Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 03 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ TỔ CHỨC LỄ HỘI VĂN HÓA - DU LỊCH CẤP TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;

Căn cứ Quyết định số 1072/QĐ-BVHTTDL ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn; nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật trong xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển thương hiệu du lịch quốc gia và tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia, liên vùng; tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch ở trong nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Bộ Tiêu chí tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4; 
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch và PCT/UBND Tỉnh;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX. VDuong.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

BỘ TIÊU CHÍ

TỔ CHỨC LỄ HỘI VĂN HÓA - DU LỊCH CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 144/QĐ-UBND-HC ngày 03/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích từ ngữ

a) Lễ hội Văn hóa - Du lịch: Là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, các tiềm năng du lịch gắn với các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh: Là Lễ hội Văn hóa - Du lịch có thể kết hợp với các loại hình lễ hội khác, được tổ chức trên phạm vi từ 2 huyện, thành phố trở lên hoặc do Tỉnh trực tiếp chỉ đạo tổ chức tại một huyện, thành phố cụ thể.

b) Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian): Là hình thức sinh hoạt hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

c) Lễ hội ngành nghề: Là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.

d) Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài: Là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng, nhân dân trên địa bàn.

2. Mục đích, phạm vi và đối tượng áp dụng

a) Mục đích

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, khuyến khích việc: Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; hướng dẫn, phổ biến rộng rãi nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội trên địa bàn, nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.

- Phát huy vai trò chủ động, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh về văn hóa, lịch sử truyền thống của từng địa phương, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình - năng động - sáng tạo; phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương trên địa bàn Tỉnh.

b) Phạm vi áp dụng

Bộ tiêu chí hướng dẫn tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch với qui mô cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

c) Đối tượng áp dụng

Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch với qui mô cấp tỉnh.

3. Không gian, thời gian

a) Không gian: Vị trí giao thông thuận tiện cho nhiều người tham gia cùng lúc; Đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật cho lễ hội dự định tổ chức.

b) Thời gian: Phần Lễ tối đa 2 ngày; phần Hội tùy theo qui mô, được cấp có thẩm quyền cho phép.

4. Nguyên tắc chung về tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh

a) Thực hiện đúng các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

b) Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh phải bảo đảm thực hiện 100% nguyên tắc chung và đạt tối thiểu 70% các nội dung hoạt động được quy định tại Bộ Tiêu chí này.

c) Các chương trình, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh cần được tổ chức quy mô phù hợp, nổi bật, có sức lan tỏa cả về nhận thức và truyền thông đối với sự kiện. Tổ chức gắn kết chặt chẽ theo chủ đề, sản phẩm và thông điệp cần hướng đến.

- Phần Lễ thực hiện đúng các nghi lễ dân gian truyền thống, phù hợp với từng sự kiện nhằm duy trì các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Phát huy tính cố kết cộng đồng.

- Phần Hội bao gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến, sản phẩm đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

d) Việc tổ chức lễ hội phải hướng đến giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử; Tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương.

e) Quan tâm các hoạt động giới thiệu tiềm năng, quảng bá về sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Quảng bá hình ảnh, điểm đến, tiềm năng về du lịch, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

g) Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, an toàn, hiệu quả và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và nhân dân về tham dự.

h) Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái; Bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh…

i) Không lợi dụng việc tổ chức các Lễ hội Văn hóa - Du lịch nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không ép buộc các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí để tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch.

k) Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

l) Không bán vé, thu tiền tham dự Lễ hội Văn hóa - Du lịch. Quản lý và sử dụng các nguồn thu từ hoạt động Lễ hội Văn hóa - Du lịch từ nguồn xã hội hóa công khai, minh bạch, đúng mục đích.

m) Phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, làm xanh - sạch - đẹp cảnh quan môi trường trên các tuyến giao thông và các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Bố trí khu vực vệ sinh, thùng rác và lực lượng thu gom rác thải đúng quy định, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đáp ứng điều kiện qui mô Lễ hội phục vụ nhân dân.

5. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp tỉnh

a) Tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh phải đáp ứng đủ các tiêu chí và nội dung hoạt động được quy định tại Bộ Tiêu chí này.

b) Thực hiện thủ tục đăng ký, hoặc thông báo tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

c) Thành lập và phân công nhiệm vụ của Ban Tổ chức; chịu trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, hoạt động của Ban Tổ chức.

d) Báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch đến cơ quan có thẩm quyền chậm nhất 10 ngày sau khi kết thúc lễ hội

II. TIÊU CHÍ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI VĂN HÓA - DU LỊCH CẤP TỈNH

Tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh phải đảm bảo 04 tiêu chí thuộc các lĩnh vực hoạt động về: Nghi thức lễ; Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; Du lịch; Truyền thông quảng bá văn hóa, du lịch, hình ảnh địa phương. Gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, thúc đẩy quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể:

1. Về hoạt động nghi thức lễ

a) Các hoạt động nghi thức lễ dân gian truyền thống Nam bộ như: Lễ hội đình làng, lễ hội gắn với công thần; các nhân vật lịch sử - danh nhân văn hóa,… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

b) Chương trình Lễ Khai mạc và Bế mạc: Phù hợp với điều kiện và nội dung của từng Lễ hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nêu cao lòng tự hào đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, địa phương tổ chức lễ hội nói riêng. Thời lượng chương trình không quá 90 phút.

c) Tổ chức Lễ vinh danh, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân; Lễ tri ân Tổ nghề, gồm các nghi thức: Ôn lại truyền thống, công trạng của các vị tiền nhân khai sinh ra nghề; dâng hương, dâng hoa, dâng phẩm vật; vinh danh nghệ nhân, những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát triển nghề.

2. Về hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao

a) Các Chương trình nghệ thuật: Chú ý lồng ghép trình diễn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò và hát dân ca Đồng Tháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng; giới thiệu tiềm năng du lịch; nâng cao hình ảnh tỉnh Đồng Tháp.

b) Các hội thi, hội diễn, liên hoan về văn hóa, nghệ thuật, thông tin lưu động.

c) Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các địa phương, văn hóa vùng miền.

d) Tổ chức Không gian trình diễn, thực hành trải nghiệm di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các làng nghề truyền thống của tỉnh.

e) Tổ chức các không gian nghệ thuật, thư pháp, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các hoạt động trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về thành tựu kinh tế văn hóa - xã hội, văn học nghệ thuật, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bộ sưu tập hiện vật, nhạc cụ, nông lâm ngư cụ, nghề truyền thống…

g) Tổ chức, phát động các cuộc thi sáng tác ca khúc, chụp ảnh nghệ thuật; các hoạt động triển lãm sách, xếp sách nghệ thuật, chuyến xe tri thức phục vụ nhân dân…

h) Tổ chức giao lưu, biểu diễn, thi đấu thể dục thể thao. Khuyến khích tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống.

i) Tổ chức phát động các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao khác hưởng ứng sự kiện quảng bá hình ảnh địa phương.

3. Về hoạt động du lịch

a) Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin; Hội thảo, Tọa đàm chủ đề gắn với sự kiện, lễ hội văn hóa - du lịch lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp về các chương trình, chính sách đang được xây dựng, xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu du lịch của địa phương.

Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm phải được tổ chức trang trọng, bảo đảm đúng thành phần, thiết thực, hiệu quả. Tài liệu, chương trình phải được chuẩn bị chu đáo.

b) Tổ chức các hoạt động ẩm thực bao gồm: Không gian trưng bày, mua bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương, hội thi, liên hoan ẩm thực (đặc biệt phát huy giá trị ẩm thực từ sen)…; Không gian giới thiệu sản phẩm du lịch, chương trình tour, tuyến … nhằm giới thiệu và quảng bá ẩm thực đặc trưng của địa phương và các vùng miền đến với du khách, nhân dân tham dự Lễ hội.

c) Tổ chức các cuộc thi về du lịch như: Chụp ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp, Thuyết minh viên, Hướng dẫn viên du lịch; tiếng hát các khu điểm du lịch; hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng lưu niệm…

d) Tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp và truyền thông để giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn nhằm tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch Đồng Tháp.

e) Tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch các vùng, địa phương nhằm nâng cao năng lực phục vụ du khách; Đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Gắn kết doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kinh doanh du lịch. Giúp địa phương, doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến, xây dựng những chương trình du lịch hấp dẫn và phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách.

g) Tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch.

4. Về hoạt động truyền thông quảng bá

Tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, giới thiệu giá trị của lễ hội, có sức lan tỏa cả về nhận thức và truyền thông đối với sự kiện trực quan sinh động thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quảng bá.

Hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt nhu cầu kết nối thông tin cho người dân và công tác tổ chức thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Bộ tiêu chí này.

2. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Các Tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh căn cứ vào các quy định hiện hành và Bộ Tiêu chí này triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng đến các yếu tố đặc trưng khẳng định giá trị tiêu biểu, đặc sắc, hình ảnh của từng ngành, địa phương.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.