Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1588/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI KHU VỰC MIỀN TRUNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI

12 tỉnh, thành phố, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với diện tích tự nhiên 84.726 km2, dân số khoảng 18 triệu người.

II. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch thủy lợi phải phù hợp với Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam.

2. Xây dựng phương án quy hoạch theo hướng mở để có thể điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống thủy lợi; rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ những công trình phục vụ đa mục tiêu còn khả năng về nguồn nước để tăng hiệu quả phục vụ.

4. Đảm bảo dòng chảy tối thiểu, đẩy mặn là vấn đề ưu tiên góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung trong điều kiện hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

5. Từng bước nâng cao khả năng chống lũ, bão, triều của các tuyến đê cửa sông, đê biển.

6. Trên cơ sở khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đóng góp của người dân, các nguồn vốn hợp pháp khác.

III. MỤC TIÊU

Đề xuất giải pháp tổng thể phát triển thủy lợi vùng khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng mức đảm bảo an toàn về lũ, bão, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực miền Trung.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

1. Mức đảm bảo cấp nước, tiêu nước, chống lũ

a) Từng bước nâng dần mức đảm bảo cấp nước cho nông nghiệp từ 75% lên 85%; cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp với mức đảm bảo 90%.

b) Mức đảm bảo tiêu P = 10%.

c) Mức đảm bảo chống lũ:

- Sông Mã P = 1,0%, sông Chu P = 0,6%, xóa bỏ dần các khu chậm lũ.

- Sông Cả P = 1,0%, xóa bỏ dần các khu chậm lũ.

- Sông Hương chống lũ chính vụ P = 5,0% cho thành phố Huế; các khu vực khác chống lũ sớm, lũ muộn P = 10% để bảo vệ sản xuất hè thu.

- Sông Trà Bồng, Trà Khúc, vệ chống lũ chính vụ cho thành phố Quảng Ngãi P = 10%; chống lũ sớm, lũ muộn P = 10% bảo vệ sản xuất.

- Sông Kone, Hà Thanh, La Tinh chống lũ chính vụ P = 5,0% cho thành phố Quy Nhơn; chống lũ sớm, lũ muộn P = 10% bảo vệ sản xuất.

- Sông Ba chống lũ chính vụ P = 10% cho thành phố Tuy Hoà; chống lũ sớm, lũ muộn P = 10% bảo vệ sản xuất.

- Các khu vực sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Bến Hải - Thạch Hãn - Ô Lâu, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Cái Nha Trang chủ động phòng, tránh và thích nghi với lũ chính vụ.

d) Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ứng với mức phát thải trung bình (B2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, công bố năm 2012.

2. Phương án thủy lợi khu vực miền Trung

b) Phương án tổng thể:

- Tập trung sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước để đảm bảo an toàn nhất là các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ; củng cố, nâng cấp công trình đầu mối, kiên cố hóa, từng bước hiện đại hóa các hệ thống hiện có; xây dựng và hoàn thiện các công trình lớn, liên vùng phục vụ đa mục tiêu, cấp nước cho các khu công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các công trình trên dòng chính, công trình vùng cửa sông phục vụ đa mục tiêu.

- Củng cố các hệ thống đê sông, đê biển; phòng, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung; đối với vùng Nam Trung Bộ chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ, ngăn lũ sớm và lũ cuối vụ đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu.

- Tiếp tục xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông trong cả mùa lũ và mùa kiệt, phục vụ đa mục tiêu.

b) Phương án theo các vùng, lưu vực sông như sau:

- Vùng sông Mã và phụ cận:

+ Cấp nước:

. Hoàn thiện và xây dựng các công trình lợi dụng tổng hợp, gồm: Hồ Cửa Đạt (dung tích hữu ích 793 triệu m3 cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, tạo nguồn tưới cho 86.862 ha, bổ sung nước cho hạ du trong mùa kiệt và các nhiệm vụ chống lũ, phát điện), hồ Hủa Na (dung tích hữu ích 391 triệu m3, bổ sung nước cho hạ du trong mùa kiệt và các nhiệm vụ chống lũ, phát điện), hồ Trung Sơn (dung tích hữu ích 202 triệu m3, bổ sung cho hạ du trong mùa kiệt tham gia đẩy mặn và các nhiệm vụ chống lũ, phát điện), hồ Pa Ma (dung tích hữu ích 251 triệu m3, bổ sung nguồn nước cho hạ du trong mùa kiệt và các nhiệm vụ chống lũ, phát điện).

. Xây dựng hệ thống thủy lợi sông Lèn ngăn mặn, cấp nước và hỗ trợ thoát nước.

. Nâng cấp, hoàn thiện 394 công trình thủy lợi đã xuống cấp đưa diện tích đảm bảo tưới của các công trình đã có lên 163.952 ha (tăng 33.832 ha). Đầu tư xây dựng mới 211 công trình vừa và nhỏ để tưới cho 20.234 ha canh tác và cấp nước dân sinh.

+ Tiêu thoát nước: Đối với vùng tiêu tự chảy, lợi dụng biên độ triều thấp để tiêu; nạo vét hệ thống trục tiêu nội đồng các vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã, Nam Mã - Bắc Chu đảm bảo tiêu thoát trong mùa mưa và trữ nước mùa khô. Mở rộng khẩu độ các cống tiêu; nâng cấp, tăng khả năng tiêu cho các trạm bơm và xây dựng mới một số trạm bơm đảm bảo tiêu thoát cho các vùng trũng phải tiêu bằng động lực.

+ Phòng chống lũ, bão: Chống lũ với tần suất P = 1,0% trên sông Mã và P = 0,6% trên sông Chu, các lưu vực nhỏ chống lũ với tần suất P = 10% bằng các giải pháp:

. Xây dựng các công trình trên dòng chính đảm bảo nhiệm vụ chống lũ cho hạ du với quy mô trên sông Chu dung tích phòng lũ 400 triệu m3 (hồ Cửa Đạt 300 triệu m3, hồ Hủa Na 100 triệu m3); trên dòng chính sông Mã có dung tích phòng lũ 350 triệu m3 (hồ Pa Ma 200 triệu m3, hồ Trung Sơn 150 triệu m3).

. Nạo vét, thông thoáng dòng chảy đảm bảo tiêu úng, thoát lũ nhanh.

. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê sông đảm bảo chống được lũ theo thiết kế trong điều kiện bị tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10 ÷ 12, ứng với triều tần suất P = 5,0%. Xây dựng đê biển kết hợp với đường bộ ven biển,

- Vùng sông Cả và phụ cận:

+ Cấp nước:

. Hoàn thiện và xây dựng các công trình lợi dụng tổng hợp trên dòng chính, gồm: Hồ Bản Vẽ (dung tích hữu ích 1,123 tỷ m3, bổ sung nước cho hạ du trong mùa kiệt và các nhiệm vụ chống lũ, phát điện), hồ Bản Mồng (dung tích hữu ích 109,8 triệu m3, tạo nguồn cấp nước tưới cho 18.871 ha, bổ sung nước cho hạ du mùa kiệt và các nhiệm vụ phòng lũ, phát điện); hồ Ngàn Trươi (dung tích hữu ích 704 triệu m3, tạo nguồn cấp nước tưới cho 32.585 ha, bổ sung nước cho hạ du mùa kiệt và nhiệm vụ chống lũ, phát điện), các hồ Thác Muối dung tích hữu ích 208,5 triệu m3, Chúc A dung tích hữu ích 212 triệu m3, Đá Gân dung tích hữu ích 166,5 triệu m3 (đây là các công trình lợi dụng tổng hợp để tưới, bổ sung nguồn nước cho hạ du trong mùa kiệt). Hoàn thiện các công trình lấy nước, gồm cống Nam Đàn, cống Đức Xá; nạo vét kênh trục sông Nghèn,...

. Sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện và phát triển các công trình hồ đập vừa và nhỏ, gồm nâng cấp 981 công trình đảm bảo tưới 155.694 ha; xây dựng mới 730 công trình vừa và nhỏ tưới 89.998 ha, trong đó có cụm công trình Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiên kết hợp với hồ sông Trí cấp tưới cho vùng thượng Kỳ Anh và cấp cho khu kinh tế Vũng Áng.

. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng đập sông Lam để ngăn mặn, trữ nước cấp cho hạ lưu sông Cả.

+ Tiêu thoát nước: Nạo vét các hệ thống trục tiêu nội đồng, gồm kênh Nguyên Văn Trỗi, sông Bùng, kênh Diễn Hoa, các trục tiêu vùng Nam Hưng Nghi, vùng sông Nghèn tiêu thoát trong mùa mưa và trữ nước mùa khô. Nâng cấp, mở rộng khẩu độ và điều hành tốt các cống tiêu Diễn Thủy, Diễn Thành, Rào Đừng, Nghi Quang; xây dựng kênh tách nước lũ núi cho khu vực Vũng Áng; xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tiêu úng cục bộ.

+ Phòng chống lũ:

. Hoàn thiện các công trình lợi dụng tổng hợp cắt lũ cho hạ du, gồm các hồ Bản Vẽ dung tích phòng lũ 300 triệu m3, Ngàn Trươi dung tích phòng lũ 200 triệu m3. Xây dựng các công trình cắt giảm lũ cho hạ du gồm các hồ Thác Muối dung tích phòng lũ 245 triệu m3, Chúc A phòng lũ 185 triệu m3, Đá Gân dung tích phòng lũ 115 triệu m3.

. Nạo vét, thông thoáng dòng chảy các trục thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ, sông Bùng, kênh Nhà Lê,...

. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê sông đảm bảo chống được lũ theo thiết kế trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%. Củng cố, hoàn thiện tuyến đê biển Nghi Xuân.

- Vùng sông Gianh và phụ cận

+ Cấp nước: Nâng cấp, hoàn chỉnh 124 công trình, kênh mương đưa diện tích tưới của công trình đã có đạt 17.366 ha (tăng 6.084 ha); nâng cấp đầu mối hồ Vực Tròn tăng khả năng trữ, kết hợp với hồ Sông Thai tưới ổn định cho 2.840 ha, cấp nước cho khu kinh tế Hòn La; nâng cấp, xây dựng các cống và đê bao ngăn mặn hoàn chỉnh cho vùng hạ du sông Lý Hoà và hỗ trợ tiêu úng. Xây dựng mới 83 công trình thiết kế tưới cho 7.973 ha.

+ Tiêu thoát nước: Nạo vét kênh Hói Cụt và mở rộng khẩu độ cống tiêu Hói Cụt; xây dựng hệ thống tiêu Hoàn - Vạn - Phú vùng hạ du sông Lý Hoà.

+ Phòng chống lũ: Thích nghi với lũ chính vụ bằng các giải pháp phi công trình; chống lũ Hè Thu bảo vệ sản xuất với tần suất P = 10% bằng hệ thống đê trong vùng (hoàn thiện, nâng cấp đảm bảo mặt cắt thiết kế, cứng hóa 3 mặt). Nâng cấp 3,3 km đê biển chống được bão cấp 10 với mức triều tần suất P = 5,0%.

- Vùng sông Nhật Lệ:

+ Cấp nước: Hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống thủy lợi thượng Mỹ Trung; nâng cấp 44 công trình đưa diện tích tưới công trình hiện có đạt 14.800 ha (tăng 2.810 ha). Xây dựng hồ Bang dung tích hữu ích 130 triệu m3, kết hợp giảm lũ cho hạ du, xây dựng 8 công trình khác để tưới tại chỗ và tạo nguồn cấp cho 5.951 ha (tưới và nuôi trồng thủy sản), sinh hoạt và công nghiệp. Nâng cấp cống Mỹ Trung đảm bảo gạn triều, tiêu úng và chống lũ cho vùng sông Kiến Giang.

+ Tiêu thoát nước: Khoanh vùng tiêu bằng các hệ thống đê bao (kết hợp chống lũ bảo vệ sản xuất) là giải pháp lâu dài. Nạo vét các trục tiêu, cống tiêu thoát, nâng cấp, bổ sung các trạm bơm tiêu.

+ Phòng chống lũ: Hoàn chỉnh hệ thống đê bảo vệ sản xuất; nâng cấp 5 km đê biển chống được bão cấp 10 với mức triều tần suất P = 5,0%.

- Vùng sông Bến Hải - Thạch Hãn - Ô Lâu:

+ Cấp nước:

. Hoàn thiện đập ngăn mặn Sa Lung kết hợp hồ Bảo Đài cấp nước tưới, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, hồ thủy điện Rào Quán kết hợp cắt lũ, điều tiết bổ sung cho hạ du; nâng cấp, xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, gồm: Đập Cửa Lác, các cống Mai Xá, Xuân Hòa, Việt Yên; tiếp tục nghiên cứu xây dựng đập sông Hiếu ngăn mặn, cấp nước cho thành phố Đông Hà; nâng cấp hoàn chỉnh các hệ thống công trình Bảo Đài, Bàu Nhum và các công trình khác cấp nước cho 36.083 ha.

. Xây dựng các hồ chứa đa mục tiêu gồm Khe Mước, Bến Than, sông Nhùng, Bến Đá, Ô Lâu kết hợp hỗ trợ tiêu, giảm lũ... Xây dựng mới 97 công trình thủy lợi vừa và nhỏ tưới 17.132 ha kết hợp cấp cho sinh hoạt, công nghiệp.

+ Tiêu thoát nước:

. Tiếp tục hoàn chỉnh khoanh vùng tiêu, lên đê bao chống lũ Hè Thu P = 10%; nạo vét các kênh trục nội đồng, các trục tiêu chính, cải tạo nâng cấp đập Cửa Lác.

. Nâng cấp các trạm bơm hiện có để tăng khả năng tiêu, xây dựng các trạm bơm tiêu cho các vùng thấp trũng.

+ Phòng chống lũ: Xây dựng các hồ chứa để giảm lũ cho hạ du; hoàn chỉnh các tuyến đê chống lũ bảo vệ sản xuất, nạo vét các trục thoát lũ; hồ Rào Quán kết hợp giảm lũ chính vụ với dung tích phòng lũ 30 triệu m3.

- Vùng sông Hương và phụ cận:

+ Cấp nước:

. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình lợi dụng tổng hợp gồm hồ Tả Trạch dung tích hữu ích 450 triệu m3, dung tích phòng lũ 435 triệu m3, hồ Bình Điền dung tích phòng lũ 344 triệu m3, dung tích phòng lũ 70 triệu m3, hồ Hương Điền dung tích hữu ích 350,8 triệu m3, hồ Thủy Yên - Thủy Cam dung tích hữu ích 26 triệu m3; nâng cấp, mở rộng kênh hồ Truồi phục vụ tưới và tạo nguồn cho 8.000 ha, chuyển nước cấp cho khoảng 90.000 dân, 1.000 ha diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản 9 xã vùng ven biển thuộc huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế).

. Hoàn chỉnh hệ thống công trình cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nạo vét các tuyến kênh trục tận dụng lấy nước tưới tự chảy, tạo nguồn, kết hợp tiêu úng.

+ Tiêu thoát nước: Mở rộng khẩu độ các cống tiêu ra đầm phá đảm bảo tiêu thoát nhanh khi triều thấp; nạo vét các trục tiêu chính, các kênh tiêu nội đồng vừa đảm bảo tiêu thoát và hỗ trợ lấy nước tưới; nâng cấp, xây dựng trạm bơm tiêu, tưới tiêu kết hợp tiêu thoát kịp thời cho các khu vực trũng thấp.

+ Phòng chống lũ: Thành phố Huế (lưu vực sông Hương) chống lũ tần suất P = 5,0% (mực nước tại Kim Long dưới +3,71 m); đối với các lưu vực sông còn lại chủ động phòng tránh và thích nghi để bảo vệ dân cư, chống lũ tần suất P = 10% bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu.

. Nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đê sông, đê cửa sông, đê phá đảm bảo đủ cao trình, mặt cắt chống lũ hè thu P = 10% bảo vệ sản xuất.

. Tiếp tục nghiên cứu sử dụng đầm phá Tam Giang hạ thấp mực nước lũ cho thành phố Huế và tiêu thoát cho vùng đồng bằng hạ du sông Hương.

- Vùng sông Vu Gia - Thu Bồn và phụ cận:

+ Cấp nước:

. Các hồ trên sông Thu Bồn bổ sung nước cho hạ du trong mùa kiệt, gồm: Hồ Sông Tranh 2 (dung tích hữu ích 521 triệu m3), hồ Tân An (dung tích hữu ích 175 triệu m3); trên sông Vu Gia gồm các hồ: Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 2, A Vương, Hòa Bắc.

. Tiếp tục nghiên cứu giải pháp công trình Quảng Huế điều tiết dòng chảy vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

. Nâng cấp công trình thủy lợi, phát triển công trình hồ đập vừa và nhỏ: Nâng cấp hệ thống kênh Phú Ninh để cấp nước tưới, công nghiệp và dân sinh, đảm bảo tưới cho diện tích 11.632 ha, nuôi trồng thủy sản 2.999 ha, cấp nước công nghiệp dân sinh với lưu lượng 190.000 m3/ngày đêm, duy trì dòng chảy hạ du; nâng cấp, sửa chữa 39 công trình hồ chứa, 11 công trình đập dâng, 25 công trình trạm bơm và 1 hệ thống kênh mương, tưới tăng thêm cho 8.905 ha cây trồng các loại, cấp nước tạo nguồn cho nuôi trồng thủy sản là 3.763,4 ha. Đầu tư xây dựng mới 155 công trình thủy lợi tưới cho 24.088 ha cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho 240.500 người.

+ Tiêu thoát nước:

. Vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn: Nạo vét các hệ thống trục tiêu Yến Nê, Mân Quang, Điện Thọ, Cổ Lưu, suối Luộc, trục tiêu sông Cần Biện… đảm bảo tiêu thoát trong mùa mưa kết hợp trữ nước mùa khô.

. Vùng hạ lưu sông Tam Kỳ: Xây dựng hệ thống tiêu tự chảy gồm các cống đầu mối và kênh mương nội đồng gồm các cống Bạch Đằng, Bình An, Đông Thạnh 2, Thôn 9,...

. Nâng cấp, xây dựng mới các trạm bơm Tiêu Trọng, trạm bơm thành phố Tam Kỳ 2 tiêu thoát cho các vùng trũng,...

+ Phòng chống lũ:

. Tham gia chống lũ cho hạ du, gồm các hồ Sông Tranh 2 (dung tích phòng lũ 61 triệu m3), A Vương (dung tích phòng lũ 35 triệu m3), Đăk Mi 4 (dung tích phòng lũ 29 triệu m3), Sông Bung 2 (dung tích phòng lũ 26 triệu m3), Sông Bung 4 (dung tích phòng lũ 120 triệu m3); hồ Phú Ninh trên sông Tam Kỳ (dung tích phòng lũ 116 triệu m3).

. Nạo vét, thông thoáng dòng chảy đảm bảo tiêu úng, thoát lũ nhanh; củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%.

- Vùng sông Trà Bồng - Trà Khúc - sông Vệ và phụ cận:

+ Cấp nước: Xây dựng và hoàn thiện các công trình lợi dụng tổng hợp tham gia đẩy mặn, tạo nguồn nước ngọt cho vùng hạ du gồm các hồ Nước Trong (dung tích hữu ích 200 triệu m3), hồ Đăk Đrinh 1 (dung tích hữu ích 205 triệu m3), hồ Thượng Kon Tum (sông Sê San, dung tích hữu ích 122,7 triệu m3). Tiếp tục nghiên cứu xây dựng đập trên sông Trà Khúc để ngăn mặn, tạo nguồn nước ngọt cho thành phố Quảng Ngãi và các ngành kinh tế.

. Nâng cấp 195 công trình tưới tăng thêm cho 3.792 ha; xây dựng mới 216 công trình tưới cho 13.299 ha (10.126 ha lúa, 3.173 ha cây màu và cây công nghiệp; cấp nước sinh hoạt cho 108.000 người, 90 ha nuôi trồng thủy sản).

+ Tiêu thoát nước: Nạo vét trục tiêu các sông Bản Điền, Trà Bôi, Trường Thọ, Thái Cân, Cái, Kim Lộc, Quyết Thắng, Xuân Phổ 2, Bàu Giang, Tam Hán, La Hà, kênh Tứ, Cái Bứa tiêu cho các khu tiêu sông Trà Bồng, Bài Ca, Trà Khúc, Vệ. Nạo vét nắn dòng sông Thoa, xây dựng mới một số trạm bơm tiêu cho các vùng trũng.

+ Phòng chống lũ:

. Hoàn thiện các công trình lợi dụng tổng hợp giảm lũ cho hạ du gồm hồ Nước Trong (dung tích phòng lũ 96 triệu m3), Đăk Đrinh 1 (dung tích phòng lũ 43 triệu m3).

. Nghiên cứu bảo vệ khu vực nội thành của thành phố Quảng Ngãi với trận lũ tần suất P = 10% (vận hành hồ cắt lũ, kết hợp lên đê bao ven sông). Nạo vét, thông thoáng dòng chảy các trục thoát lũ hạ du các sông Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu.

. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%.

- Vùng sông Kone - Hà Thanh - La Tinh và phụ cận:

+ Cấp nước: Các công trình lợi dụng tổng hợp tham gia đẩy mặn, tạo nguồn nước ngọt cho vùng hạ du gồm các hồ Vĩnh Sơn (dung tích hữu ích 90 triệu m3), hồ Định Bình (dung tích hữu ích 209 triệu m3), hồ Ka Nak - An Khê (dung tích hữu ích 285,5 triệu m3, bổ sung nước cho hạ du sông Kone).

. Nâng cấp công trình thủy lợi và phát triển các công trình hồ đập vừa và nhỏ: Nâng cấp sửa chữa 352 công trình tưới tăng thêm cho 18.722 ha, cấp nước cho 578 ha nuôi trồng thủy sản; xây dựng 35 hồ, 10 đập dâng, 12 trạm bơm, 3 hệ thống kênh, tưới cho 28.533 ha, cấp nước sinh hoạt cho 23.900 người và 951 ha nuôi trồng thủy sản.

+ Tiêu thoát nước, phòng chống lũ:

. Nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến thoát lũ sông Đập Đá, sông Tân An, sông Hà Thanh,... củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển đảm bảo chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%.

. Xây dựng hồ Đồng Mít (dung tích phòng lũ 30 triệu m3), hoàn thiện hồ Định Bình (dung tích phòng lũ 112 triệu m3).

- Vùng hạ lưu vực sông Ba:

+ Cấp nước: Hệ thống các công trình lợi dụng tổng hợp, bổ sung nước trong mùa kiệt, gồm: Hồ Ka Nak - An Khê, hồ Ayun Hạ (dung tích hữu ích 201 triệu m3, tưới 13.500 ha, dung tích phòng lũ 33 triệu m3); hồ Krông Hnăng (dung tích hữu ích 108,5 triệu m3, dung tích phòng lũ 30 triệu m3), hồ Sông Hinh (dung tích hữu ích 323 triệu m3, dung tích phòng lũ 71 triệu m3), hồ Sông Ba Hạ (dung tích hữu ích 165,9 triệu m3, dung tích phòng lũ 93 triệu m3).

. Nâng cấp 97 công trình tưới tăng thêm cho 14.925 ha cây trồng, cấp nước cho 1.354 ha nuôi trồng thủy sản; xây dựng mới 95 công trình cấp nước cho 24.593,5 ha cây trồng, 210 ha nuôi trồng thủy sản.

+ Tiêu thoát nước: Nạo vét các trục tiêu Bảo Đại, Hòa Tân, Hòa Thành.

+ Phòng chống lũ: Tổng dung tích phòng lũ tại các công trình trên dòng chính 259 triệu m3 (gồm các hồ Ayun Hạ, Kanak, Krông Hnăng, sông Hinh, sông Ba Hạ); củng cố, hoàn thiện tuyến đê ven sông Ba chống lũ với tần suất P = 10% cho thành phố Tuy Hòa; nạo vét, thông thoáng dòng chảy các trục thoát lũ hạ du các sông Ba, Bàn Thạch, Kỳ Lộ; củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%.

- Vùng lưu vực sông Cái Ninh Hòa - sông Cái Nha Trang và phụ cận:

+ Cấp nước: Trên sông Cái Ninh Hòa có các hồ Đá Bàn (dung tích hữu ích 69,7 triệu m3, tưới cho 7.500 ha), hồ Ea Krôngrou (dung tích hữu ích 25,5 triệu m3, tưới 3.000 ha); trên sông Cái Nha Trang có các hồ Suối Dầu (dung tích hữu ích 29 triệu m3, tưới 3.700 ha), hồ Sông Chò (dung tích hữu ích: 86,9 triệu m3, kết hợp tưới 3.000 ha, bổ sung nước cho hạ du). Tiếp tục nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn Vĩnh Phương trên sông Cái Nha Trang tạo nguồn cấp nước tưới và sinh hoạt cho thành phố Nha Trang.

* Nâng cấp, sửa chữa 117 công trình tưới tăng thêm cho 6.106 ha, cấp nước cho 451 ha nuôi trồng thủy sản và hoàn thiện kênh tưới sau thủy điện Ea Krôngrou, hồ Tà Rục; đầu tư xây dựng mới 63 công trình tưới cho 26.465 ha, cấp nước sinh hoạt cho 5.000 người, cấp nước cho 1.150 ha nuôi trồng thủy sản.

+ Tiêu thoát nước, phòng chống lũ: Trên sông Cái Nha Trang hoàn thiện các công trình lợi dụng tổng hợp giảm lũ cho hạ du gồm hồ Suối Dầu, hồ Sông Chò; trên sông Cái Ninh Hòa hoàn chỉnh các tuyến đê chống lũ bảo vệ sản xuất; nạo vét các trục thoát lũ hạ du các sông Cái Nha Trang, Ninh Hòa; củng cố, hoàn thiện các tuyến đê biển chống được bão cấp 10 ÷ 12 với mức triều tần suất P = 5,0%.

3. Giải pháp phi công trình

- Phối hợp vận hành liên hồ chứa trọng mùa kiệt, mùa lũ (xây dựng, ban hành quy trình vận hành phù hợp, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các ngành, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân).

- Tăng cường trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển, cây chắn sóng bảo vệ đê biển.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi.

- Tăng cường quản lý quy hoạch, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; rà soát lại khẩu độ các cầu giao thông đường sắt, đường bộ, cống qua đường nhằm đảm bảo thoát lũ, hạn chế gây nguy hiểm cho khu dân cư, đặc biệt là các tuyến đường dọc trục Bắc Nam như: Quốc lộ 1A, đuờng sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh.

- Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát công trình thủy lợi (trong đó có hệ thống thông tin giám sát hồ chứa), ưu tiên đầu tư trước tại các công trình trọng điểm để chủ động trong việc giám sát, đánh giá mức độ an toàn công trình.

- Rà soát sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị ngập sâu, lũ quét; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo sớm.

- Xây dựng chương trình khoa học công nghệ cho khu vực miền Trung tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng như cạn kiệt dòng chảy, ổn định lòng dẫn, diễn biến xói lở, cắt dòng, xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển.

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng thích ứng của người dân với các tác động của biến đổi khí hậu.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Quy hoạch khoảng 140.770 tỷ đồng (Một trăm bốn mươi nghìn, bảy trăm bảy mươi tỷ đồng), trong đó:

- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2012 đến 2015 khoảng 24.900 tỷ đồng (trong đó khoảng 120 tỷ đồng cho việc triển khai chương trình khoa học công nghệ khu vực miền Trung).

- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2016 đến 2020 khoảng 27.410 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2021 đến 2050 khoảng 88.460 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:

Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), vốn đầu tư từ huy động xã hội hóa, đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Căn cứ nội dung quy hoạch và khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của luật ngân sách nhà nước sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả theo trình tự ưu tiên sau:

- Đầu tư các công trình, hệ thống thủy lợi dở dang, đảm bảo đồng bộ, khép kín nhằm sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, tập trung vào các hệ thống thủy lợi lớn; tiếp tục củng cố, nâng cấp đê biển khu vực miền Trung theo các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các công trình phục vụ đa mục tiêu, công trình cấp bách, công trình có hiệu quả cao phục vụ các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, nhất là các hồ có nguy cơ bị sự cố để đảm bảo an toàn.

- Thực hiện chương trình khoa học công nghệ cho khu vực miền Trung.

- Thực hiện các giải pháp phi công trình, tập trung trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển.

- Nâng cấp, hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi để giảm thất thoát nước.

- Nạo vét, cải tạo các kênh trục tưới, tiêu, hoàn thiện phần nội đồng để tăng cường khả năng tiêu thoát nước.

- Đầu tư các công trình bảo vệ dân cư, vùng ngập lũ (nâng cấp, hoàn chỉnh các hệ thống đê sông, đê cửa sông).

- Xây dựng công trình thủy lợi lớn trên dòng chính.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Công bố quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050.

- Chỉ đạo các địa phương tiếp tục chương trình trồng, bảo vệ rừng ở thượng nguồn, đẩy mạnh đầu tư trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển.

- Hướng dẫn địa phương triển khai quy hoạch thủy lợi chi tiết cho từng tiểu vùng, từng địa bàn.

- Rà soát, phân cấp lại cấp đê.

- Phối hợp với các địa phương phân công rõ trách nhiệm đầu tư từng dự án, công trình trong quy hoạch; thống nhất thứ tự ưu tiên, xây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả (nhất là các hệ thống, các công trình liên vùng, liên tỉnh, công trình trọng điểm) đảm bảo các mục tiêu: Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân, cấp nước, tiêu nước, phòng chống lũ, chống xâm nhập mặn, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định cơ cấu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương huy động và các nguồn vốn khác (kể cả nguồn vốn ODA) và đề xuất giải pháp, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của vùng.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt và thực hiện quy hoạch theo sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm (bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Quy hoạch, đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu và hiệu quả.

4. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐP, TH;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng