Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1506/2001/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 1506/2001/QĐ-NHNN NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 2001VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TIỀN MẪU, TIỀN LƯU NIỆM, TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 81/1998/NĐ-CP ngày 01/10/1998 của Chính phủ về in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1 Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành".

Điều 2 Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 179/1999/QĐ-NHNN6 ngày 22/5/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm.

Điều 3 Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ, Vụ trưởng Vụ Kế toán-Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng; Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Thị Kim Phụng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TIỀN MẪU, TIỀN LƯU NIỆM, TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1506/2001/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 11 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1

Chương 2

TIỀN MẪU

Điều 3

Tiền mẫu trong Quy chế này là đồng tiền giấy, tiền kim loại:

1. Có đầy đủ các yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như các loại tiền được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố lưu hành;

2.Tiền giấy mẫu được in thêm chữ "Tiền mẫu" hoặc chữ "SPECIMEN". Ngoài 2 hàng số sêri tượng trưng (ở vị trí tương ứng như đối với tiền giấy) gồm 2 chữ cái và các chữ số "0", ở mặt trước của tiền mẫu được in thêm hàng số sêri để phục vụ cho việc quản lý tiền mẫu.

Tiền mẫu được dùng làm chuẩn trong nghiệp vụ phát hành tiền, không có giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông. Ngoài ra, tiền mẫu còn được sử dụng làm vật đối chứng hay sử dụng cho mục đích nghiên cứu, bảo tàng, giới thiệu, sưu tập, lưu niệm.

Điều 4

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng, chủng loại tiền mẫu cần in, đúc trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ.

2. Việc in, đúc tiền mẫu được thực hiện theo quy định như đối với in, đúc tiền.

Điều 5

1. Căn cứ mục đích, nhu cầu sử dụng và số lượng tiền mẫu được in, đúc, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ cấp tiền mẫu cho các đối tượng sau:

a. Các bộ phận chức năng thuộc Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ;

b. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng đại diện của Ngân hàng Nhà nước;

c. Ngân hàng thương mại Nhà nước Trung ương, Kho bạc Nhà nước Trung ương, Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương.

d. Các đơn vị thuộc các Bộ, Ngành có liên quan trong công tác đấu tranh chống tiền giả.

2. Trong phạm vi số lượng tiền mẫu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cân đối nhu cầu sử dụng tại đơn vị và cấp tiền mẫu cho các đối tượng mở tài khoản giao dịch chính tại đơn vị mình, gồm tổ chức tín dụng, sở giao dịch của tổ chức tín dụng, chi nhánh của tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp tiền mẫu cho các đơn vị cùng cấp có liên quan trong công tác đấu tranh bảo vệ tiền Việt Nam.

3. Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc cấp tiền mẫu cho các ngân hàng nước ngoài có quan hệ, trao đổi tiền mẫu với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đối tượng khác.

Điều 6

1. Việc bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền mẫu giữa các kho tiền Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước như đối với bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền.

2. Đối tượng được cấp tiền mẫu theo khoản 1 và khoản 2, điều 5 Quy chế này nếu làm mất tiền mẫu, ngoài việc phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính còn phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất. Mức bồi thường vật chất bằng mệnh giá số tiền mẫu đã bị mất. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cấp lại tiền mẫu cho đơn vị sử dụng.

3. Tiền mẫu hỏng hoặc bị rách, nát trong quá trình sử dụng của các đối tượng được cấp tiền mẫu theo khoản 1 và khoản 2, điều 5 Quy chế này được Ngân hàng Nhà nước nơi trực tiếp cấp tiền mẫu xem xét, thu đổi. Việc thu đổi được thực hiện ngang mệnh giá, cùng chủng loại và không thu phí.

Điều 7

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thu hồi một phần hoặc toàn bộ số tiền mẫu đã cấp theo điều 5, Quy chế này trong các trường hợp:

1. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đình chỉ lưu hành một hay nhiều loại tiền, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, tổ chức tín dụng, chi nhánh của tổ chức tín dụng, sở giao dịch của tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước các cấp phải giao nộp toàn bộ số tiền mẫu được cấp của các loại tiền đình chỉ lưu hành về Ngân hàng Nhà nước nơi đã cấp tiền mẫu. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước được giữ lại một bộ tiền mẫu để sử dụng tại chỗ, số còn lại nộp về các Kho tiền Trung ương.

2. Các đối tượng khác được cấp tiền mẫu giao nộp khi có yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 8

Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tài chính, tiền tệ khác được Ngân hàng Nhà nước cấp tiền mẫu có trách nhiệm quản lý, bảo quản an toàn và sử dụng tiền mẫu đúng mục đích; định kỳ kiểm kê, báo cáo, giao nộp tiền mẫu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và chịu sự quản lý, kiểm tra, xử lý về tiền mẫu của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 3

TIỀN LƯU NIỆM

Điều 9

Tiền lưu niệm là đồng tiền tượng trưng, không có giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành cho mục đích sưu tập, lưu niệm hoặc mục đích khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 10

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sản xuất, bán hoặc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sản xuất, bán tiền lưu niệm. Đối tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực in, đúc tiền; kinh doanh, chế tác kim khí quý; kinh doanh tiền lưu niệm hay các ngành hàng lưu niệm.

2. Việc hợp tác sản xuất, bán tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các đối tác trong và ngoài nước được thực hiện theo hợp đồng trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Điều 11

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định mẫu thiết kế, chất liệu, số lượng tiền lưu niệm cần in, đúc và đối tác sản xuất, bán tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trong và ngoài nước trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ.

2. Trên cơ sở phê duyệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ ký kết hợp đồng sản xuất, bán tiền lưu niệm Việt Nam ở trong và ngoài nước với các đối tác được chọn sau khi có ý kiến về mặt pháp lý của Vụ Pháp chế đối với dự thảo hợp đồng; trường hợp ký với đối tác nước ngoài, phải có ý kiến của Vụ Quan hệ quốc tế về sự phù hợp giữa bản bằng tiếng Việt và bản bằng tiếng nước ngoài.

3. Trách nhiệm của Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ:

a. Nghiên cứu, khai thác các chủ đề tiền lưu niệm trong nước và quốc tế; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án sản xuất, bán tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b. Làm đầu mối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tiền lưu niệm; tiếp xúc, tìm hiểu, đánh giá các đối tác sản xuất, bán tiền lưu niệm ở trong và ngoài nước;

c. Cấp tiền lưu niệm cho các đối tượng theo quy định tại điều 13, Quy chế này.

Điều 12

Việc giao nhận, vận chuyển, bảo quản tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo các quy định như đối với bảo quản, vận chuyển, giao nhận tiền.

Điều 13

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc cấp hoặc tặng tiền lưu niệm theo tờ trình của các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho những đối tượng sau:

1. Các đoàn cán bộ của Ngân hàng Nhà nước đi công tác nước ngoài;

2. Các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các cơ quan, tổ chức ở trong nước có quan hệ với Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước có nhiều cống hiến, đóng góp cho hoạt động của ngành Ngân hàng;

3. Các đối tượng khác.

Chương 4

TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH

Điều 14

Tiền đình chỉ lưu hành gồm tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhưng không còn giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, tiền tài chính, tiền tín phiếu, tiền của chính quyền Việt Nam cộng hoà (Nguỵ Sài gòn cũ) và các loại tiền qua các thời kỳ hiện đang được bảo quản tại kho tiền của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 15

1. Việc bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền đình chỉ lưu hành giữa các kho tiền Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước như đối với bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền.

2. Việc hạch toán tiền đình chỉ lưu hành được thực hiện theo các quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chương 5

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BÁN TIỀN MẪU, TIỀN LƯU NIỆM, TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH

Điều 16

Các đối tượng có nhu cầu về các loại tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành có thể mua tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước uỷ nhiệm.

Điều 17

1. Trong từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phương thức, giá bán tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ.

2. Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ xem xét, quyết định số lượng tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành bán cho các đối tượng có nhu cầu; thông báo, hướng dẫn thủ tục và tổ chức bán tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành cho khách hàng.

Điều 18

Các khoản thu, chi về sản xuất, bán tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành được hạch toán vào thu, chi nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 6

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1506/2001/QĐ-NHNN về Quy chế quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 1506/2001/QĐ-NHNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/11/2001
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Phụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản