Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1617/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI VIỆT NAM” VAY VỐN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 6713/BKHĐT-KTĐN ngày 10 tháng 9 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), với các nội dung chính sau:

1. Cơ quan chủ quản: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Thời gian thực hiện: 5 năm kể từ ngày văn kiện Dự án có hiệu lực thực hiện.

3. Mục tiêu của Dự án:

a) Mục tiêu chung: Xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai các chương trình trợ giúp xã hội nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi người dân, góp phần giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đề xuất lộ trình hợp nhất các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo do các cơ quan khác nhau quản lý thành một gói trợ cấp gia đình nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực hướng đến giảm nghèo bền vững. Tách rõ chức năng hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng trợ giúp xã hội với chức năng cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng trợ giúp xã hội và hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có trẻ em ở 4 tỉnh tham gia dự án và mở rộng ra toàn quốc có mã định danh duy nhất dùng chung cho các chính sách xã hội, đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Sử dụng một phần mềm quản lý thống nhất từ cấp huyện, tỉnh và trung ương.

- Xây dựng một hệ thống thông tin quản lý hiện đại nhằm hỗ trợ quản lý biến động về người hưởng lợi nhằm tránh đưa nhầm hoặc bỏ sót đối tượng; theo dõi được dòng tài chính và kết quả thực hiện chi trả định kỳ; chia sẻ thông tin giữa các ngành, các cấp và cho bản thân người hưởng lợi; hỗ trợ cho công tác giám sát, đánh giá, báo cáo và ban hành, sửa đổi chính sách.

- Đổi mới công tác chi trả, tách chức năng quản lý đối tượng với chi trả; sử dụng cơ quan chi trả chuyên nghiệp dựa trên hợp đồng; chi trả một lần/tháng gói trợ cấp đúng thời hạn; kết hợp chi trả tại một điểm tập trung và tận nhà cho những đối tượng khó khăn; tăng cường vai trò quản lý và hỗ trợ của cán bộ cơ sở, khuyến khích hộ gia đình đầu tư cho giáo dục và y tế cho trẻ em.

- Phát triển đội ngũ cộng tác viên nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo sử dụng có hiệu quả gói trợ giúp, ưu tiên đầu tư vào trẻ em cho mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tương lai. Tạo kênh kết nối giữa cơ quan quản lý, triển khai chính sách với các đối tượng thụ hưởng.

4. Dự án gồm 03 hợp phần:

- Hợp phần I: Tăng cường hệ thống triển khai các chương trình Trợ giúp Xã hội và giảm nghèo ở cấp quốc gia (27 triệu USD);

- Hợp phần II: Triển khai thí điểm chương trình Trợ giúp Xã hội bằng tiền mặt trên cơ sở hợp nhất ba chính sách hiện hành (30 triệu USD);

- Hợp phần III: Hỗ trợ quản lý dự án (5,5 triệu USD).

5. Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 62,5 triệu USD, bao gồm:

- Vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB (EDA/WB): 60 triệu USD

- Vốn đối ứng: 2,5 triệu USD

6. Cơ chế tài chính trong nước:

- Đối với vốn vay IDA: Ngân sách nhà nước cấp phát

- Đối với vốn đối ứng:

+ Ngân sách Trung ương bố trí đối với nhiệm vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.

+ Ngân sách địa phương bố trí các hoạt động do các tỉnh thực hiện.

Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn thiện văn kiện Dự án theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Thông báo số 220/TB-VPCP ngày 18 tháng 6 năm 2013; chịu trách nhiệm phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, triển khai Dự án, bảo đảm Dự án đạt mục tiêu đề ra.

Điều 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn tất các thủ tục với WB để kịp đàm phán Hiệp định vay vốn cho Dự án theo lịch trình.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Lao động - TB và XH, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KGVX, KTTH, TH; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1617/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt danh mục Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1617/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản