử dụng chung 01 khu thể thao thì xem xét đạt chuẩn tiêu chí, nếu khu thể thao này đảm bảo diện tích để phục vụ các hoạt động thể dục thể thao theo quy định.

d) Một số thôn có dân số ít, địa giới hành chính gần nhau, được sự đồng thuận của nhân dân (có biên bản họp nhân dân các thôn) có thể tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại một nhà văn hóa liên thôn thì khuyến khích xây dựng chung 01 nhà văn hóa liên thôn và được xem là đạt chuẩn tiêu chí;

đ) Đối với các phòng chức năng của nhà văn hóa xã có thể kết hợp vào các phòng làm việc của UBND xã để xem xét đạt chuẩn, nhưng các phòng này phải bảo đảm thực hiện chức năng của nhà văn hóa theo quy định (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng đọc sách báo - thư viện và Phòng Thông tin - Truyền thanh). Những xã đã có Bưu điện văn hóa xã thì phối hợp sử dụng thành Phòng đọc sách báo - thư viện sẽ được xem như có Phòng đọc sách báo - thư viện.

e) Sử dụng cơ sở vật chất hiện có và khó khăn về bố trí diện tích đất

Các công trình văn hóa, thể thao xã/thôn xây mới ở các địa phương khó khăn về bố trí diện tích đất hoặc sử dụng cơ sở vật chất hiện có như Hội trường UBND xã, Trung tâm học tập cộng đồng, nhà làng truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng (có hoặc không cần sửa chữa, nâng cấp, mở rộng) có quy mô về diện tích, chỗ ngồi có thể nhỏ hơn quy định tại Khoản 2 Điều này nhưng vẫn đảm bảo công năng sử dụng, thì vẫn được xem xét công nhận đạt chỉ tiêu 6.1 và 6.3 trong tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Về lâu dài các địa phương này cần quy hoạch, cắm mốc quản lý và đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; nhà văn hóa - khu thể thao thôn khi bảo đảm nguồn lực.

g) Nhà văn hóa xã - khu thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn khuyến khích làm tường rào bằng trồng cây xanh có cắt tỉa gọn gàng, bảo đảm tính thẩm mỹ.

h) Điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi có thể là các điểm vui chơi do tư nhân/doanh nghiệp đầu tư, có cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định thì xem xét công nhận đạt chuẩn chỉ tiêu 6.2.

5. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

a) Mẫu 6 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra và UBND xã.

b) Bản sao Quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Trung tâm của cấp có thẩm quyền; nội quy, quy chế hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.

c) Kế hoạch hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong năm đánh giá được UBND cấp xã phê duyệt.

d) Bản sao Quyết định thành lập ít nhất 01 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoặc thể dục thể thao của UBND cấp xã.

đ) Bảng hướng dẫn hoạt động chống đuối nước cho trẻ em.

e) Báo cáo kết quả hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục – thao, vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi của xã, thôn trong năm đánh giá.

g) Kế hoạch hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của thôn được UBND xã xác nhận.

Ghi chú: Khu vực đồng bằng, gồm các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Núi Thành (trừ xã đảo Tam Hải); khu vực miền núi thấp, gồm các xã thuộc các huyện: Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; khu vực miền núi cao và hải đảo gồm các xã thuộc các huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và xã đảo Tân Hiệp, Tam Hải.

(Mẫu 6. Đánh giá tiêu chí số 6 cơ sở vật chất văn hóa)

Điều 9. Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7)

1. Xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khi: Xã có chợ nằm trong quy hoạch mạng lưới chợ của tỉnh (trong kỳ quy hoạch cùng với kỳ phấn đấu đạt chuẩn NTM của xã) đạt chuẩn theo quy định hoặc xã có siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công Thương;

Xã không có chợ trong quy hoạch mạng lưới chợ của tỉnh hoặc có trong quy hoạch nhưng giai đoạn hiện tại chưa cần đầu tư xây dựng chợ([7]) thì không xem xét, đánh giá tiêu chí này.

Những xã hiện đang có chợ và chợ đang hoạt động, nhưng không có trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh, hoặc có quy hoạch chợ, nhưng kỳ quy hoạch không cùng với kỳ đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM của xã, hoặc có nằm trong quy hoạch xây dựng chợ giai đoạn 2011-2015 (đã hết hiệu lực) nhưng chưa được đầu tư xây dựng mới, thì UBND cấp huyện làm việc với Sở Công Thương để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ cho phù hợp; đồng thời, UBND cấp huyện quy định các nội dung cụ thể, để các chợ đang hoạt động phục vụ tốt các yêu cầu mua, bán của nhân dân; chú ý đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường.

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

2.1. Chợ

a) Về quy hoạch: Có chợ nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh được quy định tại Quyết định số 3464/QĐ-UBND ngày 27/10/2011 của UBND tỉnh Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của UBND tỉnh: Quyết định số 2621/QĐ-UBND ngày 26/8/2013, Quyết định số 3051/QĐ-UBND ngày 26/8/2015, Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 17/5/2016, Quyết định số 4685/QĐ-UBND ngày 28/12/2016, Quyết số 288/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khác (nếu có).

b) Về diện tích, mặt bằng xây dựng chợ:

- Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và điều kiện cụ thể của địa phương; bố trí đủ diện tích cho các hộ kinh doanh cố định, không cố định và các dịch vụ tối thiểu tại chợ (trông giữ xe, vệ sinh công cộng).

- Diện tích tối thiểu cho một điểm kinh doanh trong chợ là 3m².

c) Về kết cấu nhà chợ chính:

Nhà chợ chính phải bảo đảm kiên cố hoặc bán kiên cố. Chợ bán kiên cố là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng từ 05 đến 10 năm theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

d) Về yêu cầu với các bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình:

- Có bảng hiệu thể hiện tên chợ, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý chợ;

- Nền chợ phải được bê tông hóa hoặc lót gạch;

- Có khu vệ sinh bố trí nam, nữ riêng;

- Có bố trí địa điểm hoặc phương án trông giữ xe (ngoài trời hoặc mái che) phù hợp với lưu lượng người vào chợ, bảo đảm trật tự, an toàn cho khách;

- Khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng, bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Có nước hợp vệ sinh bảo đảm cho hoạt động của chợ;

- Có phương án và hệ thống cấp điện theo quy định bảo đảm cho hoạt động của chợ;

- Có khu thu gom rác và xử lý rác trong ngày hoặc có khu thu gom rác và phương án vận chuyển rác trong ngày về khu xử lý tập trung của địa phương;

- Có hệ thống rãnh thoát nước bảo đảm thông thoáng và dễ dàng thông tắc;

- Có thiết bị và phương án bảo đảm phòng cháy chữa cháy cho chợ theo quy định.

đ) Về điều hành, quản lý chợ:

- Có tổ chức quản lý (Ban Quản lý/tổ quản lý/doanh nghiệp/HTX quản lý) do UBND cấp huyện quyết định (hoặc UBND cấp xã Quyết định nếu được UBND cấp huyện ủy quyền);

- Có nội quy chợ do UBND cấp huyện phê duyệt (hoặc UBND cấp xã quyết định nếu được UBND cấp huyện ủy quyền) và niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm tại chợ;

- Có sử dụng cân đối chứng hoặc thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa;

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.

2.2. Siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng kinh doanh tổng hợp

a) Siêu thị mini:

- Có bảng hiệu thể hiện tên siêu thị, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức, cá nhân quản lý;

- Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hằng ngày của người dân;

- Có diện tích kinh doanh từ 200m² trở lên và có bãi để xe với quy mô phù hợp;

- Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên;

- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang bị kỹ thuật bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí điểm hoặc phương án trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp cho khách hàng;

- Có kho và các thiết bị kỹ thuật cần thiết phục vụ cho bảo quản hàng hóa (tủ đông, tủ mát,...); cho đóng gói, bán hàng (kệ, giá, giỏ, móc treo,...); thanh toán và quản lý kinh doanh (thiết bị và phần mềm quản lý,…);

- Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân.

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp:

- Có bảng hiệu thể hiện tên cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức, cá nhân quản lý;

- Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hàng ngày của người dân;

- Có diện tích kinh doanh từ 50m² trở lên và có bãi để xe với quy mô phù hợp;

- Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 200 tên hàng trở lên;

- Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp để trưng bày hoặc bán hàng hóa nông sản của địa phương;

- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng.

- Có trang thiết bị cần thiết (tủ đông, tủ mát, kệ, giá,...) để bảo quản hàng hóa và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

- Tổ chức, bố trí hàng hóa một cách văn minh, khoa học thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán.

- Các hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn:

a) Mẫu 7 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Bản sao Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ hoặc siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng kinh doanh tổng hợp (trường hợp chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp thì bổ sung các quyết định phê duyệt dự án).

c) Phương án phòng cháy chữa cháy theo mẫu tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định này do cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, chợ hạng 3 thì do UBND cấp xã phê duyệt; bảng kê danh mục các thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện có.

d) Bản sao Quyết định thành lập Ban quản lý/tổ quản lý hoặc bản sao Quyết định giao HTX/doanh nghiệp quản lý.

đ) Bản sao Quyết định phê duyệt nội quy chợ.

e) Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có).

(Mẫu 7. Đánh giá tiêu chí số 7 hạ tầng thương mại nông thôn)

Điều 10. Tiêu chí thông tin và truyền thông (Tiêu chí số 8)

1. Xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu sau:

- Xã có điểm phục vụ bưu chính (chỉ tiêu 8.1);

- Xã có dịch vụ viễn thông, internet (chỉ tiêu 8.2);

- Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn (chỉ tiêu 8.3);

- Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành (chỉ tiêu 8.4).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

2.1. Xã có điểm phục vụ bưu chính

a) Điểm phục vụ bưu chính: Là điểm giao dịch của các doanh nghiệp bưu chính (bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, kiốt, đại lý) để chấp nhận, phát thư, gói, kiện hàng hóa hoặc thùng thư công cộng.

b) Tiêu chuẩn điểm phục vụ bưu chính

b1) Đối với điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ (bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, kiốt, đại lý):

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất

+ Có mặt bằng, trang thiết bị phù hợp với hình thức tổ chức cung ứng dịch vụ và nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính tại địa phương

+ Có treo biển tên điểm phục vụ.

+ Niêm yết giờ mở cửa phục vụ và các thông tin về dịch vụ bưu chính cung ứng tại điểm phục vụ.

- Tiêu chuẩn về dịch vụ: Tại điểm phục vụ, đảm bảo cung cấp các dịch vụ:

+ Dịch vụ thư có địa chỉ nhận, khối lượng đơn chiếc đến 02kg;

+ Dịch vụ gói, kiện hàng hóa có khối lượng đơn chiếc đến 05 kg.

- Tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ:

+ Đối với dịch vụ thư cơ bản: Đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí, Mã số QCVN 01:2015/BTTTT, ban hành kèm theo Thông tư số 17/2015/TT-BTTTT ngày 30/6/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

b2) Đối với điểm phục vụ bưu chính không có người phục vụ: Thùng thư công cộng (áp dụng cho các xã gần đô thị, bưu điện cấp huyện hoặc các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa người dân ít có nhu cầu về dịch vụ bưu chính):

Thùng thư phải được thiết kế và lắp đặt tại vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho gửi thư, không làm ảnh hưởng trật tự công cộng; làm bằng vật liệu chắc chắn, khó cậy phá, đảm bảo mỹ quan; có hệ thống khóa riêng, có khe hở ngang đủ để bỏ thư; khe hở này phải được thiết kế theo hướng dốc ra ngoài và có thiết kế phù hợp để ngăn việc móc thư từ khe hở đó; vị trí khe hở phải đặt ở bên dưới nóc thùng thư; trên thùng thư có thông tin về tên đơn vị quản lý, tên bưu cục; ngày giờ, số lần mở thùng thư trong ngày. UBND cấp xã hoặc bưu điện cấp huyện có trách nhiệm quản lý thùng thư này. Tần suất thu gom: 1 lần/ngày.

c) Điều kiện đạt chuẩn: Xã có điểm phục vụ bưu chính là xã có ít nhất 01 (một) điểm phục vụ (có người phục vụ hoặc không có người phục vụ) để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân tại địa phương.

* Ghi chú: Đối với các xã mà Trung tâm huyện đóng trên địa bàn thì có thể tận dụng điểm phục vụ bưu chính của huyện để xét đạt chuẩn chỉ tiêu này.

2.2.Xã có dịch vụ viễn thông, internet

a) Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.

Điểm phục vụ dịch vụ viễn thông, Internet công cộng là điểm do doanh nghiệp viễn thông trực tiếp quản lý, khai thác để cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cho người sử dụng dịch vụ (bao gồm cả các đại lý dịch vụ viễn thông, Internet của doanh nghiệp viễn thông).

b) Tiêu chuẩn về dịch vụ viễn thông, internet

- Tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ viễn thông, internet:

+ Chất lượng dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất, Mã số QCVN 35:2011/BTTTT.

+ Chất lượng dịch vụ điện thoại di động đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất, Mã số QCVN 36:2015/BTTTT.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet gồm:

+ Internet cố định đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất QCVN 34:2014/BTTTT.

+ Internet di động đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000 QCVN 81:2014/BTTTT.

c) Điều kiện đạt chuẩn:

Tối thiểu 50% số thôn (đối với xã thuộc khu vực 1), tối thiểu 80% số thôn (đối với xã thuộc khu vực 2) có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập internet hoặc có phủ sóng 3G/4G hoặc xã có ít nhất 01 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông, Internet công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập internet.

2.3. Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn

a) Đài truyền thanh xã là đài truyền thanh do UBND cấp xã trực tiếp quản lý nhân sự, máy móc thiết bị và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật. Đài truyền thanh xã có hai phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh: Đài truyền thanh hữu tuyến (qua dây dẫn) và vô tuyến (qua tần số vô tuyến điện).

b) Tiêu chuẩn đài truyền thanh xã, hệ thống loa đến thôn

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất:

+ Đối với thiết bị truyền thanh không dây: Thông số kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn Việt Nam QCVN 30:2011/BTTTT và QCVN 70:2013/BTTTT.

+ Đối với phát xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ: Đáp ứng các yêu cầu tại quy chuẩn Việt Nam QCVN 18:2014/BTTTT

+ Đối với việc sử dụng tần số vô tuyến điện: Tuân thủ quy định tại Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và Thông tư 05/2015/TT-BTTTT ngày 23/5/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn, thiết bị vô tuyến điện; sử dụng tần số vô tuyến điện.

+ Đối với các đài truyền thanh không dây sử dụng công nghệ phát sóng vô tuyến, phải được cấp phép sử dụng tần số theo quy định, tuân thủ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Thông tư số 04/2013/TT-BTTTT ngày 23/01/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020. Tuân thủ các quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 30/10/2011 và Thông tư số 05/2014/TT-BTTTT ngày 19/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chứng nhận, công bố hợp quy trước khi làm thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

+ Đối với Đài truyền thanh hữu tuyến: Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng các yêu cầu quản lý đối với sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

c) Điều kiện đạt chuẩn

- Có Đài truyền thanh (hữu tuyến hoặc vô tuyến) được thiết lập đáp ứng các quy định về thiết bị truyền thanh, phát xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ, hoạt động tốt; có Ban biên tập hoạt động bảo đảm nội dung, chất lượng tin bài phát sóng và tiếp âm đài các cấp theo quy định.

- Tối thiểu 70% thôn đối với xã thuộc khu vực 1, 100% thôn đối với xã thuộc khu vực 2 có hệ thống loa kết nối với Đài Truyền thanh xã hoạt động tốt.

Kinh phí hoạt động của Đài Truyền thanh xã từ nguồn kinh phí phân cấp cho cấp xã theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh (hoặc các Quyết định sửa đổi, bổ sung nếu có).

2.4. Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành là việc sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền xã.

b) Điều kiện đạt chuẩn

- Về cơ sở vật chất:

+ Đảng ủy xã, HĐND xã, UBND xã và các tổ chức chính trị - xã hội của xã có máy vi tính, máy in, máy scan kết nối mạng phục vụ công tác (trong đó tối thiểu 01 máy scan dùng chung cho xã);

+ Tối thiểu 60% cán bộ, công chức xã (đối với xã khu vực 1), tối thiểu 70% cán bộ, công chức xã (đối với xã khu vực 2): Có máy vi tính để làm việc chuyên môn.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý điều hành: Xã phải sử dụng tối thiểu 03 ứng dụng CNTT sau đây:

(i) Có trang thông tin điện tử của xã hoặc có trang thông tin điện tử thành phần trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện và cung cấp tối thiểu các thông tin sau:

+ Tổ chức bộ máy hành chính, thông tin liên hệ của cán bộ, công chức;

+ Thông tin địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hóa, di tích, danh thắng (nếu có);

+ Tin tức về hoạt động của cơ quan nhà nước;

+ Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách;

+ Thông tin về định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

+ Cung cấp các quy trình, mẫu biểu thủ tục hành chính cấp xã trên Trang thông tin điện tử riêng của xã hoặc trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện.

(ii) Có sử dụng chung phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của cấp huyện (Q-office) trong chỉ đạo, điều hành.

(iii) Sử dụng thư điện tử (email) để phục vụ công việc.

3. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phươngthực hiện và đánh giá tiêu chí thông tin và truyền thông. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp kết quả điều tra, rà soát tiêu chí thông tin và truyền thông tại các xã, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện việc xét, công nhận xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông trong Chương trình MTQG xây dựng NTM.

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí thông tin và truyền thông

- Mẫu 8; Mẫu 8a và Mẫu 8b quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

- Các hồ sơ có liên quan (nếu có).

Ghi chú: Quy định về Hệ thống biểu mẫu:

+ Cấp xã: Mẫu 8avà Mẫu 8b

+ Cấp huyện, cấp tỉnh: Mẫu 8.

(Mẫu 8. Đánh giá tiêu chí số 8 thông tin và truyền thông)

Điều 11. Tiêu chí nhà ở dân cư (tiêu chí số 9)

1. Xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Trên địa bàn không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát (chỉ tiêu 9.1).

b) Tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định: Từ 75% trở lên đối với các xã khu vực 1 và 80% trở lên đối với các xã khu vực 2 (chỉ tiêu 9.2).

2. Nội dung đánh giá

a) Nhà tạm, dột nát: Là nhà có kết cấu chịu lực (cột, kèo, xà gồ, đòn tay,…) bằng gỗ tạp hoặc bằng tre, nứa,…; mái lợp bằng vật liệu lá các loại, vách ngăn bằng đất, tre, nứa, lá; thiếu các diện tích bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; bếp, nhà vệ sinh xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm và không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

b) Nhà ở nông thôn đạt chuẩn phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Nhà ở nông thôn phải bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:

+ “Nền cứng” là nền nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: Vữa xi măng - cát, bê tông, gạch lát, gỗ;

+ “Khung cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường, kể cả móng đỡ. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc; móng làm từ bê tông cốt thép hoặc xây gạch/đá;

+ “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các loại tấm lợp có chất lượng tốt như tôn, phi-brô xi măng.

Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu địa phương có chất lượng tương đương, bảo đảm thời hạn sử dụng, phù hợp với tập quán, văn hoá và điều kiện của người dân tại địa phương.

- Đối với khu vực đồng bằng diện tích ở tối thiểu đạt từ 14m2/người trở lên; khu vực trung du, miền núi diện tích ở tối thiểu đạt 10m2/người trở lên. Diện tích tối thiểu một căn nhà từ 24m2 trở lên. Đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà từ 18m2 trở lên.

- Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên; đối với nhà ở đã, đang thực hiện hỗ trợ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì niên hạn sử dụng lấy theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đó.

- Các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi,...) phải được bố trí bảo đảm vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt; kiến trúc, mẫu nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, vùng miền. Khuyến khích nhà ở dân cư nông thôn có tường rào, cổng ngõ xanh, sạch, đẹp (tường rào, cổng ngõ xây bằng bê tông, gạch hoặc tường rào mềm bằng cây xanh,…).

Ngoài các loại nhà ởđạt các điều kiện nêu trên, nhà ởđược xem là đạt tiêu chuẩn là nhà ởcho người có công với cách mạng, nhà ởhỗ trợ cho hộ chính sách, mẫu nhà ở nông thôn được xây dựng theo các mẫu nhà do Sở Xây dựng công bố tại Công văn số 175/SXD-PQH ngày 04/4/2014.

3. Phương pháp đánh giá

a) Bước 1: Ban Phát triển thôn tổ chức đi kiểm tra các nhà ở của hộ gia đình trong thôn để xác định nhà ở đạt chuẩn theo các nội dung đánh giá nêu trên và lập thành biểu (Mẫu 9.1).

b) Bước 2: Ban Quản lý NTM xã tiến hành kiểm tra, đánh giá trên cơ sở danh sách hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn (kiểm tra xác xuất 5% số nhà) và hộ gia đình còn nhà tạm, nhà dột nát (kiểm tra 100%) do Ban Phát triển thôn lập; lập biên bản đánh giá tiêu chí nhà ở dân cư (Mẫu 9.2).

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí nhà ở dân cư

a) Mẫu 9.1 và Mẫu 9.2 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã;

b) Các hồ sơ có liên quan (nếu có).

(Mẫu 9. Đánh giá tiêu chí số 9 nhà ở dân cư, gồm: Mẫu 9.1 và Mẫu 9.2)

Điều 12. Tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10)

1. Xã đạt tiêu chí thu nhập khi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm (triệu đồng) của xã đạt mức tối thiểu trở lên theo quy định vùng như sau:

- Xã thuộc khu vực 1: Năm 2017: ≥ 26; năm 2018: ≥ 30; năm 2019: ≥ 33; năm 2020: ≥ 36 (triệu đồng/người/năm).

- Xã thuộc khu vực 2: Năm 2017: ≥ 31; năm 2018: ≥ 35; năm 2019: ≥ 38; năm 2020: ≥ 41(triệu đồng/người/năm).

2. Giải thích từ ngữ

a) Thu nhập của xã là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà các hộ trong xã nhận được trong 1 năm.

b) Thu nhập bình quân đầu người là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất trong năm của hộ chia đều cho số thành viên trong hộ.

c) Nguồn thu nhập của hộ gia đình bao gồm:

- Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, diêm nghiệp, sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế, các chi phí khác (nếu có);

- Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế, các chi phí khác (nếu có);

- Thu từ tiền công, tiền lương;

- Thu từ tiền công, tiền lương của thành viên trong gia đình làm việc phi nông nghiệp trong và ngoài địa bàn xã;

- Thu khác được tính vào thu nhập, như: Quà biếu, lãi tiết kiệm,…

d) Các khoản thu không tính vào thu nhập, gồm: Các khoản trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, rút tiền tiết kiệm, thu nợ, bán tài sản, vay nợ, tạm ứng.

3. Phương pháp tính thu nhập bình quân đầu người/năm của xã

Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã được tính bằng cách chia tổng thu nhập của xã cho tổng số nhân khẩu thực tế thường trú của xã (tính đến thời điểm điều tra hằng năm). Công thức tính như sau:

Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã (triệu đồng)

=

Tổng thu nhập của xã

Tổng số nhân khẩu thực tế thường trú của xã

Thời điểm, thời kỳ thu thập số liệu: Số liệu về thu nhập được thu thập trong thời kỳ 1 năm tính từ ngày 01/01 đến hết 31/12 của năm báo cáo. Tuy nhiên, tùy vào yêu cầu thực tế tại địa phương, các xã có thể tổ chức thu thập số liệu trong 12 tháng qua tính từ thời điểm thu thập số liệu trở về trước và kết thúc chậm nhất trong tháng 11 hằng năm để làm cơ sở xét công nhận đạt chuẩn tiêu chí thu nhập.

UBND cấp xã tự tổ chức điều tra, tính toán theo hướng dẫn của Cục Thống kê tỉnh. Chi cục Thống kê cấp huyệncó trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các xã điều tra, đồng thời thẩm tra trình UBND cấp huyện quyết định công nhận mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm trên địa bàn từng xã. UBND cấp huyện công bố và báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm của các xã để làm cơ sở cho việc thẩm định, xét công nhận xã đạt tiêu chí thu nhập.

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí thu nhập

a) Mẫu 10 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Các biễu mẫu theo quy định đã điền đầy đủ thông tin, có xác nhận của UBND cấp xã, gồm:

- Biểu số 1/TNX-TT: Thu trồng trọt của xã;

- Biểu số 2/TNX-CHN: Thu chăn nuôi của xã;

- Biểu số 3/TNX- LN: Thu lâm nghiệp của xã;

- Biểu số 4/TNX-THS: Thu thủy sản của xã;

- Biểu số 5/TNX- DN: Thu của các doanh nghiệp, HTX do nhân khẩu thực tế thường trú của xã làm chủ hoặc tham gia làm chủ;

- Biểu số 6/TNX-CT: Thu của các hộ SXKD cá thể do nhân khẩu thực tế thường trú của xã làm chủ hoặc tham gia làm chủ;

- Biểu số 7/TNX-TL: Thu từ tiền công, tiền lương và các khoản thu nhập khác của các hộ (Áp dụng cho thôn);

- Biểu số 7.1/TNX-TL: Tổng hợp thu từ tiền công, tiền lương, … (Áp dụng cho xã tổng hợp các thôn);

- Biểu số 8/TNX-TH: Tổng hợp thu nhập của xã.

(Mẫu 10. Đánh giá tiêu chí số 10 thu nhập)

Điều 13. Tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí số 11)

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM khi có tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới mức tối thiểu theo quy định của khu vực. Cụ thể như sau:

a) Đối với xã thuộc khu vực 1: Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 12% trở xuống (không tính tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội);

b) Đối với xã thuộc khu vực 2: Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 5% trở xuống (không tính tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội).

2. Giải thích từ ngữ

a) Hộ nghèo là hộ gia đình đáp ứng một trong hai tiêu chí được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể:

- Có mức thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống (Hộ nghèo về tiêu chí thu nhập);

- Có mức thu nhập bình quân trên 700.000 đồng/người/tháng đến 1.000.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (Hộ nghèo về tiêu chí các dịch vụ xã hội cơ bản).

* Các dịch vụ xã hội cơ bản và chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt:

+ Các dịch vụ xã hội cơ bản: 05 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin;

+ Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm 10 chỉ số (02 chỉ số/01 dịch vụ xã hội cơ bản), cụ thể: Y tế: (1) tiếp cận các dịch vụ y tế và (2) bảo hiểm y tế; Giáo dục: (3) trình độ giáo dục của người lớn và (4) tình trạng đi học của trẻ em; Nhà ở: (5) chất lượng nhà ở và (6) diện tích nhà ở bình quân đầu người; Nước sạch và vệ sinh: (7) nguồn nước sinh hoạt và (8) loại hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; Thông tin: (9) sử dụng dịch vụ viễn thông và (10) tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

3. Công thức, phương pháp tính và trách nhiệm của các cấp trong việc xác định tỷ lệ hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo của xã được tính bằng cách lấy tổng số hộ nghèo của xã (không bao gồm các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận hằng năm chia cho tổng số hộ dân cư trên địa bàn xã (không bao gồm các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) theo công thức sau đây:

Tỷ lệ hộ nghèo của xã (%)

=

Tổng số hộ nghèo của xã

(đã trừ số hộ nghèo bảo trợ xã hội)

x 100

Tổng số hộ dân cư của xã

(đã trừ số hộ nghèo bảo trợ xã hội)

Trong đó: Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là hộ có ít nhất một thành viên trong hộ là đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và các thành viên khác trong hộ không có khả năng lao động, qua điều tra, rà soát hằng năm ở cơ sở đáp ứng các tiêu chí về xác định hộ nghèo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận, phân loại là hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Trường hợp hộ nghèo phát sinh và hộ thoát nghèo của xã trong năm sẽ do xã rà soát, quyết định công nhận theo các nội dung hướng dẫn quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (hoặc các Thông tư, văn bản sửa đổi, bổ sung khác nếu có) làm căn cứ để xác định mức độ đạt tiêu chí hộ nghèo của xã.

4. Trách nhiệm của các cấp, các ngành

- UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo theo đúng quy trình do cấp trên hướng dẫn; cập nhật thông tin hộ nghèo vào phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến([8]); tổng hợp số lượng, danh sách hộ nghèo của xã chia theo từng thôn, gồm: (i) Danh sách hộ nghèo và (ii) Danh sách hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội; có văn bản đề nghị UBND cấp huyện phê duyệt (số lượng, tỷ lệ và danh sách hộ nghèo; số lượng, tỷ lệ và danh sách hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) để theo dõi, quản lý và thực hiện chính sách, giải pháp giảm nghèo.

- UBND cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của xã và gửi quyết định phê duyệt về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thẩm định kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo; tổng hợp số lượng hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh; cung cấp kết quả điều tra của các xã cho Ban Chỉ đạo tỉnh để làm cơ sở khi thực hiện việc xét, công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo trong Chương trình NTM (bản sao Quyết định phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND cấp huyện), gồm:

+ Số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo;

+ Phân tích hộ nghèo chia theo các nhóm đối tượng (trong đó có hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội).

5. Quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 Hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

6. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo

a) Mẫu 11 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Các hồ sơ liên quan:

b1) Bản sao quyết định phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND cấp huyện;

b2) Bảng tổng hợp số lượng hộ nghèo của xã (theo đúng Phụ lục số 4a, 4b, 4c, 4d, 4đ quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH và đã được thiết kế sẵn trong phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến);

b3) Danh sách hộ nghèo của xã (có đủ tên chủ hộ và các thành viên trong hộ theo đúng biểu mẫu đã được thiết kế sẵn trong phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến), gồm:

- Danh sách hộ nghèo (Biểu số 7 do UBND xã công nhận);

- Danh sách hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội (Biểu 10 do UBND xã công nhận).

b4) Bản sao biên bản họp thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng thôn (theo Phụ lục số 2đ kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH).

(Mẫu 11. Đánh giá tiêu chí số 11 hộ nghèo)

Điều 14. Tiêu chílao động có việc làm (tiêu chí số 12)

1. Xã đạt chuẩn tiêu chí lao động có việc làm khi có tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 90% trở lên.

2. Giải thích từ ngữ

Lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của xã là số người trong độ tuổi lao động([9]) có tên trong sổ hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú của xã, trong thời gian tham chiếu có làm bất cứ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ 01 giờ trở lên để tạo ra các sản phẩm hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Người có việc làm bao gồm cả những người không làm việc trong tuần nghiên cứu nhưng đang có một công việc và vẫn gắn bó chặt chẽ với công việc đó (vẫn được trả lương/công trong thời gian không làm việc hoặc chắc chắn sẽ quay trở lại làm sau thời gian không quá 01 tháng).

Ngoài ra, những trường hợp cụ thể sau đây cũng được xem là người có việc làm:

- Người làm việc để nhận tiền lương, tiền công hay lợi nhuận nhưng đang tham gia các hoạt động tập huấn, đào tạo hoặc các hoạt động nâng cao kỹ năng do yêu cầu của công việc trong đơn vị;

- Người học việc, tập sự (kể cả bác sĩ thực tập) làm việc và có nhận được tiền lương, tiền công;

- Người làm việc trong các hộ/cơ sở kinh tế của chính họ để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và cung cấp dịch vụ;

- Sinh viên/học sinh/người nghỉ hưu trong thời gian tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người đang tìm kiếm việc làm nhưng trong thời kỳ tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người đăng ký hoặc người nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng trong thời kỳ tham chiếu có làm một công việc từ 01 giờ trở lên để tạo thu nhập;

- Người làm việc vì mục đích tiền công, tiền lương hoặc lợi nhuận nhưng các khoản tiền lương, tiền công và lợi nhuận đó có thể không trả trực tiếp cho họ mà được tích lũy vào thu nhập chung của gia đình họ, bao gồm:

+ Người làm việc trong các đơn vị kinh doanh được tổ chức bởi một thành viên gia đình đang sống cùng hộ hoặc khác hộ;

+ Người thực hiện các phần việc, nhiệm vụ của một công việc làm công ăn lương được tổ chức bởi một thành viên gia đình đang sống cùng hộ hoặc khác hộ.

3. Nội dung, phương pháp đánh giá

- Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là tỷ lệ phần trăm (%) giữa tổng số người có việc làm trong độ tuổi lao động so với tổng dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động.

- Cách tính:

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động (%)

=

Số người có việc làm trong độ tuổi lao động

x 100

Dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động

4. Phương pháp khảo sát, tính tỷ lệ lao động có việc làm của xã

- UBND các xã sử dụng phần mềm Cung Lao động (do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn) để khai thác thông tin về số lượng lao động có việc làm và dân số trong độ tuổi lao động đã được điều tra hằng năm. Sau đó xã tiến hành xác định số người trong độ tuổi lao động có đăng ký hộ khẩu tại xã (thường trú hoặc tạm trú), làm việc trong và ngoài địa bàn xã, có thời gian làm việc từ 01 giờ trở lên tạo ra thu nhập để tính số người có việc làm trong độ tuổi lao động.

- Lấy số lượng lao động được thống kê, áp dụng công thức nêu trên để tính tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động của xã.

5. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí lao động có việc làm

a) Mẫu 12 quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã;

b) Danh sách lao động có việc làm của xã.

(Mẫu 12. Đánh giá tiêu chí số 12 lao động có việc làm)

Điều 15. Tiêu chí tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13)

1. Xã được công nhận đạt chuẩn tiêu chí tổ chức sản xuất khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Xã có ít nhất 01 hợp tác xã (chỉ tiêu 13.1), đạt các yêu cầu sau:

- Tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012;

- Có ít nhất 01 loại dịch vụ thiết yếu theo đặc điểm từng địa phương, phục vụ thành viên hợp tác xã và người dân trên địa bàn;

- Kinh doanh có lãi liên tục trong 02 năm tài chính gần nhất (hoặc 01 năm tài chính gần nhất đối với hợp tác xã mới thành lập chưa quá 02 năm) được Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện xác nhận.

Riêng đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, nếu xã có HTX mới thành lập chưa đủ 01 năm tài chính thì phải có báo cáo tình hình hoạt động từ khi thành lập đến thời điểm lập hồ sơ minh chứng; đồng thời kiểm tra phương án sản xuất, kinh doanh nếu bảo đảm khả năng hoạt động có hiệu quả trong năm đánh giá và các năm đến, thì được xem xét để công nhận.

- Tham gia vào chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm (nội dung này không áp dụng đối với HTX phi nông nghiệp).

* Trong quá trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn chỉ tiêu 13.1, nếu trên địa bàn xã có hợp tác xã phi nông nghiệp thì Sở Công Thương, hoặc các Sở, ngành có liên quan có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để thẩm định, công nhận đạt chuẩn chỉ tiêu này.

b) Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản (bao gồm nông sản, lâm sản, thủy hải sản) chủ lực đảm bảo bền vững (chỉ tiêu 13.2) khi:

Trên địa bàn xã có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định tối thiểu là một (01) chu kỳ sản xuất đối với cây lâm nghiệp, hai (02) chu kỳ thu hoạch đối với các sản phẩm khác; được sản xuất theo quy trình và chất lượng thống nhất giữa các bên tham gia liên kết. Trong trường hợp xã không có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như nêu trên mà chỉ có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực thì cũng được xem xét công nhận đạt chỉ tiêu 13.2.

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã là sản phẩm có giá trị sản lượng hàng hoá và hiệu quả kinh tế (tính bình quân của 02 năm liền kề) cao hơn giá trị sản lượng hàng hoá và hiệu quả kinh tế của các loại nông sản khác trên địa bàn xã (so sánh giá trị sản lượng hàng hoá và hiệu quả kinh tế theo từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản, lâm nghiệp). Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã phải phù hợp với quy hoạch hoặc định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã.

* Ghi chú:

- Trường hợp sản phẩm có lợi thế so sánh và hiệu quả kinh tế cao, có liên kết sản xuất và tiêu thụ để tăng dần quy mô sản xuất nhưng hiện trạng giá trị sản lượng hàng hoá chưa cao hơn các loại nông sản khác trên địa bàn xã (ví dụ các loại rau quả thực phẩm, sản xuất giống, các vật nuôi đặc sản/giống địa phương,…) cũng được xem xét công nhận đạt chỉ tiêu 13.2.

- Trường hợp xã có sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang tính chất đặc hữu, như: Sâm Ngọc Linh, Sâm Ba kích, Đảng sâm, Tiêu, Quế, Lòn bon, Tôm thì khuyến khích (không bắt buộc) xã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực có tính chất đặc hữu nêu trên. Ngoài các sản phẩm này, địa phương có sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tính chất đặc hữu khác thì UBND xã báo cáo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế cấp huyện để có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh xem xét thống nhất.

2. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí tổ chức sản xuất

a) Mẫu 13 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Các tài liệu có liên quan:

b1) Chỉ tiêu 13.1 gồm:

- Bản sao Điều lệ HTX theo Luật HTX năm 2012 đã được Đại hội thành viên HTX thông qua.

- Bản sao Báo cáo quyết toán tài chính 02 năm liền kề được Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện xác nhận (đối với HTX nông nghiệp thực hiện theo Thông tư số 24/2010/TT-BTC ngày 23/02/2010 của Bộ Tài chính Hướng dẫn kế toán áp dụng cho HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nghề muối, hoặc theo Thông tư sửa đổi, bổ sung nếu có), chủ yếu tập trung vào các biểu sau: Bảng cân đối kế toán, Bảng cân đối tài khoản, Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, Bảng thuyết minh báo cáo tài chính.

- Riêng đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, nếu xã có HTX mới thành lập chưa đủ 01 năm tài chính thì phải có báo cáo tình hình hoạt động từ khi thành lập đến thời điểm lập hồ sơ minh chứng và phương án sản xuất, kinh doanh của HTX.

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa hợp tác xã với đối tác.

b2) Chỉ tiêu 13.2

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực một (01) chu kỳ sản xuất đối với cây lâm nghiệp, hai (02) chu kỳ thu hoạch đối với các sản phẩm khác hoặc hợp đồng, thanh lý hợp đồng tiêu thụ nông sản chủ lực giữa người sản xuất và đối tác.

- Văn bản thống nhất của Sở Nông nghiệp và PTNT đối với sản phẩm nông nghiệp mang tính chất đặc hữu khác (ngoài các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu nêu trên).

- Báo cáo bằng văn bản của UBND xã về kết quả, hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực hoặc mô hình liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững nêu trên hoặc của sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, trong đó có nội dung tính giá trị sản lượng hàng hoá và hiệu quả kinh tế hàng hóa của nông sản trong mô hình liên kết (tính bình quân của 02 năm liền kề) và so sánh với giá trị sản lượng hàng hoá và hiệu quả kinh tế của một số loại nông sản khác trên địa bàn xã.

* Ghi chú: Ví dụ năm đánh giá là năm 2017, 02 năm liền kề là: Năm 2015 và năm 2016.

(Mẫu 13. Đánh giá tiêu chí số 13 tổ chức sản xuất)

Điều 16. Tiêu chí giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 14)

1. Xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu:

a) Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chỉ tiêu 14.1).

b) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp): Xã khu vực 1 đạt từ 70% trở lên; xã khu vực 2 đạt từ 85% trở lên (chỉ tiêu 14.2).

c) Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo: Xã khu vực 1 đạt từ 25% trở lên, xã khu vực 2 đạt từ 40% trở lên (chỉ tiêu 14.3).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo quy định tại các văn bản: Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

b) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm được tiếp tục học trung học (trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số học sinh tiếp tục học trung học trên tổng số học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (%)

=

Số học sinh tiếp tục học trung học

x 100

Tổng số học sinh đã tốt nghiệp THCS

c) Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo được tính toán theo công thức sau:

Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (%)

=

Tổng số người đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú,đang có việc làm trên địa bàn xã và đã được cấp văn bằng, chứng chỉ

x 100

Tổng số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã

- Lao động có việc làm qua đào tạo là người từ đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, sau đại học và được cấp văn bằng, chứng chỉ.

- Những loại văn bằng, chứng chỉ mà người học đã đạt được, như sau:

+ Bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học, gồm: Bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ (hoặc tương đương).

+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng, gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng (theo Luật Giáo dục năm 1998), bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề (theo Luật Dạy nghề năm 2006), bằng tốt nghiệp cao đẳng (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).

+ Bằng tốt nghiệp trung cấp, gồm: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (theo Luật Giáo dục năm 1998), bằng tốt nghiệp trung cấp nghề (theo Luật Dạy nghề năm 2006), bằng tốt nghiệp trung cấp (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).

+ Các loại văn bằng khác được cấp cho người học, gồm: Bằng tốt nghiệp công nhân kỹ thuật dài hạn, bằng tốt nghiệp công nhân kỹ thuật ngắn hạn, bằng nghề, bằng trung học nghề.

+ Chứng chỉ, gồm: Chứng chỉ, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ nghề, chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp.

- Đối tượng, phạm vi thống kê và phương pháp tính toán

+ Đối tượng, phạm vi thống kê:

. Thống kê số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã.

. Thống kê trong số người từ đủ 15 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú, đang có việc làm trên địa bàn xã, đã được cấp văn bằng, chứng chỉ. Đối với người được cấp nhiều văn bằng, chứng chỉ ở các trình độ khác nhau thì chỉ thống kê theo một văn bằng, chứng chỉ ở trình độ cao nhất.

+ Phương pháp tính toán: Áp công thức nêu trên để tính tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo.

* Trường hợp những người chưa qua trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 01 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 03 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không có văn bằng/chứng chỉ) thì những lao động này cũng được tính vào lao động có việc làm qua đào tạo. UBND cấp xã tổng hợp, lập danh sách lao động tự học nghề để quản lý, đồng thời báo cáo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện để kiểm tra, thống nhất bằng văn bản trước khi tính lao động tự học nghề vào lao động có việc làm qua đào tạo.

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí giáo dục và đào tạo

a) Mẫu 14 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí (Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với chỉ tiêu 14.1 và 14.2; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đối với chỉ tiêu 14.3) và UBND xã.

b) Bản sao các Quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 của cấp có thẩm quyền.

c) Thống kê kết quả phổ cập giáo dục mầm non; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học; kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở; kết quả phổ cập bậc trung học; kết quả xóa mù chữ. Các thống kê này phải có xác nhận của các cấp theo quy định (gồm các mẫu: Mẫu MN-01-TE; Mẫu TH-01-TE; Mẫu THCS-01-TTN; Mẫu 1. PCGDTrH).

d) Danh sách học sinh tốt nghiệp THCS có xác nhận của Hiệu trưởng và UBND xã.

đ) Danh sách học sinh được học lớp 10 tại các trường trung học phổ thông, bổ túc trung học hoặc học nghề có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường nơi học sinh đang học và UBND cấp xã (đối với học sinh đi học xa ngoài huyện/tỉnh thì UBND xã điều tra và xác nhận).

e) Danh sách lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trên đại học và tự học nghề có xác nhận của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện và UBND xã.

(Mẫu 14. Đánh giá tiêu chí số 14 giáo dục và đào tạo, gồm: Mẫu 14.1 và 14.2)

Điều 17. Tiêu chí y tế (tiêu chí số 15)

1. Xã đạt tiêu chí y tế khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu:

a) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt từ 85% trở lên (cả 02 khu vực) (chỉ tiêu 15.1).

b) Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (chỉ tiêu 15.2).

c) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) đạt mức quy định của khu vực: Xã khu vực 1 26,7%, xã khu vực 2 24,2% (chỉ tiêu 15.3).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Tỷ lệ người dân tham gia BHYT là tỷ lệ phần trăm (%) giữa tổng số người tham gia BHYT trong xã (có thẻ BHYT còn hiệu lực tại thời điểm đánh giá) trên tổng số người dân thường trú trong xã. Được tính theo công thức sau:

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (%)

=

Tổng số người tham gia BHYT trong xã

x 100

Tổng số người dân thường trú trong xã

BHYT bao gồm: Bảo hiểm do nhà nước hỗ trợ, bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội cấp huyện phối hợp trong việc xác nhận người dân tham gia BHYT theo đề nghị của UBND cấp xã.

b) Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, cụ thể:

- Đạt từ 80% tổng điểm trở lên theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế.

- Không bị “điểm liệt”.

- Số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên.

* Trong quá trình tổ chức đánh giá Trạm Y tế (TYT) đạt chuẩn quốc gia cần lưu ý một số nội dung sau:

- Về bác sỹ làm việc tại TYT: Tùy theo tình hình về định biên bác sỹ và thực tế địa phương, UBND cấp huyện làm việc với Sở Y tế để bố trí bác sỹ cho phù hợp, theo hướng các TYT xã không nhất thiết biên chế bác sỹ tại TYT xã, mà cần có giải pháp tăng cường bác sỹ tuyến trên về làm việc trong tuần (ít nhất 2 buổi/tuần) thì vẫn đạt điểm theo quy định. Khuyến khích bác sỹ biên chế về công tác tại TYT xã.

- Cơ sở hạ tầng: Đối với các TYT xã gần Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương, BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực, BV tuyến huyện, Phòng khám đa khoa khu vực (khoảng cách từ TYT xã đến các Bệnh viện này tối đa 3 km đối với xã thuộc huyện miền núi và tối đa 5 km đối với xã thuộc huyện đồng bằng) hoặc TYT nằm ở Trung tâm huyện thì TYT ở những nơi này xây dựng 5 phòng cho phù hợp với tình hình bệnh tật và nhu cầu cụ thể của địa phương. TYT xã phải có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, Chương trình hỗ trợ mục tiêu về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, truyền thông, giáo dục sức khỏe,… nhằm nâng cao số điểm để đạt chuẩn.

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá chỉ tiêu y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và có trách nhiệm công bố danh sách các TYT đã đạt chuẩn quốc gia để làm cơ sở cho việc xét, công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí y tế.

c) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) đạt mức quy định của khu vực (xã khu vực 1 ≤ 26,7%, xã khu vực 2 ≤ 24,2%).

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là số trẻ em dưới 5 tuổi có chiều cao theo tuổi thấp hơn chiều cao trung bình của trẻ cùng nhóm tuổi (≤ -2SD) tính bình quân trên 100 trẻ cùng nhóm tuổi trong cùng thời điểm điều tra.

Tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi SDD thể thấp còi (chiều cao theo tuổi)

(%)

 

=

Tổng số trẻ em < 5 tuổi trong xã có chiều cao theotuổi thấp hơn chiều cao trung bình (≤ -2SD) củatrẻ cùng nhóm tuổi trong cùng thời điểm điều tra

 

x 100

Tổng số trẻ em cùng nhóm tuổi của xã được đo chiều cao trong cùng thời điểm điều tra

Các địa phương áp dụng bảng tra chiều dài/chiều cao theo tuổi ban hành tại Quyết định số 5063/QĐ-BYT ngày 05/12/2014 của Bộ Y tế về việc phê duyệt chương trình và tài liệu đào tạo “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” để đánh giá chỉ tiêu này. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi).

4. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí y tế

a) Mẫu 15 (gồm Mẫu 15.1 và Mẫu 15.2) theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã;

b) Đối với xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm đánh giá:

- Bản sao Quyết định công nhận đơn vị đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế của UBND tỉnh.

- Danh sách người tham gia BHYT theo Mẫu 15.2 kèm theo Quyết định này.

c) Đối với xã chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm đánh giá: Thực hiện theo Phụ lục 04 kèm theo Quyết định này.

d) Hồ sơ đánh giá trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) bao gồm:

- Bảng tổng hợp danh sách trẻ dưới 5 tuổi của xã;

- Bảng tổng hợp danh sách trẻ dưới 5 tuổi được đo chiều dài/chiều cao vào thời điểm nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 của năm (hoặc thời điểm thích hợp).

(Số trẻ em dưới 5 tuổi được đo chiều dài/chiều cao phải đạt ít nhất 90% tổng trẻ dưới 5 tuổi của xã trong thời điểm đánh giá).

(Mẫu 15. Đánh giá tiêu chí số 15 Y tế)

Điều 18. Tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 16)

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% số thôn trở lên đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 03 năm trở lên tính đến năm công nhận.

2. Nội dung đánh giá “Thôn văn hóa”:

Việc đánh giá danh hiệu “Thôn văn hóa” thực hiện theo bảng hướng dẫn chấm điểm của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 540/BCĐ-VP ngày 29/5/2015 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Hằng năm, UBND cấp huyện chỉ đạo việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa” và quyết định công nhận thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”; công bố và báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh danh sách các thôn trên địa bàn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” để làm cơ sở cho việc xét, công nhận đạt chuẩn tiêu chí văn hóa. Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện ưu tiên kiểm tra, lập các thủ tục, hồ sơ theo quy định và tham mưu UBND cấp huyện quyết định công nhận danh hiệu Thôn văn hóa ở các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo lộ trình đạt chuẩn hằng năm để phục vụ công tác thẩm định xã đạt chuẩn NTM.

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí văn hóa

a) Mẫu 16 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Bản sao các Quyết định công nhận “Thôn văn hóa” của UBND cấp huyện tại năm đánh giá và 02 năm liền kề trước năm đánh giá; trường hợp tại năm đánh giá chưa được UBND cấp huyện Quyết định công nhận “Thôn văn hóa” thì gửi Bảng điểm tự chấm “Thôn văn hóa” có xác nhận đầy đủ các thành phần theo quy định.

(Mẫu 16. Đánh giá tiêu chí số 16 văn hóa)

Điều 19. Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17)

1. Xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm khi đạt đủ 08 yêu cầu:

a) Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định: ≥ 90% nước hợp vệ sinh, trong đó có ≥ 50% nước sạch đối với xã khu vực 1 và ≥ 95% nước hợp vệ sinh, trong đó có ≥ 60% nước sạch đối với xã khu vực 2 (chỉ tiêu 17.1);

b) 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường (chỉ tiêu 17.2);

c) Xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn (chỉ tiêu 17.3);

d) Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch (chỉ tiêu 17.4);

đ) Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định (chỉ tiêu 17.5);

e) Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch([10]): ≥70% đối với xã khu vực 1; ≥85% đối với xã khu vực 2 (chỉ tiêu 17.6);

g) Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi([11]) đảm bảo vệ sinh môi trường: ≥60% đối với xã khu vực 1; ≥75% đối với xã khu vực 2 (chỉ tiêu 17.7);

h) 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (chỉ tiêu 17.8).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định

a1) Giải thích từ ngữ

- Nước hợp vệ sinh: Là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn các điều kiện: Trong, không màu, không mùi, không vị. Ngoài ra cần kết hợp với những quan sát theo hướng dẫn dưới đây:

+ Nước máy hợp vệ sinh là nước từ các công trình cấp nước tập trung (tự chảy, bơm dẫn) có hệ thống đường ống cung cấp nước cho nhiều hộ gia đình thỏa mãn điều kiện: Trong, không màu, không mùi, không vị.

+ Giếng đào hợp vệ sinh: Giếng đào phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10m. Thành giếng cao tối thiểu 0,6m được xây bằng gạch, đá và thả ống buy sâu ít nhất 3m kể từ mặt đất. Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

+ Giếng khoan hợp vệ sinh: Giếng khoan phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác. Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

+ Các nguồn nước hợp vệ sinh khác: Nước suối, nước mặt, nước mưa và nước mạch lộ hợp vệ sinh.

Khuyến cáo: Nước mưa thu hứng từ mái fibro ximăng có chất amiăng, khi sử dụng có nguy cơ gây bệnh ung thư, do đó khuyến cáo không được dùng cho ăn uống và không được xếp vào loại nước hợp vệ sinh.

- Nước sạch (cũng là nước hợp vệ sinh): Là nước đáp ứng các chỉ tiêu (14 chỉ tiêu nêu tại Bảng giới hạn các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn Quốc gia) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009. Sở Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương đánh giá, phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế.

(Phụ lục 05. Bảng giới hạn các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn Quốc gia)

a2) Phương pháp đánh giá

Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trên tổng số hộ dân trên địa bàn xã.

b) 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường: Các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề được đánh giá là thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường nếu đảm bảo các điều kiện sau:

- Có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường, bao gồm:

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định số 19/2015/NĐ-CP;

+ Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép khai thác, xả thải nước thải vào nguồn nước theo quy định (nếu có);

+ Phương án bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết trong các hồ sơ nêu trên về phân loại, xử lý chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn); nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải...;

- Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo:

+ Không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản;

+ Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển;

+ Không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

- 100% các làng nghề trên địa bàn quản lý (nếu có) phải đảm bảo:

+ Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;

+ Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải theo quy định;

+ Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

c) Xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn: Các xã đạt yêu cầu có cảnh quan, môi trường sáng -xanh - sạch - đẹp, an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Các khu vực công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan;

- Hồ ao, kênh mương, bờ đê, đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ.

d) Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.

- Có nghĩa trang nằm trong quy hoạch xã NTM (hoặc quy hoạch vùng đối với 2-3 xã quy hoạch 01 nghĩa trang) được xây dựng để thực hiện việc chôn cất phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, hương ước của địa phương, làng, xóm; phù hợp truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại, không phô trương, lãng phí;

- Có quy chế quản lý nghĩa trang được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tùy điều kiện nguồn lực, các địa phương đầu tư xây dựng nghĩa trang cho phù hợp, tránh lãng phí. Diện tích tối thiểu nghĩa trang quy hoạch do UBND cấp huyện quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

đ) Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định

đ1) Về chất thải rắn

- Không để xảy ra tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp hết hạn hoặc các vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm này sau khi sử dụng bị vứt, đổ bừa bãi ra môi trường.

- Có phương án phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh, trong đó nêu rõ:

+ Đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển;

+ Chủng loại, số lượng phương tiện vận chuyển;

+ Cách thức phân loại;

+ Tần suất, lịch trình thu gom đối với từng cụm dân cư;

+ Vị trí các điểm trung chuyển (nếu có).

- Điểm tập kết chất thải rắn trong khu dân cư (nếu có) phải đảm bảo hợp vệ sinh.

- Có hương ước, quy ước đối với từng khu dân cư với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.

đ2) Về nước thải

- Mỗi khu dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của khu vực, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng;

- Có điểm thu gom nước thải và áp dụng biện pháp xử lý nước thải phù hợp với điều kiện cụ thể trước khi đổ vào các kênh, mương, sông, hồ.

e) Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch theo quy định khu vực: ≥70% đối với xã khu vực 1; ≥85% đối với xã khu vực 2.

- Nhà tiêu hợp vệ sinh phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Được xây dựng khép kín với diện tích tối thiểu 0,6 m2;

+ Chất thải nhà vệ sinh không thải trực tiếp ra môi trường;

+ Có biện pháp cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không thể tiếp xúc với người và động vật, tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virut, vi khuẩn);

+ Không tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở;

+ Không gây mùi hôi, khó chịu.

- Nhà tắm hợp vệ sinh đảm bảo các điều kiện sau:

+ Nhà tắm kín đáo có tường bao bằng xây gạch, tôn, gỗ và các vật liệu cứng phù hợp với điều kiện địa phương; có mái che;

+ Nước thải phải được xử lý và xả nước thải đúng nơi quy định.

- Bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo các điều kiện sau:

+ Bể chứa phải có dung tích đủ lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng;

+ Sử dụng vật liệu làm bể chứa/dụng cụ chứa không có thành phần độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền; bể chứa nước được xây dựng bằng gạch hoặc bê tông hoặc các lu, chum vại, bồn innox, bồn nhựa.

- Bể, dụng cụ trữ nước sinh hoạt phải có nắp đậy kín để ngăn ngừa các chất bẩn khác xâm nhập hoặc muỗi vào đẻ trứng; đối với lu, bể lớn cần có van lấy nước, van xả cặn và van xả tràn.

- Vệ sinh bể trữ, lu vại trước khi chứa nước và định kỳ 3 tháng 1 lần; nếu dụng cụ chứa nước bị nhiễm bẩn, cần thay rửa ngay sau khi nước rút bằng Cloramin B, hoặc Clorua vôi.

- Đảm bảo 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

g) Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường: ≥ 60% đối với xã khu vực 1; ≥ 75% đối với xã khu vực 2.

- Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường như sau:

+ Nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước;

+ Được vệ sinh định kỳ bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

+ Có đủ hồ sơ, thủ tục về BVMT như đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh;

+ Chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý; không xả, chảy tràn ra khu vực xung quanh.

- Xử lý chất thải bằng: Hầm biogas hoặc đệm lót sinh học hoặc các biện pháp xử lý khác như hố thu gom/hầm tiêu có nắp đậy…;

h) 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

h1) Đối tượng, phạm vi áp dụng: Hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã (trừ hộ gia đình, cơ sở sản xuất chỉ để tiêu dùng, không bán sản phẩm ra thị trường) bao gồm:

- Hộ gia đình, cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, khai thác nông lâm thủy sản; nuôi trồng thủy sản; tàu cá; sản xuất, khai thác muối);

- Hộ gia đình, cơ sở thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm;

- Hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thực phẩm.

h2) Phương pháp đánh giá: Thực hiện theo Phụ lục 06 đính kèm.

Trong quá trình đánh giá, đề nghị Sở Y tế, Sở Công Thương cử cán bộ chuyên môn phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT để thẩm định, công nhận đạt chuẩn chỉ tiêu này.

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm

a) Mẫu 17 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Danh sách hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo chuẩn quốc gia (trong đó cần ghi rõ nguồn nước của từng hộ).

c) Bản sao các hồ sơ môi trường (Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận) của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thuộc đối tượng phải lập hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định.

d) Biên bản kiểm tra về cảnh quan, môi trường sáng- xanh - sạch - đẹp, an toàn.

đ) Hồ sơ liên quan quy hoạch nghĩa trang; bản sao Quy chế quản lý nghĩa trang của cấp có thẩm quyền.

e) Biên bản điều tra và bảng tổng hợp số liệu hệ thống xử lý nước thải thông thoáng, hợp vệ sinh của từng thôn; bản sao hương ước/quy ước đối với từng khu dân cư về bảo vệ môi trường;

g) Bản sao chứng nhận đăng ký HTX (đối với HTX có dịch vụ về môi trường) hoặc Quyết định thành lập tổ dịch vụ (hoặc THT) thu gom rác thải của UBND cấp xã hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom rác thải để xử lý rác thải tại bãi rác tập trung;

h) Danh sách hộ tham gia xử lý rác thải tập trung; danh sách hộ xử lý rác thải tại vườn (nêu rõ lý do vì sao không tham gia xử lý rác thải tập trung).

i) Danh sách số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch cho từng thôn.

k) Danh sách hộ chăn nuôi có chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường;

l) Tài liệu minh chứng xã đạt chỉ tiêu 17.8, bao gồm:

- Danh sách thống kê các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn (tên hộ gia đình và cơ sở, địa chỉ hộ gia đình và cơ sở theo từng loại hình sản xuất, kinh doanh). Thời điểm cập nhật danh sách yêu cầu không quá 06 tháng tính đến thời điểm tổ chức đánh giá.

- Thông tin việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tương ứng với từng loại hình cơ sở, cụ thể:

+ Số, ngày cấp, cơ quan cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (với đối tượng phải cấp);

+ Ngày làm bản ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm của hộ gia đình và cơ sở;

+ Ngày kiểm tra, cơ quan kiểm tra, kết quả thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm điều kiện bảo đảm ATTP của cơ quan chức năng.

(Mẫu 17. Đánh giá tiêu chí số 17 môi trường và an toàn thực phẩm)

Điều 20. Tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (tiêu chí số 18)

1. Xã đạt tiêu chí hệ thống tổ chính trị và tiếp cận pháp luật khi đạt đủ 06 yêu cầu:

- Có 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định (chỉ tiêu 18.1).

- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định (chỉ tiêu 18.2).

- Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” (chỉ tiêu 18.3).

- Có 100% tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên (chỉ tiêu 18.4).

- Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định (chỉ tiêu 18.5).

- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội (chỉ tiêu 18.6).

Riêng chỉ tiêu chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” thuộc chỉ tiêu 18.3 theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, giao Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương (chỉ đánh giá khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

a) Cán bộ xã đạt chuẩn khi đáp ứng tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể được quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Công chức xã đạt chuẩn khi đáp ứng tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể được quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.

Cụ thể cán bộ, công chức xã đạt chuẩn khi có đủ các điều kiện sau:

- Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông đối với khu vực đồng bằng và đô thị, tốt nghiệp THCS trở lên đối với khu vực miền núi, hải đảo;

- Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;

- Trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;

- Công tác lâu dài ở địa bàn dân tộc thiểu số, phải biết sử dụng thành thạo một tiếng dân tộc thiểu số chính trong khu vực;

- Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành chứng chỉ quản lý nhà nước và lý luận chính trị theo quy định;

- Tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các chức danh này;

- Riêng Hội Cựu chiến binh xã có thể xem xét mức độ đạt chuẩn cho phù hợp, không yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích đạt các chuẩn như cán bộ, công chức khác.

b) Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định

Là có đủ hệ thống tổ chức chính trị - xã hội ở xã bao gồm: Tổ chức Đảng, Chính quyền và Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã.

c) Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”

Danh hiệu: “Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh” do Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện xét, công nhận hằng năm theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương tại Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25/9/2014 về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm và các văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương, của tỉnh.

d) Các tổ chức chính trị - xã hội đạt loại khá/tiên tiến trở lên khi đáp ứng các yêu cầu và được tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đánh giá, công nhận đạt danh hiệu.

đ) Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

đ1) Tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí thành phần với tổng số 100 điểm:

- Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm).

+ Chỉ tiêu 1: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ (04 điểm).

+ Chỉ tiêu 2: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước (06 điểm).

+ Chỉ tiêu 3: Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước (05 điểm).

- Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm).

+ Chỉ tiêu 1: Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính (04 điểm).

+ Chỉ tiêu 2: Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 3: Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (07 điểm).

+ Chỉ tiêu 4: Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 5: Bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính (15 điểm).

- Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm)

+ Chỉ tiêu 1: Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 2: Cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 3: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cấp trên (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 4: Tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 5: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức thích hợp (05 điểm).

+ Chỉ tiêu 6: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 7: Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã (05 điểm).

+ Chỉ tiêu 8: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 9: Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định (03 điểm).

- Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm)

+ Chỉ tiêu 1: Thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải; hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở (02 điểm).

+ Chỉ tiêu 2: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên (05 điểm).

+ Chỉ tiêu 3: Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định (03 điểm).

- Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm)

+ Chỉ tiêu 1: Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trừ các nội dung quy định tại chỉ tiêu 1 của tiêu chí 2 và chỉ tiêu 1 của tiêu chí 3(04 điểm).

+ Chỉ tiêu 2: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (04 điểm).

+ Chỉ tiêu 3: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (04 điểm).

+ Chỉ tiêu 4: Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (03 điểm).

+ Chỉ tiêu 5: Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm).

đ2) Điều kiện, thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa;

- Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III;

- Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên;

- Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

đ3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xét, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo thực hiện các giải pháp đối với xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

đ4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật([12]) để tư vấn, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với thời gian thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM hằng năm.

e) Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội khi đáp ứng đủ 05 yêu cầu sau:

e1) Có ít nhất một (01) nữ lãnh đạo xã (bao gồm các chức danh: Bí thư Đảng ủy xã; Phó Bí thư Đảng ủy xã; Chủ tịch UBND xã; Phó Chủ tịch UBND xã; Chủ tịch HĐND xã; Phó Chủ tịch HĐND xã). Riêng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 nếu chưa có nữ lãnh đạo xã, thì chưa đưa nội dung này vào đánh giá và việc công nhận chỉ tiêu này (18.6) chỉ đánh giá đối với các yêu cầu còn lại.

Từ năm 2018 trở đi, các địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM có phương án bố trí, sắp xếp nhân sự([13]) là cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo xã như nêu trên, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thống nhất để triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm chỉ tiêu 18.6 quy định trong xây dựng NTM.

Hồ sơ minh chứng: Bản sao Quyết định bổ nhiệm, phê chuẩn chức vụ lãnh đạo là nữ của cấp có thẩm quyền về quản lý cán bộ, công chức còn hiệu lực thi hành tại thời điểm thẩm định xã đạt chuẩn NTM.

e2) 100% phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật có nhu cầu và được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khi bảo đảm các điều kiện cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (hoặc các tổ chức tín dụng khác nếu có).

Hồ sơ minh chứng: UBND xã lập danh sách phụ nữ có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác được cấp có thẩm quyền cho vay.

e3) Không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn.

Hồ sơ minh chứng: Báo cáo của UBND xã về lĩnh vực hôn nhân, gia đình trong đó nêu rõ trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn trong năm đánh giá. Xã đạt chỉ tiêu này khi không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn.

e4) Mỗi tháng có ít nhất 02 chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã.

Hồ sơ minh chứng: Xã đạt nội dung này khi thực hiện một trong những hình thức sau:

- Tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện có nội dung về bình đẳng giới: Cung cấp đĩa CD tiếp âm phát lại tuyên truyền chương trình chuyên đề về bình đẳng giới ít nhất 02 chuyên mục/tháng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện.

- Biên tập và phát các bản tin tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã: Có biên tập bản tin về bình đẳng giới và lịch phát trên hệ thống truyền thanh của xã ít nhất 02 chuyên mục/tháng được UBND xã phê duyệt hằng tháng hoặc quý (kèm theo bản sao bản tin và lịch phát sóng được UBND xã phê duyệt).

Trường hợp mỗi tháng có tiếp âm 01 chuyên mục và biên tập phát sóng 01 chuyên mục thì xem như đạt nội dung này.

e5) Có ít nhất 01 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình tại cộng đồng.

- Giải thích từ ngữ:

+ Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng: Là cá nhân, tổ chức, hội đoàn thể có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư (Theo điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).

+ Điểm tạm lánh: Là nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác, thời gian tạm lánh không quá 3 ngày; kịp thời chăm sóc sức khỏe nếu nạn nhân bạo lực gia đình có thương tích và thông báo cho Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình xã biết để xử lý hành vi bạo lực gia đình theo Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 và Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ.

Tùy theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, điểm tạm lánh có thể là nhà ở Trưởng thôn hoặc nhà ở của người có uy tín ở cộng đồng dân cư hoặc nhà văn hóa thôn có sự bảo vệ của Ban Nhân dân thôn hoặc trụ sở của cơ quan công an, quân sự xã, trạm y tế xã hoặc các địa điểm phù hợp khác. Địa chỉ này thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan thẩm quyền biết.

- Hồ sơ minh chứng:

+ Báo cáo của UBND xã về tình trạng nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình tại cộng đồng trên địa bàn xã trong năm đánh giá;

+ Bản sao Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình của UBND xã;

+ Bản sao văn bản của UBND xã về việc công bố các địa điểm làm địa chỉ tin cậy, điểm tạm lánh ở cộng đồng để hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình (địa điểm, địa chỉ cụ thể, số điện thoại liên hệ (nếu có)).

3. Hồ sơ minh chứng đạt chuẩn tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật

a) Mẫu 18 theo quy định tại Quyết định này đã ghi đầy đủ thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra tiêu chí và UBND xã.

b) Danh sách, lý lịch trích ngang của cán bộ, công chức xã có xác nhận của UBND xã.

c) Bản sao Quyết định công nhận tổ chức cơ sở đảng “trong sạch vững mạnh” của Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy tại năm đánh giá.

d) Bản sao Quyết định công nhận danh hiệu tiên tiến trở lên của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp trên cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã tại năm đánh giá.

đ) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có liên quan của cán bộ, công chức xã.

e) Bản sao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của UBND cấp huyện. Đối với các xã chưa có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì cung cấp bảng điểm tự đánh giá đủ số điểm đạt chuẩn theo quy định, có xác nhận của các thành phần liên quan (Thường trực Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện và UBND xã).

g) Các báo cáo và các hồ sơ liên quan việc thực hiện bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội theo các yêu cầu tại Điểm e, Khoản 2 Điều 20 nêu trên.

(Mẫu 18: Đánh giá tiêu chí số 18 hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật)

Điều 21. Tiêu chí quốc phòng và an ninh (tiêu chí số 19)

1. Xã đạt chuẩn tiêu chí quốc phòng và an ninh khi đáp ứng các yêu cầu sau:

- Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng (chỉ tiêu 19.1).

- Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: Không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước (chỉ tiêu 19.2).

2. Nội dung, phương pháp đánh giá

2.1. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng (chỉ tiêu 19.1) khi đáp ứng các yêu cầu, cụ thể như sau:

a) Xây dựng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) và dân quân xã

- Số lượng cán bộ: Theo quy định của pháp luật

+ Chỉ huy trưởng là thành viên Ủy ban nhân dân xã, cấp ủy địa phương cùng cấp; Chỉ huy phó, Chính trị viên, Chính trị viên phó là cán bộ kiêm nhiệm. Số lượng Chỉ huy phó ở các xã trọng điểm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

+ Trình độ chuyên môn: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Đến năm 2020, có 100% cán bộ quân sự cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; trình độ cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành quân sự cơ sở đối các xã còn lại. Hằng năm phải được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, quân sự, pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn.

- Hằng năm Ban CHQS xã đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” trở lên.

- Nơi làm việc và chế độ của Ban CHQS xã: Ban Chỉ huy quân sự có nơi làm việc và trang thiết bị theo quy định của pháp luật; cán bộ Ban CHQS được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp quản lý đơn vị; Trưởng, Phó Ban CHQS được hưởng chế độ, chính sách và các chế độ đãi ngộ khác theo quy định của pháp luật.

b) Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh, rộng khắp

- Tổ chức xây dựng lực lượng, biên chế, trang bị:

+ Hằng năm Ban CHQS xã lập kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân theo đúng chỉ tiêu của Ban CHQS cấp huyện giao. Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng biên chế. Đồng thời ở mỗi cấp: Tổ, thôn đều phải có lực lượng tự vệ (Tổ chức biên chế đơn vị DQTV theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 33/2016/TT-BQP ngày 29/3/2016 của Bộ Quốc phòng Hướng dẫn một số điều của Luật DQTV và Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật DQTV).

+ Hằng năm, Ban CHQS xã tham mưu cho UBND xã tổ chức lễ kết nạp dân quân mới và trao quyết định công nhận dân quân nòng cốt đã hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả luân phiên lực lượng từ 20-25% so với tổng số DQTV.

- Đăng ký độ tuổi công dân theo luật quy định.

- Trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo Thông tư số 65/TT-BQP ngày 16/5/2016 của Bộ Quốc phòng Quy định và hướng dẫn về trang bị, quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của DQTV. Nguồn vũ khí của DQTV gồm: Vũ khí quân dụng do Bộ Quốc phòng trang bị; vũ khí tự tạo và công cụ hỗ trợ do địa phương sản xuất và mua sắm. Vũ khí, trang bị cho DQTV phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở; ưu tiên trang bị cho lực lượng chiến đấu ở các vùng trọng điểm về QPAN. Vũ trí trang bị cho những người tin cậy và phải thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng, bảo quản vũ khí. Vũ khí trang bị của DQTV bất cứ nguồn nào đều phải đăng ký, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

- Chất lượng chính trị: Tập trung nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy của lực lượng dân quân, xây dựng bản lĩnh cách mạng, bản chất giai cấp công nhân của DQTV. Xây dựng các tổ chức đảng trong lực lượng DQTV trong sạch, vững mạnh. Tích cực phát triển đảng viên, bảo đảm tỷ lệ hợp lý. Chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng DQTV. Trường xuyên chăm lo đến tổ chức quần chúng trong lực lượng DQTV, bảo đảm hoạt động có hiệu quả thiết thực; chú trọng nâng cao chất lượng của tổ chức đoàn thanh niên, tạo không khí, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng toàn dân. Cụ thể:

+ Tỷ lệ đảng viên trong dân quân nòng cốt đạt từ 18% trở lên; hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới trong dân quân theo quy định;

+ Thôn đội trưởng, tiểu đội trưởng dân quân thường trực, trung đội trưởng dân quân cơ động là đảng viên.

+ Xây dựng và giữ vững Chi bộ Quân sự có Chi ủy.

+ Xây dựng Chi đoàn dân quân cơ động vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào quần chúng ở địa phương.

- Huấn luyện: Hằng năm các đối tượng dân quân được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự bảo đảm quân số, nội dung, thời gian, chương trình quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BQP ngày 08/01/2016 của Bộ Quốc phòng. Chiến sỹ dân quân quán triệt rõ nhiệm vụ, nắm được tối tượng, đối tác.

- Hoạt động của lực lượng dân quân theo luật đạt hiệu quả (theo Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ);

- Lập danh sách lực lượng dân quân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác được giao.

c) Hoàn thành các chỉ tiêu về quốc phòng

- Triển khai nhiệm vụ đầu năm đảm bảo chất lượng.

- Có đầy đủ các kế hoạch theo quy định tại Thông tư số 108/2016/TT-BQP ngày 16/7/2016 của Bộ Quốc phòng;

- Tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự; hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hằng năm theo chỉ tiêu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao; không có quân nhân đào, bỏ ngũ bị kỷ luật tước quân tịch trả về địa phương;

- 100% quân nhân hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị thường trực về địa phương được đăng ký quân dự bị và được quản lý chặt chẽ.

- 100% quân nhân dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật được đăng ký, quản lý chặt chẽ theo chỉ tiêu cấp trên giao, sẵn sàng động viên khi có lệnh.

- Hằng năm tổ chức tốt trình tự, thủ tục công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV, công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, đăng ký nghĩa vụ quân sự và lập danh sách báo cáo Ban CHQS cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp và chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên.

- Không để xảy ra vụ việc mất, thất lạc tài liệu mật, lộ lọt bí mật quân sự và cung cấp thông tin nội bộ sai quy định.

- Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh cho lực lượng vũ trang và nhân dân, công tác vận động quần chúng, công tác chính sách hậu phương quân đội.

- Tổ chức cho DQTV, dự bị động viên tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Hằng năm phải có kế hoạch tổ chức lực lượng dân quân làm công tác dân vận theo Chỉ thị số 76/CT-BQP.

- Triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho LLVT địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

* Phương pháp đánh giá:

- Đối với cấp xã: Ban CHQS xã là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp tiến hành rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu nêu trên để tổ chức đánh giá và gửi hồ sơ, kết quả về Ban CHQS huyện trước ngày 20/10 hằng năm (theo Mẫu số 19.1 kèm theo Quyết định này).

- Đối với cấp huyện: Căn cứ đề nghị của cấp xã, Ban CHQS cấp huyện tổ chức đánh giá, thẩm tra và tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp và Bộ CHQS tỉnh (qua Văn phòng Bộ CHQS tỉnh) trước ngày 10/11 hằng năm.

- Đối với cấp tỉnh: Căn cứ kết quả đánh giá, thẩm định của Ban CHQS cấp huyện, Văn phòng Bộ CHQS tỉnh giúp lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh tổ chức thẩm định, kết luận chỉ tiêu 19.1 và báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh).

* Hồ sơ minh chứng đề nghị công nhận chỉ tiêu 19.1 gồm:

- Báo cáo kết quả công tác quốc phòng tại địa bàn xã của năm đánh giá và năm trước liền kề trước năm đánh giá của Ban CHQS xã (có xác nhận của Chủ tịch UBND xã); nội dung báo cáo phải phân tích làm rõ các chỉ tiêu nêu trên. Số liệu thống nhất lấy từ ngày 01/11 năm trước đến ngày 31/10 năm sau để tổng hợp báo cáo.

- Biên bản thẩm tra của Ban CHQS cấp huyện theo Mẫu 19.1 (có chữ ký, đóng dấu của Trưởng Ban CHQS xã, Chủ tịch UBND xã, Lãnh đạo Ban CHQS cấp huyện).

- Các hồ sơ có liên quan.

+ Các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ QP, QSĐP năm đánh giá;

+ Bản sao Thông báo nhận xét kết quả kiểm tra thực hiện nhiệm vụ QP, QSĐP năm đánh giá của Ban CHQS huyện và Bộ CHQS tỉnh (nếu năm đó xã được tỉnh kiểm tra).

+ Bản sao Quyết định công nhận danh hiệu thi đua trong năm đánh giá.

2.2. Xã được đánh giá đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên (chỉ tiêu 19.2) khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Hằng năm Đảng ủy xã có Nghị quyết, UBND xã có Kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong năm đánh giá.

- Không có khiếu kiện đông người kéo dài; khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật, như: Lôi kéo, tụ tập nhiều người cùng đến cơ quan, trụ sở, doanh nghiệp hoặc cá nhân để đưa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, yêu cầu giải quyết một hoặc nhiều vấn đề về quyền lợi bị vi phạm hay có liên quan đến thực thi chính sách, pháp luật, môi trường, quản lý sử dụng đất đai,… gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; các vụ việc này đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tụ tập, khiếu kiện đông người; khiếu kiện không đúng thẩm quyền, vượt cấp trái pháp luật hoặc chưa được giải quyết theo đúng quy định về thời hạn khiếu nại, tố cáo (các vụ việc này xảy ra trước thời điểm đề nghị xét, công nhận từ 06 tháng trở lên nhưng đến nay vẫn còn khiếu kiện đông người, khiếu kiện vược cấp trái pháp luật).

- Không để xảy ra trọng án trên địa bàn: Không để xảy ra vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Điều 93, 95, 96; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 104, 111, 112, 113, 114, 133, 134, 135 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 - gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 1999).

- Tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật được kiềm chế, giảm so với năm trước.

- Các tệ nạn xã hội về cờ bạc, nghiện ma túy, mại dâm được kiềm chế, giảm so với năm trước.

- Tổ chức xây dựng có hiệu quả các mô hình bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (50% số thôn trở lên có mô hình; hồ sơ thể hiện quá trình thành lập, hoạt động của mô hình).

- Có 70% số khu dân cư trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an.

- Lực lượng Công an xã được xây dựng, củng cố trong sạch, vững mạnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an; không có cá nhân Công an xã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

* Phương pháp đánh giá

- Đối với cấp xã: Công an xã là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp tiến hành rà soát, đối chiếu 08 chỉ tiêu nêu trên để tổ chức đánh giá và gửi hồ sơ, kết quả về Công an cấp huyện trước ngày 20/10 hằng năm.

- Đối với cấp huyện: Căn cứ đề nghị của cấp xã, Công an cấp huyện tổ chức đánh giá, thẩm tra và tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp và Công an tỉnh (qua Phòng PV28) trước ngày 10/11 hằng năm.

- Đối với cấp tỉnh: Căn cứ kết quả đánh giá, thẩm định của Công an cấp huyện, Phòng PV28 tham mưu Giám đốc Công an tỉnh báo cáo Cục V28 và Ban Chỉ đạo tỉnh. Tổ chức thẩm định, kết luận chỉ tiêu 19.2 về “Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” của tiêu chí 19 khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.

* Hồ sơ minh chứng đề nghị công nhận chỉ tiêu “Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” gồm:

- Bản sao Nghị quyết của Đảng ủy, Kế hoạch của UBND xã về công tác đảm bảo ANTT trong năm đánh giá.

- Bản sao Quyết định thành lập mô hình và báo cáo tóm tắt hiệu quả hoạt động của mô hình trong năm đánh giá.

- Báo cáo kết quả công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn xã của năm đánh giá và năm trước liền kề năm đánh giá của Công an xã (có xác nhận của Chủ tịch UBND xã); nội dung báo cáo phải phân tích làm rõ các chỉ tiêu trên.

- Bản sao Quyết định công nhận các thôn đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” của năm đánh giá theo quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an.

- Biên bản thẩm tra của Công an cấp huyện theo Mẫu 19.2 (có chữ ký, đóng dấu của Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Lãnh đạo Công an cấp huyện).

(Mẫu 19. Đánh giá tiêu chí 19 quốc phòng và an ninh)

Điều 22. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và không có nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định, không có khả năng thanh toántrong xây dựng NTM

1. Xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”: Thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 26/7/2016; Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 của UBND tỉnh và hướng dẫn của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tại Công văn số 136/VPĐPNTM-KHNV ngày 30/12/2016.

- Xã đạt chỉ tiêu này khi có ít nhất 01 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục đánh giá, xét công nhận thôn đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” theo quy định.

- Hồ sơ minh chứng: Bản sao Quyết định công nhận đạt chuẩn ít nhất 01 “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” của UBND cấp huyện;

Trường hợp đến thời điểm thẩm định xã đạt chuẩn NTM chưa có Quyết định công nhận “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” thì phải có báo cáo, hồ sơ đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” của UBND xã; báo cáo thẩm định của Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế (hoặc Tổ/Đoàn thẩm định được UBND cấp huyện thành lập) đủ điều kiện trình UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

2. Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định, không có khả năng thanh toán trong xây dựng NTM là các công trình xây dựng phải bảo đảm được nguồn thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh V/v Triển khai Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp cho các nội dung trong Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND cấp huyện, xã (vốn đối ứng của địa phương).

Hồ sơ minh chứng: Báo cáo nợ đọng và giải pháp, thời gian xử lý nợ đọng (nếu có) của UBND xã có xác nhận của Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện và UBND cấp huyện.

* Ghi chú: Bản sao được nêu tại Điều 3 đến Điều 22 Quyết định này là bản sao không cần chứng thực của UBND cấp xã, khi tổ chức thẩm định thì Đoàn thẩm định các tiêu chí NTM tỉnh sẽ đối chiếu với bản chính. Trường hợp bản sao có chứng thực của UBND cấp xã thì không cần đối chiếu bản chính khi thẩm định.

Chương III

CÔNG NHẬN XàĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 23. Thẩm quyền xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM

Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM.

Điều 24. Điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM

Xã đạt chuẩn NTM phải bảo đảm các điều kiện:

1. Có bản đăng ký xã đạt chuẩn NTM và được UBND cấp huyện xác nhận theo Mẫu 20 đính kèm Quyết định này, gửi về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) trước ngày 10 tháng 10 của năm liền kề trước năm đánh giá (hoặc trước ngày 15/6 trong năm đánh giá nếu đăng ký bổ sung đạt chuẩn NTM trong năm đánh giá).

2. Có 100% chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện trên địa bàn xã đạt chuẩn theo các nội dung quy định tại Chương II Quy định này.

3. Hoàn thành đầy đủ thủ tục đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM đúng thời gian quy định.

Điều 25. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận, công bố xã đạt chuẩn NTM

Thực hiện theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và quy định của UBND tỉnh.

Điều 26. Khen thưởng

Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng theo quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 và UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen, tiền thưởng và công trình phúc lợi theo quy định tại Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 của UBND tỉnh Ban hành Quy định về tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng trong Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 – 2020 và các Quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Nhiệm vụ của các Sở, Ban, ngành

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định này. Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, xử lý. Hằng năm, phối hợp các Sở, Ban, ngành thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM.

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh có trách nhiệm công bố Quyết định này và các phụ lục, biểu mẫu kèm theo trên Cổng thông tin điện tử NTM tỉnh (tại địa chỉ http://nongthonmoi.net/) để các cá nhân, tổ chức có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Trên cơ sở hướng dẫn này, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu về 19 tiêu chí NTM và 10 tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tích hợp trên Cổng thông tin điện tử NTM tỉnh để định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm, các Sở, Ban, ngành, địa phương (huyện/thị xã/thành phố, xã) cập nhập kết quả thực hiện các tiêu chí NTM, các nội dung Chương trình nhằm thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành của UBND, Ban Chỉ đạo các cấp.

- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phụ trách các tiêu chí NTM tại Công văn số 466/UBND-KTN ngày 25/01/2017:

+ Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí thuộc ngành mình phụ trách để các địa phương triển khai thực hiện;

+ Thường xuyên cập nhật các văn bản quy định của các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) để điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp với quy định của cấp trên và điều kiện thực tế của địa phương.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh được phân công đứng điểm tại các xã, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các địa phương trong việc thực hiện theo các nội dung của Quyết định này; chỉ đạo việc lồng ghép các nội dung thuộc đơn vị quản lý để thực hiện đầu tư hỗ trợ cho các xã, trong đó ưu tiên cho các xã nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 (kể cả xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 để đủ điều kiện công nhận lại); kịp thời báo cáo những tồn tại, vướng mắc về UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội, đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới theo quy định tại Quyết định này.

Điều 28. Trách nhiệm UBND cấp huyện, xã

- Phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các Phòng, ban có liên quan để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện và hỗ trợ các địa phương trên địa bàn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM; đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thành tiêu chí được phân công;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng, ban, đơn vị liên quan và Ban Chỉ đạo xã, UBND, Ban Quản lý xây dựng NTM các xã thực hiện theo đúng các nội dung tại Quyết định này; chỉ đạo tổ chức đánh giá, thẩm tra, đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm theo đúng quy định, trong đó ưu tiên điều tra, đánh giá, thẩm tra trước các tiêu chí NTM ở các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo lộ trình đạt chuẩn hằng năm;

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) để xem xét, giải quyết;

- Định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm (vào ngày 20 của tháng cuối) các địa phương cập nhập kết quả thực hiện các tiêu chí NTM qua hệ thống cơ sở dữ liệu 19 tiêu chí NTM và 10 tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” trên Cổng thông tin điện tử NTM tỉnh; trong đó cần nêu rõ những việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành theo từng tiêu chí đối với từng xã, nguyên nhân và đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết tồn tại, vướng mắc từ cơ sở.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, bất cập đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan phản ánh về Văn phòng Điều phối NTM tỉnh (bằng văn bản) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 



([1]) Chỉ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nếu chưa đảm bảo yêu cầutái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô và đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn hoặc trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn xuất hiện những thay đổi về chính sách, chủ trương, các quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt làm thay đổi các dự báo của quy hoạch xây dựng nông thôn hoặc các biến động về địa lý- tự nhiên như: thay đổi ranh giới hành chính, sụt lở, lũ lụt, động đất và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến các dự báo về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

([2]) Nội dung theo Mẫu 07 tại hồ sơ mẫu được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 2894/QĐ-UBND ngày 07/9/2012.

([3]) Đường trục chính nội đồng chỉ áp dụng đối với địa phương có cách đồng lớn (quy mô diện tích cách đồng lớn quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh) hoặc khu vực thực hiện dồn điền đổi thửa có diện tích tập trung từ 20 ha trở lên, các khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

([4])  Đơn vị tính diện tích quy hoạch/kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi để tưới/tiêu là ha

([5]) Theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công Thương.

([6])Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn thành lập, kiện toàn Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, nội quy, quy chế hoạt động để phù hợp điều kiện sáp nhập Trung tâm Học tập cộng đồng vào Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã.

([7]) Các địa phương có trong quy hoạch chợ nhưng giai đoạn hiện nay chưa cần đầu tư xây dựng chợ thì phải báo cáo lý do và được Sở Công Thương thống nhất.

([8]) Phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến tại địa chỉ: http://qlhongheo.sldtbxh.quangnam.gov.vn; tên người dùng: quangnamtk; mật khẩu: 1234567.

([9]) Theo quy định của Bộ luật Lao động là từ 15 – 55 tuổi đối với nữ, từ 15 – 60 tuổi đối với nam.

([10]) Đảm bảo 3 sạch gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ (theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động)

([11]) Xử lý chất thải bằng: Hầm biogas hoặc đệm lót sinh học hoặc các biện pháp xử lý khác như hố thu gom/hầm tiêu có nắp đậy…;

([12]) Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật gồm: Một lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch; Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch và các thành phần có liên quan.

([13]) Kể cả việc luân chuyển cán bộ, công chức nữ ở cấp huyện về bố trí lãnh đạo xã.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1682/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 1682/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Trí Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản