Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2019/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 22 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP THẨM QUYỀN XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ TÀI SẢN VÀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 191/TTr-STC ngày 17 tháng 01 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 4 năm 2019 và bãi bỏ Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý, xử lý tài sản tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP THẨM QUYỀN XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ TÀI SẢN VÀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định về thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).

2. Quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (trừ tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, tài sản phải chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

3. Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho cơ quan của Đảng là đơn vị dự toán thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện.

4. Các nội dung khác không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (viết tắt là Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ).

Điều 4. Thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:

a) Tài sản là bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế.

b) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; tải sản không người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, gồm: Tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, xe ôtô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

c) Tài sản là bất động sản, xe ôtô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

d) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

đ) Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giải thể.

e) Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân:

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế (viết tắt là Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản thuộc địa phương quản lý:

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 5. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Đối với tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với:

- Tài sản là bất động sản, xe ô tô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 vụ việc xử lý (trừ tài sản là tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng) thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định tịch thu.

+ Do cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cấp quân khu hoặc do cấp huyện chuyển giao.

+ Do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định tịch thu.

- Điều chuyển tài sản giữa các Sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện khác đơn vị hành chính.

b) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ trì quản lý tài sản quyết định phê duyệt phương án xử lý:

Thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý: Thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Đối với tài sản là bất động sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, di sản không có người thừa kế:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là bất động sản, xe ô tô và tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản thuộc địa bàn quản lý trừ tài sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Đối với tài sản của quỹ bị giải thể:

Cấp có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy định này phê duyệt phương án xử lý tài sản.

4. Đối với tài sản do các tổ chức cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước:

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Quy định này phê duyệt phương án xử lý tài sản.

5. Đối với tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết:

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Quy định này phê duyệt phương án xử lý tài sản.

6. Đối với tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án:

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Quy định này phê duyệt phương án xử lý tài sản.

7. Đối với tài sản xử lý theo hình thức ghi tăng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp:

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định ghi tăng vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan phê duyệt phương án xử lý tài sản.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

c) Tổ chức việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo đúng quy định của pháp luật.

d) Tổng hợp, báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu tài sản công tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo và triển khai thực hiện Quy định này thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định pháp luật.

b) Báo cáo kê khai tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân gửi Sở Tài chính để tổng hợp.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện báo cáo tài sản gửi Sở Tài chính để tổng hợp.

4. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chấp hành việc quản lý tài sản công theo đúng quy định của pháp luật có liên quan và theo phân cấp tại Quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2019/QĐ-UBND quy định về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 15/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/03/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Thiên Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản