Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1620/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THANH TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI CÁC DỰ ÁN CÓ XẢ THẢI TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1585/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Thanh tra Chính phủ;
- Lưu: VT, TTr, Hs.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Chu Phạm Ngọc Hiển

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI CÁC DỰ ÁN CÓ XẢ THẢI TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1620/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước; căn cứ Quyết định số 1585/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích

- Đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực - bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan chuyên môn có liên quan, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định, xét duyệt và thực hiện dự án đầu tư, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại bảo đảm để doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật gắn liền với phát triển bền vững.

- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.

- Đổi mới một cách mạnh mẽ công tác thanh tra về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước (về nhận thức của cán bộ, cách thức tổ chức đoàn, phương pháp tiến hành thanh tra...) tạo bước đột phá trong hoạt động thanh tra, để hoạt động thanh tra trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.

1.2. Yêu cầu

- Tiến hành thanh tra toàn diện trên phạm vi cả nước việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường (tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông).

- Huy động mọi nguồn lực về con người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính cho các đoàn thanh tra được triển khai theo Kế hoạch này.

- Việc thanh tra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

- Kết quả cuộc thanh tra tại từng địa phương được báo cáo thống nhất theo nội dung, mẫu biểu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Thông tin chính xác, kịp thời kết quả thanh tra trên các phương tiện thông tin truyền thông theo quy định của pháp luật thanh tra.

2. Nội dung thanh tra

2.1. Việc chấp hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan chuyên môn có liên quan

a) Về lĩnh vực môi trường

- Công tác tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và việc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền đối với các tổ chức được thanh tra.

- Công tác xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được thanh tra.

- Công tác thống kê, đánh giá về chất thải nguy hại phát sinh; việc cấp giấy phép và mã số hoạt động quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức được thanh tra.

- Công tác thẩm định, thu phí nước thải công nghiệp đối với các tổ chức được thanh tra.

- Công tác tổng hợp các loại báo cáo của tổ chức được thanh tra theo quy định của pháp luật: Báo cáo quan trắc, giám sát định kỳ; báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ, đột xuất (nếu có); chứng từ chuyển giao chất thải nguy hại.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có) của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đối với các tổ chức được thanh tra.

b) Về lĩnh vực tài nguyên nước

- Việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền; việc quy định thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các tổ chức được thanh tra.

- Công tác tổng hợp các loại báo cáo của tổ chức được thanh tra theo quy định của pháp luật phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước (nếu có) của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đối với các tổ chức được thanh tra.

2.2. Việc chấp hành pháp luật của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường

a) Về lĩnh vực môi trường

- Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức.

- Việc thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.

- Việc kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

b) Về lĩnh vực tài nguyên nước

- Việc lập hồ sơ xin cấp Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.

- Việc chấp hành các quy định nêu trong giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường nước, biện pháp phòng ngừa cạn kiệt, suy thoái nguồn nước.

- Việc chấp hành nghĩa vụ tài chính về tài nguyên nước theo quy định.

3. Đối tượng, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra

3.1. Đối tượng thanh tra: Các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường (tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); đối tượng thanh tra cụ thể sẽ được nêu tại quyết định thành lập đoàn thanh tra; trong quá trình thanh tra có thể bổ sung các đối tượng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

3.2. Phạm vi thanh tra: Trên địa bàn toàn quốc.

3.3. Thời kỳ thanh tra: Từ ngày có quyết định thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh đến thời điểm thanh tra.

3.4. Thời hạn thực hiện cuộc thanh tra: Thời hạn thực hiện cuộc thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thành lập 03 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.

Trưởng đoàn thanh tra là: Lãnh đạo Thanh tra Bộ (Đoàn thanh tra tại các tỉnh miền Bắc); Lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Đoàn thanh tra tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Đoàn thanh tra tại các tỉnh miền Nam). Các Phó trưởng đoàn thanh tra là Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh nêu trên.

Thành viên đoàn thanh tra gồm các công chức của: Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thời gian bắt đầu triển khai các đoàn thanh tra vào đầu tháng 8 năm 2016.

Quá trình thanh tra phải tiến hành lấy mẫu nước thải, trường hợp cần thiết có thể lấy thêm mẫu khí thải, chất thải rắn của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường để phân tích.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng đề cương báo cáo, các mẫu biểu, tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho các thành viên đoàn thanh tra.

4.2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2016) để đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra của sở trong năm 2017.

4.3. Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động lồng ghép nội dung thanh tra đối với đối tượng là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên (đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2016 về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

5. Chế độ thông tin báo cáo

- Các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra (gửi kèm dự thảo kết luận thanh tra) chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra; báo cáo thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra của các đoàn được gửi về Thanh tra Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

- Tổng hợp báo cáo và trình ban hành kết luận thanh tra: Dự kiến khoảng giữa tháng 10 năm 2016.

- Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra:

+ Thời gian: 01 ngày (cuối tháng 10 năm 2016).

+ Địa điểm: Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Kinh phí cho các Đoàn thanh tra của Bộ

Một phần kinh phí được cân đối từ nguồn sự nghiệp môi trường đã được phân bổ cho công tác thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Môi trường năm 2016, một phần được cấp bổ sung từ các nguồn khác.

Trên đây là Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường. Đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1620/QĐ-BTNMT năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại dự án có xả thải trên phạm vi cả nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 1620/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/07/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Chu Phạm Ngọc Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản