Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1466/2007/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 26 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC VÀO LÀM VIỆC TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 3/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, tại Công văn số 1306/SNV - TCBC ngày 05/7/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xét tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2038/2006/QĐ-UBND ngày 26/9/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện thành phố, thị xã; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Thái Nguyên, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Kim

 

QUY ĐỊNH

XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC VÀO LÀM VIỆC TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1466/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên)

Điều 1. Quy định này được áp dụng cho các kỳ xét tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thái Nguyên từ năm 2007.

Điều 2. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng: Trước khi tiến hành tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp nhà nước, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch tuyển dụng được xây dựng trên cơ sở căn cứ sau đây:

+ Biên chế sự nghiệp được giao, nhiệm vụ và nguồn tài chính của đơn vị;

+ Cơ cấu chức danh viên chức, số hiện đã có, số còn thiếu để xác định chức danh cần tuyển;

Giao Sở Nội vụ hướng dẫn xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức của các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng.

Trước khi tiến hành thủ tục xét tuyển, Thủ trưởng đơn vị tuyển dụng phải gửi kế hoạch cho Sở Nội vụ để thống nhất nội dung kế hoạch. Trong thời hạn 05 ngày làm việc Sở Nội vụ phải thẩm định và trả lời bằng văn bản để đơn vị tuyển dụng biết. Đơn vị tuyển dụng chỉ được tiến hành tổ chức xét tuyển khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Nội vụ.

Điều 3. Thành lập Hội đồng Xét tuyển:

- Căn cứ Kế hoạch tuyển dụng đã được thống nhất, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải quyết định thành lập Hội đồng xét tuyển đối với đơn vị trực thuộc; thành phần Hội đồng xét tuyển theo quy định tại mục 2, Điều 1, Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước (gọi tắt là Nghị định 121/2006/NĐ-CP). Thành phần Hội đồng xét tuyển có ít nhất một thành viên là đại diện Cấp uỷ hoặc công đoàn đơn vị..

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng xét tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 11, Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước (gọi tắt là Nghị định 116/2003/NĐ-CP).

Điều 4. Thông báo tuyển dụng và thủ tục nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển

1. Ba mươi ngày (30 ngày) trước ngày tổ chức xét tuyển, Hội đồng xét tuyển phải thông báo công khai kế hoạch tuyển dụng (gồm có: tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, chức danh cần tuyển, nội dung của hồ sơ dự tuyển) và thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, nơi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển, số điện thoại liên hệ.

Hình thức công khai được thực hiện bằng niêm yết tại cơ quan, đơn vị tuyển và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đăng trên Báo Thái Nguyên 3 lần, mỗi lần cách nhau 01 ngày. Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện còn phải đưa thông tin trên Đài Truyền thanh cấp huyện 3 lần.

Thời gian bắt đầu nhận, cho đến thời gian kết thúc nhận hồ sơ là 10 ngày, việc xét tuyển được Hội đồng xét tuyển thực hiện ngay ngày làm việc tiếp theo và được tiến hành liên tục đến khi xong việc xét tuyển.

2. Cơ quan tuyển dụng phải bố trí cán bộ có mặt thường trực (trong giờ làm việc) suốt thời gian thông báo nhận hồ sơ dự tuyển để tiếp nhận hồ sơ. Khi tiếp nhận hồ sơ cán bộ nhận hồ sơ phải ghi phiếu biên nhận mục lục tài liệu có trong hồ sơ. Phiếu được lập thành hai bản mỗi bên giữ một bản, Phiếu phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của người nhận hồ sơ, người nộp hồ sơ. Người đăng ký dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện tại quy định tại Điều 5, Nghị định 116/2003/NĐ-CP.

3. Quy định về hồ sơ dự tuyển gồm:

+ Lý lịch rõ ràng có dán ảnh, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận trong thời gian không quá 06 tháng);

+ Bản phô to các văn bằng, chứng chỉ đào tạo theo tiêu chuẩn của ngạch viên chức tuyển dụng;

+ Giấy khám sức khoẻ của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện đảm nhận nhiệm vụ (trong thời hạn không quá 03 tháng);

+ Các loại giấy tờ khác xác nhận chế độ ưu tiên (nếu có). Riêng ưu tiên là đối tượng dân tộc thiểu số thì không cần phải có xác nhận riêng mà căn cứ vào lý lịch để xác định;

+ Bản phô to sổ học tập xác định rõ điểm trung bình chung toàn khoá học, Học bạ, bảng điểm học tập (nếu có) đào tạo theo tiêu chuẩn của ngạch viên chức tuyển dụng;

 + Mẫu đơn đăng ký dự tuyển viên chức kèm theo Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.(gọi tắt là Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ);

+ Bản cam kết cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bản phô to từ bản gốc (đã nộp) là đúng quy định hiện hành.

4. Đến hết thời điểm nhận hồ sơ cán bộ nhận hồ sơ phải lập biên bản, danh sách thống kê số lượng hồ sơ đã nhận, tên, địa chỉ trích ngang của người nộp hồ sơ để báo cáo Thủ trưởng đơn vị xét tuyển, Hội đồng xét tuyển, Sở Nội vụ biết.

Điều 5. Tính điểm xét tuyển:

1. Điểm xét tuyển là tổng điểm của hai loại điểm gồm:

- Điểm trung bình chung toàn khoá học chuyên nghiệp (theo Bảng điểm tốt nghiệp chuyên môn đăng ký dự tuyển và sổ học tập) nhân hệ số 10.

- Điểm ưu tiên. Các đối tượng được tính điểm ưu tiên:

 + Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước); con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động: 30 điểm.

+ Những người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng: 20 điểm.

+ Những người có học vị thạc sỹ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên Thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ 02 năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức cấp xã từ ba năm trở lên: 10 điểm.

Người có nhiều loại được ưu tiên chỉ được tính một loại ưu tiên điểm cao nhất. Người không thuộc diện ưu tiên nào thì điểm ưu tiên được tính bằng không (0).

2. Những điểm cần lưu ý :

- Cơ quan xét tuyển không được tự thêm bất cứ loại điểm nào khác khi tiến hành quy định hồ sơ dự tuyển.

- Chỉ tiến hành xét tuyển chung cho tất cả các đối tượng tham gia dự tuyển có đủ điều kiện, không tổ chức sơ tuyển.

- Việc xét tuyển chỉ thực hiện đối với số hồ sơ đã nộp đúng quy định về thời hạn đã nêu tại điều 4 quy định này, Hội đồng xét tuyển không được xét những hồ sơ nộp không đúng quy định tại điều 4 Quy định này.

- Trong hồ sơ dự tuyển của thí sinh nếu giữa bảng điểm và sổ học tập có sự không thống nhất thì hội đồng xét tuyển căn cứ sổ học tập của thí sinh để xét.

Điều 6. Xác định người trúng tuyển, tuyển dụng:

- Người trúng tuyển là người có kết quả tổng điểm xét tuyển cao nhất lấy từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng đối với từng chức danh theo kế hoạch tuyển. Khi có nhiều người có điểm bằng nhau thì Hội đồng xét tuyển tiến hành phỏng vấn để chọn người trúng tuyển, điểm phỏng vấn theo quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ, chấm theo thang điểm 100.

- Hội đồng xét tuyển công bố điểm xét tuyển trong giời gian 05 ngày sau ngày kết thúc xét tuyển tại cơ quan, đơn vị xét tuyển.

- Người tham gia đăng ký dự tuyển có quyền gửi đơn đề nghị, khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc xét tuyển trong vòng 05 ngày làm việc sau ngày công bố điểm xét tuyển.

- Hội đồng xét tuyển công bố điểm và danh sách người trúng tuyển chậm nhất sau 10 ngày sau ngày công bố điểm xét tuyển.

- Sau khi công bố trúng tuyển trong vòng 10 ngày, người trúng tuyển phải nộp bản chính của văn bằng cho cơ quan, đơn vị tuyển dụng; sau khi có quyết định tuyển dụng cơ quan, đơn vị tuyển dụng sẽ trả lại cho viên chức.

- Trong vòng 15 ngày (Sau khi công bố trúng tuyển) đơn vị lập báo cáo kết quả xét tuyển và nộp hồ sơ gốc cho Sở Nội vụ để thẩm định, kiểm tra và ra quyết định tuyển dụng viên chức.

- Sở Nội vụ kiểm tra, thẩm định và ra quyết định tuyển dụng viên chức trong vòng 30 ngày (Sau khi công bố trúng tuyển), sau đó thủ trưởng đơn vị ký hợp đồng lao động với viên chức theo quy định tại Nghị định 121/2006/NĐ-CP, Nghị định 116/2003/NĐ-CP và Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ Nội vụ.

- Sau khi thẩm định hồ sơ nếu phát hiện có trường hợp không đủ điều kiện tuyển dụng thì Sở Nội vụ thống nhất với đơn vị xét tuyển công bố và thông báo bằng văn bản cho người dự tuyển biết và nói rõ lý do.

- Trường hợp người đã công bố trúng tuyển nhưng không đủ điều kiện tuyển dụng thì người có điểm tổng số kế tiếp người trúng tuyển của cùng chức danh tuyển sẽ được công nhận trúng tuyển bổ sung vào thay thế. Nếu không còn người dự tuyển nào khác thì chức danh cần tuyển được để lại cho lần xét tuyển sau.

Điều 7. Thanh tra, kiểm tra việc xét tuyển:

- Việc xét tuyển được tiến hành công khai, rộng rãi, dân chủ, công bằng theo quy định của Nhà nước; nghiêm cấm tất cả mọi hành vi ngăn cản những người có đủ điều kiện tham gia xét tuyển tại bất cứ đơn vị nào.

- Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong quá trình xét tuyển theo đúng quy định của Chính phủ và nội dung của hướng dẫn này, nếu đơn vị nào vi phạm thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả và quy trình việc xét tuyển.

- Sở Nội vụ, đơn vị xét tuyển là nơi nhận đơn đề nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan về việc xét tuyển; các cơ quan, đơn vị này có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và trả lời cho đương sự.

- Giao Giám đốc Sở Nội vụ hướng dẫn cho các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh trong công tác xét tuyển viên chức hàng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định trên đây, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện, có trách nhiệm phản ảnh những vướng mắc cần giải quyết về Uỷ ban nhân dân tỉnh qua Sở Nội vụ./.