Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1515/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 15 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1307/QĐ-UBND NGÀY 10/7/2009 CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 10/7/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tại điểm 2 khoản II Điều 1

“2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2014 - 2020 tăng bình quân 5 - 6%/năm, trong đó:

- Giai đoạn 2014 - 2015 tăng bình quân 5,5 - 6%;

- Giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,0 - 5,5%.

b) Giá trị sản xuất khu vực ngành nghề nông thôn năm 2015 gấp 1,18 lần và năm 2020 gấp 1,51 lần so với giá trị sản xuất năm 2012.

c) Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

d) Phấn đấu mỗi năm tạo thêm việc làm cho khoảng 1.000 - 1.200 lao động, nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn lên trên 6% trong tổng lao động xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho lao động và tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn.

đ) Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 25 - 30 triệu đồng/năm vào năm 2020.

e) Bảo tồn và phát triển các làng nghề, xây dựng các làng nghề mới, làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề. Vực dậy những cơ sở sản xuất “cầm chừng” và mở thêm các ngành nghề mới mà tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu và triển vọng thị trường”.

2. Tại khoản III Điều 1

“ 1. Quy hoạch phát triển nhóm ngành nghề chế biến nông - lâm - thủy sản

a) Xay xát gạo: Phát triển ở tốc độ trung bình, thấp khoảng 4%/năm. Năm 2015 sử dụng 2.860 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 258,9 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng khoảng 3.020 lao động, giá trị sản lượng khoảng 322,47 tỷ đồng.

b) Nấu rượu: Tăng trưởng ở mức trung bình, khoảng 3%/năm. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất rượu, đăng ký chất lượng sản phẩm, chất lượng rượu, xây dựng thương hiệu… đặc biệt làm thủ tục xây dựng nhãn hiệu độc quyền, nhãn hiệu tập thể Xuân Thạnh - Trà Vinh.

c) Các nghề làm bánh, bún (Bánh tráng, bánh tét, bún - hủ tiếu)

- Bánh tráng: Định hướng đến năm 2020 sản xuất bánh tráng sẽ phát triển với tốc độ khoảng 8%/năm, sử dụng khoảng 300 lao động và tạo ra giá trị sản xuất khoảng 10 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở Cầu Ngang và Châu Thành.

- Bánh tét: Hiện tại toàn tỉnh có 07 cơ sở và 135 hộ nấu bánh tét, tập trung chủ yếu ở khu vực Trà Cuôn - Cầu Ngang. Trong những năm tới sẽ xây dựng nhãn hiệu độc quyền, nhãn hiệu tập thể tiến tới tạo thành thương hiệu “Bánh tét Trà Cuôn”. Dự kiến đến năm 2020 sử dụng 300 lao động và tạo ra giá trị sản xuất 25 tỷ đồng.

- Bún - hủ tíu: Phát triển ở tốc độ khoảng 8%/năm, năm 2015 sử dụng khoảng 1.500 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 144,38 tỷ đồng, năm 2020 sử dụng 1.600 lao động, giá trị sản lượng đạt 147,57 tỷ đồng.

d) Nghề làm bánh kẹo: Phát triển ở tốc độ thấp khoảng 1 - 2%/năm. Năm 2015 sử dụng khoảng 600 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 119,42 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng khoảng 685 lao động, giá trị sản lượng khoảng 126,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm công nghiệp. Để có thể tồn tại và phát triển cơ sở phải từng bước chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất bánh kẹo cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đăng ký chất lượng sản phẩm; các ngành chức năng tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu độc quyền, nhãn hiệu tập thể tiến tới tạo thành thương hiệu,…

đ) Nghề giết mổ và chế biến sản phẩm từ thịt: Tăng giá trị sản lượng khoảng 4 - 5%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Năm 2015 sử dụng 1.640 lao động tạo ra giá trị sản lượng khoảng 83,14 tỷ động; năm 2020 sử dụng 1.810 lao động, giá trị sản lượng đạt khoảng 105,68 tỷ đồng. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo Quy hoạch chi tiết phát triển chăn nuôi, các khu vực phát triển chăn nuôi tập trung và giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

e) Chế biến thủy hải sản: Tiến hành lập thủ tục để công nhận làng nghề tôm khô Vinh Kim thuộc xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang và đẩy mạnh phát triển làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Dự kiến nhóm ngành chế biến thủy hải sản sẽ tăng trưởng ở tốc độ trung bình khoảng 4-5%/năm. Năm 2015 sử dụng 1.180 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 447,53 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng 1.690 lao động, giá trị sản lượng đạt 554,68 tỷ đồng.

g) Sản xuất nước đá, nước uống: Tốc độ tăng giá trị sản lượng khoảng 5-6%/năm. Giá trị sản lượng tăng từ 65,61 tỷ đồng năm 2012 lên 77,57 tỷ đồng năm 2015 và lên 100,37 tỷ đồng năm 2020. Năm 2015 sử dụng 1.425 lao động, năm 2020 sử dụng 1.630 người.

h) Chế biến bảo quản rau quả: Phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện, thành phố có từ 3 - 5 cơ sở, thu hút khoảng 135 lao động tham gia, giá trị sản xuất đạt khoảng 4,2 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thời kỳ 2014 - 2020 khoảng 34,17%/năm.

2. Nhóm ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đan đát, dệt may, cơ khí

a) Nghề đan đát và xe sợi tơ xơ dừa: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của nhóm nghề này khoảng 8 - 9%/năm, giá trị sản lượng năm 2015 đạt 101,89 tỷ đồng và năm 2020 đạt 149,76 tỷ đồng. Lao động đến năm 2020 khoảng 8.565 người, tăng 4.079 người so với năm 2012.

b) Nhóm nghề đồ gỗ, mộc gia dụng, đóng xuồng ghe: Nhóm ngành này sẽ phát triển với tốc độ trung bình từ 8 - 9%/năm.

- Đồ gỗ và mộc gia dụng: Tốc độ phát triển trong giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 7,5%/năm, trong đó thời kỳ 2014 - 2015 khoảng 10%/năm và thời kỳ 2016-2020 khoảng 6,3%/năm. Đến năm 2020 sử dụng khoảng 1.275 lao động, giá trị sản xuất đạt 112,63 tỷ đồng.

- Đóng xuồng ghe: Tốc độ phát triển trong giai đoạn 2014 - 2020 khoảng trên 12%/năm, trong đó thời kỳ 2014 - 2015 khoảng trên 16%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng trên 10%/năm. Đến năm 2020 sử dụng khoảng 315 lao động, giá trị sản xuất đạt 13,63 tỷ đồng.

c) Dệt may: Tốc độ tăng giá trị sản lượng khoảng 5-6%/năm. Giá trị sản lượng tăng từ 118,02 tỷ đồng năm 2012 lên 138,27 tỷ đồng năm 2015 và lên 178,16 tỷ đồng năm 2020. Năm 2015 sử dụng 5.948 lao động, năm 2020 sử dụng 6.418 người.

d) Cơ khí, sản xuất các sản phẩm từ kim loại: Trong những năm tới nghề này phát triển với tốc độ trung bình khoảng 6%/năm, tập trung đầu tư công nghệ, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Năm 2020 giá trị sản lượng đạt khoảng 200,75 tỷ đồng, lao động 1.820 ngàn người, tăng 74,03 tỷ đồng và 500 lao động so với năm 2012.

đ) Nghề sản xuất gạch và vật liệu xây dựng

- Sản xuất gạch: Phát triển ở tốc độ 15,79%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, giá trị sản lượng đạt được khoảng 32,97 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2012. Ưu tiên phát triển gạch không nung thực hiện theo Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.

- Sản xuất vật liệu xây dựng và các vật liệu khác: Tiếp tục tăng trưởng khá trong những năm tới với tốc độ tăng trên 16,63%/năm trong cả giai đoạn 2014-2020, năm 2020 thu hút 350 lao động và tạo giá trị sản xuất khoảng 29,12 tỷ đồng.

3. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Phát triển với tốc độ cao từ 12 - 13%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020, tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Khuyến khích phát triển các nghề đã có trên địa bàn tỉnh, có chính sách thu hút và mời gọi các nghệ nhân từ các tỉnh, thành lân cận đến Trà Vinh sản xuất và kinh doanh, đặc biệt chú trọng chính sách ưu đãi đối với đào tạo lao động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

4. Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, đất đai, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư vào gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đặc biệt là công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác và xử lý ra hoa đối với một số loài sinh vật cảnh. Địa bàn phân bố chủ yếu tập trung phát triển ở các khu vực ven đô thị, tập trung nhất ở khu vực: phường 1, phường 4, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và rải rác ở trung tâm các huyện.

5. Nhóm nghề xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác: Phát triển với tốc độ trung bình khoảng 5 - 6%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2015 sử dụng 10.420 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 391 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng khoảng 11.940 lao động, giá trị sản lượng khoảng 504 tỷ đồng, cụ thể:

a) Xây dựng: Tăng trưởng ở mức 4,45%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2020 sử dụng khoảng 3.510 lao động (tăng 800 lao động so với năm 2012), giá trị sản xuất đạt 172,60 tỷ đồng (tăng 50,75 tỷ đồng).

b) Vận tải: Tốc độ tăng bình quân đạt 6,26%/năm. Năm 2015 sử dụng 3.170 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 153,88 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng 3.530 lao động, giá trị sản lượng đạt 205,10 tỷ đồng.

c) Sửa xe: Trong những năm tới sẽ tăng ở tốc độ 5,36%/năm, đến năm 2020 thu hút 2.430 lao động, tạo ra giá trị sản xuất khoảng 55,83 tỷ đồng.

d) Dịch vụ sửa chữa và dịch vụ khác: Tăng trưởng ở tốc độ cao, ở mức 5 - 6%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020. Đến năm 2020 thu hút 2.480 lao động và tạo ra giá trị sản xuất khoảng 70,10 tỷ đồng.

3. Tại khoản IV Điều 1

“1. Bảo tồn và phát triển nghề

- Nghề dệt chiếu;

- Nghề đan đát;

- Nghề làm bánh, bún;

- Nghề làm tôm khô;

- Nghề làm bánh tét, cốm dẹp;

- Nghề nấu rượu;

- Nghề trồng hoa cảnh.

Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở tiếp tục phát triển các nghề khác như chế biến trà, cà phê, sản xuất nước mắm Rươi,…

2. Bảo tồn và phát triển làng nghề

- Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long;

- Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành;

- Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, xã Đại An, huyện Trà Cú;

- Làng nghề Đan đát - Thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành;

- Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải;

- Làng nghề trồng hoa kiểng tại ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh;

- Làng nghề trồng hoa kiểng tại ấp Long Bình, phường 4, thành phố Trà Vinh;

- Làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành;

- Làng nghề khai thác, sơ chế, chế biến thủy hải sản thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề Bánh tét Trà Cuôn xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, huyện Trà Cú;

- Làng nghề sản xuất sản phẩm từ tơ xơ dừa, cọng lá dừa xã Đức Mỹ, huyện Càng Long;

- Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang, huyện Trà Cú;

- Làng nghề tôm khô Vinh Kim, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề sản xuất cốm dẹp xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề bó chổi xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần;

- Làng nghề làm muối xã Dân Thành, huyện Duyên Hải;

- Làng nghề bánh tráng xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành.

3. Phát triển ngành nghề mới

Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh ở các huyện, thành phố, tập trung chủ yếu ở phường 1, phường 4, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và các thị trấn các huyện.

Phát triển nghề bảo quản, chế biến rau quả ở thành phố Trà Vinh, thị trấn các huyện”.

4. Tại khoản V Điều 1

“Xây dựng mới 09 dự án ưu tiên đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 47,2 tỷ đồng:

1. Dự án phát triển làng nghề dệt chiếu Hàm Tân;

2. Dự án phát triển làng nghề sản phẩm tơ xơ dừa, cộng lá dừa;

3. Dự án phát triển làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh;

4. Dự án phát triển làng nghề bánh tét Trà Cuôn;

5. Dự án phát triển làng nghề tôm khô Vinh Kim;

6. Dự án phát triển làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy xã Đông Hải;

7. Dự án phát triển làng nghề trồng hoa cảnh và xây dựng các mô hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh;

8. Dự án phát triển nghề bánh, bún;

9. Dự án đầu tư xây dựng mô hình sơ chế bảo quản rau, quả sạch”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quyết định 1307/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

  • Số hiệu: 1515/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Nguyễn Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản