Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1664/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN NHƯ THANH, TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2045

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định của pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 3121/SXD-QH ngày 09 tháng 5 năm 2022 về việc đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 (kèm theo Tờ trình số 85/TTr-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2022 của UBND huyện Như Thanh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, với nội dung chính sau:

1. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch

Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Như Thanh với 14 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 13 xã), ranh giới lập quy hoạch cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Triệu Sơn;

- Phía Nam giáp thị xã Nghi Sơn và huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An;

- Phía Đông giáp huyện Nông Cống;

- Phía Tây giáp huyện Như Xuân và huyện Thường Xuân.

2. Dự báo quy mô dân số

- Dân số hiện trạng toàn huyện năm 2020 gồm cả quy đổi là 95.505 người;

- Dự báo đến năm 2030, dân số toàn huyện gồm cả quy đổi khoảng 150.000 người; dân số đô thị khoảng 31.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20,7%.

- Dự báo đến năm 2045, dân số toàn huyện gồm cả quy đổi khoảng 200.000 người; dân số đô thị khoảng 120.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60,0%.

3. Quy mô đất đai

- Đất xây dựng hiện trạng năm 2020 là: 5.006,7 ha (chỉ tiêu trung bình khoảng 524 m2/người);

- Dự báo tổng diện tích đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 6.370 ha - 6.640 ha;

- Dự báo tổng diện tích đất xây dựng đến năm 2045 khoảng 7.620 ha - 8.150 ha;

(Chỉ tiêu trung bình khoảng 250-300m2/người).

4. Tính chất, chức năng

- Là huyện thuộc vùng sinh thái rừng đầu nguồn phía Tây Nam của tỉnh, có vai trò giữ gìn và bảo tồn hệ sinh thái rừng và nguồn cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của khu vực Đông Nam tỉnh Thanh Hóa;

- Là vùng trọng điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cấp Quốc gia; kết nối du lịch sinh thái Rừng với du lịch Biển của tỉnh Thanh Hóa;

- Là cửa ngõ giao thương của vùng đồng bằng với vùng miền núi phía Tây Nam; phát triển tổng hợp nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp - xây dựng gắn với phát triển đô thị trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, có vai trò hỗ trợ phát triển KKT Nghi Sơn.

5. Định hướng phát triển không gian vùng

5.1. Cấu trúc phát triển không gian vùng

Phát triển không gian vùng huyện Như Thanh theo mô hình “3 hạt nhân - 3 trục liên kết - 1 vành đai phát triển” như sau:

- 3 hạt nhân phát triển: vùng phía Bắc lấy Xuân Du làm hạt nhân, vùng trung tâm lấy Bến Sung làm hạt nhân và vùng phía Nam lấy Thanh Tân làm hạt nhân để lan tỏa phát triển trong quá trình đô thị hóa toàn huyện.

- 3 trục liên kết: Trục Bắc Nam: Đường tỉnh 520, QL45; trục Đông Tây: Đường Nghi Sơn - Bãi Trành. Hình thành hành lang phát triển trung tâm huyện xuyên suốt theo chiều dài huyện từ Xuân Du đến Thanh Kỳ phát triển các quỹ đất dọc tuyến đường để bố trí các khu chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ và các khoảng không gian nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là không gian mở.

- 1 vành đai phát triển: Đến năm 2045 hình thành “vành đai phát triển đô thị” lấy Khu du lịch Quốc gia Bến En làm trung tâm với lõi xanh là vùng hồ và rừng Quốc gia Bến En. Hình thành các khu vực dân cư, dịch vụ, công nghiệp dọc đường tỉnh 520 và các trục nối 2 đường nhánh đường KKT Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân. Phấn đấu thành lập thị xã du lịch Như Thanh trước năm 2045.

5.2. Xác định các phân vùng

a) Các phân vùng để kiểm soát quản lý phát triển:

- Vùng 1 (vùng phía Bắc): bao gồm các xã Cán Khê, Xuân Du, Phượng Nghi, Mậu Lâm; trong đó, lấy Xuân Du là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển nông, lâm nghiệp chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, con nuôi đặc sản; phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

- Vùng 2 (vùng trung tâm): bao gồm Thị trấn Bến Sung, các xã Hải Long, Xuân Thái, Phú Nhuận, Yên Thọ, Xuân Khang, Xuân Phúc; trong đó, lấy thị trấn Bến Sung là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ thương mại; tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Vùng 3 (vùng phía Nam): Bao gồm các xã: Yên Lạc, Thanh Tân, Thanh Kỳ; trong đó lấy Thanh Tân làm trung tâm. Định hướng là vùng phát triển công nghiệp phụ trợ cho Khu kinh tế Nghi Sơn; các ngành công nghiệp có chọn lọc đảm bảo môi trường bền vững bên cạnh các khu dân cư, các loại hình công nghiệp như: chế biến nông sản, các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, điện năng lượng mặt trời..vv.

b) Các vùng bảo tồn, bảo vệ, vùng cấm phát triển

Để đảm bảo phát triển bền vững, nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan môi trường, nguồn nước và đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Một số các khu vực vị trí quan trọng về sinh thái, môi trường, nguồn nước, quốc phòng an ninh cần được bảo vệ bao gồm:

- Các khu vực bảo tồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên bao gồm:

Khu vực Vườn Quốc gia Bến En và khu vực rừng phòng hộ lân cận;

Hồ Sông Mực và vùng bảo vệ;

Khu vực sườn Tây dãy Ngàn Nưa;

Khe Rồng, Hồ Yên Mỹ và vùng bảo vệ.

- Các khu vực bảo vệ di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện.

- Các khu vực đất Quốc phòng an ninh hiện có và các khu đất đã được quy hoạch cho nhiệm vụ Quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm các khu vực: Thao trường huấn luyện, diễn tập, Sở chỉ huy cơ bản, căn cứ chiến đấu 1 tại các xã Xuân Du, Phượng Nghi của Bộ CHQS tỉnh, căn cứ chiến đấu của Ban CHQS huyện tại xã Mậu Lâm,...trụ sở công an huyện tại thị trấn Bến Sung, trụ sở đội phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại thị trấn Bến Sung, trụ sở công an của 13 xã, thị trấn.

5.3. Tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn

a) Hệ thống đô thị

- Giai đoạn 2030:

Trên địa bàn huyện quy hoạch 01 đô thị và 02 trung tâm cụm xã:

Thị trấn Bến Sung (đô thị hạt nhân phát triển vùng trung tâm): phạm vi quy hoạch bao gồm thị trấn Bến Sung cũ và ranh giới thị trấn mở rộng với diện tích khoảng 2.192ha, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 31.000 người. Định hướng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Trung tâm cụm xã Xuân Du (hạt nhân phát triển vùng phía Bắc);

Trung tâm cụm xã Thanh Tân (hạt nhân phát triển vùng phía Nam).

- Giai đoạn 2031-2045: Phấn đấu thành lập thị xã du lịch Như Thanh trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính huyện Như Thanh, trong đó các khu vực nội thị dự kiến bao gồm: các xã, thị trấn hiện tại là: thị trấn Bến Sung, Xuân Du, Thanh Tân, Hải Long, Phú Nhuận, Yên Thọ, Xuân Phúc, Yên Lạc. Tổng dân số khu vực nội thị đạt khoảng 210.000 người.

b) Khu vực nông thôn

- Phát triển các khu trung tâm xã theo hướng tập trung thành cụm công trình, đảm bảo bán kính phục vụ thuận lợi.

- Các khu dân cư phát triển theo cụm nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ưu tiên gắn với các khu trung tâm xã, các khu vực có giao thông kết nối thuận lợi; Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng bảo đảm môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống, thuận lợi cho việc kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

- Dành quỹ đất để bố trí các khu dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với các khu thương mại, liên kết thuận lợi với khu vực sản xuất.

5.4. Phân bố và quy mô các không gian phát triển

5.4.1. Không gian phát triển nông nghiệp

- Về trồng trọt: Phát triển các vùng cây trồng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực. Tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Chỉ đạo phát triển nhanh các con nuôi đặc sản truyền thống, có lợi thế cạnh tranh của huyện như lợn cỏ, lợn rừng lai, gà ri, dê, ong mật để cung cấp cho các khu kinh tế, khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

- Về lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, trọng tâm là những cây trồng có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, keo lai mô...; thực hiện tốt chế độ thâm canh để tăng năng suất, sản lượng; xây dựng các mô hình rừng trồng nguyên liệu gỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Quy hoạch 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mậu Lâm, Xuân Du và Xuân Thái. Diện tích mỗi khu từ 15-20 ha/khu.

- Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm:

Vùng chuyên canh sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao tại các xã: Xuân Du, Phú Nhuận, Yên Thọ, Mậu Lâm.

Vùng sản xuất ngô làm thức ăn cho trang trại bò sữa Vinamilk và TH Truemilk tại xã: Phú Nhuận, Mậu Lâm, Yên Thọ, Yên Lạc và Xuân Phúc.

Vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu tại các xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Khang, Xuân Phúc, Phượng Nghi, Cán Khê.

Vùng sản xuất cây ăn quả tại các xã: Yên Lạc, Thanh Tân, Cán Khê, Hải Long, Xuân Du.

Vùng sản xuất rau, hoa tại các xã: Yên Thọ, Thị trấn Bến Sung, Mậu Lâm, Xuân Du, Phú Nhuận.

Vùng sản xuất cây dược liệu tại các xã: Xuân Thái, Xuân Phúc, Yên Lạc, Cán Khê.

Vùng chăn nuôi lợn ngoại tại các xã: Xuân Khang, Phú Nhuận, Thanh Tân; Vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các xã: Mậu Lâm, Phú Nhuận; vùng chăn nuôi gà lông màu xuất khẩu tại xã: Mậu Lâm, Xuân Du, Thanh Tân.

Vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế tại các xã: Mậu Lâm, Xuân Phúc, Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Khang, Phượng Nghi.

- Quy hoạch mỗi xã, thị trấn khoảng 20 ha đất chăn nuôi tập trung để chuyển các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại hiện nay đang chăn nuôi trong khu dân cư đến các khu trang trại chăn nuôi tập trung nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường sinh thái.

- Diện tích đất nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 47.756,63 ha, bằng chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ.

5.4.2. Không gian phát triển công nghiệp

a) Khu, cụm công nghiệp:

Tổng diện tích đất công nghiệp đến năm 2030 là 588,3 ha, đến năm 2045 là 1.284,6 ha, bao gồm các khu và cụm công nghiệp như sau:

- Khu công nghiệp (thuộc KKT Nghi Sơn): Khu công nghiệp số 16 diện tích 470,0 ha tại xã Thanh Tân; Khu công nghiệp số 18 diện tích 40,2 ha tại xã Yên Lạc; Khu công nghiệp số 19 diện tích 606,1 ha tại xã Yên Lạc (dự kiến đến năm 2030 lấy khoảng 500 ha);

- Cụm công nghiệp đến 2030: CCN Hải Long - Xuân Khang diện tích 50 ha tại xã Hải Long và xã Xuân Khang; CCN Vạn Thắng - Yên Thọ diện tích 21,29ha tại xã Yên Thọ; CCN Xuân Du diện tích 17 ha tại thôn 10 xã Xuân Du.

- Cụm công nghiệp giai đoạn 2031-2045: Bổ sung CCN Xuân Phúc diện tích 30,0ha tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc và CCN Phú Nhuận diện tích 50ha tại thôn Phú Phượng, xã Phú Nhuận.

b) Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:

- Quy hoạch các mỏ san lấp, mỏ làm vật liệu thông thường tại các xã Thanh Kỳ, Yên Lạc, Thanh Tân, Xuân Phúc,...

- Như vậy diện tích đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản đến năm 2030 là 734,10 ha, bằng chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ.

c) Phát triển các cụm làng nghề

- Cụm làng nghề truyền thống miến dong Yên Lạc, cụm làng nghề truyền thống cây cảnh tại 8 thôn của xã Xuân Du; cụm làng nghề làm nem chua lợn mán Bến En tại thị trấn Bến Sung; cụm làng nghề sản xuất hương vị và gia vị của Cán Khê; làng nghề mỹ nghệ ở Xuân Thái; chế biến hàng hóa nông sản ở Yên Thọ…

- Củng cố, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và du nhập các nghề mới; khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

5.4.3. Không gian phát triển du lịch

- Định hướng phát triển không gian du lịch huyện Như Thanh gồm:

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi giải trí cao cấp, chăm sóc sức khoẻ tại Bến En, Hồ Yên Mỹ, Hồ Khe Lau, hồ Đồng Bể...

Du lịch di sản văn hóa, tâm linh: Lò cao kháng chiến Hải Vân; Đền Phủ Na, Phủ Sung, Đền Khe Rồng, Đền Bạch Y Công chúa; di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (khu phố 2, thị trấn Bến Sung)…

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp: Du lịch cộng đồng tại các xã Xuân Phúc (làng Rọoc Răm), Xuân Thái (làng Lúng, hang Lèn Pót), Xuân Khang (Hang Ngọc), Thanh Tân (thác Bò Lăn), Cán Khê (Thôn 3); Xã Mậu Lâm (Mỏ nước thôn Đồng Bớp) kết hợp một số lễ hội truyền thống của các dân tộc Thái và Mường như: lễ hội Kin Chiêng Bọoc Mạy, lễ hội Sết bóc Mạy, Lễ hội cúng Cơm mới...Du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP tại các xã: Yên Thọ; Phú Nhuận, Thị trấn Bến Sung, Xuân Du.

- Hình thành các tuyến du lịch gồm: Tuyến nội huyện; tuyến liên huyện; tuyến liên tỉnh; tuyến Quốc tế; tuyến du lịch gắn với các sản phẩm/loại hình du lịch đặc trưng của huyện.

- Hình thành các tuyến kết nối các trọng điểm du lịch Quốc gia với Bến En và huyện Như Thanh thông qua các trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân và Cảng biển Nghi Sơn.

5.4.4. Không gian phát triển thương mại dịch vụ

- Hệ thống chợ: Bố trí 14 chợ trên địa bàn huyện, trong đó tại thị trấn là chợ hạng 01 và 13 chợ hạng 3.

- Hệ thống trung tâm thương mại: bố trí 03 trung tâm thương mại hạng 3 trên địa bàn huyện tại: thị trấn Bến Sung, trung tâm xã Xuân Du, trung tâm xã Thanh Tân.

- Ngoài ra các điểm thương mại dịch vụ cấp huyện khác được bố trí tại các điểm du lịch và một số vị trí dọc các tuyến đường như: đường Vạn Thiện - Bến En, QL45, Nghi Sơn - Bãi Trành, đường tỉnh 520 các điểm giao giữa các tuyến đường chính.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

6.1. Trung tâm hành chính chính trị

- Các công trình hành chính chính trị, cơ quan cấp huyện cơ bản ổn định được bố trí tại khu vực thị trấn Bến Sung.

- Các công trình hành chính, công cộng cấp xã hiện có cơ bản giữ ổn định. Một số đơn vị sẽ được điều chỉnh, di dời vị trí khi thực hiện theo quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng hoặc theo định hướng của địa phương trong giai đoạn quy hoạch, như Khu hành chính xã Thanh Kỳ, Khu hành chính xã Yên Lạc...

6.2. Hệ thống công trình y tế

- Mở rộng quỹ đất Bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai là trung tâm y tế của vùng huyện.

- Cơ bản ổn định các trạm y tế xã, thị trấn hiện có.

6.3. Hệ thống công trình giáo dục

- Giữ nguyên hệ thống các trường trung học phổ thông, dành quỹ đất để mở rộng quy mô, nâng cấp đủ đáp ứng với sự phát triển dân số theo từng giai đoạn.

- Giữ nguyên vị trí Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại vị trí hiện nay.

- Cơ bản giữ nguyên quy mô, vị trí các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non tại vị trí hiện nay, cải tạo khuôn viên, dồn một số điểm lẻ, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.

- Dành quỹ đất thích hợp ở khu trung tâm, thuận lợi để kêu gọi đầu tư, xây dựng loại hình trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT ngoài công lập, theo hướng xã hội hoá.

6.4. Hệ thống công trình văn hóa - thể thao

- Bố trí quỹ đất hoàn thiện các thiết chế văn hoá thể thao cấp huyện, cấp xã theo tiêu chuẩn.

- Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, nhà văn hóa thiếu nhi, nhà văn hoá lao động, thư viện: bố trí phía Nam trung tâm hành chính thuộc một phần khu đất sân thể thao hiện nay, mở rộng sân thể dục thể thao về phía Đông kết hợp với quảng trường hành chính tạo thành quần thể các công trình Hành chính - chính trị - Văn hóa - Thể dục thể thao - Quảng trường - tượng đài.

7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

7.1. Định hướng phát triển giao thông

a) Quốc lộ:

- Quốc lộ 45: chiểu dài qua huyện khoảng 18,0km; Quy hoạch đến năm 2045 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.

Quy hoạch đoạn tránh qua thị trấn Bến Sung chiều dài tuyến 4km theo tiêu chuẩn đường cấp III, 04 làn xe.

- Đường Nghi Sơn - Bãi Trành: Chiều dài qua huyện Như Thanh là 23,0km. Quy hoạch đến năm 2045 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.

- Nâng cấp tuyến đường tỉnh 506 (hiện tại) lên thành Quốc lộ 47B: (Thọ Xuân - Nghi Sơn) 2km, quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp I.

b) Đường tỉnh:

- Các tuyến hiện có:

Đường tỉnh 505: (Chuối - Thanh Tân) 3km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Đường tỉnh 505B: (Thăng Long- Xuân Thái- Đường Nghi Sơn Bãi Trành): 32,4km; quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Đường tỉnh 514: (Thiều - Thượng Ninh) 13,5km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Đường tỉnh 520: (Sim - TT. Bến Sung - Thanh Tân) 48,0km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Đường tỉnh 520C: (TT Yên Cát- Xuân Khang) chiều dài qua huyện Như Thanh là 2,8km; quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Đường tỉnh 529: (Thanh Tân - Bò Lăn) 10,5km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

- Các tuyến mới đề nghị nâng cấp thành đường tỉnh:

Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn - Tiểu dự án 2, có chiều dài 47 km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III, hướng tuyến chủ yếu đi theo đường tỉnh 520.

Đường Tây Thanh Hóa- Nghi Sơn: Đoạn qua huyện Như Thanh có chiều dài 25,2 km;

Đoạn 1: đi trùng với ĐT.505B đoạn từ ĐT.520 đến đường Nghi Sơn - Bãi Trành: có chiều dài 12,7km. Định hướng quy hoạch đến năm 2030 và 2045 theo quy hoạch ĐT.505B.

Đoạn 2: từ đường Nghi Sơn - Bãi Trành đến đường tỉnh 529 có chiều dài 7,5km; trong đó có 3,5km là nâng cấp từ đường xã Thanh Tân, còn lại 4km làm mới. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Đoạn 3: từ ĐT.529 đi thị xã Nghi Sơn có chiều dài 7,7 km chủ yếu làm đường mới. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Đường tỉnh 525 bổ sung (đường Thăng Long - Xuân Thái): chiều dài đoạn qua huyện Như Thanh dài khoảng 15km. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Đường từ nút giao cao tốc Vạn Thiện đi Bến En: Có chiều dài qua huyện Như Thanh có chiều dài 5,2 km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.

Đường từ Thị trấn Bến Sung đi Bến En: chiều dài tuyến 3,5km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III.

Đường từ Thị trấn Bến Sung đi Am Tiên: có chiều dài khoảng 8,8 km Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III.

Quy hoạch mới tuyến đường tỉnh theo hướng Bắc Nam, song song với đường tỉnh 520; điểm đầu từ Cán Khê (Đường tỉnh 514) qua các xã Phượng Nghi, Mậu Lâm, Phú Nhuận, thị trấn Bến Sung, Yên Thọ, Yên Lạc; điểm cuối tại Thanh Kỳ. Tuyến có một số đoạn trùng với đường huyện hiện có, dài 40km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.

Quy hoạch nâng cấp tuyến đường huyện thị trấn Bến Sung - Vũ Yên (Nông Cống) thành đường tỉnh. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.

Quy hoạch nâng cấp tuyến đường từ đường tỉnh 520 đi Triệu Sơn (nâng cấp từ 1 nhánh của đường huyện ĐH.04 từ Xuân Du đi Hợp Thắng Triệu Sơn) thành đường tỉnh. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.

c) Quy hoạch hệ thống đường huyện:

- Các đường huyện hiện có, một số đoạn tuyến nâng cấp thành đường tỉnh, còn lại quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp IV;

- Đề xuất quy hoạch nâng cấp và mở mới một số tuyến đường ngang tạo kết nối mạng giao thông toàn huyện, bao gồm:

Tuyến đường TT Bến Sung- Yên Thọ: chiều dài tuyến khoảng 3km; Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 4 làn xe.

Tuyến đường Phượng Nghi- Xuân Khang: chiều dài tuyến khoảng 6km; quy hoạch tuyến trên cơ sở một số đoạn tuyến hiện trạng và chủ yếu là đường mới; Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Tuyến đường từ Xuân Thái đi Thanh Tân: chiều dài tuyến khoảng 12km. Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp V.

Tuyến đường TT Bến Sung- Hải Long: chiều dài tuyến khoảng 4,8km; quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

d) Một số yêu cầu đối với quy hoạch hệ thống giao thông.

- Các tuyến đường đô thị tuân thủ theo các quy hoạch đô thị được duyệt.

- Các tuyến đường quy hoạch mới phải thiết kế vỉa hè rộng từ 5m trở lên hướng đến việc trở thành các tuyến đường đô thị trong tương lai.

- Hoàn thiện cơ bản mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã đạt yêu cầu về cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn”.

e) Bến xe khách:

- Quy hoạch 08 bến xe: 01 bến xe loại 1 (Xuân Phúc); 01 bến xe loại 3 (thị trấn Bến Sung); 01 bến xe loại 4 (Thanh Tân); 06 bến xe loại 6 (trong khu du lịch Bến En, Xuân Du, Mậu Lâm, Cán Khê, Phượng Nghi).

- Bến thủy nội địa: Quy hoạch 02 bến đầu mối du lịch tại khu vực Bến En và xã Xuân Thái.

7.2. Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

* Đối với khu vực xây dựng mới: Những khu vực phát triển đô thị và điểm dân cư quy hoạch san gạt, đào đắp đảm bảo cao độ tính toán theo từng khu vực.

* Đối với khu vực làng xóm hiện trạng:

- Khu vực làng xóm cao độ nền đã ổn định sẽ giữ nguyên nền xây dựng hiện trạng và bổ sung thêm các tuyến cống thoát nước với độ sâu cống phù hợp tránh ngập úng.

- Kết hợp hệ thống các kênh, mương tiêu và các trạm bơm thoát nước mưa cho đô thị và các điểm dân cư ra các hệ thống sông hiện có như sông Mực, sông Thị Long.

- Phân chia lưu vực tiêu nước mặt:

- Dựa vào địa hình, các trục tiêu và hướng tiêu nước chia huyện Như Thanh thành 02 lưu vực chính:

Vùng Nam sông Chu (tiểu vùng tiêu Sông Nhơm): bao gồm xã Cán Khê và xã Xuân Du. Tiêu tự chảy dòng chính sông Nhơm và các kênh tiêu nhánh.

Vùng tiêu sông Mực - Bắc Thị Long: tiêu thoát ra sông khe Rồng.

7.3. Định hướng cấp nước

a) Cấp nước sinh hoạt

- Nhu cầu sử dụng nước toàn huyện: Đến năm 2030 khoảng 20.300m3/ngày.đêm và đến năm 2045 khoảng 39.100m3/ngày.đêm.

- Phương án cấp nước: Các khu vực đô thị và khu vực dân cư tập trung được sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước. Đối với các khu vực xa khu dân cư tập trung sử dụng nguồn nước giếng khoan, đối với khu vực đồi núi cao, nguồn nước lấy từ các mó nước.

* Giai đoạn 2030 bố trí xây dựng các nhà máy nước có tổng công suất 28.000 m3/ngày.đêm, cụ thể như sau:

- Giai đoạn đầu nâng cấp nhà máy nước thị trấn Bến Sung hiện có công suất từ 1.500 m3/ngày.đêm lên 5.000 m3/ngày.đêm. Nguồn cấp nước thô từ hồ Đồng Lớn (dừng hoạt động khi dự án Khu du lịch sinh thái Bến En đi vào hoạt động);

- Xây dựng mới 01 nhà máy cấp nước tại khu du lịch Bến En phục vụ cho thị trấn Bến Sung và các xã vùng phụ cận (gồm Hải Long, Xuân Khang, Xuân Phúc, Xuân Thái, Yên Thọ, Phú nhuận, Mậu Lâm), khu du lịch Bến En, cụm công nghiệp có trong khu vực, công suất 25.000 m3/ngày.đêm. Nguồn nước thô cấp cho nhà máy được lấy từ hồ Sông Mực;

- Xây dựng mới 01 nhà máy cấp nước mới tại xã Thanh Kỳ: công suất 1.500 m3/ngày.đêm phục vụ cho các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ và Yên Lạc;

- Xây dựng 01 nhà máy nước mới tại xã Xuân Du: công suất 1.500 m3/ngày.đêm phục vụ cho các xã Xuân Du, Cán Khê, Phượng Nghi. Nguồn được lấy từ kênh C5 thuộc hệ thống tưới Bái Thượng.

* Giai đoạn 2031-2045, nâng cấp xây dựng các nhà máy nước có tổng công suất 41.000 m3/ngày.đêm, cụ thể như sau:

- Nâng công suất nhà máy nước tại khu du lịch Bến En lên 35.000m3/ngày.đêm;

- Nâng cấp công suất nhà máy nước Xuân Du lên 3.000m3/ngày.đêm;

- Nâng cấp công suất nhà máy nước tại xã Thanh Kỳ lên 3.000m3/ngày.đêm.

b) Cấp nước sản xuất

Cấp nước sản xuất cho huyện Như Thanh tuân theo quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Nam sông Chu, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 3670/QĐ-UBND ngày 27/9/2017.

7.4. Định hướng cấp điện

Nhu cầu cấp điện trên địa bàn huyện Như Thanh đến năm 2030 khoảng 58 MVA; đến năm 2045 khoảng 118 MVA.

- Nguồn điện được lấy từ các nguồn sau: Nguồn điện cấp cho huyện Như Thanh được lấy từ Trạm 110KV Nông Cống và trạm 110KV Tĩnh Gia. Dự kiến đến năm 2045 nguồn cấp điện cho huyện Như Thanh chủ yếu được lấy từ các nguồn sau:

- Quy hoạch đến năm 2030:

Trạm 110KV Như Thanh: Xây dựng giai đoạn 2021-2025, công suất máy 1x40MVA.

Trạm 110KV Thanh Kỳ: Công suất 1x63MVA (theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quy hoạch đến năm 2045:

Nâng cấp công suất trạm biến áp 110KV Như Thanh lên thành 2x63MVA.

Giữ nguyên công suất trạm biến áp 110KV Thanh Kỳ.

Ngoài ra, huyện Như Thanh được hỗ trợ cấp điện từ trạm 110KV Nông Cống và trạm 110KV Triệu Sơn.

- Mạng lưới cấp điện:

- Lưới cao áp: Gồm lộ 110KV từ trạm 220KV Nông Cống - 110KV Như Thanh - 110KV Bãi Trành và lộ 110KV từ trạm 220KV Nghi Sơn - 110KV Thanh Kỳ.

- Lưới trung áp:

Lưới điện 35kV: Các khu vực nông thôn vận hành chủ yếu ở cấp điện áp 35KV. Đối với các lộ 35kV hiện hữu sẽ được giữ nguyên, tuy nhiên cần cải tạo hướng tuyến và tiết diện dây dẫn đảm bảo khả năng cấp điện.

Lưới điện 22kV: Vận hành cho các khu vực đô thị, khu vực xây dựng mới và cải tạo từ cấp điện áp 10kV. Đối với các khu vực đô thị và khu vực xây dựng mới, lưới điện 22KV khuyến khích đi ngầm.

- Đến năm 2025 sẽ loại bỏ toàn bộ các trạm biến áp trung gian 35kV trên địa bàn toàn huyện. Các trạm biến áp phân phối sẽ lấy điện trực tiếp từ các trạm 110kV thông qua các xuất tuyến 35kV, 22kV.

7.5. Định hướng hạ tầng viễn thông thụ động

* Nhu cầu viễn thông: Đến năm 2030 là 37.500 đường dây thuê bao, đến năm 2045 là 50.000 đường dây thuê bao.

- Tiếp tục duy trì nâng cấp các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại các Bưu cục cấp II (Bưu điện huyện), điểm Bưu điện - Văn hoá xã, đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng.

- Đầu tư nâng cấp các trạm truy nhập quang hiện có, đầu tư xây dựng mới các trạm truy nhập quang tại các khu đô thị mới, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.

- Đầu tư xây dựng mới các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động 4G/5G và thế hệ mới sau 5G tại khu dân cư hiện hữu và các khu dân cư mới khi quy hoạch chi tiết

- Hoàn thiện mạng truyền dẫn:

Nâng cấp dung lượng các tuyến cáp quang nội tỉnh từ các trạm HOST đến trạm chính đặt tại thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh và từ trạm chính đặt tại thị trấn đến các trạm vệ tinh lắp đặt tại các xã, các đô thị.

