Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1537/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SO SÁNH LIÊN PHÒNG VỀ ĐO LƯỜNG”

BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đầu mối rà soát, tổng hợp yêu cầu thực tế hằng năm, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 4. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Xuân Định

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SO SÁNH LIÊN PHÒNG VỀ ĐO LƯỜNG
(Kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Chương I

MỤC ĐÍCH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Điều 1. Mục đích

Văn bản này hướng dẫn việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường nhằm thực hiện đánh giá năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường của tổ chức tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức chủ trì thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

2. Tổ chức điều phối chương trình so sánh liên phòng.

3. Tổ chức tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

4. Cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. So sánh liên phòng về đo lường là việc tổ chức, thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng mẫu so sánh (a measurement artifact) hoặc trên các mẫu so sánh tương tự nhau bởi nhiều tổ chức tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng theo những điều kiện xác định trước.

2. Mẫu so sánh là phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường được lựa chọn để thực hiện so sánh liên phòng.

3. Tổ chức chủ trì thực hiện chương trình so sánh liên phòng (viết tắt là tổ chức chủ trì) là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

4. Tổ chức điều phối chương trình so sánh liên phòng (viết tắt là tổ chức điều phối) là tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện mọi hoạt động liên quan trong việc triển khai chương trình so sánh liên phòng từ giai đoạn bắt đầu đến giai đoạn kết thúc.

5. Tổ chức tham gia chương trình so sánh liên phòng (viết tắt là tổ chức tham gia) là doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng theo Hướng dẫn này.

6. Các từ ngữ khác trong Hướng dẫn này được quy định trong Luật Đo lường và các văn bản pháp luật, tài liệu tiêu chuẩn có liên quan.

Điều 4. Các chương trình so sánh liên phòng

1. Chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Tổ chức điều phối là Viện Đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc tổ chức giữ chuẩn đo lường quốc gia;

b) Kết quả thực hiện chương trình được sử dụng tại ít nhất hai ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc được dùng để lựa chọn tổ chức điều phối trong chương trình so sánh liên phòng cơ sở;

c) Mang mã số chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia theo hướng dẫn này.

2. Chương trình so sánh liên phòng cấp cơ sở đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Tổ chức điều phối là các tổ chức giữ, duy trì, bảo quản và khai thác, sử dụng chuẩn đo lường chính của ngành, lĩnh vực hoặc vùng hoặc địa phương và đã tham gia thực hiện Chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia;

b) Kết quả thực hiện chương trình được áp dụng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương;

c) Mang mã số chương trình so sánh liên phòng cơ sở theo Hướng dẫn này.

Chương II

XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SO SÁNH LIÊN PHÒNG

Điều 5. Tổ chức thực hiện chương trình so sánh liên phòng

1. Tổ chức chủ trì quyết định tổ chức thực hiện chương trình so sánh liên phòng dựa trên các nội dung sau:

a) Có đề xuất nhu cầu từ tổ chức điều phối dự kiến hoặc yêu cầu quản lý nhà nước về việc triển khai thực hiện chương trình;

b) Mục tiêu của chương trình phù hợp với mục đích tại Điều 1 của Hướng dẫn này;

c) Có mẫu so sánh phù hợp mục tiêu của chương trình;

d) Có dự thảo thủ tục kỹ thuật phù hợp;

đ) Có tổ chức điều phối dự kiến phù hợp;

e) Có các tổ chức đủ năng lực kỹ thuật dự kiến tham gia thực hiện chương trình;

g) Có dự kiến kinh phí phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

2. Tổ chức điều phối được xác định theo các nội dung như sau:

a) Đáp ứng tiêu chí về tổ chức điều phối đối với chương trình so sánh liên phòng tương ứng tại Điều 4 của Hướng dẫn này;

b) Có đủ năng lực triển khai thực hiện các phép đo hoặc phép thử cụ thể phù hợp với mục tiêu của chương trình;

c) Được sự đồng thuận đề xuất của các tổ chức tham gia chương trình hoặc được tổ chức chủ trì lựa chọn.

3. Kinh phí triển khai thực hiện chương trình

a) Các khoản kinh phí chính để tổ chức triển khai thực hiện chương trình gồm: mua sắm mẫu so sánh, mua sắm vật tư tiêu hao để thực hiện phép đo, thử nghiệm; chi phí đóng gói và vận chuyển; chi cho hội thảo chuẩn bị, hội thảo kết thúc, hội đồng tư vấn chuyên môn và các chi phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Kinh phí được thảo luận, thống nhất giữa tổ chức điều phối và các tổ chức tham gia thực hiện chương trình;

c) Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện chương trình gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác;

d) Việc sử dụng kinh phí của chương trình bảo đảm công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật.

4. Mã số của chương trình

a) Mã số của chương trình theo Phụ lục I kèm theo Hướng dẫn này;

b) Tổ chức chủ trì quyết định mã số của chương trình khi quyết định tổ chức thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

5. Tùy theo mục tiêu, phạm vi của chương trình, tổ chức chủ trì tổ chức cuộc họp tư vấn chuyên môn để quyết định tổ chức thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

6. Tổ chức chủ trì thông báo bằng văn bản cho tổ chức điều phối về việc quyết định tổ chức triển khai chương trình và đăng trên cổng thông tin điện tử của tổ chức chủ trì.

Điều 6. Triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng

1. Trình tự triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng

a) Trình tự chung triển khai chương trình so sánh liên phòng

a.1) Xây dựng dự thảo thủ tục kỹ thuật;

a.2) Mời các tổ chức tham gia thực hiện chương trình;

a.3) Tổ chức hội thảo chuẩn bị;

a.4) Tổ chức luân chuyển mẫu so sánh và thực hiện so sánh theo thủ tục kỹ thuật;

a.5) Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả;

a.6) Tổ chức hội thảo kết thúc;

a.7) Xem xét phê duyệt và công bố kết quả chính thức.

b) Tùy theo mục tiêu, phạm vi của chương trình, trên cơ sở đề xuất của tổ chức điều phối, tổ chức chủ trì quyết định thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc của chương trình tại điểm a Khoản 1 Điều này.

2. Xây dựng dự thảo thủ tục kỹ thuật

a) Tổ chức điều phối xây dựng dự thảo thủ tục kỹ thuật với các nội dung chính sau:

a.1) Mục tiêu của chương trình;

a.2) Phạm vi của chương trình (như số lượng các tổ chức dự kiến tham gia thực hiện chương trình; dự kiến phạm vi áp dụng kết quả của chương trình...);

a.3) Kế hoạch thực hiện (như thời gian bắt đầu, kết thúc...);

a.4) Lựa chọn và mô tả cụ thể về mẫu so sánh (như tên nhà sản xuất, nước sản xuất, kiểu, số seri, độ ổn định mẫu so sánh, kích thước, khối lượng, bao gói... và các thông số kỹ thuật để vận hành mẫu so sánh);

a.5) Đặc tính đo lường của mẫu cần được đo, thử nghiệm;

a.6) Hướng dẫn về vận chuyển mẫu so sánh, bao gồm tháo dỡ bao gói, đóng gói lại và vận chuyển cho tổ chức tham gia thực hiện chương trình tiếp theo. Hướng dẫn bao gồm danh sách đầy đủ các thành phần của gói, trọng lượng và kích thước của toàn bộ gói hàng;

a.7) Điều kiện thực hiện phép đo, thử nghiệm mẫu so sánh;

a.8) Hướng dẫn phương pháp đo, thử nghiệm và xử lý kết quả;

a.9) Hướng dẫn lập báo cáo kết quả so sánh và thời gian nộp báo cáo về tổ chức điều phối.

b) Dự thảo thủ tục kỹ thuật được xây dựng phù hợp với Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam, tài liệu, hướng dẫn của Ủy ban cân đo quốc tế, tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, tài liệu của nhà sản xuất có liên quan và phù hợp với mục tiêu, phạm vi của chương trình.

3. Mời các tổ chức tham gia thực hiện chương trình

Tổ chức điều phối gửi văn bản kèm theo dự thảo thủ tục kỹ thuật đến các tổ chức dự kiến tham gia thực hiện để đăng ký tham gia thực hiện chương trình.

4. Tổ chức hội thảo chuẩn bị

a) Tổ chức điều phối tổ chức hội thảo chuẩn bị với sự tham gia của đại diện tổ chức chủ trì, đại diện các tổ chức tham gia thực hiện chương trình, các chuyên gia và khách mời.

b) Hội thảo thảo luận, thống nhất các nội dung chính sau:

b.1) Thủ tục kỹ thuật;

b.2) Năng lực cần đáp ứng của tổ chức tham gia thực hiện chương trình (như nhân lực, thiết bị, phương pháp đo và các điều kiện liên quan để thực hiện phép đo thử nghiệm);

b.3) Chia sẻ kinh nghiệm tham gia so sánh liên phòng, kiến thức chuyên môn kỹ thuật (như lý thuyết về phép đo, đánh giá độ không đảm bảo đo và thực hành đo, thử nghiệm.,.);

b.4) Danh sách các tổ chức tham gia thực hiện chương trình.

5. Luân chuyển mẫu và các tổ chức tham gia thực hiện chương trình thực hiện theo thủ tục kỹ thuật đã thống nhất trong hội thảo chuẩn bị tại khoản 4 Điều này.

6. Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả

a) Tổ chức điều phối lập dự thảo báo cáo kết quả so sánh liên phòng lần thứ nhất (dự thảo báo cáo lần thứ nhất) gồm thông tin về chương trình, mã số và kết quả đo, thử nghiệm của từng tổ chức tham gia thực hiện chương trình theo Mẫu BCKQCT tại Phụ lục II của Hướng dẫn này;

b) Dự thảo báo cáo lần thứ nhất được gửi đến các tổ chức tham gia thực hiện chương trình để góp ý (như lỗi đánh máy, sai lỗi về đơn vị đo, lỗi sao chép từ báo cáo của tổ chức tham gia thực hiện chương trình sang dự thảo báo cáo). Trường hợp kết quả đo, thử nghiệm khác với giá trị tham chiếu, tổ chức tham gia thực hiện chương trình không được rút kết quả thực hiện khỏi báo cáo trừ khi có lý do không liên quan đến năng lực của tổ chức tham gia thực hiện chương trình (ví dụ: nếu phát hiện thấy sự trôi quá mức hoặc do trục trặc, sai hỏng của mẫu so sánh trong quá trình luân chuyển).

7. Tổ chức hội thảo kết thúc

a) Tổ chức điều phối tổ chức hội thảo kết thúc sau khi hoàn thành toàn bộ các phép đo, thử nghiệm của các tổ chức tham gia thực hiện chương trình;

b) Hội thảo kết thúc có sự tham gia của đại diện tổ chức chủ trì, đại diện các tổ chức tham gia thực hiện chương trình, các chuyên gia và khách mời;

c) Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, đưa ra các khuyến nghị, hành động khắc phục cho tổ chức tham gia thực hiện chương trình và định hướng cho các cải tiến tiếp theo;

d) Hội thảo thảo luận, thống nhất thông qua các nội dung của dự thảo báo cáo lần thứ nhất;

đ) Kết luận hội thảo là căn cứ để tổ chức điều phối hoàn thiện thành dự thảo báo cáo lần thứ hai.

8. Xem xét phê duyệt và công bố kết quả chính thức

a) Tổ chức điều phối hoàn thiện thành dự thảo báo cáo lần thứ hai và gửi tới tổ chức chủ trì;

b) Tổ chức chủ trì xem xét phê duyệt dự thảo báo cáo lần thứ hai thành báo cáo kết quả chính thức của chương trình so sánh liên phòng và công bố kết quả.

Trường hợp cần thiết, tổ chức chủ trì tổ chức hội đồng tư vấn chuyên môn để xem xét dự thảo báo cáo lần thứ hai. Kết luận của hội đồng là căn cứ để thủ trưởng tổ chức chủ trì phê duyệt và công bố kết quả chính thức của chương trình so sánh liên phòng.

Điều 7. Công bố và sử dụng kết quả của chương trình so sánh liên phòng

1. Kết quả chính thức của chương trình so sánh liên phòng được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tổ chức chủ trì và tổ chức điều phối.

2. Kết quả chương trình so sánh liên phòng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá năng lực của tổ chức tham thực hiện chương trình phục vụ việc xem xét đăng ký, chỉ định, công nhận theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

1. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện Hướng dẫn này.

2. Xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý về đo lường và các nội dung khác liên quan đối với tổ chức điều phối, tổ chức tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng và các văn bản liên quan để các tổ chức, doanh nghiệp biết và chủ động tham gia, đề xuất thực hiện chương trình so sánh liên phòng.

4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chương trình so sánh liên phòng tại ngành, địa phương, doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp và báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 9. Tổ chức điều phối

1. Triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng theo Hướng dẫn này.

2. Xác nhận hoàn thành hành động khắc phục của tổ chức tham gia thực hiện chương trình khi có kết quả không phù hợp.

3. Định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất theo yêu cầu của tổ chức chủ trì, báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về tổ chức chủ trì.

4. Chấp hành việc kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10. Tổ chức tham gia thực hiện chương trình

1. Thực hiện chương trình so sánh liên phòng theo Hướng dẫn này.

2. Tiến hành xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục khi kết quả so sánh liên phòng không phù hợp.

3. Phối hợp với tổ chức điều phối giải quyết, khắc phục hư hỏng, mất mát mẫu so sánh hoặc vấn đề vướng mắc, phát sinh khác trong quá trình thực hiện.

4. Thanh toán chi phí tham gia thực hiện chương trình và các chi phí giải quyết, khắc phục hư hỏng, mất mát mẫu so sánh trong quá trình thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức điều phối.

5. Chấp hành việc kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.

 

PHỤ LỤC 1

MÃ SỐ CHƯƠNG TRÌNH
(Kèm theo Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình so sánh liên phòng về đo lường)

1. Mỗi chương trình được đăng ký một mã số chương trình.

2. Mã số chương trình có cấu trúc như sau:

AA.SSLP - BBBB - CCCC - DDDD - YYYY

Trong đó:

AA.SSLP: Ký hiệu chương trình so sánh liên phòng cụ thể:

VN.SSLP: chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia.

CS.SSLP: chương trình so sánh liên phòng cấp cơ sở.

BBBB: số thứ tự chương trình (được đánh kế tiếp nhau theo thời gian quyết định thực hiện các chương trình được trong năm).

CCCC: tên viết tắt của tổ chức điều phối.

DDDD: tên viết tắt lĩnh vực đo, thử nghiệm.

YYYY: năm triển khai.

Ví dụ:

1. Viện Đo lường Việt Nam (tên viết tắt là VMI) là tổ chức điều phối thực hiện chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia lĩnh vực điện. Chương trình được quyết định thực hiện đầu tiên của năm 2022.

Mã số chương trình là: VN.SSLP - 001 - VMI - Đ - 2022

2. Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Bắc là tổ chức điều phối thực hiện chương trình so sánh liên phòng cấp cơ sở lĩnh vực môi trường. Chương trình được quyết định thực hiện theo thứ tự số 2 của năm 2024.

Mã số chương trình là: CS.SSLP - 003 - QTMTMB - MT - 2024

 

PHỤ LỤC II

MẪU BCKQCT: BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SO SÁNH LIÊN PHÒNG VỀ ĐO LƯỜNG
(Kèm theo Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình so sánh liên phòng về đo lường)

TỔ CHỨC PHỐI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………….

.... ngày ... tháng ... năm 20...

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SO SÁNH LIÊN PHÒNG VỀ ĐO LƯỜNG

Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

1. Thông tin chung của chương trình

a) Mã số và tên chương trình.

b) Mục tiêu.

c) Lĩnh vực và phạm vi đo, thử nghiệm.

d) Tên và địa chỉ của tổ chức phối.

đ) Danh sách tên và địa chỉ của các Tổ chức tham gia thực hiện.

e) Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện.

2. Kết quả triển khai thực hiện chương trình: ……………………………………………….

3. Đề xuất, kiến nghị: ………………………………………………………………………………

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổ chức tham gia thực hiện;
- Lưu.

Tổ chức điều phối
(Ký tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1537/QĐ-BKHCN năm 2023 hướng dẫn xây dựng và thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 1537/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/07/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Lê Xuân Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản