Hệ thống pháp luật

Điều 2 Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao thì toàn Đảng, toàn quân và dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cần quán triệt rõ mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình từ đó tổ chức triển khai chu đáo, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan để việc thực hiện Chương trình đạt kết quả cao nhất, trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Sở Xây dựng:

- Tổ chức công bố và thực hiện Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh nội dung “Định hướng phát triển đô thị” trong Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 06/12/2013 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

- Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020 được quy định tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Lập đề án công nhận và nâng loại đô thị giai đoạn 2016 - 2020;

+ Lập đồ án lập mới và đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung các đô thị theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hậu Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

+ Lập hồ sơ khu vực phát triển đô thị.

2. Sở Nội vụ:

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh để triển khai thực hiện quản lý các khu vực phát triển đô thị được xác định theo Chương trình phát triển từng đô thị tỉnh Hậu Giang.

- Lập và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập các thị trấn: Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Lương Nghĩa - huyện Long Mỹ; thị trấn Cái Sơn - huyện Phụng Hiệp; thị trấn Vịnh Chèo - huyện Vị Thủy.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tài chính cùng các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Luật Đầu tư công. Ngoài các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ sở, cần tập trung thực hiện cho các công việc sau:

- Lập Đề án công nhận và nâng loại đô thị giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2030 của tỉnh Hậu Giang.

- Lập đồ án mới và đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung các đô thị Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

4. Sở Tài Chính:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, các sở, ngành và địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh:

- Bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị của Sở Xây dựng và các địa phương. Ưu tiên cho công tác chuẩn bị thủ tục lập quy hoạch, đề án, Chương trình phát triển các đô thị trong giai đoạn 2016 - 2020.

- Tổng hợp kinh phí hàng năm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư cho phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự toán chi hàng năm và hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

5. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương sớm triển khai các dự án đầu tư phát triển các tuyến đường có liên quan đến xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn.

- Chủ trì đề xuất UBND tỉnh kế hoạch phát triển các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, xây dựng theo hướng đồng bộ và hoàn chỉnh, góp phần nâng tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án thuộc ngành giao thông, đảm bảo đầu tư đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

6. Sở Công Thương:

- Chủ trì đề xuất UBND tỉnh về kế hoạch phát triển Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; định hướng các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư vào từng cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài trong khu vực nội thị và khu vực ngoại thị đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái đô thị và môi trường sống các khu dân cư.

- Xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, khu phố thương mại, hệ thống chợ và phát triển các ngành dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì phối hợp với các địa phương trong việc quy hoạch và xác định giới hạn quy mô các ngành nghề sản xuất thuộc ngành nông nghiệp tại khu vực quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ,... bảo đảm yêu cầu phát triển hài hòa và bền vững. Định hướng phát triển các ngành nông nghiệp chất lượng cao phục vụ các khu, cụm công nghiệp.

8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

- Có kế hoạch triển khai các chương trình xúc tiến du lịch. Phối hợp với các ngành có liên quan xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án du lịch, vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu dân cư đô thị.

- Đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, thông tin để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, đạt 100% phường, xã đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

- Đề xuất các dự án đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thể dục - thể thao đảm bảo nhu cầu tập luyện thể dục - thể thao của Nhân dân.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Xây dựng Chương trình dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng kịp thời việc cung cấp lao động cho các cụm công nghiệp và các ngành kinh tế khác, thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu dân số, cơ cấu lao động và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Đề xuất các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác đào tạo, dạy nghề góp phần nâng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập bình quân đầu người.

10. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng y tế đảm bảo yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

11. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông đảm bảo yêu cầu phục vụ cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

12. Công ty Điện lực Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Bưu điện tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông: phối hợp chủ động triển khai đầu tư các dự án thuộc ngành, đơn vị phụ trách nhằm đảm bảo đồng bộ với các chương trình dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

13. UBND huyện, thị xã, thành phố:

- Thực hiện việc lập đề án công nhận và nâng loại đối với các đô thị thuộc trách nhiệm quản lý của UBND huyện, thị xã và thành phố giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Lập đồ án mới và đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung đối với các đô thị thuộc trách nhiệm quản lý của UBND huyện, thị xã và thành phố giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

- Lập Đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các thị trấn trong phạm vi quản lý hành chính.

- Thực hiện quản lý sự phát triển đô thị theo quy hoạch xây dựng được duyệt, đồng thời tập trung đầu tư khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn còn hạn chế trên cơ sở rà soát, đánh giá, hiện trạng các đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1445/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/08/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra