Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số 165/QĐ- UBDT

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA CƠ QUAN UỶ BAN DÂN TỘC THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI;
Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ- CP ngày 16/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ- TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Uỷ ban, Chánh Văn phòng Uỷ ban
.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động của cơ quan Uỷ ban Dân tộc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Thanh tra Uỷ ban, Chánh Văn phòng Uỷ ban và Thủ trưởng các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Dân tộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Ksor Phước

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

CỦA CƠ QUAN UỶ BAN DÂN TỘC THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 165/QĐ- UBDT, ngày 07/07/2006)

Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua kỳ họp thứ 8 và có hiệu lức thi hành từ ngày 01 tháng 06 năm 2006

Căn cứ vào sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban Dân tộc với những nội dung, nhiệm vụ chính sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH:

1. Mục đích:

1. Chủ động  phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng trong các lĩnh vực hoạt động của Uỷ ban Dân tộc. Khắc phục mọi biểu hiện gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác đối với cơ sở và nhân dân.

2. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của Uỷ ban Dân tộc về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là vai trò người chủ trì các đơn vị.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Uỷ Đảng, phối hợp chặt chẽ với công tác quản lý của tập thể lãnh đạo các đơn vị, các đoàn thể, cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan Uỷ ban Dân tộc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường kỷ cương pháp luật, kỷ luật trong cơ quan.

2. Yêu cầu:

1. Cụ thể hoá các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các Vụ, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong cơ quan Uỷ ban Dân tộc.

2. Thực hiện ngay và có kết quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của Uỷ ban Dân tộc về công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực nói chung và trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng, góp phần xây dựng cơ quan Uỷ ban Dân tộc là cơ quan nhà nước trong sạch, chính quy chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, gần gũi với nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó.

B. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH:

1. Tổ chức học tập quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Uỷ ban Dân tộc về nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Học tập chung và tổ chức ở từng đơn vị.

2. Xây dựng, đồng thời với rà soát để hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình của Uỷ ban Dân tộc có liên quan đến quản lý chi, tiêu tài chính công và tài sản công; các dự án, chương trình kinh tế- xã hội do Uỷ ban Dân tộc quản lý, điều hành; đến công tác tổ chức cán bộ, phát huy dân chủ tập thể đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ trì trong phòng, chống tham nhũng ở từng đơn vị. Thực hiện dân chủ- công khai- minh bạch- kỷ cương việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế, quy trình đó (Các vụ: Kế hoạch- Tài chính, Tổ chức- Cán bộ, Văn phòng Uỷ ban và Thanh tra Uỷ ban chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện- xong trong quý III/2006)

3. Xây dựng, ban hành quy chế phát huy dân chủ để mọi người trong Uỷ ban Dân tộc nâng cao ý thức trách nhiệm tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng trong và ngoài Uỷ ban Dân tộc. Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của Đảng ủy, Chi uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo xây dựng thiết chế dân chủ cơ quan, cùng Thanh tra Uỷ ban và Vụ Tổ chức- Cán bộ thực hiện- xong trong quý III/2006)

4. Tăng cường và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ, với thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ở tất cả các cấp. Mỗi đảng viên nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng (Đảng uỷ xây dựng và tổ chức triển khai trong Đảng)

5. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản công của Uỷ ban Dân tộc; các chương trình, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ do Uỷ ban Dân tộc quản lý. Hàng năm phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối  với công tác quản lý có liên quan trực tiếp tài chính công (Thanh tra Uỷ ban và Vụ Kế hoạch- Tài chính phối hợp thực hiện)

6. Ban hành quy định xử lý đối với cá nhân, tổ chức trong Uỷ ban Dân tộc có dấu hiệu nghi hoặc đã kết luận có vi phạm tham nhũng (Thanh tra Uỷ ban cùng Vụ Tổ chức- Cán bộ thực hiện- xong trong quý III/2006)

7. Định kỳ hàng tháng, quý, năm phải có báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban Dân tộc (Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban- Thanh tra Uỷ ban làm thường trực, thực hiện)

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Uỷ ban Dân tộc. Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc là cơ quan lãnh đạo cao nhất tổ chức phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban Dân tộc. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban Dân tộc do đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban làm trưởng Ban, phó trưởng Ban là đồng chí Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban, thành viên là các đồng chí trưởng các đơn vị: Thanh tra Uỷ ban, Vụ Tổ  chức Cán bộ, Vụ Kế hoạch- Tài chính, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ, Chủ tịch công đoàn cơ quan Uỷ ban. Các đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc là người chịu trách nhiệm trực tiếp công tác phòng, chống tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình.

2. Căn cứ vào kế hoạch công tác này: Đảng uỷ cơ quan, Thanh tra Uỷ ban, Công đoàn cơ quan, Ban công tác Thanh niên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt kỹ nội dung của kế hoạch đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể của mình (Quý III/2006 phải xong).

3. Giao Thanh tra Uỷ ban Dân tộc là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Vụ Tổ chức- Cán bộ, Vụ Kế hoạch- Tài chính và Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ cơ quan, Công đoàn cơ quan, Ban công tác Thanh niên của cơ quan để nắm tình hình và tham mưu cho Ban Cán sự Uỷ ban và đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban theo dõi và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trong Uỷ ban Dân tộc.

 

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Ksor Phước