Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1622/2003/QĐ -UB

Huế, ngày 11 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUI CHẾ ''ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, TRỊ AN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐIỂM THAM QUAN, CÁC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH, THƯƠNG MẠI, VUI CHƠI GIẢI TRÍ VÀ CÁC ĐIỂM GIAO THÔNG CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH''

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Chỉ thị số 07/2000/CT-TTg ngày 30/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và môi trường tại các điểm tham quan du lịch;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số: 76/TT-SDL ngày 02/4/2003 và tình hình thực tế tại địa phương;

- Theo đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo 09 của tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Quyết định kèm theo Qui chế về '' Đảm bảo trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, các điểm hoạt động kinh doanh du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn Tỉnh''.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định 09/1998/QĐ-UB ngày 5/1/1998 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tạm thời đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường tại các điểm di tích lịch sử văn hoá và tham quan du lịch. Các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
-VP Chính phủ;
- Các Bộ: VH-TT, Công an, LĐ TB-XH;
- TCDL;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND và các Ban của HĐND tỉnh;
- CT và các P.CT UBND Tỉnh;
- Các thành viên BCĐ 07 và 09 của tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu VT.

TM/ UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, TRỊ AN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐIỂM THAM QUAN, CÁC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH, THƯƠNG MẠI, VUI CHƠI GIẢI TRÍ VÀ CÁC ĐIỂM GIAO THÔNG CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo quyết định số 1622/2003/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2003 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều l: Mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ của người Việt Nam, người nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị -xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của Quy chế về ''Đảm bảo trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, các điểm hoạt động kinh doanh du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh'', nhằm góp phần bảo đảm ổn định, lành mạnh và bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 2: Quy chế này được áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân kể cả người nước ngoài có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh tại các điểm tham quan, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh.

Điều 3: Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và quản lý của các cơ quan, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh về bảo đảm trật tự, trị an và môi trường tại các điểm tham quan, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng.

Chương II:

ĐẢM BẢO TRẬT TỰ TRỊ AN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH

Điều 4: Nghiêm cấm việc bán hàng rong đối với tất cả các mặt hàng dưới mọi hình thức tại các điểm trong và ngoài vùng phụ cận thuộc phạm vi khu vực di tích, các điểm tham quan du lịch.

Điều 5: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân đeo bám, níu kéo bán hàng; nài ép khách tham quan du lịch mua hàng.

Điều 6: Nghiêm cấm việc tổ chức dịch vụ hàng ăn trong khu vực Hoàng thành và tại các điểm di tích lịch sử văn hóa (trong phạm vi đã được khoanh vùng bảo vệ di tích).

Điều 7: Nghiêm cấm việc thực hiện hành vi “ăn xin'' tại các điểm tham quan, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng.

Điêù 8: Nghiêm cấm chủ phương tiện giao thông (xe ô tô, xe máy, xe đạp thồ, xích lô, thuyền) đeo bám, nài ép gây phiền hà cho khách du lịch; môi giới hoặc bắt ép khách du lịch và các khách sạn, nhà nghỉ du lịch phải thanh toán hoa hồng; tranh dành khách gây mất trật tự, trị an làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị (đặc biệt tại nhà ga, sân bay, bến xe, bến thuyền, các điểm vui chơi giải trí, các điểm tham quan, du lịch, thương mại).

Điều 9: Các loại phương tiện, kể cả phương tiện thô sơ đưa đón khách du lịch phải đậu, đỗ và đón khách đúng nơi quy định.

Điều 10: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, cơi nới, lấn chiếm, dựng lều quán trái phép tại khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ di tích, các điểm tham quan, du lịch. Khi có nhu cầu xây dựng công trình để phục vụ vào mục đích chung phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 11: Các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh và hoạt động dịch vụ tại các khu vực di tích, điểm tham quan du lịch phải niêm yết công khai giá các mặt hàng được phép kinh doanh; niêm yết giá cước phí tại các bãi giữ xe, giá cước phí vận chuyển tại bến thuyền, xe ô tô, xích lô, xe máy, xe đạp thồ. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện nâng ép giá các dịch vụ nêu trên.

Điều 12: Các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ và các chủ phương tiện giao thông phải thường xuyên quét dọn, thu gom rác phế thải. Cấm thải rác bừa bãi, xác động vật, chất thải hoặc các vật khác gây ô nhiễm ảnh hưởng vệ sinh môi trường và cảnh quan tại các nơi tham quan, khu di tích, công viên, bến bãi xe, thuyền, trên sông Hương và các bãi tắm.

Điều 13: Chỉ những người có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước mới được phép hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài tại các tour, tuyến, điểm tham quan.

Điều 14: Chỉ những cán bộ thuyết minh được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thuyết minh viên mới được giới thiệu, thuyết minh cho du khách trong phạm vi các Bảo tàng và các điểm di tích Cố đô Huế.

Điều 15: Các hoạt động nghệ thuật: lễ nhạc, ca Huế, múa cung đình tại Duyệt Thị Đường, Tả Vu, các khách sạn, thuyền du lịch trên sông và tại các điểm di tích lịch sử văn hóa phải được Sở Văn hóa Thông tin cho phép mới được tổ chức biểu diễn.

Điều 16: Chỉ những diễn viên đã được cấp giấy chứng nhận hành nghề của Sở Văn hóa Thông tin mới được biểu diễn nghệ thuật cho du khách.Nghiêm cấm các diễn viên nài ép bán hàng lưu niệm, băng, đĩa hình cho du khách trên các thuyền du lịch và nơi tổ chức biểu diễn.

Điều 17: Đối với khách du lịch khi vào tham quan các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh phải ăn mặc lịch sự và phải thực hiện đầy đủ nội quy và các quy định hiện hành đối với các điểm tham quan.

Chương III:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CẤP CÁC NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Điều 18: Các Sở: Văn hóa-thông tin, Giáo dục & Đào tạo, Du lịch, Lao Động TB-XH, Giao thông Vận tải, Y tế; Công an tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND thành phố, các Huyện, Đài truyền hình Huế, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Truyền thanh Thành phố Huế, thường xuyên có kế hoạch phối hợp chặt chẽ việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân về giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường để nhân dân hiểu rõ, tự giác, tích cực tham gia xây dựng phong cách ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch, các điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại và các điểm giao thông công cộng.

Điều 19: Sở Văn hóa-thông tin:

- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động kinh doanh văn hóa thông tin trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định trong quy chế này.

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các hoạt động văn hóa nói chung, đặc biệt 1à ca Huế, múa cung đình và các dịch vụ văn hóa phẩm theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh, các ngành nội chính, các trường học, tổ chức tuyên truyền về giữ gìn và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

- Qui định cụ thể về trang phục của du khách phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam khi tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa.

Điều 20: Sở Du lịch:

- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan du lịch trong quy chế này.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng chuyên mục ống kính du lịch để tuyên truyền quảng bá du lịch Cố đô Huế và phản ánh các hiện tượng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch công khai niêm yết các quy định liên quan đến việc tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại khách sạn, trung tâm lữ hành để hướng dẫn khách du lịch biết trước khi đến các điểm tham quan.

- Các doanh nghiệp lưu trú phối hợp với Chính quyền, Công an để làm tốt công tác phòng chống và xử lý các tình trạng ăn xin, cò mồi, đeo bám du khách tại cơ sở kinh doanh và các vùng phụ cận của đơn vị mình.

- Các doanh nghiệp lữ hành tăng cường quản lý hướng dẫn viên thuộc quyền quản lý thực hiện đúng quy chế, quy định về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên .

Điều 21: Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế:

- Chỉ đạo các phòng, ban, bộ phận thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan trong quy chế này.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành liên quan tiếp tục quy hoạch và tổ chức sắp xếp các hoạt động dịch vụ trong và ngoài các di tích (các quầy bán hàng, bến, bãi đậu, đỗ xe, thuyền, các khu vệ sinh công cộng)phù hợp với kiến trúc, cảnh quan tại các điểm di tích.

- Công khai nội qui và có hệ thống biển báo bằng các thứ tiếng thông dụng tại các điểm di tích để hướng dẫn khách tham quan du lịch cùng thực hiện.

- Trong khu vực Đại nội các dịch vụ bán hàng lưu niệm, giải khát phải được tổ chức sắp xếp bảo đảm văn minh lịch sự. Không được tổ chức bán hàng lưu niệm trong Điện Thái Hòa và những nơi ảnh hưởng đến mỹ quan các di tích.

- Hướng dẫn và giám sát các chủ hàng về cung cách phục vụ bán hàng.Công khai niêm yết giá đúng quy định tại các điểm tham quan di tích.

- Duy trì hoạt động công tác bảo đảm trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan di tích và các khu vực phụ cận di tích do Trung tâm quản lý.

- Quản lý thuyết minh viên của đơn vị mình, không để thuyết minh viên tự do hoạt động các tour tuyến du lịch

- Chỉ đạo Ban quản lý các điểm di tích tuyệt đối không bán vé cho khách du lịch ăn mặc không đúng quy định hiện hành tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa.

Điều 22: Sở Lao động TB-XH

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan trong quy chế này.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trung tâm xã hội để đảm bảo quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng các đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ và các loại đối tượng xã hội khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Tổ chức và phối hợp với các địa phương, ngành liên quan thu gom tất cả các đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ đeo bám du khách, đưa vào các trung tâm giáo dưỡng để quản lý. Không để làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

- Tổ chức bàn giao những đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ vi phạm lần đầu cho đại diện gia đình và đại diện chính quyền xã, phường của đối tượng đó để giáo dục tại cộng đồng.

- Thông báo và phối hợp với Sở Lao động TB-XH các tỉnh có đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ để giao nhận. Kiên quyết tổ chức bàn giao giải quyết dứt điểm các đối tượng ngoài tỉnh để các tỉnh có biện pháp quản lý.

Điều 23: Công an Tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan trong quy chế này.

- Phối hợp và hỗ trợ mọi mặt cho việc lập lại trật tự, trị an tại các di tích lịch sử văn hóa, các điểm tham quan, du lịch, các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh.

-Tổ chức, quản lý các loại phương tiện vận chuyển (xe ô tô, thuyền,xích lô, xe máy, xe đạp thồ) phục vụ khách du lịch tham quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thành phố Huế và các Huyện có các di tích lịch sử văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn văn minh lịch sự. Mọi hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực này phải tuân thủ pháp luật và qui định tại qui chế này.

- Chỉ đạo Công an Thành phố, Công an các Huyện và các phòng chức năng tham gia tích cực với các cấp các ngành của tỉnh tổ chức thu gom xử lý các đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ, bán hàng rong, tranh dành khách đeo bám nài ép khách tham quan, làm trong sạch và lành mạnh môi trường du lịch.

Điều 24: Sở Giao thông Vận tải

- Chỉ đạo và hướng dẫn các Ban quản lý bến xe, thuyền và chủ các phương tiện xe, thuyền vận chuyển khách du lịch thực hiện nghiêm túc những quy định tại các qui chế đã ban hành về tổ chức và quản lý bến bãi; hoạt động vận chuyển của chủ phương tiện xe, thuyền du lịch.

- Tổ chức và quản lý tốt trật tự, trị an và vệ sinh môi trường cảnh quan tại các điểm bến, bãi xe, thuyền và khu vực phụ cận. Phải công khai nội qui bằng các thứ tiếng thông dụng tại các điểm bến, bãi xe, thuyền để mọi người cùng thực hiện.

- Công khai niêm yết giá các dịch vụ vận chuyển tại các bến, bãi xe, thuyền.

Điều 25: Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan trong quy chế này.

- Tham gia phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để thu gom các đối tượng tâm thần đưa vào các trung tâm điều trị quản lý.

- Tổ chức quản lý các đối tượng tâm thần tại các trung tâm điều trị không để các đối tượng này đi lang thang.

- Thành lập đội y tế để tổ chức sơ cấp cứu kịp thời cho khách du lịch đến tham quan trên địa bàn tỉnh.

Điều 26: Sở Thương mại

-Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định liên quan trong quy chế này.

- Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tổ chức và phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai niêm yết giá hàng hoá và các dịch vụ theo đúng quy định hiện hành tại các điểm tham quan, bến, bãi xe, thuyền du lịch. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nâng ép giá đối với khách du lịch.

- Chỉ đạo ban quản lý các trung tâm dịch vụ thương mại công khai nội qui và tổ chức quản lý giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường; hướng dẫn phong cách ứng xử văn minh lịch sự tại các điểm thường xuyên có du khách đến tham quan, mua hàng hoá; kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng ăn xin bán hàng rong đeo bám làm nhũng nhiễu khách du lịch.

Điều 27 : Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định 1iên quan trong quy chế này.

- Tăng cường kiểm tra và có biện pháp quản lý đối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ dễ gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan du lịch, đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân, của khách tham quan du lịch.

Điều 28: UBND thành phố Huế và các huyện

- Chỉ đạo các cơ quan, phường xã có di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định liên quan trong quy chế này.

- Tổ chức và phối hợp với Sở LĐ thương binh xã hội, Sở y tế, Công An, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thu gom các đối tượng ăn xin, cơ nhỡ, tâm thần đi lang thang trên địa bàn thuộc địa phương quản lý.

- Thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, phối hợp với các ngành chức năng xử lí kịp thời và kiên quyết các trường hợp xây dựng cơi nới, dựng lều quán trái phép tại các khu vực bảo vệ di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh.

- Tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ vùng phụ cận các di tích, bến bãi xe, thuyền các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí thuộc thẩm quyền; giám sát việc thực hiện công khai niêm yết giá các mặt hàng dịch vụ tại điểm bán hàng, giá các hoại phương tiện giao thông tại bến, bãi xe, thuyền thuộc địa phương quản lý.

- Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập đội công tác bảo vệ trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các di tích lịch sử văn hoá trọng điểm.

- Tăng cường đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống các nhà vệ sinh công cộng phù hợp với cảnh quan môi trường, nhất là ở đô thị Huế và tại các điểm tham quan du lịch.

Điều 29: Các cơ quan thông tin đại chúng

-Đài truyền hình Huế, đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế, báo Thừa Thiên Huế tăng cường thời lượng các chuyên mục về ''trật tự, trị an và vệ sinh môi trường'' nhằm góp phần giới thiệu con người và văn hóa Huế, phê phán các hiện tượng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường văn hoá du lịch.

Điều 30: Công tác phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân

Các ngành, các cấp phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến tận thôn xóm, cụm dân cư, từng người dân để nhân dân hiểu rõ, tự giác tích cực tham gia giữ gìn trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm di tích lịch sử văn hoá và các điểm tham quan du lịch.

Điều 31: Ban chỉ đạo về đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường của tỉnh.

- Thực hiện công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan và các địa phương tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện quy chế này đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà được bền vững.

- Duy trì tổ công tác truy quét, thu gom các đối tượng lang thang, ăn xin, bán hàng rong và xích lô, xe thồ đeo bám, nài ép tranh giành khách du lịch tại các điểm tham quan, du lịch, thương mại, các điểm vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng.

- Định kỳ ba tháng 1 lần Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì nghe Ban chỉ đạo 09 báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về bảo đảm trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh.

Chương IV:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 32: Khen thưởng

- Tổ chức và cá nhân có thành tích trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, trị an và môi trường được khen thưởng theo chế độ quy định hiện hành.

- Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt được trích phần trăm số tiền xử phạt theo quy định hiện hành để thưởng cho tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc phát hiện và đấu tranh bảo vệ trật tự, trị an và môi trường tham quan, du lịch.

Điều 33: Xử phạt

- Tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định tại quy chế này thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Các cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát được tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002. Khi xét vi phạm, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải khẩn trương chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.

- Các cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát nếu bị phát hiện có dấu hiệu bao che đối tượng vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu xử 1ý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đối tượng bị xử phạt vi phạm các quy định tại quy chế này có quyền khiếu nại trong thời gian l0 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải thực hiện quy định xử phạt.

Chương V:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34: Hàng năm UBND tỉnh dành một phần ngân sách của địa phương bảo đảm cho các hoạt động thực hiện quy chế.

Điều 35: Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc cần bổ sung, sửa đổi các điều khoản của quy chế này, các cấp các ngành liên quan báo cáo về Ban chỉ đạo 09 của tỉnh để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THƯA THIÊN HUẾ