Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1506/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 \

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THAY THẾ ĐIỀU 4, ĐIỀU 7, QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, DI CHUYỂN DÂN ĐỀ ÁN ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2009-2015 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/QĐ-UBND NGÀY 06/01/2011 CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015;

Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý vốn đầu tư phát triển sản xuất, di chuyển dân Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 364/TTr-SNN ngày 08 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thay thế Điều 4, Điều 7, Quy định quản lý vốn đầu tư phát triển sản xuất, di chuyển dân Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, như sau:

Điều 4: Nội dung đầu tư phát triển sản xuất và sắp xếp ổn định dân

- Khai hoang ruộng bậc thang ở những nơi có đủ điều kiện cho phép;

- Trồng rừng: Tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án là: Trồng rừng phòng hộ xung yếu. Nhưng trên thực tế quỹ đất trồng rừng phòng hộ xung yếu thuộc các xã vùng hồ còn không nhiều. Để khai thác quỹ đất sản xuất hiện có của xã, tạo việc làm và các nguồn thu nhập cho nhân dân; Vì vậy chuyển đổi hình thức từ trồng rừng phòng hộ xung yếu sang trồng rừng kinh tế kết hợp phòng hộ thuộc các xã vùng dự án;

- Đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ quản lý;

- Chuyển giao khoa học kỹ thuật, Nông, Lâm, Ngư nghiệp cho nhân dân trong vùng hồ sông Đà;

- Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ gia đình và các nhóm hộ.

- Hỗ trợ hộ dân di chuyển theo kế hoạch dãn dân và di dân hàng năm được duyệt. Cụ thể nội dung và đối tượng.

1. Đối với khai hoang ruộng bậc thang

- Đối tượng là các hộ nông dân thiếu đất sản xuất, có đủ điều kiện để khai hoang ruộng cấy lúa nước và ruộng mương do địa phương xóm, bản, xã xác định, chủ đầu tư xem xét phê duyệt;

- Khai hoang tập trung ở những nơi có diện tích từ 1 ha (một) trở lên phải có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đơn giá và trình tự thực hiện theo quy định hiện hành;

- Khai hoang phân tán (hộ dân tự làm) thì chủ đầu tư xem xét điều kiện cụ thể để quy định về diện tích khai hoang, yêu cầu kỹ thuật, hình thức tổ chức thực hiện lập dự toán trình duyệt làm căn cứ hỗ trợ vốn cho các hộ dân. Mức vốn hỗ trợ Áp dụng Mục 2, Điều 1 theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ: Hỗ trợ khai hoang phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp theo mức: 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa, 15 triệu đồng/ha cải tạo thành ruộng bậc thang;

- Kết thúc công việc khai hoang. Chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán tiền đến các hộ dân và tổng hợp hồ sơ quyết toán với cơ quan tài chính theo quy định của Nhà nước.

2. Trồng rừng kinh tế kết hợp phòng hộ

- Đối tượng các hộ dân được giao đất trồng rừng, bảo vệ rừng thuộc các xã vùng dự án;

- Về diện tích, vị trí, loài cây trồng, thời gian trồng. Đơn vị (hoặc hộ dân) thực hiện do chủ đầu tư xác định;

- Trình tự, thủ tục, định mức, loại cây, đơn giá thực hiện và quyết toán theo các quy định của Nhà nước;

- Vốn để trồng rừng kinh tế kết hợp phòng hộ do đề án hỗ trợ;

- Khi trồng rừng (phân tán, tập trung) trên đất rừng phòng hộ phải có sự giám sát của các cơ quan quản lý;

3. Bồi dưỡng và đào tạo nghề ngắn han, dài hạn

a) Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật

- Đối tượng: Là cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản thuộc vùng dự án.

- Căn cứ kế hoạch giao hàng năm và nhu cầu của các xã vùng hồ, chủ đầu tư xem xét quyết định số lượng cán bộ được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ từng chuyên ngành. Lập phương án mở các lớp bồi dưỡng (hoặc gửi đi bồi dưỡng ở trung tâm đào tạo), xây dựng dự toán chi tiết trên cơ sở chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước, về mức chi phí cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

b) Học nghề ngắn hạn và dài hạn

- Là con em, nông dân trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề, cán bộ xã, thôn, bản trong các xã vùng hồ sông Đà, có đủ điều kiện học nghề.

- Ưu tiên lao động bị mất đất sản xuất do Nhà nước thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lao động thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số, lao động nữ và lao động chưa có việc làm.

- Căn cứ kế hoạch được giao hàng năm. Chủ đầu tư xem xét quyết định về số lượng người được cử đi học nghề (kể cả ngắn hạn và dài hạn). Lập phương án cử đi học nghề và xây dựng dự toán chi tiết (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020) trình duyệt và tổ chức thực hiện, thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.

c) Chuyển giao kỹ thuật

Các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật (chỉ dành riêng cho chuyên ngành cần thiết ở địa phương). Chủ đầu tư căn cứ vào kế hoạch giao hàng năm, lập phương án mở các lớp chuyển giao, xây dựng dự toán trình duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

4. Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ, nhóm hộ

- Đối tượng: Là hộ nông dân hoặc là cán bộ xã, xóm bản trực tiếp sản xuất, Nông, Lâm nghiệp, có đủ các điều kiện phục vụ mô hình cụ thể được chọn hỗ trợ (về đất, ao hồ, rừng, lao động, kỹ thuật…) do xóm, bản, xã xét chọn đề xuất một số hộ, chủ đầu tư kiểm tra xem xét chấp thuận để xây dựng mô hình điểm;

- Nội dung hỗ trợ gồm: Mua giống cây trồng, giống gia súc, gia cầm, thủy sản, phân bón, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho từng loại mô hình trên cơ sở phương án sản xuất của các hộ dân được duyệt;

- Chủ đầu tư hướng dẫn các hộ dân lập phương án sản xuất với quy mô phù hợp, kế hoạch thực hiện và xây dựng dự toán cụ thể cho các mô hình. Tổng hợp chung cho các mô hình trình duyệt theo quy định. Chỉ đạo hộ dân trực tiếp thực hiện các nội dung trong phương án sản xuất;

- Định mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 1871/QĐ-UBND ngày 16/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định mức hỗ trợ kinh tế kỹ thuật thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II;

- Mức hỗ trợ chung cho các mô hình bằng 80% giá trị dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, 20% do dân đóng góp;

- Số vốn đầu tư các mô hình cho mỗi địa phương không vượt quá mức vốn được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 09/10/2009;

- Kết thúc thời gian xây dựng mô hình chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.

5. Về thực hiện ổn định dân cư

- Hộ dân di chuyển tập trung và các điểm tái định cư

+ Hộ dân ở những xóm, bản có mật độ dân số cao, điều kiện sản xuất khó khăn, lâu dài không ổn định, cần di chuyển một số ra khỏi xóm, bản để giảm bớt mật độ dân số, số lượng hộ di chuyển nhiều cần phải thành lập điểm tái định cư tập trung với quy mô vừa và nhỏ trong phạm vi xã hoặc các xã lân cận.

+ Căn cứ vào đề án được Chính phủ phê duyệt, kế hoạch được giao. Chủ đầu tư xác định số lượng hộ phải di chuyển, địa điểm, quy mô xây dựng điểm tái định cư, lập quy hoạch chi tiết trình, duyệt theo quy định. Tổ chức thực hiện các nội dung, hạng mục trong quy hoạch được duyệt theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành và thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.

- Hộ dân di chuyển xem ghép (dãn dân)

+ Đối với những gia đình nhân dân các xã ven hồ sông Đà có nhu cầu tách hộ, dãn hộ xen ghép ngay trong xóm, bản đang ở thì được xem xét hỗ trợ kinh phí di dời bằng vốn đề án.

+ Hình thức tổ chức: Hộ dân có đơn, xóm, xã xác nhận việc tách hộ, dãn hộ là cần thiết gửi chủ đầu tư xem xét cụ thể, tổng hợp theo từng xã và lập phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề thực hiện. Địa phương xem xét tự cân đối đất ở cho các hộ dân tự di chuyển.

- Mức vốn hỗ trợ cho các hộ dân:

Theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

- Tổng mức hỗ trợ và đầu tư cho công tác di dân không vượt quá tổng mức trong Đề án phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Chủ đầu tư

Ủy ban nhân dân huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong làm chủ đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư và một số hạng mục công trình: Trường học; Trạm xá; Nước sinh hoạt; Trụ sở UBND, công trình văn hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm. Ủy ban nhân dân huyện căn cứ nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện.

* Nhiệm vụ cụ thể:

- Lập kế hoạch đầu tư vốn phát triển sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư và hạng mục công trình hàng năm gửi Ban quản lý dự án vùng hồ sông Đà tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định giao kế hoạch.

- Tổ chức lập, thẩm định, trình, duyệt các thủ tục đầu tư chỉ đạo triển khai thực hiện theo tiến độ và nội dung được duyệt.

- Ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ chỉ đạo các hộ dân, các xóm, xã được đầu tư vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ di dãn dân để thực hiện dự án.

- Được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện.

- Nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành.

- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý và cả năm gửi về cơ quan thường trực (Ban Quản lý dự án vùng hồ sông Đà thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) của đề án theo quy định.

- Thanh, quyết toán vốn hàng năm theo quy định của Nhà nước.

* Về kinh phí quản lý

Kinh phí quản lý nguồn vốn phát triển sản xuất và di dân được Áp dụng theo Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 20/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành Quy định về loại cây, mật độ, mô hình, cơ cấu cây trồng, mức hỗ trợ đầu tư Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Điều 4, Điều 7, của Quy định quản lý vốn đầu tư phát triển sản xuất, di chuyển dân Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong; Trưởng Ban Quản lý Dự án vùng hồ sông Đà chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1506/QĐ-UBND năm 2014 Thay thế Điều 4, 7, Quy định quản lý vốn đầu tư phát triển sản xuất, di chuyển dân Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015 kèm theo Quyết định 07/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh

  • Số hiệu: 1506/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản