Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 06/2007/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 26 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN CƯ TỰ QUẢN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT, ngày 04/12/2001 giữa BTT.UBTWMTTQVN và Bộ Công an “về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”;
Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công an tỉnh Tây Ninh, tại Tờ trình số 02/TTr ngày 29 tháng 12 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 428/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Điều 3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có trách nhiệm phối hợp Giám đốc Công an tỉnh hướng dẫn thi hành quyết định này.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này/.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN CƯ TỰ QUẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 26 /02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tổ dân cư tự quản (gọi tắt là Tổ tự quản) là tổ chức của một cụm dân cư ở địa bàn, dưới ấp và khu phố.
Điều 2. Tổ tự quản do nhân dân tự tổ chức theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và Công an xã, phường, thị trấn, hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điều 3. Tổ tự quản có chức năng thống nhất hành động, thực hiện nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các công việc lợi ích trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC CỦA TỔ TỰ QUẢN
Điều 4. Tổ tự quản được đặt tên gọi là Tổ tự quản số 1, 2, 3… đến hết số tổ trong một ấp, khu phố.
Điều 5. Tổ tự quản có Ban điều hành tổ do đại diện các hộ gia đình trong tổ bầu, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định thành lập Tổ tự quản và ra quyết định công nhận Ban điều hành tổ.
Điều 6. Ban điều hành Tổ tự quản có tổ trưởng, tổ phó, thư ký và các thành viên.
Thành phần tham gia Ban điều hành tổ có cơ cấu phù hợp với đặc điểm của tổ gồm: Các tổ chức thành viên Mặt trận, già làng dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo, người cao tuổi, cựu chiến binh, người về hưu…
Cán bộ, công chức có thể tham gia vào Ban điều hành tổ hoặc có trách nhiệm nòng cốt giúp Ban điều hành tổ hoạt động.
Điều 7. Tiêu chuẩn tham gia Ban điều hành tổ :
- Người có uy tín, khả năng đại diện cho nhân dân trong tổ.
- Người có năng lực, trình độ, hiểu biết nhất định.
- Người có nhiệt tình vì cuộc sống cộng đồng.
- Tự nguyện tham gia hoặc tổ chức đoàn thể cử tham gia.
Điều 8. Quy trình bầu chọn Ban điều hành tổ như sau :
1. Hiệp thương giới thiệu người của các tổ chức thành viên Mặt trận và nhân dân trong tổ; tự ứng cử.
2. Ban công tác Mặt trận tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tổ và niêm yết danh sách.
3. Ban công tác Mặt trận tổ chức hội nghị hộ dân trong tổ để bầu chọn. Hình thức bầu bằng tín nhiệm giơ tay biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín.
4. Trường hợp những tổ mới tách vẫn tiến hành bầu, không chỉ định lâm thời.
Điều 9. Ban điều hành tổ mỗi tháng họp một lần. Tổ tự quản một quý họp một lần. Trường hợp cần thiết Ban điều hành tổ quyết định họp bất thường.
Cuộc họp Tổ tự quản gồm một số vấn đề trọng tâm:
1. Báo cáo và kiểm điểm những công việc đã thực hiện.
2. Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thông báo tình hình biến động dân trong tổ.
3. Bàn kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tổ đề ra.
4. Kiến nghị, góp ý với Đảng, Nhà nước đối với những công việc chung, tư cách đảng viên, cán bộ, công chức và các hộ gia đình sinh hoạt trong tổ.
Điều 10. Quy mô về số hộ trong một Tổ tự quản được bố trí phù hợp theo đặc điểm liền canh, liền cư, đảm bảo họp các hộ dân được đầy đủ :
1. Tổ có địa bàn không tập trung dân, vùng nông thôn xa, biên giới không quá 20 hộ/tổ.
2. Tổ có địa bàn tập trung dân, không quá 40 hộ/tổ. Nếu những tổ quá 40 hộ có thể tách tổ.
Điều 11. Tổ tự quản có các danh hiệu sau: Tổ mạnh, tổ khá, tổ trung bình. Hàng năm, Ban công tác Mặt trận và công an viên phụ trách ấp, khu phố hướng dẫn tổ tiến hành bình xét và đề nghị Ban thường trực UBMTTQVN xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận và công bố trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”.
Tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu tổ do BTT.UBMTTQVN tỉnh và Công an tỉnh hướng dẫn.
Điều 12. Về mối quan hệ công tác:
1. Tổ tự quản chịu sự lãnh đạo của chi bộ và sự chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận và công an viên phụ trách ấp, khu phố. Hàng tháng, Ban điều hành tổ báo cáo tình hình hoạt động của tổ cho Ban công tác Mặt trận và công an phụ trách ấp, khu phố.
2. Tổ tự quản quan hệ với các tổ chức thành viên Mặt trận và các tổ chức khác trên cơ sở phối hợp thống nhất hành động, bình đẳng và tôn trọng tính độc lập của từng tổ chức.
3. Ban điều hành Tổ tự quản phải xây dựng nội quy hoạt động của tổ.
CHƯƠNG III
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TỰ QUẢN
Điều 13. Nguyên tắc hoạt động của Tổ tự quản:
1. Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp nhân dân vào tổ chức, huy động “sức dân lo cho dân”.
2. Hoạt động theo Quy chế này và các quy định của pháp luật.
Điều 14. Nhiệm vụ của Tổ tự quản là vận động, thuyết phục và tổ chức phát động thi đua cho nhân dân trong tổ phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống từng dòng họ, gia đình cùng nhau đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Điều 15. Nội dung hoạt động của Tổ tự quản, thực hiện theo 6 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Cụ thể là vận động nhân dân trong tổ thực hiện các hoạt động sau :
1. Tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.
2. Tự quản thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện.
3. Tự quản phát huy dân chủ, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững kỷ cương; mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo quy ước khu dân cư, ấp, khu phố văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự.
4. Tự quản trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
5. Tự quản chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường.
6. Tự quản tham gia xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, lực lượng công an nhân dân, các tổ chức thành viên Mặt trận; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Điều 16. Hàng năm, Ban thường trực UBMTTQVN và Công an xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức tổng kết hoạt động Tổ tự quản và đề nghị UBND các cấp khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Kinh phí hoạt động của Tổ tự quản:
1. Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
2. Hỗ trợ một phần từ ngân sách xã, phường, thị trấn hàng năm, mức hỗ trợ hàng năm theo quy định và khả năng ngân sách.
3. Hỗ trợ một phần từ quỹ Quốc phòng an ninh và các nguồn trích thưởng trong việc xử phạt vi phạm hành chính của Nhà nước (nếu có).
4. Tiền thưởng của tổ.
Điều 18. Việc khen thưởng danh hiệu “Tổ tự quản mạnh” thực hiện như sau:
1. Đạt mạnh trong năm, chọn không quá 25% tổ tiêu biểu xuất sắc nhất để UBND xã, phường, thị trấn khen thưởng.
2. Đạt mạnh 3 năm liên tục (đã được UBND xã, phường, thị trấn khen thưởng) để UBND huyện, thị khen thưởng.
3. Đạt mạnh 5 năm liên tục (đã được UBND huyện, thị khen thưởng) để UBND tỉnh khen thưởng.
Tiền khen thưởng danh hiệu “Tổ tự quản mạnh” ngoài nguồn ngân sách cấp theo quy định, tùy tình hình thực tế mà huy động các nguồn xã hội hóa để tăng thêm nguồn chi thưởng.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Đề nghị Ban thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn UBMTTQVN tỉnh phối hợp Công an tỉnh trình UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
- 1Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2Quyết định 413/QĐ-UBND năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2014
- 3Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2Quyết định 413/QĐ-UBND năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2014
- 3Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
Quyết định 06/2007/QĐ-UBND Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản do tỉnh Tây Ninh ban hành
- Số hiệu: 06/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/02/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Nguyễn Văn Nên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra