Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2014/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 12 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN CƯ TỰ QUẢN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT, ngày 04/12/2001 giữa Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong thời kỳ mới”;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 70/TTr-CAT-PV28, ngày 12 tháng 5 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Điều 3. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TỔ DÂN CƯ TỰ QUẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16 /2014/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ dân cư tự quản (gọi tắt là Tổ tự quản) là tổ chức Nhân dân ở cụm dân cư thuộc ấp, khu phố.

Điều 2. Tổ tự quản hoạt động theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và Công an xã, phường, thị trấn, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy và sự quản lý điều hành của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Tổ tự quản có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, giáo dục và vận động, thuyết phục nhân dân trong tổ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chương II

TỔ CHỨC CỦA TỔ TỰ QUẢN

Điều 4. Tổ tự quản được đặt tên gọi là Tổ tự quản số 1, 2, 3… đến hết số tổ trong một ấp, khu phố.

Điều 5. Ban điều hành Tổ tự quản có 02 người gồm Tổ trưởng và Tổ phó do đại diện các hộ dân trong tổ bầu; Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức việc bầu Tổ trưởng, Tổ phó và đề nghị Ủy ban Nhân dân cùng cấp ra Quyết định thành lập Tổ tự quản và công nhận Ban điều hành Tổ tự quản.

Điều 6. Tiêu chuẩn tham gia Ban điều hành Tổ tự quản:

1. Người có uy tín, khả năng đại diện cho nhân dân trong tổ.

2. Người có năng lực, trình độ, hiểu biết nhất định.

3. Người có nhiệt tình vì cuộc sống cộng đồng.

4. Tự nguyện tham gia hoặc tổ chức đoàn thể cử tham gia.

Điều 7. Thành phần tham gia Ban điều hành Tổ tự quản cơ cấu phù hợp với đặc điểm của tổ gồm: Đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận, già làng dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo, người cao tuổi, cựu chiến binh, người về hưu…

Điều 8. Quy trình bầu chọn Tổ trưởng, Tổ phó tổ tự quản như sau:

1. Ban công tác mặt trận ấp, khu phố phối hợp Công an viên xã phụ trách ấp, Cảnh sát khu vực dự kiến, giới thiệu nhân sự (hoặc do các tổ chức thành viên Mặt trận đề cử).

2. Thành phần tham dự gồm: Bí thư chi bộ (hoặc Đảng ủy bộ phận); Trưởng ấp, khu phố, Ban công tác mặt trận ấp, khu phố; Công an viên xã phụ trách ấp; Cảnh sát khu vực và đại diện các hộ gia đình trong tổ tham dự; do Trưởng ấp, khu phố chủ trì.

3. Hình thức bầu chọn Tổ trưởng, Tổ phó bằng bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay.

4. Trường hợp những tổ mới tách vẫn tiến hành bầu chọn như trên, không chỉ định lâm thời.

Điều 9. Tổ trưởng, Tổ phó Tổ tự quản thường xuyên trao đổi công việc của tổ ít nhất mỗi tháng một lần. Mỗi quý Tổ tự quản họp đại diện các hộ gia đình ít nhất 01 lần để phổ biến các văn bản, chỉ đạo của trên, thông báo tình hình an ninh trật tự và hoạt động của tổ, phản ánh những vấn đề bức xúc của dân trong tổ (nếu có).

Trong trường hợp cần thiết họp các hộ gia đình đột xuất do Tổ trưởng quyết định hoặc do yêu cầu chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Điều 10. Tổ tự quản được thành lập theo đặc điểm liền canh, liền cư, đảm bảo các hộ dân sinh hoạt, hội họp được thuận lợi:

1. Tổ có địa bàn không tập trung dân, vùng nông thôn xa, biên giới không nên quá 20 hộ/tổ.

2. Tổ có địa bàn tập trung dân, không quá 40 hộ/tổ.

Điều 11. Tổ tự quản được đánh giá chất lượng hoạt động như sau: Tổ mạnh, tổ khá, tổ trung bình. Hàng năm, Tổ tự quản tự đánh giá, xếp loại, Trưởng ấp, khu phố, Ban công tác Mặt trận ấp, Công an viên xã phụ trách ấp, Cảnh sát khu vực thẩm định và đề nghị Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận. Những tổ có thành tích tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng đột xuất và hàng năm.

Điều 12. Tổ tự quản chịu sự lãnh đạo của Chi bộ (hoặc Đảng ủy bộ phận), Trưởng ấp, khu phố, hướng dẫn của Ban công tác Mặt trận và Công an viên xã phụ trách ấp, Cảnh sát khu vực. Hàng tháng, Ban điều hành báo cáo tình hình hoạt động của tổ cho Ban công tác Mặt trận và Công an viên xã phụ trách ấp, Cảnh sát khu vực. Ban công tác Mặt trận, cùng với Công an viên xã phụ trách ấp, Cảnh sát khu vực có trách nhiệm tham gia sinh hoạt với Tổ tự quản.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TỰ QUẢN

Điều 13. Nguyên tắc hoạt động của Tổ tự quản:

1. Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp nhân dân vào tổ chức, phát huy sức mạnh cộng đồng trong tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, trên tinh thần “huy động sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”.

2. Hoạt động theo Quy chế và các quy định của pháp luật.

Điều 14. Nội dung hoạt động của Tổ tự quản:

1. Tuyên truyền, vận động mọi người trong Tổ chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân.

2. Vận động giúp nhau khi có thành viên trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn.

3. Tự quản giúp nhau xây dựng hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; vận động các thành viên trong tổ tham gia, quản lý nhân hộ khẩu, thông báo khi có người đăng ký lưu trú, quản lý giáo dục, giám sát người có tiền án, tiền sự, vi phạm pháp luật khác; phát hiện tố giác người có lệnh truy nã, người có biểu hiện hoạt động phạm tội, các tụ điểm tệ nạn xã hội, người lạ mặt xuất hiện trong tổ; kịp thời hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong tổ.

4. Vận động nhắc nhở mọi người tự giác giữ gìn vệ sinh chung, không gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đường phố trong tổ và khu dân cư.

5. Vận động các hộ dân trong tổ tham gia xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện tốt 03 tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa.

6. Tham gia góp ý hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán bộ công nhân viên chức, đại biểu dân cử ở địa phương.

Điều 15. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn và Công an xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức tổng kết hoạt động Tổ tự quản và đề nghị Ủy ban Nhân dân các cấp khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Kinh phí hoạt động của Tổ tự quản:

1. Hỗ trợ một phần từ ngân sách xã, phường, thị trấn; hàng năm, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trình Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn mức hỗ trợ cụ thể trên cơ sở khả năng của ngân sách và phân bổ dự toán.

2. Hỗ trợ một phần từ Quỹ Quốc phòng an ninh và các nguồn trích thưởng trong việc xử phạt vi phạm hành chính Nhà nước (nếu có).

3. Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

4. Tiền thưởng của tổ.

Điều 17. Việc khen thưởng danh hiệu “Tổ tự quản mạnh” thực hiện như sau:

1. Hàng năm, trên cơ sở xếp loại chất lượng hoạt động của tổ, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã, phường, thị trấn xem xét chọn không quá 2% tổ tiêu biểu xuất sắc nhất để đề nghị Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn khen thưởng.

2. Các tổ đạt mạnh 3 năm liên tục (đã được Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn khen thưởng) đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố khen thưởng.

3. Các tổ đạt mạnh 5 năm liên tục (đã được Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố khen thưởng) đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh khen thưởng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Công an tỉnh thống nhất trình Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.