Đối với các tuyến đường mới, đầu tư xây dựng mới các tuyến cáp dọc theo các tuyến đường.

Đối với các hệ thống cáp viễn thông hiện hữu, thực hiện cải tạo, chỉnh trang đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân theo lộ trình: Loại bỏ các đường dây cáp, sợi cáp không còn sử dụng; Thực hiện bó gọn, gia cố hệ thống dây cáp; Hạ ngầm các tuyến cáp treo thuộc các khu vực, tuyến hướng theo quy hoạch phải ngầm hóa mạng cáp; Hạ ngầm các tuyến cáp treo tại các ngã tư, nút giao thông và tuyến cáp cắt ngang qua đường giao thông.

- Bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, trong các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch xây dựng nông thôn.

7.6. Định hướng thoát nước thải

- Tổng lưu lượng thoát nước thải dự báo: Đến 2030 là 7.655 m3/ng.đ; đến 2045 là 18.690 m3/ng.đ.

- Định hướng thoát nước thải khu vực vùng huyện Như Thanh như sau:

Tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung phải được bố trí hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các KCN, CCN phải xây dựng mạng lưới thu gom, trạm xử lý nước thải, thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định.

Khu vực nông thôn: Do dân cư phân bố rải rác và địa hình phức tạp vì vậy khả năng thu gom nước thải để xử lý thấp. Đối với khu vực này, nước thải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trong mỗi hộ gia đình sau đó thoát vào mương thoát nước chung với nước mưa.

7.7. Định hướng quy hoạch chất thải rắn (CTR)

- Tổng lưu lượng phát thải CTR: Đến năm 2030 là 95,5 Tấn/ngày.đêm; đến năm 2045 là 197,1 Tấn/ngày.đêm.

- Xử lý CTR: Giai đoạn đầu, chất thải rắn của huyện sẽ được thu gom về khu xử lý chất thải rắn hiện có tại khu phố Hải Tiến, phía Đông thị trấn có quy mô 2,5 ha.

- Giai đoạn đến 2030: Di dời khu xử lý rác thải về khu vực xã Xuân Phúc, quy mô diện tích dự kiến khoảng 10 ha.

- Bố trí 02 trạm trung chuyển CTR tại xã Xuân Du và Thanh Tân, tại các xã bố trí các điểm tập kết CTR để thu gom trung chuyển CTR cho các vùng để vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện.

7.8. Định hướng quy hoạch nghĩa trang

- Bố trí nghĩa trang cấp huyện ở phía Đông Nam thị trấn Bến Sung giáp ranh xã Yên Thọ, với quy mô khoảng 26,0 ha.

- Quy hoạch các nghĩa trang tập trung cấp xã đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành với tiêu chí mỗi xã bố trí 1÷2 nghĩa trang tập trung, trừ những xã vùng núi có điều kiện địa hình khó khăn và dân cư không tập trung.

Đối với các nghĩa trang có quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách ly, phải có kế hoạch đóng cửa, trồng cây xanh cách ly, khi có nhu cầu chôn cất có thể sử dụng nghĩa trang tập trung cấp xã. Các nghĩa trang còn lại nếu đảm bảo đủ điều kiện theo quy chuẩn sẽ được mở rộng diện tích với quy mô phù hợp để tiết kiệm đất đai.

7.9. Định hướng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai

a) Định hướng thủy lợi:

Phân vùng cấp nước nông nghiệp: toàn huyện được chia làm 02 vùng cấp nước, nguồn cấp nước phục vụ nông nghiệp cho huyện Như Thanh từ hồ Sông Mực và các hồ đập nhỏ trên địa bàn huyện.

- Vùng cấp nước hồ Sông Mực: bao gồm thị trấn Bến Sung và xã Yên Thọ: ổn định mạng lưới công trình thủy lợi hiện nay với hệ thống tưới tự chảy kênh Nam, sông Mực, nâng cấp một số hồ đập như: hồ Vân Thành, Xuân lai, Đồng Mười, Chẹt Voi … kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng với chiều dài khoảng 47,3km.

- Vùng đồi: bao gồm các xã còn lại, diện tích cần tưới khoảng hơn 5.200ha. Đối với các hồ đập hiện có được nâng cấp đầu mối, kênh, nạo vét tăng dung tích trữ, xây mới một số hồ đập như Xuân Tiến 1, Đá Quai, Bái Đa, Làng Quảng, Tai Chua….Đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện với chiều dài khoảng 290km.

b) Định hướng phòng chống thiên tai:

- Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện gắn với yêu cầu phòng, chống thiên tai.

- Rà soát quy hoạch sử dụng đất, bố trí khu dân cư, đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; đối với các hộ dân nằm trong khu vực rủi ro cao cần có kế hoạch di dời đến nơi an toàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

- Quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế thất thoát, lãng phí nước ở các hồ đập; điều tiết, phân phối và sử dụng nguồn nước hợp lý, thực hiện tưới tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa tình trạng hạn hán có thể xảy ra, nhất là ở những khu vực thường xuyên khó khăn về nguồn nước.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên tu bổ, nâng cấp hệ thống hồ đập, ngầm, tràn, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên nạo vét làm thông thoáng dòng chảy, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ trên các lưu vực sông, suối, tuyến kênh mương chính phục vụ công tác phòng, chống thiên tai được kịp thời, hiệu quả.

- Bố trí các khu tái định cư tập trung, mỗi khu đáp ứng tối thiểu 30 hộ dân phục vụ di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư cho các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương chi tiết tại Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 14/5/2021.

7.10. Định hướng bảo vệ môi trường:

- Phát triển và mở rộng các đô thị trong vùng cần chú ý các tác động rủi ro môi trường do quá trình xây dựng, đô thị hóa.

- Đối với các cụm công nghiệp trong vùng: cần tính toán kỹ các giải pháp thoát nước cho mỗi khu và xây dựng hệ thống thoát riêng đối với nước thải và nước mưa, phải có các giải pháp kỹ thuật như: lắp đặt hệ thống thông gió tại các khu vực sản xuất, đầu tư các trang thiết bị xử lý ô nhiễm ngay khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động.

- Kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường trong phạm vi vùng sinh thủy lòng hồ sông Mực, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường.

8. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

* Giai đoạn 2021-2030

- Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En;

- Dự án đường Bến En đi trung tâm TT. Bến Sung;

- Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Sim-TT.Bến Sung-Thanh Tân (ĐT. 520), tạm thời nâng cấp lên thành đường cấp IV;

- Dự án Xây dựng bến xe khách huyện Như Thanh;

- Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bến En, huyện Như Thanh;

- Xây dựng tuyến đường từ thị trấn Bến Sung đi Yên Thọ;

- Xây dựng nhà máy nước Bến En công suất 25.000m3/ngày.đêm;

- Xây dựng nghĩa trang tại phía Đông Nam thị trấn Bến Sung;

- Dự án các khu dân cư đô thị:

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, thị trấn Bến Sung;

Khu dân cư và tái định cư tại khu phố Vân Thành, thị trấn Bến Sung;

Khu dân cư và tái định cư tại khu phố Đồng Mười, thị trấn Bến Sung;

Dự án Khu dân cư mới Thung Ổi, thị trấn Bến Sung;

Khu dân cư Xuân Phong, thị trấn Bến Sung.

Dự án Khu đô thị mới Hải Vân.

- Ưu tiên lập quy hoạch và thành lập 3 cụm công nghiệp của huyện, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy 100%.

- Dự án Đường giao thông từ đường tỉnh 520 đi Vạn Thành (Nông Cống);

- Dự án Tuyến Quốc lộ 45 đoạn tránh thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa (Đường số 26 - đường vành đai phía đông): Từ Xuân Điền, Thị trấn Bến Sung đến ngã ba Vĩnh Lợi, xã Hải Long;

- Dự án Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn - Tiểu dự án 2;

- Dự án Nạo vét và kè chống sạt lở bờ sông Khe Rồng trên địa bàn huyện Như Thanh;

- Dự án tuyến đường thị trấn Bến Sung đi Khu di tích Am Tiên;

- Tập trung thu hút đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai sớm đưa dự án vào hoạt động tạo động lực chính để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu;

- Xây dựng, nâng cấp tuyến đường trục dọc song song với đường tỉnh 520 chạy từ Cán Khê đến Thanh Tân;

- Xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật cơ bản như hệ thống cấp điện, xử lý nước thải, chất thải rắn;

- Hoàn thành mở rộng nâng cấp thị trấn Bến Sung và quy hoạch các điểm trung tâm xã.

- Xây dựng các khu tái định cư vùng ngập lụt lòng hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ.

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, trạm bơm tưới và hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện;

- Xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện.

* Giai đoạn 2031-2045:

- Tiếp tục xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bến En;

- Phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung;

- Xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh các khu vực đô thị, các khu dân cư sinh thái;

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật;

- Kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp còn lại, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các cụm công nghiệp;

- Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện.

9. Nguồn lực thực hiện

- Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội sử dụng nguồn vốn nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội hóa.

- Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, cụm công nghiệp, khu du lịch và một số dự án hạ tầng khác sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trên cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND huyện Như Thanh có trách nhiệm:

- Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để xuất bản, đóng dấu, lưu trữ theo quy định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch được duyệt trong thời gian 15 kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch cho địa phương, các đơn vị liên quan làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

- Tổ chức, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, thực hiện đầu tư quỹ đất theo quy hoạch được duyệt.

- Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sở Xây dựng và các ngành chức năng liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Như Thanh; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3 Quyết định;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các đ/c Ủy viên UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN.
H4.(2022)QDPD QH VH N Thanh

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1664/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045

  • Số hiệu: 1664/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Xuân Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản