Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1661/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 31 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh bổ sung sửa đổi một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 24/8/2000;

Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt bão của địa phương;

Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 179/TTr-STC ngày 24 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt, bão của tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho BCH phòng, chống lụt, bão tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh triển khai, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, BCH phòng, chống lụt, bão, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay cho Quyết định số 39/2004/QĐ-UB ngày 27/7/2004 của UBND tỉnh về việc thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt, bão và các văn bản khác trái với Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hữu Hùng

 

QUY CHẾ

THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1661/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang)

Điều 1. Quy định chung

- Xây dựng Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương là để quản lý sử dụng phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, hỗ trợ việc tu bổ đê, các công trình thủy lợi, công trình phúc lợi xã hội khi có thiên tai xảy ra ở địa phương;

- Quỹ phòng, chống lụt, bão được hình thành từ khoản đóng góp của công dân và các thành phần kinh tế; tiếp nhận các khoản viện trợ, tự nguyện ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho công tác cứu trợ và phòng chống lụt, bão; các khoản hỗ trợ của ngân sách nhà nước;

- Quỹ phòng, chống lụt, bão là nguồn vốn đầu tư cho việc phòng chống và khắc phục hậu quả lụt bão do Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão tỉnh, huyện quản lý theo quy định hiện hành.

Điều 2. Đối tượng và mức đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão

1. Đối tượng đóng góp:

Các đối tượng sau đây có trách nhiệm đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão:

a. Công dân Việt Nam:

+ Nam từ đủ 18 đến hết 60 tuổi.

+ Nữ từ đủ 18 đến hết 55 tuổi.

b. Mọi tổ chức kinh tế trong nước, nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Mức đóng góp:

Mức tiền đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương hàng năm được quy định như sau:

a. Công dân trong độ tuổi quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này, là thành viên hộ nông nghiệp mức thu 01 kg lúa/người/năm; đối với công dân thuộc các đối tượng khác mức thu 02 kg lúa/người/năm (giá lúa thu 2.000 đ/kg).

b. Đối với mọi tổ chức kinh tế trong và nước ngoài, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có trụ sở đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Kiên Giang mỗi năm nộp hai phần vạn (2/10.000) trên tổng số tiền vốn sản xuất kinh doanh nhưng không quá 5.000.000 đồng (năm triệu) và được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông. Riêng đối với Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh mức thu 200.000 đồng/năm.

Điều 3. Đối tượng được miễn đóng góp, tạm hoãn đóng góp

1. Được miễn đóng góp:

a. Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.

b. Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ.

c. Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.

d Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn trong các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề.

đ. Người bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.

e. Các thành viên hộ gia đình nghèo đang hưởng trợ cấp của Quỹ xóa đói giảm nghèo; hộ gia đình ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới thuộc diện miễn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

g. Các doanh nghiệp công ích và các hợp tác xã nông nghiệp.

2. Được tạm hoãn đóng góp:

a. Các thành viên hộ gia đình nông thôn ở vùng bị thiên tai, mất mùa nếu được miễn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

b. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định miễn, tạm hoãn và thời hạn được miễn, tạm hoãn

1. Thẩm quyền quyết định miễn, tạm hoãn:

a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có thẩm quyền quyết định miễn, tạm hoãn đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định miễn, tạm hoãn đối với các đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

2. Thời hạn được miễn, tạm hoãn:

Việc xét miễn, tạm hoãn đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương được tiến hành mỗi năm một lần vào thời điểm giao chỉ tiêu kế hoạch thu quỹ. Trường hợp đối tượng đã đóng góp tiền nộp vào quỹ, nay được xét tạm hoãn thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền đóng góp của năm sau.

Điều 5. Trách nhiệm thu và phân bổ Quỹ phòng, chống lụt, bão

1. Đối với các khoản thu thường xuyên theo định mức tại khoản 1 và 2 của Điều 2:

a. Hàng năm UBND tỉnh, UBND cấp huyện quyết định giao chỉ tiêu thu Quỹ phòng, chống lụt, bão đối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn kể cả người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức trên; của cán bộ công chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang theo phân cấp quản lý.

b. UBND cấp huyện quyết định giao chỉ tiêu thu Quỹ phòng, chống lụt, bão cho UBND các xã, phường, thị trấn đối với công dân là thành viên hộ nông nghiệp và công dân thuộc các đối tượng khác.

- Huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn được trích 5% trên tổng số thu được (phần huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn thu) để chi phí công tác quản lý thu.

- Phần còn lại sau khi trừ chi phí quản lý thu (100%) được phân bổ:

+ 40% tổng số thu thường xuyên trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão huyện, thị xã, thành phố. Hàng năm giao cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện, thị xã, thành phố phối hợp phòng Tài chính Kế hoạch lập dự toán thu, chi và trình HĐND-UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định.

+ 60% tổng số thu thường xuyên còn lại nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh quản lý.

c. Giao ngành thuế thu tiền đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão của doanh nghiệp nhà nước địa phương và Trung ương; công ty cổ phần; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công ty hợp doanh; chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài; văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh, kể cả người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, các tổ chức nêu trên và tổng số tiền thu được phân bổ như sau:

- Trích 5% trên tổng số tiền thu để chi phí công tác thu.

- 95% còn lại nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.

d. Giao Sở Tài chính, Phòng Tài chính Kế hoạch phối hợp Thủ trưởng các sở ban ngành cấp tỉnh, phòng ban cấp huyện có trách nhiệm thu nộp của cán bộ công chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang theo phân cấp quản lý và tổng số tiền thu được phân bổ như sau:

- Trích 5% trên tổng số tiền thu để chi phí công tác thu.

- 95% còn lại nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.

2. Đối với khoản thu không thường xuyên như: các khoản đóng góp tự nguyện ủng hộ Quỹ phòng, chống lụt, bão của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Cá nhân, tổ chức, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm thu, nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão của tỉnh.

Điều 6. Nội dung sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão

Quỹ phòng, chống lụt, bão được sử dụng cho những việc sau đây:

1.Tập huấn cho các đối tượng tham gia phòng, chống lụt, bão.

2. Diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão.

3. Hỗ trợ xử lý sự cố đê điều (cho tất cả các cấp đê hiện có), công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão.

4. Hoạt động chỉ đạo, chỉ huy, tuần tra, kiểm tra, trực cao điểm canh gác đê và công trình phòng, chống lụt, bão trong mùa mưa, bão, lũ.

5. Hỗ trợ, tu sửa trường học, bệnh xá, trạm xá giao thông và các công trình công cộng khác ở địa phương để khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra.

6. Mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc cứu hộ, cứu trợ người bị nạn do lụt bão gây ra.

7. Trợ cấp đột xuất (một lần) là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai gây ra.

8. Tổ chức việc thu thập và xử lý thông tin có liên quan đến lụt, bão.

9. Cứu hộ người và tài sản do lụt, bão gây ra.

Điều 7. Mức hỗ trợ đối với hộ gia đình và cá nhân

1. Hộ có người chết, mất tích: hộ chính sách, hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới: 3.500.000 đồng/người; hộ thuộc diện khác: 3.000.000 đồng/người .

2. Hộ có người bị thương nặng (là người bị thương phải cấp cứu hoặc phải điều trị tại cơ sở y tế ): 1.000.000 đồng/người.

3. Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng nặng: hộ chính sách, hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới: 5.500.000 đồng/hộ; hộ thuộc diện khác: 5.000.000 đồng/hộ.

4. Hộ phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét (là hộ gia đình phải di dời khẩn cấp nhà ở từ nơi ở cũ đến nơi ở mới do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét theo quyết định của UBND cấp huyện): hộ chính sách, hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới: 5.500.000 đồng/hộ; hộ thuộc diện khác: 5.000.000 đồng/hộ.

5. Hộ có nhà bị đổ, sập mà vật tư còn tại chỗ: 2.500.000 đồng/hộ.

6. Hộ có nhà bị tốc mái: 800.000 đồng/hộ.

7.Trợ giúp cứu đói: 15 kg gạo/người/tháng (thời gian từ 01 - 03 tháng).

Hồ sơ, thủ tục trợ cấp đột xuất được thực hiện theo quy định tại điểm 3 mục III Thông tư 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Điều 8. Trách nhiệm và thời gian hoàn thành

1. Việc thu Quỹ phòng, chống lụt, bão phải thông báo công khai cho tổ chức và nhân dân biết. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra và đôn đốc thực hiện việc đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão. Hàng năm kết quả thu và quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão phải báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, HĐND và UBND cùng cấp và UBND cấp trên; đồng thời Phòng Tài chính Kế hoạch phải tổng hợp báo cáo cho Sở Tài chính theo quy định. Định kỳ hàng quý cơ quan tổ chức thu Quỹ phòng, chống lụt, bão phải nộp đầy đủ vào tài khoản phòng, chống lụt, bão tỉnh và huyện mở tại Kho bạc Nhà nước; đồng thời Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão (Phòng TC-KH) huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng tháng chuyển số thu (phần 60% tỉnh quản lý) nếu có, về tài khoản Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh.

2. Giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn theo dõi quản lý, kiểm tra tình hình thu và sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão theo đúng quy định hiện hành.

3. Giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Quyết định này đến từng đối tượng thu để thực hiện đóng góp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão .

4. Giao Sở Tài chính quản lý việc phát hành biên lai thu tiền theo mẫu thống nhất của Bộ Tài chính để thu tiền Quỹ phòng, chống lụt, bão. Cơ quan Tài chính các cấp quyết toán tài chính việc sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão hàng năm; định kỳ hạch toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước, cuối năm số dư trên tài khoản được chuyển sang năm sau theo quy định.

5. Thời gian thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu thu thường xuyên Quỹ phòng, chống lụt, bão trước tháng 7 hàng năm.

Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão được khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước.

2. Cá nhân không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão thì phải truy nộp theo quy định của pháp luật. Tổ chức không nộp thì cơ quan thu đề nghị với Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước cắt chuyển kinh phí từ tài khoản của tổ chức đó vào tài khoản Quỹ phòng, chống lụt, bão.

3. Người được giao nhiệm vụ thu, quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão vi phạm các quy định Nghị định số 50/CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1661/QĐ-UBND năm 2007 về Quy chế thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 1661/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lê Hữu Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản