Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1441/2007/QĐ-UBND

 Việt Trì, ngày 18 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chỉ thị số 105/2006/CT-BNN ngày 16/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường tổ chức quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 48/TTr-SNN-TTN ngày 31 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Khánh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1441/2007/QĐ-UBND ngày 18/6/2007 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, khai thác đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được xây dựng và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trừ các công trình do doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cho phép kinh doanh, tiếp nhận, giao trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

Chương II

QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Điều 3. Tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn

1. Đối với các công trình được đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước thì khi xây dựng hoàn thành và bàn giao cho UBND xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) tiếp nhận và tổ chức quản lý, khai thác theo địa bàn, chủ đầu tư phải bàn giao cho UBND xã một bộ hồ sơ theo quy định. UBND xã tổ chức quản lý, khai thác công trình theo một trong hai cách sau:

a) UBND xã trực tiếp quản lý, khai thác công trình.

b) UBND xã giao cho tổ chức hoặc khoán cho cá nhân có đủ năng lực trực tiếp quản lý, khai thác công trình.

2. Đối với công trình cấp nước do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có tranh chấp về nguồn nước thì UBND xã giao cho tổ chức, cá nhân đó tự quản lý, khai thác công trình.

3. Đối với những công trình đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này nhưng hoạt động thiếu hiệu quả hoặc bị hư hỏng do yếu tố khách quan nhưng không có kinh phí để sửa chữa thì:

- Nếu có tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn đầu tư sửa chữa, sau đó nhận làm dịch vụ cung cấp nước theo giá quy định thì UBND xã giao khoán có thời hạn không quá 10 năm cho tổ chức, cá nhân đó được quyền quản lý, khai thác công trình;

- Tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, khai thác công trình có thể liên doanh với một tổ chức, cá nhân khác có đủ năng lực để thực hiện quản lý, khai thác công trình cho có hiệu quả.

Điều 4. Điều kiện để được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn

Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực về chuyên môn:

a) Đối với công trình cấp nước tự chảy: Cán bộ quản lý vận hành công trình phải được tập huấn và được cấp chứng chỉ về nghiệp vụ cấp nước;

b) Đối với công trình cấp nước sử dụng máy bơm: Yêu cầu cán bộ quản lý vận hành công trình phải đủ điều kiện như Điểm a Khoản 1 Điều này, ngoài ra người phụ trách Trạm cấp nước phải có trình độ chuyên môn về điện nước.

2. Có phương án sản xuất kinh doanh và dịch vụ cung cấp nước.

3. Có Quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn

1. Xây dựng Quy chế hoạt động quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn có sự tham gia của người hưởng lợi, báo cáo UBND xã phê duyệt; đồng thời tổ chức thực hiện bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình theo quy định.

2. Quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch nông thôn theo đúng quy định, quy phạm kỹ thuật; đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động; theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố và ảnh hưởng của thiên tai.

3. Xây dựng kế hoạch huy động kinh phí đóng góp tự nguyện của người dùng nước phục vụ việc bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình khi cần thiết, báo cáo UBND xã quyết định, đồng thời sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các khoản thu.

4. Lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm; thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền nước đúng mục đích, đúng quy định về quản lý tài chính; có trách nhiệm thu, nộp phí nước thải theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước đối với những công trình thuộc vùng quy định phải thu phí nước thải; đồng thời có trách nhiệm công khai tài chính hàng năm.

5. Ký hợp đồng cung cấp nước với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước; cung cấp nước đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Chịu trách nhiệm về chất lượng nước, mỗi năm phải thực hiện xét nghiệm chất lượng nước định kỳ ít nhất hai lần, thông báo công khai kết quả xét nghiệm chất lượng nước với người dùng nước.

6. Điều hòa phân phối nước hợp lý cho các mục đích theo nhiệm vụ thiết kế của công trình; trường hợp nguồn nước thừa so với yêu cầu nhiệm vụ chính thì được khai thác phục vụ cho các nhu cầu khác nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng công trình.

7. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi không thực hiện đúng hợp đồng cung cấp nước, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sử dụng nước.

8. Được quyền ngừng cung cấp nước đối với những tổ chức, cá nhân sử dụng nước vi phạm hợp đồng; xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch nông thôn

1. Quyền:

a) Được tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, phương án bảo vệ công trình cấp nước và Quy chế hoạt động của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

b) Được ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước; được sử dụng nước sạch theo hợp đồng đã ký; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành khi tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết.

2. Nghĩa vụ:

a) Thực hiện đúng hợp đồng đã ký với tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác công trình cấp nước; có trách nhiệm nộp tiền sử dụng nước đầy đủ, bảo vệ công trình cấp nước trong phạm vi sử dụng và tham gia bảo vệ công trình theo sự huy động của chính quyền địa phương khi có yêu cầu đột xuất;

b) Thực hiện đúng Quy chế sử dụng nước, không được tự ý sử dụng nước từ công trình cấp nước mà chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước.

Điều 7. Trách nhiệm bảo vệ công trình cấp nước và nguồn nước

1. Trách nhiệm của UBND xã

- Quy định phạm vi bảo vệ công trình cấp nước và nguồn nước, các hành vi bị cấm trong phạm vi bảo vệ công trình và nguồn nước trên địa bàn;

- Phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn;

- Huy động các nguồn lực trong trường hợp công trình cấp nước bị sự cố phải ứng cứu;

- Thường xuyên kiểm tra trách nhiệm thực hiện bảo vệ công trình, nguồn nước của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn

- Lập phương án bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình, báo cáo UBND xã phê duyệt và tổ chức thực hiện theo phương án được phê duyệt;

- Thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động, hiện trạng công trình cấp nước với UBND xã.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan: Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có công trình cấp nước phải có trách nhiệm bảo vệ công trình cấp nước theo quy định của pháp luật, tham gia ứng cứu khi công trình có sự cố theo huy động của UBND xã.

Điều 8. Tổ chức quản lý tài chính

1. Giá nước và thu tiền sử dụng nước

a) Giá nước

- UBND huyện, thành, thị xây dựng giá trần cho từng khu vực trình UBND tỉnh quyết định sau khi đã được Sở Tài chính thẩm định. Giá nước được xây dựng trên nguyên tắc thu đủ bù chi, đảm bảo bù đắp được các chi phí về vật tư, nhân công, sửa chữa thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận và phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước;

- Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước xây dựng giá nước không vượt giá trần, trình UBND xã thông qua HĐND xã. Trường hợp giá nước vượt giá trần phải báo cáo cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.

b) Thu tiền nước

- Tiền nước thu bằng tiền Việt Nam đồng;

- Căn cứ để thu tiền nước là giá nước ghi trong hợp đồng dịch vụ cung cấp nước và lượng nước sử dụng theo chỉ số đồng hồ đo nước;

- Đối với các công trình cấp nước tự chảy không lắp đồng hồ đo nước, áp dụng mức thu tính trên đầu người do tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thỏa thuận với người dùng nước.

2. Quản lý và sử dụng tiền nước và các khoản thu khác phục vụ công tác quản lý khai thác bảo vệ công trình cấp nước:

a) Tiền nước được sử dụng để hoàn trả các chi phí trong cơ cấu giá nước được duyệt;

b) Những khoản đóng góp đột xuất do tập thể những người hưởng lợi thỏa thuận đóng góp tự nguyện thì tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình được thu và quản lý sử dụng, nhưng phải đảm bảo theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Điều 9. Quản lý Nhà nước đối với công trình cấp nước sạch nông thôn

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Lập kế hoạch, quy hoạch đầu tư xây dựng công trình cấp nước;

- Lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch nông thôn;

- Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch nông thôn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tăng cường chất lượng thẩm định các dự án cấp nước sạch nông thôn và công tác giám sát đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn.

3. Sở Tài chính: Tổ chức thẩm định giá dịch vụ cấp nước, khung giá nước trình UBND tỉnh quyết định.

4. Sở Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các địa phương, các tổ chức quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn lập hồ sơ đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước; kiểm tra việc chấp hành thu phí nước thải theo quy định.

6. UBND các huyện, thành, thị:

- Chỉ đạo UBND các xã tăng cường quản lý Nhà nước đối với cấp nước sạch nông thôn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước trên địa bàn;

- Rà soát lại tổ chức quản lý vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn, chỉ đạo việc củng cố, hoàn thiện hoặc sắp xếp lại các tổ chức quản lý vận hành đảm bảo khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước.

7. UBND xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn theo các nhiệm vụ sau:

- Lập hồ sơ, thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước;

- Thành lập và giao cho các tổ chức, cá nhân trong xã trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước; phê duyệt Quy chế hoạt động của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước;

- Phê duyệt và chỉ đạo thực hiện phương án bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình, kế hoạch phát triển công trình cấp nước;

- Tiếp nhận, quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác quản lý khai thác công trình cấp nước;

- Theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của công trình cấp nước, chỉ đạo thực hiện bảo trì, bảo dưỡng công trình;

- Kiểm tra, đôn đốc và đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình cấp nước, đảm bảo hoạt động quản lý, khai thác công trình cấp nước đúng Quy chế đã ban hành;

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền và nghĩa vụ trong quản lý sử dụng nguồn nước. Ngăn chặn, xử lý các vi phạm về bảo vệ công trình, tranh chấp nguồn nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại đối với công trình cấp nước được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Xử lý vi phạm: Những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý, khai thác công trình cấp nước; vi phạm các điều bị nghiêm cấm trong bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước; vận hành bảo dưỡng công trình cấp nước không đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Đối với những công trình cấp nước sạch nông thôn hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước khi Quy định này có hiệu lực thì phải chuyển đổi thực hiện theo Quy định này trước ngày 31/12/2007.

2. Trong quá trình thực hiện khi có phát sinh, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1441/2007/QĐ-UBND về quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 1441/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Doãn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản