- 1Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 19/KH-UBND năm 2022 triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030
- 3Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/KH-UBND | Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC CÁC SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ, LỊCH SỬ QUAN TRỌNG; LỄ HỘI, SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2023-2025
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 176/KH-UBND, ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2022-2025”; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 14/01/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025”; Hướng dẫn số 69-HD/BTGTU ngày 29/9/2022 của Ban Tuyên giáo Thành ủy “Hướng dẫn tuyên truyền tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025 trên địa bàn Thủ đô”;
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch Tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, cụ thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Góp phần tích cực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội; tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến - anh hùng, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân Thủ đô vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Quy hoạch, định hướng, nâng quy mô những lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao tổ chức thường niên; lựa chọn, đề xuất các giải pháp xây dựng một số lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao tiêu biểu có những điểm nhấn tạo nên giá trị riêng của từng sản phẩm mới, đặc sắc mang thương hiệu của “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hòa bình”, kết nối với các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đêm, phát triển các sự kiện văn hóa - thể thao tiêu biểu thành các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
- Tăng cường nguồn lực xã hội hoá trong công tác tổ chức các lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các lễ hội, sự kiện tiêu biểu của Thành phố.
- Thiết lập chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao đặc sắc của Thủ đô gắn với các lễ hội, sự kiện tiêu biểu liên vùng trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước làm cơ sở để phát triển, mở rộng thương hiệu du lịch văn hóa chung của Việt Nam.
- Tiếp tục rà soát, lựa chọn, đề xuất các sự kiện có nội dung, tính chất nổi bật, đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô có gắn với yếu tố hội nhập quốc tế, để có hướng đầu tư nguồn lực phù hợp, thích đáng, tăng cường phát huy xã hội hoá, từng bước hình thành điểm nhấn thực sự là “Thương hiệu độc đáo” của Thủ đô Hà Nội đối với trong nước và quốc tế.
2. Yêu cầu
- Công tác tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao tiêu biểu phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; định hướng hoạt động đối nội, đối ngoại của Trung ương và địa phương. Chủ động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của Thành phố.
- Thực hiện hiệu quả, mang lại hiệu ứng lan toả cao trong công chúng và toàn xã hội; góp phần tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc và phục vụ sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững của đất nước.
- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan chủ trì, các cơ quan, đơn vị chức năng chuyên môn liên quan, trên nguyên tắc đề cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, hiệu quả thiết thực.
- Thu hút, phát huy nguồn lực xã hội hoá trong công tác tổ chức thực hiện Kế hoạch; tăng cường quản lý nhà nước, định hướng cho các tổ chức, đơn vị tuân thủ các quy định khi tổ chức lễ hội, sự kiện, không để xảy ra sai sót, đảm bảo nếp sống văn minh, hiện đại, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả thiết thực.
B. NỘI DUNG THỰC HIỆN
I. CÁC SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC, THỦ ĐÔ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2023-2025
Các sự kiện chính trị gắn với các mốc lịch sử, các ngày Lễ lớn của đất nước, Thủ đô Hà Nội. Thông qua các hoạt động sự kiện, tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giới thiệu quảng bá về hình ảnh Thủ đô, về đất nước, con người Việt Nam; cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội nỗ lực vượt lên thách thức, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Các sự kiện được tổ chức theo tinh thần chỉ đạo, phân công của Thành ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, bao gồm hoạt động kỷ niệm các năm tròn sự kiện lịch sử của đất nước; kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu được diễn ra trong các năm từ 2023-2025, cụ thể:
1. Năm 2023
- Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963 - 02/01/2023), tỉnh Tiền Giang.
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 - 15/02/2023), tỉnh Bến Tre.
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023), lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, tỉnh Hà Nam.
- Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), Bộ Ngoại giao.
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2023, lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, tỉnh Hà Nam.
- Lễ kỷ niệm 10 năm Di tích Quốc gia đặc biệt; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (09/12/2013 - 09/12/2023).
2. Năm 2024
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914-01/01/2024), tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024), lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam, tỉnh Hải Dương.
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024), tỉnh Hà Tĩnh.
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), tỉnh Điện Biên.
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 - 01/6/2024), lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, tỉnh Cao Bằng.
- Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneve) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024), Bộ Ngoại giao.
- Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), thành phố Hà Nội.
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ Quốc phòng.
- Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 - 02/12/2024), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, Hà Nội (1924 - 2024), thành phố Hà Nội.
3. Năm 2025
- Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
- Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), thành phố Hồ Chí Minh.
- Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh.
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2025), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Hưng Yên.
- Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025), thành phố Hà Nội.
- Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Bộ Công an.
- Kỷ niệm 20 năm di tích làng cổ Đường Lâm được công nhận di tích quốc gia (2005 - 2025), thành phố Hà Nội.
II. CÁC LỄ HỘI TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Lễ hội truyền thống
Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Do vị trí địa lý và đặc điểm lịch sử, Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất của cả nước, diễn ra trên phạm vi rộng khắp Thành phố bao gồm cả những quận nội thành và các huyện ngoại thành. Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội truyền thống trên địa bàn Thủ đô, trong tổng số 28 lễ hội tiêu biểu với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, sẽ tập trung lựa chọn các lễ hội có quy mô tầm cỡ, gắn với ý nghĩa lịch sử của dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có sức lan toả và tính giáo dục cao trong xã hội, góp phần từng bước xây dựng, hình thành là điểm nhấn văn hóa của Thành phố.
1.1. Lễ hội Gò Đống Đa
- Thời gian: Mùng 5 Tết Nguyên đán.
- Địa điểm: phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Nội dung: Gò Đống Đa thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và những chiến binh hy sinh trong trận Đống Đa nổi tiếng ở thế kỷ 18. Lễ hội gò Đống Đa được mở ra để kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tưởng nhớ chiến thắng lẫy lừng được vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy. Đây là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội đã có từ hơn 200 năm trước, tổ chức với quy mô cấp Thành phố. Lễ hội diễn ra thường niên vào dịp Tết Nguyên Đán tại phường Quang Trung, Đống Đa. Lễ hội Gò Đống Đa thực hiện Lễ rước hoành tráng từ Đình làng Khương Thượng ra đến Gò Đống Đa, đây gọi là đám rước thần mừng chiến thắng. Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, chọi gà.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND quận Đống Đa.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.2. Lễ hội Đền Cổ Loa Hà Nội
- Thời gian: Từ mùng 06 đến 18 tháng Giêng (âm lịch).
- Địa điểm: xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Cổ Loa được ghi danh là văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL ngày 03/2/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ hội Cổ Loa có không gian thực hành lễ hội trung tâm là khu vực Thành Nội thuộc xã Cổ Loa, có quần thể các di tích kiến trúc đền, đình, am, điếm, nơi thờ phụng chính đức vua An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy, tướng quân Cao Lỗ và các nhân vật liên quan. Trong đó, không gian “hạt nhân” của lễ hội là khu vực đền Thượng (thờ vua An Dương Vương) tại xã Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa hàm chứa giá trị tri thức dân gian. Các nghi thức tế lễ, rước, các tục hèm, các trò chơi, trò diễn, ẩm thực là kho tàng khoa học về giá trị tư duy của người dân từ xa xưa cho đến nay.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Đông Anh, Hà Nội.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.3. Lễ hội Chùa Hương
- Thời gian: Từ ngày mùng 06 tháng Giêng đến hết tháng 3 (âm lịch).
- Địa điểm: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
- Nội dung: Chùa Hương đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 08/4/1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Chùa Hương thờ Phật Bà Quan Âm Bồ Tát. Hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất trong cả nước, là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở miền Bắc đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ tháng 01 đến tháng 3 (âm lịch) thu hút rất nhiều phật tử và khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch) nhưng đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng 02 (âm lịch). Lễ hội chùa Hương không chỉ là một lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc Bộ. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam bao gồm Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Phần hội tổ chức dưới hình thức kết hợp những nét văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Mỹ Đức.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.4. Lễ hội Làng Bát Tràng
- Thời gian: Từ ngày 14 đến 16 tháng 2 (âm lịch).
- Địa điểm: xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội được tổ chức tại Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đình Bát Tràng là nơi thờ 6 vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương. Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung. Lễ hội có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ: Lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị được diễn ra từ Miếu Bát Tràng và rước về Đình Bát Tràng, buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với cờ phướn và kiệu đỏ rực rỡ giữ một vùng. Phần Hội: được tổ chức với nhiều trò chơi đặc sắc khác nhau và tạo nên nét đặc trưng riêng những nổi bật và ấn tượng nhất có lẽ là trò chơi cờ người và hát thờ.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Gia Lâm.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.5. Lễ Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng
a. Lễ hội Gióng tại đền Sóc
- Thời gian: Từ ngày 06 đến 08 tháng Giêng (âm lịch).
- Địa điểm: đền Thượng huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 03 ngày từ mùng 06 đến mùng 08 tháng giêng hằng năm. Nghi thức chính gồm: Lễ tế chính tại đền Thượng và lễ rước của 8 thôn, mỗi thôn 1 lễ vật khác nhau lên đền Sóc. Gồm: Thôn Vệ Linh (giò hoa tre); Thôn Phù Mã (rước ngựa); Thôn Dược Thượng (rước voi); Thôn Đức Hậu: rước ngà voi; Thôn Yên Sào: rước cỏ voi; Thôn Yên Tàng (rước tướng); Thôn Xuân Dục (rước quả cầu húc). Việc chuẩn bị vật tế lễ cũng hết sức công phu, nhất là việc đan voi (theo truyền thuyết thì đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo) và làm giò hoa tre (tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc), nên phải tiến hành từ nhiều tuần lễ trước Lễ hội. Là một hội trận được trình diễn bằng một hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho tới ngày nay, Hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Sóc Sơn.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
b. Lễ hội Gióng tại đền Phù Đổng
- Thời gian: Từ ngày 07 đến 09 tháng 4 (âm lịch).
- Địa điểm: đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
- Nội dung: Hội Gióng ở đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết thờ ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 07 đến ngày 09 tháng 4 (âm lịch). Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng,... Nghi thức chính: lễ tế, lễ ông Hổ khảo sát trận địa, rước cỗ, hội trận và biểu diễn hát, múa của đoàn Ải Lao.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Gia Lâm.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.6. Lễ hội đền Hai Bà Trưng
- Thời gian: Từ ngày 06 tháng Giêng (âm lịch).
- Địa điểm: thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội.
- Nội dung: Đền Hai Bà Trưng thờ tự hai vị anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị; là nơi khắc ghi quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng oanh liệt của dân tộc thời đầu Công nguyên. Tại lễ hội có các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, đấu vật hay cờ tướng được tổ chức náo nhiệt. Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh được tổ chức thường niên, nhằm giáo dục, khuyến khích truyền thống yêu nước, góp phần nâng cao tinh thần và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Năm 2013, đền Hai Bà Trưng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 04/01/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND huyện Mê Linh.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.7. Lễ hội truyền thống Thăng Long Tứ Trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh
- Thời gian: Theo ngày hoá của Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, Đức Huyền Thiên Trấn Vũ.
- Địa điểm: phường Ngọc Khánh; phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Nội dung:
Lễ hội đền Voi Phục là một sinh hoạt văn hóa thường niên mang tính chất mở, với sự tham gia của thập phương, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, như: Thuỵ Khuê, Văn Phúc, vùng Thập Tam trại và Bồng Lai (Đan Phượng - Hà Tây). Mỗi năm tại đền đều duy trì các lễ hội: Lễ kỷ niệm Ngày sinh Đức Thánh Linh Lang Đại Vương (13 tháng chạp), Lễ Tế khai sắc - rước khai xuân (14 tháng giêng), Lễ kỷ niệm Ngày hoá Đức Thánh Linh Lang Đại Vương (10/2 âm lịch), Lễ kỷ niệm Ngày hoá Mẫu Hạo Nương 12/9 (âm lịch), Lễ kỷ niệm Ngày Đại Yến (Ngày Vua Lý khao thưởng tướng sỹ có công đánh giặc Tống xâm lược). Lễ hội chính của đền voi Phục diễn ra vào ngày 09 và 10/2 (âm lịch), điểm đặc biệt nhất là việc rước kiệu trong lễ hội và một vài tục lệ khác.
Lễ hội đền Quán Thánh được tổ chức vào các ngày 03/3 và 09/9 (âm lịch). Trong ngày hội có lễ rước lễ vật của Nhân dân phường Quán Thánh (tức làng Yên Quang xưa) dâng đức Thánh.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND quận Ba Đình.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
1.8. Lễ hội vùng đền Và
- Thời gian: từ chiều ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) đến sáng 17 tháng Giêng (âm lịch). Chính hội vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch).
- Địa điểm: thị xã Sơn Tây.
- Nội dung: Lễ hội đền Và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Theo phong tục cổ truyền hàng năm lễ hội đền Và được tổ chức vào Rằm tháng giêng (âm lịch). Vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, đền Và mở hội chính, với quy mô lễ hội vùng. Lễ hội liên quan đến hai tỉnh, thành là thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong lễ hội có nghi lễ rước Tam vị Đức Thánh Tản từ đến Và qua sông Hồng sang đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội đền Và được tổ chức theo nghi lễ hội chính truyền thống. Các nghi lễ rước, tế lễ, tục hèm, trò chơi dân gian ... trong lễ hội là những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đền Và và lễ hội đền Và.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND thị xã Sơn Tây.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
2. Lễ hội hiện đại
2.1. Lễ hội văn hóa - du lịch Sông Hồng, Hà Nội
- Thời gian: Quý 3.
- Địa điểm: khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nội dung: Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa với quy mô lớn, liên vùng, gắn kết với văn hóa các địa phương thuộc châu thổ đồng bằng Bắc bộ dọc sông Hồng. Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động: giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống đa sắc màu vùng miền, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu, đặc thù của từng địa phương như sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công các làng nghề truyền thống, phố nghề truyền thống; gắn kết với hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức các tour tham quan dọc sông Hồng trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề và trải nghiệm sông nước.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Du lịch và các Sở, ngành, đơn vị liên quan và đơn vị xã hội hoá.
2.2. Lễ hội đêm Rằm Hà Nội xưa và nay
- Thời gian: Tháng 8 (âm lịch).
- Địa điểm: tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Rằm Trung thu (hay còn gọi là Tết Trung Thu) là một phong tục rất có ý nghĩa đối với người Việt; là ngày của sự đoàn tụ và thương yêu, ngày tết của sự đoàn viên. Hoạt động lễ hội bao gồm các hoạt động: tổ chức các chương trình ca nhạc truyền thống và hiện đại hoà nhịp ngợi ca sắc Thu Hà Nội; tổ chức rước đèn Trung thu, diễn diễu các mô hình biểu trưng những nhân vật, sự kiện văn hóa, lịch sử, các câu truyện dân gian, ngụ ngôn, cổ tích, truyền thuyết do Nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lao động và sản xuất.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; các tỉnh/thành phố liên quan và đơn vị xã hội hoá.
2.3. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội (Ha Noi Festival of Creative Design 2022)
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và phụ cận.
- Nội dung: Là hoạt động nhằm triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội. Lễ hội bao gồm các hoạt động: triển lãm, trưng bày, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật thiết kế sáng tạo trong nước và quốc tế; trải nghiệm, không gian sáng tạo; giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại; trình chiếu công nghệ 3D Mapping theo các chủ đề; tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề chia sẻ kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm thực hành sáng tạo trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực: Thiết kế, Nghệ thuật, Điện ảnh, Xuất bản, Nhiếp ảnh...
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
2.4. Festival Áo dài Hà Nội
- Thời gian: Tháng 9.
- Địa điểm: tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội hoặc Hoàng Thành Thăng Long.
- Nội dung: Festival Áo dài Hà Nội là sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị biểu tượng của vẻ đẹp và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam; thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; quảng bá giới thiệu tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội gồm các hoạt động: biểu diễn nghệ thuật; trình diễn các trưng bày các mẫu sản phẩm áo dài xưa và nay do các nhà may nổi tiếng thiết kế; trưng bày các sản phẩm của các làng lụa, làng dệt; giới thiệu các sản phẩm du lịch, các tour du lịch...
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Du lịch.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
2.5. Lễ hội Hà Nội 12 mùa hoa
- Thời gian: Theo từng mùa hoa tiêu biểu làm chủ đạo.
- Địa điểm: Tại không gian các tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và phố đi bộ Trịnh Công Sơn, khu vui chơi giải trí hoặc các quảng trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Hà Nội 12 mùa hoa nhằm mục đích quảng bá giới thiệu Thủ đô Hà Nội thông qua nét đẹp của từng loại hoa tiêu biểu theo mùa, như: mùa Xuân: hoa Đào, hoa Hồng; mùa Hạ: hoa Loa kèn, hoa Sen, hoa Phượng; mùa Thu: hoa Cúc, hoa Sữa; mùa Đông: hoa Cải, hoa Dã Quỳ, hoa Hướng dương. Tại lễ hội, bên cạnh những mô hình, biểu tượng được dàn dựng sáng tạo phô trương những nét đẹp của các loài hoa tiêu biểu, lễ hội còn có hoạt động biểu diễn nghệ thuật lấy cảm hứng từ các giá trị di sản truyền thống, bản địa trong đời sống đương đại và công nghệ như: Trình diễn nghệ thuật dân gian, tái hiện làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian, triển lãm hội họa, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật...
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan và đơn vị xã hội hoá.
2.6. Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: Tại không gian tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, khu vui chơi giải trí hoặc các quảng trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội là hoạt động nhằm tôn vinh và giới thiệu di sản văn hóa ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung đối với công chúng, Nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội bao gồm: trình diễn các phương pháp chế biến những món ăn thường ngày cũng như món ăn độc đáo của ẩm thực Hà Nội; trải nghiệm các món ăn “đường phố”; giao lưu các món ăn ẩm thực giữa các đại diện vùng miền tham dự như: Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước; chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống; các trò chơi dân gian và hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam; trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, thực phẩm xuất xứ từ các vùng miền Việt Nam.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam và đơn vị xã hội hoá.
2.7. Lễ hội Bia Hà Nội
- Thời gian: Tháng 12
- Địa điểm: Tại không gian tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, khu vui chơi giải trí hoặc các quảng trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Bia Hà Nội là sự kiện văn hoá tiêu biểu nhằm giới thiệu dấu ấn lịch sử phát triển của thức uống có cồn và là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện văn hóa ẩm thực có sức hút lớn những người yêu đồ uống bia tham dự, đồng thời tạo nên ấn tượng với nhiều du khách trong nước và quốc tế khi có dịp tới tham quan Thủ đô “Ngàn năm văn hiến” và được trải nghiệm bia Hà Nội. Hoạt động trong lễ hội bia bao gồm: chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại; trưng bày các sản phẩm bia Hà Nội, các đồ uống có cồn và liên quan; trải nghiệm các loại sản phẩm bia Hà Nội; trải nghiệm các món ăn ẩm thực truyền thống gắn với bia Hà Nội.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; Tổng công ty rượu bia và nước giải khát Hà Nội và các đối tác liên quan.
2.8. Hội sách Hà Nội
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: không gian tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nội dung: Hội sách Hà Nội là sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô và Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Hội Sách tạo không gian tri thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của Nhân dân Thủ đô; xây dựng, khuyến khích thói quen đọc sách và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hoạt động chính tại Hội sách, gồm: tổ chức trưng bày, triển lãm sách theo chủ đề; các gian hàng giới thiệu, phát hành sách của các nhà xuất bản, công ty sách uy tín trong cả nước; các nhà xuất bản nước ngoài; đại diện một số tổ chức, hội và hiệp hội xuất bản trong khu vực và thế giới... (dự kiến trên 50 đơn vị xuất bản tham gia với khoảng 250 gian hàng tiêu chuẩn); tổ chức giao lưu, tọa đàm ra mắt sách, hoạt động giao dịch và trao đổi bản quyền; các chương trình giao lưu văn hóa và các hoạt động bên lề khác.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: mời Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy; các cơ quan Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội; các đơn vị xuất bản trong và ngoài nước; các Sở, ngành Thành phố và đơn vị liên quan; các đơn vị xã hội hoá.
2.9. Lễ hội Diễn diễu quốc tế Hà Nội (Ha Noi Carnaval)
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: không gian tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội diễn diễu quốc tế Hà Nội (Ha Noi Carnaval) nhằm mang tới cho công chúng, Nhân dân và du khách cả trong nước và quốc tế không gian đa sắc màu hoạt động loại hình nghệ thuật đan xen giữa truyền thống và hiện đại; đa dạng các hoạt động trình diễn nghệ thuật sôi động, hấp dẫn. Hoạt động văn hóa nghệ thuật này gắn chặt với tuyên truyền quảng bá thu hút du khách du lịch thông qua các chủ đề diễn diễu tại lễ hội. Lễ hội bao gồm các hoạt động: Khai mạc, phần lễ, phần hội là chương trình nghệ thuật sân khấu và phần diễn diễu (Carnaval). Theo đó, các nghệ sỹ trong nước và quốc tế trong trang phục độc đáo, ấn tượng vừa diễu hành, vừa trình diễn xung quanh hồ Hoàn Kiếm theo từng chủ đề riêng của mỗi chương trình nghệ thuật.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; đơn vị xã hội hoá.
2.10. Lễ hội văn hóa Kanagawa Nhật Bản
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: Tại không gian tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nội dung: Lễ hội Kanagawa được tổ chức nhằm hướng tới tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Hà Nội và tỉnh Kanagawa. Nội dung Lễ hội tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Kanagawa nói riêng và Nhật Bản nói chung tới người dân Việt Nam. Lễ hội còn đan xen nhiều chủ đề như du lịch, kinh tế và rất nhiều phương diện mà Việt Nam và Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác. Tại lễ hội, trưng bày các hình ảnh về văn hóa truyền thống, những ẩm thực đặc trưng của Nhật Bản, hình ảnh du lịch và con người tỉnh Kanagawa, Nhật Bản; trình diễn điệu nhảy truyền thống đặc sắc của tỉnh Kanagawa có tên gọi là “Yosakoi”.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Chính quyền tỉnh Kanagawa phối hợp với thành phố Hà Nội.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
2.11. Lễ hội âm thanh, ánh sáng Hà Nội (trình chiếu Mappings nghệ thuật)
- Thời gian: Đêm ngày 24 hoặc 25/12 (đêm lễ Giáng sinh).
- Địa điểm: Tại không gian tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; các không gian quảng trường lớn trên địa bàn Thành phố; hoặc các địa điểm khác phù hợp.
- Nội dung: Lễ hội âm thanh, ánh sáng Hà Nội là hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính điểm nhấn, đặc sắc được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế chuẩn bị đón chào năm mới. Lễ hội nhằm truyền đi thông điệp về một Hà Nội vừa truyền thống vừa hiện đại, sáng tạo, hội nhập, phát triển, kết nối năm châu. Theo đó, khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được trang trí lộng lẫy theo những chủ đề nhất định; sử dụng không gian xung quanh hồ làm sân khấu trình diễn những màn ánh sáng đặc sắc với công nghệ trình chiếu ánh sáng hiện đại, kết hợp với âm thanh, âm nhạc theo kịch bản được phê duyệt, tạo ra bầu không khí lễ hội, trẻ trung, sôi động giàu cảm xúc, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách đến với Hà Nội vào dịp này. Các chủ đề dự kiến nghiên cứu xây dựng phục vụ trình chiếu tại lễ hội: Thực cảnh văn hóa lịch sử “Sự tích huyền thoại Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn”; tái hiện thực cảnh lịch sử “Văn hóa Đạo Mẫu”; tái hiện di sản văn hóa lịch sử “Hành trình văn hóa cố đô - Cội nguồn đất Việt”; “Thăng Long - Tứ trấn”...
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; các đơn vị xã hội hoá.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN TIÊU BIỂU TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (Hanoi International Film Festival, HANIFF)
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
- Nội dung: Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (Hanoi International Film Festival, HANIFF), là Liên hoan phim lớn được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần tại Hà Nội, Việt Nam. Được khởi xướng từ năm 2010, đến nay Liên hoan phim đã tổ chức 5 lần. Liên hoan phim là sự kiện uy tín nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh. Bên cạnh đó, Liên hoan phim còn nhằm tới mục tiêu xây dựng một thương hiệu liên hoan phim mới, khẳng định vị trí và xu thế hội nhập của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh).
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao).
2. Liên hoan Xiếc quốc tế Hà Nội
- Thời gian: Tháng 12.
- Địa điểm: Tại Rạp xiếc Trung ương.
- Nội dung: Liên hoan Xiếc quốc tế là nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật Xiếc trên toàn quốc và các đơn vị nghệ thuật Xiếc tiêu biểu đến từ nhiều quốc gia và châu lục; là cơ hội để các nhà quản lý và nghệ sỹ xiếc Việt Nam có điều kiện giao lưu, học hỏi những kỹ xảo, kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, từ đó đổi mới về phương pháp tổ chức quản lý, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Đây cũng là dịp để khán giả Việt Nam tiếp cận những tiết mục xiếc xuất sắc của nhiều nước. Liên hoan Xiếc quốc tế góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, an toàn thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa Bình và có bề dày ngàn năm văn hiến.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội).
3. Liên hoan Múa rối Quốc tế Hà Nội
- Thời gian: Tháng 12.
- Địa điểm: Tại Nhà hát Múa rối Trung ương.
- Nội dung: Liên hoan Múa rối Quốc tế là hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa, được tổ chức nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu giá trị nghệ thuật múa rối đặc sắc, độc đáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan cũng là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sỹ múa rối Việt Nam có điều kiện giao lưu, học hỏi những tinh hoa nghệ thuật múa rối nhân loại, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao).
4. Triển lãm ảnh, hiện vật về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
- Thời gian: Tháng 12.
- Địa điểm: Tại Nhà triển lãm 93 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
- Nội dung: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là mốc son chói lọi, một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; của sức mạnh chiến tranh Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Triển lãm giới thiệu những bức ảnh, những cuốn sách, hiện vật cùng những thước phim tư liệu quý giá về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, làm nên một bức tranh tổng thể về khúc tráng ca bất tử của quân và dân Thủ đô 50 năm về trước. Triển lãm góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần hăng hái thi đua, vận dụng những bài học kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng thêm tươi đẹp, phồn thịnh.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Nội và các đơn vị xã hội hoá liên quan.
5. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế “Hà Nội xưa và nay”
- Thời gian: Tháng 9.
- Địa điểm: Tại Triển lãm 93 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
- Nội dung: Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế “Hà Nội xưa và nay” nhằm khuyến khích các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong nước và quốc tế sáng tác những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về Thủ đô Hà Nội xưa và nay. Cuộc thi sẽ đem đến cho công chúng những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô trong sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào trong công chúng Nhân dân nỗ lực phấn đấu chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng là trái tim thân yêu của cả nước và tích cực quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tới rộng rãi công chúng và Nhân dân trong nước và quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Nội và các đơn vị xã hội hoá liên quan.
6. Triển lãm Ảnh quốc tế Hà Nội
- Thời gian: Tháng 5 (dự kiến tổ chức 02 năm/lần vào năm lẻ).
- Địa điểm: Tại thành phố Hà Nội.
- Nội dung: Triển lãm Ảnh quốc tế Hà Nội là sự kiện giao lưu Ảnh nghệ thuật quốc tế giữa Việt Nam và Pháp do thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đông tổ chức; dự kiến tổ chức vào tháng 5 (02 năm/lần vào những năm lẻ). Triển lãm Ảnh quốc tế Hà Nội là nơi hội tụ các tác phẩm nghệ thuật công phu, đặc sắc do các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Pháp sáng tác và tham gia trưng bày. Sự kiện được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú và chuyên đề khác nhau tại mỗi kỳ cuộc trưng bày. Hy vọng Triển lãm Ảnh quốc tế Hà Nội sẽ đem đến cho công chúng và du khách không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo, sinh động, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Pháp.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam hỗ trợ; Các Sở, ngành và đơn vị liên quan trên địa bàn Thành phố.
7. Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội
- Thời gian: Quý 4.
- Địa điểm: Tại Nhà hát lớn Hà Nội.
- Nội dung: Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội được tổ chức hai năm một lần, dành cho tất cả những công dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Thông qua cuộc thi, nhằm đẩy mạnh hoạt động văn hóa, nghệ thuật tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho quần chúng Nhân dân Thủ đô. Tại cuộc thi, tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng về nghệ thuật, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần định hướng thẩm mỹ trong giới trẻ, thanh niên Thủ đô. Tạo cơ hội cho các giọng ca giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật Thủ đô. Cuộc thi giới thiệu Giọng hát hay, biểu trưng nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội từ cuộc sống hàng ngày đến hoạt động xây dựng Thủ đô và đất nước tới đông đảo Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
8. Liên hoan sân khấu Thủ đô
- Thời gian: Quý 2 hoặc 3.
- Địa điểm: Cung Văn hóa Lao động Việt Xô, Hà Nội.
- Nội dung: Liên hoan sân khấu Thủ đô là cuộc hội tụ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố có mối quan hệ sâu sắc với Hà Nội, nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Đồng thời, là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước có cái nhìn khái quát về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam đóng trên địa bàn Hà Nội, có những đánh giá, nhìn nhận thấu đáo về nghệ thuật để đưa ra những giải pháp đầu tư xứng tầm, có hiệu quả cho nghệ thuật; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
9. Chương trình Âm nhạc Mùa thu Hà Nội
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Chương trình “Âm nhạc Mùa thu Hà Nội” là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện. Chương trình mang đến những màu sắc âm nhạc đặc sắc với những tiết mục trình diễn ca ngợi quê hương, đất nước, về mùa thu Hà Nội nhân dịp chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, với sự góp mặt của hơn 100 nghệ sỹ là giảng viên, sinh viên chuyên nghiệp đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chương trình hứa hẹn đem đến cho khán thính giả Thủ đô những phút giây nghệ thuật đỉnh cao, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô vào dịp cuối tuần; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của Thủ đô Hà Nội đối với bạn bè quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
10. Chương trình giao lưu văn hóa quốc tế Hà Nội
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Chương trình thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường hợp tác, liên kết; thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế; quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, thân thiện, mến khách đến với thế giới. Chương trình có sự tham gia của các Đại sứ quán nước ngoài và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Nội dung Chương trình tập trung vào các hoạt động: trưng bày, giới thiệu về văn hóa, du lịch, giáo dục; các sản phẩm thuộc lĩnh vực thiết kế sáng tạo; các sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến tiêu biểu của các nước tại Việt Nam mời tham dự; các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc đặc sắc của các nước trên thế giới với nhiều thể loại âm nhạc như: âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành và đơn vị liên quan; các Đại sứ quán nước ngoài và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các đơn vị xã hội hoá.
11. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn (LSO)
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nội dung: Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn - Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert là chương trình âm nhạc đặc biệt. Đây là sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên, nhằm tạo cho công chúng cơ hội được thưởng thức nghệ thuật bác học đỉnh cao. Chương trình được diễn ra tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội phục vụ công chúng yêu âm nhạc Thủ đô. Tại Chương trình, các tiết mục được biểu diễn ngoài trời bởi 100 nhạc công tài năng cùng những nhạc cụ hiếm trên 200 năm tuổi với sự dẫn dắt của nhạc trưởng nổi tiếng trên thế giới, mang đến một đêm nhạc giao hưởng đỉnh cao cho người dân Hà Nội.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; các Sở, ngành và đơn vị liên quan; các đơn vị xã hội hoá khác.
12. Lễ hội âm nhạc quốc tế Hà Nội
- Thời gian: Quý 4.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội hoặc các quảng trường trên địa bàn Thành phố.
- Nội dung: Lễ hội Âm nhạc quốc tế là sự kiện giao lưu âm nhạc chất lượng cao, chuyên nghiệp nhằm góp phần triển khai Đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; tùng bước kết nối ngày một chặt chẽ hơn giữa nghệ thuật Việt Nam với nghệ thuật quốc tế. Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực gồm: giao lưu, biểu diễn âm nhạc quốc tế và Việt Nam; hội thảo âm nhạc quốc tế; giao lưu âm nhạc tại một số trường đại học tại Hà Nội; các buổi biểu diễn nghệ thuật miễn phí của các nghệ sỹ quốc tế và Việt Nam phục vụ Nhân dân và khách du lịch vào dịp cuối tuần.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: các Sở, ngành, đơn vị liên quan và đơn vị xã hội hoá.
13. Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới (Countdown)
- Thời gian: Đêm ngày 31/12.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và các quảng trường trên địa bàn Thành phố.
- Nội dung: Chương trình đếm ngược (Countdown) tổ chức thường niên đã trở sự kiện văn hóa không thể thiếu đối với người dân Thủ đô và du khách bốn phương đến thăm Hà Nội trong mỗi dịp Xuân về, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tại Hà Nội, chương trình nghệ thuật chào đón năm mới (Countdown) đã được tổ chức thành công trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và quảng trường Cách Mạng Tháng Tám). Chương trình hội tụ những nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng, những ngôi sao nhạc trẻ được giới trẻ yêu thích với những ca khúc trẻ trung, sôi động về mùa xuân, tạo bầu không khí phấn khởi, hồ hởi, tươi vui đón chào thời khắc đầu tiên của năm mới.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: các Sở, ngành, đơn vị liên quan và đơn vị xã hội hoá.
IV. CÁC SỰ KIỆN THỂ THAO TIÊU BIỂU TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Giải chạy Tây hồ HALF Marathon
- Thời gian: Tháng 2.
- Địa điểm: Xung quanh hồ Tây.
- Nội dung: Là giải chạy thường niên do UBND quận Tây Hồ tổ chức hằng năm. Giải chạy quy tụ hàng nghìn người yêu bộ môn chạy tham gia. Giải chạy được tổ chức với các cự ly khác nhau, qua nhiều địa danh văn hóa mang dấu ấn lịch sử của Thủ đô Hà Nội: đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ và vô số danh thắng bậc nhất Hà Thành. Là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Thủ đô Hà Nội đến với công chúng, Nhân dân và du khách trong nước và quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND quận Tây Hồ.
- Cơ quan phối hợp hiện: Các Sở, ngành, đơn vị liên quan và các đơn vị xã hội hoá.
2. Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng
- Thời gian: Tháng 2 (sau Tết Nguyên đán).
- Địa điểm: Tại hồ Tây.
- Nội dung: Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức thường niên. Mục đích nhằm khôi phục, gìn giữ môn thể thao truyền thống (thuyền rồng); quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô; Gắn kết các cộng đồng trong nước và quốc tế, thúc đẩy du lịch của Thành phố. Tham gia sự kiện là các đội bơi thuyền đến từ các quận, huyện, đơn vị, doanh nghiệp, các Đại sứ quán nước ngoài và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh các nội dung thi đấu trong khuôn khổ Giải, sẽ đan xen các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, xiếc, rối, biểu diễn thể thao của các Nhà hát nghệ thuật thành phố Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội phục vụ trong suốt thời gian tổ chức, mang đến một không gian văn hóa độc đáo, giàu tính truyền thống cho người dân và du khách về Thủ đô.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
3. Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân - Lễ phát động Giải chạy Báo Hà Nội mới
- Thời gian: Tháng 3.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Là sự kiện thể thao quan trọng của thành phố Hà Nội, nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030. Tham gia sự kiện gồm đông đảo các vận động viên, nghệ sỹ, diễn viên, học sinh, sinh viên, người lao động Thủ đô. Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển thể dục thể thao của đất nước trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao sức khỏe, thể lực của Nhân dân, cải thiện thể trạng, tầm vóc con người Việt Nam và Thủ đô. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Báo Hà Nội mới; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
4. Giải bóng rổ 3x3 Hà Nội mở rộng
- Thời gian: Tháng 3.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nội dung: Giải bóng rổ 3x3 Hà Nội mở rộng thu hút sự góp mặt của nhiều vận động viên, huấn luyện viên tham gia tranh tài. Đây là giải đấu thường niên của Liên đoàn bóng rổ Hà Nội nhằm đẩy mạnh và phát triển phong trào tập luyện bóng rổ trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, đây còn là dịp để đánh giá sự phát triển của các câu lạc bộ cũng như phát hiện và tìm kiếm thêm các nhân tố mới cho hệ thống thể thao thành tích cao của Thành phố trong môn bóng rổ.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
5. Giải đua xe đạp non sông liền một dải - Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian: Tháng 4.
- Địa điểm: Xuất phát tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Giải đua được tổ chức thường niên nhằm hưởng ứng, chào mừng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với ý nghĩa “Non sông về một dải”. Giải đua là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước và đặc biệt là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Giải đua quy tụ các đội đua mạnh trong cả nước. Các vận động viên sẽ thi đấu 22 chặng đua, với tổng chiều dài 2.450 km, bắt đầu từ thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), đích đến là hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30-4.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
6. Giải Võ thuật Hà Nội mở rộng
- Thời gian: Tháng 8.
- Địa điểm: Tại Nhà thi đấu, Trung tâm Thi đấu và Huấn luyện thể dục, thể thao Hà Nội.
- Nội dung: Hội thi võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa, Thể thao và Hội Võ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm gìn giữ, xây dựng, phát triển và mở rộng phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền Việt Nam đến mọi tầng lớp Nhân dân. Thông qua Giải Võ thuật Hà Nội mở rộng phát huy tinh thần thượng võ dân tộc, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc; bảo tồn “Văn hóa võ thuật cổ truyền dân tộc” và giao lưu học hỏi giữa các môn phái, các câu lạc bộ võ thuật cổ truyền của các tỉnh, thành trên cả nước. Hằng năm, tổ chức các giải thi võ thuật cổ truyền, để tạo điều kiện cho các môn phái, võ phái, võ đường được thi đấu, biểu diễn, giao lưu học hỏi trong nước và bạn bè quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội võ thuật Hà Nội; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
7. Giải Khiêu vũ quốc tế Hà Nội mở rộng
- Thời gian: Tháng 8.
- Địa điểm: Tại Nhà thi đấu, Trung tâm Thi đấu và Huấn luyện thể dục, thể thao Hà Nội.
- Nội dung: Giải Khiêu vũ quốc tế Hà Nội mở rộng tổ chức thường niên vào tháng 8 hàng năm. Giải thu hút đông đảo sự góp mặt của các vận động viên nam, nữ thuộc các tỉnh, thành trên cả nước và các đoàn quốc tế tham gia. Giải không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần cho những người yêu bộ môn thể thao nghệ thuật này, mà còn là cơ hội để các vận động viên Thủ đô học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, rà soát lực lượng tham dự các đấu trường quốc tế lớn. Giải tổ chức thi đấu cho các vận động viên theo các lứa tuổi gồm: Nhi đồng, thiếu niên, trước thanh niên, người lớn, trung niên.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
8. Giải đua xe đạp Cup VTV
- Thời gian: Ngày 02/9.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Giải đua xe đạp VTV diễn ra vào tháng 9 hàng năm nhằm hưởng ứng, chào mừng Lễ kỷ niệm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9); đồng thời mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho công chúng và Nhân dân Thủ đô nhân dịp nghỉ lễ. Giải xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen quy tụ nhiều vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp cả trong nước và quốc tế và được thực hiện đua xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Giải đua xe đạp VTV thực sự là giải có uy tín về chất lượng chuyên môn và công tác tổ chức; là cơ hội tốt để các vận động viên xe đạp Việt Nam được giao lưu cọ xát thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Đài Truyền hình Việt Nam.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
9. Ngày hội rèn luyện sức khoẻ Người cao tuổi
- Thời gian: Tháng 9.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
- Nội dung: Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi là hoạt động hết sức ý nghĩa, có sức lan toả và được tổ chức hằng năm chào mừng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam và kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10. Với mục đích nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, Hội Người cao tuổi các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực xây dựng các Câu lạc bộ thể thao cơ sở để các hội viên tham gia tập luyện các môn thể thao người cao tuổi. Thông qua phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao góp phần củng cố tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ người cao tuổi trên địa bàn Thành phố, tạo thêm nhiều sân chơi vui - khỏe - có ích cho người cao tuổi.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Hội sức khoẻ Người cao tuổi thành phố Hà Nội.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
10. Giải Marathon Quốc tế Hà Nội VPBank
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và chạy qua một số tuyến phố trên địa bàn Thành phố.
- Nội dung: Giải Marathon quốc tế Hà Nội VPBank là một giải chạy chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam, được tổ chức hàng năm tại Hà Nội. Lần đầu ra mắt năm 2018 với tên gọi Giải Chạy Di sản Marathon Quốc tế Hà Nội, cuộc đua đã thu hút gần 3.000 vận động viên, những người đam mê chạy bộ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Giải Marathon quốc tế Hà Nội VPBank đã được Liên đoàn Điền kinh Thế giới (WA) công nhận, có chứng nhận chính thức của Hiệp hội Marathon và Chạy Đường dài Quốc tế (AIMS) và liên kết với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Giải là thành viên chính thức của AIMS từ năm 2019, vừa là một cuộc thi marathon truyền thống, vừa là một tour du lịch độc đáo qua sáu quận lớn và gần như tất cả các địa danh lịch sử và văn hóa của khu phố cổ Hà Nội.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam (VPBank).
11. Giải chạy báo Hà Nội mới mở rộng
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nội dung: Giải chạy Báo Hà Nội mới là giải thể thao quần chúng của Thủ đô có bề dày truyền thống, được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, là giải chạy quần chúng có uy tín hàng đầu hiện nay với số lượng đông đảo quần chúng tham dự. Phong trào giải chạy được triển khai sâu rộng tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội thành lập đội tuyển, tổ chức tập luyện và tham gia thi đấu. Trong khuôn khổ sự kiện, bên cạnh hoạt động chạy, còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Năm 2022, Sự kiện phát động Giải chạy Báo HàNộimới mở rộng lần thứ 47 - Vì hòa bình năm 2022 được tổ chức gắn liền với Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Báo Hà Nội mới; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
12. Giải chạy Marathon Long Biên
- Thời gian: Tháng 10.
- Địa điểm: Tại địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
- Nội dung: Longbien Marathon là giải chạy thường niên, một trong những giải chạy Marathon lớn nhất Việt Nam, đã tổ chức 6 lần trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội. Giải chạy Longbien Marathon là thành viên chính thức của Hiệp hội Marathon Quốc Tế (AIMS), hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa giải chạy thành điểm hẹn thường niên cho các vận động viên cả trong nước và quốc tế. Giải Longbien Marathon 2022 đặt mục tiêu 3.000 người đăng ký tham gia chạy và sẽ tiếp tục duy trì và phát huy thành tích đạt được nhằm góp phần tích cực vào thúc đẩy phong trào thể thao tại Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND quận Long Biên.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao; các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
13. Giải chạy Quốc tế VnExpress Marathon Hanoi Midnight
- Thời gian: Tháng 11.
- Địa điểm: Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nội dung: VnExpress Marathon Hanoi Midnight là giải chạy đêm quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Tại mùa đầu tiên, tổ chức cuối năm 2020, hơn 5.000 người đã cùng nhau trải qua một ngày hội chạy bộ sôi động. Các vận động viên được cảm nhận đêm Hà Nội rất khác biệt qua từng bước chân.
Năm 2022, cung đường đưa vận động viên xuất phát từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên Bờ Hồ, qua Nhà Hát Lớn, Nhà Thờ Lớn, Lăng Bác, đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Đền Quán Thánh cùng hàng loạt danh lam thắng cảnh khác. Không chỉ là hoạt động thể thao truyền cảm hứng tập luyện cho cộng đồng, VnExpress Marathon Hanoi Midnight còn là dịp để người chạy tham gia làm từ thiện. Từ số tiền đăng ký của vận động viên, Ban Tổ chức sẽ trích 10% dành cho Quỹ Hy vọng (Hope) của VnExpress, ủng hộ để xây trường cho trẻ em vùng sâu, vùng xa tại các điểm trường còn khó khăn. VnExpress Marathon Hanoi Midnight góp phần quan trọng để xây dựng, quảng bá hình ảnh con người và du lịch đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm tại Thủ đô Hà Nội.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: các Sở, ngành, đơn vị liên quan và báo VnExpress.
V. ĐỀ XUẤT CÁC LỄ HỘI, SỰ KIỆN PHÁT TRIỂN THÀNH THƯƠNG HIỆU CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Lễ hội văn hóa - du lịch Sông Hồng, Hà Nội.
2. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội.
3. Lễ hội âm thanh, ánh sáng Hà Nội.
4. Chương trình Âm nhạc Mùa thu Hà Nội.
5. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn (LSO).
6. Lễ hội âm thanh, ánh sáng Hà Nội.
7. Giải Marathon quốc tế Hà Nội VPBank.
8. Giải chạy Quốc tế VnExpress Marathon Hanoi Midnight.
VI. CÁC SỰ KIỆN TIÊU BIỂU KHÁC DO CÁC BỘ, BAN, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUỐC TẾ TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ nhu cầu cụ thể về tổ chức sự kiện và điều kiện khả năng thực tế của Thành phố, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ban, ngành, địa phương và quốc tế tổ chức các sự kiện trên địa bàn Thành phố theo đề nghị, đảm bảo thành công, hiệu quả.
VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:
- Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước: thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa và Thể thao
- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025 đảm bảo đúng yêu cầu và quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tốt các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu được giao theo Kế hoạch.
- Thực hiện tuyên truyền, quảng bá sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu, đặc sắc tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh truyền thông liên quan.
- Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện theo Kế hoạch.
2. Sở Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan được giao theo Kế hoạch; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội lồng ghép các giá trị của các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu của Thành phố vào Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch chung trong nước và quốc tế.
- Phối hợp tuyên truyền, quảng bá các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu trên các kênh truyền thông du lịch trong nước và quốc tế.
- Chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội du lịch mời các hãng lữ hành, khách sạn, hàng không và các cơ quan, tổ chức truyền thông trong nước và quốc tế tham quan, khảo sát thành phố Hà Nội nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Thành phố kết hợp tham dự các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu của Thành phố.
3. Sở Ngoại vụ
- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các Cục, Vụ liên quan của Bộ Ngoại giao, hỗ trợ các Cơ quan đại diện ngoại giao, Tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao quốc tế theo Kế hoạch hoặc phát sinh ngoài Kế hoạch, theo đề nghị của phía bạn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp, hỗ trợ các Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung gắn với quốc tế diễn ra trong khuôn khổ các lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao quốc tế (nếu có) được tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội theo yêu cầu.
4. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức tốt các sự kiện được Thành phố giao theo kế hoạch.
- Hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các nội dung về các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu của Thành phố tại các sự kiện, hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, phát động thị trường sản phẩm trong nước và quốc tế.
5. Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Thành phố
- Tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; các giá trị của lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu của Thành phố tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; triển lãm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn đầu tư trong nước và quốc tế do Thành phố tham gia.
- Phối hợp với các Hiệp hội, hội ngành nghề Thành phố xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá tuyên truyền về các sự kiện, hội chợ thương mại, đầu tư, du lịch gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu đặc sắc của Thành phố, nhằm tăng cường quảng bá, thu hút khách đến tham quan, du lịch Thủ đô Hà Nội.
6. Sở Xây dựng
Phối hợp, hỗ trợ các điều kiện về đảm bảo duy trì ổn định hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh thuộc địa bàn được giao quản lý theo phân cấp xung quanh địa điểm diễn các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hoá, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Kế hoạch.
7. Sở Giao thông Vận tải
Phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng phương án, tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông tại địa điểm diễn ra các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Kế hoạch.
8. Sở Y tế
Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ trì và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu vực tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội, đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố.
9. Sở Thông tin và truyền thông
- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương phối hợp tuyên truyền; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện theo Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội sách Hà Nội hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố.
10. Công an thành phố Hà Nội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã bố trí phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm diễn ra sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông; bố trí, hướng dẫn và sắp xếp vị trí tập kết, trông, giữ xe cho đại biểu tham dự hoạt động sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố.
- Xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các địa điểm tổ chức sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố.
11. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Tài chính phối hợp tham mưu báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
12. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội
Đảm bảo cung cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố.
13. Các cơ quan báo, đài của Hà Nội
Phối hợp đưa tin, bài, phóng sự và thông tin báo chí để tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động diễn ra trong quá trình tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố, tại các địa phương theo Kế hoạch.
14. UBND các quận, huyện, thị xã
- Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã có lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại diễn ra trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, báo cáo UBND Thành phố, Sở chuyên ngành để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, giao thông, phòng, chống cháy nổ tại các địa điểm diễn ra sự kiện, lễ hội tiêu biểu của Thành phố.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về sự kiện, lễ hội tiêu biểu trên địa bàn; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch nhằm phát huy giá trị, nâng cao công tác giáo dục truyền thống để Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về sự kiện, lễ hội tiêu biểu của Thành phố, quận, huyện, thị xã.
15. Các tổ chức, đoàn thể, xã hội
Chủ động, tăng cường phối hợp với các Cơ quan, đơn vị của Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tổ chức các sự kiện, lễ hội tiêu biểu của Thành phố; đẩy mạnh huy động, khai thác các nguồn lực xã hội hóa để phối hợp tham gia tổ chức thành công, hiệu quả các sự kiện, lễ hội và các hoạt động liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025. UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị được phân công trong Kế hoạch chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 4194/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026”
- 2Quyết định 22/2022/QĐ-UBND về Định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các sự kiện liên quan đến lĩnh vực gia đình của tỉnh Đồng Nai
- 3Kế hoạch 579/KH-UBND tổ chức Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022
- 4Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn năm 2023 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5Quyết định 144/QĐ-UBND-HC năm 2023 về Bộ Tiêu chí tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh Đồng Tháp
- 6Kế hoạch 57/KH-UBND về tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48 Vì hòa bình năm 2023 do Thành phố Hà Nội ban hành
- 7Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, giai đoạn 2023-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 8Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2023 về Chương trình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030
- 9Quyết định 2330/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tập trung đông người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 10Kế hoạch 729/KH-UBND năm 2023 về tổ chức hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024
- 1Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 19/KH-UBND năm 2022 triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 4194/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026”
- 4Quyết định 22/2022/QĐ-UBND về Định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các sự kiện liên quan đến lĩnh vực gia đình của tỉnh Đồng Nai
- 5Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Kế hoạch 579/KH-UBND tổ chức Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022
- 7Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn năm 2023 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Quyết định 144/QĐ-UBND-HC năm 2023 về Bộ Tiêu chí tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp Tỉnh Đồng Tháp
- 9Kế hoạch 57/KH-UBND về tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48 Vì hòa bình năm 2023 do Thành phố Hà Nội ban hành
- 10Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, giai đoạn 2023-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 11Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2023 về Chương trình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030
- 12Quyết định 2330/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tập trung đông người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 13Kế hoạch 729/KH-UBND năm 2023 về tổ chức hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024
Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2023 về tổ chức sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
- Số hiệu: 24/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 13/01/2023
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Hồng Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/01/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định