Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2014/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 10 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo Ninh Bình;
- Lưu: VT, VP6, VP7.
PH.15/QĐTP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Dung

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp; các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Nội dung và trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị phối hợp.

2. Công tác phối hợp phải bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đảm bảo thời gian yêu cầu, chất lượng và hiệu quả.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà mình phối hợp.

4. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp.

Chương II

NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động giám định tư pháp. Thực hiện kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành pháp luật về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật thường xuyên cho người giám định tư pháp.

3. Xây dựng và củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp.

4. Rà soát, lựa chọn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp; lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh công bố theo quy định.

5. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí bảo đảm cho hoạt động của tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định.

6. Trao đổi cung cấp thông tin, báo cáo về công tác giám định tư pháp.

7. Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền.

Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan

1. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh

- Xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động giám định tư pháp. Thực hiện kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành pháp luật về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giám định tư pháp cho các tổ chức giám định tư pháp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Thực hiện việc đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

- Theo định kỳ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương.

b) Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp:

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp ở địa phương.

- Kiểm tra định kỳ và đột xuất, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp, nhằm phát hiện những sai sót để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

c) Phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y.

d) Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

- Trong việc lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố theo quy định.

2. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế phục vụ cho việc thành lập Trung tâm pháp y tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an tỉnh và các Sở, Ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí trong việc trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp theo quy định.

4. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Trung tâm Pháp y tỉnh theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Lựa chọn và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý.

- Bố trí đủ giám định viên tư pháp, tạo nguồn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp

- Thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp thuộc ngành y tế.

- Theo định kỳ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của ngành Y tế.

5. Công an tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp

- Lựa chọn và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc ngành Y tế.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp thuộc ngành Công an địa phương.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp

- Thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp thuộc ngành Công an.

- Theo định kỳ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của ngành Công an.

6. Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

7. Các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp ở địa phương; các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương và tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp; chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp biết kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, giải quyết kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 16/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Lê Văn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản