Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1578/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ HÀ GIANG, TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2035

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tại Tờ trình số 16/TTr-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2020, Văn bản số 2707/UBND-KTTH ngày 19 tháng 8 năm 2020 và Tờ trình số 33/TTr-BXD ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035, với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch:

Phạm vi lập quy hoạch chung Đô thị Hà Giang đến năm 2035 bao gồm Thành phố Hà Giang hiện hữu (diện tích 13.345,90 ha) và Khu vực mở rộng (diện tích 4.580,30 ha) thuộc một phần các xã Phong Quang, Đạo Đức, Kim Thạch, Phú Linh, huyện Vị Xuyên.  Tổng diện tích lập quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 là 17.926,20 ha, được giới hạn như sau:

- Phía Bắc giáp các xã Thuận Hòa và Tùng Bá, huyện Vị Xuyên;

- Phía Đông giáp xã Yên Định, huyện Bắc Mê;

- Phía Tây giáp các xã Phương Tiến, Cao Bồ, Đạo Đức, huyện Vị Xuyên;

- Phía Nam giáp các xã Đạo Đức, Phú Linh, Kim Thạch, huyện Vị Xuyên.

2. Mục tiêu:

- Định hướng phát triển đô thị Hà Giang theo các tiêu chí đô thị loại II, có không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp cải tạo, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị.

- Phát triển đô thị Hà Giang đảm bảo tính hiệu quả sử dụng đất đai, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tiện ích đô thị đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và tính chất đặc trưng của đô thị.

- Tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và thực hiện các bước tiếp theo, hấp dẫn các thành phần kinh tế cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị.

3. Tính chất đô thị:

- Là đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh Hà Giang.

- Là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

- Là đô thị loại II trong giai đoạn đến 2030, đô thị xanh, với các giá trị về sinh thái, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa được gìn giữ, phát huy hiệu quả và bền vững.

4. Dự báo phát triển đô thị:

a) Dự báo Quy mô dân số: Quy mô dân số (năm 2018) khoảng 68.600 người; dự báo đến năm 2025, dân số khoảng 93.000 người; dự báo đến năm 2035, dân số khoảng 125.000 người.

b) Dự báo nhu cầu đất xây dựng: Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu đất xây dựng khoảng 2.402 ha, trong đó đất xây dựng dân dụng là 680,29 ha. Dự kiến đến năm 2035, nhu cầu đất xây dựng khoảng 3.516 ha, trong đó đất xây dựng dân dụng là 979,41 ha.

c) Dự báo khách du lịch: Dự kiến đến 2035 tổng lượng khách du lịch lưu trú đạt khoảng 2 triệu lượt khách/năm; trong đó: khách quốc tế lưu trú 480.000 lượt/năm, khách nội địa lưu trú 1,5 triệu lượt khách/năm.

5. Định hướng phát triển không gian đô thị:

a) Khu vực phát triển đô thị:

- Khu vực phát triển đô thị có tổng diện tích 4.172 ha; dân số đến năm 2035 khoảng 109.000 người; là khu vực tập trung phát triển các chức năng đô thị; gồm 04 phân khu:

Phân khu 1: Khu đô thị Trần Phú - Minh Khai. Quy mô diện tích khoảng 964 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 25.000 người; gồm Khu đô thị trung tâm hiện hữu phường Trần Phú - Minh Khai (phía Đông sông Lô) và Khu đô thị mở rộng về phía Nam đến cửa ngõ phía Nam mới của Đô thị.

Phân khu 2: Khu đô thị Nguyễn Trãi. Quy mô diện tích khoảng 1.030 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 37.000 người; gồm Khu đô thị trung tâm hiện hữu phường Nguyễn Trãi (phía Tây sông Lô) và khu đô thị mở rộng về phía Tây đến quốc lộ 2 - Đường Hữu Nghị.

Phân khu 3: Khu đô thị Quang Trung. Quy mô diện tích khoảng 1.216 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 24.000 người; gồm Khu đô thị hiện hữu phường Quang Trung và Khu đô thị mở rộng về phía Bắc thuộc xã Phong Quang.

Phân khu 4: Khu đô thị Ngọc Hà. Quy mô diện tích khoảng 962 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 23.000 người; gồm Khu trung tâm đô thị dịch vụ - du lịch phường Ngọc Hà - Quang Trung (phía Nam sông Miện) và Khu đô thị mở rộng về phía Nam thuộc xã Ngọc Đường.

Khu vực Phát triển đô thị có 3 cửa ngõ chính, bao gồm:

Khu vực cửa ngõ phía Nam: quy mô khoảng 47 ha, khu vực đón Tuyến nối cao tốc dự kiến, là khu vực thương mại dịch vụ du lịch gắn với bến xe, quảng trường phía Nam mới.

Khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc: quy mô khoảng 37 ha, tại giao điểm của quốc lộ 4C đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, quốc lộ 34 đi Cao Bằng và đường đi trung tâm xã Tùng Bá, là công viên cảnh quan và dịch vụ du lịch gắn với bến xe phía Đông Bắc mới.

Khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc: quy mô khoảng 63 ha, tại cuối Đường Hữu Nghị đi Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, là trung tâm logistics hỗ trợ phát triển Khu kinh tế của khẩu Thanh Thủy, là đầu mối tuyến du lịch làng bản văn hóa dân tộc phía Tây thành phố Hà Giang.

- Định hướng không gian Khu vực phát triển đô thị:

Gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đô thị, bao gồm các sông suối chính, rừng tự nhiên, các núi Mỏ Neo, Cấm, Hàm Hổ, và một số núi thấp khác. Tạo lập tính đặc trưng đô thị du lịch bên sông.

Cải tạo nâng cấp cảnh quan sông Lô và sông Miện; bảo vệ hành lang thoát lũ và hành lang cây xanh hai bên sông và mặt nước; thiết lập hoạt động công cộng và du lịch ven sông; giảm thiểu thoát nước thải kém chất lượng từ thành phố ra sông; nâng cao chất lượng môi trường nước; chỉnh trang kiến trúc đô thị ven sông.

Phát triển, cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông; phát triển cấu trúc giao thông xuyên tâm với các trục đường chính đô thị song song với sông Lô và sông Miện; liên kết từ khu trung tâm hiện hữu về phía phường Nguyễn Trãi, xã Phong Quang, xã Ngọc Đường.

Liên kết các khu vực sinh thái ngoại ô với khu vực phát triển đô thị thông qua các tuyến du lịch cảnh quan, làng bản dân tộc, các trung tâm giới thiệu văn hóa bản địa. Thiết kế kiến trúc cảnh quan hài hòa với tự nhiên, thân thiện với văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu: Kế thừa cấu trúc, chức năng khu đô thị hiện hữu hai bên bờ sông Lô và khu đô thị Ngọc Hà - Quang Trung, ưu tiên phát triển các liên kết giao thông và hạ tầng với các khu vực phát triển mới. Chỉnh trang kiến trúc cảnh quan, ưu tiên phát triển các không gian cây xanh công cộng, vườn hoa, sân chơi trong các khu căn cứ đô thị hiện hữu.

Phát triển các khu đô thị mới: mở rộng từng bước từ khu đô thị hiện hữu, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ tại khu đô thị mở rộng phường Nguyễn Trãi.

b) Khu vực vành đai sinh thái:

- Khu vực vành đai sinh thái có tổng diện tích 13.755 ha; dân số đến năm 2035 khoảng 16.000 người; là khu vực tập trung phát triển các chức năng sinh thái bao quanh khu vực phát triển đô thị, gồm 05 phân khu:

Phân khu 5: Khu ven đô Ngọc Đường. Quy mô diện tích 2.702 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 3.500 người. Phát triển, gìn giữ không gian cảnh quan tự nhiên, không gian nông nghiệp, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ sinh thái tại thung lũng suối Nậm Tùy, bảo tồn - phát huy giá trị không gian định cư truyền thống của đồng bào dân tộc các thôn Nậm Tài, Bản Tùy, Nà Bàu, Tà Vải.

Phân khu 6: Khu ven đô Đạo Đức - Kim Thạch - Phú Linh. Quy mô diện tích khoảng 978 ha, dân số (đến năm 2035) khoảng 2.000 người. Phát triển dọc theo các hành lang giao thông cửa ngõ phía Nam đô thị, có vai trò hạn chế phát triển dàn trải đô thị về phía Nam.

Phân khu 7: Khu ven đô Phương Thiện. Quy mô diện tích khoảng 3.165 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 3.500 người. Phát triển dựa trên lợi thế không gian cảnh quan tự nhiên đẹp, nông nghiệp thung lũng sườn núi phía Tây thành phố và không gian định cư truyền thống các thôn Mè Thượng, Lâm Đồng, Cao Bành, Châng.

Phân khu 8: Khu ven đô Phương Độ. Quy mô diện tích khoảng 3.902 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 3.500 người. Phát triển và gìn giữ không gian cảnh quan tự nhiên hiện hữu, không gian nông nghiệp, phát triển các loại hình dịch vụ sinh thái tại thung lũng sườn núi phía Tây thành phố, bảo tồn - phát huy giá trị không gian định cư truyền thống các thôn Tân Thành, Hạ Thành, Lùng Vài, Khuổi My, Nà Thác, Bản Lúp.

Phân khu 9: Khu ven đô Phong Quang. Quy mô diện tích khoảng 3.009 ha, dân số đến năm 2035 khoảng 3.500 người. Phát triển và gìn giữ không gian cảnh quan tự nhiên hiện hữu, cảnh quan nông nghiệp, phát triển các loại hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại thung lũng Phong Quang.

- Định hướng không gian Khu vực vành đai sinh thái:

Hạn chế phát triển xây dựng đô thị; bảo tồn không gian sinh thái núi rừng; bảo vệ rừng, phát huy kiến trúc, văn hóa truyền thống tại các bản dân tộc; bảo vệ không gian sông suối, cảnh quan ruộng bậc thang, gắn với không gian sản xuất nông lâm nghiệp; khuyến khích, tổ chức phát triển các mô hình sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nâng cấp cải tạo hệ thống đường giao thông kết nối các bản dân tộc, giao thông thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn; cải tạo hệ thống thủy lợi; kiểm soát chặt chẽ về phát thải, đảm bảo chất lượng môi trường; hạn chế hoạt động mai táng tự phát vào đất ruộng, đất rừng.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:

a) Cơ quan hành chính:

Trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa tỉnh Hà Giang: diện tích 35 ha, hiện hữu tại phường Nguyễn Trãi. Cải tạo nâng cấp chỉnh trang, tạo lập không gian kiến trúc hài hòa với cảnh quan chung, đảm bảo tính thân thiện, trang nghiêm.

Trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa thành phố Hà Giang: diện tích 13,0 ha, xây dựng mới tại phường Nguyễn Trãi.

Rà soát, đánh giá và di dời các cơ sở hành chính hiện hữu, ưu tiên dành quỹ đất cũ cho tái phát triển đô thị với các chức năng cây xanh, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ du lịch.

b) Công trình công cộng đô thị:

Văn hóa thể thao: Xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh, diện tích khoảng trên 20 ha tại phường Nguyễn Trãi.

Y tế và chăm sóc sức khỏe: Quy hoạch cụm các bệnh viện tỉnh Hà Giang mới tại Km11 quốc lộ 2 thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Đảm bảo thuận tiện tiếp cận tuyến đường nối cao tốc dự kiến đến thành phố.

Giáo dục đào tạo: Nâng cấp cải tạo hệ thống công trình giáo dục đào tạo hiện hữu, bổ sung các công trình cấp khu đô thị, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại II.

c) Công viên cây xanh, mặt nước, quảng trường và tuyến đi bộ:

- Công viên cây xanh, mặt nước:

Tổng diện tích 403 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước sông suối và rừng tự nhiên). Cải tạo hành lang xanh ven sông Lô, sông Miện, tăng khả năng tiếp cận tối ưu, cải tạo cảnh quan môi trường vệ sinh hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa công cộng hiện hữu trong đô thị;

Ưu tiên sử dụng quỹ đất ven sông chưa xây dựng và quỹ đất sau khi di dời các công trình hành chính để tổ chức không gian cây xanh vườn hoa công cộng, có đường giao thông tiếp cận thuận tiện. Gìn giữ cải tạo các không gian mặt nước, đảm bảo thoát nước mưa đô thị.

- Quảng trường và tuyến đi bộ:

Tổng diện tích khoảng 6,7 ha, gồm 04 địa điểm: Quảng trường trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa tỉnh Hà Giang hiện hữu cải tạo, Quảng trường - công viên 26/3 hiện hữu cải tạo, Quảng trường Cầu Mè cải tạo từ bến xe phía Nam hiện hữu, Quảng trường cửa ngõ phía Nam mới. Các quảng trường cấp khu đô thị được xác định theo dự án riêng;

Nghiên cứu, phát triển các tuyến phố đi bộ tại các trung tâm, quảng trường và dọc theo hai bên sông. Tổ chức, khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ công cộng đa dạng tại các quảng trường, tuyến phố đi bộ, hấp dẫn du lịch và nâng cao bản sắc đặc trung đô thị.

d) Thương mại và dịch vụ:

Chỉnh trang nâng cấp hệ thống thương mại dịch vụ đồng bộ các khu đô thị trung tâm hiện hữu, gồm: Khu trung tâm đô thị hiện hữu hai bên sông Lô; Khu trung tâm đô thị dịch vụ - du lịch phường Ngọc Hà và Quang Trung.

Phát triển 04 khu trung tâm hỗn hợp mới, gồm: Khu đô thị dịch vụ Hồ Hà Phương (khoảng 40 ha); Khu đô thị logistics Phương Độ (khoảng 30 ha); Khu đô thị đầu mối Cầu Mè (bến xe phía Nam hiện hữu, khoảng 27 ha); Khu đô thị hỗn hợp Phong Quang (khoảng 260 ha).

Phát triển 06 khu vực chức năng mới, gồm: Điểm du lịch sinh thái Núi Mỏ Neo (khoảng 70 ha); điểm du lịch tâm linh Núi Cấm (khoảng 32 ha); Điểm du lịch lâm viên Núi Hàm Hổ (khoảng 74 ha); điểm du lịch sinh thái Chum Vàng - Chum Bạc (khoảng 13 ha); công viên vui chơi giải trí thể dục thể thao cao cấp Phong Quang (khoảng 95 ha); điểm du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên (khoảng 22 ha) và điểm du lịch sinh thái Suối Tiên (khoảng 16 ha).

Hệ thống chợ - trung tâm thương mại cấp thành phố: Tổng diện tích khoảng 6,4 ha; gồm 02 địa điểm: Chợ Hà Giang hiện hữu và khu thương mại cửa ngõ phía Nam mới. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại tại các khu chức năng đô thị được xác định đảm bảo thuận tiện sử dụng, đáp ứng nhu cầu đô thị.

đ) Du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái:

Hình thành 02 tuyến du lịch cộng đồng tại Khu vực vành đai xanh sinh thái phía Đông và phía Tây thành phố. Tuyến phía Đông liên kết các thôn Bản Châng, Cao Bành, Tiến Thắng, Lâm Đồng, Mè Thượng, Bản Lúp, Nà Thác, Bản Mê, Bản Tha, Hạ Thành, Tân thành, Khuổi My, Lùng Vài... Tuyến phía Tây liên kết các thôn Bản Lắp, Bản Chang, Bản Thẳm, Tà Vài, Bản Tùy, Nậm Tài, Bản Cưởm, Nà Bàu.

Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại các bản dân tộc trong các phân khu ven đô, bảo tồn giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống, sinh kế bản địa; nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường; quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch; quy định quản lý chặt chẽ đối với hoạt động xây dựng tại khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và vùng đệm.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ lưu trú gia đình tại các thôn bản truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, trang trại nông nghiệp công nghệ cao.

7. Quy hoạch sử dụng đất:

Đô thị Hà Giang có tổng diện tích đất tự nhiên là 17.926,2 ha; được chia thành 02 nhóm sử dụng đất chính là đất xây dựng và đất khác (hạn chế xây dựng): Hiện trạng năm 2018: quỹ đất xây dựng khoảng 1.845 ha, chiếm 10% tổng diện tích tự nhiên; đến năm 2025: quỹ đất xây dựng khoảng 2.402 ha, chiếm 13%; đến năm 2035: quỹ đất xây dựng khoảng 3.516 ha, chiếm 20%.

Bảng 7.1. Quy hoạch sử dụng đất theo giai đoạn đến năm 2035:

TT

Sử dụng đất

Năm 2018

(ha)

Năm 2025

(ha)

Năm 2035

(ha)

AB

Tổng diện tích tự nhiên Đô thị

17.926,20

17.926,20

17.926,20

A

Đất xây dựng

1.845,12

2.402,19

3.516,32

A1

Đất dân dụng

530,72

680,29

979,41

1

Đơn vị ở

318,67

408,98

589,58

1.1

Đơn vị ở mới

0,00

90,30

270,91

1.2

Đơn vị ở hiện hữu

318, 67

318, 67

318, 67

2

Công cộng đô thị

86,83

96,13

113,37

2.1

Y tế

15,90

16,66

18,17

2.2

Giáo dục

36,02

38,96

44,83

2.3

CTCC khác

35,59

40,52

50,37

3

Cây xanh sử dụng công cộng

31,66

51,34

90,70

4

Giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác

92,88

123,84

185,76

A2

Đất ngoài dân dụng

1.314,39

1.721,90

2.536,91

1

Trụ sở cơ quan

30,83

34,42

41,60

2

Dịch vụ công cộng (cấp Tỉnh)

24,47

32,73

49,23

3

Giáo dục đào tạo chuyên nghiệp

2,08

2,08

2,08

4

Hỗn hợp thương mại, dịch vụ, du lịch

3,42

125,22

368,81

5

Cụm công nghiệp

1,38

4,29

10,12

6

Đầu mối hạ tầng kỹ thuật

9,35

14,38

24,45

7

Di tích, tôn giáo, tín ngưỡng

3,41

3,41

3,41

8

Nghĩa trang

23,27

23,27

23,27

9

An ninh quốc phòng

471,51

471,51

471,51

10

Vườn tạp

637,34

804,76

1.139,61

11

Cây xanh khác

14,45

81,99

217,07

12

Giao thông

92,88

123,84

185,76

B

Đất khác

16.081,08

15.524,01

14.409,88

1

Rừng đặc dụng

2.067,58

2.067,58

2.067,58

2

Rừng phòng hộ

4.229,28

4.229,28

4.229,28

3

Rừng sản xuất

5.886,17

5.695,27

5.313,45

4

Sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái

3.030,37

2.834,55

2.442,89

5

Mặt nước (sông, suối)

356,68

356,68

356,68

8

Chưa sử dụng và đất khác

511,00

340,67

0,00

8. Định hướng kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

a) Cải tạo chỉnh trang hành lang sông Lô, sông Miện:

Cải tạo môi trường cảnh quan sinh thái đô thị bên sông; bảo vệ vệ sinh môi trường nước. Đảm bảo khả năng tiếp cận giao thông tối ưu về phía sông. Xây dựng đường dạo, tuyến phố đi bộ, thiết kế kiến trúc cảnh quan mặt kè, tạo không gian xanh tự nhiên sinh thái, chỉnh trang mặt đứng kiến trúc đô thị dọc hai bên sông. Tạo lập hoạt động văn hoá, lễ hội, dịch vụ du lịch tại các không gian công cộng ven sông.

Nghiên cứu, phát triển kiến trúc điểm nhấn đô thị tại các khu vực có tầm nhìn đẹp dọc hai bên sông. Xây dựng tuyến đường du lịch sinh thái cảnh quan lên đỉnh Núi Mỏ Neo.

b) Bảo tồn và phát huy giá trị các cao điểm trong đô thị:

Khu vực dãy núi phía Tây thành phố, thiết lập tuyến du lịch bản vùng cao;

Khu vực núi Mỏ Neo và núi Cấm: xây dựng điểm, tuyến du lịch sinh thái gắn với công viên vui chơi giải trí, ngoạn cảnh.

Khu vực núi Hàm Hổ: bảo tồn rừng, lâm viên, kết hợp giới thiệu đa dạng sinh học, các sản phẩm tự nhiên của tỉnh Hà Giang.

Tại chuỗi các điếm cao sườn núi hai bên sông Lô: phát triển các tuyến du lịch xe đạp, các điểm dừng nghỉ, giải trí mạo hiểm, tàu lượn, khí cầu, nhảy dù, lễ hội thả diều, cáp trượt kết nối hoạt động giải trí hai bên sông.

Bảo vệ, giữ gìn môi trường cảnh quan tự nhiên, không xây dựng các công trình có khối tích và kiến trúc không phù hợp, cản trở tầm nhìn, gây ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên.

c) Phát triển đường Hữu Nghị thành tuyến du lịch ven đô:

Phát triển xây dựng hệ thống điểm dịch vụ du lịch theo tuyến: điểm dịch vụ du lịch đầu tuyến là điểm trung chuyển du lịch tỉnh. Hình thành quảng trường văn hóa du lịch mới phía Nam, trưng bày quảng bá sản phẩm du lịch truyền thống. Liên kết cửa ngõ với tuyến du lịch thôn bản phía Tây thành phố; điểm dịch vụ du lịch giữa tuyến tại Khu đô thị dịch vụ quanh hồ Hà Phương, phát triển không gian văn hóa các dân tộc Hà Giang; điểm dịch vụ du lịch cuối tuyến tại Trung tâm hành chính, văn hóa xã Phương Độ, là điểm dịch vụ tuyến du lịch thôn bản phía Tây thành phố.

9. Định hướng phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Hệ thống giao thông:

- Giao thông đối ngoại:

Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang có nút giao với đô thị thuộc địa phận xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên; đường tránh quốc lộ 2 đi cửa khẩu Thanh Thủy qua đô thị, là đường Vành đai đô thị phía Đông và phía Bắc khu vực Phát triển đô thị; quốc lộ 4C đoạn qua đô thị Hà Giang, có điểm đầu tại đầu cầu Phong Quang và điểm cuối tại cầu Phương Tiến; quốc lộ 2C kéo dài, đoạn qua đô thị Hà Giang, là tuyến đường vành đai phía Đông, kết thúc tại Bến xe phía Bắc.

Xây dựng Bến xe phía Nam thuộc Khu đô thị Trần Phú - Minh Khai; xây dựng Bến xe phía Bắc tại vị trí cửa ngõ phía Bắc, giao điểm đường vành đai phía Đông với đường quốc lộ 2C kéo dài.

- Giao thông đô thị:

Xây dựng các tuyến đường vành đai đô thị: Vành đai phía Đông từ nút giao Minh Khai đi qua xã Ngọc Đường, đấu nối với quốc lộ 34 đi Bắc Mê, Cao Bằng; vành đai phía Bắc đi qua xã Phong Quang, kết nối với quốc lộ 4 và quốc lộ 2 đi Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; vành đai phía Tây là đường Hữu Nghị.

Giao thông trong khu đô thị hiện hữu cơ bản kế tục hướng tuyến và lộ giới đã quy hoạch. Xây dựng mới các tuyến: Từ ngã ba cầu Phong Quang đi Khu đô thị Hà Phương; tuyến đường ven sông Lô qua tổ 2,3 phường Quang Trung; đường Phùng Hưng kéo dài (từ cầu suối Tiên - đường Lý Thường Kiệt).

Giao thông tại các khu đô thị phát triển mới: xây dựng các trục đường chính kết nối với mạng đường vành đai và liên kết với trung tâm đô thị cũ.

Nghiên cứu tổ chức hệ thống bãi đỗ xe tại các khu trung tâm đô thị, khu vực cửa ngõ đô thị, các khu công viên, quảng trường và khu dân cư, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng giao thông tĩnh của đô thị.

- Giao thông nông thôn khu vực ngoại thị:

Nâng cấp hệ thống đường giao thông liên kết các bản dân tộc, liên thông mạng lưới đường liên xã, làng bản với mạng lưới đường tỉnh; xây dựng các tuyến đường du lịch tiếp cận các điểm du lịch núi Hàm Hổ; núi Mỏ Neo, núi Cấm và khu vực sườn núi phía Tây thành phố Hà Giang.

- Công trình giao thông:

Xây dựng nút giao lập thể cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang với đô thị; Tại khu vực phát triển đô thị mới, bố trí các bến bãi đỗ xe với tổng diện tích tối thiểu đạt 1,5 - 2% đất xây dựng đô thị; xây dựng và nâng cấp các cầu qua sông theo quy hoạch, gồm xây mới 06 cầu cơ giới, xây mới 02 cầu đi bộ, chỉnh trang nâng cấp 07 cầu cơ giới hiện hữu. Nghiên cứu kiến trúc công trình cầu qua sông khai thác phát huy hình thái kiến trúc đặc trưng bản sắc, góp phần làm phong phú kiến trúc đô thị bên sông.

b) Hệ thống cao độ nền, thoát nước mặt:

- Cao độ nền xây dựng:

Đối với khu vực đô thị hiện hữu: cao độ nền xây dựng cơ bản giữ nguyên theo cao độ nền xây dựng hiện trạng, cải tạo chỉnh trang cao trình xây dựng đạt cao trình thiết kế.

Đối với khu vực xây dựng mới: cao độ nền xây dựng tuân thủ theo quy chuẩn hiện hành. Tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, hạn chế san lấp lớn, chỉ san lấp cục bộ khu vực xây dựng công trình, kè taluy chống sạt lở, đảm bảo độ dốc theo quy định.

- Mạng lưới thoát nước mặt:

Phân chia địa bàn thành 03 lưu vực thoát nước chính sau:

Lưu vực 1 (phía Đông Bắc Đô thị): Cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước mưa trong khu dân cư hiện hữu. Xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa riêng cho khu vực dân cư phát triển mới và khu công nghiệp. Hướng thoát nước về các khe tụ thủy, ra suối Bản Cưởm, suối Nậm Thấu, thoát ra sông Miện.

Lưu vực 2 (phía Tây Bắc Đô thị): Cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước mưa trong khu dân cư hiện hữu. Xây dựng mới hệ thống thoát nước riêng cho khu vực phát triển mới. Hướng thoát nước về các khe tụ thủy, ra suối Tiên, suối Nậm Tha và Nậm Lúp, thoát ra sông Lô.

Lưu vực 3 (phía Nam đô thị): Nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước mưa tại khu dân cư hiện hữu và bổ sung xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa còn thiếu, đảm bảo 100% đường giao thông trong nội đô có mạng lưới thoát nước mưa. Hướng thoát nước về các khe tụ thủy và suối Châng, thoát ra sông Lô.

c) Hệ thống cấp nước:

- Nhu cầu và nguồn nước:

Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm khai thác nước ngầm. Đối với nguồn nước mặt, ngoài nguồn nước từ sông Miện (hiện có), bổ sung các nguồn nước sau:

Nguồn nước suối Sửu thuộc xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Nước dẫn từ đập nước tự chảy về nhà máy xử lý.

Nguồn nước suối Tha, thuộc xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Dẫn nước tự chảy từ đập dâng về bể điều hòa để cấp nước cho nhà máy nước.

Nguồn nước suối Châng (suối Má, thuộc xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên. Lấy nước từ đập dâng, dẫn nước tự chảy về nhà máy nước.

Nguồn nước sông Miện tại hồ thủy điện sông Miện 6, thuộc phường Quang Trung và xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang. Bố trí công trình thu nước ven bờ hồ thủy điện sông Miện 6 để dẫn nước về nhà máy nước.

- Công trình đầu mối:

Nhà máy xử lý nước Sông Miện nâng công suất thành 16.000 m3/ngày đêm (bao gồm công suất trạm xử lý nước sông Miện - OECF: 1.500 m3/ngày đêm) cấp nước cho khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố.

Nhà máy nước suối Sửu (xã Phương Tiến): công suất 10.000 m3/ngày đêm cấp nước cho khu vực Tây Bắc sông Lô và khu vực Phong Quang.

Nhà máy nước suối Châng (xã Cao Bồ): công suất 5.000 m3/ngày đêm cấp nước cho khu vực phía Tây Nam sông Lô.

Nhà máy nước suối Tha (thôn Nà Thác - xã Phương Độ): công suất 5.000 m3/ngày đêm dự phòng cấp nước cho khu vực phía Tây Bắc sông Lô trong giai đoạn dài hạn.

Nhà máy nước sông Miện 2 (phương án cấp nước dự phòng): công suất 20.000 m3/ngày đêm cấp nước cho khu vực phát triển mới Đông sông Lô và một phần khu vực trung tâm thành phố Hà Giang.

- Mạng lưới đường ống

Cải tạo, nâng cấp, khép mạch vòng và phủ kín mạng dịch vụ cho khu vực nội thị, bổ sung mạng lưới cấp nước mạng vòng cho các khu vực đô thị mới kết nối với mạng lưới cấp nước hiện hữu. Cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường ống hiện hữu. Xây dựng trạm bơm tăng áp và đài nước tạo áp lực cho khu vực phía Tây thành phố Hà Giang. Sử dụng hệ thống cấp nước chữa cháy áp lực thấp với đường ống cấp nước chữa cháy dùng chung với đường ống cấp nước sinh hoạt.

Các khu dân cư nông thôn nằm trên các tuyến đường giao thông chính, gần các nhà máy nước, hoặc có điều kiện tiếp cận thuận lợi với hệ thống cấp nước đô thị, sử dụng nước từ hệ thống cấp nước toàn đô thị. Các khu dân cư phân tán, không có điều kiện tiếp cận hệ thống cấp nước đô thị sử dụng hệ thống cấp nước nông thôn với nguồn kết hợp từ các suối, nước ngầm dành cho quy mô cụm, điểm dân cư và hệ thống giếng khoan mạch nông dùng cho quy mô hộ gia đình.

d) Hệ thống cấp điện:

- Nhu cầu và nguồn điện:

Tổng nhu cầu điện thành phố Hà Giang đến năm 2035 khoảng 95MW; nguồn cấp điện cho thành phố Hà Giang lấy trực tiếp từ TBA 110 KV Hà Giang, công suất hiện trạng 2x25MVA, dự kiến đến 2025 nâng lên 1x25MVA 1x40MVA, đến năm 2035 là 1x40MVA 1x63MVA.

Lưới điện 220kV: Giữ nguyên hướng tuyến các đường dây 220kV hiện có trên địa bàn. Công suất TBA 220kV Hà Giang sẽ được làm rõ theo nhu cầu sử dụng và truyền tải điện phục vụ cho vùng.

Lưới điện 110kV: Đảm bảo hành lang an toàn vận hành cho các tuyến 110kV; Xây dựng mới đường dây 110kV đấu nối từ nhà máy thủy điện Phong Quang, đấu nối chuyển tiếp từ đường dây 110kV Maomaotiao - Hà Giang; Xây dựng mới đường dây 110kV đấu nối từ trạm 220kV Hà Giang đến trạm 110kV Bắc Mê.

Lưới điện 35kV: lưới 35kV từ TBA 110kV Hà Giang liên kết giữa thành phố và các vùng lân cận.

Lưới điện 22kV: Các đường dây 22kV sau TBA 110kV Hà Giang (lộ 471, 472, 473, 474 và 476) ngầm hóa từng bước trong khu vực phát triển đô thị.

- Lưới hạ thế và chiếu sáng:

Đối với khu vực phát triển đô thị: cải tạo và xây dựng mới theo dạng cáp ngầm đồng bộ với cải tạo cảnh quan hạ tầng đô thị theo tuyến phố. Các khu vực ngoại thị có thể đi nổi, sử dụng cáp vặn xoắn.

Bổ sung hệ thống chiếu sáng đường đến cấp ngõ xóm. Nghiên cứu các loại hình chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng thông tin tín hiệu phục vụ du lịch.

đ) Hệ thống thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Thoát nước thải:

Hệ thống thoát nước thải toàn Đô thị Hà Giang thiết kế thoát nước riêng giữa nước mưa và nước thải. Nước thải công nghiệp phải được thu gom và xử lý riêng đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Nước thải được thu gom bằng mạng lưới cống thoát có đường kính D300-600 mm, qua các trạm bơm nước thải và dẫn về trạm xử lý tập trung. Đối với các khu du lịch, khu ở mật độ thấp, nước thải được xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn môi trường theo từng công trình hoặc nhóm công trình trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Khu vực quy hoạch gồm hai lưu vực là Đông sông Lô và Tây sông Lô:

- Lưu vực Đông sông Lô: mạng lưới thoát nước riêng với 03 trạm xử lý nước thải: Trạm 1 - 3.000 m3/ngày đêm, Trạm 4 - 3.200 m3/ngày đêm, Trạm 5 - 2.000 m3/ngày đêm.

- Lưu vực Tây sông Lô: mạng lưới thoát nước riêng với: Trạm 2 - 4.000 m3/ngày đêm, Trạm 3 - 1.500 m3/ngày đêm.

- Các khu vực nông thôn và khu vực dân cư phân tán, nước thải được xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra hệ thống.

b) Quản lý chất thải rắn:

Chất thải rắn đô thị phải được phân loại tại nguồn trước khi thu gom, vận chuyển đến khu xử lý của thành phố; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn mới tại xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên, quy mô 13,2 ha, công suất 150 - 200 tấn/ngày phục vụ cho thành phố và khu vực phụ cận.

- Quản lý nghĩa trang:

Xây dựng mới 02 nhà tang lễ thành phố: 01 tại bệnh viện đa khoa tỉnh; 01 xây mới tại nghĩa trang hiện hữu, phường Nguyễn Trãi; từng bước ngừng chôn cất hung táng tại các nghĩa trang hiện hữu trong nội thành, chỉ tiếp nhận mộ cát táng, hỏa táng; mở rộng nghĩa trang hiện có tại xã Ngọc Đường, diện tích 5,0 ha; định hướng xây dựng 01 công viên nghĩa trang mới tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, quy mô 20 ha (ngoài phạm vi Đô thị Hà Giang) có dịch vụ hỏa táng.

10. Định hướng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu:

a) Giải pháp bảo vệ môi trường đối với Khu vực phát triển đô thị:

Đối với khu vực trung tâm đô thị và các khu vực phát triển đô thị mới Ngọc Hà, Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường đô thị hiện hữu và kiểm soát môi trường khu đô thị mới. Khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phong Quang và khu vực phía Nam áp dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến hạn chế sử dụng chất hóa học gây ô nhiễm.

b) Giải pháp bảo vệ môi trường đối với Khu vực vành đai sinh thái:

Khu vực hai bên sông Lô, sông Miện, khu vực đồi núi, cây xanh mặt nước trong đô thị: bảo vệ và phát triển hệ sinh thái cây xanh, mặt nước.

Khu vực núi phía Tây Nam và phía Bắc, Đông Bắc đô thị: bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng thành vùng đệm để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Khu vực dân cư nông thôn, làng bản hiện hữu: bảo vệ, phát huy tập quán văn hóa sinh hoạt văn minh truyền thống, cảnh quan tự nhiên và cải thiện vệ sinh môi trường.

c) Giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu:

Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó biến đổi khí hậu. Lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của khu vực chịu ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu thiết kế nhà ở, công trình chống chịu gió bão, ngập lụt, xạt lở đất; xây dựng đồng bộ và kiên cố hóa đường, kè cảnh quan ven sông Lô, sông Miện kết hợp tạo lập cảnh quan đô thị ven sông.

11. Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư:

a) Đối với các khu vực đô thị hiện hữu:

- Chỉnh trang cảnh quan sông Lô, sông Miện.

- Cải tạo nâng cấp khu vực bến xe phía Nam hiện hữu.

- Cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố khu vực phường Minh Khai, Trần Phú.

- Cải tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái Núi Cấm; núi Hàm Hổ.

- Tái phát triển công trình thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp tại các cơ sở hành chính cũ của thành phố sau khi di dời.

b) Đối với các khu vực phát triển đô thị và nông thôn:

- Xây dựng Trung tâm thể thao - văn hóa tỉnh Hà Giang.

- Xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị mới thành phố Hà Giang.

- Xây dựng khu vực đô thị cửa ngõ mới phía Nam, phía Bắc.

- Xây dựng khu trung tâm xã - trung tâm logistics Phương Độ.

- Xây dựng khu cây xanh thể dục thể thao, vui chơi giải trí cao cấp Phong Quang.

- Xây dựng đô thị mới Ngọc Hà - Ngọc Đường; Nguyễn Trãi - Phương Độ; khu vực phía Nam phường Minh Khai; khu vực Phong Quang.

- Xây dựng, nâng cấp cải tạo các trung tâm xã nông thôn, các tuyến giao thông kết nối với đô thị, các tuyến đường giao thông liên xã.

c) Đối với các khu vực cảnh quan sinh thái:

- Xây dựng khu du lịch sinh thái núi Núi Mỏ Neo.

- Nâng cấp các tuyến đường giao thông phục vụ du lịch sinh thái.

- Bảo tồn phát huy giá trị các làng bản dân tộc thuộc khu vực xã Phương Thiện - Phương Độ, Ngọc Đường.

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phong Quang.

- Phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp - du lịch sinh thái.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định;

- Ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung được phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc cho các khu chức năng trong phạm vi quy hoạch này, làm cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng;

- Xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên, thu hút đầu tư cho phát triển đô thị;

- Chỉ đạo lập kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội - kỹ thuật; quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng của đô thị theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức việc rà soát, đánh giá quá trình thực hiện theo quy hoạch chung được duyệt, để kịp thời điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

2. Giao Bộ Xây dựng:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức công bố quy hoạch, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định. Kiểm tra việc thực hiện theo Quy hoạch và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung được duyệt.

- Xem xét, hướng dẫn các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hà Giang, có văn bản thống nhất nội dung trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật.

3. Giao các bộ, ngành có liên quan:

Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trong quá trình thực hiện Quy hoạch chung đô thị Hà Giang được duyệt theo quy định chức năng nhiệm vụ của bộ, ngành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, NN, NC, KGVX, PL, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, CN (3b). Tuấn

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚ
NG




Trịnh Đình Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1578/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1578/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản