Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1504/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 02 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MÔ HÌNH ĐIỂM GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2016 - 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”;

Căn cứ Công văn số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 216/UBDT-DTTS ngày 17/3/2016 của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 28/9/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu;

Căn cứ Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh Lai Châu về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu;

Căn cứ Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 của UBND tỉnh về việc bổ sung kinh phí cho Ban Dân tộc tỉnh để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 498/TTr-BDT ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2018. Cụ thể như sau:

1. Xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ.

2. Xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ.

3. Xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

4. Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

(Có thuyết minh mô hình kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND các huyện triển khai mô hình và các xã có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

MÔ HÌNH

GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1504/QĐ-UBND ngày 02/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu)

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên mô hình: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu.

3. Cơ quan quản lý và thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu.

4. Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các sở, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Nậm Nhùn.

5. Mục tiêu: Xây dựng và triển khai mô hình thí điểm nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

6. Địa bàn triển khai:

- Xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ.

- Xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ.

- Xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

- Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

7. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2018.

8. Tổng kinh phí triển khai:

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 cho 04 xã triển khai mô hình: 1.311 triệu đồng. Trong đó, phân kỳ theo các năm:

- Năm 2016: 447 triệu đồng.

- Năm 2017: 387 triệu đồng.

- Năm 2018: 477 triệu đồng.

Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020” (giai đoạn I).

B. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA MÔ HÌNH

I. CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG MÔ HÌNH

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”;

Căn cứ Công văn số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 216/UBDT-DTTS ngày 17/3/2016 của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 28/9/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu;

2. Căn cứ thực tiễn

2.1. Khái quát chung

Tình hình chung tỉnh Lai Châu.

Lai Châu là tỉnh vùng cao nằm về phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới Việt - Trung dài 265,095 km, gồm 02 cửa khẩu: Ma Lù Thàng (Phong Thổ), U Ma Tu Khoòng (Mường Tè) và nhiều lối mở qua lại 2 bên biên giới (có 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn). Toàn tỉnh có 7 huyện và 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn (có 75 xã đặc biệt khó khăn). Dân số tính đến 31/12/2015 là 430.960.000 người; 20 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 14,83%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85,17%. Tỉnh Lai Châu có 5 dân tộc có số dân dưới 10.000 người là: Mảng, Cống, La Hủ, Lự và Si La.

Tính đến 31/12/2015 toàn tỉnh có số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) là 16.751 hộ, chiếm 18,75%, trong đó DTTS 16.610 hộ chiếm 23,29% và cận nghèo 5.883 hộ chiếm 6,58%, trong đó DTTS 5.711 hộ chiếm 8,01%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo là 40,40%, cận nghèo là 10,05%.

Tỷ lệ tảo hôn chiếm 18,6%.

Tình hình chung các xã triển khai mô hình.

- Xã Hồng Thu huyện Sìn Hồ là một trong những xã ĐBKK được Thủ tướng Chính phủ công nhận và có 15/18 bản ĐBKK. Tính đến 31/12/2015, xã Hồng Thu có 726 hộ, 4.616 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 98%. Số hộ nghèo là 606 hộ, chiếm tỷ lệ 83,4%, số hộ cận nghèo là 105 hộ, chiếm tỷ lệ 14,46%.

- Xã Tà Tổng huyện Mường Tè là một trong những xã ĐBKK được Thủ tướng Chính phủ công nhận và có 12/12 bản ĐBKK. Tính đến 31/12/2015, xã Tà Tổng có 920 hộ, 6.887 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99% (dân tộc Mông 854 hộ, 6.543 khẩu; dân tộc Hà Nhì 44 hộ, 259 khẩu, dân tộc Mường 3 hộ, 11 khẩu). Số hộ nghèo là 726 hộ, chiếm tỷ lệ 85,61%, số hộ cận nghèo là 60 hộ, chiếm tỷ lệ 7,08%.

- Xã Huổi Luông huyện Phong Thổ là một trong những xã ĐBKK được Thủ tướng Chính phủ công nhận và có 9/23 bản ĐBKK. Tính đến 31/12/2015, xã Huổi Luông có 1.297 hộ, 6.908 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96,9% (dân tộc Mông 316 hộ, 1.692 khẩu; dân tộc Hà Nhì 552 hộ, 2.990 khẩu; dân tộc Dao 403 hộ, 2.068 khẩu). Số hộ nghèo là 349 hộ, chiếm tỷ lệ 26,91%, số hộ cận nghèo là 45 hộ, chiếm tỷ lệ 3,47%.

- Xã Nậm Pì huyện Nậm Nhùn là một trong những xã ĐBKK được Thủ tướng Chính phủ công nhận và có 9/9 bản ĐBKK. Tính đến 31/12/2015, xã Nậm Pì có 480 hộ, 2.359 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,1% (dân tộc Mảng 229 hộ, 1.024 khẩu; dân tộc Mông 181 hộ, 1.119 khẩu). Số hộ nghèo là 375 hộ, chiếm tỷ lệ 78,13%, số hộ cận nghèo là 16 hộ, chiếm tỷ lệ 3,33%.

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn các xã thường xuyên xảy ra và có tỷ lệ cao hơn so với các xã chưa được triển khai mô hình của ngành Y tế.

2.2. Thực trạng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các chương trình, dự án, chính sách. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao; một số phong tục, tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội của đồng bào đã dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra ở khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Qua khảo sát sơ bộ lại các huyện, trong năm 2015 toàn tỉnh có 300 trường hợp tảo hôn vợ, 241 trường hợp tảo hôn chồng, 272 trường hợp tảo hôn cả vợ cả chồng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số dân tộc Thái, Mông, Dao.

- Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tuy không diễn ra nhiều như những năm trước nhưng vẫn có khả năng diễn ra ở một số dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ làm suy giảm chất lượng dân số.

2.3. Thực trạng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn xã chọn triển khai mô hình thí điểm (số liệu năm 2015)

- Xã Hồng Thu huyện Sìn Hồ: có 46 cặp tảo hôn.

- Xã Tà Tổng huyện Mường Tè: có 8 cặp tảo hôn.

- Xã Huổi Luông huyện Phong Thổ: có 19 cặp tảo hôn.

- Xã Nậm Pì huyện Nậm Nhùn: có 10 cặp tảo hôn.

Trong thời gian qua, số trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại các xã trên không xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra vì công tác tuyên truyền cho người dân chưa nhiều và sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt.

* Tác hại, ảnh hưởng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây nên.

- Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện về sức khỏe để nuôi dưỡng thai nhi sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của cả mẹ và thai nhi.

- Mặt khác mang thai và sinh đẻ lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong của thai nhi.

- Theo y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân cận huyết thống, trong đó những cặp vợ chồng khỏe mạnh vẫn có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như: mù màu, bệnh tạng, da vẩy cá và nhiều bệnh lạ khác.

- Do chủ yếu là DTTS sống ở vùng ĐBKK, dẫn đến cuộc sống của những gia đình hôn nhân cận huyết thống sẽ đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại: Con ốm, chăm sóc y tế trong gia đình tăng cao. Các bệnh về gen thường không thể chữa được tạo gánh nặng cho gia đình. Từ đó sẽ phát sinh vòng luẩn quẩn: Nghèo đói - bệnh tật - càng nghèo đói hơn.

- Hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi.

- Nhiều dân tộc ít người đứng trước nguy cơ dân số suy giảm do hôn nhân cận huyết thống.

* Những yếu tố và nguyên nhân cơ bản làm tăng tình trạng tảo hôn:

- Trong tuyên truyền, thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình còn hạn chế; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa quyết liệt; công tác phối hợp nắm tình hình của các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự gắn kết và không có biện pháp răn đe, xử lý kịp thời theo quy định; việc quản lý hộ tịch, tạm trú tạm vắng tại địa bàn còn lỏng lẻo.

- Tập tục bắt vợ, tục hứa gả, ép hôn... vẫn xảy ra ở hầu hết các dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Do thiếu thông tin từ các phương tiện thông tin truyền thông; nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa biết được tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

- Nhiều gia đình có nhận thức hạn chế, chưa quan tâm trong công tác giáo dục, định hướng tương lai cho con em mình.

- Do thiếu nguồn lao động nên đã lấy vợ, lấy chồng sớm cho con cái để có lao động làm việc nuôi gia đình.

- Các loại văn hóa phẩm không lành mạnh đang lan tràn vào vùng sâu, vùng xa, tác động trực tiếp tới lớp trẻ dẫn đến các em không kiểm soát được bản thân, có thai ngoài ý muốn, phải lập gia đình...

* Những yếu tố và nguyên nhân cơ bản làm tăng tình trạng hôn nhân cận huyết thống:

- Công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình chưa đến được với người dân; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa quyết liệt; công tác phối hợp, nắm tình hình của các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở chưa phát huy được hiệu quả.

- Người dân thiếu thông tin, kiến thức về hậu quả đối với sức khỏe và duy trì nòi giống của việc kết hôn cận huyết thống.

- Các chương trình truyền thông giáo dục về tác hại kết hôn cận huyết đến sức khỏe nòi giống gặp nhiều hạn chế.

- Các dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết cao chủ yếu là các dân tộc ít người, ít có sự giao lưu về kinh tế, văn hóa với dân tộc khác, sống khép mình và chỉ kết hôn với nhau trong cùng bản làng, cùng dân tộc. Trước đây trên địa bàn tỉnh Lai Châu có dân tộc Si La cũng có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau trong cùng dòng họ, nhưng qua thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển và bảo tồn dân tộc Si La”, đến nay đã có nhiều người Si La lấy vợ, lấy chồng khác dân tộc như: Hà Nhì, Thái, Kinh...

Kết luận:

Từ những vấn đề nêu trên. Có thể thấy công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc cải thiện và bảo tồn các dân tộc thiểu số, cũng như chất lượng giống nòi của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Để từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe cộng đồng, bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai mô hình thí điểm tại các xã trong thời gian tới là hết sức cần thiết và được triển khai thực hiện đồng bộ.

II. MỤC TIÊU CỦA MÔ HÌNH

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và triển khai mô hình thí điểm nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% cán bộ, Nhân dân, vị thành niên/thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã triển khai mô hình được tuyên truyền và nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh nam, nữ là người dân tộc thiểu số đang trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn trên địa bàn mô hình.

- Hàng năm, giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn xã triển khai mô hình, góp phần nhân rộng kết quả trong toàn tỉnh.

- Duy trì hằng năm không còn số cặp kết hôn cận huyết thống.

III. ĐỊA BÀN, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HỊỆN

1. Địa bàn thực hiện

- Xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ.

- Xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ.

- Xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

- Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

2. Đối tượng tác động

Đối tượng tác động gồm 4 nhóm sau:

- Các thành viên trong ban chỉ đạo; Cán bộ chính quyền địa phương; Các tổ chức và đoàn thể chính trị xã hội.

- Các bậc cha, mẹ.

- Những người trong độ tuổi sinh đẻ.

- Đối tượng vị thành niên, thanh niên. Trong đó ưu tiên đối tượng:

+ Nhóm vị thành niên, thanh niên tuổi từ: 10-20.

+ Nhóm phụ nữ và nam giới kết hôn trước tuổi, các bà mẹ kết hôn trước tuổi đang mang thai hoặc đã sinh con.

+ Các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết đã sinh con hoặc đang mang thai.

3. Thời gian thực hiện

03 năm, từ năm 2016 đến 2018.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA MÔ HÌNH

1. Hoạt động 1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình.

- Mục đích: Giúp cho cơ quan chủ quản triển khai các nội dung của mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đạt hiệu quả theo đúng mục tiêu của mô hình đã đề ra.

- Cơ cấu của Ban Chỉ đạo gồm:

+ Trưởng ban: Đồng chí Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

+ Phó trưởng ban: Đồng chí Trưởng phòng Chính sách Dân tộc, đồng chí Trưởng phòng Dân tộc các huyện triển khai mô hình và đồng chí Chủ tịch UBND xã triển khai mô hình.

+ Các thành viên: Trạm trưởng Y tế xã, Chủ tịch Hội phụ nữ, cán bộ Tư pháp xã cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã, Bí thư chi đoàn xã, cán bộ tư pháp xã.

- Phương thức thực hiện: Trưởng Ban Dân tộc tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý thực hiện mô hình và quy chế hoạt động.

- Thời gian thực hiện: quý IV năm 2016.

2. Hoạt động 2. Hội nghị đánh giá về thực trạng tảo hôn và HNCH.

- Mục đích: Giúp cho các thành viên trong Ban chỉ đạo và cán bộ trong xã thực hiện mô hình nắm, hiểu tác hại của vấn đề tảo hôn và HNCH.

- Đối tượng: Các thành viên trong Ban chỉ đạo; Cán bộ chính quyền địa phương; Các tổ chức và đoàn thể chính trị xã hội.

- Nội dung: Triển khai và thảo luận các hoạt động của mô hình

- Phương thức thực hiện: Tổ chức 01 hội nghị tại trụ sở UBND xã triển khai mô hình.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 - 2018.

3. Hoạt động 3. Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

- Mục đích: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát tranh - truyền hình để cung cấp những thông tin liên quan về mô hình.

- Đối tượng: Cán bộ và Nhân dân xã triển khai mô hình.

- Nội dung: Cung cấp các thông tin về tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một số thông tin về mô hình...

- Phương thức thực hiện: Biên soạn, biên tập các tin bài để tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 - 2018.

4. Hoạt động 4. Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình

- Mục đích: Cung cấp thông tin kiến thức cho nhóm đối tượng là các bậc cha mẹ, vị thành niên và thanh niên để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành chính sách hôn nhân và gia đình cũng như hiểu được về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản...

- Đối tượng: Các bậc cha, mẹ, vị thành niên, thanh niên và người dân trên địa bàn xã triển khai mô hình.

- Nội dung: Luật Hôn nhân và gia đình; dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản...

- Phương thức thực hiện: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo từng loại nhóm đối tượng tại nhà văn hóa bản.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 - 2018 (Tổ chức ít nhất 04 cuộc nói chuyện/01 xã/01 năm).

5. Hoạt động 5. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền vận động chuyển đổi hành vi

- Mục đích: Nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về việc thực hiện Luật Hôn nhân, gia đình và những nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Đối tượng: Các bậc cha, mẹ vị thành niên; thanh niên trên địa bàn các xã triển khai mô hình.

- Nội dung: Phát hành một số bộ tài liệu tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích; các loại băng đĩa hình phục vụ cho hoạt động của mô hình.

- Phương thức thực hiện: Hợp đồng với các đơn vị để làm các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền liên quan đến nội dung của mô hình.

- Thời gian thực hiện:

+ Năm 2016 làm tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích.

+ Năm 2017 - 2018 làm tờ rơi, tờ gấp và áp phích.

6. Hoạt động 6. Tổ chức đưa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình vào quy ước, hương ước của bản, tiêu chuẩn đánh giá gia đình văn hóa

- Mục đích: Gắn trách nhiệm của cá nhân và gia đình trong việc thực hiện những quy định của Nhà nước về Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua những quy định, hương ước, quy ước của dòng họ, dòng tộc, bản làng.

- Đối tượng: Trưởng dòng họ, người có uy tín, các bậc cha, mẹ, vị thành niên, thanh niên trên địa bàn xã triển khai mô hình.

- Nội dung: Lồng, ghép các quy định về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không kết hôn cận huyết thống...

- Phương thức thực hiện:

+ Cộng đồng xây dựng hương ước, quy ước, chế độ thưởng phạt, cam kết và giám sát việc thực hiện.

+ Sau khi các văn bản hương ước, quy ước được thống nhất ban hành phải được tổ chức thông tin, truyền thông rộng rãi cho cộng đồng cùng kiểm tra giám sát.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017.

7. Hoạt động 7. Tập huấn để cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên, sức khỏe bà mẹ

- Mục đích: Trang bị cho đối tượng là vị thành niên, thanh niên, các bậc cha mẹ có được những kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy con.

- Đối tượng: Thanh niên, các bậc cha mẹ, các bà đỡ thôn, bản, bà đỡ dân gian.

- Nội dung: Tập huấn cho các bà đỡ thôn, bản, bà đỡ dân gian những kỹ năng truyền thông, tư vấn khám và chữa các loại bệnh thông thường; các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ tuổi vị thành niên.

- Phương thức thực hiện: Tổ chức lớp tập huấn tại Trạm Y tế xã hoặc UBND xã.

- Thời gian thực hiện: 2016 - 2018.

8. Hoạt động 8. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho cán bộ xã, thôn bản

- Mục đích: Cung cấp các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và gia đình...

- Đối tượng: Cán bộ xã, cán bộ không chuyên trách cấp thôn bản, người có uy tín và đại diện các hộ dân tiêu biểu.

- Nội dung: Cung cấp nội dung về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

- Phương thức thực hiện: Tổ chức Hội nghị tại UBND xã.

- Thời gian thực hiện: 2016 - 2018.

9. Hoạt động 9. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm.

- Mục đích: Để học hỏi các mô hình hay từ đó áp dụng vào địa phương.

- Đối tượng: Các thành viên trong Ban chỉ đạo; cán bộ không chuyên trách cấp thôn bản, người có uy tín...

- Phương thức thực hiện: Tổ chức 01 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm.

- Thời gian thực hiện: năm 2018.

10. Hoạt động 10. Hội nghị đánh giá tổng kết sau 03 năm thực hiện mô hình

- Mục đích: Đánh giá các hoạt động từ năm 2016 đến năm 2018.

- Đối tượng: Các thành viên trong BCĐ; cán bộ chính quyền địa phương; các bậc cha, mẹ; Những người trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên, thanh niên.

- Nội dung: Xây dựng báo cáo tổng kết đánh giá những tồn tại, hạn chế các hoạt động đã triển khai từ năm 2016 đến năm 2018. Định hướng nhân rộng mô hình sang địa bàn xã khác trong giai đoạn tiếp theo.

- Phương thức thực hiện: Tổ chức Hội nghị tại trụ sở UBND các xã triển khai mô hình.

- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2018.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ và Nậm Nhùn tổ chức triển khai Mô hình thí điểm giai đoạn 2016 - 2018.

- Sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí của Mô hình theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đưa nội dung thông tin tuyên truyền vận động gồm: Luật Hôn nhân và gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh, tầm quan trọng và các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

- Đánh giá kết quả thực hiện, tổng kết Mô hình theo kế hoạch của UBND tỉnh quy định.

2.chế quản lý, tổ chức thực hiện Mô hình

Giao Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện tổ chức triển khai Mô hình thí điểm

3. Đối tượng thụ hưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình

a) Đối tượng thụ hưởng

Cán bộ người dân trên địa bàn xã triển khai mô hình.

Đối tượng ưu tiên:

+ Nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên tuổi từ: 10-20.

+ Nhóm phụ nữ và nam giới kết hôn trước tuổi (tảo hôn), các bà mẹ kết hôn trước tuổi đang mang thai hoặc đã sinh con.

+ Các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết đã sinh con hoặc đang mang thai.

b) Hiệu quả và kinh tế - xã hội

- Triển khai thực hiện các hoạt động của mô hình giúp nâng cao trách nhiệm gắn và sự cam kết của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn triển khai mô hình. Đồng thời tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng: cán bộ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội; các bậc cha mẹ; những người trong độ tuổi sinh đẻ vị thành niên và thanh niên về các nội dung: Luật Hôn nhân và gia đình; hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

- Mô hình được triển khai góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân tại địa bàn triển khai mô hình, làm giảm tỷ lệ trẻ em dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống, làm giảm tỷ lệ phụ nữ nạo, phá thai nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, tạo cơ hội học tập và lao động cho lứa tuổi vị thành niên và thanh niên.

- Thành công của mô hình sẽ làm nâng cao chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

4. Kinh phí thực hiện

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 cho 04 xã triển khai mô hình: 1.311 triệu đồng. Trong đó, phân kỳ theo các năm:

- Năm 2016: 447 triệu đồng.

- Năm 2017: 387 triệu đồng.

- Năm 2018: 477 triệu đồng.

VI. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Với Bộ ngành Trung ương

- Bố trí nguồn kinh phí và kịp thời cho địa phương có cơ sở thực hiện đảm bảo theo lộ trình xây dựng kế hoạch.

- Có chính sách hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn khi thực hiện kết hôn đúng độ tuổi và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

- Có chính sách khen thưởng các dòng họ, các địa phương, địa bàn dân cư thực hiện tốt luật hôn nhân và gia đình, hằng năm không có người tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

2. Với chính quyền địa phương

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng tới cơ sở nhất là các thôn, bản có số lượng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn cao.

- Tăng thời lượng sóng phát thanh truyền hình với các chuyên đề về gia đình, trẻ em, các thông tin đến việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống … để nhân dân nhận thức rõ hơn về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Có biện pháp xử lý phù hợp với tinh thần kiên quyết đối với cán bộ, đảng viên có con và người trong gia đình tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1504/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành

  • Số hiệu: 1504/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Tống Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản